Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG VÀ NHỮNG ĐỊA DANH
21-10-2011, 09:18 AM (Được chỉnh sửa: 01-12-2012 08:22 AM bởi caubaxuan.)
Bài viết: #1
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG VÀ NHỮNG ĐỊA DANH
Hôm nay caubaxuan mở chủ đề mới:LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG VÀ NHỮNG ĐỊA DANH.Đầu tiên sẽ viết về những địa danh của huyện Lấp Vó tỉnh Đồng Tháp trước, sau đó sẽ đăng tiếp các bài của các huyện, tỉnh và các địa phương khác...Caubaxuan cũng kính mời các thành viên của gocque.com tham gia viết bài vào chủ đề nầy, để gốc quê của chúng ta ngày thêm phong phú.
Đầu tiên là bài viết về xã Định An, mời bà con vào xem và góp ý...
ĐỊNH AN
MỘT XÃ LÂU ĐỜI BÊN BỜ SÔNG HẬU
NHỮNG LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ ĐẶC SẢN ĐỊA PHƯƠNG


Định An, là một vùng đất phì nhiêu và thân thiện…Tên gọi thân thương của một xã vùng ven bên bờ sông Hậu. Nơi có bóng mát của những vườn cây bao bọc lấy những đồng ruộng xanh tươi bát ngát, nơi có hương vị đậm đà của những đặc sản do phù sa của dòng sông Hậu ngọt ngào và hiền hòa mang đến.
Tên gọi của xã Định An, có nguồn gốc từ rất lâu.và có thể kết luận rằng địa danh Định An đã có từ thời khai hoang mở đất. Ta hãy xem lại quá trình hình thành và phát triển của xã Định An qua các giai đoạn lịch sử.
I.QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH,PHÁT TRIỂN QUA CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ:
Theo “Lịch Sử truyền thống và cách mạng Huyện Lấp Vò”của Ban Chấp Hành Đảng Bộ Huyện Lấp Vò-Tháng 4-2008; trang 14 có ghi từ năm 1808. Nguyễn Ánh đổi dinh Vĩnh Trấn thành trấn Vĩnh Thanh ( Vùng đất Lấp Vò hiện nay thuộc hai Tổng Vĩnh Trung và Vĩnh Trinh ) Huyện Vĩnh An gồm có các thôn : Định An, Bình Thành Tây, Bình Thành Đông, Cựu Hội An….
Năm 1836 đến khi Pháp xâm lược, thì vùng đất Lấp Vò thuộc tỉnh An Giang , Trong đó làng Định An, Bình Thành Tây, Bình Thành Đông thuộc Tổng An Phú huyện Đông Xuyên.Còn các làng khác của huyện Lấp Vò hiện nay như Hội An, Tân An Trung,Tân Mỹ ,Vĩnh Thạnh, Tân Dương….. thì thuộc Tổng An Thạnh và tổng An Thới huyện Vĩnh An. ( sách đã dẫn trang 15 )
Đến năm 1947 thì tên làng Định An không còn có tên trong địa phận huyện Lấp Vò nữa, mà thay thế bằng làng Định Yên cùng với 6 làng khác thuộc Tổng An Phú, quận Thốt Nốt, Tỉnh An Giang . Còn lại 8 làng khác thì thuộc Tổng An Thạnh Thượng, tổng An Thạnh Hạ, quận Châu Thành. Tỉnh Sa Đéc.(sách đã dẫn trang 16)
Như thế , địa danh Định An đã được xác định trong địa bạ triều Nguyễn từ rất lâu đời, và được nhắc đến trong một thời gian dài, mãi đến năm 1947 làng Định An mới đổi thành làng Định Yên ( năm 1947 ) rồi thành xã Định Yên (năm 1954 ).
Đến ngày 6/3/1984, xã Định Yên được tách thành 2 xã Định Yên và Định An. Như thế địa danh Định An một lần nữa được có tên trong đơn vị hành chánh của Huyện Lấp Vò.
Định An đó là tên của một xã mới đang xây dựng và phấn đấu vươn lên CNXH trong thời kỳ đổi mới. Đó là niềm tự hào của nhân dân xã Định An đối với địa danh có truyền thống và có tên gọi từ rất lâu đời của quê hương mình.
Xã Định An nằm ở phía Tây Nam của huyện Lấp Vò, phía Bắc giáp với ấp Bình An của xã Bình Thành, phía Nam giáp với xã Định Yên, phía Đông giáp với ấp Bình Hòa xã Bình Thành và Vĩnh Thạnh, phía Tây giáp Sông Hậu
.Tổng diện tích tự nhiên của xã là 1865,75 ha, tổng số hộ 3512 với tổng số dân là 16.628 người. Xaõ được chia thành 4 ấp gồm: An Hòa, An Lạc, An Ninh và An Phong.
Định An là cái tên rất thân thương đối với những người sinh sống trên vùng đất hiền hòa và trù phú này, một vùng đất được dòng phù sa dòng sông Hậu bồi đắp quanh năm, nhất là vào mùa nước dâng cao từ thượng nguồn sông Mékong đổ xuống với lưu lượng trung bình 90.000m3/giây. Cũng trong 1 giây đồng hồ, lưu lượng đó chuyên chở trung bình 5/10.000 trọng lượng phù sa trong mùa khô và khoảng 15/10.000 trọng lượng phù sa trong mùa mưa cung cấp cho các tỉnh vùng hạ lưu. Thế nên đa phần đất đai trong xã thuộc dạng đất phù sa, đất cát bãi bồi. Mực nước lên cao từ tháng bảy đến tháng chín âm lịch, từ tháng Mười âm lịch mới bình lại. Vì kinh rạch nhiều, nhất là nhờ sông Hậu nên rút ra biển rất nhanh,không bị lụt. Khí hậu cận xích đạo nên nóng ẩm, có hai mùa khô và mưa rất rõ rệt. Tuy nhiên khí hậu của xã Định An luôn luôn trong lành và mát mẽ bởi hơi nước thường xuyên của dòng sông Hậu mang đến.
Xã Định An có đất đai màu mỡ do được dòng sông Hậu bồi đắp phù sa hàng năm. Trồng trọt là một thế mạnh của Xã Định An ,Tổng diện tích gieo trồng năm 2008 là 2.681 ha, hệ số sử dụng đất :2,7 lần đạt 100% kế họach. Trong đó, diện tích lúa là 2.370 ha, năng suất lúa cả năm đạt 5,7 tấn / ha ; tổng sản lượng đạt 13.509 tấn, hoa màu xuống giống và thu họach 311 ha.
So với các xã khác trong huyện, xã Định An có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế về nông nghiệp, công nghiệp, và tiểu thủ công nghiệp . Do có Quốc lộ 54 chạy qua và nằm cạnh sông Hậu Giang nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển và giao lưu hàng hóa với các các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đời sống kinh tế xã Định An chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đi mua bán bằng ghe ở những nơi xa . Bên cạnh đó lúc nông nhàn người dân sản xuất một số mặt hàng truyền thống như chiếu, thớt, chổi lông gà … Góp phần tăng thu nhập cho cuộc sống gia đình. Về nuôi trồng thủy sản có 75 ha mặt nước, nuôi trồng thủy sản theo mô hình công nghiệp và ao hầm nhỏ lẻ. Hàng năm người dân Định An còn thu hoạch trái cây như chuối, bưởi, dừa... với một số lượng lớn
Ngòai ra xã Định An cũng rất quan tâm đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm : Chăn nuôi được đàn bò cái Lai-Sind 30 con, bò thịt 10 con, đàn heo 4000 con, đàn gia cầm 21.5000 con.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cũng được chính quyền địa phương ưu tiên phát triển và khuyến khích đầu tư : Các nhà máy xay xát, dệt chiếu, đóng xuồng ghe vẫn duy trì họat động, tòan xã có 14 lò gạch đang sản xuất, hai cơ sở chế biến sơ dừa xuất khẩu.
Hệ thống giáo dục quốc dân: Định An có 4 trường (1 trường Mẫu giáo,2 trường Tiểu học và 1 trường THCS ) chủ yếu nằm ven quốc lộ 54 và có 5 điểm trường phụ của bậc tiểu học được phân bố đều khắp các ấp trong xã. Hệ thống trường lớp được xây dựng kiên cố, sạch đẹp, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Năm 1999, Xã Định An được công nhận đạt chuẩn công tác phổ cập giáo dục Tiểu học và xóa mù chữ và được công nhận đạt chuẩn công tác phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi vào tháng 11 năm 2004 và đã được UBND huyện Lấp Vò ra quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập Phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào tháng 08 năm 2006.Trường THCS Định An là một trường có nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người ở địa phương, gần đây được đánh giá là một trong những trường trọng điểm của huyện, được Phòng Giáo Dục và UBND huyện Lấp Vò đầu tư để xây dựng thành trường chuẩn quốc gia trong năm 2015.
Trạm y tế được xây dựng kiên cố, khang trang để phục vụ đời sống và sức khỏe của người dân trong xã. trạm gồm có 8 phòng làm việc và điều trị bệnh.Trong năm 2010, trạm y tế triển khai thực hiện các chương trình y tế quốc gia, hộ ăn chín, uống chín. Hiện tòan xã có trên 70% số hộ sử dụng nước sạch, thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân, khu dân cư các nội dung diệt lăng quăng phòng chống bệnh sốt xuất huyết, các chương trình tiêm chủng mở rộng,phòng chống HIV/AIDS.
Từ năm 2008 đến nay xã Định An cũng đã tồ chức lễ phát động tòan dân đòan kết xây dựng xã văn hóa ; Họp mặt ngày gia đình Việt Nam.và tổ chức thành công Đại hội Khuyến Học xã nhiệm kỳ 2008 – 2013
Công tác xóa đói giảm nghèo, luôn luôn được Đảng Bộ và chính quyền địa phương quan tâm.Tòan xã có 3506 hộ đạt các tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt tỉ lệ: 99,82% Nhiều công trình xây dựng mới : Cầu Bạch Đằng, Cầu Rạch bàu, Cầu Thông Hậu...Văn phòng Đảng Ủy,Trạm y tế, sân bóng đá tại Ấp An Lạc, cống thóat nước khu dân cư Thầy Phó – Ông Đạt, công trình xây dựng bờ kè chống sạt lỡ tuyến đường đal ven sông Hậu ( vàm Ông Bồi ), và các công trình thủy lợi nội đồng.
Tìềm năng du lịch của xã Định An, hiện nay chưa phát triển ;Nhưng tiềm năng nầy trong tương lai có thể phát triển trong lĩnh vực tham quan du lịch các nghề dệt chiếu, nghề săn bắt cá bông lau về đêm, và thưởng thức các món đặc sản của địa phương : Hến 7 món , săn bắt cá bông lau,…
II. ĐẶC SẢN CỦA ĐỊA PHƯƠNG :
Hến bảy món : Ở Huế nổi tiếng với món Cơm Hến, nhưng nhiều người đã đến đó thưởng thức rồi nhận xét : cơm Hến tuy được gọi là đặc sản của Huế nhưng thực chất Cơm Hến ở đó chưa có thể sánh với các món Hến ở tại Định An khi đã được chế biến thành những 7 món, thực là hấp dẫn và khi đã thưởng thức xong rồi thì khó có thể quên được những cảm giác lạ miệng và hương vị đặc trưng của các món được chế biến từ Hến ở Định An.( Có thể những nhận xét trên của các bạn tôi mang tính chủ quan, vì khi thưởng thức Cơm Hến ở Huế có lẽ không hợp với khẩu vị của địa phương )
Trước khi thưởng thức các món Hến, mời các bạn hãy tìm hiểu xem Hến ở xã Định An được bắt như thế nào, ở đâu, trong thời diểm nào,cách bắt và chế biến ra sao ? Sau khi tìm hiểu rồi; tôi cam đoan bạn sẽ có cảm giác thèm thuồng ngay các món hến nầy và sẽ nhanh chóng về Định An để thửơng thức
Hến ở xã Định An đã có từ rất lâu, được nhân dân ở đây mò , xúc đãi và cào theo từng giai đọan thời gian. Ngày xưa khi tôm cá còn nhiều, thì Hến được xếp vào hàng thứ phẩm, ít khi được dùng trong các bữa ăn hoặc làm mồi nhậu lai rai. Khi đó thì dân nhậu chỉ cần bỏ ra nửa giờ là có thể có một bàn nhậu thịnh sọan với tôm cá, gà vịt…Kém tiền hơn nữa thì xuống sông mò bắt những con Ốc, con Vẹm, con Bung Bung - Chang Chang ( còn gọi là con Trai sông ), con bắp chuối ( giống như con Vẹm nhưng nhưng tròn hơn và không có cánh buồm ), thì cũng xôm tụ hơn, mồi màng đa dạng phong phú hơn…Nhưng càng ngày cá tôm càng hiếm, ốc cua cũng lần lượt khó bắt hơn. Thịt gia cầm, thịt heo giá cả ngày một đắt đỏ. Tới bấy giờ thì người dân chợt nhớ tới đặc sản có sẵn , rất phong phú của địa phương và chế biến được nhiều món ngon có thể thay đổi trong thực đơn hằng ngày của gia đình hoặc trên bàn nhậu mà rẽ tiền, ngon miệng, thế là nghề khai thác hến được ra đời.
Nghề khai thác Hến ở Định An ra đời cách nay hơn hai mươi năm. Sau khi nhà nước cho Sáng Cạp về vét lại các con sông trong huyện Lấp Vò . Nhất là các con sông ở các xã Định An, Định Yên trong thời gian khỏang năm 1986 -1987 thì vài năm sau lượng phù sa của dòng sông Hậu đổ về mang theo nhiều chủng lọai giống Hến, Vẹm, con Bung Bung - Chang Chang , con bắp chuối …..với số lượng nhiều hơn lúc chưa có Sáng Cạp. Theo lời kể của những người lớn tuổi ở địa phương thì trước đây các phụ lưu của Sông Hậu thuộc xã Định An cũng có thể bắt được nhiều Hến ,Vẹm… Nhưng từ khi các nhánh sông phụ lưu được vét sâu hơn, chứa nhiều phù sa thì số lượng Hến ,Vẹm…được tăng lên đáng kể, Vì trước đó những người lớn tuổi nầy muốn mò bắt Hến ,Vẹm …”phải ra tận các bãi cồn ngòai sông Cái để bắt…”. Hiện nay hầu như các kinh rạch của xã Định An thì nơi nào cũng có thể bắt được Hến cả, nhưng số lượng ít nhiều theo từng thời điểm, khúc kênh rạch và tầng suất khai thác của người dân.
III.LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG: XÓM THỚT
Dọc theo Quốc lộ 54 thuộc địa phận huyện Lấp Vò Tỉnh Đồng Tháp, từ Vàm Cống xuống Định An gần 3 Km, cách chợ Hòa Lạc khỏang 200m bạn sẽ thấy hiện ra một Xóm Thớt đang nhộn nhịp làm nghề chuẩn bị cho bạn hàng bỏ mối bán Tết. Những tiếng cưa, tiếng đục, tiếng máy đang thực hiện các công đọan của nghề làm thớt, sẽ làm bạn vui tai và gây sự chú ý , tò mò cho bạn. Nhìn những chiếc thớt xinh xắn phới nắng được xếp thành từng chồng hoặc rãi đều ra như một quả đồi nhỏ sẽ làm cho bạn liên tưởng đến một bức tranh nghệ thuật độc đáo, những chiếc thớt ấy cuối buổi được thu gom để làm tiếp các công đọan cuối cùng, và sau đó sẽ giao cho bạn hàng .Ngòai những chồng thớt đã thành phẩm, bạn có thể nhìn thấy các cây nguyên liệu để chuẩn bị làm thớt, những dăm cây, mạt cưa , những phần thừa phía ngòai của tấm thớt ( các phần gổ thân cây, vỏ cây lọai ra sau công đọan lọng tròn ) được phơi nắng bán như củi nấu bếp. Hằng ngày tại Xóm Thớt nầy có thể cung cấp hơn 1000 tấm thớt. Nhất là trong dịp cuối năm giáp tết , số thớt làm ra có thể nhiều hơn, vì các hộ gia đình ở đây đã chuẩn bị các nguyên liệu sản xuất từ nhiều tháng nay.
Hằng ngày khi xuống trường để công tác, tôi phải đi qua Xóm Thớt, thấy người dân đang làm nghề ngày càng phát triển. Cuộc sống mỗi ngày sung túc hơn. Nhân dịp làm báo xuân Kỷ Sửu, viết bài về lịch sử của trường THCS Định An và lịch sử địa phương, nên tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc và đặc điểm của nghề Làm Thớt một cách chi tiết và tỉ mĩ hơn .Tiếp xúc với ông Phạm Văn Phuônl ( 84 Tuổi ) một trong những nghệ nhân lớn tuổi của làng nghề, để tìm hiểu thêm về nguồn gốc xuất phát của nghề làm thớt. Thật là may mắn cho chúng tôi vì ông chính là rễ của Ông Nguyễn Văn Khá - “Ông Tổ làng nghề Làm Thớt ở Xóm Thớt xã Định An” .
Bác Sáu Phạm Văn Phuônl kể : Khỏang năm 1945 đến năm 1948.Cha vợ của ông là ông Nguyễn Văn Khá ( sinh năm Đinh Dậu 1897 ) cùng với những người bạn chèo, chở bò mua được trong vùng xuống bán tận dưới Trà Vinh, vì bò ở dưới mua rất được giá, có lời nhiều. Khi quay ghe về thì ông mua lá lợp nhà để bỏ mối cho các vựa ở miệt Vàm Cống, Định Yên…Trên đường đi buôn, ông Hai Khá (Nguyễn Văn Khá ) thấy ở hai bên đường có rất nhiều cây Mù U, hỏi mua thử thì dân ở đây bán rất rẻ, ông bèn nảy sinh ý nghĩ kinh doanh mới, cây mù u nhỏ thì bán làm cột, làm kèo, còn cây lớn thì cưa làm thớt bán có giá hơn.Khi về cưa ra làm thớt xong, chở thớt xuống các chợ Vàm Tấn ( Sóc Trăng ), chợ Phụng Hiệp ( Cần Thơ ) chào hàng thì thớt Mù U bán rất đắt và lại được giá. Thế là nghề làm thớt được ra đời tại xã Định An vào khỏang năm 1948. Từ đó, Trong mỗi chuyến đi buôn bò, khi quay ghe về ông mua Mù U, Me Nước để làm thớt. Nhu cầu sử dụng thớt ngày một đòi hỏi cung cấp nhiều hơn, nên ông phải thuê người làm cùng với các con cháu trong gia đình và phát triển nghề làm thớt. Sau đó nhiều người trong xóm học nghề ông, đi mua cây về làm thớt xong bỏ mối cho các bạn hàng đi bán khắp các chợ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lâu dần Xóm Thớt được hình thành .Như thế làng nghề Làm Thớt ở xã Định An đã phát triển hơn 60 năm và có gia đình đã truyền được 3 đời (Ông Hai Khá,Cô Hai Thành- Con Ông Hai Khá- Chị Thái, anh Hải –Cháu ngọai Ông Hai Khá-)
Tiếp xúc với Anh Tư Lê Văn Đông (72 tuổi ). Anh cho biết: Làng nghề xóm thớt có từ rất lâu, trên 60 năm từ lúc anh được 9 hay10 tuổi gì đó. Gia đình đầu tiên làm nghề thớt là ông Nguyễn Văn Khá. Sau đó truyền lại cho bà con trong xóm. Vì nghề làm thớt cũng đơn giản, dễ làm nên bà con trong xóm học nghề rất mau, và nghề được phát triển nhanh . Hiện nay có khỏang 30 gia đình theo nghề làm thớt. Trước đây mỗi ngày một gia đình chỉ có thể làm được 10 đến 15 tấm . Từ khi ứng dụng các phương tiện cơ giới như máy cưa dùng để xẻ cây, máy cắt, máy lọng, bào điện.. . Thì một gia đình nếu có đủ nguyên liệu thì có thể cung cấp được trên 200 thớt một ngày. Anh cũng cho biết trước đây khi cây rừng còn nhiều thì làm thớt bằng những lọai cây có chất lượng cao như : Mù U, Me Chua, Me Nước….Nay thì đôi khi cũng mua được các lọai cây chất lượng kể trên , còn thường thì mua các lọai cây như Me Nước, Me Chua, Xà Cừ, Còng ( Me Tây ),Xòai…Theo Anh cho biết để làm ra một chiếc thớt thành phẩm, thì tngười thợ phải thực hiện nhiều công đọan của làng nghề. Nếu trước đây làm nghề bằng phương pháp thủ công thì gồm các công đọan như : Mua cây về, phân đọan, cắt thớt, lấy mực, ra vóc, đẻo, gọt láng và bào mặt…Nay thì nhờ máy móc thực hiện tiếp ở một số khâu như :Mua cây về, dùng máy cắt phân đọan, cắt thớt, quây mực, lọng tròn, gọt láng và bào điện, Công đọan gọt láng luôn phải dùng tay vì người thợ phải xử lý tấm thớt theo nhu cầu thi trường…nên không thể dùng máy móc thay thế được.
Hiện nay, có nhiều gia đình tiêu biểu trong nghề làm thớt như : Cô Hai Thành (Con ông Hai Khá ), ông Nguyễn Văn Mạnh, Ông Lê Văn Đông, Anh Ba Quang ….
Về giá cả thì Anh Tư Đông nói : “ Giá cả của tmỗi tấm thớt thì khó nói được, vì tùy theo thời điểm, chủng lọai cây làm thớt, độ dầy, độ lớn của tấm thớt….mà giả cả mỗi tấm thớt sẽ khác nhau” .Và một lý do tế nhị khác mà anh ngập ngừng không muốn nói.
Trước khi chúng tôi ra về Anh có tâm sự thêm : Theo anh và đa số những người dân trong làng nghề đều mong muốn có sự hỗ trợ vốn của nhà nước.Vì hiện nay bà con trong làng nghề rất cần vốn để phát triển. Có vốn thì mua cây nguyên liệu về dự trữ sẵn ; như thế sẽ luôn luôn có cây để làm thớt. Số tiền cần nhà nước cho vay , theo anh thì khỏang từ 5 triệu đến 10 triệu đồng một hộ.
Một nguyện vọng khác của đa số bà con trong làng nghề. Cũng theo anh cho biết, là họ muốn có một ngày Giỗ Tổ trong làng nghề, để người dân trong xóm thớt tỏ lòng tri ân và tưởng nhớ đến người đã gầy dựng nên làng nghề cũng như đã đem lại đời sống ấm no cho gia đình họ. Theo tôi được biết thì cũng có nhiều người đề xuất, chọn ngày giỗ của Ông Nguyễn Văn Khá - “ông Tổ làng nghề Làm Thớt ở Xóm Thớt xã Định An” để làm ngày Giỗ Tổ của làng nghề. Ông Nguyễn Văn Khá mất ngày 28/08Âl năm Quý Mẹo 1963. và mọi người đều muốn chọn ngày 28 /8 âl hằng năm làm ngày Giỗ Tổ của làng nghề, và lần Giỗ Tổ đầu tiên bà con muốn nhờ chính quyền địa phương đứng ra tổ chức dùm để ngày giổ được trang nghiêm và long trọng.
Xóm Thớt – quê hương tôi đó, với làng nghề truyền thống đã đóng góp cho quê hương một nét văn hóa đặc sắc của miền quê Nam Bộ. Một địa chỉ mà bạn có thể đến để tham quan về một nghề truyền thống và khi về với những món quà nhỏ dễ thương, chất lượng và cần thiết trong cuộc sống gia đình. Hãy đến Định An bạn nhé, quê hương tôi luôn luôn chào mừng bạn đến viếng thăm.

LÊ PHÙNG XUÂN

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
[-] caubaxuan được 2 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (02-12-2012 04:40 AM), Hoang Oanh (20-03-2013 03:56 PM)
 


Các bài viết trong chủ đề này
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG VÀ NHỮNG ĐỊA DANH - caubaxuan - 21-10-2011 09:18 AM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS