Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
CÂY MAI VÀNG VN
30-01-2018, 08:55 PM
Bài viết: #3
RE: CÂY MAI VÀNG VN
IV/ Hoa Mai Trong Văn Chương Việt cổ:

Có lẽ mai nở sớm nhất trong thơ ca Việt Nam lại là đoá hoa mai nở muộn, là cành mai cuối mùa xuân của đại sư Mãn Giác (1052 – 1096) thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông. Nguyên văn được chép trong Thiền uyển tập anh:
春去百花落,
春到百花開。
事逐眼前過,
老從頭上來。
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅。
Phiên âm:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Ngô Tất Tố dịch:
Xuân trôi, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một nhành mai.

Lê Mạnh Thát dịch:
Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa cười.
Việc đời qua trước mắt,
Già đến trên đầu rồi!
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mai.

Hoàng Xuân Hãn dịch:
Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân lại, nở trăm hoa.
Trước mắt, sự đời thoảng,
Trên đầu hiện tuổi già.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mơ
Cái nhìn của bậc đạt đạo về việc hoa nở, hoa tàn không như cái nhìn của thế nhân, cái nhìn ấy vượt ra ngoài sự còn mất, trói buộc, có không.

Bài thơ Tảo Mai của Phật hoàng Trần nhân Tông

早 梅 其 一
五出圓芭金撚鬚,
珊瑚沉影海鱗浮。
箇三冬白枝前面,
些一辨香春上頭。
甘露流芳癡蝶醒,
夜光如水渴禽愁。
姮娥若識花佳處,
桂冷蟾寒只麼休。

TẢO MAI KỲ NHẤT
Ngũ xuất viên ba kim niễn tu,
San hô trầm ảnh hải lân phù.
Cá tam đông bạch chi tiền diện,
Tá nhất biện hương xuân thượng đầu.
Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh,
Dạ quang như thủy khát cầm sầu.
Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ
Quế lãnh thiềm hàn chỉ ma hưu!

Dịch Nghĩa:

MAI SỚM LẦN MỘT

Năm cánh hoa tròn thơm, nhụy hoa điểm sắc vàng,
[Như] bóng san hô chìm, [như] vảy cá biển nổi.
Cành hoa trắng xóa suốt ba tháng đông,
Sang đầu xuân, chỉ còn loáng thoáng một vài cánh thơm nhẹ.
Sương ngọt chảy mùi thơm, làm con bướm tỉnh giấc say đắm,
Ánh sáng ban đêm như nước, khiến con chim khát nước buồn bã.
Nếu Hằng Nga biết được dáng vẻ xinh đẹp của hoa mai,
Thì chẳng ưa gì cây quế với cung thiềm lạnh lẽo.

Phỏng Dịch Thơ Việt:
MAI SỚM LẦN MỘT
Tròn xoe năm cánh, nhụy vàng phơi
Chìm bóng san hô, vảy cá trồi
Đông ba tháng lạnh cành im trắng
Xuân một ngày hanh nhánh ấm ngời
Sương ngọt nức hương lay bướm dậy
Đêm ngời ánh nước khiến chim sầu
Hằng Nga nếu biết hoa mai đẹp
Bóng quế cung thiềm sẽ chán thôi.

早 梅 其 二
五日驚寒懶出門,
東風先已到孤根。
影橫水面冰初泮,
花壓枝頭暖未分。
翠羽歌沉山店月,
畫龍吹濕玉關雲。
一枝迷入故人夢,
覺後不堪持贈君。

TẢO MAI KỲ NHỊ
Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn,
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn [căn].
Ảnh hoành thủy diện băng sơ bạn,
Hoa áp chi đầu noãn vị phân.
Thúy vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,
Họa long xuy thấp Ngọc Quan vân.
Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trì tặng quân.

Dịch Nghĩa:
MAI SỚM LẦN HAI
Năm ngày sợ rét, lười ra khỏi cửa,
Mà gió xuân đã sớm đến với gốc cây cô đơn.
Bóng ngả trên mặt nước, băng giá bắt đầu tan,
Cành hoa trĩu xuống đầu cành, hơi ấm chưa phân định rõ.
Giọng ca chim Thuý vũ lắng chìm [theo] ánh trăng ở quán trọ trong núi.
Tiếng sáo Hoạ long ẩm ướt đám mây Ngọc Quan.
Một cành hoa lạc vào giấc mộng người xưa,
Sau khi tỉnh giấc, không thể đem tặng bạn được.

Phỏng Dịch Thơ Việt:
MAI SỚM LẦN HAI
Năm ngày trốn lạnh, biếng rời nhà
Gió xuân vừa ghé gốc cây già
Mặt nước bóng chao, băng sớm rã
Cành hoa cánh trĩu, ấm chưa ra
Thúy Vũ chim vờn, trăng núi ẩn
Họa Long sáo ướt, Ngọc Quan nhòa
Cành hoa lạc mộng người xưa khuất
Tỉnh giấc làm sao tặng bạn xa!

Phật hoàngTrần Nhân Tông tả vẻ đẹp tự nhiên của những cánh hoa mỏng mảnh, một vẻ đẹp tinh khiết mà hấp dẫn: cánh trắng điểm nhị vàng, óng ánh . Khi nở rộ tỏa hương thơm dịu ngọt, khi hết còn lại vài búp thì e ấp đầu cành… Những bông hoa mai ấy rất thực nhưng dường như lại ảo. Những đóa hoa mai của Đầu Đà Hoàng Giác Điều Ngự gần gũi nhưng xa vời biết bao! Hương thơm của hoa làm chú bướm si mê phải giật mình tỉnh giấc; sắc hoa hòa ánh trăng loang loáng như nước làm cho con chim đang khát cháy cổ thêm buồn rầu; cành mai tươi đẹp rơi vào giấc mộng cố nhân khiến cho người tỉnh giấc càng bâng khuâng vì hoa chỉ là hoa trong mộng!
Bởi lẽ ở đây “cái sắc” và “cái không” quyện vào nhau bao nhiêu thì cái ham muốn và cái được nhận, cái thực và cái mộng lại cách xa nhau bấy nhiêu. Dường như bài thơ là một lời chỉ dẫn cho đệ tử “cái vô thường” của vạn vật để từ đó biết hạn chế những dục vọng trong cuộc đời! Nhưng bằng những cảm xúc thế tục, không thể phủ nhận giá trị thẩm mỹ của những vần thơ về những cành mai sớm ấy.

Một thiền sư pháp hiệu Huyền Quang (1254 – 1334), là vị tổ thứ ba của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, từng tôn mai lên ngôi vị “ngự sử đài” – chức quan giữ trọng trách giám sát và can gián vua chúa:
Ngự sử mai hai hàng chầu rập
Trượng phu tùng mấy chạnh phò quanh.
Ngự sử mai, trượng phu tùng, quân tử trúc hợp thành “tam ích hữu” – ba người bạn có ích. Khái niệm này xuất phát từ thiên thứ 16 Quý thị trong sách Luận ngữ:
益者三友,損者三友:友直,友諒,友多聞,益矣;友便辟,友善柔,友便佞,損矣。
Phiên âm:
Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn, ích hỹ; hữu tiện tịch, hữu thiện nhu, hữu biền nịnh, tổn hỹ.
Nghĩa:
Có 3 bạn hữu ích, có 3 bạn nguy hại: ngay thẳng, rộng lượng, hiểu biết nhiều là ích; uy nghi, chiều chuộng, khéo xiểm nịnh là hại.
Sách Nguyệt lệnh quảng nghĩa gọi hình tượng ước lệ bộ ba tùng-trúc-mai là đông thiên tam hữu, tuế hàn tam hữu, đông xuân tam hữu.

Thi hào Nguyễn Trãi ngôi sao văn học thế kỷ XV quan tâm khai thác mảng đông thiên tam hữu. Đặc biệt, mai chiếm tần số xuất hiện khá cao trong các sáng tác của Ức Trai. Đọc 21 bài Ngôn chí, đã thấy 8 bài đề cập mai với những câu “tuyệt diệu” như:
Trà mai đêm nguyệt, dậy xem bóng,
Phiến sách ngày xuân, ngồi chấm câu.
(Ngôn chí 2)
Quét trúc, bước qua lòng suối,
Thưởng mai, về đạp bóng trăng.
(Ngôn chí 15)
Đối với mai, Nguyễn Trãi hết sức ưu ái. Tại sao? Qua bài thơ chữ Hán Đề Hoàng ngự sử mai tuyết hiên, nhà thơ đã giải thích:

題黃御史梅雪軒
豸冠峨峨面似鐵,
不獨愛梅兼愛雪。
愛梅愛雪愛緣何?
愛緣愛雪梅清潔。
Phiên âm:
Trãi quan nga nga diện tứ thiết
Bất độc ái mai kiêm ái tuyết.
Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà?
Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết.

Lê Cao Phan dịch:
Mũ trãi cao cao gương mặt sắt,
Yêu luôn tuyết, nào chỉ yêu mai.
Vì sao yêu không một mà hai?
Bởi tuyết trắng, còn mai thanh khiết.

Trong phần thơ Hoa mộc môn ngoài các bài Mai và Lão mai, bài thất ngôn pha lục ngôn viết về mai làm theo thể ô thước kiều phối hợp liên hoàn của Nguyễn Trãi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thơ quốc âm thời ấy:

Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi;
Ưa mi vì tiết sạch hơn người.
Gác đông ắt đã từng làm khách,
Há những Bô tiên kết bạn chơi.

Tiên Bô kết đã mấy thu chầy,
Ngẫm ngợi dường bằng mếch trọng thay.
Lại có một cành ngoài ấy lẻ
Bóng thưa ánh nước động người vay!

Bóng thưa ánh nước động người vay!
Lịm hương đưa, một nguyệt hay.
Huống lại bảng xuân xưa chiếm được,
So tam hữu chẳng bằng mày.
Sánh với tùng và trúc, mai giống khí tiết. Nhưng mai lại nổi trội ưu thế mà hai bạn không sao có nổi: sắc hương.

Sắc hoa mai, ai ai cũng dễ dàng nhìn thấy, dẫu ngồi gần hay đứng xa, kể cả qua “bóng thưa ánh nước” lung linh óng ánh chập chờn. Chẳng hạn thơ Trần Quang Khải (1241 – 1294):

詩客重來頭髮白,
梅花如雪照晴川。
Phiên âm:
Thi khách trùng lai đầu phát bạch,
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.

Ngô Tất Tố dịch:
Qua viếng, khách thơ đầu đã bạc,
Hoa mai như tuyết chiếu lòng vời.

Hương hoa mai thì sao nhận ra, chỉ tri âm tri kỷ đó là vầng trăng mới đủ khả năng. Lịm hương đưa, một nguyệt hay – câu thơ lục ngôn của Ức Trai đại phu thâm trầm kín đáo quá. Kín đáo như hương mai vậy.

Nhà thơ Cao Bá Quát cũng rất yêu hoa mai. Trong bài Tài Mai:

Đầu xuân nắm hạt mai gieo
Giống thanh gởi chốn núi đèo xanh tươi
Nữa mai xuân điểm bầu trời
Bức tranh tuyệt tác cho đời ngắm chung.

Điều này cho thấy, hoa mai có thể hiểu đồng nghĩa với cái đẹp, điều tốt lành mà ông một đời mong ước. Ông đã từng vượt qua số phận thăng trầm, dám ngẩng cao đầu sống giữa đất trời; người đã từng đứng lên khởi nghĩa chống chế độ phong kiến, như ông nói: “Bước tới đường danh chẳng cúi đầu”, nhưng với hoa mai, ông suốt đời “cúi đầu bái phục”:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

Được dịch:
Mười năm bàn đạo giao du, khó như tìm gươm cổ
Một đời chỉ biết cúi đầu bái phục hoa mai.

So với nhiều hoa khác, mai lại là loài "anh hoa phát tiết" sớm nhất, ngay từ tiết lập xuân còn nhiều giá lạnh. Do đó cổ nhân đã phong tặng mai danh hiệu Bách hoa khôi - ví như người đỗ đầu khoa thi, người con trai ưu tú nhất hoặc con gái xinh đẹp nhất.

Bài Vịnh Mai của thi sỹ Nguyễn Khuyến cũng gọi hoa mai là bách hoa khôi

Thử tử bất tri hà xứ lai ?
Tiểu viên cách tuế ngẩu nhiên tài.
Diệp do vị phát , hoa tranh phát,
Hoa ký bất khai, diệp thủy khai .
Oái uất dỹ phi quần thảo ngũ ,
Thanh phân ưng thị bách hoa khôi,
Túy Ông thần tịch sắc tương úy,
Thế mạc tử tri, chân khả ai !

Dịch thơ :
Chẳng hay gốc tích nơi nào ?
Ngẩu nhiên năm trước, trồng vào vườn ta
Lá chưa mọc, đã đầy hoa,
Hoa tàn lá mới rườm rà đua tươi .
Xanh tươi hơn mọi cây rồi
Mà hương thanh lại khác vời trăm hoa
Ông say hôm sớm mặn mà,
Người đời hờ hững thực là đáng thương.
( Đỗ Ngọc Toại dịch )

Một bài tuyệt bút về mai gắn liền với tên tuổi của nhà ái quốc lừng danh : Phan Bội Châu. Năm đó (1883), Phan mới 16 tuổi. Sau khi thi hương, bài được chấm ưu hạng, chàng trai quên Nam Đàn ấy phải dự kỳ sát hạch cùng 6 sĩ tử khác để xếp vị thứ cao thấp tại phủ Anh Sơn. Đích thân quan phủ là Hoàng Giáp Phạm Như Xương trực tiếp ngồi ghế chánh chủ khảo. Các thí sinh nhận đề và cắm cúi làm bài hồi lâu thì Phan mới đến. Quan phủ hơi bực mình nhưng vẫn cho Phan vào và buộc chàng làm bài với một đề thi riêng. Đang tiết cuối xuân, trông thấy cây mai bên hiên chỉ còn lưa thưa dăm đóa, quan Hoàng Giáp bèn ra đề : "Hoa khai bất cập xuân" (Hoa nở không kịp mùa xuân). Đề thi ngụ ý phê bình cái tội trễ tràng của chàng trai nổi tiếng thông minh. Phan Bội Châu phóng bút ngay :

Đông hoàn tằng bước nhãn
Dĩ hứa bách hoa khôi
Chỉ vị khiêm khiêm ý
Phiên giao tiệm tiệm khai...

Tạm dịch :
Nhờ chúa Xuân ưu ái
Xếp đứng đầu trăm hoa
Chỉ vì lòng khiêm tốn
Nên hẵng nở tà tà...

Liếc mắt qua, Hoàng Giáp Phạm Như Xương sững sờ, không cho Phan Bội Châu làm bài nữa. Ông bảo: "Chỉ cần 4 câu mở đầu thế này là dư sức đỗ đầu xứ rồi".
Ngoài bộ "tam hữu" như đã nói, mai còn được kết hợp với lan, cúc, trúc tạo nên bộ "tứ quý" tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Và không chỉ với thực vật, động vật, mai lại được các thi nhân cho "se duyên" với ngọc, với tuyết để ví von tài tử giai nhân. Như bài "Lão mai" trong "Hồng Đức quốc âm thi tập" có câu :

Xuân thêm cốt cách, hương càng bội
Tuyết giúp tinh thần, ngọc hãy còn.

Hoặc như trong "Hương miệt hành", truyện thơ được sáng tác từ đầu Lê (có sách cho là đời Trần), có câu : Tuyết mai cốt cách, ngọc tinh thần Câu thơ ấy buộc nhiều người liên tưởng ngay đến câu Kiều quen thuộc : Mai cốt cách, tuyết tinh thần

( còn tiếp)
THANK YOU
 


Các bài viết trong chủ đề này
CÂY MAI VÀNG VN - dieuquang - 30-01-2018, 05:52 PM
RE: CÂY MAI VÀNG VN - dieuquang - 30-01-2018, 08:51 PM
RE: CÂY MAI VÀNG VN - dieuquang - 30-01-2018 08:55 PM
RE: CÂY MAI VÀNG VN - dieuquang - 30-01-2018, 09:05 PM
RE: CÂY MAI VÀNG VN - dieuquang - 30-01-2018, 09:12 PM
RE: CÂY MAI VÀNG VN - dieuquang - 30-01-2018, 09:18 PM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS