Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
DẤU HỎI & NGÃ
17-10-2015, 09:34 PM (Được chỉnh sửa: 17-10-2015 09:39 PM bởi dieuquang.)
Bài viết: #1
DẤU HỎI & NGÃ
TẠM ĐẶT TẠI ĐÂY CHO TIÊU ĐỀ NÀY CỦA MỘT HỌC GIẢ TẠI BĨ, BÀ CON TA NHIỀU NHÀ GIÁO, RẢNH THAM KHẢO, KHÁ CHI TIẾT.

DẤU HỎI NGÃ

Một từ tiếng Việt chỉ mang một trong số sáu thanh. Thanh là yếu tố định bậc cao thấp trong thang âm sáu bậc của tiếng Việt hiện đại, và là yếu tố cần và đủ để tạo thành ý nghĩa của một từ. Sáu bậc cao thấp đó được cụ thể hoá một cách dễ hiểu bằng sáu tiếng sau đây: không - huyền - ngã - hỏi - sắc - nặng. Phân biệt bốn thanh khác không có khó khăn gì, nhưng hai thanh hỏi và ngã thì cần nhiều công phu.

Từ nghỉ và nghĩ chẳng hạn, chỉ khác nhau ở một dấu hỏi hay ngã mà làm nên sự khác biệt về ý nghĩa của hai từ đó. So sánh hai câu dưới đây để thấy sự khác biệt giữa hai thanh hỏi và ngã làm nên sự khác biệt ý nghĩa của từ:

Thôi, đừng nghĩ ngợi làm gì cho mệt xác !
Thôi chứ, đã hết giờ nghỉ mệt rồi !

Lầm lẫn dấu hỏi ngã trong những trường hợp như thế thay đổi hẳn ý nghĩa của từ trong một câu. Phân biệt dấu hỏi và ngã là một việc tương đối dễ dàng đối với người nói giọng Bắc, nhưng lại là một việc cần thiết cho những ai nói giọng Trung và Nam (nghĩa là người phát âm giọng tiếng Việt từ phía nam Thanh Hoá vào trong vùng tây nam bộ). Ðối với những người Nam thì phân biệt hỏi ngã dựa trên phát âm là chuyện khó chính xác, vì số từ ngữ tiếng Việt mang dấu hỏi và ngã là một khối lượng khá lớn. Do vậy, nếu nắm được một số những quy tắc hoạt động của thanh hỏi và thanh ngã thì sẽ giúp giải quyết những khó khăn về dấu hỏi - ngã.

Vì việc phân biệt hỏi ngã có khác nhau giữa hai loại từ vựng trong tiếng Việt, chia bài thành hai phần chính:

Trước hết là phân biệt hai nhóm từ vựng trong tiếng Việt, sau đó mới tìm hiểu cách phân biệt hỏi-ngã trong từng nhóm loại từ vựng này.

NHẬN BIẾT MỘT TỪ TIẾNG VIỆT

Từ vựng tiếng Việt là tập hợp từ những nguồn khác nhau:
- Nguồn thứ nhất là những từ ngữ rất lâu đời của cộng đồng ngôn ngữ Việt cổ thuộc họ ngôn ngữ Nam A¨
- Nguồn thứ hai là những từ ngữ vay mượn từ một ngôn ngữ khác, hoặc là từ tiếng Hán (tức là tiếng Hoa nói vào đời Hán), hoăc là từ một ngôn ngữ phương tây gần đây.
Như vậy thì một từ tiếng Việt có thể là một từ "thuần Việt" (hay có khi còn gọi là tiếng nôm), cũng có thể là một từ Hán Việt, hoặc là một từ mới vay mượn từ một ngôn ngữ khác. Mỗi loại từ trên có những nét tính cách khác nhau về thanh. Nhận biết được một từ là thuộc nhóm từ nôm hoặc từ Hán Việt sẽ giúp giải quyết được một số khá nhiều những trường hợp cần phân biệt dấu hỏi ngã.
Nhưng làm thế nào để phân biệt được đâu là một từ thuần Việt và đâu là một từ Hán Việt hoặc một từ vay mượn ?

1.Từ thuần Việt trước kia thường gọi chung đây là những "tiếng nôm, tức là tiếng của người nước Nam , để phân biệt với tiếng nói của người phương Bắc, tức là người Hán. Ðó là những từ có thể chuyển đổi thanh theo quy luật hài thanh, hoặc là những từ láy âm theo phép hoà phối ngữ âm.
Chẳng hạn, từ nở, nóng, hỏi là những từ thuần Việt, vì chúng có thể tạo thành những từ láy âm: nở nang, nóng nảy, hỏ han. Một từ như đã, chẳng, dẫu là những từ thuần Việt, vì chúng có thể chuyển thanh điệu mà vẫn giữ nguyên ý nghĩa: đà, chăng, dầu.

2.Từ Hán Việt là những từ đã vay mượn từ vốn từ vựng tiếng Hán từ cả gần hai nghìn năm trước đây, khi nhà Hán bên Trung Hoa sang đô hộ xứ ta. Số từ Hán Việt đã chiếm quá nửa số vốn từ hiện nay. Có thể nhận biết một từ Hán Việt hay không là nhờ mấy cách như sau:

a. Nếu một chữ hay một tiếng có thể ghép với các tiếng như nhất (một), hữu (có), vô (không), bất (chẳng), thì từ ấy phải là từ Hán Việt. Vậy thì từ nhân, ích, đạo, bình là những tiếng Hán Việt vì chúng có thể kết hợp có ý nghĩa với bốn tiếng trên kia: nhất nhân, hữu ích, vô đạo, bất bình.

b. Nếu một chữ hay một tiếng có nghĩa nhưng không thể đứng một mình làm thành một từ được mà chỉ có thể làm thành một thành phần của từ mà thôi, thì đó là một chữ Hán Việt.
Ví dụ: những tiếng quốc (nước), gia (nhà), sơn (núi), hà (sông), nhất (một), nhị (hai),& thường chỉ ghép chúng với một tiếng khác chứ không thể dùng riêng rẽ được. Chẳng hạn, để nói ý "hai quả núi", người Việt không thể nói nhị núi hoặc hai quả sơn; cũng thế, có thể viết là nhất gia, sơn hà, nhị nhân... nhưng không thể nói một gia, núi hà, hai nhân. Vậy thì những tiếng quốc, gia, sơn hà, nhân, nhất, nhị là những tiếng Hán Việt.

c. Nếu gặp một chữ hoặc một tiếng mà ta không hiểu nghĩa, nhưng ta lại biết rằng chúng có thể ghép chung với hai từ mà lại có cùng ý nghĩa, thì đó là một tiếng Hán Việt.
Ví dụ: gặp từ trường sinh mà ta không biết tiếng trường là gì, nhưng biết là nó ghép chung với hai tiếng khác (trường dạ, trường kỉ), thì có thể đoán biết là trường là một tiếng Hán Việt có nghĩa là "dài"; hoặc là đọc đến mấy chữ tác nghiệp, không hiểu tác là gì, nhưng biết là có sáng tác, tác giả, thì đoán biết tác là một tiếng Hán Việt, có nghĩa đại khái là "làm ra cái gì đó".

d. Nếu một tiếng nào đó mặc dù quen dùng riêng rẽ trong lời nói hằng ngày, nhưng lại thấy chúng thường ghép trong ít nhất là hai từ Hán Việt, thì tiếng hoặc chữ đó là một tiếng Hán Việt.
Ví dụ: tiếng học là một từ quen dùng. Tiếng này có thể gặp trong những từ Hán Việt như học sinh, đại học, học vị. Vậy thì tiếng học là một tiếng Hán Việt. Thí dụ khác: tiếng chúng có thể gặp trong các từ Hán Việt như quần chúng, chúng sinh..., vậy thì chúng cũng là một tiếng Hán Việt.

3.Từ vay mượn: là những từ ngữ vay mượn từ vốn từ vựng của các ngôn ngữ khác, cụ thể là các ngôn ngữ phương tây. Từ khi giao tiếp với phương tây đến nay, tiếng Việt đã đưa vào kho từ vựng của mình những tiếng như xà phòng, (áo) sơ mi, xi măng, (dầu) xăng, cao bồi, (trái) bom, phim, (xe) ô tô, cuốc (xe), (bà) đầm, (bánh) quy, (nhà) băng, két (bạc), (kinh) xáng. Những tiếng vay mượn này hoặc được phiên âm trực tiếp từ một từ ngữ phương tây (xi măng <cement>, bom <bombe>, phim <film>, ô tô <auto>, băng <banque>), hoặc được đọc trại âm theo lối phát âm của người Việt (xà phòng <savon>, sơ mi <chemise>, xăng <essence>, cao bồi <cow boy>, cuốc <course>, đầm <dame>, (bánh) quy <biscuit>, két <caisse>, (kinh) xáng <chaland>). Những tiếng vay mượn này được cố gắng Việt hoá, cho nên cũng mang tất cả các thanh của tiếng Việt.

DẤU HỎI NGÃ ÐỐI VỚI TIẾNG THUẦN VIỆT

Một tính cách rất nổi bật của tiếng Việt là tính cách hoà phối ngữ âm giữa hai thành phần của một từ kép mà chúng ta thường gọi là từ láy. Những từ có hai âm tiết láy với nhau khi một hay nhiều thành phần âm tiết của hai âm tiết đó lặp lại giống hệt âm kia (gọi là điệp âm), hoặc kết hợp với âm kia theo một trật tự nào đó. Một vài thí dụ về từ láy: vui vẻ, xinh xắn, khô khan, đẹp đẽ... Hiện tượng láy từ có tác dụng trước hết là sự cân đối, sự hài hoà giữa các âm tiết của từ. So sánh hai câu dưới đây:

2a Căn nhà này khá rộng.
2b Căn nhà này khá rộng rãi.

Cả hai câu nói đều đúng cách nói thông thường. Nhưng khi nói rộng rãi như trong câu 2b thì nghe êm ái hơn, dễ nghe hơn, và do đó được chuộng hơn.

Xem thế thì hoà phối ngữ âm là sự kết hợp hài hoà giữa thành phần của một từ với một từ khác để tạo thành sự cân đối nhịp nhàng. Hoà phối ngữ âm có thể thực hiện ở cả bốn thành phần âm tiết của từ:

Láy âm đầu: lững lờ, lờ vờ, lụng thụng
Láy âm chính: đo đỏ, gồ ghề, chúm chím, nhõng nhẽo
Láy âm cuối: mũm mĩm, hầm hập, ươn ướt
Láy thanh: thênh thang, vàng vọt, lả lơi, ngả ngớn

Ở đây chú ý đến sự hoà phối ngữ âm về mặt thanh điệu. Sự phân bố cân phương này được gọi là luật hài thanh. Luật hài thanh được thể hiện qua hai hiện tượng liên quan đến hoạt động của thanh điệu tiếng Việt:

1. Trước hết là sự hài thanh giữa hai âm tiết của từ láy: đây là sự phân bố cân đối giữa các thanh giữa hai âm tiết của một từ kép thành từng đôi một trong mỗi nhóm dưới đây:

Nhóm thứ nhất (thanh bổng): ngang - hỏi - sắc
Nhóm thứ nhì (thanh trầm): huyền - ngã - nặng

Theo bảng trên đây, hai từ thuộc nhóm thứ nhất có thể mang một trong ba thanh:

o Ngang - hỏi: lửng lơ, thơ thẩn, sang sảng
o Hỏi - sắc: lở lói, ngả ngớn, vắng vẻ, gắng gỏi,
o Ngang - sắc: diêm dúa, nghe ngóng, mang máng, líu lo, thối tha
Ba thanh thuộc nhóm thứ nhì được phân bố kết hợp như sau:

o Huyền - ngã: ầm ĩ, lờ lững, vòi vĩnh, ỡm ờ, thẫn thờ,
o Ngã - nặng: kĩu kịt, nũng nịu, nhão nhoẹt, hợm hĩnh, đẹp đẽ
o Huyền - nặng: mờ mịt, vàng vọt, lặng lờ, mặn mà

2. Luật hài thanh còn thể hiện cả trong hiện tượng chuyển thanh điệu của một số từ. Tiếng Việt có nhiều từ biến đổi thanh mà vẫn không đổi ý nghĩa sang một từ khác. Hiện tượng chuyển đổi thanh trong tiếng Việt cũng theo phép hài thanh, nghĩa là các từ chuyển thanh theo hai nhóm mà Lê Ngọc Trụ (1959) tóm lại thành hai mô hình mà ông gọi là tan - tán - tản và lãi - lời - lợi. Phép chuyển thanh này như sau:

Ðổi thanh theo mô hình tan - tán - tản (nhóm ngang - hỏi - sắc). Dưới đây là một số trường hợp thường gặp:
chăng - chẳng lén - lẻn rảy - rưới
chưa - chửa lỏm - lóm túa - tủa / toả
không - hổng thoáng - thoảng há miệng - hả miệng
phản - ván ham - hám nói hở - nói hớ
tan - tản bấu - bâu vểnh mặt - vênh mặt

3. Ðổi thanh theo mô hình lãi - lời - lợi (nhóm huyền - ngã - nặng). Dưới đây là một số trường hợp thường gặp:
đã - đà ngỡ - ngờ chậm rãi - chẫm rãi
lời - lợi cội - cỗi ướt đẫm - ướt đầm
dẫu - dầu còi - cỗi đen sậm - đen sẫm
cũng - cùng đỗ - đậu xoã tóc - xoà tóc
(sông) Nhị - (sông) Nhĩ thõng - thòng ăn ruỗng - ăn ruồng

4.Ngoài ra, có một số từ Hán Việt và tiếng thuần Việt dường như có liên quan, gần gũi với nhau. Những trường hợp vay mượn qua lại như thế cũng tuân theo phép hài thanh của tiếng Việt, nghĩa là cũng theo một trong hai mô hình tan - tán - tản và lãi - lời - lợi. Dưới đây là một vài thí dụ về sự giao tiếp ngôn ngữ như thế:
huyền - ngã - nặng ngang - hỏi - sắc
cưỡng - gượng thiểu - thiếu
trữ - giữ thố - thỏ
đãi - đợi xả - xá

5.Biết được tính cách của luật hài thanh thì chúng ta có thể nêu lên thành luật gọi là "luật hỏi-ngã của các tiếng nôm" như sau:

Luật 1 khi hai tiếng có thể láy được với nhau thì hễ một tiếng mang dấu ngang (không dấu) hoặc dấu sắc thì tiếng kia phải mang dấu hỏi; ngược lại, hễ một tiếng mang dấu huyền hoặc dấu nặng thì tiếng kia phải mang dấu ngã.

Luật 2 một từ có thể chuyển thanh điệu sang ngang hoặc sắc thì chắc chắn là mang dấu hỏi (theo mẫu tan - tán - tản); ngược lại, một tiếng có thể chuyển sang thanh huyền hoặc thanh nặng thì chắc chắn là có dấu ngã (theo mẫu lời - lãi - lợi).
Hai luật hỏi ngã này có thể giúp giải quyết được một số khá lớn các trường hợp mà người viết đang còn phân vân không biết nên bỏ dấu hỏi hay dấu ngã. Chẳng hạn, khi phải viết câu dưới đây, người nói giọng đàng trong có thể phân vân không biết bỏ dấu hỏi ngã thế nào

3a Chị mơ gói thịt mơ ra rồi ngao ngán thở dài.

Có thể dùng phép hài thanh (ngang hỏi sắc-huyền ngã nặng) để tìm ra được rằng: tiếng Việt có nói mở mang (làm cho rộng ra) theo luật ngang-hỏi-sắc, và có mỡ màng (có nhiều chất dầu, mỡ) theo luật huyền-ngã-nặng; lại cũng có thở than (than vãn chuyện gì) mà không có thỡ (viết với dấu ngã).
Vậy câu 3a bỏ dấu hỏi ngã như sau:
3b Chị mở gói thịt mỡ ra rồi ngao ngán thở dài.

Một thí dụ khác là khi viết câu dưới đây:
4a Ðứa bé đa ăn no rồi mà vân chưa chịu đi ngu.

Biết là từ đã ở đây phải bỏ dấu ngã vì cũng có thể nói đà mà câu vẫn không đổi nghĩa. Từ vẫn mang dấu ngã vì phó từ này không có thể nhầm lẫn với từ vẩn - Có nghĩa là chất cặn bẩn, hoặc từ vẩn vơ (có nghĩa là tâm trạng không dứt khoát) theo luật ngang-hỏi-sắc. Từ ngủ ở cuối câu thì chỉ có thể láy thành ngủ nghê theo luật ngang-hỏi-sắc, nên phải mang dấu hỏi.
Vậy thì câu 4a được viết hoàn chỉnh như sau:
4b Ðứa bé đã ăn no rồi mà vẫn chưa chịu đi ngủ.

Ngoài ra, cũng nên biết thêm là người Việt - nhất là người miền Nam - hay nói gộp các tiếng hai âm tiết thành một trong những trường hợp sau đây: phải không > phỏng, bà ấy > bả, ở bên ngoài ấy > ở ngoải, hôm ấy > hổm, năm ấy > nẳm, hồi ấy > hổi. Tất cả những tiếng nói gộp trên đây đều mang dấu hỏi. Vậy thì có luật 3 như sau:

Luật 3 Các tiếng nói gộp âm đều mang dấu hỏi

Trong kho từ ngữ tiếng Việt hiện đại còn có một nhóm nhỏ những từ ngữ nước ngoài nhưng đã được chuyển sang giọng đọc tiếng Việt. Các tiếng vay mượn thường được phiên chuyển sang thanh hỏi: moả (< moi), xừ luỷ (< lui), đi rỏn (< ronde), sở cẩm (< commissaire de police), làm cỏ vê (< corvée). Vậy có thể nêu thành luật cho loại từ ngữ này như sau:

Luật 4 các tiếng vay mượn từ tiếng nước ngoài và đã chuyển sang giọng tiếng Việt, thì thường viết với dấu hỏi.

DẤU HỎI NGÃ CỦA TỪ HÁN VIỆT

Như đã nói ở trên, nhận biết được một từ Hán Việt sẽ có lợi rất lớn là phân biệt được một phần khá lớn những từ mang dấu hỏi ngã thuộc nhóm từ Hán Việt.
Giở từ điển Hán Việt, ta có thể thấy là:

(1) Những từ Hán Việt bắt đầu bằng các phụ âm d, l, m, n. nh, ng, v thường viết dấu ngã. Có khoảng 180 từ Hán Việt mang dấu ngã. Ví dụ:

Phụ âm d: dã, dĩ, dũ, dữ.
Phụ âm l: lão, lễ, lỗ, lữ
Phụ âm m: mão, mãnh, mẫn, mỗ
Phụ âm n: não, nễ, nỗ, nữ
Phụ âm ng: ngã, ngỗ, ngũ, ngữ
Phụ âm nh: nhã, nhĩ, nhũ, nhữ
Phụ âm v: vẫn, vĩ, viễn, vũ

(2) Ngoài những trường hợp kể trên, các từ Hán Việt khác bắt đầu bằng các phụ âm khác đều viết dấu hỏi, trừ những lệ ngoại sẽ nói ở dưới. Ví dụ về các từ Hán Việt có dấu hỏi:

Nguyên âm: ả, ảo, ẩn, yểu, uẩn, uỷ.

Phụ âm
b bảo, bỉ, bỉnh, bổng, bửu
c/k/q cảo, cổ, củ, kỉ, kiểu, quả, quản, quảng, quỷ
đầu ch chỉ, chiểu, chuẩn, chủng, chử
đầu đ đả, đẩu, để, điểu, đổ
gi giả, giảo,
h hảo, hỉ, hổ, hủ
đầu kh khả, khẩu, khổ, khởi
ph phả, phỉ, phổ
s sỉ, sổ, sửu
t tả, tảo, tể, tỉ, tổ, tử
th thải, thổ, thủ, thưởng
tr trảo, trảm, triển, trưởng
x xa, xả, xảo, xỉ, xử

Nhóm thứ nhì này có khoảng 30 trường hợp ngoại lệ, cần nhớ thuộc lòng. Dưới đây là bảng liệt kê các từ đó với những thí dụ về từ ghép đặt trong ngoặc:
Phụ âm
b bãi (bãi thị, bãi nại), bĩ (bĩ vận),
c cữu (linh cữu), cưỡng (cưỡng đoạt)
đ đãng (khoáng đãng), đễ (hiếu đễ), đỗ (Ðỗ thị)
h hãm (hãm hại), hãn (hãn hữu), hoãn (hoãn binh), hĩ (một tiếng đệm), hỗ (hỗ trợ), hỗn (hỗn hợp, hỗn mang), huyễn (huyễn mộng), hữu (bằng hữu)
k kĩ (ca kĩ, kĩ thuật, kĩ xảo)
ph phẫn (phẫn nộ), phẫu (giải phẫu)
d quẫn (quẫn bách), quỹ (quỹ đạo, quỹ tích, thủ quỹ)
s sĩ (bác sĩ, viện sĩ), suyễn (suyễn tức, suyễn yết)
t tiễn (tiễn biệt), tĩnh (tĩnh mịch), tuẫn (tuẫn tiết)
th thuẫn (mâu thuẫn), thũng (phù thũng)
tr trãi, trẫm, trĩ (ấu trĩ), trữ (dự trữ, lưu trữ, tích trữ)
x xã (xã hội, xã tắc)

Từ hai điểm trên, chúng ta có thể nêu lên hai luật hỏi ngã dành cho tiếng Hán Việt như sau:
Luật 5 các từ Hán Việt có phụ âm đầu d, l, m, n, nh, ng, v đều có dấu ngã.
Luật 6 các từ Hán Việt khác có thanh hỏi. Trừ khoảng 30 trường hợp ngoại lệ.

Tóm lại, viết dấu hỏi ngã tiếng Việt cho dù phức tạp nhưng vẫn có những lề luật từ tự thân tiếng Việt. Những mẹo luật mà Nguyễn Ðình và Lê Ngọc Trụ đã phát hiện và được nhắc đến ở đây chẳng qua chỉ là những phát hiện những quy luật ẩn dấu trong hoạt động ngôn ngữ mà thôi. Ðể có thể áp dụng sáu "luật hỏi ngã" trên đây, cần đến công phu thực tập đều đặn trong một thời gian đủ để chiêm nghiệm những quy luật được thể hiện qua thực tiễn ra sao.
Trong tình hình dạy và học tiếng Việt tại hải ngoại hiện nay, việc phân biệt dấu hỏi và dấu ngã là một công việc khó khăn. Nhưng đây cũng lại là một việc cần thiết vô cùng, vì đó là một trong những công việc cần thiết để nâng cao trình độ hiểu biết về chuẩn mực ngôn ngữ của tiếng Việt. Có thể là chuyện viển vông khi nói đến chuẩn mực ngôn ngữ ở hải ngoại lúc này, nhưng đây lại là nhu cầu chính đáng của lớp trẻ ngày càng đòi hỏi phải nhìn lại cho rõ đâu là chuẩn mực ngôn ngữ. Ðó cũng chính là mục đích của chính tả vậy .

Ðoàn Xuân Kiên
(Bài đăng trong tập san Ðịnh Hương 21-Luân Đôn 1998)
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (18-10-2015 04:11 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS