Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
LỘC...CHÙA ?
17-08-2016, 08:22 PM
Bài viết: #3
RE: LỘC...CHÙA ?
Những năm gần đây, các cuộc hành hương về lễ hội tín ngưỡng là vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Những nguy cơ tai nạn, thảm họa đám đông luôn thường trực mỗi độ Xuân về.

Ở đây, chỉ xem xét cách thức hành hương cùng niềm tin tín ngưỡng trong các lễ hội đó đã thấy trình độ tín ngưỡng người Việt thời nay như thế nào. Ví như vụ Khai ấn đền Trần Nam Định, vốn là một sinh hoạt xưa của những thanh đồng phủ thủy. Đầu Xuân, họ thường đến xin lá ấn ở đền thờ Đức Thánh Trần, những mong thánh phù hộ cho công việc bắt ma trừ tà của giới nghề. Cần thấy rằng, chiếc ấn gỗ đó cũng là hàng mới thửa, không có ý nghĩa như một bảo vật lịch sử.

Thế nhưng dần dà về sau, theo đường thì thầm rỉ tai lan truyền, chuyện "thiêng hóa" chiếc ấn với sức mạnh "phù danh", "ban tài phát lộc" đã nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Đến nỗi nhiều quan chức Nhà nước năm nào cũng đua nhau đánh xe công kéo về đền Trần xin ấn. Gần đây, một vị cựu quan chức cấp cao của bộ VHTT&DL cũng từng công khai thú nhận với báo chí rằng trong 10 năm đương chức, ông ta đều lấy ấn đền Trần, do người thân tặng hoặc tự tay xin ấn. Vị này cũng tiết lộ thêm rằng không chỉ ông ta mà nhiều quan chức khác cũng đi xin ấn như mình.

Nhiều năm nay ở Hà Nội, có ngôi chùa đã công khai đọc vào loa phát thanh tên các vị lãnh đạo cấp cao đăng ký dâng sao giải hạn mà không còn e ngại. Và giờ đây, nếu có nghe chuyện vị lãnh đạo nọ kia chăm đi lễ bái, cầu cúng... hay thậm chí có làm lễ trình đồng mở phủ hầu bóng thì cũng không lấy gì làm lạ.

Thời mở cửa tự do tín ngưỡng, sao bắt bẻ được người ta?! Thế nhưng vấn đề ở đây là câu chuyện "quan trí" đầu têu cho "dân trí". Dễ thấy người dân sẽ hồn nhiên suy đoán, rằng các quan nhờ chăm lễ bái, cúng tế nhiều tiền, đốt nhiều vàng mã nên mới có chức tước, danh vị, bổng lộc, mình làm theo không được nhiều thì cũng được ít lộc vãi vương, cũng tốt!

Bởi thế, mới nảy sinh hiện tượng đồn đại rằng cứ đền chùa nào có nhiều quan to đến lễ bái là dân a dua hành hương ăn theo, khiến cho vấn nạn thảm họa đám đông ngày càng trở nên khó kiểm soát. Chưa biết rồi đây hướng xử lý ra sao, nhưng qua sự kiện đó, sẽ thấy được tầm "quan trí" đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới "dân trí" trong tín ngưỡng như thế nào.

Thời nay, cứ mỗi mùa lễ hội, nguy cơ thảm họa đám đông với đủ mọi điều bất cập về an ninh trật tự ở các cơ sở hành lễ tín ngưỡng luôn được phản ánh nhan nhản trên khắp các mặt báo.

"Trần sao âm vậy"

Trong sự sống dậy của các tín ngưỡng cổ xưa, vụ việc lùm xùm xoay quanh chuyện "cụ rùa" Hồ Gươm cũng là một biểu hiện sống động về sự hồi sinh của quan niệm vạn vật hữu linh thời nguyên thủy.

Trên thực tế, "cụ rùa" vốn chỉ là một giống ba ba khổng lồ ăn thịt, dân gian gọi là con giải. Thế nhưng với niềm tin tâm linh đồn đại, con vật đã dần dà được thiêng hóa thành con "rùa vàng" truyền thuyết gắn với tích trả gươm thần của Lê Lợi từ thế kỷ 15. Bất chấp sự phi lý lịch sử như thế nào, bất chấp những bằng chứng khoa học rằng đó không phải là rùa và không chỉ có 1 con duy nhất, những người có tín ngưỡng vẫn khăng khăng bảo lưu ý kiến của mình, tạo nên những cuộc tranh cãi nảy lửa trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Điển hình như vị GS nọ đã phản ứng gay gắt với phóng viên khi dám gọi đó là... "con rùa". Với ông, phải gọi là "cụ rùa" thì mới chịu trả lời phỏng vấn!

Thậm chí có những người cuồng tín còn khóc rưng rức, hay nhảy xuống hồ rắp tâm hầu hạ "cụ rùa"... Rồi khi lực lượng chuyên trách tổ chức vây bắt để chữa bệnh cho con giải, người ta còn mời cả thầy cúng xem giờ, xuống thuyền sắm sanh lễ bái trước khi tiến hành như thể con giải đó là rùa thần thứ thiệt... Thôi thì đủ mọi chuyện dở khóc dở cười với cái ý thức tâm linh hồn nhiên, vốn xưa cũ từ thời nguyên thủy.

Có gia đình, với niềm tin kiểu "thần cây đa, ma cây gạo", sức khỏe và sinh mạng của những người thân được gán cho một cái cây mọc trong vườn nhà. Họ tin rằng hễ cây ấy héo là người thân lâm bệnh, còn nếu không săn sóc tốt nhỡ để cây chết khô thì người nhà họ cũng toi mạng.

Thời nay, chuyện đám đông thắp hương khấn khứa một cái cây góc phố, một hòn đá ven đường vẫn tồn tại đây đó. Sẽ không thấy lạ cái chuyện người người chen nhau lễ bái xì xụp, nhưng hỏi địa điểm đó thờ gì, sự tích ra sao, phần lớn không ai hiểu. Cứ thấy bảo thiêng lắm thì đi lễ thôi, còn những chi tiết cụ thể không thành vấn đề và cũng chẳng cần minh xác. Thế mới biết tâm lý "bán tín bán nghi" trong truyền thống tâm linh người Việt có sức mạnh như thế nào, thôi thì "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", cho chắc ăn!

Có lẽ vì thế, hành vi trục lợi bất chấp sự vi phạm giáo lý Phật pháp như việc đốt vàng mã, hình nhân, rải tiền bừa bãi, nhét tiền vào tượng Phật... nơi cửa thiền là điều không có gì lạ. Sự vụ lợi của con người thường là vậy, họ sẵn sàng coi Phật thánh... không khác gì những quan tham trần thế kiểu "trần sao âm vậy", cứ đắm đuối tin rằng càng cúng nhiều, thánh thần sẽ càng ban nhiều tài lộc...

Niềm tin của người Việt "hồn nhiên" lắm, từ ngàn xưa đã vậy!
THANK YOU
 


Các bài viết trong chủ đề này
LỘC...CHÙA ? - dieuquang - 17-08-2016, 08:15 PM
RE: LỘC...CHÙA ? - dieuquang - 17-08-2016, 08:19 PM
RE: LỘC...CHÙA ? - dieuquang - 17-08-2016 08:22 PM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS