Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
VU LAN ?
27-07-2014, 10:09 AM
Bài viết: #3
RE: VU LAN ?
TÌNH CHA

Trong thơ văn Việt Nam, tục ngữ, ca dao dân gian nói về mẹ rất nhiều nhưng nói về cha thì rất ít. Nhưng hai thứ tình này, thiệt không biết cái tình nào lớn hơn cái tình nào bởi vì không có cha thì không có mình, ngược lại không có mẹ thì mình cũng đâu có mặt trên cõi đời này. Cho nên “Tình cha núi cả” là một đề tài quá hay dù nó là đề tài muôn thuở của con người.

Cả nghĩa là gì? Ngôn ngữ Việt Nam có từ “cả” trong cụm từ ‘’cả gan’’ nghĩa là gan lớn. Ví dụ : Sao anh “cả gan” bơi qua sông Sài gòn, không sợ chết đuối sao? Cả còn có nghĩa là lớn về thứ bậc trong gia đình. Ví dụ con lớn nhất gọi là con cả; anh lớn nhất trong nhà gọi là anh cả ; vợ thứ nhất gọi là vợ cả, bà cả; núi lớn còn gọi là núi cả, bóng cây cao còn gọi là bóng cả v.v… Theo truyền thống Phật giáo Nam tông, sư trụ trì trong chùa còn được gọi là Sư Cả. Vậy từ ‘’ cả ’’ ngoài ý nghĩa là lớn còn hàm chứa sự kính trọng.

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Nếu so núi Thái Sơn với núi Xan - xi -phang Việt Nam thì núi Xan- xi - phang cao hơn núi Thái Sơn. Câu ca dao ví công cha “Cao như núi Thái Sơn” , phận làm con trí thấp nên không hiểu hết công ơn to lớn của tình cha. Tình cha sâu lắng vì bên chữ tình còn có chữ nghiêm. Đứa con nào có chiều sâu tâm hồn may ra mới hiều được tình cha. Còn đứa nào chú trọng hình thức, tâm hồn hời hợt thì có lẽ không thấy được tình cha vốn sâu lắng, không biểu lộ vồn vả bên ngoài cho dù đối với con cái. Mẹ thường biểu lộ tình cảm đối với con qua những cử chỉ thương yêu, chăm sóc nên đứa con dễ mủi lòng, dễ gần với mẹ hơn. Còn cha dẫu có thương con nhưng do sự nghiêm khắc nên đôi khi con cái vừa thương vừa sợ.

Tục ngữ có câu: “ Con có cha như nhà có nóc / Con không cha như nòng nọc đứt đuôi” .
Một gia đình mà không có cha chẳng khác nào ngôi nhà không có nóc. Nóc là phần quan trọng không thể thiếu cho căn nhà che nắng, che mưa . Cũng như vị trí của người cha trong gia đình rất trọng yếu, nòng cốt, cần thiết trong đời sống, trong giáo dục con cái .

Ông bà xưa cũng ví von rất hay: “ Còn cha gót đỏ như son/ Mai sau cha chết gót con đen xì”. Còn cha là còn được yêu thương, che chở, nuôi nấng. Mất cha là mất chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất, cho nên nhiều đứa con phải tự bươn chải kiếm sống như đạp xích lô, làm phu khuân vác, đánh giày, làm phụ hồ, làm ruộng, bán hủ tiếu gỏ ….cực như vậy, đi nhiều như vậy thì ‘’gót đỏ như son’’ không bao lâu sau cũng biến thành ‘’gót đen xì’’ thôi .

Hoặc : “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha’’. Cuộc sống của người cha khó khăn, vất vả, làm bất cứ nghề gì miễn chân chánh có tiền nuôi con. Xưa kia gánh nặng gia đình luôn do người cha gánh vác. Người mẹ ở nhà đảm đương công việc chăm sóc con cái. Người cha lo việc bên ngoài kiếm tiền để nuôi vợ con.

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín ơn cha’’. Hình tượng ‘’nước biển’’ thể hiện cái không thể đong đếm, không có giới hạn của tình thương mẹ dành cho con không bao giờ vơi cạn.’’ Mây trời’’ biểu hiện tình thương của cha. Mây thì ở trên cao, hai chữ ‘’lồng lộng’’ cho thấy sự rộng lớn, vô lượng, không cùng tận … Cho nên nếu lấy cái tâm, cái trí nhỏ hẹp, thấp kém để ‘’ nhìn’’, để ‘’ biết’’, để ‘’ hiểu’’ về tình cha e rằng không bao giờ cảm nhận được .

“Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con” . Câu ca dao nói lên tính nhân quả trong triết lý nhà Phật. Nếu cha mẹ tánh nết hiền lành thì con cái cũng hiền lành y hệt như vậy. Những nhà giáo dục, những bậc cha mẹ phải biết gieo cho con những chủng tử tốt, những cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, hành vi, thái độ của cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Cho nên cha mẹ luôn phải là gương tốt cho con.

Những người cha đúng nghĩa với lăng kính nhà Phật thì có những bổn phận:

KHÔNG dạy con còn điều ác, DẠY con làm điều lành.
Từ những lời nói, cử chỉ lịch sự, lễ phép… dạy cho con làm những việc làm thiện lành. Có những người cha dẫn con đi chùa dạy cho con biết cúng dường bằng cách để tịnh tài vô bao thơ và dạy con đến dâng chư tăng, đó là dạy con làm việc lành ngay từ thuở ấu thơ. Người mẹ mua khoai và dạy con cúng dường vào bát cho chư tăng khi đi khất thực . Đó cũng là những cử chỉ tốt giáo dục cho con sau này có tâm rộng lượng. Đức Phật từng dạy cha là bậc tiên sư ban đầu.

CHIA của cải cho con đồng đều :
Trong thực tế nhiều gia đình bất hoà với nhau cũng vì chia của không đồng đều nhau. Thường thì cha mẹ thương đứa con nào thì chia gia tài cho đứa con đó nhiều hơn những đứa khác. Thương con út vì nó hay nịnh mẹ, gần mẹ, biết giúp đỡ mẹ nên chia gia tài cho nó nhiều hơn anh chị em của nó. Như thế là đã gây ra sự bất hoà trong anh em một nhà rồi. Phật dạy người cha phải chia của cải cho con đồng đều, phải chia công khai, không được âm thầm chia của, phải thể hiện ‘’ núi cả’’ để con tâm phục khẩu phục. Nhiều khi của cho không bằng cách cho.

DỰNGvợ gả chồng cho con hợp thời hợp lúc.
Cha mẹ sanh con, nuôi con khôn lớn, giáo dục con cái nên người rồi phải dựng vợ gả chồng hợp thuần phong mỹ tục.

Lời Phật dạy hơn 2.500 năm, chúng ta thấy vẫn không hề lỗi thời. Những người cha nào áp dụng được lời Phật dạy như trên sẽ là người cha tương đối hoàn hảo.

CÓ TÂM từ, bi, hỷ, xả với con

Từ : Thiện lành, hiền từ đối với con.
Bi: Thương xót, thương cảm khi con làm điều lỗi.
Hỷ: Vui thích khi con thành công.
Xả: Tha thứ khi con lầm lỗi.

Có những bậc cha mẹ chỉ biết đánh chửi con, nghiêm khắc thái quá, không thể hiện sự thương yêu, hiền hoà đối với con. Phật dạy: bóng cả phải che mát cho đời con. Đó là chất liệu tưới tẩm cho cuộc đời những đứa con thơ của mình.

Cha phải có tâm từ bi hỷ xả. Ví dụ: Con thi rớt đại học. Cha có chửi mắng, la rầy thì con cũng đã thi rớt rồi, làm vậy con mình tủi nhục với gia đình, bạn bè, thầy cô. Trong nhà đứa con lúc ấy rất cần sự bao dung của cha - núi cả, chớ nếu như cha- núi cả còn nổi trận lôi đình chửi mắng đuổi ra khỏi nhà thì e con đi bụi luôn. Đó là hậu quả của cách giáo dục nặng nề của gia đình. Tuy nhiên ai cũng biết do cha mẹ đầu tư cho con nhiều quá, con thi hỏng thì cũng một phần nào làm cho cha mẹ thất vọng, những dự định, kế hoạch cho tương lai con cái xem như đổ sông đổ biển. Cho nên làm cha mẹ phải biết khôn ngon dừng lại đúng mức, đừng gây áp lực cho con cái về việc học, vì con khổ thì cha mẹ cũng khổ.

Bậc làm cha cũng nên biết dạy cho con thấy biết sự vô giá của một đời người, được sanh ra làm người như thế nào. Sanh làm người có dễ đâu, được làm người khó sống lâu. Tương tự, muôn vạn, muôn ức lần khó khăn hơn con ve sầu nằm trong đất 17 năm mới thành con ve, bay đi tự do ca hát trong suốt 15 ngày ngắn ngủi. Quà thật cái ‘’khó’’ của con ve kia, chẳng thấm vào đâu so với cái “khó” được làm người.
Kinh Phật nói: “Một khi mất thân người, nếu không tu trăm muôn ngàn ức kiếp khó có lại được. Vì sao? Bởi khi mất thân người, “người ấy” đã tái sanh làm súc sanh, côn trùng, sâu bọ…hoặc đoạ sâu nơi địa ngục hắc ám vô vàn thống khổ, hoặc đã tái sanh vào cõi đói khát đau đớn, thù hận, kêu gào, khóc than không dứt của cõi ngạ quỹ, a tu la . Trăm muôn ngàn ức kiếp khó ra khỏi 4 con đường ác đạo ấy. Cho nên chỉ những chúng sanh có phước đức sâu dày, thiện căn đầy đủ mới đủ quả phước sanh ra làm người. Do vậy chỉ được sanh làm người …là đủ cho ta vui mừng, hoan hỷ chẳng có chi sánh bằng. Vì ta vừa mới vượt qua được cái khó khăn muôn phần… Được làm người rồi lại có được ngũ căn : tai, mắt, mũi , miệng, thân thể đầy đủ tứ chi là việc vui mừng lớn thứ hai . Nghĩ đến điều này thôi cũng đủ cho ta ‘mãn nguyện’’ lắm rồi.

Biết dạy con như thế để con cái chẳng việc thiện nhỏ nào không làm, chẳng việc ác nhỏ nào chẳng lánh xa, dứt bỏ, biết sanh lòng hoan hỷ, vui mừng, luôn đem nụ cười, hạnh phúc đến cho mọi người, mọi loài chung quanh mỗi khi ta có thể.

GƯƠNG CHA

Gương cha tốt có rất nhiều.Trong Phật giáo, Đức Phật Thích Ca lúc chưa thành Phật có một người con là La hầu La. Phật Thành đạo 7 năm sau, Ngài trở về lại hoàng cung thì người con này cũng xuất gia. Phật bèn giao La Hầu La cho ngài Xá Lợi Phất nuôi dưỡng, giáo dục. Kinh Trung bộ có ghi chép lại bài kinh Phật giáo dục La Hầu La. Qua bài kinh giáo giới La Hầu La, chúng ta thấy được tình thương bao la của Phật đối với con mình mặc dù cương vị của Ngài là một vị Phật tổ.

Trong thực tế, những người thành đạt là những người có hiếu với cha mẹ. Người nào không có hiếu với mẹ cha thì khó thành công trong cuộc sống, tu không thành đạo quả. Con đường luân hồi dài vô tận. Người có hiếu với mẹ cha thì quả báu đem lại giàu sang, uy quyền. Khi mất sẽ sanh vào nhàn cảnh. Những người có quyền chức, thành công trong xã hội, trước hết họ phải là những người con có hiếu . Vào nhà một ai đó, ta nhìn bàn thờ tổ tiên có thể thấy con cháu của dòng họ gởi gắm tất cả lòng thành kính đối với ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ. Tưởng nhớ ơn đức của cha mẹ sanh thành, ta mới có được thân người lành lặn ngày nay, có phước đức, có trí huệ, càng cố gắng làm chút gì có thể được, gọi là đền đáp ơn sanh thành của cha mẹ.
Làm cho cha mẹ vui lòng ấy là việc thiện lớn.
THANK YOU
[-] dieuquang được 2 thành viên cám ơn cho post này:
langtrang (27-07-2014 03:45 PM), MyHang (28-07-2014 12:47 PM)
 


Các bài viết trong chủ đề này
VU LAN ? - dieuquang - 27-07-2014, 03:24 AM
RE: VU LAN ? - dieuquang - 27-07-2014, 03:38 AM
RE: VU LAN ? - dieuquang - 27-07-2014 10:09 AM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS