Gốc Quê

Phiên bản đầy đủ: ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
MỜI XEM, MỘT BÀI THƠ HAY TIỀN CHIẾN. ( tập hợp từ nhiều nguồn của nhiều tác giả, nhà phê bình. )

ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY - NÀNG LÀ AI?

Bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" của Quang Dũng được ngườI yêu thơ thuộc nằm lòng. Quang Dũng là nhà thơ thời tiền chiến có nhiều bài thơ hay, trữ tình như: "Tây Tiến", "Đôi bờ"... nhưng "Đôi mắt người Sơn Tây" là một bài thơ được nhiều người ái mộ. Bài thơ nói lên cuộc gặp gỡ đượm màu chia ly giữa nhà thơ vớI người con gái trong thờI loạn lạc, một thoáng quen nhau và chia tay giã biệt - một cuộc tình buồn ngắn ngủi:

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến mớI ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Như vậy ngườI con gái nầy chắc hẳn ở Sơn Tây, và đã gặp nhà thơ? Nhưng nàng là ai, tên gì, làm gì, ở đâu? Nhiều giai thoại cho rằng Quang Dũng quen người con gái Pháp (vì có câu “Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương“?) nhưng Tây Phương cũng là địa danh của tỉnh Sơn Tây ngày ấy (nay là tỉnh Hà Tây) vớI ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng (bài thơ "Mười hai vị La Hán ở chùa Tây Phương của Huy Cận).
Trong lịch sử thi ca đã có nhiều thiếu nữ làm ngẩn ngơ bao người thưởng ngoạn, luôn cả các văn nhân thi sĩ như chuyện của nàng T.T.Kh, tác giả bài "Hai sắc hoa tigôn", hay hình ảnh người con gái trong "Tống biệt hành" của Thâm Tâm (…Em nhỏ thơ ngây đôi mắt biếc - gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…) đã làm các nhà phê bình tốn bao nhiêu giấy mực. Thời kháng chiến ngoài những bài thơ trữ tình kể trên Quang Dũng còn có những bài thơ khác cũng hay như bài "Những làng đi qua":
Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùn rơm khói thuốc bạch đầu quân
Quang Dũng là ngườI đa tài, có thờI gian nhà thơ sống bằng nghề vẽ tranh, làm nhạc công cho gánh hát… Trong kháng chiến, có lần Quang Dũng tham dự cuộc triển lãm hội họa vớI bức tranh tựa đề: "Gốc bàng". Ông còn soạn cả nhạc nữa, bài "Ba Vì mờ sương" được nhiều ngườI hát trong thờI kháng chiến:
Ba Vì mờ cao
Làn sương chiều xa buông
Gió về hương ngát thơm
Đưa hồn về đâu?
Trở lạI chuyện người con gái Sơn Tây, theo nhạc sỹ Phạm Duy (bạn học của Quang Dũng ở trường Thăng Long Hà Nội - Quang Dũng ngồi sau Phạm Duy hai hàng ghế, người to con nhưng rất hiền) kể lại, lúc Quang Dũng còn là đạI đội trưởng trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Hoà Bình. Vừa được nghỉ phép, về thăm gia đình ở Phùng thuộc tỉnh Sơn Tây, anh tạt qua nơi có tên là kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người tình cũ tên là Nhật.( người Viêt chánh cống) Người tình nầy, còn có một mỹ danh nữa là Akimi, nàng có hàng cà phê trong vùng cách mạng mà ông thường hay ghé uống. Nàng chính là ngườI đẹp Sơn Tây, nguồn cảm hứng dạt dào cho Quang Dũng viết bài "Đôi mắt người Sơn Tây". Ông đã tặng nàng bài thơ có câu:
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương
Akimi Nhật sống cùng mẹ trong cái quán nước đơn sơ nầy, nhà thơ thường hay lui tớI. Có lần Quang Dũng sáng tác ngay một bài thơ ca ngợi nàng và dán ngay lên vách nứa:
Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước kênh đào sóng nổI lên
Ý nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên…
(Đây là bài thơ mới phát hiện sau nầy do chính bà Nhật định cư ở Hoa Kì cung cấp).
Qua thơ, ngườI thưởng thức vẫn thấy một bóng hình đẹp, lãng mạn của ngườI con gái, tuy rằng không thấy mặt...?. Có lần Phạm Duy cùng Quang Dũng đi xe đạp về chợ Neo, hai người chạy song song trên đường làng. Thi sĩ kể về mối tình của mình vớI ngườI đẹp Akimi và đọc lên bài thơ tặng nàng:
Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông kia từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi gió heo về một sớm mai
(Đôi bờ )
Sau nầy, chiến tranh lan rộng, Akimi theo mẹ về thành bỏ lạI ngườI xưa…. tan vỡ một mốI tình….
Tới năm 1954, nàng di cư vào Nam, sống ở Sài Gòn, một thời là kiều nữ của nhà hàng Tự Do, đến năm 1975 sang Mỹ định cư. Nàng đi để lạI cho Quang Dũng một nỗI nhớ ơ hờ chỉ biết:
Bên nầy đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào…
Bài thơ càng nổI tiếng như cồn ở miền Nam khi cố nhạc sỹ Phạm Đình Chương phổ nhạc qua cung thứ rất hay. (Bài hát nầy chỉ qua giọng truyền cảm của nam danh ca Duy Trác mớI thể hiện nổi). Có người ngạc nhiên khi thấy ông phổ một lượt tớI hai bài thơ trong đó: đoạn đầu ad lib lại lấy "Đôi bờ", phần sau là phần chính, phổ từ bài "Đôi mắt người Sơn Tây", rất độc đáo, rất hiếm trong âm nhạc.
Chính người đẹp Akimi là nguồn cảm hứng dạt dào cho những bài thơ bất tử của Quang Dũng và Phạm Đình Chương, là người có công đã chắp cánh tiếp cho thơ Quang Dũng bay cao, bay xa mãi trong lòng người…

TIỂU SỬ
Quang Dũng tên thật Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội).
Trước cách mạng tháng Tám, ông học Ban trung học trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp, ông đi dạy học tư ở Sơn Tây.
Ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu.[1]
Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khoá học, ông làm Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn Tây Tiến. Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua đất Tây Bắc. Trong thời gian này, ông còn được cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào - Việt[1].
Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm Trưởng tiểu ban tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III. Ông đã viết rất nhiều truyện ngắn xuất bản và viết kịch, cũng như đã triển lãm tranh sơn dầu cùng với các hoạ sĩ nổi danh. Ông sáng tác nhạc, bài Ba Vì của ông đã nổi tiếng ở trong khu kháng chiến. Ông làm bài thơ Tây Tiến năm 1948 khi dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Nam).
Tháng 8 năm 1951, ông xuất ngũ.[1]
Sau 1954, ông làm Biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về Nhà xuất bản Văn học.
Ông bị gửi đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, và lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Thơ của ông bị phê bình trên báo chí miền Bắc lúc đó là mang hơi hướng "tiểu tư sản", thiếu tính chiến đấu, còn ở miền Nam thì được xuất bản và phổ biến rộng rãi và được nhiều người yêu thích[2].
Về sau này, như những nhà thơ lớn khác, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh,... ông mai một và mất đi trong âm thầm.
Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 sau một thời gian dài đau ốm tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
( Cũng từ net mới biết hóa ra Quang Dũng - tên thật Bùi Đình Dậu (sinh 1921, tuổi dậu, sau đổi thành Diệm) là anh ruột thiếu tướng Bùi Đình Đạm. Ai ở Nam trước 1975 chắc nhớ ông tướng này: trên 18 tuổi mà không có cái thẻ Hoãn dịch ông kí cho thì trước sau đi đường cũng bị tóm vào trung tâm nhập ngũ bởi ông là Giám đốc Nha động viên, về sau là Thiếu tướng tư lệnh Sư đoàn 7 BB.)

Ông là người tài hoa, vẽ tài, hát giỏi, thơ hay. Bài thơ Tây Tiến của ông mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc như Tây Tiến (Phạm Duy phổ nhạc), Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương phổ từ hai bài thơ Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây), Kẻ ở (Cung Tiến phổ nhạc). Đặc biệt bài thơ Em mãi là 20 tuổi được 3 nhạc sĩ phổ nhạc khác nhau (Việt Dũng, Phạm Trọng Cầu, Khúc Dương).
Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Bài Thơ Sông Hồng (1956), Rừng Biển Quê Hương (1957), Mây Đầu Ô (1986); truyện ngắn Mùa Hoa Gạo (1950); hồi ký Làng Đồi Đánh Giặc (1976)... Thơ Quang Dũng nằm giữa biên giới của thật và mơ, như khói như mây mờ mờ ảo ảo, như tiếng vọng từ chân trời nào xa vắng...

ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương ?

Mẹ tôi, em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan ?

Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoát thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta ?

(1949)

Bài thơ này có rất nhiều dị bản do chính tác giả sửa trong các bản in khác nhau.





MỜI XEM TIẾP SAU
tiếp theo

BA BÀI THƠ NỖI TIẾNG CỦA THI SĨ QUANG DŨNG

ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương ?

Mẹ tôi, em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan ?

Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoát thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta ?

(1949)

Bài thơ này có rất nhiều dị bản do chính tác giả sửa trong các bản in khác nhau.





ĐÔI BỜ

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ ta chăng?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh đất Tần
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm nay sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?




thơ Quang Dũng nhạc Phạm đình Chương, Phạm ngọc Lân đàn

TÂY TIẾN

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

1948



tiếp nữa nhé.

DỊ BẢN CÂU CHỮ VỀ Mắt người Sơn Tây

Một sự quan tâm hết sức lý thú của người yêu thơ với bài thơ viết về đôi mắt giàu thân phận, một đôi mắt rất con người của một vùng đất cụ thể có tên là Sơn Tây để thành "Đôi mắt người Sơn Tây" sau được đổi thành "Mắt người Sơn Tây".
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Lên núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khuắt thổi đêm trăng.”

Tìm về các văn bản gần như gốc của bài thơ này của hai nhà thơ tri âm tri kỷ của nhà thơ Quang Dũng, đó là nhà thơ Trần Lê Văn và nhà thơ Ngô Quân Miện. Văn bản của nhà thơ Trần Lê Văn : tìm được từ cuốn "Thơ hay có lời bình -100 bài" của nhiều tác giả do nhà thơ Vân Long tuyển chọn, Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành đầu năm 2000. Và của nhà thơ Ngô Quân Miện là trong tuyển tập "Xứ Đoài Thơ" (Nhà thơ Ngô Quân Miện chọn thơ) do Hội Văn học Nghệ thuât Hà Tây ấn hành năm 1994. Trong hai tập sách này đều đã chọn in toàn bộ "Mắt người Sơn Tây".
. Dáng chảy thật của Sông Đáy cũng cho ta cảm quan vậy khi nó ở trong địa phận Quốc Oai. Bờ sông thì vẫn địa dư ấy nhưng dòng nước thì trôi về xuôi và ra biển cho dù nó chảy chậm vì đã có đập Đáy ngăn nước ở phía trên. Như vậy sông Đáy chỉ có thể "chậm nguồn qua Phủ Quốc" chứ không thể "chậm nguồn quanh Phủ Quốc" được. Nếu chảy quanh thì hẳn là con sông chảy vòng rồi mà điều này là không có thực.
Chính nhà thơ Trần Lê Văn trong lời bình về bài thơ "Mắt người Sơn Tây" cũng đã viết: Nghĩ đến ngày chấm dứt chiến tranh, anh hình dung ra cảnh hân hoan. "Khúc hoàn ca" hào hùng tuyệt đẹp nhưng cũng "rớm lệ", những giọt lệ của niềm vui tái ngộ. Anh cũng hình dung cảnh thanh bình sẽ tới của xứ Đoài với đồng lúa vàng dưới núi Sài Sơn, với sông Đáy ung dung chảy qua Phủ Quốc và đêm trăng trầm bổng tiếng sáo diều
Nhưng chưa phải đã hết về dị bản trong một số câu chữ khác của bài thơ nổi tiếng này. Ngay câu thơ ở đầu của bài thơ "Mắt người Sơn Tây" thì văn bản trong bài bình thơ của nhà thơ Trần Lê Văn viết:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Trong tuyển tập "Xứ Đoài Thơ" do nhà thơ Ngô Quân Miện chọn thơ lại in là:
Em mới thành Sơn chạy giặc về
Và còn tiếp..
Bản của Nhà thơ Trần Lê Văn in:
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ
Trong "Xứ Đoài Thơ" do nhà thơ Ngô Quân Miện chọn thơ thì câu thơ thứ tư có khác một từ. Đó là:
Khúc hoan ca rớm lệ
Tuyển tập "Thơ Hà Tây thế kỷ XX" do Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây in năm 1997 và cả bản bình thơ của nhà thơ Trần Lê Văn nữa trong bài thơ "Mắt người Sơn Tây" đều in:
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Còn "Xứ Đoài Thơ" lại in:
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Trong Tuyển tập thơ "Quê hương" của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2001 về bài "Mắt người Sơn Tây" có in câu thơ:
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Và :
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Thì trong "Thơ Hà Tây thế kỷ XX" lại in:
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Và :
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Trong cuộc tìm kiếm và đọc “Mắt người Sơn Tây” này tôi còn bắt gặp những dị bản khác nữa in trên mạng:
Như :
Bao giờ trở lại làng Bương cấn
Hoặc:
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Và:
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Thành:
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Bản thân nhà thơ Quang Dũng theo nhà thơ Trần Lê Văn cho biết thì ông cũng đã từng sửa chữa bài thơ này của mình. Tỷ như mới đầu bài thơ có tên là "Đôi mắt người Sơn Tây" sau vì muốn tính ảo và tính thực của bài thơ mở ra hơn nhà thơ đã bỏ đi chữ đôi và giữ lại bốn từ là "Mắt người Sơn Tây".
Riêng tôi thì lại muốn đọc đề bài thơ như cũ là "Đôi mắt người Sơn Tây" vì nó có cảm giác gần gụi và đằm thắm hơn. Cũng theo nhà thơ Trần Lê Văn, trong bài thơ có câu thơ gắn liền với cảm xúc của nhà thơ Quang Dũng về một đôi mắt thăm thẳm xanh có thật với gương mặt có pha chút hình dáng Tây Phương của người con gái ở phía non Đoài đã giúp cho thi sĩ có câu để đời là:
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Nhưng cũng có thời vì lo lắng nọ kia mà ông sửa câu này thành :
Mắt em như nước giếng thôn làng
Một câu thơ thứ cấp so với câu trên. Mắt em ví với nước giếng thôn làng làm sao có thể lung linh huyền diệu bằng cái dìu dịu buồn Tây Phương ấy được khi mà có thể chỉ là của nhà thơ Quang Dũng và những đứa con dứt ruột của Xứ Đoài mới nhận ra và thấu hiểu được cái vời vợi và sâu thẳm ấy của người thơ và nhân vật của câu thơ…
Lâu nay, "Đôi mắt người Sơn Tây" hay "Mắt người Sơn Tây" với hàm ý từ danh từ trở thành tính từ của cái đẹp. Tuy có từ nọ chữ kia đọc hoặc in khác đi nhưng hồn cốt của bài thơ vẫn nguyên vẹn trong tình yêu của người yêu thơ với bài thơ. Tình yêu ấy là tình yêu nằm lòng và thường được cất lên bằng cảm xúc riêng mỗi người.
Những sự có thể khác nhau ấy trong đôi ba từ ngữ của bài thơ tôi nghĩ phải chăng đó là điều thú vị và niềm hạnh phúc của những tác phẩm giàu tín đồ. Bởi bài thơ “Mắt người Sơn Tây” đã được rất nhiều người đọc và thuộc. Trong cái thuộc lòng ấy không tránh được cái cảm cái nhớ theo nỗi yêu của mỗi người mà dẫn đến những dị bản chữ nghĩa đáng yêu này!
Bạn học của tôi là nhà văn Nguyễn Kế Nghiệp lúc sinh thời đã thuộc lòng "Mắt người Sơn Tây" của nhà thơ Quang Dũng. Anh còn thuộc cả bài hát mang tên bài thơ này do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc nữa.
Mỗi lần bạn bè Sơn Tây gặp nhau nếu có Nguyễn Kế Nghiệp thường thường là chúng tôi yêu cầu anh đọc bài thơ này cho mọi người cùng thưởng thức. Như chạm phải mạch giếng trong vắt của những vùng đồi quê kiểng, mắt chàng trai Sơn Tây ấy như mê đi và anh cất giọng:
Em mới thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?
TIẾP THEO VÀ CHẤM HẾT

HÌNH TƯỢNG ĐÔI MẮT TRONG THƠ QUANG DŨNG

Nghiên cứu toàn bộ tác phẩm của các tác giả văn học, ta thường thấy trong thế giới nghệ thuật của mình các nhà văn thường có một số hình tượng tâm huyết cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như một “ ám ảnh’ đối với nhà văn ấy .Trong thơ Hàn Mặc Tử, ta thường thấy ông hay nói đến trăng nên trăng trở thành hệ thống hình tượng ám ảnh trong thế giới nghệ thuật của ông.Với Hàn Mặc Tử ,trăng trở thành người bạn tâm tình an ủi xoa dịu nỗi đau thể xác và trăng là đối tượng để Hàn Mặc Tử vươn tới cõi đẹp vĩnh hằng quên đi mọi bất hạnh mà chính mình phải chịu. Với Vũ Trọng Phụng, nhân vật thầy tướng số bói toán có mặt trong hầu hết tác phẩm của ông. Nói như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh: ”Đó là yếu tố tư tưởng nghệ thuật cơ bản của Vũ Trọng Phụng có nội dung triết lí bi quan định mệnh chủ nghĩa nẩy sinh như là một điều tất yếu của con người thông minh sắc sảo, ham triết lý thích khái quát, ráo riết đi tìm nghĩa lí của cuộc đời mà bất lực”. Với Quang Dũng hệ thống hình tượng ám ảnh trong thế giới nghệ thuật của ông là hình tượng đôi mắt.

Trong thơ Quang Dũng hình tượng đôi mắt cứ lặp đi lặp lại với nhiều dáng vẻ khác nhau. Năm 1948 rời Tây Tiến, ngồi ở Phù Lưu Chanh trong nỗi nhớ khôn nguôi về chốn cũ, Quang Dũng đã sáng tác bài thơ Tây Tiến. Bài thơ đã khắc họa chân dung người lính Tây Tiến bằng hai bút pháp tả thực và lãng mạn. Ở bút pháp tả thực, người lính Tây Tiến hiện lên với bao nỗi gian khổ nghiệt ngã như bị bệnh sốt rét và thương hàn khiến tóc người nào người nấy đều rụng hết và da người nào người nấy bủng như da chanh xanh như tàu lá. Còn ở bút pháp lãng mạn tác giả tả đôi mắt của họ mở to ,sáng quắc, trừng trừng, dữ dội tỏ rõ khí phách oai hùng. Thế nhưng bên trong họ lại có trái tim đong đầy thương nhớ tình tứ:

Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Bên cạnh đôi mắt oai hùng, ta còn bắt gặp đôi mắt tràn đầy tình cảm với bao thương nhớ, biết buồn cô quạnh trong những sáng heo may, biết mong chờ bên dòng sông mưa rơi lớp lớp.Đó là hình ảnh đôi mắt trong bài thơ Đôi bờ được sáng tác 1948:

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai?

Khác với hai đôi mắt trên, ở bài Mắt người Sơn Tây, tác giả sáng tác năm 1949 trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào hồi quyết liệt,khói lửa chiến tranh mịt mù. Ngoài tên đề nhấn mạnh đến Mắt người Sơn Tây, trong bài thơ tác giả còn nhắc đi nhắc lại hai lần hình tượng đôi mắt. Một là cùng với vầng trán yêu thương vương mang cả đất trời quê hương, đôi mắt bấy giờ lại tỏa ra ánh buồn dìu dịu của hồn quê Tây Phương:

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?...

Hai là hình tượng đôi mắt của nỗi niềm u uẩn lưu lạc khôn khuây trong những ngày quê hương đầy bóng giặc:

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây

Cùng năm 1949 tác giả còn sáng tác bài Lính râu ria. Bài thơ vừa mang tính tự sự vừa mang tính trữ tình. Ở tính tự sự Quang Dũng kể không gian là bên bờ sông vắng , một cái quán tản cư nhỏ.Thời gian là một đêm khuya khoắt.Những người lính đi ngang qua đó , người thì gọi cà phê, người thì gọi thuốc lá... Có một anh lính tuổi vừa ba mươi hỏi chị chủ quán bán cho li rượu và hỏi cháu bé ngủ ở đâu? Rồi anh bế con chị…Kế đến tác giả tả đứa bé năm tháng tuổi với cái má hồng như trái mận, nụ cười chúm chím dễ thương sao. Đặc biệt Quang Dũng cũng không quên tả đôi mắt. Đôi mắt của đứa bé sáng trong đẹp, nhìn trông như sao trời:

Khuya khoắt bờ sông vắng
Lửa hồng quán tản cư
Lính mấy chàng vất vả
Tìm sống một đêm thơ
Một người kêu cà phê
Một anh gọi thuốc lá
Một người nhìn sau trước…
….
Chị ơi! Cháu ngủ đâu
Rồi anh bế con chị
Anh lim dim cúi đầu
Cô bé cười chúm chím
Mắt non nhìn như sao
Đôi mắt nhìn như sao
Má hồng như trái mận

Và cũng năm 1949, trong một chuyến đi công tác ở Đan Nê, nhà thơ đã cảm xúc sáng tác bài Nhớ. Quang Dũng nhớ đến một mái nhà tranh ở cuối làng. Nhớ đến gia cảnh rất nghèo khó. Nhớ một mẹ già đang bị sốt. Nhớ bữa cơm đạm bac mà ngon miệng. Nhớ mẹ già nghèo tốt bụng tiền cơm không lấy. Và đặc biệt nhớ đôi mắt sáng trong tươi trẻ của đứa cháu gái mồ côi:

Cháu mồ côi - cháu gái
Mắt sáng trong đang tập đánh vần

Trong bài Hồng Phú Châu Giang sáng tác năm 1957, nhà thơ ghi nhận lại một chặng dài của thời gian thay đổi của quê hương từ những ngày kháng chiến chống Pháp cho đến những năm sau hòa bình 1954. Trong tất cả những ghi nhận khó quên ấy, Tác giả cũng không quên chú ý đến đôi mắt đẹp của những cô hàng tạp hóa ở Hồng Phú( nay là Phủ Lí tỉnh Hà Nam):
Hồng Phú, những cô hàng tạp hóa

Mắt đẹp nhìn bâng khuâng
Quang Dũng và Hữu Loan là hai người bạn, trước 1954 cả hai cùng gia nhập quân đội tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau hòa bình lập lại, cả hai cùng lận đận. Hữu Loan về quê làm lao động chân tay thồ đá, còn Quang Dũng thì ngày ngày đi lượm củi lá khô giúp vợ đun bếp. Những ngày lận đận ấy Quang Dũng không liên lạc được với Hữu Loan, ông phải gởi nỗi thương, nỗi xót, nỗi nhớ và cả niềm khâm phục trong bài Nhớ bạn sáng tác năm 1965. Trong bài thơ ấy tác giả cũng nhắc đến hình ảnh đôi mắt,nhưng không phải đôi mắt sáng trong hay đôi mắt u buồn mà là đôi mắt có màu cao xanh bề thế rộng lớn của da trời để xứng hợp với hình ảnh đôi vai, hình ảnh con chim phượng hoàng, và con chim đại bàng :

Ai mắt đọng da trời
Đôi vai rộng
Đã thồ bao đá núi
Mồ hôi uổng tháng ngày
Con chim phượng hoàng
Con chim đại bàng
Nuốt lửa kiếm rau
Ngày trọn bữa…
Càng về sau trong thơ Quang Dũng , hình ảnh đôi mắt mang một dáng vẻ triết lí với đời. Điều đó chúng ta có thể thấy rõ nhất trong Hai bai thơ tình được tác giả viết kết hợp vừa thơ, vừa thơ văn xuôi. Ở đó người đọc có thể bắt gặp đôi mắt mơ màng trong khói thuốc chiều sông hoặc đôi mắt khóc hết đến hết nước mắt cho đời :

Khói thuốc chiều sông hỡi dáng người
Phượng nào đôi mắt ngó xa xôi
Có ai thấu được niềm u uẩn
Từng lắng nhiều phen những mảnh đời

Thời đại bao lần khô nước mắt
Hoa đèn riêng gửi chút tâm tư
Ngắn dài đã học người thiên cổ
Vạn đại sầu lên chẳng bến bờ

Bên cạnh hình ảnh đôi mắt mang dáng vẻ triết lí , trong bài Hai bài thơ tình, tác giả còn xem đôi mắt là một nghệ thuật của cái đẹp. Cùng với mái tóc dài, vầng trán cao, đôi mắt có sức quyến rủ say mê:
Vầng trán em cao, sáng ngời linh hồn. Ôi đẹp và say đôi mắt

Ôi mái tóc – đôi mắt thẳm xưa
Tất cả mắt em là nghệ thuật
Nhớ em dòng tóc dài đôi mắt…

Khi nhà thơ hồi tưởng về “cô gái vườn ổi” của một thời yêu hai mươi năm trước. Người vườn ổi ấy đã về quê nhà lúc vùng quê đang mùa lúa chín. Cô gái đến nhà, mẹ tác giả ra đón. Cô gái bước lên thềm với ánh mắt tươi cười. Thông thường người ta nói miệng nở nụ cười hay cười ở đôi miệng. Ở đây, Quang Dũng lại phát hiện ra ở cô gái cười nơi đôi mắt:

…Đường về quê hương mùa lúa chín
Chim ngói bay vào thửa tám thơm
Em đã đi về xem gặt lúa
Làng anh bừng sáng cả đường thơm
Mẹ đã chiều em như gái nhỏ
Thềm cao em bước mắt tươi cười

Như vậy ta thấy thơ Quang Dũng, trong cái hùng có đôi mắt, trong cái bi có đôi mắt,trong cái vui có đôi mắt, trong cái đẹp có đôi mắt, trong hiện tại có đôi mắt , trong quá khứ kỉ niệm có đôi mắt,trẻ con có đôi mắt trẻ con, người yêu có đôi mắt của người yêu…Tựu trung trong thơ Quang Dũng hình tượng đôi mắt cứ lặp đi lặp lại và trở thành hệ thống hình tượng ám ảnh trong thế giới nghệ thuật của ông. Ta có thể chia hình tượng đôi mắt trong thơ Quang Dũng ra như sau:Đôi mắt mang thuần tính hội họa và đôi mắt thể hiện tính triết lí, nhân sinh quan cuộc đời. Người ta thường nói ‘thi trung hữu họa”. Quang Dũng là nhà thơ, điều này ai cũng biết, nhưng bên cạnh đó Quang Dũng còn là một họa sĩ tài hoa. Hai lĩnh vực này cùng tồn tại trong con người Quang Dũng nên trong thơ ông giàu hình ảnh, màu sắc. Ai cũng biết họa chân dung một con người, cái khó nhất là ở đôi mắt. Đôi mắt như thế nào để thể hiện rõ niềm vui, nỗi buồn hay cá tính của người ấy. Cái đó thật là khó vì “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Nhà thơ Quang Dũng chịu ảnh hưởng của cái phần con người họa sĩ mang trong mình ấy nên khi tả chân dung một con người ông thường hay nói đến đôi mắt. Đôi mắt trong thơ ông dường như đã thể một cách nhạy cảm các cung bậc tâm hồn ông – một nhà thơ mà cuộc đời đã không công bằng phải chịu nhiều nỗi thăng trầm…

Từ những yếu tố hình tượng nghệ thuật đôi mắt có tính hệ thống nói trên, ta thấy một trong những biểu hiện tư tưởng nghệ thuật của Quang Dũng là thông qua đôi mắt, tác giả muốn nói đến cái đẹp ở chân dung, đẹp ở tấm lòng, đẹp ở”giữ tình người cho đẹp”./.
[Hình: attachment.php?aid=6678]
URL chuyển đến