Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
KHÔNG ĐỀ
22-04-2018, 03:13 PM
Bài viết: #1
KHÔNG ĐỀ
Mỗi ngày có thể không phải là ngày tốt nhưng chắc chắn sẽ có điều gì đó tốt đẹp mỗi ngày

Câu chuyện thứ nhất:

Một cậu học trò lớp ba viết rằng cậu muốn trở thành một diễn viên hài trong bài tập làm văn của mình. Người bố chê: “Không có chí lớn”, còn thầy giáo nói: “Thầy chúc em mang tiếng cười cho toàn thế giới”. Là người lớn nên khuyến khích, cổ vũ hơn là đặt ra những yêu cầu quá cao đối với trẻ con. Hơn thế, hãy mở rộng khái niệm thành công để trẻ con thoải mái tung đôi cánh ước mơ của mình.

Câu chuyện thứ hai:

Ăn cơm xong, mẹ và con gái rửa chén bát trong bếp, bố và con trai ngồi xem ti vi. Bỗng nhiên có tiếng đổ vỡ dưới bếp, sau đó im bặt. Con trai nói: “Con biết chắc mẹ vừa làm bể chén bát”, bố hỏi: “Tại sao con chắc như thế?”, con trai trả lời: “Vì không nghe tiếng mẹ la”.
Thường đánh giá người khác và bản thân qua những tiêu chuẩn thường khó khăn với người khác nhưng lại rất dễ dãi với mình.

Câu chuyện thứ ba:

Người ăn mày nói: “Bà có thể cho tôi xin một ngàn không?”, người qua đường trả lời: “Nhưng tôi chỉ có năm trăm”, người ăn mày bảo: “Vậy bà thiếu tôi năm trăm nhé”.
Nhiều người luôn vì lòng tham đã che mất thái độ biết ơn.

Câu chuyện thứ tư:

Người vợ đang nấu ăn trong nhà bếp, người chồng đứng bên cạnh nhắc nhở: “Cẩn thận, coi chừng khét!”, “Sao em bỏ ít muối thế?, “Ơi kìa, nước đã sôi rồi, em cho thịt vào đi”. Người vợ bưc bội: “Anh làm ơn đi ra ngoài giùm em! Em biết nấu ăn mà!”. Người chồng mỉm cười: “Ừ, có ai bảo em không biết nấu ăn đâu. Anh chỉ muốn em hiểu được cảm giác của anh như thế nào khi đang lái xe mà em ngồi bên cạnh cứ lải nhải”.
Học cách thông cảm người khác không khó, chỉ cần đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.

Câu chuyện thứ năm:

A nói với B: “Khu nhà tôi vừa dọn về một ông hàng xóm bất lịch sự. Tối hôm qua, đã gần một giờ sáng rồi mà ông ta còn qua đập cửa nhà tôi rầm rầm”. B hỏi: “Thế anh có báo cảnh sát không?”. A trả lời: “Không, tôi mặc kệ ông ta, xem ông ta như thằng điên vì lúc ấy tôi đang tập thổi kèn saxophone”.
Chuyện gì cũng có nguyên nhân, nếu biết trước lỗi của mình thì hậu quả sẽ khác đi. Tuy nhiên, lại thường ít khi thấy mình sai, nhưng lại dễ dàng thấy người khác sai.

Câu chuyện thứ sáu:

Hai cha con đi ngang qua một khách sạn 5 sao. Trông thấy một chiếc xe hơi xịn rẽ vào, cậu con trai nhận xét:
– Những người ngồi trên chiếc xe ấy đều có trình độ học vấn rất thấp!
Người cha ôn tồn đáp lại:
– Người vừa phát biểu câu ấy là người hiện trong túi không có lấy một đồng xu!
Con người thường có thái độ “ghen ăn tức ở”, khi nói ra điều gì, nhận xét việc gì đều thể hiện trình độ và “đẳng cấp” của mình. Bởi vậy hãy thận trọng!

Câu chuyện thứ bảy:

Có hai đoàn khách nước ngoài đến tham quan một địa điểm du lịch sinh thái. Do trời mưa nên đường dẫn vào khu “Kỳ hoa dị thảo” lầy lội. Người hướng dẫn của đoàn thứ nhất bảo: “Xin lỗi quý khách, chúng ta không thể đi tiếp”. Còn người hướng dẫn đoàn thứ hai suy nghĩ một thoáng rồi nói: “Để quý khách thấy rằng việc tìm kiếm kỳ hoa dị thảo khó khăn như thế nào, Ban giám đốc công ty đã cố tình tạo con đường lầy lội cho quý khách có thêm cảm xúc thực tế”.
Hoàn cảnh khác nhau, quan điểm khác nhau sẽ nhìn một sự vật không giống nhau. Tư tưởng kỳ lạ như thế! Nếu chịu suy nghĩ thì quyền quyết định luôn nằm trong tay.

Câu chuyện thứ tám:

Một phụ nữ vào tiệm kim hoàn, trông thấy hai chiếc vòng đeo tay giống nhau như đúc, một chiếc giá 2 triệu, một chiếc giá 20 triệu. Không chần chừ, bà ta liền lấy chiếc 20 triệu vì nghĩ rằng đắt tiền chắc chắn sẽ là đồ tốt. Khi vừa quay lưng bước đi, bà nghe nhân viên nói với nhau: “Không ngờ chỉ vì đính sai bảng giá mà chúng ta lời đến 18 triệu đồng!”.
Hãy xem, lắng nghe và kiểm định. Có nhiều thứ tưởng vậy, thấy vậy, nghe vậy mà không phải vậy, đừng vì chủ quan, tin vào suy nghĩ của mình mà lầm to.

Câu chuyện thứ chín:

Hai vợ chồng vào xem triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ, trong đó có một bức tranh của con trai họ. Người vợ đi rất nhanh, mắt chỉ kịp lướt vào tên của tác giả ở mỗi bức tranh. Một lúc sau không thấy chồng, người vợ quay lại tìm. Người chồng đang đứng trước một bức tranh say sưa ngắm nhìn. Bức trang ấy lúc nãy người vợ đã xem qua. Bà bực bội nói: “Ông đứng đó làm gì vậy? Sao không đi tìm bức tranh của con mình?”. Người chồng quay sang nhìn vợ: “Đây là tranh của con mình nè, nó quên ký tên trên bức tranh”.
Trong cuộc sống, có người chỉ lo chạy băng băng nên đã không thể tìm thấy thứ mình cần tìm, đánh mất đi cơ hội được thưởng thức thành quả của mình.

Câu chuyện thứ mười:

Tại buổi lễ tốt nghiệp ở một trường cấp hai, thầy hiệu trưởng đọc tên học sinh xuất nhất trong năm học. Đọc đến lần thứ ba mà vẫn không thấy ai đi lên sân khấu. Thầy hiệu trưởng nhìn xuống, hỏi cậu học sinh xuất sắc đang bình thản ngồi bên dưới:
-Em không nghe thầy gọi tên à?
Cậu học sinh đứng lên, lễ phép:
-Dạ, thưa thầy em đã nghe. Nhưng em sợ các bạn chưa nghe thấy ạ!
Danh và lợi đã vô tình trở thành chiếc lồng nhốt. Người ta luôn giáo dục con em mình phải cố gắng học thật giỏi, phải trở thành nhân vật xuất sắc nhất nhưng lại ít khi dạy các con tính khiêm tốn.
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (05-05-2018 06:25 AM)
28-04-2018, 10:56 PM
Bài viết: #2
RE: KHÔNG ĐỀ
Đây là một lá thư riêng của Ông Tôn Vận Tuyền, Viện trưởng viên Quốc Gia Hành Chánh, một chánh khách nổi tiếng Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)Lá thư này đã làm người đọc phải suy ngẫm

Các Con thân mến,
Viết những điều căn dặn nầy, cha dựa trên 3 nguyên tắc như sau:
1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.

2. Cha là cha của các con, nếu cha không nói ra thì chắc không ai nói với các con những việc này đâu!

3. Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của bản thân mà cha ghi nhận được, nó sẽ giúp các con không phạm những nhầm lẫn có thể tránh được trên con đường trưởng thành của các con.

Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời:

1. Nếu có người đối xử không tốt với con, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

2. Không có người nào mà không thể thay thế được cả, không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý này, thì sau này trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu, đó cũng không phải là chuyện trời sập.

3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi! Cho nên, nếu ta càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

4. Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua chỉ là một cảm xúc nhất thời, cảm giác này, tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nếu người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi lụy vì thất tình.

5. Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành gì nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó không có nghĩa là không cần học hành cũng sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có gì. Nên nhớ kỹ điều này!

6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong quãng đời còn lại của cha sau nầy. Ngược lại, cha cũng không thể bảo bọc quãng đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc cha đã làm tròn bổn phận của cha. Sau này các con có đi xe bus công cộng hay đi xe hơi nhà, các con ăn soup vi cá hay ăn mì gói, đều là trách nhiệm của các con.

7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử tốt với mình. Mình đối xử với người ta như thế nào, không có nghĩa là nguời ta sẽ đối xử lại với mình như thế ấy. Nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

8. Trong mười mấy, hai mươi năm nay, cha tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều này chứng tỏ muốn giàu có, phải siêng năng làm ăn mới khá được. Trên thế gian này không có cái gì miễn phí cả.

9. Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau. Kiếp sau, dù ta có thương hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.
Tôn Vận Tuyền
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (05-05-2018 06:26 AM)
10-05-2018, 06:02 PM
Bài viết: #3
RE: KHÔNG ĐỀ
CON& NGƯỜI

Riêng con người, luôn có hai phần: CON và NGƯỜI.

[Hình: attachment.php?aid=13857]

Phần Con được hình thành từ bản năng. Nó là những dục vọng, những khao khát, những ham muốn của một loài sinh vật được tiến hóa từ con khỉ. Phần Con tạo nên sự tham lam, sự tranh giành, lối sống ích kỷ và thiên về thỏa mãn các nhu cầu của xác thịt.

Phần Người được hình thành từ các mối quan hệ xã hội. Phần Người như thế nào là do các mối quan hệ xã hội tạo ra. Nếu những mối quan hệ bị lệch lạc thì chắc chắn sẽ hình thành một Người lệch lạc, và ... chẳng khác Con là bao nhiêu. Phần Người là cả một quá trình tu dưỡng, rèn luyện và không ngừng hoàn thiện mình. Nếu các mối quan hệ xã hội tốt, một Người hướng thiện hình thành, sống có đạo đức và biết quan tâm đến những người khác.

Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, có những lúc phần Con sẽ lấn át phần Người. Bởi phần Con là bản năng nên nó dễ dàng lấn lướt phần Người. Những lúc như vậy, có thể không kiểm soát được hành vi của mình. Không ngụy biện: "Tính cách nó thế… ". chẳng qua lúc ấy đang sống thật với phần Con chứ không phải là phần Người.

Thế nên, đôi khi hãy dành chút thời gian để suy nghĩ: " Hôm nay, mình muốn là Con hay là Người".


File đính kèm Thumbnail(s)
   
THANK YOU
22-06-2018, 05:58 AM
Bài viết: #4
RE: KHÔNG ĐỀ
CÂU CHUYỆN HOLDEN CAULFIELD

Câu chuyện kể về Holden Caulfield, một cậu bé 16 tuổi, bị đuổi học vì thiếu điểm, nhưng vì chưa thể về nhà ngay được cho nên vất vưởng vài đêm ở New York City. Chuẩn bị rời khỏi khu học xá, cậu đánh nhau với người bạn chung phòng. Cậu tâm sự chuyện của mình với một ông thầy và thấy ông này cũng là thứ “rởm” với những lời khuyên đạo đức giả. Cậu lên xe lửa đi vào New York giữa đêm, ngủ trọ tại một khách sạn tồi tàn, dọ dẫm chung quanh với các cô gái ở vũ trường và cuối cùng rơi vào tay một cô gái điếm. Cậu chỉ muốn nói chuyện, cho nên lại bị tên ma cô đánh cho một trận. Trong ba ngày ở thành phố, cậu lang thang trong sự cô đơn và trạng thái bất định vì ngấm rượu. Cậu dấn thân từ cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác. Có lúc cậu lén trở về nhà để gặp cô em gái, Phoebe, người duy nhất Holden Caulfield nghĩ có thể nói chuyện được. Rồi cậu lại đi tìm một ông thầy cũ dạy tiếng Anh, nói chuyện đời VỚI ông và ở lại nhà ông, nhưng khi tỉnh dậy cậu có cảm tưởng ông ta đang tìm cách rờ rẫm cậu. Sau ba ngày đêm đó, cậu nghĩ mình phải là “Catcher in the rye”, một vị thẩn chuyên đi cứu rỗi những đứa trẻ “đang đứng trước bờ vực “tội lỗi của tuổi người lớn. Tâm hồn cậu lắng xuống sau những ngày điên loạn, cậu đưa em gái đến sân chơi của sở thú, nhìn em bay qua bay lại trên chiếc đu quay và chợt buồn nhớ một thời xa vắng. Cuối sách, Caulfield cho thấy sự mỏi mệt và không muốn nói gì thêm nữa. Cậu gợi ý cho biết cậu đang ở trong một nơi điều trị tâm thẩn.

Đoạn kết của truyện,thật ra,đã cho thấy”nhân sinh quan” của Salinger và quyết định rút lui của ông. Ông viết: “Tất cả những gì tôi sẽ kể chỉ có chừng đó. Có thể tôi sẽ nói cho bạn biết tôi đã làm gì sau khi về nhà, tôi bị bệnh như thế nào, và tôi định theo học trường nào trong mùa thu tới, sau khi tôi đã ra khỏi đây, nhưng tôi chằng khoái kể những chuyện này. Hiện nay thì những chuyện đó tôi chằng thú vị gì cả. Một số người, nhất là cái ông bác sĩ phân tâm học mà người ta có ở đây, cứ hỏi tôi sẽ tự mình xin vào khi tôi trở lại trường vào tháng Chín tới hay sao. Theo ý tôi thì đó đúng là một câu hỏi ngu xuẩn. Ý tôi muốn nói rằng làm sao ta biết được mình sẽ làm gì cho đến khi mình làm việc đó? Câu trà lời là, ta không biết được. Tôi nghĩ ràng tôi sẽ làm, nhưng làm sao tôi biết được. Tôi lấy danh dự mà nói đó là một câu hỏi ngu xuẩn”.
THANK YOU
22-06-2018, 06:11 AM (Được chỉnh sửa: 22-06-2018 06:12 AM bởi dieuquang.)
Bài viết: #5
RE: KHÔNG ĐỀ
bài dịch của thi sỉ Bùi Giáng lúc còn minh mẫn dạy đại học, XIN HẢY ĐỌC CHẬM THẬT CHẬM để khám phá một điều gì đó..thanks

Từ giữa thập niên 1960, Albert Camus ( 1913 -1960 ), văn hào, triết gia người Pháp, đã đến với độc giả Việt Nam qua sự chuyển ngữ tài hoa của thi sĩ Bùi Giáng. Kỷ niệm 8 năm ngày mất của Bùi Giáng ( 8/1998-8/2006 )

Ẩn ngữ (L`énigme) được in trong tập Noce –L`été do NXB Gallimard ấn hành năm 1970 (Di cảo Bùi Giáng , 1955) .

Rụng rơi xuống từ chóp đỉnh bầu trời, những triều sóng ánh sáng nhảy tung lên một cách hung bạc vô tình trên cánh đồng ở chung quanh chúng tôi. Mọi vật câm lặng trước những lừng lẫy nổ vang ấy, và dãy Lubéron xa xakia chỉ là một khối bự im lặng và tôi lắng tai nghe liên miên không ngớt Tôi vểnh tai chăm chú, người ta đang chạy về phía tôi, từ cõi xa xăm vô tận, những người bạn thân vô hình cất tiếng gọi tôi , nỗi vui tôi lớn mạnh , cũng cái niềm vui đó đi về đã từng bao năm. Phen này, phen nữa, một ẩn ngữ dịu dàng phơi phới tốt lành giúp tôi hiểu hết mọi sự .

Đâu là cái phi lý hỗn độn của cõi đời? Ấy là trận huy hoàng chói lọi rực rỡ kia, hay là kỹ niệm cuộc khiếm diện lạnh vắng của huy hoàng ?Với xiết bao ánh nắng mặt trời trong ký ức , làm sao tôi đã có thể đánh cuộc trên cái vô nghĩa phi lý tồn sinh ?Người ta lấy làm lạ với mình về sự đó . Tôi ắt cũng có thể đáp rằng , và tự đáp cho mình ràng ,chính cái ánh nắng mặt trời đã từng giúp đỡ tôi trong chuyện đó , và cái ánh sáng của mặt trời , vì quá lâu dài thâm hậu , nên nó làm đông đặc vũ trụ kiền khôn , và những hình thể của vũ trụ kiền khôn trở thành đặc quánh trong một cuộc choáng váng chói lòa u ẩn tối tăm mờ mịt . Tuy nhiên chuyện ấy , sự tình ấy , có thể được nói ra một cách khác , và tôi ắt muốn –trước làn ánh sáng vừa trắng và vừa đen ây , đối với tôi từng đã luôn luôn là làn ánh sáng của chân lý –vâng , tôi ắt muốn tự giải thích với mình một cách giản dị về sự phi lý oái oăm kia của cuộc đời mà tôi biết quá rõ thì làm sao chịu nhẫn nại chấp nhận người ta luận bàn tới nó một cách quá sống sương , không sắc thái lung linh . Nói về cái phi lý , đáo cùng tóm lại , sẽ dẫn ta trở lại với ánh sáng mặt trời .

Không một kẻ nào có thể nói được mình là cái gì . Nhưng cũng có thể xảy ra cái việc là người ta nói được cái điều : mình không phải là cái gì . Một kẻ đương còn dò dẫm tìm kiếm . Người ta lại muốn rằng nó nó đã kết luận , kết thúc , bày tỏ ý kiến xong , bày tỏ lập trường xong . Ngàn lời lô xô , xao xác đã báo biểu cho y cái điều y đã tìm thấy được rồi , mà thật ra , y biết , ấy chẳng phải là cái ấy . Cứ hãy tìm kiếm đi và để mặc cho thiên hạ nói ? Tất nhiên ! nhưng thỉnh thoảng đôi phen , cũng cần phải đôi lúc lên tiêng tự biện giải , tự biện minh , xác minh mình thật sự đã nói cái gì . Tôi , tôi không biết cái tôi tìm kiếm , tôi gọi tên nó ra với giọng e dè , ngại ngùng , thận trọng , tôi chối bỏ lời tôi nói ra , tôi lặp lời nói tôi đã nói , tôi bước ra và tôi bước lui , ( tôi tiến tới và tôi thoái lui ) . Thế mà người ta lại mệnh lệnh cho tôi phải nêu danh , phải xưng to những tên tuổi , hoặc cái tuổi cái tên này này , nọ nọ , kia kia , một lần cho muôn năm dứt khoát . Lúc bấy giờ tôi nổi cơn trở chứng , tôi nhảy lồng lên , như bực bội ngựa chứng lồng lộn ; cái gì đã được đặt để , gọi tên , cái ấy há chẳng là mất hút chia xa . đi đời nhà ma vốn liếng ? Dù sao . ít nữa đó cũng là điều tôi gắng gượng nói ra .

Nếu tôi tin lời một trong những ngời bạn thân thiết của tôi , thì một con người ta bao cũng có hai tính khí khác nhau , một tính khí của y và môt nữa là cái tính khí , tính nết , tính tình mà người vợ của y gán ghép cho y vậy . Chúng ta hãy thử thay thế tiếng người vợ , đem cái tiếng nói người vợ đổi ra thành tiếng xã hội thì ắt chúng ta sẽ hiểu rằng một dụng ngữ , được một nhà văn gắn ghép vào toàn thể văn mạch một cảm thụ tính , vâng , một dụng ngữ có thể bị cô lập đớn côi như thế nào bởi một bài bình luận ráo riết mà người ta đem biến tác nó ra , và trình bày với tác giả dụng ngữ ấy mỗi phen tác giả ấy có ý muốn nói về chuyện khác . Lời nói cũng hầu như hành vi : “ Đứa bé này phải chính anh đã cho nó ra đời ? –Phải – Thế thì nó là con của anh – Đâu có phải đơn sơ giản dị xiết bao như thế , đâu có phải giản dị xiết bao như thế !” . Cũng vậy đó , Gérard de nerval trong một đêm tối , tối mò mò , xấu xí đen thui , Nerval đã hai lần thắt đi thắt lại chiếc cà –vạt của mình để tự treo cổ mình chơi 1 . Tự treo cổ hai lần , một lần vì mình , cho mình trước hết , là kẻ đang sống trong tai họa , và sau đó treo cổ mình là cho cái huyền thoại sự tích đời mình , cái ấy có thể giúp cho một vài kẻ sống còn , được tiếp tục hoạt tồn trong cuộc lẽo đẽo bịch bồ với lả tả tồn sinh . Không kẻ nào có thể viết về tai họa thực sự , tai họa chơn chính , và cũng không thể nào viết được về một vài hạnh phúc nào đó , và tôi cũng sẽ không thử làm cái cuộc gay cấn ấy nơi đây . Nhưng còn đối với cái sự tích huyền thoại , người ta có thể mô tả nó và hình dung tưởng tượng , ít ra là một phút, và người ta đã làm tiêu tán nó đi .

Một nhà văn viết phần nhiều là để được người ta đọc ( những kẻ nào nói điều trái ngược lại m ta hay ca tụng và ngợi khen họ , nhưng đừng tin ) . Tuy nhiên , càng ngày càng nhiều hơn , ở xứ ta , nhà văn viết là để được chuẩn nhận cuối cùng là viết để khỏi được đọc . Thật vậy , khởi từ cái lúc y có thể cung cấp tài liệu cho một bài báo kiều diễm tưng bừng trong một tờ báo bán chạy như tôm tươi , in ra hàng vạn bản , thì bấy giờ y có được mọi vận hên ( may mắn ) để cho một số khá đông người biết đến , một số đông đúc , chẳng bao giờ sẽ đọc sách của y , bởi vì cai đám đông ấy chỉ cần biết tới tên của y , và đọc những gì người ta viết về y . Thế là quá đủ . Từ đó về sau , y sẽ được người ta biết tới ( và được quên đi ) không phải được biết theo như y là y , mà được biết theo như cái hình ảnh mà một nhà báo gấp gáp đã phác họa về y vậy . Thế là từ đó , muốn có một cái tên trong hàng ngũ những kẻ làm văn chương , văn học thì chả cần thiết gì phải thiết tha viết sách . Chỉ cần được thiên hạ biết rằng mình đã từng có xuất ban một cuốn mà báo giới nhiều hôm đã từng có nói tới , và về sau thiên ha sẽ gối đầu thiu thiu trên cuốn sách ấy mà ngủ yên một giấc rất mực u nùng .

Hẳn nhiên cái cuộc nổi danh kia , hoặc to bự , hoặc bé tí , có ngày sẽ bị tiếm đoạt . Nhưng biết sao bây giờ ? Chúng ta hãy nên hân hoan chấp nhận rằng cái tình trạng bất tiện khó chịu kia cũng có thể trở thành hữu ích , tốt tươi , tròn xoe tơ cỏ , mủm mỉm một lời vâng tạc thủy chung đá vàng . Các vị lương y biết rằng một vài chứng bệnh rất mực đáng được nên chào đón niềm nở : chúng đền bù m bồi đắp , bổ chính –theo lối của chúng- cho một cuộc lộn xộn hỗn loạn cơ năng của cơ quan trong thân thể ; nếu thiếu những chứng bệnh lai rai kia , thì cuộc hỗn loạn nọ ắt sẽ biểu hiện ratrong những trận hỗn độn mất quân bình lớn lao hơn nữa . Vì vậy , có những chứng đau bón quý hóa xum xuê tươi tốt , những chứng thống phong kiều diễm thiên hựu , cho trời ban cấp cho . Trận hồng thủy ào ào những lời , những tiếng , dồn dập những âm thanh chữ nghĩa , và những xét đoán vội vã đang nhận chìm đắm đuối mọi hoạt động công cộng trong một đại hải những tầm phào rỗng tuếch phù bạc , vâng , trận hồng thủy ấy ít nữa cũng dạy cho nhà văn nước Pháp một sự khiêm tốn , khiêm nhu , khiêm nhượng , rất mực cần thiết liên miên ra phết , ra trò , càn thiết cấp bách lắm ở trong một xứ sở , mà mặt khác , thường hằng cấp cho nghề nghiệp mình một sự quan trọng quá đáng ( bất tương xứng ) . Nhìn thấy tên tuổi mình trong hai hay ba tờ báo ta vốn quen biết nhiều , đó cũng là một cuộc thử thách quá gian nan lảo đảo , nên cũng từ đó mà nó cũng bị bó buộc tất nhiên phải đùn đẩy cho ta một vài lợi nhuận cho linh hồn , cho trí tuệ thướt tha . Vậy thì ta hãy ca ngợi tán dương cái xã hội đó đã dạy cho ta hằng ngày – với chút ít tiền thù lao công phí tổn – cái xã hội liên miên dạy cho ta biết – ngay cả với những lời tán tung kính yêu – rằng những vẻ vang đồ sộ được chào mừng hoan nghênh nhiệt liệt , vẫn chẳng ra cái gì ráo ráo . Những ồn áo ầm ĩ mà xã hội ấy tạo nên , càng nổ bùng mãnh liệt bao nhiêu , càng tiêu tán nhanh chóng bấy nhiêu . Chúng nhắc ta nhớ lại cái loại lửa rơm , lửa rác mà hoàng đế Alexandre Đệ lục thường cho đốt trước mặt ông ta để đừng lãng quên rằng mọi vinh quang lộng lẫy ở cõi đời này cũng tỷ như là một làn khói bay qua .

Nhưng thôi hãy xin để cuộc hài hước mỉa mai lại đó . Đối tượng của chúng ta chỉ cần chiếu cố , chỉ mong muốn nói rằng , một nghệ sĩ đành phải cam chịu một cách thoải mái thong dong , chấp nhận dể kèo lê thê , lết bết trong những lần đợi của các nha sỹ , và các thầy hớt tóc , chấp nhận cuộc kéo dài ra dậm duộc một hình ảnh của mình . mà mình tự biết rằng mỉnh không xứng đáng . Và thế đó, tôi có biết một nhà văn hợp thời , thích thể , đương nhân , đảm thần , cưu mang thánh thiện , được thị hiện là một kẻ thường hằng chủ tọa hằng đêm ( mỗi tối ) , những hội yến ẩm nhậu nhẹt lu bù , nghi ngút khói hương , nơi đó những nữ thần kiều diễm vận y phục ồm toàn bằng duy chỉ bộ tóc lòa xòa xuống khắp hình hài thân thể lưu ly , và nơi đó những vị thần đực rựa có những móng vuốt móng tay khốc hại lâm ly . Người ta ắt rất có thể tự hỏi thiết tha hẳn nhiên , như thế thì nhà văn ấy đã tìm tòi đầu ra cái thời giờ để viết nên , để thảo ra một sự nghiệp văn chương gồm những tác phẩm choán đầy những ngăn tủ sách của thư viện . Nhà văn ấy cũng như rất nhiều bạn đồng nghiệp của mình , thật ra ban đêm ngủ kỹ để hằng ngày làm việc ở bàn giấy rất nhiều giờ dài dằng dặc , và chuyên môn uống nước khoáng tuyền để làm cho nhẹ bớt việc của lá gan lục đục hí hục đẽo gọt lẽo đẽo quanh năm . Thế cũng chẳng ngăn cản được người Pháp trung lưu , vốn nổi tiếng về tính đạm bạc trong cái ăn cái uống , như cư dân sa mạc Sahara m và lừng danh về cách ăn ở sạch sẽ rất mực , đến điều mọi rợ dã man . Người Pháp bậc trung ấy lại nổi cơn bất bình khi nghĩ rằng một trong những nhà văn nước ta dạy rằng phải đắm đuối say sưa rượu chè và đừng có nên tắm rửa hình hài , đừng có nên rửa ráy thân thể . Những thí dụ chẳng thiếu gì , kể làm sao cho xiết . Riêng bản thân tôi cũng có thể cung cấp một phương cách tối ưu tú lệ , tiêu hao rất ít phí tổn mà đón nhận ra phết một tiếng tâm khổ khắc nghiêm hàn nghiệt ngã , đìu hiu đăm chiêu ra phết . Quả thật tôi mang chở cái khối nặng nề của tiếng tăm kia , nó khiến bạn hữu thân thiết của tôi cười lên nức nở ( còn tôi , về phần tôi , thì tôi lại ngượng ngùng xấu hổ , tôi thẹn đỏ mặt lên , vì cái tiếng tăm đó , cái tăm tiếng tôi chiếm đoạt từ đâu , và tôi biết rất rõ ) . Thí dụ như chỉ cái khước từ cái vinh dự được dùng bữa ( bữa tiệc )với ông giám đốc một tờ nhật báo mà mình không nể trọng bao nhiêu . Cái lễ tiết đơn sơ quả thật không thể nào hội nhập hình dung được , nếu không có chút chứng tật ru rú quẹo quanh của linh hồn . Không một ai có thể có chút chút chịu khó cỏn con để nghĩ rằng nếu anh từ chối bữa cơm tiện của vị giám đốc kia , thì ấy cũng có thể rằng là quả thật bởi vì anh không nể nang quý trọng ông ta , nhưng cũng có thể rằng là bởi vì anh sợ nhất , sợ số dzách ở đời là cơn cuộc chán chường của tâm hồn anh chán ngấy – và thử hỏi còn gì ở đời đáng chán cho bằng một bữa cơm tiệc rất mực Ba-Lê –thịnh-triều –phong-vận ? với những đú đởn cò ke ngữ ngôn thiệp liệp phong nhã hào hoa ?
ALBERT CAMUS – BÙI GIÁNG dịch
THANK YOU
27-06-2018, 05:14 AM
Bài viết: #6
RE: KHÔNG ĐỀ
TƯỚNG SỐ ( copy lại)

Quán xá ở cái thành phố này thì đầy, cứ ra khỏi ngõ là gặp, nhưng uống cà-phê ở quán cóc vỉa hè buổi sáng sớm là cái thú của dân cố cựu Sài Gòn. Ngồi quán khi trời còn tờ mờ, đèn đường chưa tắt, không khí trong lành và không gian yên tĩnh. Ngồi nhâm nhi ly cà-phê và tha hồ “tám” chuyện trên trời dưới đất mà không bực mình như các quán ban ngày, nhạc nhẽo xập xình, nói chuyện như hét vào tai, lại còn đèn xanh đèn đỏ chớp tắt nhức cả mắt.

Hôm nay thầy Ba ra quán muộn, tay cầm tờ nhựt trình phát hành sớm, thông tin cho mọi người rằng lại có thêm mấy ông làm ”chức trách” tham ô bị bắt. Người trong xóm gọi là “thầy”, không phải thầy Ba là thầy giáo dạy chữ, mà là vì ông hay luận về tướng số. Mọi người bàn chuyện dạo này sao có nhiều vị chức sắc vướng vòng lao lý, rồi cám cảnh cho mấy vị mới trước đây tràn đầy danh vọng, quyền uy mà nay chịu cảnh thân bại danh liệt, vướng vòng tù tội. Hết chuyện trong nước rồi lại lan man bàn sang chuyện số phận của mấy ông bà tổng thống, thủ tướng xứ người mới hôm nào “tiền hô hậu ủng” là thế, mà nay người chết kẻ vào tù, hậu vận sao thiệt thê thảm.

Thầy Ba nghe xong kết luận một câu xanh dờn: “Ai cũng có số phận, định mệnh đã an bài thì phải chịu, cãi số trời sao đặng?”. Bà con ngồi nghe gật gù xem đây là cách lý giải có vẻ hợp tình hợp lý. Riêng bác Bảy nãy giờ ngồi lặng thinh, không tán thưởng cũng chẳng bài bác. Bác “triết lý” bâng quơ: “Hột cà hột ớt phơi khô, trộn trong chén, đố ai biết hột nào là hột cà, hột nào là hột ớt; nhưng, khi gieo xuống đất thì hột nào ra cây đó!”.

Thầy Ba vặn hỏi chứ ý của bác Bảy ra sao, nói cái gì sao mập mờ khó hiểu quá! Bác Bảy trả lời rằng bác không tin cái gọi là “số phận đã an bài” hay có ông thiên ông tướng nào sắp đặt sẵn số phận cho mình. Bác nói rằng xưa cụ Tố Như làm thơ có câu: “Đã mang lấy nghiệp vào thân – cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Tuy nhiên, dầu mệnh mình xấu, mình cũng có thể chuyển hóa được chứ phải nào hoàn toàn do số phận; mọi thứ cũng là do mình, nên cụ lại xác định rằng: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!”.

Cách bác Bảy giải thích không làm thầy Ba thỏa mãn nên thầy hỏi xốc tới: “bác Bảy nói rõ cho bà con nghe coi!”. Bác Bảy thủng thẳng trả lời, vậy tui xin kể chuyện hồi còn ở quê cho bà con nghe chơi.

Ngày trước, cạnh làng tôi có một thầy tướng số có tiếng, coi tướng rất hay. Người ta đồn ai được ông xem tướng là có thể biết được hậu vận ra sao, nếu vận hạn xấu, ông bày cách cúng sao giải hạn cho tai qua nạn khỏi, mọi sự hanh thông. Nghe nói nhiều vị chức sắc, doanh gia nghe tiếng đồn tìm đến nhờ ông xem tướng; và vì vậy, danh tiếng của ông càng vang xa khắp nơi, khách tìm tới vô số.

Thời còn ở dưới quê, tôi mần ăn ạch đụi, làm hoài không thấy khá, nhớ có đứa bạn học chung lớp năm xưa ở trường huyện, nó là cháu ông thầy tướng, nên tôi nhờ nó hỏi giúp. Thầy nhận lời và xem tướng cho tôi. Theo thầy thì số phận, cuộc đời con người được thể hiện trên khuôn mặt, hình dáng, tướng đi hay tiếng nói. Từ đây, có thể biết được công danh, sự nghiệp, tình duyên gia đạo hay hậu vận của một đời người ra sao. Nói như vậy là khéo để tôi biết, tự an phận vì cung “tài lộc” hay “quan cách” của mình chỉ đến thế.

Tôi thắc mắc nói, ở quê tôi có ông Tư Có giàu có nhất làng, nhà ba gian khang trang lại thêm một vườn đầy cây kiểng quý, bạc tỉ. Ruộng vườn của ông không nhiều, chỉ có năm ba mẫu gì đó nhưng từ khi có chương trình dồn điền đổi thửa làm cho ruộng đất của cái xứ này đã hết manh mún, nhỏ lẻ nên ông sắm mấy cái máy gặt đập liên hợp; sau thấy làm ăn được, ông mua thêm ba bốn cái nữa, không kể cả chục cái máy cày, lớp để phục vụ cho ruộng nhà, lớp cho làng trên xóm dưới chạy mướn nên càng ngày làm ăn càng khấm khá, con cái có đứa du học nước ngoài; nhưng tướng mạo ổng thì cực kỳ xấu xí: răng hô, hai mắt to nhỏ bất đồng, chân lại đi bước thấp bước cao… Nói chung, theo như nhân tướng học mà thầy nói, thì người này thuộc phận hạ tiện, cuộc đời vất vả, hậu vận rất xấu, không có được cục đất liệng chim, nói chi khi chết có được tấc đất chôn thân!

Ông thầy tướng số có vẻ không tin nhưng cố vớt vát nói rằng với người tướng mạo như vậy, thì không đời nào là người có số phú quý, giàu sang được, chắc người này phải có quý tướng ẩn tàng gì đây, nên nói có dịp dẫn ông về quê xem tướng một phen.

Một hôm, nhân dịp thuận tiện, tôi ghé thăm và mời thầy về làng. Trên đường đi, thầy dặn chỉ nói là thầy xin đến coi vườn kiểng quý thôi. Khi vừa đến cổng thì thấy ông Tư đang bận rộn cắt tỉa mấy chậu kiểng trước sân. Vốn hiếu khách, thấy tôi dẫn khách đến, ông dừng tay, đon đả mời vào dùng trà rồi đi thăm kiểng, và tiện thể mời ở lại dùng cơm trưa.

Chủ khách nói chuyện quanh mâm cơm khá cởi mở, và ông thầy tướng âm thầm quan sát tướng mạo chủ nhà. Như theo lời ông nhận xét thì quả không sai, ông Tư này từ tiếng nói, dáng đi, khuôn mặt hay ngoại hình nói chung đều thuộc dạng “phá cách”, không chết yểu là may chứ đừng nói đến chuyện giàu sang hay nay đã ngoài tuổi “xưa nay hiếm”.

Cơm nước xong, chủ nhà trải chiếu mời khách nghỉ trưa, đợi trưa bớt nắng thì mời cùng đi thăm ruộng luôn cho vui. Đến quá trưa thì mọi người lên đường ra ruộng. Đứng trên gò đất nơi người làng lập cái miếu thờ cô hồn dưới gốc cây đa cổ thụ, nơi cánh thợ gặt, thợ cấy thường nghỉ trưa trong mùa vụ, và từ đây có thể nhìn bao quát hết cánh đồng. Ông say sưa chỉ hết khoảnh ruộng đang rộ chín vàng này đến đám khác vừa nói năm nay trúng mùa, sáu, bảy tấn một mẫu ăn chắc thì đột nhiên ông khe khẽ khoát tay ra dấu bảo chúng tôi lánh mình sau cái miếu cô hồn. Khoảng mười phút sau ông lại hối đi tiếp! Ông thầy và tôi chẳng biết vì sao bỗng dưng ông Tư lại có hành động kỳ quặc như vậy.

Trên đường về, ông thầy tướng nói với tôi rằng sẽ hỏi tại sao ông Tư này lại có hành động lạ lùng như thế. Nhưng khi vừa về đến nhà, chủ nhà lại hối thúc vợ con chuẩn bị ít đồ nhắm đãi khách nên thầy thấy chưa tiện hỏi. Rượu uống vài chung đã lâng lâng, chủ khách chẳng cần khách sáo cởi áo để hưởng chút gió đồng trong lành. Ông thầy tướng, máu nghề nghiệp nổi lên, âm thầm quan sát chủ nhà nhân lúc chủ nhân để lộ trần cả thân mình, chỉ còn trần trụi cái quần đùi! Nhưng thật thất vọng, vì ông cũng chẳng tìm thấy một chút gì để bám víu, để luận là cái giàu của chủ nhà là nhờ có “quý tướng” tiềm ẩn như ông nghĩ cả!

Đang khề khà chợt bác Tư kêu vợ lại, dặn mang ít tiền, ít lúa sang cho nhà thằng Út Thêm, nói là giúp má nó bệnh, hỏi nó có cần gì thì cứ nói, đừng ngại. Ông thầy tướng sẵn dịp bắt chuyện hỏi tới chớ Út Thêm là bà con trong họ hay sao. Ông Tư trả lời rằng thằng này chẳng phải bà con họ hàng gì cả, mà là cái thằng cắt lúa trộm hồi chiều khi mình ra thăm ruộng đó, tui nhìn thấy nên nói ông tạm lánh cho nó khỏi thấy mình. Ông thầy tướng ngạc nhiên hỏi tới:

“Ủa, nó cắt trộm lúa của ông, sao ông không kêu lên, bắt tại trận mà lại trốn nó?”.

Ông Tư từ tốn nói:

“Má nó bệnh, vợ mới sanh. Nó đi làm công, ai kêu đâu mần đó, nay đang lúc nông nhàn, không có việc, chắc túng quá mà sinh làm bậy. Mai mốt gặp nó, lấy tình làng nghĩa xóm mà khuyên dạy chớ hô hoán lên làng xóm biết, nó xấu hổ, sợ tù tội, bỏ xứ mà đi thì tội. Mẹ và vợ con nó ai lo?”.

Ông thầy tướng giật mình, ly rượu sánh trên tay suýt đổ, hoát nhiên tỉnh cả rượu sau câu nói đó.

Kể đến đây thì bác Bảy ngừng câu chuyện, thầy Ba và mấy bác nãy giờ ngồi nghe, để mấy cái ly cà-phê nóng bốc khói giờ nguội tanh hồi nào không hay, hỏi sấn tới: “Vậy chớ ông thầy tướng kết luận ra sao mà tỉnh cả rượu? Sao bác ngưng ngang câu chuyện giữa chừng vậy?”.

Bác Bảy từ tốn hỏi ngược lại, chớ ông Tư làm vậy là thiện hay ác. Mọi người đồng thanh trả lời thì rành rành là làm việc thiện, biết nghĩ đến người khác, vậy mà cũng hỏi! Bác Bảy nói tôi thiệt tình không biết có phải cái tâm thiện của ông Tư chuyển đổi số phận của ông hay không, nhưng tôi tin rằng câu chuyện được kết luận ở đó đó, chớ đâu có ngưng ngang. Bác nói, nhìn tướng mà đoán hậu vận hay nói người ta có số phận chắc đâu đã đúng; vì chỉ thấy cái ngoài da chớ đâu thấy cái trong tâm.

Bác nói thêm rằng cái tâm là cái quan trọng, nó có thể chuyển hóa mọi sự. Bên nhà Phật cũng nói cái nghiệp mình nặng, nhưng biết làm lành tránh dữ, năng tu nhân tích đức thì cái nghiệp nặng, nghiệp xấu cũng dần mỏng đi. Ông bà ta ngày xưa cũng thường dạy “đức năng thắng số” cũng là vì cái lẽ đó. Vậy nên không có ông trời nào sắp đặt sẵn số phận cho mình mà là do chính mình.

Đèn đường đã tắt. Câu chuyện đã kết. Quán chỉ bán mấy tiếng đồng hồ vào buổi sáng sớm nên giờ đã vãn người. Bà chủ quán lục đục xếp ghế. Mọi người về gần hết riêng thầy Ba vẫn đang ngồi trầm ngâm đột nhiên lên tiếng hỏi bác Bảy chừng nào đi thăm cô nhi viện ở cái chùa nào đó mà bác thường đi, thì cho bác đi với.
Nguyễn trí Cẩm
THANK YOU
27-06-2018, 05:21 AM
Bài viết: #7
RE: KHÔNG ĐỀ
THƯƠNG YÊU MẤT MÁT LO SỢ
Norman Fischer

Phản ứng đầu tiên của chúng ta về sự mất mát, khó khăn hay đau đớn là không chịu đầu hàng điều đã xảy ra. Những điều đó dường như quá tiêu cực, quá sai lầm, và chúng ta không muốn đầu hàng. Chúng ta không thể suy nghĩ và cảm nhận một cách khác, và đó là nguyên nhân thật sự đưa đến khổ.

Hiền tại, nhiều người trong chúng ta trải qua những suy tư và cảm nhận không yên vì chúng ta đang ở trong một thời buổi khó khăn. Nhiều người bị mất việc, mất tiền, mất nhà, mất niềm hy vọng. Và nếu bản thân chúng ta không mất những thứ đó, chúng ta cũng phải tiếp cận với những đau khổ của người khác về những mất mát đó. Hàng ngày chúng ta đọc và nghe về tất cả những điều đó trên các phương tiện truyền thông và mạng lưới toàn cầu. Tất cả chúng ta cùng thở trong bầu không khí lo âu và mất mát.

Như Chogyam Trungpa nói về những cái nhọt. Một cái nhọt sẽ gây đau đớn và nhức nhối,và một cái nhọt như vậy có thể nổi lên trên bề mặt của sự mất mát. Chúng ta thường không muốn những cái nhọt đó và tìm cách ngăn chận. Và nếu không thể ngăn chận, chúng ta tìm cách che khuất nó và không muốn chà xát, đụng chạm vào nò. Một cái nhọt đau nhức không có gì là vui, nhưng nó có giá trị. Trumpa Rinpoche gọi cái nhọt đau nhức là lòng từ bi chưa phát triển, lòng từ bi tiềm tàng. Sự mất mát của chúng ta, vết thương của chúng ta có giá trị đối với chúng ta vì nó có thể đánh thức chúng ta đến với tình thương và hành động thương yêu.

Khi sự mất mát hoặc điều phiền muộn xảy ra, chúng ta cảm thấy bị xáo trộn và hoang mang. Chúng ta vẫn kỳ vọng sự việc sẽ luôn luôn xảy ra như chúng đã xảy ra, coi những điều đã xảy ra đó là một sự tự nhiên như không khí chúng ta hít thở. Rồi bỗng nhiên nó không xảy ra đúng như kỳ vọng và chúng ta hoang mang. Chúng ta chưa tin hẳn rằng sự việc lại xảy ra như vậy.

Và sau khi cơn hoang mang lắng xuống, sự sợ hãi và thất vọng bắt đầu kéo đến. Chúng ta băn khoăn về tương lai không chắc chắn mà chúng ta kiểm soát được quá ít. Chúng ta dễ dàng bị rơi vào trạng thái tê liệt do tuyệt vọng, sống trong tình trạng cảm nhận yếu ớt và không được chuẩn bị như đứa trẻ trong một thế giới ác nghiệt và không thân thiện. Cảm giác sợ hãi có thể làm tối tăm cái nhìn của chúng ta, làm cho chúng ta có thể nghi ngờ về sự hữu ích, về khả năng sống còn của chúng ta trong thế giới khó khăn này, chúng ta nghi ngờ về ý nghĩa, về mục đích của đời sống.

Đó là lúc chúng ta cảm thấy như bị chà xát lên cái nhọt đang đau đớn. Cảm nhận về sự mất mát, thất vọng và sợ hãi thật là khủng khiếp và chúng ta ghét nó, nhưng nó chính là điều chúng ta cần. Nó là cái phôi của lòng từ bi cần được khuấy động để sinh ra. Dĩ nhiên, sinh ra là đau đớn.

Trong thời buổi này, nhiều người ở trong tình cảnh như vậy không có tâm trí để tu tập. Nhưng chính lúc ấy là thời gian tốt nhất để tu tập, vì động năng quá rõ ràng. Tu tập không phải là một sự kén chọn hay lọc lừa lối sống. Không còn là chuyện lựa chọn mà là chuyện sống còn. Lợi ích lớn lao của việc tu tập được thấy rõ ràng nhất trong thời gian này. Mỏi mệt với mọi cố gắng để xoay chuyển tình cảnh, thất bại trong những phương cách làm giảm sự bực bội và xuống dốc tinh thần, không gì tốt hơn là ngồi xuống, trên một chiếc ghế hay một tọa cụ, đối diện với tình trạng hiện tại của chính mình. Ngồi và cảm nhận về thân. Cố gắng ngồi thẳng và nghiêm chỉnh. Theo dõi hơi thở. Cũng cần lưu ý rằng những tư tưởng và cảm giác quấy rầy đang hiện diện trong tâm. Chúng ta không phải ngồi để tống xuất những niệm tưởng đó hoặc để che dấu chúng bằng những chiêu bài lạc quan hay khích lệ. Chúng ở đó, tất cả mọi con ma nơi chúng ta, tất cả những vấn đề tiêu cực không ngừng khơi lên trong tâm chúng ta. Tâm của chúng ta là một bảo tàng viện của những thứ tiêu cực. Chúng ta đang ngồi yên lặng và thở trong bảo tàng viện tiêu cực đó. Không làm gì khác. Chúng ta không thể sửa chữa bất cứ một điều gì-tình trạng nằm bên ngoài sự sửa chữa. Dần dần chúng ta sẽ thấy rằng những niệm tưởng tăm tối và những cảm giác khắc khoải là như thế-niệm, tưởng. Chúng là những vật trưng bày trong viện bảo tàng tiêu cực, nhưng không nhất thiết là những thứ có thật bên ngoài. Sự minh sát đơn giản này-rằng niệm tưởng và cảm thọ là niệm tưởng và cảm thọ-nhẹ nhàng nhưng sẽ tạo ra sự thay đổi. Chúng ta tiếp tục ngồi, tiếp tục chú tâm vào thân và tâm, và chúng ta theo dõi mọi thứ với tâm phản biện “niệm, niệm, thở, thở”. Cuối cùng, chúng ta sẽ có thể ra khỏi viện bảo tàng để bước đi trong ánh sáng mặt trời.

Đối diện, chấp nhận, khoan hòa với niệm tưởng và cảm thọ tiêu cực, biết rằng chúng không phải là toàn thể thực tại, không phải là chúng ta. Đó là sự tu tập đưa đến kết quả và lợi ích nhất, không phải là cảm nhận an lạc hay hợp nhất.

Sổ nhật ký tu tập cũng có thể mang lại nhiều lợi ích. Ghi nhanh một chữ hay một câu đáng chú ý mà chúng ta đọc được hay nghe được. Thỉnh thoảng đọc lại những chữ hay câu này và chọn những chữ hay câu làm cho chúng ta chú ý. Những chữ hay câu này trở thành những lời nhắc nhở hàng ngày cho chúng ta. Khi có thời gian, hãy ngồi xuống với cuốn sổ (thực hành điều này một cách có kỷ luật, ở một thời điểm nhất định nào đó mỗi ngày, là tốt nhất), chọn một gợi ý, viết nhanh, không gò bó trong mười đến mười lăm phút, viết không rời khỏi giấy, bất cứ điều gì hiện ra trong trí, bất kể là vô lý hay không thích đáng. Bằng cách đó, chúng ta làm rỗng đi cái tâm đang cuốn xoáy của mình. Chúng ta tự chữa lành sự biểu lộ tiêu cực của mình. Việc này có thể là một sự giải trí và cũng là một sự tu tập.

Một cách khác để đối diện nhẹ nhàng hơn với niệm tưởng và cảm thọ trong những lúc khó khăn là chia sẻ với người khác. Nếu cảm thấy lo sợ hay tuyệt vọng trong những lúc như thời gian khó khăn hiện tại, chúng ta có thể biết chắc rằng chúng ta không đơn độc. Chắc chắn có nhiều bạn bè và người thân trong gia đình có cùng cảm giác đó với chúng ta. Thay vì tìm cách quên lặng những lo âu làm cho chúng nẩy nở như những chồi mầm trong căn phòng tối tăm của tâm tư khép kín, hoặc ray rứt than phiền chỉ làm tăng thêm sự khốn khổ, tốt nhất chúng ta nên chia sẻ và trao đổi với người khác.

Bảy tỏ và lắng nghe, không ý kiến, không tranh luận, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về những loại niệm tưởng và cảm thọ khởi lên trong những tình huống khó khăn. Mục đích không phải là xua đuổi những niệm tưởng và cảm thọ đó. Khi bị mất mát hay gặp khó khăn, thông thường chúng ta cảm thấy buồn phiền, lo sợ, thất vọng, bối rối, nhụt chí v.v..Những cảm thọ này kết nối chúng ta với người khác, họ cảm nhận chúng giống như chúng ta cảm nhận chúng. Bên cạnh sự xoa dịu, sự chia sẻ này cho chúng ta một cái nhìn mới để những niệm tưởng kia không có được hoàn cảnh thuận tiện và trở thành những bóng ma xô đẩy chúng ta.

Trở lại việc tu tập thiền quán, chúng ta nói đến sự tu tập căn bản. Khi ngồi, trên ghế hay trên tọa cụ, chúng ta để tâm vào hơi thở và thân thể, đến những niệm tưởng và cảm thọ trong tâm, có thể cả những tiếng động, sự tĩnh lặng, và những sự việc mà chúng ta nhìn thấy. Chúng ta nhận biết cái nền tảng nhất của mọi sự: chúng ta đang sống. Chúng ta là một con người đang hiển lộ, đang sống, đang thở. Chúng ta có thể thực sự cảm nhận điều này-cảm nhận cảm giác đang sống. Chúng ta có thể dừng lại trong cảm nhận nền tảng đó, là bản chất của đời sống, của ý thức, là nền tảng của mọi sự. Không đòi hỏi, không tìm kiếm. Cái đó ở ngay đó, một món quà đã sẵn ở đó cho chúng ta. Nó sẽ không kéo dài mãi mãi, nhưng ngay bây giờ, nó ở đây, toàn hảo, trọn vẹn. Và chúng ta đang chia sẻ nó với mọi thứ khác hiện hữu một cách trọn vẹn, căn bản và đẹp đẽ. Cho dù những khó khăn và thách thức, chúng ta đang là, chúng ta đang hiện hữu trong thế giớ rạng rỡ này với những người khác, với cây cối, bầu trời, nước, ngôi sao, mặt trời, mặt trăng. Nếu chúng ta ngồi đó đủ lâu và đều đặn, chúng ta sẽ cảm nhận điều này, cho dù trong những thời điểm tối tăm nhất của chúng ta.

Và trên cơ sở của kinh nghiệm này, chúng ta sẽ suy nghĩ khác hơn về cuộc sống của chúng ta. Điều gì thật sự là quan trọng? Những kỳ vọng và sự nghiệp xã hội của chúng ta thật sự có bao nhiêu giá trị? Điều gì thật sự là đáng kể? Điều gì là căn bản của đời sống con người?

Vâng, chúng ta đang sống.

Để thương yêu và được thương yêu. Vâng, chúng ta thương yêu, và chúng ta có thể thương yêu sâu đậm hơn. Và nếu chúng ta thực hiện điều đó, chắc chắn những người khác sẽ đáp ứng, sẽ thương yêu chúng ta hợn.

Bất kể trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn có thể tử tế và nhận sự tử tế từ người khác.

Một khi vượt qua được nọc độc của tính tiêu cực, chúng ta sẽ suy nghĩ một cách rõ ràng hơn về điều gì có ý nghĩa hơn và điều gì ít ý nghĩa hơn trong cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta sẽ thấy rằng cho dù trong hoàn cảnh nào chúng ta đều có thể tham dự trong những sự việc có ý nghĩa nhất. Chúng ta sẽ thấy rằng trong bức tranh lớn của đời sống, chúng ta có đủ những thứ chúng ta cần và có đầy lòng biết ơn-và vô số việc phải làm đặt nền tảng trên sự biết ơn này.

Không ai muốn những khó khăn xảy đến trong cuộc sống của mình. Phần lớn những cố gắng trong đời sống bình thường hàng ngày của chúng ta là tìm cách tránh né những bất hạnh về tài chánh, sức khỏe, tình yêu, và tâm lý. Những bất hạnh này dường như ẩn náu khắp nơi chung quanh chúng ta. Không ai có thể biết chắc điều gì sẽ tạo ra sự bất trắc, không vui. Vả lại những điều bất hạnh không thể không xảy ra trong đời sống con người, và tránh né không chịu đón nhận những bất hạnh khi chúng xảy đến là việc làm không thực tế.

Thời buổi khó khăn nhắc nhở chúng ta điều gì là quan trọng-điều gì là nền tảng, đẹp đẽ, và có giá trị hơn trong cuộc sống. Những giai đoạn khó khăn nhất sẽ mở ra những điều tốt đẹp nhất nơi chúng ta. Sự thừa mứa về thành công và may mắn sẽ đem đến những rắc rối, làm cho cuộc sống của chúng ta phức tạp với sự phân biệt và chọn lựa. Chúng ta thích và cố tìm đến đời sống đó, nhưng thật sự nó chỉ làm giảm đi niềm vui của chúng ta. Nó làm cho chúng ta đánh giá thấp những gì chúng ta đang có. Nó làm cho đầu óc phê phán của chúng ta phát triển, và chúng ta luôn luôn hoài nghi một cách nào đó về bất cứ điều gì tốt đẹp mà chúng ta đang có, sẵn sàng chối bỏ chúng khi có một thứ gì khác mà chúng ta cho là tốt hơn, có thể là một chiếc điện thoại di động mới, hay một người tình mới.

Khi có ít hơn, chúng ta đánh giá cao hơn, mở lòng hơn với sự vui thích và hưởng dụng, biết phê phán nhẹ nhàng và tán dương bằng một tấm lòng đơn sơ sự việc đang xảy ra, những sự việc đang hiện hữu một cách đơn sơ và đầy tính chất đạo đức. Mặt trời buổi sáng và mặt trăng buổi tối.

Tôi nhớ một người bạn tên Gil đã qua đời. Anh sang Ấn Độ để giúp những người dân quê nghèo khó bằng việc chăm sóc chuyên môn về mắt. Anh bị sốc khi dần dần khám phá ra rằng những người dân làng nghèo túng, không được học hành đó sống hạnh phúc và khôn ngoan hơn anh và những người bạn giàu có và học thức của anh ở San Francisco. Đó là lúc Gil bắt đầu hướng về con đường tâm linh.

Hồi tưởng lại, chúng ta có thể thấy rằng mấy mươi năm trôi qua trong việc không ngừng phát triển sự giàu có và cơ hội đã đặt nền tảng trên một sự thèm khát say mê, chan chứa, và ngây thơ về những sản phẩm vật chất. Sự thèm khát đó tạo nên một cồn cát mà trên đó chúng ta kỳ vọng chiếm hữu-từ đó chúng ta đánh mất mọi cảm thức về sự cân bằng và quên đi hầu như toàn bộ cách tổ tiên chúng ta và phần lớn thế giới vẫn còn sống theo. Những chiếc bong bóng kinh tế được tạo ra do sự hồ hởi đó đã chứng tỏ không vững vàng chút nào.

Hầu hết các nhà chuyên môn về kinh tế tiên đoán sau một thời gian hai ba năm trì trệ, nền kinh tế sẽ trở lại tăng trưởng mạnh. Nhưng giả sử họ không tiên đoán đúng. Giả sử chúng ta đã đạt đến những giới hạn trên một hành tinh giới hạn, và chúng ta sẽ ở trong tình trạng suy thoái lâu dài. Điều gì sẽ xảy ra nếu trong tương lai, chúng ta không có bảo hiểm sức khỏe tốt, những chiếc xe tốt, nhà cửa, và năng lượng dồi dào?

Nếu một tình huống như vậy xảy ra, có thể nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng do những kỳ vọng bị sụp đổ, và có thể nó sẽ đưa đến một sự hỗn loạn và bạo hành ở khắp mọi nơi, một thứ ác mộng mà chúng ta xem thấy nhiều trong phim ảnh hay tiểu thuyết.

Hoặc nó cũng có thể đem đến điều ngược lại – hạnh phúc hơn, chia sẻ hơn, khôn ngoan hơn, tâm mở rộng hơn. Sẽ có nhiều người chăm sóc vườn tược, làm thức ăn, làm ruộng, chăm sóc cho người khác hơn. Một lối sống chậm rãi, chân thành, thực tiễn, và tiến đến một cái chết ở nhà với chung quanh là bạn bè và những người trợ giúp về tâm linh, thay vì chết trong những bệnh viện với kỹ thuật y khoa cao cấp, những máy móc tối tân được những nhà chuyên môn điều khiển.

Tuy nhiên, khả năng này sẽ không xảy ra. Các nhà kinh tế có thể đúng khi nói rằng sự việc sẽ trở lại chỗ chúng ta gọi là bình thường sau một thời gian, có thể một hoặc hai năm. Nhưng cho dù thế nào, hình dung và tán dương một cuộc sống đơn giản, thanh đạm hơn này – và có thể sống với cuộc sống đó – sẽ là một thực tập lành mạnh.■
THANK YOU
27-06-2018, 05:30 AM
Bài viết: #8
RE: KHÔNG ĐỀ
MỘT BÀI VIẾT NÊN XEM,dq.

MÌNH THẬT KHỔ CÒN THIÊN HẠ SAU SƯỚNG THẾ?
Who Ordered This Truck of Dung?- Thiền sư Ajahn Brahm.

Cuộc sống của mọi sư chú ở Thái Lan thật không công bằng chút nào. Các thầy thì được ăn thức ăn ngon nhất, ngồi trên những chiếc bồ đoàn mềm mại và chẳng bao giờ phải đẩy xe cút kít. Trong khi đó thì bữa ăn duy nhất trong ngày của tôi thì quá dở; tôi lại phải ngồi làm lễ suốt mấy tiếng đồng hồ dài đăng đẳng trên nền xi măng cứng (mà lại gồ ghề nữa chứ, vì dân làng này tự đóng góp xây chùa); và đôi khi tôi phải chấp tác rất là vất vả. Tôi thật là khổ, còn các thầy thì thật là sướng.

Suốt ngày tôi cứ mãi âm thầm ta thán. Các thầy có lẽ đã ngộ đạo rồi cho nên dọn cho họ thức ăn ngon thật là uổng phí, tôi mới là người cần ăn ngon chứ. Các thầy thì ngồi xếp bằng trên nền nhà cứng nhiều năm đã quen rồi, thế thì tôi mới là người cần một cái gối ngồi to và mềm mới đúng. Đó là không kể các thầy đều béo cả nhờ ăn ngon cho nên đã có một “tấm đệm tự nhiên” dưới mông rồi. Các thầy lớn cứ sai các sư chú làm việc này làm việc kia mà chẳng bao giờ chịu lao động cả, vậy thì làm sao họ biết việc đẩy xe cút kít là nóng nảy, nặng nề như thế nào? Công việc là do các thầy ấy nghĩ ra vậy thì họ phải làm đi chứ! Tôi sao mà khổ, còn các thầy sao mà sướng quá.

Đến khi tôi trở thành một thầy lớn, tôi được ăn thức ăn ngon, ngồi trên một chiếc bồ đoàn êm ái và ít làm công việc chân tay. Tuy nhiên tôi vẫn thấy mình ganh tỵ với các sư chú. Họ không phải đi giảng pháp, không phải ngồi suốt ngày để nghe các đạo hữu than thở chuyện riêng tư và không phải lo lắng gì về công việc điều hành. Họ chẳng gánh vác trách nhiệm gì và có nhiều thì giờ để làm việc riêng. Tôi nghe trong lòng tiếng tôi than vãn, “Các sư chú mới sướng làm sao, còn mình thật là khổ!”.

Mọi thời gian sau tôi mới nhận thức được những gì đang xảy ra. Các sư chú có “nỗi khổ của sư chú”, các thầy lớn có “nỗi khổ của các thầy”. Khi trở thành thầy lớn, tôi chỉ đổi từ nỗi khổ này để mang nỗi khổ khác mà thôi.

Tương tự như thế, những người còn độc thân ganh tỵ với người đã lập gia đình, và người có gia đình thì ganh tỵ với người độc thân. Có lẽ chúng ta cũng nên hiểu rằng khi lập gia đình chúng ta chỉ đổi “nỗi khổ của người độc thân” để mang lấy “nỗi khổ của người có gia đình” mà thôi. Rồi khi ly dị chúng ta lại đổi “nỗi khổ của người có gia đình” để lấy “nỗi khổ của người độc thân”. Mình sao mà khổ, còn thiên hạ sao mà sướng thế.

Khi chúng ta nghèo, chúng ta ganh tỵ người giàu. Tuy nhiên, nhiều người giàu thì lại ganh tỵ tình bạn chân thành và sự thảnh thơi ít trách nhiệm của những người nghèo. Trở thành giàu có cũng chỉ là đổi “nỗi khổ của người nghèo” để mang lấy “nổi khổ của người giàu” mà thôi. Về hưu và giảm thu nhập cũng là đổi “nỗi khổ của người giàu” để lấy “nỗi khổ của người nghèo”. Và mọi chuyện nó là như thế. Thật khổ cho mình còn thiên hạ thật là sướng.

Cứ nghĩ rằng mình sẽ được sung sướng khi trở thành một cái gì đó cuối cùng chỉ là ảo tưởng. Trở thành cái gì đo, chẳng qua là đem đổi nỗi khổ này để lấy nỗi khổ khác thôi. Thế thì khi các bạn bằng lòng với chính mình, với địa vị của sư chú hay thầy lớn, là người độc thân hay có gia đình, giàu hay nghèo, thì các bạn không còn khổ.
[Hình: attachment.php?aid=13926]
Mình thật là sướng, còn thiên hạ sao mà khổ thế!.■


File đính kèm Thumbnail(s)
   
THANK YOU
09-07-2018, 10:10 AM
Bài viết: #9
RE: KHÔNG ĐỀ
Tạm hiểu về cái thực là không lâu thì tình cờ được xem bài viết sau dq xin copy mời Bà con hửu duyên, cùng ý xem qua.thanks

PA..RA..MI..TA

Pa…ra…mi…ta. Dạ, đúng rồi đó! Pa-ra-mi-ta.. có phải là Ba la mật đa không hở ba?

Ông bố chỉ cần nghe tín hiệu “Ba la mật đa” là đã cảm thấy trí óc và toàn thân máy động như nhà vắng lâu ngày có người tới gõ cửa. Từ cõi đời thường phàm phu thêm qua những bài học tâm linh là cả một cuộc hành trình tinh thần lâu dài của một ông giáo sắp thoát nợ làm người. Cái thông điệp trực tiếp đến từ bé Na, cô con gái út ngỡ như bản chất Việt Nam trong cô chỉ còn là tên gọi, càng làm cho ông ngạc nhiên hơn. Mặc dầu bé Na đã khôn lớn, vừa ra trường bác sĩ, nhưng lớp trẻ thuộc thế hệ Mỹ-Việt đầu tiên hầu hết quan tâm đến những giá trị thực dụng hơn là nếp suy tư mang vẻ triết học trừu tượng hay tôn giáo siêu hình. Ông giáo sung sướng và ngạc nhiên không hiểu vì sao cô con gái út, còn nằm trong bụng mẹ ở Việt Nam, lớn lên ở Mỹ, thời chưa vào đại học y khoa, chẳng quan tâm gì đến vấn đề tôn giáo mà nay lại hỏi đến cả Bát-nhã Tâm kinh.

Ông giáo gật đầu, nhưng trong lòng lại hoài nghi hơn là khẳng định:

– Ừ, thì Ba la mật đa là một từ âm theo tiếng Tàu. Gốc tiếng Phạn Pàramità có nghĩa là sự toàn hảo, rốt ráo, cũng còn được dịch là “đáo bỉ ngạn”hay tới bờ bên kia đó mà.

Bé Na tỏ vẻ đồng ý nhưng vẫn còn thắc mắc và nhận xét:

– Con cũng biết vậy ba à. Nhưng cứ mỗi lần nghe ba đọc: “Ma-ha bát-nhã –Ba –la mật đa-tâm-kinh..” thì con cảm thây nó có một vẻ gì nghiêm trọng, to tát, huyền bí khó hiểu quá. Trong khi con nhỏ Sonya Sandhah thì làm xong việc gì nó cũng reo lên: “Paramita!” y như mấy bác mấy chú bạn ba gọi là “Tới bến!” vậy đó.

Đến lượt ông giáo thắc mắc:

– Sonya là ai vậy con?

– Dạ, nó là con nhỏ người Ấn Độ, bạn ở trọ cùng phòng và cùng thực tập ở bệnh viện với con, nó có ghé nhà mình chơi mấy lần mà ba đã gặp đó.

Im lặng suy nghĩ một lát, ông giáo hỏi lại:

– Paramita đúng là tiếng reo “Đạt rồi! Tới bến rồi!” khi làm xong một điều trọng đại trong ngôn ngữ cổ điển của Ấn Độ. Nhưng ba không hiểu tại sao con bé ấy còn dùng; mà lại dùng thường xuyên cho mọi chuyện lớn nhỏ trong đời sống thường ngày nữa

Cố nhớ và vẽ lại nhân dáng của Sonya, bé Na mở rộng câu chuyện theo trí nhớ và sự quan sát của mình:
– Cả gia đình Sonya theo đạo Sikh. Đạo Sikh là một tôn giáo phát sinh từ Ấn Độ vào thế kỷ 15. Theo Sonya thì nó thấy lý thuyết của đạo Phật và đạo sikh có những điểm giống nhau về luân hồi, duyên nghiệp. Nhưng khác với đạo Phật là đạo Sikh thờ một Thượng đế toàn năng, vô hình vô ảnh, ngự trị toàn vũ trụ. Trong nhà, chỉ một mình Sonya tìm hiểu và gần gũi với đạo Phật vì theo nó thì Đức Phật Thích Ca là vị Giáo chủ hay bậc Thầy đầu tiên kéo con người ra khỏi bàn tay của một đấng chúa tể ngự trị muôn loài mà không ai biết rõ là ai. Người thì gọi là ông Trời, người gọi là Ngọc Hoàng, người gọi là Thượng đế…Sonya đã nhiều lần nói lớn lên rằng: “Tự do tìm về chính mình là giải phóng được cho mình ra khỏi sự ràng buộc của thần quyền”. Nó thích đạo Phật là vì đạo Phật tôn trọng tự do tư tưởng của nó.

Mắt ông giáo long lanh khi nhìn vào khuôn mặt thông minh tươi trẻ của cô con gái út. Ông không ngờ thế hệ trẻ của con cháu mình lại có đủ bản lĩnh tri thức để nhìn về nếp sinh hoạt tâm linh một cách độc lập và thẳng thắn đến như vậy. Ông giáo cảm thấy tò mò và thú vị muốn nói chuyện với con gái mình một cách thông thoáng như chuyện trò với một người bạn:

– Na à, vậy con đã được học Phật lúc nào và có chia sẻ hay trao đổi gì với Sonya về vấn đề này không?

Bé Na bụm miệng cười bí mật với bố già:

– Dạ, có chút chút thôi ba ạ. Lúc đầu con chỉ lấy mấy lớp căn bản Phật học ở khoa triết y của trường để kiếm một số tín chỉ cần thiết cho năm học. Nhưng về sau, học thêm mấy lớp Yoga và phương pháp hành Thiền chung với Sonya con đâm ra “ghiền” ngồi thiền! Ba năm sau đó, con đã theo Sonya về Ấn Độ, Népal và Tây Tạng học phương pháp trị liệu Đông y qua chương trình trao đổi sinh viên Âu-Á trong suốt ba mùa hè, nhưng thật sự là chỉ học Phật và phương pháp tâm lý trị liệu theo thiền học. Năm nào ba cũng đưa đón hai đứa con ở phi trường San Francisco đó, ba còn nhờ không?

Ông giáo xòe cả hai tay ra như để bắt lấy một ý lạ vừa ở đâu rơi xuống:

– Hử?! Sao con chẳng nói gì về chuyện học Phật, ngồi thiền của con với ba hết?
Cười thành tiếng, bé Na nói tiếp:

– Bộ ba tưởng là con chỉ biết ngồi “ghiền” hay ngồi “phiền” thôi à. Con chẳng biết tu hành cao siêu gì cả nhưng ưa ngồi thiền như một cách tập thể dục tinh thần ấy mà

Với một chút đăm chiêu, ông giáo hỏi:

– Thiền định là việc trọng đại, lẽ nào tụi con lại xem nhẹ, lấy làm chơi như một trò thể dục vậy kìa?

Bé Na nhìn bố tròn xoe đôi mắt:

– Ơ! Vậy là con nhỏ Sonya nói đúng rồi. bố nó cũng giống ba, cứ coi phương tiện là quan trọng làm thước đo hết thảy mà chẳng để ý đến kết quả hay tác dụng của phương tiện đó. Tụi con thường gọi ngồi thiền là “tập thể dục tinh thần”vì muốn đạt kết quả là tập cho trí óc mình tươi mát thoải mái, luyện cho lòng mình không bị buồn phiền vướng víu với cả đống công chuyện hàng ngày. Thế còn mấy thầy dạy học trò ngồi thiền là để làm gì hở ba?

Hơi lúng túng trước một ý thắc mắc rất thực tế của con gái, ông giáo chỉ còn biết trả lời theo bài bản:

– Thì để tu trì cho được giải thoát.

– Giải thoát là như thế nào ba hè?

– Là để được chứng ngộ biết mình là ai, cắt đứt được mọi ràng buộc phiền não, chuyển hóa lòng tham sân si thành tâm thánh thiện.

– Dạ, ba. Ngồi thiền trong bao lâu mới đạt tới trạng thái giải thoát như thế; mà ba đã có được những lúc nào giải thoát vậy chưa ba?

Ông giáo trả lời con gái như một sự thú nhận con đường dài hun hút trước mắt mà ông đã trải qua bao nhiêu ngày tháng kiếm tìm chưa gặp:

– Giải thoát nhanh hay chậm là tùy duyên và tùy căn cơ huân tập của mỗi người. Riêng ba thì đã giải thoát đâu mà biết là trạng thái giải thoát nó như thế nào

Cô con gái lại được dịp trêu ông bố thân thương:

– Vậy thì con hơn ba là nhà mình có phúc rồi! Nhỏ Sonya và con đều đồng ý và chia sẻ với nhau rằng, giải thoát là bứt phá ra khỏi ràng buộc, dính mắc. Mỗi phút nào tụi con lắng sâu vào việc ngồi tĩnh tâm là thoáng được phút đó. Con tự cho mình được “giải thoát”ra khỏi ngục tù của lo lắng. Lúc đó con cảm thấy lòng mình an vui dễ thương, trí óc tự do chạy nhảy tha hồ. con không lo, không buồn, không giận, không ghét ai cả. Con vui quá vì biết mình đang sống và đang được ngâm mình trong một biển hồ mênh mông trời đất không sóng gió, không bon chen. Sau những phút tĩnh tâm như thế, tụi con thường nhìn nhau mĩm cười và reo lên nho nhỏ “paramita!” rồi đứa nào có việc riêng đứa nấy, tiếp tục làm mọi chuyện thường ngày của mình nhẹ nhàng và hăng hái hơn.

Ông giáo đặt tay lên vai cô con gái và cảm động nói bằng tất cả thương yêu:

– Con giỏi lắm! Có vẻ như con đã có những phút “sống đời bát nhã”rồi đó.

Cô con gái nhìn bố , dò hỏi:

– Ba ơi! Con đâu dám nhận những điều “trọng đại”như thế.

Ông bố cười nhẹ, nửa như buồn cho mình mà nửa như vui cho con:

– Hì, hì! Nắm xôi có trọng đại với thằng Bờm hay không thì phải làm thằng Bờm mới biết được. Nhưng con nói đúng, thằng Bờm xử sự đúng thì ba phải nhận đúng mới công bằng chớ. Ba và thế hệ lớn tuổi của ba thường bị dính mắc vào hình tướng quá nhiều. Luôn miệng nói “không chấp tướng” mà lại tôn sùng những hình thức vật chất lễ nghi rình rang rồi quên đi nội dung cần phải đạt. Nói “không chấp ngã”mà lại cứ bày đặt, tạo dựng những danh xưng, tước vị hình thức rôm rả; rồi đua nhau xưng tụng, thổi phồng những cái tôi của con ếch dưới đáy giếng lớn cho bằng con voi trên rừng.

Cô con gái bỗng dưng thấy mình gần gũi với bố già quá.

Bé Na rì rầm kể chuyện cho ba nghe…

Sự kiêu hãnh về nề nếp phụ quyền trong gia đình và truyền thống gia trưởng quá mạnh của thế hệ cha anh đối với thế hệ trẻ Việt Nam đã khiến hai thế hệ nhìn nhau sai lạc và xa cách. Thế hệ già quen thấy cái tầm thường vĩ đại mà không thấy được cái vĩ đại tầm thường như tuổi trẻ. Sonya thây được cái vĩ đại tầm thường. Nghĩa là cảm nhận được cái bát nhã ba la trong từng hạt bụi, và có khi thấy những biểu hiện mang vẻ hoành tráng bên ngoài mà nội dung trống rỗng không bằng một hạt bụi. Bé Nam ngạc nhiên vì có những lúc Sonya mỉm cười lặng lẽ một mình mà vẫn nói bằng giọng hớn hở: “Paramita!”.

Được hỏi, Sonya trả lời rằng:

– Cứ mỗi phút trôi qua là đã có trên cả trăm người vừa mới chết, nghĩa là mỗi ngày có hơn 15 nghìn người chết trên toàn thế giới này vì vòng quay tự nhiên sinh, lão, bệnh, tử. Lúc nào thì tới phiên bạn hay phiên mình hết thở, làm sao biết được phải không? Nhưng chắc chắn là trong mỗi nháy mắt, có biết bao nhiêu người chỉ thở vào mà không thở ra được; hoặc có người thở ra mà không thở vào được. Nay ta chỉ cần thở được một hơi thở trọn vòng có vào có ra là “tới bến”, là paramita, là đáng reo vui rồi bạn nha.

Bé Na có lần hỏi Sonya:
– Này, sao trong ca mổ thực hành tháng trước bạn bị đánh hỏng vì đã đọc nhầm hồ sơ bệnh lý hai của bệnh nhân Việt Nam. Ca mổ của ông Nguyễn Văn Thanh lại đưa qua trường hợp của ông Nguyễn Văn Thành vì không đọc kỹ số hồ sơ bệnh lý. Vậy mà khi cầm giấy báo đánh hỏng của trường, bạn cũng có thể phớt lờ mỉm cười và reo “paramita”được là thế nào hả?

Sonya thản nhiên kể:

– Thì đúng rồi! Hỏng cũng phải “tới bến hỏng”chứ bộ. Ông vua khi ngồi trên ngai vàng là “tới bến”quyền lực. Nhưng khi bị lật đổ, phải đưa đầu vào máy chém thì cũng “tới bến”trừng phạt. Đúng và sai, đậu và hỏng, hơn và thua…đều phải tới bến sau cùng. Mình làm sai, bị đánh hỏng cũng phải tới cái bờ kết quả là hỏng chứ chạy đi đâu cho thoát. Làm trật mà được kết quả “đúng” là đi ngược. Mà đã đi ngược thì làm sao tời bờ bên kia được hả bạn! Paramita là thản nhiên, lặng lẽ về tới bến của mình và biết mình đã tới đúng cái bến mà thuyền của mình chèo tới. Phải reo lên “tới bến rồi”để biết mình tới bến bạn à

– Này Sonya, vậy thì mỗi số phận con người chỉ có một bến đợi để tới thôi sao?

– Có muôn vạn bến bạn ơi! Số phận chỉ là một cách nói buông xuôi chứ chẳng có ai đặt định trước cho mình phải tới bến nào cả. Như bạn thấy đó, cái bến của mình khi bước vào bệnh viện là làm cho xong ca mổ của ông Nguyễn Văn Thanh chứ không phải ông Nguyễn Văn Thành. Mình cứ yên chí là có đủ bài bản, dụng cụ y khoa tốt như Bệnh viện New York thì mọi việc đều tốt nhưng lại không dè chừng rằng, tiếng Việt của bạn còn có dấu thanh lên xuống nên đã kiếm sai người. Nhưng rồi cũng giống như thuyền đi gặp giông bão, mình nhầm tên mà cứ yên chí là mình đúng nên thuyền đã đi sai hướng. Kết quả là thuyền chìm và mình hỏng. Thuyền chìm không biết thuyền trưởng có vực dậy được để đi tiếp hay không . Nhưng khi mình làm sai và biết rằng mình hỏng nên đã “paramita”cho cái hỏng của mình trong phút đó và hớn hở tìm hướng đúng để đi tiếp cho đến khi “paramita” nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ một lần với bạn như hôm nay.

– Sonya ơi, theo bạn thì “paramita” không phải là đã đến bến bờ an vui tốt đẹp sau cùng sao?

– Chỉ có Phật. Mà có đến hằng hà sa số Phật – đó là những sinh thể mang tính Phật như Bồ tát Quán Tự Tại, chứ không phải chỉ riêng Phật Thích Ca Gautama đâu nhé – là biết rõ mình đến bến an lạc vĩnh hằng hay chưa. Phải có trí tuệ sáng ngời của giác ngộ mới nhận ra được bến bờ vi diệu ấy.

Bé Na làm sao quên được câu nói sau cùng của Sonya trước khi chia tay về Ấn Độ:

– Hằng ngày, một khắc sống tỉnh thức – nhìn biết được tự tại để mở lòng an vui đón nhận – là đang sống đời Bát nhã. “Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi svaha – tới bến, tới bến, tới bến rồi, hoàn toàn tới bến, an lạc tuyệt vời!”.

(Trích trong truyện dài Sống Đời Bát-nhã)
THANK YOU
09-07-2018, 11:07 AM (Được chỉnh sửa: 09-07-2018 11:08 AM bởi dieuquang.)
Bài viết: #10
RE: KHÔNG ĐỀ
TÊN
– Thưa, có thầy Tâm An ở đây không ạ?
– Dạ, ở đây không có thầy Tâm An.
– Thưa , có thầy an không ạ?
– Dạ, có thầy An, mà thầy An không có Tâm.
– Dạ, cho con gặp thầy An không có Tâm ạ.

Nhớ lại một đoạn đối thoại khác, ở một khung cảnh khác.

– Thưa , có Tiến sĩ Khoa học Z ở đây không ạ?
– Dạ, ở đây không có Tiến sĩ khoa học Z.
– Thưa , có Tiến sĩ Z không ạ.?
– Dạ, có Tiến sĩ Z., mà Tiến sĩ không có…Khoa học.
– Dạ, cho tôi gặp Tiến sĩ Z, không có Khoa học.

SEN

Bảy hoa sen lớn đường kính 7,5m, cao 3,5m đã được neo giữa sông. Trên mỗi hoa có một máy nổ để thắp sáng đèn cho sen vào 7 giờ tối. Ban Tổ chức rất lo lắng vì đến 3 giờ chiều trời vẫn mưa. May sao, đến khoảng 4 giờ chiều trời lạnh. Mọi người đến xem đèn sáng từ bảy hoa sen rất đông. Đứng nhìn nhiều người đến dự lễ thắp sáng hoa sen. Có những em bé được công kênh lên để nhìn, có cả người đi xe lăn tới xem.

Bạn tôi hỏi:

– Có thấy sen không?
– Có, nhiều sen lắm.
– Ông đứng đàng sau làm sao thấy?
– Thì tôi thấy mặt người bừng sáng ánh sen
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS