Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Ngày Của Cha
17-06-2013, 01:50 AM (Được chỉnh sửa: 17-06-2013 01:54 AM bởi baothai.)
Bài viết: #1
Ngày Của Cha
Nhân ngày Father's Day tại Mỹ, baothai xin gởi đến quý độc giả Gốc quê vài bài viết về ngày Hiền phụ mà baothai chôm được. Mời bà con thưởng thức.

baothai





Ngày Của Cha – Huỳnh Huệ





Ngày Của Cha ( Chủ Nhật 16 -6 ) là để con cái thể hiện sự yêu thương và lòng kính trọng với những người cha. Chúng ta thường tôn vinh Mẹ hiền mà ít nghĩ về tình yêu thương và vai trò của người Cha trong cuộc đời mình. Tất nhiên tình yêu thương và lòng tôn trọng người cha cần được thể hiện mọi ngày và cùng chúng ta đi suốt cuộc đời nhưng có một Ngày Của Cha để con cái tri ân và bày tỏ tình yêu Cha. Các bạn và các em nhớ thăm hỏi, chúc mừng Ngày Của Cha bằng cách nào có ý nghĩa và thiết thực theo cách phù hợp với mình nhé.







Ý tưởng về Ngày Của Cha bắt nguồn từ cô Sonora Smart Dodd. Mẹ của cô qua đời mùa đông 1898. Cha cô, ông William Smart chịu cảnh gà trống nuôi dưỡng 6 con thơ. Là con gái duy nhất và chị của 5 đứa em, cô cùng phụ giúp cha chăm sóc các em nên thấu hiểu những nhọc nhằn, vất vã và hy sinh của người cha phải một mình nuôi dạy các con. Với cô, cha là biểu tượng của đức hy sinh, bao dung, tình yêu và trách nhiệm, và khó chịu với hình ảnh người cha bị chế nhạo như là lười biếng, say sưa và không đáng trọng trong nền văn hóa đại chúng của Mỹ khi đó. Một ngày nọ năm 1909, sau khi nghe một bài giảng đạo về Ngày Của Mẹ (Jarvis’ Mother’s Day), cô nói với mục sư cần phải có một ngày tương tự để tôn vinh những người cha.

Cô nói : ” Tôi thích mọi điều nói về tình mẹ. Tuy vậy, các bạn không nghĩ rằng những người cha xứng đáng có chỗ của họ dưới ánh mặt trời sao?”

Dự định tổ chức vào ngày 5-6 là sinh nhật của cha cô không chuẩn bị kịp, nên Ngày Của Cha đầu tiên đã tổ chức ở Spokane, Washington vào ngày Chủ Nhật thứ 3 của Tháng 6, 19-6-1911. Tại nhà thờ những người còn cha được tặng những đóa hồng đỏ thắm, còn những người không còn cha nữa ( cha đã qua đời) thì cài hoa hồng trắng.

Từ năm 1913, đề nghị về Ngày Của Cha đã được đưa ra ở Quốc hội Mỹ và những năm sau đó có những nỗ lực tiếp tục vận động nhưng không được Quốc hội phê chuẩn vì e ngại ngày lễ này sẽ bị thương mại hóa.

Sonora mất ở tuổi 96 ( 1978 ), 6 năm sau khi Ngày Của Cha được Tổng Thống Nixon ban hành luật để chính thức trở thành Ngày lễ quốc gia vào năm 1972 và từ đó đến nay được nhiều nước trên thế giới hân hoan đón nhận.

Con Yêu Bố


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (21-06-2013 10:21 AM)
17-06-2013, 01:51 AM
Bài viết: #2
RE: Ngày Của Cha
Chào Mừng Ngày Của Cha (16 – 6 -2013) – LM.Trần Quý Thiện


NGÀY HIỀN PHỤ

Linh Mục TRẦN QUÝ THIỆN






Theo các nhà giáo dục, vấn đề huấn luyện trẻ em trong gia đình chỉ đạt tới mức hoàn hảo, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa tính cương trực quyền uy của người cha cộng với tình thương dịu hiền của người mẹ.



Kinh nghiệm đời sống gia đình cho hay: Một em bé lớn lên trong sự nuông chiều của người mẹ mà thiếu sự hiện diện của người cha, em bé này thường ủy mị tủi thân, thiếu nghị lực, ít tháo vát! Ngược lại, một trẻ em được giáo dục trong cảnh gà trống nuôi con, tính tình em thường cứng cỏi cục cằn, ít cảm xúc và đôi khi tàn bạo! Các nhà giáo dục và tâm lý học đều đồng ý với nhau: Nguyên nhân chính xô đẩy các trẻ em gia nhập băng đảng, bụi đời, trộm cắp, đĩ điếm, chỉ vì chúng thiếu vắng tình thương của cha mẹ và bầu khí thân thương của mái ấm gia đình.

Qua nhận định trên, hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt các nước Âu Mỹ, người ta trân trọng hai ngày lễ truyền thống của gia đình: Ðó là Ngày Hiền Mẫu (Ngày của Mẹ) và Ngày Hiền Phụ (Ngày của Cha). Ðây là một phong tục rất cao đẹp mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, được rất nhiều quốc gia và gia đình cử hành mỗi năm.

Nếu vào thượng tuần tháng 5 dương lịch, thế giới đã tôn vinh các bà mẹ trong Ngày Hiền Mẫu thì thế giới cũng dành riêng một ngày vào hạ tuần tháng 6 dương lịch để vinh danh và báo hiếu các người cha còn sống hay đã qua đời trong Ngày Hiền Phụ.

VÀI NÉT LỊCH SỬ NGÀY HIỀN PHỤ

Theo Robert J. Myers, nhà nghiên cứu lịch sử các ngày lễ tại Hoa Kỳ thì nguồn gốc Ngày Hiền Phụ (Father’s Day) đã xuất hiện từ thời La Mã cổ. Thuở xa xưa ấy, Ngày Hiền Phụ được người La Mã gọi là Parentalia, được cử hành từ ngày 12 đến 22 tháng 2 mỗi năm. Thời đó mục đích cử hành ngày Parentalia chỉ để tưởng niệm những người cha đã quá cố, không liên quan gì đến những người cha còn sống. Trong ngày lễ này, các thành viên trong gia đình nhóm họp lại và mang bánh, rượu, sữa, mật, dầu ô liu đến nghĩa trang, đặt trên phần mộ người cha quá cố đã được trang hoàng hoa nến. Kết thúc những giây phút cầu nguyện và tưởng niệm, trong nghi lễ gọi là Caristia (Tình Thương), mọi người tham dự cùng chia nhau dùng các lễ vật nói trên để chứng tỏ họ đã chu toàn trách nhiệm báo hiếu với người cha đã quá vãng.

Cũng theo Robert J. Myers, cùng với những biến chuyển thăng trầm của thời cuộc, hiện nay mục đích Ngày Hiền Phụ không chỉ để tưởng niệm những người cha đã quá cố mà đặc biệt để vinh danh và báo hiếu những người cha còn sống. Cách đây 91 năm, Ngày Hiền Phụ được cử hành lần đầu tiên vào ngày 5 tháng 7, 1908 do sáng kiến của bà Charles Clayton, tại Fairmont, một thành phố khá trù phú với 21,000 cư dân, thuộc tiểu bang West Virginia, Hoa Kỳ.

Nhưng nếu phải kể đến người có công nhất trong việc cổ võ và khởi xướng Ngày Hiền Phụ thì người ta phải công bằng nhắc đến bà Bruce Dodd, cư ngụ tại thành phố Spokane, tiểu bang Washington, miền Tây Bắc Hoa Kỳ. Bà là người con gái lớn nhất trong một gia đình 6 anh chị em. Bất hạnh đã xảy đến cho gia đình khi người mẹ thân yêu của bà đột ngột qua đời quá trẻ!! Nhưng nhờ người cha là ông William Jakson Smart đã quên mình, hy sinh chấp nhận cảnh gà trống nuôi con, tận tụy giáo dục nuôi dưỡng các con thành tài. Những hy sinh cao quý của ông dành cho các con được mọi người thời đó ca tụng và ngưỡng mộ.

Trong một thánh lễ Chúa Nhật năm 1909, khi nghe giảng về Ngày Hiền Mẫu, bà Bruce Dodd đã giật mình tự nghĩ tại sao người ta lại có thể vô ơn với bao công lao trời biển của các người cha. Từ suy nghĩ này, bà đã vận động các em trong gia đình và các bạn thân viết thư gửi đi khắp nơi, đề nghị lấy ngày qua đời của thân phụ bà là ngày 5 tháng 6 mỗi năm làm Ngày Hiền Phụ. Sau này cả Thị trưởng Spokane cũng như Thống đốc tiểu bang Washington đã quyết định chọn ngày Chúa Nhật thứ ba trong tháng 6 hàng năm để cử hành Ngày Hiền Phụ. Cũng như Ngày Hiền Mẫu, bà đề nghị các người con hãy cài trên áo một bông hồng mầu trắng nếu người Cha đã qua đời hoặc một đóa hoa màu hồng nếu họ hân hạnh còn có Cha.

Báo chí khắp nơi tường thuật và làm phóng sự Ngày Hiền Phụ được cử hành tại thành phố Spokane, tạo thành một phong trào quần chúng thật sôi nổi. Sau này vào năm 1916, Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson cũng như Tổng Thống Calvin Coolidge năm 1924 là những người tán thành sáng kiến thành lập Ngày Hiền Phụ song song với Ngày Hiền Mẫu.

Năm 1935, một Hiệp Hội Quốc Gia cổ võ Ngày Hiền Phụ được thành lập với mục đích Vinh Danh các Người Cha, đồng thời đề cao vấn đề thi đua giáo dục con cái. Mỗi năm Hiệp Hội chọn một Người Cha xuất sắc nhất trên toàn nước Mỹ, là người đã cố gắng chu toàn đáng khen nhiệm vụ làm Chồng và làm Cha, ngoài những sinh hoạt xã hội từ thiện bác ái – Gần đây trong số những nhân vật nổi tiếng được chọn là Người Cha Của Năm (Father of the Year) người ta thấy tên của Tổng thống Truman, Ðại Tướng Douglas Mac Arthur… Nhưng người ta phải chờ mãi đến năm 1972, theo kiến nghị của Quốc Hội, cố Tổng Thống Richard Nixon đã ký sắc lệnh ấn định Ngày Hiền Phụ sẽ được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật Thứ Ba trong tháng 6 dương lịch mỗi năm trên toàn nước Mỹ.

ÐỪNG ÐÁNH MẤT VAI TRÒ LÀM CHỒNG LÀM CHA.

Từ thuở khai thiên lập địa, Thượng Ðế đã vô cùng khôn ngoan tạo dựng và quan phòng mọi tạo vật: trời đất, trăng sao, hoa lá, cỏ cây, chim trời, cá biển, con ong, cái kiến v.v.. sau cùng là con người trong một chương trình vô cùng tinh vi trật tự. Với thực vật và động vật vô hồn, Ngài đã phú cho chúng bản năng tự nhiên để chúng phát triển và sinh tồn. Với con người có hồn xác, tự bẩn sinh Ngài đã phú cho người nam và người nữ những đức tính và khả năng khác nhau để hòa hợp tạo nên hạnh phúc gia đình.

Người đàn ông với những đức tính cương nghị, tự lập, tháo vát để điều hành gia đình trong cương vị người gia trưởng, người chồng, người cha. Người phụ nữ với những nét dịu dàng, duyên dáng, tế nhị, dào dạt tình thương để chu toàn trách nhiệm người vợ, người mẹ. Vì thế người ta thấy những cấu trúc về cơ thể, tâm sinh lý của người nam và người nữ hoàn toàn khác nhau. Khác biệt nhau không phải để đối lập xung khắc nhưng để hòa hợp bổ túc cho nhau. Bất cứ ai đi ngược lại quy luật tự nhiên trên, họ chỉ chuốc lấy khổ đau và đổ vỡ thay vì hạnh phúc.

Có một sự thực khó nói mà bất cứ người đàn ông Việt Nam nào có gia đình khi đến định cư tại Hoa Kỳ, sớm muộn họ cũng nhận thấy những thay đổi trong đời sống gia đình: Ða số những người đàn ông trên đất nước này luôn có những mặc cảm thua kém trước những đòi hỏi cũa người phụ nữ.

Hoàn toàn khác biệt nếp sống thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh ngàn xưa của người Á Ðông tại quê nhà, tương quan giữa người đàn ông và người phụ nữ trên đất Mỹ này đã hoàn toàn đổi ngược!! Trong những câu chuyện mạn đàm trà dư tửu hậu thường ngày được nghe nhắc tới nấc thang giá trị trong xã hội Mỹ mặc nhiên được công nhận, trong đó vị trí người đàn ông được xếp hạng cuối cùng, sau đàn bà (lady first), trẻ em, chó mèo, xe hơi, cái nhà!! Thật thảm hại cho thân phận người đàn ông đường hoàng một đấng trượng phu tung hoành dọc ngang!!??..

Trong Chương trình ” Focus On The Family ” (Trọng Tâm về Gia Ðình), phát hình ngày 25 tháng 3, 1997, Mục sư Tiến sĩ Evan đã lên tiếng báo động về vai trò và vị thế của người đàn ông và nhận định đây là một tâm thức bệnh hoạn, một hiện tượng lạc loài trong triết lý sống vị kỷ của người Tây Phương. Sau đó ông nói rằng nam giới cần phải lấy lại vai trò xã hội và thế đứng trong gia đình của họ. Nếu nam giới mà sợ sệt, ủy mị, hèn nhát trước những yêu sách quá đáng, đôi khi phi lý của nữ giới, thì đến một lúc nào đó, nam giới sẽ đánh mất vai trò và vị trí làm chồng, làm cha của họ. Ðàng khác sự nhượng bộ phi lý này sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc sống xã hội của họ nữa!!

Theo Mục sư Tiến sĩ Evan: Trong ” Thế Giới sợ vợ ” này, người cha và người chồng sẽ đánh mất luôn vai trò người Gia Trưởng!! Họ không còn chủ động và uy tín để hướng dẫn và điều hành gia đình. Kết quả là người đàn ông quá sợ vợ này sẽ trở nên bối rối tù túng và bất lực trong vai trò “lơ lửng con cá vàng ” ngay giữa gia đình mình. Họ sẽ rất khó xử: một mặt phải nương theo quan niệm và lối sống bất nhất, dung dưỡng tình cảm sôi động của nữ giới, một mặt mang nặng mặc cảm về những yếu đuối và thiếu sót trách nhiệm mà Thượng Ðế trao cho họ khi lập gia đình!!..

Theo Mục sư Tiến Sĩ Evan, trước thái độ quá đáng khinh thường và đôi khi lộng hành của một số phụ nữ, đã đến lúc người đàn ông phải can đảm nhìn thẳng vào vấn đề và đối diện với sự thật:

(a) Có phải vì bê bối nhu nhược, thiếu sót trách nhiệm làm chồng, làm cha nên mới xảy ra nông nỗi “gà mái gáy gở”, bị vợ lấn lướt coi thường không?

(b) Có phải vì thật sự sợ vợ, lệ thuộc quá nhiều nơi vợ, khiến vợ có cảm tưởng họ là ” người giữ trẻ ” (baby sitter), còn chồng là một đứa trẻ vòi vĩnh nên cực chẳng đã phải nặng lời để rồi hành động qua mặt không?

© Có phải vì luôn sống trong vỏ sò ích kỷ, cổ hủ lạc hậu, sợ đổi mới, sợ phải thích nghi với xã hội, sợ phải hy sinh cho gia đình nên chồng đã tạo cho vợ mất sự kính trọng, để rồi đi đến khinh dể không?

(d) Có phải vì trước đây đã sống hống hách coi thường, thiếu tương kính trong hôn nhân với vợ nên bây giờ vợ có cơ hội trả thù cho bõ ghét không? (e) Có phải vì luôn mang nặng mặc cảm của một thời vàng son quá khứ, để rồi không chịu hòa đồng và cầu tiến trong một môi trường hoàn toàn mới luôn đòi hỏi những nỗ lực mới không?!…

Theo Mục sư Tiến sĩ Evan, nếu những câu hỏi trên được trả lời “KHÔNG” với một lương tâm ngay thẳng khách quan thì tại sao lại sợ? Sợ để làm gì? Sợ để được gì? Hãy nói cho những người chồng ấy hiểu rằng: Họ cần phải bỏ hẳn những tư tưởng sai lầm hoặc lầm lẫn “sự Yêu Thương Tôn Trọng Hoàn Toàn Khác Hẳn Thái Ðộ Sợ Vợ”. Hãy can đảm nói cho người chồng biết: Họ lập gia đình là mong tìm được một người bạn đường để yêu thương tương kính và cùng nhau xây dựng hạnh phúc, chứ không phải đi tìm một bà mẹ ghẻ hay một cô giáo già!! Trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào, tại bất cứ nơi đâu, tình nghĩa vợ chồng chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị đích thực khi vợ chồng biết tín nhiệm và trung thành với nhau, khi vui lúc buồn, trong thành công cũng như thất bại, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu…

Yêu Nhau Là Cùng Nhìn Về Một Hướng. Hướng Ði Ðộc Ðạo Ấy Là Tạo Hạnh Phúc Cho Chính Vợ Chồng Và Con Cái. Giữa vợ chồng không có gì phải sợ, ngoại trừ Yêu Thương và Tương Kính nhau ngày càng bền chặt và triển nở. Hãy đối xử với nhau bình đẳng trong thân thương. Làm sao để cả hai người thực sự tìm thấy nơi nhau sự nâng đỡ tinh thần cũng như vật chất. Phải biết nương nhau mà sống. Phải biết chấp nhận nhau trong hiện tại cùng với tính tốt cũng như nết xấu của nhau. Làm thế nào để sau một thời gian chung sống trong đời vợ chồng, chồng cũng như vợ có thể hãnh diện nói: “Chính nhờ Em (Anh) mà cả hai chúng ta đã phát triển nhân cách đến hoàn hảo”.

Theo Mục sư Tiến sĩ Evan, để lấy lại vị thế của mình, người chồng cần phải biết họ đang đứng trong tư thế nào? Thái độ họ đối với đời sống hôn nhân và gia đình ra sao? Theo tâm lý và tình cảm, người phụ nữ nhất là các bà vợ, bao giờ cũng kỳ vọng nhiều nơi người chồng. Dù nói hay không, người vợ luôn nể phục tin tưởng tư cách lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm của chồng. Người vợ rất hãnh diện khi thấy người chồng thành công hoặc tạo được uy tín với những người chung quanh, với xã hội.

Mỗi khi nghĩ đến Nhiệm Vụ làm Chồng, làm Cha, người đàn ông phải nghĩ đến trách nhiệm của mình với vợ con. Trách nhiệm nặng nề và cao cả đó phải được chu toàn bằng tình yêu chân thành, chấp nhận và tha thứ. Nếu những bất ổn trong đời sống hôn nhân gia đình đến từ những mặc cảm nhu nhược ươn hèn, thiếu sót bổn phận thì cần phải sửa sai những sai lầm ấy. Không thể đổ lỗi cho nữ giới hoặc cho xã hội! Ðã đến lúc vợ chồng cần phải gạt bỏ những mặc cảm tự tôn hoặc tự ti quá đáng để ngồi lại thảo luận với nhau trong tình yêu chân thành. Tất cả tùy thuộc vào sự hiểu biết thức thời và ứng dụng tâm lý khéo léo của cả vợ chồng.

Hạnh Phúc Gia Ðình chỉ đến với những ai biết Hy Sinh, Chấp Nhận và Tha Thứ. Nuối tiếc những mối tình cũ hoặc nghĩ đến những cuộc tình khác là Tự Phá Hoại Chính Hạnh Phúc Gia Ðình Mình. Than vãn, buông xuôi hoặc đổ lỗi cho người khác hay xã hội chỉ là những hình thức trốn chạy sự thật!

Một sự thực mà bất cứ ai cũng thấy rõ: ” Không người vợ nào tự cảm thấy hãnh diện với người khác, khi họ bắt nạt được chồng hoặc tác oai tác quái với con cái. Khinh dể chồng con, người vợ tự chuốc lấy bất hạnh và khinh bỉ của xã hội và người khác.”

Luật vàng của đời sống vợ chồng là: Phải biết Yêu Thương, Chấp Nhận, Tha Thứ và Tôn Trọng nhau. Những người ngoài sẽ không bao giờ tôn trọng chúng ta, khi chính vợ chồng không biết tôn trọng nhau.

Nếu Ngày Hiền Phụ được thành lập để Vinh Danh và Báo Hiếu các Người Cha còn sống hay đã qua đời, thì đây cũng là một dịp thuận tiện để những ai đang làm Chồng, làm Cha nhìn lại chính vai trò vị thế của mình, nhờ đó chu toàn trách nhiệm cao cả và nặng nề đó. Quốc gia và Xã hội luôn luôn Tôn Trọng và Biết Ơn những Người Cha như thế. Thế Giới đang cần những Người Cha biết quên mình để hy sinh cho vợ con và gia đình. Phải chăng đó mới chính là ý nghĩa xác đáng thiết thực nhất của ngày lễ này vậy …

.

LM.Trần Quý Thiện


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (21-06-2013 10:21 AM)
17-06-2013, 01:57 AM
Bài viết: #3
RE: Ngày Của Cha
Ngày Hiền Phụ: Ba Của Bạn Tôi


Ba tôi mất năm tôi lên 8 tuổi, hình ảnh Ba tôi vẫn tràn ngập trong tôi những năm vắng bóng người….

Những ngày nghỉ lễ nằm bên Ba để nghe người chỉ những lá cờ của những quốc gia được in vào trang bìa của một quyển sách thật dày như sách tự điển…, những lần được Ba chở đi sau xe mobilette của người, dạo chơi thành phố biển, đi ăn kem, ăn chè “Ngã Năm” Đà Nẵng. Đi Lễ nhà thờ “con gà”, đi về vùng Túy Loan, quận Hiếu Đức nơi Ba làm việc…



Tất cả những điều đó nằm sâu trong tôi những năm tháng sống trong cô nhi viện, dòng tu, và ký túc xá… những hình ảnh đó là nguồn động viên cho tôi những nằm dài thiếu vắng Đấng sinh thành…

Cho dù quanh tôi không cần điều đó, họ luôn nhìn lý lịch: cha chết, mẹ chết, để tự quyết những gì cần thiết trong cuộc sống của tôi… không ai cần những hình ảnh không thiết thực ấy của tôi, chỉ có riêng tôi là cần, rất cần trong cuộc sống thiếu thốn của mình, và trong im lặng tôi vẫn tự an ủi mình là tôi vẫn có Ba, người vẫn đi bên cạnh tôi, thậm chí có khi tôi nghĩ, Ba tôi vẫn còn đâu đó và người sẽ trở về bên chị em tôi như ngày người ra đi đã hẹn “Mai Ba về !”

Lớn dần lên, tôi hiểu là Ba không còn nữa, những mơ ước, tưởng tượng của tuổi thơ ngày đó là những dấu ấn để mình tự vượt lên trên định mệnh khắc khe của cuộc đời mình…

Vào năm Đệ tứ tôi về lại nhà Ba mẹ để sống cùng anh em tôi, nhà tôi nằm chính giữa, quanh nhà tôi là bốn căn nhà của Ba Mẹ để lại, cho người ta thuê lấy tiền để anh em tôi ăn học qua ngày.

Gần nhà tôi nhất là nhà bác Thùy, làm công chức, vợ chồng bác có ba người con, hai gái, một trai, mà người con gái đầu là bạn thân của tôi, chúng tôi cùng học một trường, cách nhà hơn hai cây số.

Vì trường xa nhà, nên chúng tôi phải đi học bằng xe đạp. Bạn tôi chở em gái học lớp Đệ thất cùng đi, tôi và em trai tôi chia nhau một chiếc xe cũ kỹ hơn, tôi học sáng và em học chiều.

Xe chị em tôi phần xe cũ, phần em trai tôi đi không cẩn thận, nên xe cứ trục trặc mãi, hôm thì xì bánh, hôm thì đứt thắng, có tiền thì sửa, mà không có tiền thì tôi phải dậy sớm hơn, vội vã đến trường cho kịp giờ vào lớp, có hôm cả tuần lễ nó cứ phải nằm một góc ấy, chờ đến tháng chúng tôi mới có tiền tu bổ lại.

Xe bạn tôi thì khác, xe tốt, chất lượng cao, bạn chỉ cần chở em vào đầu cổng, là có Ba bạn ra cổng đứng chờ để mang xe vào nhà cho bạn. Xe vào nhà, Ba bạn kiểm tra xe thật kỹ, rồi ông lấy khăn lau xe cho bạn thật sáng chói, như xe mới mua ở tiệm mang về, ông đổ nhớt vào sên, vào thắng, nên xe lúc nào cũng chạy êm, nhẹ nhàng…, tôi cứ mãi đứng nhìn cách chăm sóc của Ba bạn mà có hôm quên cả thay quần áo để lo việc bếp núc.

Ba bạn rất thương con, lo cho chị em bạn đủ điều, không có việc gì bạn nhờ mà Ba bạn không mau mắn làm cho bạn, đôi khi tôi có cảm giác bạn hơi bẳn gắt với Ba, nhưng Ba bạn không bao giờ vì thế mà không cười vui với bạn… Thời gian sau, Ba bạn, đổi cho bạn một chiếc honda mới toanh, để bạn chở em ban đi học, trong khi ba bạn vẫn tà tà đi chiếc xe đạp ngang cũ kỹ từ nhà đến Sở làm việc.

Những hôm chúng tôi cùng đi Lễ, trời bất chợt đổ mưa thì thế nào cũng thấy Ba bạn mang áo mưa vào tận nhà thờ trao cho bạn, đôi khi tôi được bạn cho đi nhờ áo mưa về nhà, nhưng đôi khi tôi phải trốn đâu đó để nhìn cách chăm sóc của Ba bạn, mà nhớ lại tình thương của Ba mình dành cho mình, chắc không kém Ba bạn, nếu Ba mình còn sống…

Hình ảnh người cha chăm sóc tận tình cho con của Bác thuê nhà tôi, đã đi sâu vào tiềm thức tôi, đã nâng cao hình ảnh cao quý người cha trong tôi, làm tôi cứ trân trọng mãi… cho đến ngày tôi lấy chồng.

Các con tôi có Ba, điều may mắn hơn tôi, tôi mong các con tôi có được người cha như bạn tôi đã có, những khi các con tôi làm điều không vừa ý, bị Ba la mắng, tôi lại nhớ hình ảnh người cha năm đó…, những khi trời mưa gió con tôi còn ở đâu đó ngoài đường, hay ở trường không mang được áo mưa theo, suy nghĩ tôi không thể nào không lui về thời xa xưa ấy… người cha đội mưa, đội gió, để mang đến cho con những tấm áo mà các con ông tin chắc như đinh đóng cột là chỉ vài phút sau sẽ có mặt Ba mình.

Thỉnh thoảng tôi vẫn nói với chồng tôi những suy nghĩ về người cha ấy, tôi ao ước anh được như vậy cho con tôi được nương nhờ, mỗi khi anh ngại mưa gió và tin chắc rằng con tôi sẽ trú ngụ đâu đó để chờ tạnh mưa mới về nhà, thì tôi lại nói:

- Bác Thùy ngày ấy dù đi làm, dù đang vui chơi với bạn bè ở đâu, cũng luôn nhớ giờ về của con mà ra đón, chẳng bao giờ bác để cho con bác bị mắc mưa dọc đường. Hình ảnh người cha vô cùng tuyệt vời trong em, hãy đừng đánh mất trong em hình tượng đẹp của người cha, anh ạ.

Nhiều năm sau, tôi gặp lại người bạn năm ấy, Ba mẹ bạn không còn nữa, lời đầu tiên tôi nói với bạn là:

- Bạn có người cha vô cùng tuyệt vời mà suốt cuộc đời tôi mơ ước.

Bạn ấy ngậm ngùi trả lời:

- Cho đến năm mình đã có năm đứa con, Ba mình vẫn chăm sóc mình như những ngày thơ dại ấy…

Để nhớ về người cha vội ra đi sớm của tôi, và nhớ về người cha suốt một đời tận tụy cho con, của bạn tôi. Tôi cầu mong cho con tôi và những người có diễm phúc còn gọi được tiếng “Cha ơi”, luôn được hạnh phúc bên cha mình, và mong mọi người cha đều yêu con như Ba bạn tôi đã thật sự yêu thương con hơn yêu cả bản thân mình.





Để nhớ “Father’s Day”

Tặng các con và những người còn Ba.



Kim Hoa


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
17-06-2013, 01:58 AM
Bài viết: #4
RE: Ngày Của Cha
http://banmaihong.wordpress.com/2013/06/16/cha-toi/


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (21-06-2013 10:22 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS