Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
29-07-2019, 05:29 AM
Bài viết: #9
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
9/ Trặc ngón chân

Cách đây nửa tháng, vào buổi chiều, khoảng 17, 18 giờ, ngày 30/10/2014, tôi đang ngồi “chò hõ”(chồm hổm) trên sàng nhà để đọc vài trang trong một quyển sách, tìm kiếm tư liệu cho một bài nghiên cứu. Ngước nhìn phía trước, cách chừng hơn thước, có một quyển sách khác, tôi với tay trái để lấy. Vì nó hơi xa nên tôi đã nhướn người quá đà làm cho mười ngón chân bị cụp, “quỵp”xuống. Do chân trái làm điểm tựa nên “một cảm giác thốn đau đã xẩy ra ở đấy”. Trở lại tư thế khi lấy được sách, tôi lần trang, đọc và không để ý đến nó nữa.

Khi xong việc, khoảng 21 giờ, cảm giác đau bây giờ nó mới phát lộ triệu chứng: Cái cụm 5 ngón chân trái hơi sưng sưng. Tôi cũng kệ, nằm bật đèn đọc sách. Hơi khuya, tôi nằm thở một chút rồi ngủ. Sáng ngày, cái bàn chân trái sưng to, vừa bỏ chân xuống giường là nó nhức đau, do máu tụ xuống chỗ đó. Thử giở chân lên cao thì nó bớt đau. Do tôi chưa hề bị như thế lần nào nên không rõ “vấn đề” gì xẩy ra nơi mấy ngón chân. Không phải gãy xương vì gãy xương thì đau chịu chi thấu! Có lẽ trật khớp chăng, tôi cũng không rõ.
Thế là sau đó, tôi chịu đựng cơn đau, nhức buốt suốt ba bốn ngày mặc dầu đã sử dụng đủ loại pháp đối trị như xoa bóp bằng thuốc đặc trị bong gân, trặc khớp của thầy võ, ngâm chân nước nóng có muối, hành hương; uống thuốc Tây kháng viêm... Tôi định đi chụp X quang xem thử bị cái gì ở trong đó, nhưng một đứa cháu là thầy “mằn” kinh nghiệm 30 năm lên xem và nói: “Ôn bị trật khớp một chút thôi, cháu sẽ trả lại vị trí cũ!” Tôi nói: “Nghe nói là đau lắm!” “Đau, dĩ nhiên rồi, nhưng chỉ mấy giây thôi!”

Tôi đồng ý! Nó lấy tay xem xét mấy ngón chân và bắt trúng chỗ ngón trỏ, nói là tìm ra chỗ rồi! Xong, nó thò mấy ngón tay phải lật qua lật lại! Trời đất, nó nói mấy giây mà tôi chịu đựng cơn đau gần một phút! Kinh khiếp! Tôi chịu trận, trân mình lên, răng cắn chặt, mồ hôi túa ra, nước mắt tự động chảy! Cuối cùng, dường như có nghe một cái “rắc” nho nhỏ, nó nói, xong rồi! Tôi thở phào, người nhẹ nhõm! Nó nói, vậy là ít hôm nữa sẽ lành thôi!
Quả thật vậy, đau nhức không còn nhưng chân còn sưng tấy, từ đây, tôi thường ngâm chân bằng nước nóng, muối và hành hương; và sau đó đắp “nha đam” cho nó mát. Hiện tại thì đi lui, đi tới nhè nhẹ được rồi!

Mấy ngày ngồi ngẫm ngợi! Lạ! Quái dị là cơn đau! Dường như mấy chục năm qua tôi không bị đau gì cả. Lục phủ ngũ tạng, tim mạch, áp huyết, đường, mỡ gì gì đó, xem ra, nó “im re”. Đây là lần thứ hai tôi đau nhức kể từ độ bị rắn độc cắn, cách đây gần 25 năm. Rắn độc cắn thì nọc độc nó đi ngay, đi thẳng vào máu huyết, tan ra trong máu huyết, nên không đau nhức bằng trặc khớp lần này.
Nói thì hơi quá nhưng sự thật tôi đã học được rất nhiều điều từ việc nho nhỏ này, tôi muốn chia sẻ với mọi người.

Thứ nhất, là đau, cơn đau. Tôi đau chút ít thôi, chưa được một phút. Trong chùa tôi có một vị sư, đau quanh năm, nhức buốt quanh năm, đủ thứ bệnh. “Thầy biết không – có một vị sư kể lại – Sư ĐT luôn vật vả, đau đớn, mỗi lần uống thuốc, uống luôn cả ‘nạm’ (nắm), thấy mà ớn!” Tôi nghĩ:Mình mới đau một chút mà cảm giác chịu đựng không nổi, huống chi người ta đau nhức quanh năm suốt tháng. Trước đây, sư ấy thường bị tôi la rầy, lúc nào cũng “xìu xìu, ểng ểng”! Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thương, tự dưng môt sự cảm thông bao la tràn ngập tâm hồn. Tôi chạnh nghĩ đến bao nhiêu người trên đời này bị đau đớn, bệnh khổ hành hạ, gấp trăm lần mình? Từ ý nghĩ này, các trạng thái tâm như tha thứ, cảm thông, tâm từ, tâm bi tuy không cố ý mà tự dưng chúng tự động khởi phát. Còn nữa, mình đau như thế nào, chúng sanh cũng đau như thế. Những hình ảnh thuở nhỏ hoang nghịch như bẻ chân châu chấu, bẻ càng cua hoặc bắn chim, câu cá, mổ giết gà, vịt... đúng là vô tri, vô trí, vô cảm một thời! Lạy Phật, nhờ tu Phật, chúng ta đã tránh được tội giết hại, đánh đập, hành hạ chúng sanh không thương xót, cách này hay cách khác.

Thứ hai, pháp nó đến! Nhân, duyên, quả gì đó nó đến rất lặng thầm, rất tình cờ! Bao nhiêu năm, do có tu tập chánh niệm, tỉnh giác, tôi thường đi lui đi tới, lên xuống nhiều bậc đá, luôn với sự cẩn trọng, chậm rãi nên rất khó “bất cẩn” vấp cái này, cái khác. Mình ngồi đọc sách mà! Hoá ra,“nó đến” dù mình đang làm việc nhẹ ở trong phòng, nó đến một cách không ngờ tới! Vậy thì sống giữa cuộc đời, với mọi tương giao, mình chẳng lường được cái gì; vả có thể cả hoạn nạn, tai ươn, bệnh tật... chưa biết sẽ xẩy ra lúc nào! Như đánh quần vợt, dường như mình luôn sẵn sàng đón đợi cú banh, chẳng biết nó sẽ rơi vào hướng nào! Câu kệ thơ của thiền sư Viên Minh chợt hiện ra:
“ Nói, làm thường thận trọng,
Luôn trọn vẹn chú tâm;
Lắng nghe, quan sát rõ,
Đến đi, pháp lặng thầm!”
Đúng là pháp đến nó lặng thầm thiệt!

Lại còn điều kỳ lạ nữa, không giải thích được, là trước đó 3 ngày, từ Lào về, tôi mua một cây gậy tre có tên là “trúc kim cương”! Mua gậy là điềm triệu cho cái ngón chân trặc này hay sao chứ? Không biết! Và còn biết bao nhiêu điều về nhân duyên quả xẩy ra trên đời này, cho chính mình, quả thật là tôi không biết gì hết, không dám biết gì hết!

Thứ ba, cái đau, cần phải có cái đau để xem thử cái tâm của mình như thế nào! Phải thật sự chiêm nghiệm nó! Những người tu tập minh sát thường nói rất giỏi, rất hay: “Xem cơn đau chỉ là cơn đau, nó chỉ là một cảm thọ thôi! Thọ có sanh thì thọ ấy có diệt!” Mà tôi, chính tôi cũng thường giảng cho thiền sinh như vậy! Bây giờ, khi cơn đau đến, do đau nhẹ, suốt mấy ngày, tôi mỉm cười với nó nên cái đau chỉ ở nơi chân chứ không ảnh hưởng gì đến cái tâm của mình cả. Nhưng khi“thợ mằn” lắc cái khớp lại thì nó lại khác! Nó đau kinh khiếp! Tôi trân mình chịu đựng chứ không mỉm cười nổi! Thế đấy! Vậy thì rõ ràng có những cái đau khác nhau! Có những cái đau mình“niệm” được, “niệm” là nó đi. Nhưng có những cái đau mình “niệm” nó không đi! Mình bất lực hoặc trân người chịu đựng! Tôi thấm thía câu kinh văn: “Sắc không phải là tôi, là tự ngã của tôi; và thọ... cũng vậy, không phải là tôi, tự ngã của tôi!” Chẳng “làm chủ” được cái gì cả!

Thứ tư, chuyện “rướn” người để lấy quyển sách! Rướn người là quá sức của cái thân! Cái gì quá sức là trật rồi! Lý trung đạo của nhà Phật không chỉ điều chỉnh tâm, điều chỉnh trí, tu tập, uống ăn, ngủ nghỉ mà còn cả tứ oai nghi nữa! Đừng như cái đồng hồ quả lắc, cứ rơi vào cực này rồi cực khác. Biết bao thảm hoạ trên cuộc đời vì những cái cực nầy! Từ rày, tôi phải lấy cái giáo nghĩa của trung đạo để áp dụng “tất tần tật” trong cuộc đời tu tập của mình, thân cũng như tâm.

Thứ năm, có thân thì có bệnh, có thân là có đau! Biết bao nhiêu năm tôi đã tự hào, ngã mạn mình không bệnh, không đau! Một câu trong 10 điều tâm niệm hiện ra: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật. Người không bệnh tật ắt dục vọng dễ sanh!” Lại nhớ lần đầu tiên khi tôn giả Mahā Kassapa vừa gặp đức Phật, ngài đã bị đức Phật giáo giới về 3 cái ngã mạn của ngài, thay cho hình thức thọ giới tỳ-khưu: Ngã mạn về thọ sanh, dòng tộc (jātimāna), ngã mạn về kiến thức, hiểu biết (ñāṇadiṭṭhimāna), ngã mạn về sắc thân xinh đẹp (kāyamāna). Trong liên tưởng ấy, tôi thấy mình bị “ngã mạn về sức khoẻ, ngã mạn vì vô bệnh!” chi phối trong nhiều năm nay mà không hề biết! Vô minh là vậy. Hễ thấy ai đau, ai bệnh thì tôi tự mỉm cười hoặc chê trách, chế nhạo họ, coi thường họ: Nào là ăn chi cho nhiều, ăn nhiều thì toàn bộ cơ thể làm việc mệt! Ai bảo ăn cho nhiều mỡ nhiều béo vào bây giờ sinh ra đủ thứ bệnh! Nào là ai bảo sinh hoạt vô chừng, vô đỗi làm chi! Nào là không biết tu thiền giữ tâm yên tĩnh, khí huyết, âm dương thuỷ hoả điều hoà. Người có tu tập không bao giờ bị bệnh cả! Điều tôi nói dù nó là đúng, không sai, nhưng không nên vậy, đừng nên tự hào, ngã mạn một đỗi đường, một giai đoạn đời người, vì có thân thì có bệnh, đó là sự thật ngàn đời!

Thật là thấm thía! Thế thì “cái đau cái bệnh” là tốt, vì nó đang điều chỉnh lại cái gì đó ở nơi ta đã vận hành sai trật! Nó đúng trong mọi trường hợp. Về phương diện tu tập hướng thượng, nó làm yên lặng bớt một số kiết sử khi ta biết chiêm nghiệm để học bài giác ngộ!

Thật là tuyệt vời! Chỉ cái ngón chân đau, “chuyện nhỏ như con thỏ” mà tôi học được nhiều bài học lợi lạc cho bản thân trên đường tu tập của mình. Vậy thì theo tôi, sau khi đọc kinh sách, chỉ cần nhớ cái tinh yếu, còn nên quên tất cả. Hãy bỏ quên tất cả để học “pháp thực” ngay nơi sự tương quan căn trần thức, một “hạt bụi” phát sanh cũng được nhìn ngắm và quan sát một cách cẩn cẩn, nghiêm túc thì lợi lạc cho việc “giác ngộ, giải thoát” cho mình biết là chừng nào!
THANK YOU
 


Các bài viết trong chủ đề này
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN - dieuquang - 29-07-2019 05:29 AM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS