Gốc Quê
GIA PHẢ HỌ LÊ - Phiên bản có thể in

+- Gốc Quê (http://gocque.com)
+-- Diễn đàn: Phòng sinh hoạt (/forumdisplay.php?fid=4)
+--- Diễn đàn: Gia đình (/forumdisplay.php?fid=5)
+--- Chủ đề: GIA PHẢ HỌ LÊ (/showthread.php?tid=125)

Pages: 1 2


RE: GIA PHẢ HỌ LÊ - caubaxuan - 16-12-2011 09:37 PM

Trong Ngày Mùng Ba Tết Năm Canh Thìn 2000
Chú Tám Lê Tương Ứng có viết bài nguyện
( tôi xin ghi lại để lưu trong gia tộc )

TẾT CANH THÌN-07/02/2000 LỜI NGUYỆN MÙNG 3
Tỉnh Đồng Tháp, Lấp Vò là Quận
Xã Định An, chi nhánh họ Lê
Canh Thìn, Xuân mới hội về
Hai ngàn dương lịch, chỉnh tề nghiêm Trang
oooOooo

Nhờ ơn Tổ - vẻ vang sung túc
Công dựng xây - cuộc đất phước điền
Xa gần, em cháu làm nên
Dâng hương tưởng niệm - ơn trên chứng lòng

oooOooo

Nguyện ghi nhớ - chung dòng sữa ngọt
Sống hiền lương – theo gót tiền nhân
Đời đời giữ trọn tình thân
Ngọt bùi chia xẻ- xa gần chẳng phai
oooOooo

Quyết vun quén đất đai gốc cũ
Quyết gắng công học đủ các khoa
Họ Lê liên tiếp nở hoa
Cháu con hạnh phúc – nhà nhà mừng vui.



IV.Tư Liệu Gia Phả : VÀI CHI TIẾT VỀ BÊN BÀ NỘI
( của Lê Phùng Xuân )
-Viết theo bút tích của Ông Lê Tương Ứng viết trong quyển tư liệu gia phả vào khỏang năm 1999.-Viết cho Lê Phùng xuân.
Bà Nội tên Nguyễn Thị Gấm, tuổi Thìn, sanh năm 1892 ( Nhâm Thìn ) mất năm 1965 .( Thọ 74 tuổi – Phùng Xuân bổ sung vào )
Bà Nội thứ ba, có một người chị thứ Hai tên Lê Thị Biếu (Phùng Xuân bổ sung : Sinh năm 1890 ; mất ngày 08/10Âl/1975- Thọ 86 tuổi )
Gia đình rất giàu, chỉ có hai chị em gái ( Phùng Xuân bổ sung :Còn có một người em gái của Bà Nội thứ Tư Tên là Nguyễn Thị Thêu, sinh năm 1894, mất năm 1911 ,chết lúc còn trẻ 18 tuổi ) .Không có anh em trai.
Nhà gốc ở rạch Mương Dỗ ( Rổ ?) lúc nhỏ, Chú tám theo Bà Nội về chơi khá nhiều lần. mà chỉ biết có bà Cố chớ không biết Ông Cố ( vì mất lâu rồi…) Rất tiếc Chú chưa hỏi kỹ tên, tuổi …của các cụ.
Được biết bà Cố mất ngày 8 tháng 5 Âm lịch năm 1945, vào một buổi cúng trưa ở trước bàn thông thiên. ( Phùng xuân hỏi thăm thì được biết Bà Cố chết vào ngày 8 tháng 5 Âm lịch năm 1947- Năm Đinh Hợi ???- chưa biết chi tiết nào chính xác, cần xác minh thêm ) .
Bà Hai có chồng, cùng gia đình mở lò kẹo bánh tráng đậu phộng rất ngon, bán sĩ nhiều nơi. Sanh được người con gái tên Sâm. - Lại không có con trai – Cô Hai Sâm có chồng tên Bích, sanh các con tên Tròn ( trai), Dẹp (gái ) Sáu Sên, Tám Huấn…có người còn ở Hòa Lạc.
Xem như vậy thì họ Nguyễn của Bà Nội truyền đến Ông Cố thì hết. Ông Cố, bà Cố ở Mương Dỗ, tức là Ông Bà Ngọai của Ba và Chú.
Dân gian có câu hát :
Cồng cộc bắt cá dưới sông
Mấy đời cháu Ngọai, giỗ Ông bao giờ (1).

Ba cháu nhất quyêt chứng minh khác hơn, năm nào cũng tổ chức cúng giỗ Ông , Bà Cố ( Ngọại ). Các cháu nên nhớ gương tốt đó. Bà Hai với Bà Nội đều giỏi may vá, thợ may xưa có tiếng. bà Nội cũng nổi tiếng phái đẹp.
Nghe nhắc lại Ông Cố là con một, nhà lại giàu, nên xài sang dữ lắm.Ruộng vườn rất nhiều, bạc đồng ( lọai tròn ) chôn cả hủ, rất nhiều chỗ…Ông đào lên đem đi cờ bạc. Đi bằng ghe bầu, mỗi lần ra quân là đốt pháo từ nhà cho đến khi ghe ra đến sông Hậu. (Phùng Xuân bổ sung thêm : Trước đây nghe má tôi là Bà Nguyễn Thị Căn nghe Bà Nội của tôi là Bà Nguyễn Thị Gấm kể lại : Ông Cố tôi rất giàu, lúc ông Cố đi chơi hay đi đánh bài thì những bạn bè, bà con xa thường đi theo Ông Cố để hộ vệ, phụ tá,và nịnh hót Ông Cố tôi, mục đích là rũ ren ông Cố xài tiền hoang phí, do Ông Cố tôi luôn đài thọ tất cả các chi phí…Nên khi xài phí, hoặc thua cờ bạc,thì những “ Quân sư” nầy vay mượn tiền dùm và xúi Ông bán vườn, đất giá rẽ cho những người đó, để tiếp tục tiếp tục tiêu xài… Từ từ đất vườn bán hết. )
Phá mãi cho nên nghèo !!! Sau nầy, khỏang thập niên 40 ( thế kỷ XX - tức khoảng năm 1940 - ) còn chút đất Bà Hai và Bà Nội bán nốt chia nhau làm vốn!!

( Chú thích của chú tám : Ông Hội Đồng Tông là bà con bên bà nội )
(1 ) Ông tên là Nguyễn Văn Thạnh giỗ ngày 27/6 Âm lịch.
Bổ sung của Lê Phùng Xuân :
- Ông Cố tên Nguyễn Ngọc Thạnh ( Năm sanh không biết- Mất ngày 27/06 Âl/1918 ( Năm Mậu Ngọ ).
- Bà Cố tên Phạm Thị Xiên ( Năm sanh không biết- Mất ngày 08/05 Âl/1947 ( Năm Đinh Hợi).
Lời phân tích của Lê Phùng Xuân :
Từ chi tiết của chú Tám thì một tình tiết mới nảy sinh :
Như thế thì ngày 27/6Âl là ngày giỗ của ai ????
- Theo Dượng Tư Võ Đông Sơ cúng thì là ngày giỗ của Bà Sơ Phạm Thị Tăng ( Vấn đề nầy đã có nhắc tới khi Bác Sáu Truyền nói đám giỗ của Bà Sơ vào ngày Mùng 4 Tết ).
- Theo chú Tám Lê Tương Ứng thì là ngày giỗ của Ông Cố ( Ba của Bả Nội Nguyễn Thị Gấm )???
Nghi vấn nấy hy vọng sẽ được những bậc cao niên trong gia tộc, phân tích, cho ý kiến và kết luận chính xác để con cháu trong gia tộc sớm biết rằng mình cúng đúng và đâỳ đủ cho tất cả mọi tiền nhân trong gia tộc,


RE: GIA PHẢ HỌ LÊ - caubaxuan - 17-12-2011 01:26 PM

V. TƯ LIỆU VỀ CÁC Ý KIẾN ĐÓNG GÓP TRONG VIỆC THỰC HIỆN GIA PHẢ HỌ LÊ Ở ĐỊNH YÊN :
1.BÀN Ý KIẾN CỦA ÔNG LÊ TƯƠNG PHÒ : ( BTC còn lưu bản chánh )

Bình Thành Tây, ngày 6-2-1961
Bản ý kiến

Kính, thân gởi ÔÔ :Ấu và Ứng, Kỉnh, Thạch, Ngọc Long.
Thưa !
Đây là ý kiến của tôi về việc xây dựng quyển gia phả theo lối canh tân.
Vịnh theo đây các ông tùy nghi gia giảm, sao cho hòan hảo thêm

Phần Hình Thức:

A- Quyển cần phải rộng, cở 60 phân X 50 phân trở lên.
B- Tờ ruột cần nhiều màu khác nhau, và dày trên bảy mươi tờ.
C-
Bì phải thật cứng như giấy ép dày, và giấy phải bằng da thuộc mà rộng ( phòng khi thêm ruột ).
Phần Nội dung :
*A-Trang đầu trình bày tông chi gia tộc, bốn tờ sau để gắn ảnh sưu tầm của Đại Gia Đình. Tông chi nên chừa hàng hờ, pjía dưới để có chỗ cho con cháu dùng.
*B-Mỗi tiểu gia đình dùng một màu giấy và mươi tờ để gắn hình và dự khuyết khi cần.
*C- Nên nêu thân thế và sự nghiệp của mỗi gia trưởng.
- Ngày sanh, tháng đẻ của cháu ( Âm và dương lịch ).
- Chữ ký của gia quyến.
- Những kỷ niệm của cháu từ lúc chúng mới biết cầm bút, hay mới vẽ ( Biết đâu sau nầy chúng không là Văn thi nhân, hay họa sĩ hữu danh ).
Mục nầy :Tùy theo ý trình bày của mỗi gia đình đánh máy, viết chữ bằng mực, giấy tốt mà dán vào tùy ý, cần nhứt là để lâu khỏi hư.

LỜI BÀN :

Theo gia đình : Ông Bà có bảy người con, tức là 7 tiểu gia trưởng, thì phải dùng tới 8 màu giấy trong một quyển.
Như thế, nếu ta thấy khó chọn đủ màu, thì một màu giấy, và dùng 8 màu giấy độn ( giấy kẹo mà chen vào cũng được.
Quyển nầy , ta cần tự làm lấy, hay đặt ở nơi làm chuyên môn, mới được như ý ; Vì nó cần phải có hai đặc điểm BÊN - ĐẸP

ĐẠI Ý:

A- Nêu thân thế và sự nghiệp là để làm khuôn thước cho con, cháu vững đường lối phấn đấu. và cho chúng ta không vì danh lợi mà bôi lọ gia tộc ( nếu hòan cảnh )
B- Ngày sanh , tháng đẻ để giúp con cháu sau nầy .( Rủi có ai quên )
C-
Chia nhiều màu giấy trong Quyển là để chúng cháu muốn tìm gì cũng được mau lẹ.


CẦN LẬP MỘT BẢN THỂ LỆ RÀNH RẺ
I. Sự tốn kém đầu tiên cho quyển gia phả, phải chia đồng đều cho mỗi gia đình đóng góp.
2.
Quyết định niên liễm cho người lớn bao nhiêu ??? Quyết định niên liễm cho trẻ con bao nhiêu ???
3.
Tiền niên liễm gia trưởng chịu trách nhiệm.
4. Đóng góp ngày tháng nào trong năm ???
5. Cử bổn thủ giữ tiền và giữ gia phả, để ở nơi có địa điểm tốt.
6. Tiền niên liễm để cung cấp cho cuộc nhíp ảnh hằng năm của Đại Gia Đình ( hay Tổng Gia Đình ).
7. Các tiểu gia đình tùy tiện theo sức mình, trong phạm vi 10 tờ giấy, và nếu cần thì lựa giấy cùng màu mà cho vào thêm.

Ý kiến sơ phát nầy cần được sửa đổi, bổ túc của nhiều ý kiến khác, ghi thêm dưới đây.
Tôi nay

(Ký tên – Lê Tương Phò )
Bút tích của chú tám Lê Tương Ứng : Lưu văn đính kèm gia phả
15-12-97 ( 1997 )

( ký tên )

Lê Ứng


RE: GIA PHẢ HỌ LÊ - caubaxuan - 21-12-2011 04:56 PM

Ghi chú : Hôm nào rãnh sẽ đưa ảnh các tư liệu cho bà con xem sau
2. BÀN Ý KIẾN THỨ 2 CỦA ÔNG LÊ TƯƠNG PHÒ VỀ VIỆC TỔ CHỨC HỌP MẶT GIA TỘC MÙNG BA ( Viết năm Kỷ Tỵ -1989 ):
BỨC THƯ
Bách Hóa Lão Nhân gởi các chưởng môn : Xuân-Huy, Chiêu –Long,
Khánh- Dư, Nhàn -Khoái, Điền –Côn, Minh -Tài, Linh- Sơn, Hpàng - Kiệt,v .v

Để kỷ niệm Cây Mùa Xuân Hòa Lạc được tròn một tuổi ( Chú thích của Lê Phùng Xuân : Tổ chức Cây Mùa Xuân Hòa Lạc Lần đầu tiên năm 1988 - Mậu Thìn -)
. Lão phu đề nghị :
- Tụi bây vận động bà con mình, đủ mua một cuồn băng ghi âm (5.000đ) để ngày Tết Hòa Lạc mỗi hộ góp tiếng vào 10 phút hoặc 15 phút với các thể lọai: cảm tưởng, văn, thơ, nhạc, tiếu lâm…vv.
- Người góp âm không phân biệt tuổi tác, nam nữ, được tôn trọng yên lặng.
- Cả gia đình xí xô, xí xào càng tốt.
- Mỗi hộ có thể thảo sẵn đọc lên, chắc sẽ được trôi chảy và mạch lạc hơn.
- Cuồn băng nầysẽ được luân lưu ở mọi gia đìnhđến hết năm Kỷ Tỵ, và lưu.
Đây là ý kiến, không phải Lão lệnh. Tụi bây thấy đủ điều kiện thì mần.
Không đủ điều kiện thì xếp.
Không nhận sự đài thọ độc quyền của ai

Bách Hóa lảo Nhân

Thủ Ký


Phụ ghi của Ban Biên Tập
:
- Góc trái phía trên lá thơ ( viết bằng giấy quyển sổ ) có bút ghi của anh Tô Chim Huy : Ông Sáu Phò gởi.
- Bên dưới chữ Ông sáu Phò gởi có các dòng chữ ( ngòai bìa thư )
Đã chuyển:
- Huy
- Côn
- Dư
- Long

- Mặt sau thơ có bút ghi của anh Tô Chim Huy : Giao Đ/C Xuân
Đệ tử đích truyền của “ Bách Hóa Lảo Nhân” vận động và thực hịên.

TM.BHLN
( Ký tên – Tô Chim Huy )


RE: GIA PHẢ HỌ LÊ - caubaxuan - 26-12-2011 03:23 PM

3.Trích : Lời trần tình của Ban Tổ chức Họp Mặt Mùng ba (
Ghi trong quyển Gia Phổ Ký Tập 2 - Thực hiện XUÂN BÍNH TÝ 1996
)

Kính báo:
Hôm nay, ngày Chủ Nhật 11/2/1996 ( Nhằm ngày 23 tháng Chạp Năm Ất Hợi ).
Tôi và anh Ba Tài có đến nhà anh Ba Long để tham khảo ý kiến về việc tổ chức NGÀY HỌP MẶT GIA TỘC MÙNG 3 hằng năm.
• phương án 1: Thất bại vì anh Hai vẫn chưa về.
Do đó cả ba anh em, cùng bàn về việc tổ chức theo phương án 2 ( Phương án thực hiện bình thường hằng năm ).
NỘI DUNG :
1.Hưởng Ứng theo tinh thần của “ Bách Hóa Lảo Nhân” ở chợ Hòa Lạc từ năm Mậu Thìn 1988 là : - CÓ CHI DÙNG NẤY . Mùng 3 Tết, chủ yếu đến để họp mặt gia tộc, còn hưởng ứng gì thì tự mang theo và chung vui.
2.Theo tinh thần của Ban Tổ chức ( BTT) đã thực hiện từ 4 năm nay (1992,1993,1994,1995 ). Thì BTT đứng ra vận động và chuẩn bị “tương đối chu đáo” để các thành viên trong gia tộc đến “ Vừa họp mặt vui vẻ, vừa ngon miệng”.
Sau khi bàn bạc, cả ba anh em đều thống nhất ý kiến, là kết hợp cả 2 nội dung như sau:
a/ Mục đích chính là để viếng mộ, thăm hỏi bà con và họp mặt gia tộc theo truyền thống ( mà Bách Hóa Lão Nhân- Lê tương Phò- Đã gầy dựng được tám năm qua ).
Do đó, tất cả mọi thành viên trong gia tộc, không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, thân sơ, đều phải hướng về gia tộc, tranh thủ thời gian về họp mặt NGÀY MÙNG BA TẾT NĂM BÍNH TÝ ( và hằng năm ). Khi về dự, chẳng những riêng mình, mà còn động viên, khuyến khích vợ ( chồng ), con cái, anh em dâu, rễ và bạn bè đến để chung vui.
b/Thức ăn dự trong ngày HỌP MẶT có thể mang theo ( theo tinh thần có chi dùng nấy ). Không phân biệt chay, mặn, chất lượng…vv.
c / Hoặc : Nếu có khả năng và vì bận rộn trong dịp Tết, thì đóng góp ngân sách cho BTT để chuẩn bị thức ăn ( Dự trù ngân sách trên 2,5 triệu- Bảng dự trù đính kèm ) số tiền đóng góp tùy theo khả năng và tinh thần MỌI THÀNH VIÊN TRONG GIA TỘC ĐÃ TRƯỞNG THÀNH, ĐỀU CÓ QUYỀN ĐÓNG GÓP VÀO NGÂN SÁCH . Không phân biệt nhiều, ít ( Ưu tiên với các thành viên được hưởng lương và chính thức làm ra tiền ).
Đây là một số ý kiến mà BTT đã hội ý. Nay kính báo đến tất cả các thành viên trong Hội Đồng Gia Tộc biết, thực hiện và đóng góp thêm ý kiến để cho ngày HỌP MẶT MÙNG BA TẾT NĂM BÍNH TÝ được tiếp tục bền vững, thực hiện năm thứ 9. Cũng là dịp để gia tộc ta HỌP MẶT, THĂM HỎI và CHÚC TẾT hằng năm.
Rất mong được sự thông cảm và hổ trợ nhiệt tình của tất cả các thành viên trong HĐGT, để BTT đứng ra tổ chức thành công ngày HỌP MẶT MÙNG BA TẾT năm nay ( Bính Tý – 1996 )
Thay mặt cho Ban Tổ Chức
LÊ PHÙNG XUÂN

4.Bút Ký của anh NGUYỄN NGỌC LONG
: ( Bản chính BTT lưu giữ )

CẢM NGHĨ VỀ GIA PHỔ KÝ TẬP 2 –BÍNH TÝ 1996 –
Tôi là NGUYỄN NGỌC LONG ( Tức Ba Long ). Thuộc chi tộc Lê Thị Nhan có vài cảm nghĩ và góp vài ý nhỏ như sau :
1.Chú Ba Lê Phùng Xuân ( chi tộc Lê Tương Phò ) rất công phu sọan ‘Gia Phổ Ký’ có mạch lạc và chu đáo. Mong rằng truyền thống của Gia tộc NGÀY MỒNG BA TẾT hằng năm được lưu giữ mãi.
2. Vì trong tuổi, bất tài, bất lực ( 62 tuổi rồi ?) nên việc nhạy bén Anh Ba Long không cònh như những năm trước. Xin đề nghị ‘rút quân’ để nhường lại cho bà con khác có đủ tư cách và khả năng hơn, riêng ba Long chỉ xin là một thành viên trong HĐGT mà thôi.
3. Lời xưa thường nói : ‘Có thực mới vực được đạo’.đồng ý trong nội dung Lời Trần Tình của chú Phùng Xuân v/v hưởng ứng tinh thần của BÁCH HÒA LẢO NHÂN ‘Lê Tương Phò’ ở Hòa Lạc ( xã Định An ). Sự họp mặt không những để tưởng niệm, chúc tụng và liên hoan , mà còn đề cập đến sinh họat, đời sống và mâu thuẫn dị biệt trong nội bộ của mỗi chi tộc ..vv.. Nhưng qua nhiều năm, Hội Đồng Gia Tộc có những thành viên giỏi, xuất sắc nhưng chưa thấy đề cập đến việc hòa giải để hài hòa trong nội bộ hoặc tương trợ cho những gia đình tai biến ..vv..Có chăng, chỉ là giải quyết như ngọn lửa rơm tiêu cực, hoặc vô trách nhiệm....
Việc nầy,Tôi cũng xin ‘Bách Hóa Lảo Nhân’ lưu ý và ghi vào nghị trình nhân ngày giỗ, ngày tết 93. Nhưng bất hạnh thay. Người mà tôi thường tâm sự, trao đổi và kính trọng không còn nữa. Lão Nhân tiền bối đã ra đi ‘biền biệt’...Cụ thể là việc của tôi làm điển hình. Lão Nhân hiểu biết nhiều về tôi suốt thập niên qua và có lời bất hũ, khuyên nhũ tôi : ‘ Lời mắng chửi của kẻ tiểu nhân như đóng cứt trâu bò lâu ngày nó sẽ trở thành bùn đất. Cứ nhịn nhục, chịu đựng rồi sẽ quen đi.....’ Tôi cố gắng áp dụng, nay đã thành công không nhỏ ...( Mô Phật).
4.Xem tư liệu gia phả của ‘Bình Tam Lê’ tiền bối, tôi rất xúc động và nhiều suy nghĩ về dĩ vãng. Mong sao mỗi gia đình và cá nhân rút tỉa kinh nghiệm lấy đó làm gương để sửa chữa sai lầm nếu có, hầu làm vui lòng đẹp dạ cho hậu thế..
KẾT LUẬN :Vì tuổi già, sức yếu nên phải bị nhiều sơ xuất lẩm cẩm ( nếu có ) Mong bà con Họ Tộc thứ lỗi cho tôi. Còn khâu tiền bạc là huyết mạch để giải quyết mọi vấn đề, nên mỗi vụ việc đều phải qua ý kiến của gia đình. Tuy nhiên, không vì thế mà làm ngơ trước tổ chức HĐGT. Vì lẽ đó, xin tự nguyện đóng góp năm chục ngàn đồng VN ( 50.000đ ) . Trong ngày họp mặt Mồng Ba Tết Bính Tý 1996. ‘Vui Xuân không quên trách nhiệm , kinh tế khó khăn của mỗi gia đình’ Nhất là năm 96 nầy.
Kính chúc tòan thể Gia tộc vui, khỏe và nhiều Hạnh phúc trong năm 1996.
Kính chúc NGÀY HỌP MẶT MỒNG BA TẾT BÍNH TÝ 1996 thành công tốt đẹp.
Ký tên
NGUYỄN NGỌC LONG
14/02/96

5.GỢI Ý CỦA CHÚ TÁM LÊ TƯƠNG ỨNG :
Gợi ý của Trưởng lão lê Tương Ứng

Rất hoan hỉ thấy sáng kiến của Bách Hóa Lão Nhân được hưởng ứng, thực hiện và phát huy thêm mỗi năm.
Thân ái khen ngợi tầng lớp kế thừa, nhiệt tình tổ chức hàng năm.
Vui mừng thấy cả họ tộc đều thăng tiến rõ rệt, chứng tỏ có sự gia hộ của Ơn Trên.
Đề nghị các thành viên cố gắng tham dự thật đông, thật đều, mỗi năm mỗi thêm sáng kiến.
Ý kiến của Ba Long ( mục III ) là một sáng kiến giá trị như ‘Giải hòa ở xóm’ và ‘Xóa đói giảm nghèo’ của nhà nước, đáng lên kế họach thực hành.
Phần gợi ý nữa là : ( Áp dụng lần nào cũng được ).
- Nên có dụng cụ phát âm tốt.
- Chương trình nên dành một phần tập họp im lặng và trang nghiêm để nghe các hộ gốc ( 2 - 3 - 4 – 5 – 6 – 8 - 9 ) báo cáo tổng quát ( nhanh gọn ) về cánh của mình trong năm qua về thành tựu, khó khăn..vv…
Định An, Ngày 21/2/96
Ký tên
Phương Tiện đạo nhân L T U



RE: GIA PHẢ HỌ LÊ - caubaxuan - 01-01-2012 06:52 PM

6.Gợi ý về việc tổ chức Họp Mặt Mùng Ba :
( của Ông Lê Tương Ứng )
GIA PHẢ HỌ LÊ (7 CHI )
( 2 - 3 - 4 – 5 – 6 – 8 - 9 )

1* Thông tin bằng văn bản hàng năm :
- Thông tin hòan tất cuối năm Dương lịch hay Âm lịch tùy các chi.
- Đọc xong nạp cho chi phụ trách gia phả.
2* Nội dung tối thiểu : -
Thành viên mỗi chi theo thứ tự quan hệ ông bà, cha mẹ, con cháu..
- Một số sự việc đặc biệt của chi mình .
- Kèm theo một số ảnh có ghi chú mặt sau.
- Kèm một số tác phẩm ( hội họa ) của 2 cấp ( Ấu trĩ - dưới 10 tuổi ) và ( Trên Ấu trĩ - 10 tuổi trở lên ). Để tiến tới triển lãm hằng năm và lưu gia phả.
3* Xúc tiến thành lập Quỹ Khuyến Học và chi hội Khuyến Học họ Lê
( tên họ ? , học ngành gì ? ở đâu ? Thành tích gì ? khó khăn gì ?...

Xuân Ất Dậu – 2005
Ký tên ( Lê Tương Ứng )


RE: GIA PHẢ HỌ LÊ - baothai - 25-02-2012 10:37 AM

Hôm nay con đọc phần gia phả nhà họ Lê nầy, mới thấy công phu của Cậu Ba Xuân bỏ ra rất lớn. Vô cùng kính phục tâm huyết của Cậu. Hy vọng bà con góp sức cho tâm nguyện của các bậc tiền nhân mà Cậu Ba Xuân hiện là người đứng ra lãnh trách nhiệm sớm được hoàn thành đầy đủ. Cám ơn Cậu Ba rất rất nhiều.