Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
CON MẮT CÒN LẠI
18-10-2015, 08:40 PM
Bài viết: #5
RE: CON MẮT CÒN LẠI
TRÍCH TỪ BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ HẠNH CHI

Cái hình ảnh bị cho là một ông già điên, lang thang đầu đường xó chợ trước tháng 4/75, ngửa cổ ngâm thơ, vung tay ca hát, không xa lạ gì với đám trẻ trong làng, ngoài phố. Nhưng với người lớn, nhất là những người trong giới văn học nghệ thuật thì Bùi Giáng có điên không?
Ngót bốn mươi năm, quá nhiều giấy mực viết về người điên tài hoa này rồi, và hình như càng viết lại càng thấy mình mới thật điên trong cái tỉnh, vì có vận dụng bao nhiêu cái tỉnh cũng chẳng hiểu phần nào cái điên trung niên thi sĩ này!

Người điên, cái bóng cũng điên
Người khùng, cái mộng oan khiên cũng khùng


“Ngó chân, ngón thiếu ngón thừa
Còn bao nhiêu bước, duỗi vừa cuộc chơi?

Đúng là cụ Bùi Giáng mới thả được chữ “duỗi” tuyệt hảo vào cái khí phách phiêu bồng thế này.

“Tôi cười, tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc, có ngờ chi không?


Không ngờ chi cả! Đứng trước gương, hình hài vật lý sẽ hiện trung thực 100%, nhưng chỉ là bóng của hình “Người điên, cái bóng cũng điên” Bùi Giáng đứng trước gương, thấy một ông già râu tóc bù xù, áo quần tơi tả thì đó là cái bóng của người điên! Phàm những gì không theo ước lệ người đời đặt ra thì bị cho là điên? A ha!

Nhưng những gì bên trong cái bóng, không hiện ra trong gương là chi? Ai thấy được cái đó? Ai thấy được những oan trái, nhân quả, luân hồi, vay trả? Ai thấy được người này có thể là cha, người kia có thể là mẹ từ vô lượng kiếp nào?
Nếu nhìn hình hài người điên Bùi Giáng qua gương thì thấy “cái bóng cũng điên” nhưng nhìn tâm Bùi Giáng “Người khùng, cái mộng oan khiên cũng khùng”, lại chẳng thấy điên khùng chút nào! Điên khùng mà biết tới oan khiên ư? Thử hỏi bao người tỉnh, e rằng họ đang lao vào “mộng-oan-khiên” mà cứ tưởng “thực-hạnh-phúc”

Một người làm thơ dễ và nhanh, như thò tay lấy chữ trong túi ra, đã tự phác họa mình:
“Điên cuồng mà tưởng nên thơ
Cuồng điên mà tưởng làm thơ như thần!”


Điều này, chắc cư sỹ Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm năm xưa biết rõ hơn ai hết. Ông rất trân quý Bùi Giáng, nên gặp đâu là nói:
- Có gì mới, đưa tôi in đi!
Vừa nói buổi sáng, buổi chiều đã thấy nhà thơ lững thững ghé quán sách, móc trong bị ra một xấp dầy, ném huỵch xuống bàn. Thanh Tuệ sửng sốt:
- Viết hồi nào thế?
- Thì viết lúc ông bảo viết đó. Muốn nữa không?
Ông Thanh Tuệ chia sẻ với thân hữu là đã từng không in kịp thơ Bùi Giáng, vì cứ hỏi thì thơ tuôn ra ngay!

Mà có phải chỉ là thơ đâu! Viết và nói về những triết gia lừng danh Âu, Á, từ Nietzsche, Heidegger, Sartre, Camus đến Khổng Tử, Lão Tử, đối với Bùi Giáng cũng chỉ đơn giản như đang giỡn thôi; nhưng giới văn học nghệ thuật cùng thời và cả hàng hậu bối, khi lần giở những trang tiểu luận đại luận này, đều kinh hồn bạt vía vì những nhận định sắc bén và cực kỳ mới mẻ.

Tài hoa như thế mà cứ bị gán là ông già điên, nên mới có những câu ỡm ờ cho vui vẻ cả làng:
“Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa
Gọi tên? Là một, hai, ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm”


Ai người tỉnh, xin giải dùm mấy câu trên, xem có thấy rưng rưng trước tấm lòng của một người sanh lầm thế kỷ hay không. Rồi lời này mới thấm thía hơn nữa:
“Rong chơi râu tóc bạc phơ
Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người”


Ngàn trang giấy tỏ bày nhân bản cũng chỉ đến thế mà thôi. Tình yêu đời, yêu người, xót xa cùng cực, đồng thời cũng cô đơn cùng cực khi đã biết chẳng tìm đâu tri kỷ:
“Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không?
Ta đi, còn gởi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù!


Giữa những ngày tháng ly tan, người người hoảng loạn chạy xa đất mẹ, là những vết đau cắt da xẻ thịt trong cơn ác mộng, thấy mình lạc lõng ngay giữa quê nhà. Người điên nào trong cơn đau ấy mà khóc lên được bằng nước mắt của cả biển đông, chỉ qua hai câu thơ tê tái này không:
“Hỗn mang về giữa hiên nhà
Bây giờ cố quận tên là Chiêm Bao!


Chắc hẳn, trong cô đơn cùng cực, cũng có lần thi nhân chắp tay hướng về một giáo pháp đã hứa khả rằng, mỗi chúng sanh đều có một viên minh châu như nhau. Ánh sáng viên minh châu trong Người-Điên từng rực rỡ tuyệt vời Bát Nhã thế này:
“Uống xong ly rượu cuối cùng
Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên
Uống như uống nước ngọc tuyền
Từ đầu tiên mộng, tới phiền muộn sau”


Thế kỷ này, tìm đâu thêm một người điên cực kỳ thơ mộng như tiên sinh Bùi Giáng!
Thế nên đành:
Thưa em, rượu uống bây giờ
Là thiên cổ lụy còn trơ bên mình!”


Hạnh Chi [Tưởng niệm Thi Sỹ Bùi Giáng (17/12/1926 – 7/10/1998)]
THANK YOU
 


Các bài viết trong chủ đề này
CON MẮT CÒN LẠI - dieuquang - 17-10-2015, 03:25 PM
RE: CON MẮT CÒN LẠI - dieuquang - 17-10-2015, 05:01 PM
RE: CON MẮT CÒN LẠI - dieuquang - 17-10-2015, 09:49 PM
RE: CON MẮT CÒN LẠI - dieuquang - 18-10-2015, 03:38 PM
RE: CON MẮT CÒN LẠI - dieuquang - 18-10-2015 08:40 PM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS