Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
CÁI HỌC >BỆNH THÀNH TÍCH
10-04-2017, 04:03 PM
Bài viết: #1
CÁI HỌC >BỆNH THÀNH TÍCH
TRỌNG BỆNH VỀ GIÁO DỤC TRẺ TẠI VN
( thấy đúng nên copy > bà con kg like thì miển trách. dq thấy chame Việt ngày càng chạy đua theo quần chúng, nhồi nhét con em mình mà không quan tâm đến thời gian tuổi nhi đồng bị mất đi bởi các thành tích Ảo, cho dù sức con em thực sự chưa chạm tới được)

1. Dạy trẻ con thành thiên tài ở bậc phổ thông

Đây là “căn bệnh” số 1 trong nền giáo dục của chúng ta. Ngày ngày, chúng ta chứng kiến việc các em học sinh bị nhồi nhét từ bé để đua tranh vào các cái gọi là trường chuyên lớp chọn, như thể đó là cách duy nhất để có được tương lai xán lạn.

Đây là hệ quả trực tiếp của kiểu đào tạo gà nòi. Vậy có nghĩa là phần đông các em học sinh không thể vào được trường chuyên lớp chọn sẽ không thể có được những cơ hội và cuộc sống tốt đẹp mà một giáo dục bình đẳng có thể mang lại cho chúng hay sao?

Hầu như tất cả các học sinh khá giỏi đều được cha mẹ nhắm vào luyện thi chuyên Toán hoặc chuyên Anh, vậy thì các môn học khác thì sao (ví dụ như Vật lý là môn khoa học tuyệt vời gắn bó với cuộc sống hàng ngày và cả những môn xã hội mà ra đời mới biết nó quan trọng và đặc biệt là nghệ thuật)?

Biết bao nhiêu tài năng đã bị bỏ qua và lãng phí vì chính các em học sinh đã không được định hướng và tạo cơ hội phát triển đúng với thiên hướng và tiềm năng vốn có của chính mình.

Chúng ta hãy nghĩ xem, số đông học sinh không vào được trường chuyên lớp chọn thì sẽ ra sao? Bị tước đi hầu hết các cơ hội khi còn ở phổ thông và phải chờ đợi các cơ hội ở trường đời?...

2. Người lớn muốn làm tỉ phú

Hãy nhìn cách mà người Việt tham gia giao thông: tất cả đều cố gắng lao lên phía trước để vượt người khác dù chỉ là một cái bánh xe máy. Cũng tương tự như vậy là cuộc đua trong giáo dục đại học và học nghề khi người ta chỉ muốn và chỉ thích học những nghành "làm ra tiền và kiếm được tiền". Tất cả chỉ phục vụ cho mục tiêu muốn làm tỉ phú, càng nhanh và càng sớm càng tốt.

Các ngành nghề về khoa học và nghệ thuật hay phục vụ cộng đồng mất hết các tài năng đáng lẽ là của họ vào những ngành dễ kiếm tiền. Tư duy của sinh viên và của người đi làm là thành công phải là tiền bạc và địa vị. Các yếu tố về đam mê cống hiến, học hỏi và tài năng thật sự qua trui rèn đã bị bỏ qua không thương tiếc.

Người ta đi học thạc sỹ hay tiến sỹ cũng chỉ vì những thứ gắn liền với định nghĩa thành công như trên.

Thật buồn là ngày nay chúng ta xuất khẩu nhiều thứ nhưng lại không thể xuất khẩu giáo sư và tiến sỹ đào tạo ở trong nước.

3. Về cách học - là một cuộc chạy đua học kiến thức rỗng và bỏ quên hoàn toàn kĩ năng và tư duy

Tại sao tôi lại gọi những gì học sinh học được ở Việt Nam là kiến thức rỗng?

Vì 2 điều:

Thứ nhất, với trẻ em thì học không đi đôi với hành. Chỉ chăm chăm nhồi nhét kiến thức mà không có thực hành và thí nghiệm. Tôi vẫn cho rằng một thí nghiệm khoa học thực hành thú vị mà nếu như trẻ có cơ hội thực hiện thì nó đáng giá hơn cả một chương lý thuyết suông.

Và trong ngoại ngữ, đặc biệt là môn tiếng Anh, thì tôi cho rằng việc trẻ tự tin nói được một bài tranh luận và kể được một câu chuyện hoặc viết được một bài văn có giá trị gấp nhiều lần việc làm bài tập kiểu ngữ pháp – điều đang thống trị trong các trường học và các kì thi ngoại ngữ ở Việt Nam.

Thứ hai, với sinh viên thì vẫn chỉ là lên giảng đường chép lời thầy cô đọc từ một cuốn giáo trình mà học sinh để ngay bên cạnh mình. KHÔNG có tự học, tự đọc và tự nghiên cứu. Và tất nhiên cái gọi là học tập suốt đời là câu chuyện hoang đường.

Kết quả là các tư duy nền móng cho trí tuệ và văn minh như phản biện, hoài nghi, sáng tạo, tìm tòi... đều là thứ xa lạ.

4. Chạy đua vào các trường top của Hoa Kỳ

Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào du học Mỹ trở nên sôi động bất ngờ cho dù nó đã là một dòng chảy từ lâu ở Việt Nam.

Phong trào này hiện đang lên cao ở Hà nội và TP.HCM, và đều dùng chung một thông điệp: điểm các kỳ thi chuẩn hóa thật cao và vào được các trường top.

Một số rất ít thiểu số học sinh đã làm được cả 2 điều trên. Phần còn lại của tảng băng chìm là số đông các em không làm được điều này. Và nhận trái đắng. Các em chỉ chạy đua vào các trường theo danh tiếng tên tuổi của trường mà quên đi một vấn đề cốt tử cho tương lai của mình là học cái gì quan trọng hơn rất nhiều việc học trường gì!

Và với kiểu dạy và học hiện nay, thực chất đây là một kiểu luyện gà chọi mới không hơn không kém.

Với các điểm số trên 1500/1600 thì ngay cả người Mỹ cũng bất ngờ. Họ bất ngờ không hẳn vì sao bạn giỏi thế (về điểm số) mà còn vì tại sao bạn PHẢI LÀM THẾ?

Phần đông học sinh Mỹ, kể cả những tài năng sau này có thể trở thành các nhà khoa học lớn, đều không có điểm SAT cao như thế hoặc không chạy theo điểm thi cao như thế, cho dù họ thừa sức làm được nếu cày và luyện nó. Vì họ không thấy cần phải học theo cách như thế và không sẵn sàng đầu tư nhiều thời gian và cả tiền bạc chỉ để đạt điểm cao kiểu như thế.

Vâng, họ không sẵn lòng đánh đổi.

Vì họ biết các trường đại học Hoa Kỳ không cần họ phải có điểm SAT tới mức 1500 hoặc 1550.

Và tiếp theo nữa, họ biết là nếu chạy theo điểm số cao ở mức 1500 trở lên như ở... Việt Nam, họ sẽ bị mất hết thời gian cho những môn học và các hoạt động khác.

Và sau cùng, học sinh Mỹ không chấp nhận kiểu học tủ và cày quốc thiếu sáng tạo đó.

Một bộ phận không nhỏ các em mang giấc mơ du học Mỹ hiện nay ở Việt Nam đang hy sinh tất cả thời gian để chạy theo điểm số SAT cao. Các em dành cả mấy năm trời theo đuổi điểm số cao cho SAT, nhưng những gì mà chúng ta thấy trên truyền thông rằng bạn này bạn kia điểm khủng và vào được Ivy League hoặc tương tự chỉ là thiểu số rất nhỏ nhoi. Tôi xin nhấn mạnh chữ nhỏ nhoi.

Ngay cả khi Ivy League cũng không yêu cầu phải có SAT cao như thế thì người Việt vẫn theo đuổi và đánh đổi. Đó là một điều đáng báo động.

Vậy các bạn có thể đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải theo đuổi giấc mơ trường top hay không?

Câu trả lời của tôi là: Không nhất thiết phải như vậy.

Ở Mỹ có rất nhiều trường tốt, và ở các trường tốt ngoài Ivies vẫn đầy dẫy các tài năng lẫy lừng mà chính họ đã bị Ivy League từ chối. Một học sinh tài năng xuất chúng của tôi học Williams College có nói với tôi là: quan trọng nhất vẫn là lúc ra trường sống là làm việc thế nào.

Và tôi xin khẳng định là nhiều người từ Harvard hay các trường top không coi bản thân mình là cái gì đó đặc biệt cả.

Nguyễn Tuấn Hải
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (20-04-2017 10:26 AM)
20-04-2017, 07:03 PM
Bài viết: #2
RE: CÁI HỌC >BỆNH THÀNH TÍCH
TRÍCH THÊM MỘT PHẦN CHỦ ĐỀ TRONG BÁO DÂN TRÍ

Giới chuyên gia gần đây còn dự báo, ngay trong năm 2017, sẽ có thêm 200.000 cử nhân thất nghiệp. Đội ngũ thất nghiệp “trí thức” này, tưởng như không ảnh hưởng gì đến xã hội: Có ăn học đàng hoàng, chẳng đến nỗi hút chích, cá độ, gây mất trật tự trị an, quá lắm chỉ là rong chơi quên ngày tháng thôi… Ấy vậy mà không phải. Hệ lụy của thất nghiệp thực chẳng dễ chịu chút nào!

Hôm vừa rồi, nhân chuyến xe ôm dài, tôi có nói chuyện với anh xế trẻ. Anh bạn sượng sùng thú nhận, mình từng là kỹ sư cơ khí, tốt nghiệp từ năm 2013.

Đội ngũ xe ôm “trình độ cao” với bằng kỹ sư, cử nhân, thậm chí thạc sĩ trong tay chẳng hiếm hoi gì ở các thành phố lớn. Có phải xã hội khắc nghiệt, số phận bạc bẽo quá mới khiến người có ăn học đàng hoàng vẫn không có việc làm tử tế?

Nhớ lại hơn chục năm trước, thời đó, nhà nào có con đỗ đại học là mổ trâu, mổ bò cả làng ăn mừng. Oách lắm! Tất nhiên, tôi không, cổ xúy phong trào học hành theo kiểu thi cử, nhưng rõ ràng, đến lúc phải suy nghĩ về thế hệ sinh viên trên dưới chục điểm cũng đủ chuẩn đỗ đại học như bây giờ!

Cái tiến bộ của thời đại hiện nay đó là internet phát triển, việc tìm hiểu thông tin ngành nghề, định hướng tương lai chẳng còn tù mù như trước. Nhưng, “mác” đại học vẫn còn ghê gớm lắm, dù nó đã bị hạ giá đi nhiều rồi. Có những học sinh 12 năm đến trường chẳng thiết tha gì học tập, nhưng vì hai chữ “sĩ diện” nên cũng đăng ký đại một trường nào đó, gia nhập mạng lưới “sinh viên” để rồi 4-5 năm sau chẳng biết làm gì, lại bơ vơ… thất nghiệp!

Kể ra để “đổ lỗi” thì nhiều: Lỗi do gia đình và nhà trường không định hướng tốt cho con em, lỗi do xã hội nặng nề bằng cấp… nhưng trước hết lỗi vẫn là của các em – những thanh niên 17-18 tuổi là đã không hề có trách nhiệm cho tương lai bản thân mình, không hiểu mình là ai, khả năng ở đâu, có thể làm gì…

Trò chuyện với không ít người trẻ, một số bạn nói với tôi rằng, các bạn vẫn ao ước được làm một công việc văn phòng nhẹ nhàng, ít áp lực, có điều hòa, máy lạnh… chứ không phải là một công nhân ngày ngày lúi húi trong công xưởng, hay một nhân viên thị trường chạy xe vất vả mưa nắng ngoài đường.

Có những bạn đã xin được việc, nhưng vì không thể chịu nổi áp lực, vì tự ái quá lớn nên chỉ cần nghe mắng mỏ từ cấp trên, từ khách hàng là đã bỏ việc... Hay có những em, chỉ cần cái bằng rồi chờ quan hệ của bố mẹ, họ hàng mà “chạy chọt” vào làm một công việc được cho là “ổn định” theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Tôi rất tiếc với các em, nhưng nếu như các em không thể bằng trí tuệ, bản lĩnh và sự chân thành của mình mà cọ xát với xã hội, thì thất nghiệp là kết cục đương nhiên, không thể tránh!

Cánh cửa học vấn là quan trọng, nhưng nếu các em coi học đại học là nắm chắc chiếc vé vào đời, thì có lẽ hàng trăm ngàn sinh viên đang ảo tưởng và phí hoài 4-5 năm thanh xuân, tuổi trẻ. Sĩ diện chẳng là gì, nếu nó không làm cho chúng ta trưởng thành hơn, dạy chúng ta bài học làm người và giúp chúng ta trở thành công dân “hữu dụng” cho đất nước và cho gia đình.

Thay vào đó, nếu chọn cánh cửa của những trường nghề, rèn giũa kỹ năng và thực tế hơn trong định hướng nghề nghiệp, tôi tin rằng, tương lai các em sẽ rạng rỡ hơn nhiều. Giữa hai lựa chọn: Một người thợ lành nghề lương nghìn đô mỗi tháng và một công chức “a-ma-tơ” lương ba cọc ba đồng, các bạn trẻ nay sẽ chọn hướng đi nào? Liệu có em nào sẵn sàng từ bỏ giấc mơ cử nhân, kỹ sư ngồi “điều hòa, máy lạnh” để khởi nghiệp buôn bán, trồng rau, nuôi gà… mà đổi đời được hay không?
( BÁO DANTRI.COM)
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (22-04-2017 10:18 AM)
29-05-2017, 09:16 PM
Bài viết: #3
RE: CÁI HỌC >BỆNH THÀNH TÍCH
NAY XIN COPY THÊM ĐỂ BIẾT NỀN GIÁO DỤC THÀNH TÍCH CỦA CHA MẸ VN VÀ CÁI TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CỦA MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC VN NHƯ THẾ NÀO .
> QUA ĐÂY THẤY CON EM TA SẼ ĐA SỐ LÀ THẦN ĐỒNG CẢ THÔI VÀ CHO RA MỘT THẾ HỆ SAU NÀY THẬT KHÔNG DÁM NGHỈ BÀN !!!
ÔI THÔI TÔI CHO CÁC TRẼ EM NGHÈO VÀ THIẾU PHƯƠNG TIỆN NHƯ DÂN QUÊ NGÀY XƯA QUÁ.
HỌC SINH MẤT HẾT TUỔI THƠ VÌ BỆNH THÀNH TÍCH CỦA CHA MẸ HAY VÌ XẢ HỘI TẠO RA MỘT ĐẶC THÙ ĐÂY!!

PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, mùa tuyển sinh 2015- 2016 và 2016-2017, mỗi năm, trường THCS Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 nhưng có đến 1.000 hồ sơ đạt điểm 10 ở cả 2 môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học.

Chưa hết, vì cả nghìn hồ sơ nộp vào đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 600 nên nhà trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để chọn lọc. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thể dục thể thao, giấy chứng nhận ngoại khóa…

Thầy Cương cũng đã nghe một số phụ huynh kể rằng, họ “trang bị” cho con giải thưởng từ các cuộc thi với mục đích con được cộng điểm ưu tiên và có cơ hội vào trường với hình thức xét tuyển.

Bản thân thầy Cương cũng đã nghe một số phụ huynh kể rằng, họ "trang bị" cho con mình thêm giấy khen từ cuộc thi với mục đích con được cộng điểm ưu tiên và có cơ hội vào trường với hình thức xét tuyển. Nếu trước đây, phụ huynh chủ yếu xin điểm học bạ thì nay lo thêm cả xin giải thưởng các cuộc thi cho con em…

Việc các gia đình đua nhau tìm cách xin nâng điểm, kiếm thêm giải thưởng cho con với hi vọng được ưu tiên trong quá trình xét tuyển vào nhiều trường cấp 2 có tính cạnh tranh cao khiến công tác xét tuyển gặp khó khăn bởi thước đo chính là điểm số đã bị can thiệp. Khi thước đo chính không phản ánh đúng năng lực học sinh thì dễ hiểu việc lựa chọn không thể đảm bảo tính chính xác, công bằng.

“Năm nay, chúng tôi chưa tổng kết cụ thể nhưng qua tiếp nhận ban đầu đã có đến hàng trăm hồ sơ “tròn trĩnh” điểm 10. Ngày xưa đi học, được điểm 7, điểm 8 môn Văn là đã mừng rú lên rồi, huống hồ học sinh thời nay em nào cũng… được điểm 10. Học bạ với điểm tuyệt đối suốt 5 năm cả Toán, cả Văn ở cả nghìn hồ sơ như vậy chắc hẳn ai cũng thấy vô lý. Tôi nghĩ nếu thực chất thì cùng lắm cả Hà Nội chỉ khoảng chục em xuất sắc được như vậy”, PGS Văn Như Cương nói.
Đề cập đến hướng giải quyết hiện tượng hồ sơ “hoàn hảo” bằng cách xin/chạy điểm của phụ huynh, PGS Văn Như Cương cho rằng nên để một số trường có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển quá lớn được tổ chức thi tuyển và có thể không dùng tới các câu hỏi liên quan các môn văn hóa (vì có thể nảy sinh việc tổ chức luyện thi).

Theo thầy Cương, việc thi tuyển cũng là một thước đo công bằng hơn bởi lẽ việc cho điểm học bạ ít nhiều vẫn phụ thuộc vào mức độ đánh giá khác nhau của từng trường từ khâu ra đề, chấm thi, phân loại học sinh…

Phải nói rằng, với tâm lý coi trọng việc học hành, các phụ huynh luôn muốn con mình được vào học những trường được coi là top đầu. Và không có gì khó hiểu khi phụ huynh luôn tìm cách “tận dụng” quy định của Bộ GD-ĐT để đạt được mục đích của mình. Vậy nên, trước quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 để giảm căng thẳng học thêm, thi cử cho học sinh, phụ huynh lại chuyển sang “chạy điểm”, rồi “chạy đua” trong các cuộc thi ngoại khóa để có được điểm ưu tiên trong xét tuyển.

Trên thực tế, cơ chế xét tuyển và ưu tiên thành tích ngoại khóa khi xét tuyển vào lớp 6 đã không giảm được căng thẳng thi cử cho học sinh mà còn “tiếp tay” cho tình trạng “chạy” điểm, “chạy” giải thưởng. Phụ huynh đôn đáo “chạy” giải thưởng cho con, có trường hợp đứa trẻ không biết bơi mà vẫn có giải bơi lội, không biết chơi cầu lông nhưng có giải cầu lông!

Nhưng dù con có vào được trường top, bố mẹ toại nguyện hả hê, thì người chịu thiệt nhất về lâu dài chính là đứa trẻ.

Trong một bài báo mới đây, TS Vũ Thu Hương (giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) khẳng định, việc “mua giải” sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của trẻ. “Chúng ta sẽ dạy các con trung thực như thế nào khi chính bố mẹ gian lận?”, TS Hương đặt câu hỏi.

Việc phát triển của một đứa trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà trường lớp chỉ là một trong số đó. Không phải cứ vào được ngôi trường top đầu là bố mẹ có thể “ung dung” con sẽ trở nên giỏi giang. Việc con vào học được trường cấp 2 top đầu có thể là một nấc thang thuận lợi trong phát triển của trẻ, nhưng có ích gì khi trẻ biết được rằng mình và bố mẹ đã gian lận để được vào ngôi trường này. Trong khi trung thực là một tính cách quan trọng cần bồi đắp cho trẻ, thì bố mẹ đã “nhắm mắt làm ngơ” để đạt được mục tiêu trước mắt.

Nữ tác giả người Mỹ Louise L. Hay (sinh năm 1926, top 100 nhân vật có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất thế giới) dạy rằng: “Giá trị chính yếu của tính trung thực là, điều gì chúng ta cho đi, chúng ta sẽ nhận lại điều ấy”. Bà Louise cũng khẳng định: “Khi chúng ta lấy thứ gì đó không phải của mình, chúng ta hầu như luôn mất đi thứ đáng giá hơn”.

Khi “chạy” điểm, “chạy” giải thưởng để con được vào trường top, các ông bố bà mẹ có biết mình sẽ mất thứ gì? Và nếu biết rằng mình sẽ mất đi thứ khác đáng giá hơn, liệu các phụ huynh có còn quyết tâm tìm cách “chạy” điểm, “chạy” giải thưởng cho con?
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (03-06-2017 07:34 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS