Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
ĐAU THẮT LƯNG &THOÁI HÓA KHỚP
08-03-2013, 01:05 PM
Bài viết: #1
ĐAU THẮT LƯNG &THOÁI HÓA KHỚP
Mời xem.

ĐAU THẮT LƯNG

Phần lớn các ca đau thắt lưng không có nguyên nhân bệnh lý mà chủ yếu bắt nguồn từ các tư thế sai trong sinh hoạt, lao động hoặc chơi thể thao, làm vùng cột sống thắt lưng cũng như những nhóm cơ chống đỡ làm làm việc quá sức sinh ra mệt mỏi.

Đau thắt lưng có thể là triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng cho tuổi già, lao cột sống thắt lưng, viêm cột sống thắt lưng do vi trùng hoặc nguyên nhân khác, bệnh viêm dính cột sống ( di truyền), vẹo cột sống, ung thư di căn cột sống thắt lưng, gãy xương sống thắt lưng...

Trong một ngày dù bạn đứng, ngồi hay cúi lưng cột sống vẫn phải chịu đựng sức nặng của cơ thể. Vì phải chịu sức nặng như vậy nên các bệnh lý ở cột sống rất dễ phát sinh, nhất là khi cột sống phải “làm việc ngoài giờ”. Áp lực tăng gấp ba lần lên các đĩa đệm ở cột sống khi bạn chuyển từ tư thế nằm sang ngồi. Đặc biệt những tư thế không đúng như cúi lưng khi xách nặng đã tăng thêm sức nặng không cần thiết lên cột sống.

Biết cách giữ tư thế đúng trong sinh hoạt và vận động là một trong những biện pháp quan trọng nhằm phòng tránh chứng đau thắt lưng và các chấn thương cho cột sống. Những tư thế đúng khi đứng, ngồi, hay mang vật nặng giúp trọng lượng của cơ thể được phân bổ đều khắp cột sống và duy trì độ cong sinh lý tự nhiên của cột sống, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất sức nặng đè lên cột sống. Vì vậy nên hạn chế sự làm việc quá mức của một phần nào đó của cột sống để giảm thiểu sự mệt mỏi hoặc chấn thương.

Do đau thắt lưng cấp đa số bắt nguồn từ làm việc sai tư thế nên trong hơn 90% trường hợp, bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng cách bảo tồn đúng đắn (không phẫu thuật) thì sẽ sớm khỏi đau và có thể trở lại với công việc hàng ngày. Thời gian điều trị bảo tồn thường mất khoảng 3 tháng.

Ngoài ra có thể dùng thuốc để điều trị các cơn đau cấp. Tuy vậy, phần lớn các thuốc giảm đau, kháng viêm thường đi kèm với các biến chứng trên bao tử cũng như trên thận. Gần đây, một vài thuốc mới như meloxicam (Mobic), celecoxib, nimesulide… đã giúp giảm đáng kể các nguy cơ này.

Một số mẹo nhỏ để phòng tránh đau thắt lưng:

- Hạn chế việc ngồi liên tục trong một thời gian dài bằng cách đứng lên đi lại mỗi 30 phút

- Nên đặt điện thoại ở góc phòng xa chỗ ngồi, đứng gọi điện thoại

- Thay đổi tư thế thường xuyên khi đứng trao đổi, thảo luận lâu

Một số điều không nên:

- Hạn chế thời gian ngồi. Nên đặt tay lên bàn khi ghế không tay tựa hay thiếu chỗ dựa

- Không nên ngồi lom khom

- Không nên ngồi ẹo sang bên

- Không nên đứng cúi thắt lưng thẳng gối trong thời gian dài

Một số điều nên:

- Đi giày đế bằng

- Đặt điện thoại ở góc phòng xa chỗ ngồi, đứng gọi điện thoại

- Hãy đứng khi có thể, đi lại mỗi 30 phút

- Thường xuyên thay đổi tư thế để vận động lưng, thắt lưng, bảo vệ cột sống và giúp các cơ hoạt động

Cần làm gì khi bị đau thắt lưng cấp tính:

- Khám ngay bác sĩ chuyên khoa cột sống/khoa khớp để được hướng dẫn điều trị một cách đúng đắn

- Nằm nghỉ trên giường nệm dày trong vài ba ngày đầu

- Một số ít trường hợp cần nằm lâu hơn, tuy nhiên nên ngồi lên tập luyện nhẹ nhàng càng sớm càng tốt các cơ bụng và cơ thắt lưng để sớm phục hồi

- Phải sử dụng thuốc một cách thận trọng dưới sự giám sát của bác sĩ

- Có thể áp dụng một số thủ thuật hỗ trợ: phục hồi chức năng, vận động trị liệu

Đến gặp bác sĩ ngay nếu:

- Cơn đau thắt lưng lan đến chân

- Có cảm giác tê, kim châm hay đau nhói ở chân

- Có cảm giác yếu chân và không thể đứng dậy trên bàn chân

- Mất kiểm soát tiêu tiểu (thường gặp ở các chứng đau lưng nặng)

Cần đi khám bác sĩ chuyên khoa cột sống / khoa khớp để được hướng dẫn điều trị một cách đúng đắn.

XEM THÊM

Đau thắt lưng là bệnh rất thường gặp nhưng do người bệnh thiếu thông tin, một số thầy thuốc nhận diện không đúng các biểu hiện bệnh lý, lạm dụng thái quá các kỹ thuật chẩn đoán… đã khiến nhiều trường hợp tiền mất tật mang vì bệnh một đằng, chữa một nẻo.
Đau thắt lưng là bệnh rất hay gặp ở mọi lứa tuổi. Ở tuổi trẻ hơn 20, cần chú ý những bệnh lý thực thể hay gặp nhiều như lao cột sống, tật bẩm sinh cột sống… Ở tuổi lao động (hay gặp ở khoảng tuổi giữa 20-40) đau thắt lưng thường là do tư thế sai, do ỷ sức mạnh hay buộc phải làm nặng mà quên chú ý tư thế tốt để tránh phí sức và ảnh hưởng lên cột sống thắt lưng. Với tuổi trung niên hay khi bắt đầu tuổi “gió heo may chớm về”, đau thắt lưng biểu hiện bởi những bệnh lý khác nhau từ nhẹ đến nặng, khi đĩa đệm bắt đầu mất nước dần dần hằng năm, những biểu hiện bệnh lý thoái hoá đĩa đệm cũng tăng từ từ. Ở ngưỡng tuổi từ trên 60, càng lớn tuổi chuyện đau thắt lưng càng dễ xảy ra do tiến trình lão hoá tự nhiên của cơ thể. Ở những nước tiên tiến như Nhật Bản, châu Âu hay Bắc Mỹ… khi tuổi thọ càng cao, ảnh hưởng đau thắt lưng càng nhiều do bệnh lý thoái hoá như thoái hoá đĩa đệm thắt lưng, hẹp ống sống thắt lưng...
Đau thắt lưng còn thường gặp ở mọi lứa tuổi thường ngồi làm việc văn phòng hay lao động khác (như thợ may…) trong tư thế ngồi liên tục nhiều giờ; thiếu vận động, thể dục, thể thao. Bệnh cũng là dấu hiệu xấu liên quan đến tình trạng loãng xương của phụ nữ sau mãn kinh (trung bình khoảng 47 tuổi ở nước ta) và khi tuổi quá 70 cho cả hai phái lão ông và lão bà. Gãy xương sống âm thầm do loãng xương đã được ghi nhận hiện diện nơi một số phụ nữ bị loãng xương, chỉ được phát hiện khi chụp hình thấy các đốt sống bị gãy lún. Nguy cơ tiếp tục gãy xương mới ở những trường hợp này cũng rất cao.

Đau lưng khác đau thắt lưng
Khi nói đau thắt lưng, chúng ta hiểu là đau vùng cột sống ngang thắt lưng với nguồn gốc gây đau trên dưới thắt lưng quần. Chúng ta hay nói đau lưng cho vùng này nhưng thật ra đau lưng là từ dùng cho đau vùng cột sống cao hơn, từ cột sống ngực cao (dưới cột sống cổ) xuống vùng nối lưng thắt lưng (nằm cao hơn thắt lưng quần độ hơn một gang bàn tay). Phần lớn bệnh đau thắt lưng hay xảy ra hơn là đau lưng.
Khi đau thắt lưng cấp tính, sự điều trị không đúng đắn hay bỏ qua không điều trị sẽ đưa đến chứng đau thắt lưng mãn tính. Cần lưu ý rằng dù có hay không dùng thuốc, trị liệu đúng mức hay không thì chứng đau thắt lưng cấp tính sẽ hết sau 1-3 tuần. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giúp bệnh nhân bị đau thắt lưng cấp tính không bị tái phát, không bị chuyển thành đau thắt lưng mãn tính. Việc cơn đau tái đi tái lại, thường theo sau các cơn đau thắt lưng cấp tính, khi không chú ý điều trị và phòng ngừa đúng mức sau lần đau cấp tính đầu tiên. Cơn đau thắt lưng cấp tính ban đầu tái phát thưa thớt khoảng vài tháng một lần, sau đó nhiều dần cho đến khi đau thường xuyên hoặc chuyển thành đau thắt lưng và đau lan xuống một chân, thường được biết là đau thần kinh toạ. Đau thần kinh tọa là tiến trình sẽ đến của đau thắt lưng cấp tính, đau thắt lưng mãn tính và đau thắt lưng cấp tính tái đi tái lại của bệnh nhân “quên” không điều trị đúng mức từ đầu.
Không phải ai cũng cần phẫu thuật
Những hình ảnh thay đổi trên X-quang cắt lớp điện toán, cộng hưởng từ hay gai trên X-quang thường quy vốn dĩ hay làm các bệnh nhân ít quan tâm đến kiến thức y học giật mình sợ hãi, nhất là khi tiếp xúc lần đầu với vô số thuật ngữ y khoa “khủng” như: lồi nhân nhày, thoát vị đĩa đệm, lồi đĩa đệm, thoái hoá mấu khớp, chèn ép rễ thần kinh, chèn ép mặt trước tuỷ sống…trong các kết quả đọc phim. Nhiều bệnh nhân trên lâm sàng không có dấu hiệu đáng quan ngại nhưng lại dễ xiêu lòng chịu đốt laze, sóng cao tầng, mổ cố định dụng cụ… không cần thiết. Một số bệnh nhân bị thấp ngoài khớp ảnh hưởng lên cột sống thắt lưng, sau phẫu thuật không hữu hiệu phải quay lại điều trị nội khoa mới giải quyết được vấn đề đau thắt lưng. Đây là những dạng bệnh nhân mà một người bạn của tôi, bác sĩ Robert Gunzburg, nguyên chủ tịch hội quốc tế Nghiên cứu cột sống thắt lưng phát hiện ra từ năm 2005 và gọi là hội chứng “Victim of medical imaging technology” (Nạn nhân của hình ảnh học y khoa, viết tắt là Hội chứng Vomit). Nói cách khác, sự phát triển của kỹ thuật hình ảnh y khoa hiện đại rất cần người thầy thuốc vừa có khả năng lại phải vừa giỏi phán đoán, kết hợp với lâm sàng để giúp bệnh nhân tránh bị điều trị oan uổng bằng các biện pháp phẫu thuật không cần thiết hay không đúng mức khiến tiền thì mất mà tật vẫn mang.
Một vài thống kê đã cho thấy ở các nước tiên tiến việc tốn phí điều trị các bệnh lý gây đau thắt lưng lên đến hàng tỉ đôla. Vấn đề này sẽ lớn hơn nữa ở nước ta nếu không quan tâm điều tiết các cách chữa trị chưa đúng hay chỉ định phẫu thuật chưa phù hợp, kỹ thuật phẫu thuật chưa tốt. Không phải ca bệnh nào cũng phải được điều trị phẫu thuật. Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng gì nặng cần mổ hay dù các bác sĩ đọc phim cộng hưởng từ thấy rất nhiều triệu chứng lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, gai sống... cũng phải cẩn thận hết sức khi quyết định áp dụng những kỹ thuật điều trị không thường quy hay hiệu quả không cao như châm cứu, nắn bẻ xương sống, đốt lade, đốt sóng cao tầng, mổ ít xâm nhập qua lổ nhỏ… Việc điều trị nếu rơi vào tay thầy thuốc giỏi, hiền thường giúp được cho bệnh nhân yên tâm, khỏi bệnh trong đa số trường hợp đau thắt lưng cấp tính hay mãn tính với biện pháp bảo tồn.
Cẩn trọng trong khiêng vác, khom cúi

Các nguyên nhân gây tổn thương cột sống thắt lưng nơi tuổi trẻ hay hệ dây chằng nối kết các đốt sống không nhiều. Có thể kể ra như bệnh lao cột sống thắt lưng, bệnh viêm dính cột sống ảnh hưởng thắt lưng hay thấp ngoài khớp ảnh hưởng đau thắt lưng. Hình ảnh học y khoa có thể giúp phát hiện các chứng đau thắt lưng có nguyên nhân này.

Riêng với chứng đau thắt lưng do hoạt động sai tư thế trong sinh hoạt lao động, sinh hoạt thường ngày, chấn thương… thì lại thường thấy hơn. Khởi đầu là đau thắt lưng cấp tính khi làm động tác sai, khiến cơn đau xảy đến thình lình, dữ dội không đứng thẳng người lên được, không khom cúi được. Nguyên nhân thường thấy là do đứng cúi lưng lom khom làm việc lâu trong tư thế sai; đứng kiểng chân với tay cao, nhón gót lấy vật nặng (hay nhẹ) trên cao; tư thế bò với tay lau sàn nhà; đứng lom khom mặc quần dài… Khảo sát hình ảnh học y khoa trong giai đoạn này thường không phát hiện gì bất thường.
“Phòng bệnh hơn trị bệnh” vẫn là một hướng đi đúng đắn, cả trong điều trị bệnh đau thắt lưng. Muốn vậy, phải quan tâm giáo dục nâng cao kiến thức y học, hướng dẫn từ chuyên viên y tế tuyến cơ sở phối hợp với tuyến chuyên khoa cho đến bệnh nhân. Tư thế nằm, ngồi, đứng, đi trong sinh hoạt thường ngày và trong lao động dù nhẹ hay nặng phải được chú ý để phòng tránh chứng đau thắt lưng cấp tính, đau thắt lưng mãn tính và các di chứng đau thần kinh toạ. Tập luyện phục hồi chức năng cho cơ thành bụng, cơ duỗi thắt lưng… phải được chú ý áp dụng đúng đắn.


Theo PGS.TS Võ Văn Thành

BỆNH THOÁI HÓA KHỚP
Thoái hóa khớp thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên hiện nay có nhiều trường hợp chưa tới 40 tuổi cũng bị bệnh này. Thoái hóa khớp gây đau đớn, ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sống cũng như năng lực lao động của người bệnh.
Do nhiều nguyên nhân
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thắng, Khoa Xương khớp, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, bệnh thoái hóa khớp là bệnh thường gặp nhất ở khớp do tổn thương các thành phần như: sụn khớp, xương dưới sụn và màng khớp. Những khớp thoái hóa sớm thường là những khớp lớn, chịu lực như: khớp gối, khớp háng, cột sống, khớp vai…
Người bị bệnh thoái hóa khớp thường có các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau; mất chức năng của khớp, có tiếng kêu vùng khớp… Song đau là triệu chứng được nhiều người quan tâm nhất. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng của bệnh khớp thường ít đặc trưng. Không ít bệnh nhân bị bướu ở đầu các xương (bướu đại bào xương, bướu nguyên bào sụn, bọc xương phồng máu, ung thư xương…) đã bị chẩn đoán nhầm là viêm khớp hay thoái hóa khớp.
Để chẩn đoán chính xác thoái hóa khớp phải dựa vào hình ảnh X-quang, cộng hưởng từ (MRI), siêu âm, xét nghiệm máu, dịch khớp, tế bào, nội soi, sinh thiết…
Thoái hóa khớp nguyên phát là do vấn đề về tuổi tác (phụ nữ mãn kinh bị giảm nội tiết tố nữ), do yếu tố cơ học (các động tác lặp đi lặp lại nhiều lần), di truyền và sinh hóa (khiếm khuyết về thành phần cấu tạo sụn khớp).
Thoái hóa khớp thứ phát như loãng xương, chấn thương khớp, sai lệch điểm tì đè lên mặt khớp. Béo phì cũng là nguyên nhân thứ phát gây ra thoái hóa khớp bởi dẫn tới sự quá tải cho khớp, nhất là các khớp chi dưới.
Bên cạnh đó, nguyên nhân thứ phát gây ra thoái hóa khớp còn là do bệnh viêm khớp, bệnh nhân dùng quá nhiều thuốc corticoid, hay người bị cường tuyến yên, cường tuyến thượng thận.
Để ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp, bác sĩ Thắng khuyên chúng ta hãy duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp, luyện tập thể thao đúng yêu cầu, tránh nằm, ngồi, đứng lâu một chỗ. Vì như vậy sẽ làm ứ trệ tuần hoàn và gây cứng khớp. Đặc biệt, không nên ở tư thế ngồi không có điểm tựa (ngồi xổm tác động xấu tới khớp gối và cột sống thắt lưng)…
Điều trị khác nhau cho từng trường hợp
Bệnh thoái hóa khớp do nhiều nguyên nhân nên quan niệm chỉ cần dùng một phương thuốc là hoàn toàn sai lầm.
Trước tiên là điều trị theo nguyên nhân gây ra thoái hóa. Chẳng hạn nếu nguyên nhân bởi viêm khớp thì phải điều trị viêm, do chấn thương thì phải điều trị chấn thương…
Tiếp đến phải kháng viêm, giảm đau để giúp người bệnh tiếp tục sinh hoạt và làm việc bình thường. Có thể bác sĩ sẽ dùng các thuốc kháng viêm không steroid (không nên dùng các thuốc có corticoid).
Không chỉ thế, bệnh nhân còn cần giảm áp lực đè lên các khớp bị thoái hóa. Ví dụ người bệnh béo phì cần giảm cân, không chạy nhảy khi khớp đang tổn thương, không khiêng vác nặng…
Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thêm thuốc bổ xương, khớp cũng như các thuốc chống loãng xương tùy trường hợp (glucosamine, chondrotine, calcium, vitamin D, alendronate, raloxifene...).
Người bị thoái hóa khớp vẫn phải vận động tập luyện. Việc vận động nhiều hay ít tùy thuộc từng nhóm nguyên nhân gây thoái hóa khớp.
Chỉ khi nào tiến hành điều trị nội khoa thoái hóa khớp thất bại, bệnh nhân mới được bác sĩ cân nhắc chỉ định cho phẫu thuật (nội soi cắt lọc, đục xương chỉnh trục, thay khớp...).
PGS-TS Thắng khuyên: “Trong bộn bề công việc hằng ngày, chúng ta nên sắp xếp hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động. Nên nhớ rằng các cơ quan trong cơ thể rất cần sự nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Đau là dấu hiệu báo động sớm nhất, chúng ta cần phải ngưng ngay những tác nhân gây đau để bảo vệ khớp”.
THANK YOU
[-] dieuquang được 2 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (14-03-2013 10:18 AM), langtrang (14-03-2013 10:47 AM)
 


Các bài viết trong chủ đề này
ĐAU THẮT LƯNG &THOÁI HÓA KHỚP - dieuquang - 08-03-2013 01:05 PM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS