Gốc Quê

Phiên bản đầy đủ: DẤU HIỆU ĐỘT QUỴ & CẤP CỨU
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Dấu hiệu đột quỵ và cách sơ cứu

Ghi nhớ quy tắc F.A.S.T nhận biết người đột quỵ, đặt nằm nghiêng, theo dõi phản ứng và lập tức gọi cấp cứu đưa đến bệnh viện.

Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là tình trạng tắc đột ngột mạch máu não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến chết các tế bào não. Đây là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và khả năng gây tử vong cao. Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả khi đang làm việc hay nghỉ ngơi. Bệnh nhân cần được đưa vào bệnh viện càng nhanh càng tốt trong "thời gian vàng", để kịp thời cứu các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu oxy và dinh dưỡng.

Ghi nhớ quy tắc F.A.S.T để nhận biết một người có dấu hiệu đột quỵ.

Face (Khuôn mặt): Mặt có những dấu hiệu khác thường như cười méo miệng, rối loạn thị lực.

Arm (Tay): Tay và chân mệt mỏi khó cử động.

Speech (Lời nói): Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.

Time (Thời gian): Bạn cần gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt. Khi quan sát thấy ai đó có ít nhất 1 trong 3 biểu hiện trên (lệch mặt, yếu chân tay, nói khó) hãy nghĩ đến bệnh lý đột quỵ não và lập tức gọi cấp cứu ngay không trì hoãn.

Gọi người trợ giúp, gọi ngay xe cấp cứu chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng bệnh nhân hôn mê. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng cho phép có thể vận chuyển bằng bất cứ phương tện nào sẵn có để có thể chuyển đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu về đột quỵ.

Trong quá trình chờ xe, nếu bệnh nhân rối loạn ý thức, nôn mửa, cần đặt bệnh nhân ở tư thế hồi sức. Đầu tiên, bạn quỳ xuống một bên của nạn nhân, sửa tay phía bạn vuông góc. Bước hai, kéo tay bên kia của nạn nhân đặt lên má, lòng bàn tay hướng ra ngoài. Bước ba, kéo chân co lên, để lòng bàn chân tiếp xúc với mặt đất. Giữ tư thế đó và kéo nạn nhân quay về phía bạn là hoàn thành tư thế hồi sức. Nếu bệnh nhân tỉnh, hỗ trợ bệnh nhân nằm thoải mái, theo dõi liên tục.

[Hình: attachment.php?aid=14460]

Cách đăt bệnh nhân tư thế hồi sưc. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Không nên cạo gió, chích máu đầu ngón tay... Không chờ đợi bệnh nhân ổn rồi mới gọi cấp cứu hoặc mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Trong mỗi phút của một cơn đột quỵ, não bị mất đi khoảng hai triệu tế bào, mỗi giờ trôi qua, bộ não sẽ bị lão hóa một khoảng thời gian tương đương với ba năm rưỡi.

Khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, cần chuyển ngay tới các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Nếu được cấp cứu trong vòng 4,5 giờ bệnh nhân có thể được tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch; nếu trong vòng 6 giờ, bệnh nhân bị tắc mạch não lớn có thể được tái thông bằng dụng cụ cơ học, giúp bệnh nhân hồi phục hoặc giảm thiểu các di chứng.

ĐỘTQUỴ & DI CHỨNG

Sau cơn đột quỵ, người bệnh có thể chịu những di chứng như nuốt khó, khó thở, mất thị lực, yếu liệt chi, đại tiểu tiện không tự chủ...

Một nam sinh 15 tuổi ở Lạng Sơn tiền sử mắc bệnh tim đã đột tử khi đang chơi thể thao tại trường, ngày 18/10, nguyên nhân đột quỵ. Tháng 10, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM liên tiếp cấp cứu các trường hợp đột quỵ, trong đó, hai nam bệnh nhân trung niên bị tái đột quỵ.

Theo Bộ Y tế, đột quỵ hay tai biến mạch máu não là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đứng hàng đầu về tỷ lệ di chứng tàn tật sau điều trị. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3, cho biết đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Trong ba giờ đầu sau khởi phát, bệnh nhân đột quỵ được can thiệp kịp thời sẽ có cơ hội sống, hồi phục và ít di chứng. Mặc dù vậy, cũng giống như mỗi cá thể là duy nhất, mỗi bệnh nhân đột quỵ sẽ gặp một hoặc nhiều di chứng về thể chất khác nhau.

Hệ hô hấp

Đột quỵ xảy ra ở thân não, nơi kiểm soát các chức năng quan trọng, có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Loại đột quỵ này nhiều khả năng dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.

Nếu vùng não kiểm soát việc ăn và nuốt bị tổn thương, người bệnh có thể gặp chứng khó nuốt. Đây là một triệu chứng phổ biến sau đột quỵ, song thường cải thiện theo thời gian. Trường hợp các cơ trong cổ họng, lưỡi hoặc miệng không thể đưa thức ăn xuống thực quản, thức ăn và chất lỏng có thể đi vào đường thở và đọng lại trong phổi. Điều này sẽ gây ra các biến chứng như nhiễm trùng và viêm phổi.

Hệ thần kinh

Hệ thần kinh được tạo thành từ não, tủy sống và mạng lưới các dây thần kinh khắp cơ thể. Hệ thống này gửi tín hiệu qua lại từ cơ thể đến não. Khi não bị tổn thương, nó sẽ không nhận những thông điệp này một cách chính xác, như ấm hay lạnh một cách bình thường. Bạn có thể cảm thấy đau hơn bình thường hoặc đau khi thực hiện các hoạt động mà trước đột quỵ không đau.

Ngoài ra, bạn sẽ gặp những thay đổi về thị lực, khi các bộ phận của não liên quan tới mắt bị tổn thương, gồm mất thị lực, mất một bên hoặc các phần của tầm nhìn và các vấn đề về cử động mắt, thậm chí não có thể không nhận được thông tin thích hợp từ mắt.

Bàn chân rũ (bên yếu liệt) là hiện tượng phổ biến trong đột quỵ, khiến bạn phải kéo lê các ngón chân dọc theo mặt đất hoặc gập đầu gối để nâng bàn chân lên cao hơn không bị kéo lê khi đi bộ. Vấn đề thường là do tổn thương dây thần kinh và có thể cải thiện khi phục hồi chức năng.

Theo bác sĩ Vũ, có một số sự chồng chéo giữa các khu vực não và chức năng của chúng. Tổn thương phần thùy trán gây ảnh hưởng đến những chức năng nâng cao, gồm những đặc trưng phức tạp, tinh tế của con người như tính toán, lập kế hoạch, tưởng tượng, giải quyết các vấn đề khó khăn và những tình huống xã hội.

Trường hợp người bệnh bị đột quỵ ở bán cầu não phải (nơi điều khiển nửa cơ thể bên trái) thì phía bên trái của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể gặp một hoặc tất cả những di chứng như tê hoặc liệt bên trái cơ thể; thị giác bị ảnh hưởng, thường là nhìn mờ, nhìn không rõ; khó khăn trong giao tiếp (nói khó, diễn đạt không rõ nghĩa, ú ớ nói không được...); mất trí nhớ hoặc suy giảm trí nhớ. Và ngược lại, nửa cơ thể bên phải sẽ gặp di chứng tương tự nếu đột quỵ xảy ra ở bán cầu não trái.

Nếu bị tổn thương ở thân não, tùy mức độ nặng hay nhẹ mà chấn thương có thể ảnh hưởng một nửa người hay cả hai bên cơ thể. Sau đột quỵ, bạn cũng có nguy cơ cao bị co giật với tỷ lệ 1/10. Điều này thường phụ thuộc vào kích thước của vùng não bị đột quỵ, vị trí và mức độ nghiêm trọng của nó.

Hệ tuần hoàn

Đột quỵ thường do các vấn đề tồn tại trong hệ tuần hoàn tích tụ theo thời gian, như biến chứng liên quan đến cholesterol cao, huyết áp cao, hút thuốc và tiểu đường. Đột quỵ có thể do chảy máu, được gọi là đột quỵ xuất huyết, hoặc dòng máu bị tắc nghẽn được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (chiếm 80-90% tổng số ca đột quỵ).

Người từng bị đột quỵ, có nguy cơ cao bị đột quỵ lần thứ hai hoặc cơn đau tim. Để ngăn ngừa một cơn đột quỵ khác, bác sĩ Vũ khuyến nghị bệnh nhân thay đổi lối sống, như ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất nhiều hơn, bỏ thuốc lá và nên dùng thuốc theo đúng chỉ định.

Hệ vận động

Tùy thuộc vào khu vực não bị tổn thương, đột quỵ có thể gây ảnh hưởng đến nhiều nhóm cơ khác nhau. Khi các thông điệp không thể truyền đúng cách từ não đến các cơ, có thể gây tê liệt và yếu cơ, gây khó khăn trong việc nâng đỡ cơ thể cũng như chuyển động và giữ thăng bằng. Người bệnh cần tập phục hồi chức năng để cải thiện sức cơ.

Hệ tiêu hóa, tiết niệu

Trong thời gian đầu phục hồi sau đột quỵ, hệ tiêu hóa, tiết niệu thường không hoạt động như bình thường. Nguyên nhân là do người bệnh không uống đủ nước, không hoạt động thể chất đủ nhiều và do tác dụng phụ của việc phải dùng nhiều loại thuốc điều trị bệnh.

Đột quỵ cũng có thể ảnh hưởng đến phần não kiểm soát ruột, bàng quang khiến việc đại tiện, tiểu tiện mất tự chủ. Người bệnh có thể cần phải đi tiểu thường xuyên hơn, hoặc bạn có thể đi tiểu khi ngủ hoặc khi ho hoặc cười. Tình trạng này phổ biến trong giai đoạn hồi phục và thường cải thiện theo thời gian.

Hệ sinh dục

Đột quỵ không trực tiếp thay đổi cách hệ thống sinh dục hoạt động, nhưng nó có thể thay đổi cách bạn trải nghiệm tình dục và cách bạn cảm nhận về cơ thể mình. Trầm cảm, giảm khả năng giao tiếp sau đột quỵ và một số loại thuốc cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục, thậm chí là yếu liệt cơ quan sinh dục.

TÁI ĐỘT QUỴ do TỰ NGỪNG THUỐC

Tiến sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết trong giai đoạn phục hồi chức năng, bác sĩ thường kê cho bệnh nhân các nhóm thuốc điều chỉnh yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch... Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định, không được tự ý bỏ thuốc, tăng giảm liều hoặc dùng thêm loại thuốc khác.

Có hai nhóm biến chứng, di chứng chủ yếu sau đột quỵ. Thứ nhất là di chứng do mất chức năng các phần não như không nói được, không vận động được, yếu liệt, tiêu tiểu không tự chủ, nặng nhất là hôn mê. Nhóm thứ hai là biến chứng do nằm lâu một chỗ: loét, nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiểu, cơ khớp bị teo cứng... Ngoài ra, bất động lâu dài có thể khiến người bệnh có những biến chứng về tinh thần như trầm cảm, lo âu...

Người bệnh cần được phục hồi chức năng thông qua các vận động trị liệu - vận động được tay, chân và những bộ phận bị mất vận động; âm ngữ trị liệu - phục hồi rối loạn ngôn ngữ và chức năng nuốt; hoạt động trị liệu - giúp người bệnh có thể tự ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc bản thân, hòa nhập cộng đồng.

Theo bác sĩ Thắng, nghiên cứu cho thấy nếu không được cấp cứu kịp thời và hiệu quả, chỉ 25-30% người bệnh sau đột quỵ có thể tự đi lại, phục vụ bản thân; 20-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày; 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Trong quá trình phục hồi chức năng, người bệnh sẽ dễ gặp phải tình trạng rối loạn tâm lý và cảm xúc, người chăm sóc cần hiểu và thông cảm, an ủi và hỗ trợ người bệnh tập luyện, vận động. Điều này sẽ giúp phục hồi chức năng vận động và ổn định tâm lý cho người bệnh.

"Bản thân người bệnh cũng cần có ý chí, quyết tâm, tinh thần lạc quan, tích cực tập luyện, vận động thì cơ hội hồi phục sẽ tăng", bác sĩ khuyên. Về chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân cần giảm thực phẩm có nhiều đường bột, mỡ béo, mỡ động vật, các thức ăn có vị mặn. Nên tăng cường rau xanh, ưu tiên thịt trắng, hạn chế ăn thịt đỏ và nội tạng động vật.

NGUY CƠ ĐỘT QUỴ với NGƯỜI TĂNG HUYẾT ÁP

Người vừa tăng huyết áp vừa có nhịp tim cao trên 100 lần mỗi phút thì nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim càng cao.

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, tần số tim hay còn gọi nhịp tim là số lần tim đập, co bóp trên mỗi phút. Tần số tim của một người khỏe mạnh khoảng 60-100 nhịp mỗi phút.

Trường hợp tim đập trên 100 lần mỗi phút được gọi là tim đập nhanh và dưới 60 lần mỗi phút được gọi là tim đập chậm. Khi tim đập quá nhanh, tim phải hoạt động nhiều trong một thời gian dài sẽ dẫn đến việc tim không còn hoạt động khoẻ mạnh như trước và dẫn đến tình trạng suy tim.

Nếu tim đập quá chậm với chỉ số dưới 30-40 lần mỗi phút sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu ở các cơ quan. Khi thiếu máu não, người bệnh sẽ cảm thấy choáng váng, có thể ngất đi.

Người có tần số tim cao thì nguy cơ tử vong do các biến cố về tim mạch sẽ cao hơn người có tần số tim bình thường. Do đó, nếu người bệnh vừa tăng huyết áp, vừa có tần số tim cao thì tỷ lệ xảy ra những biến cố tim mạch và tử vong càng cao gấp nhiều lần. Người bệnh tăng huyết áp nên duy trì huyết áp ở mức dưới 130/80 mmHg, tần số tim ở khoảng 60-70 lần/phút, giáo sư Trương Quang Bình cho biết.

Việc chưa nhận thức đầy đủ về ảnh hưởng của tần số tim, tự ý ngưng thuốc, tăng giảm liều lượng thuốc khiến người bệnh tăng huyết áp dễ xảy ra các biến cố nguy hiểm.

Theo bác sĩ Bình, thời gian qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cũng đã tiếp nhận các trường hợp người bệnh tăng huyết áp cấp cứu trong tình trạng khó thở nặng, đau ngực, tim đập nhanh tới 105 lần mỗi phút. Khai thác bệnh sử cho thấy, các bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp nhưng khi thấy sức khỏe dần ổn định thì uống thuốc không đều, có khi bỏ thuốc hai đến ba ngày liên tục. Sau khi thực hiện đo điện tâm đồ, các bác sĩ đánh giá, việc ngưng sử dụng thuốc khiến tần số tim của các bệnh nhân tăng cao quá mức­. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng suy tim, nhồi máu cơ tim.

Theo giáo sư Trương Quang Bình, tần số tim bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Trong đó tình trạng huyết áp cao, lo lắng, căng thẳng, ít vận động, thể lực kém, thiếu máu, thể trạng nhợt nhạt, người có thai, có bệnh tuyến giáp - cường giáp... đều có thể gây tăng tần số tim.

Đối với người bệnh tăng huyết áp có tần số tim cao, bác sĩ cần xem xét toàn bộ các yếu tố nói trên và kiểm soát ngay. Nếu sau khi đã kiểm soát được các yếu tố này mà nhịp tim vẫn còn nhanh, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc điều trị phù hợp nhằm giảm tần số nhịp tim, giảm huyết áp cho người bệnh về mức mục tiêu mong muốn.

Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng trong vòng một đến hai ngày. Việc ngưng thuốc đột ngột hoặc tự ý giảm liều lượng có thể khiến tần số nhịp tim sẽ tăng trở lại, thậm chí có thể gặp phản ứng dội làm tăng tần số tim cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, khi người bệnh tăng huyết áp có chỉ định sử dụng thuốc giảm tần số nhịp tim hoặc các thuốc điều trị ổn định tần số tim, việc ngưng hoặc giảm liều phải từ từ và được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

"Người bệnh không được tự ý ngưng hoặc giảm liều thuốc đột ngột. Điều này có thể làm tăng huyết áp và tăng tần số nhịp tim cùng lúc, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Bình nhấn mạnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Sơn Ngọc - Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khuyến cáo trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, người mắc các bệnh lý về tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng là một trong những đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng nếu nhiễm nCoV.

Theo bác sĩ Ngọc, một nghiên cứu trên người mắc Covid-19 cho thấy, tỷ lệ tử vong ở người có bệnh nền tim mạch cao gấp 5 lần so với người bình thường. Do vậy, bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch của Bộ Y tế, người bệnh cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc mà mình hiện có. Nếu còn ít thì cần gọi điện thoại cho bác sĩ điều trị hoặc phòng khám chuyên khoa mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định. Cần kiểm tra và chắc chắn rằng đã có các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp... Trong trường hợp có chỉ định tái khám, phải đeo khẩu trang và thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của cơ sở y tế.

Nếu có các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt mỏi ngày càng tăng dần hoặc huyết áp, tần số tim không ổn định, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ để nhận được hướng dẫn xử trí phù hợp. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn... thì cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện gần nhất.

Về chế độ sinh hoạt, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ. Nên vận động vừa sức, đảm bảo hạn chế tiếp xúc theo các quy định phòng chống dịch và có chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất. Bên cạnh đó người bệnh nên ngủ đủ giấc, không căng thẳng quá mức và không lạm dụng bia rượu, các chất kích thích.
URL chuyển đến