Gốc Quê
NGƯỜI DỊCH THƯ CUỐI CÙNG TẠI BƯU ĐIỆN SAIGON - Phiên bản có thể in

+- Gốc Quê (http://gocque.com)
+-- Diễn đàn: Phòng khách (/forumdisplay.php?fid=13)
+--- Diễn đàn: Trò chuyện (/forumdisplay.php?fid=15)
+--- Chủ đề: NGƯỜI DỊCH THƯ CUỐI CÙNG TẠI BƯU ĐIỆN SAIGON (/showthread.php?tid=3020)



NGƯỜI DỊCH THƯ CUỐI CÙNG TẠI BƯU ĐIỆN SAIGON - dieuquang - 06-06-2016 01:47 PM

MỘT BÀI VIẾT THEO BÁO THANH NIÊN

Đó là cụ ông Dương Văn Ngộ (86 tuổi). Mỗi ngày bình thường ông vẫn đi chiếc xe đạp cũ kỹ từ nhà ở Thị Nghè (Q.1) đến Bưu điện Thành phố để làm việc và đi về.
Hỏi ông, ngồi đây có phải trả tiền thuê chỗ hay đóng phí gì không? Ông cười: “Tôi là ngôi sao sáng của Bưu điện Thành phố. Tôi làm ở đây đã 70 năm. Không phải đóng tiền gì cả”.

[Hình: attachment.php?aid=12501]

Ông ngồi ngay góc của dãy bàn trong sảnh, nơi để khách ngồi viết thư, bưu thiếp. Tuổi đã cao, tóc đã bạc, người nhỏ thó, dáng đi lom khom, giọng nói đã yếu, nhỏ nhưng ngôn từ của ông Ngộ vẫn còn rất rõ ràng và tinh tường. Ông thông thạo cả ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh.
Ông Ngộ gắn bó với nghề bưu chính từ khi 16 tuổi. Lúc đó, ông làm ở Bưu điện Thị Nghè. Một năm sau đó, ông chuyển về làm ở Bưu điện Thành phố và làm đến khi về hưu. “Về hưu rồi, tôi xin ngồi đây để dịch thuê cho những người cần”, ông Ngộ kể. Ông nói thêm: “Vì tôi là cựu nhân viên bưu điện, đã gắn bó ở đây cả đời người rồi nên bưu điện không lấy phí gì tôi cả”. Thế là ông làm người dịch thư thuê ở Bưu điện Thành phố suốt 26 năm nay.

[Hình: attachment.php?aid=12502]

Tôi dịch thư thuê. Chứ không phải viết thư thuê. Tức nội dung thư thì người gửi tự viết, ý của người gửi. Còn tôi chỉ dịch, chứ tôi không viết giùm nội dung thư của người khác”, ông giải thích rõ ràng.
Một nguyên tắc cốt lõi, quan trọng nhất của ông trong nghề nghiệp này là: “Viết cho khách xong là tôi quên hết. Không nhớ gì hết”. Bởi lẽ, “đó là những chuyện riêng tư của người ta”, ông Ngộ khẳng khái.
“Tôi cũng trả hết bản thảo, thư từ, giấy tờ cho khách. Khi khách đi là tôi không giữ lại bất cứ thông tin gì cả. Tôi cũng không hỏi gì thêm về nhân thân, mối quan hệ thư từ của khách. Mình tò mò quan tâm, nhớ, giữ những thứ đó là vô phép”, ông nói về nguyên tắc.
Thế nên, suốt 26 năm qua, hàng ngàn thư đi thư lại của khách được ông dịch thuê, cho dù đó có là khách quen, thì câu chuyện trong thư đều trôi vào hư không, ông đều không biết ai.
Duy chỉ có hai chuyện làm ông nhớ nhất vì “nó liên quan đến tình mẫu tử”.
Ông Ngộ kể: Một là hồi đó có một người mẹ, bà nói bà ở Bình Phước, suốt mấy năm liền, tháng nào cũng đến đây nhờ tôi dịch thư sang tiếng Pháp để gửi qua cho con ở nước ngoài. Rồi nhờ tôi dịch thư từ tiếng Pháp của cô con gái đó từ nước ngoài gửi về.
Hai là có một cậu thanh niên, ở nước ngoài về, cũng không biết tiếng Việt, nhờ tôi dịch thư của mẹ đã gửi qua đó cho cậu để biết địa chỉ của bà ở Việt Nam. Lần đầu tiên về Việt Nam, cậu ấy cũng không biết đường sá, đi lại thế nào. Thế nên tôi đã chỉ cậu ấy qua công an nhờ tìm người giúp. Mấy ngày sau, cậu ấy cùng mẹ đến cám ơn. Hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở.

“Ngày xưa, người ta giữ liên lạc, thăm hỏi nhau qua lại bằng thư tay. Giờ thì có điện thoại, internet, nhiều cách liên lạc quá nên hầu như chẳng còn ai gửi thư tay nữa”, ông Ngộ trầm ngâm.

Thế nên, giờ hầu như khách nhờ ông dịch thư đã không còn. “Chỉ có khách du lịch nước ngoài đến đây nhờ tôi dịch, viết vài câu tiếng Việt lên bưu thiếp để họ gửi tặng bạn bè, người thân ở nhà hay cho chính họ”, ông Ngộ tâm sự.

[Hình: attachment.php?aid=12503]

Trên góc bàn của ông là những cuốn từ điển (Pháp – Việt, Anh – Việt), sách địa chí, một vài tài liệu. Tất cả cũng đều đã cũ mèm như chính người chủ của chúng. Dường như đồ dùng của ông đều có tuổi đời xấp xỉ 20-30 năm.

[Hình: attachment.php?aid=12504]

Đặc biệt, có cả một chiếc kính lúp để giúp ông đọc – viết, thay vì kính lão. Chiếc kính lúp này do một người nước ngoài thích thú với công việc của ông nên tặng. Ông Ngộ lại lục trong túi quần của mình một chiếc kính lúp khác – cũng do một người nước ngoài tặng. “Cái này nhỏ hơn nhưng tiện hơn ở chỗ có thể gấp lại được, bỏ túi được”, ông mân mê.
Ông có 6 người con, cũng đã có cả cháu nội, ngoại và cháu cố. Các con đều có nghề nghiệp, thu nhập, cuộc sống ổn định, hầu như làm giáo viên và “tụi nó dư sức nuôi tôi”. “Hồi đầu tụi nó cũng nói tôi ở nhà, tụi nó lo. Nhưng tôi không chịu. Gắn bó với bưu điện này là cuộc sống của tôi. Tôi cũng muốn giữ thói quen viết thư tay, giúp mọi người nhớ đến những lá thư tay. Hiểu tôi nên tụi nó để tôi đi làm” – người dịch thư thuê cuối cùng ở Bưu điện Thành phố chia sẻ.
Tôi làm việc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, 12 giờ tôi nghỉ nửa tiếng đi ăn trưa. Tôi ăn trưa ở các quán bình dân loanh quanh đây. Thứ 7, chủ nhật tôi nghỉ”, ông Ngộ nói. Đó là lịch làm việc cụ thể của người dịch thư thuê ở Bưu điện Thành phố.
Ngày ngày ông vẫn ngồi suốt trên chiếc ghế gỗ, ngay đúng góc bàn để dịch thư thuê. Cũng không hề có chỗ ngả lưng. Riêng hôm nay, 12 giờ trưa ông đã về, phải “điện cho con gái đến rước” vì “mệt quá!”, giọng nói ông nói rất nhỏ và nhẹ.

Người đàn ông 86 tuổi lom khom xếp gọn đồ đạc, từng bước rời Bưu điện Thành phố. Dáng ông mờ đi trong ánh nắng chói chang chiếu vào ở cửa bưu điện. Một “ngôi sao sáng”, con người biểu tượng gắn bó với Bưu điện Thành phố ngót nghét đã 76 năm rồi – mong mỗi ngày, theo lịch làm việc, đến Bưu điện lại vẫn được thấy ông.