Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
THU THẬP từ MÙA COVID THÁNG 5/21
10-07-2021, 12:05 PM (Được chỉnh sửa: 10-07-2021 05:11 PM bởi dieuquang.)
Bài viết: #5
RE: THU THẬP từ MÙA COVID THÁNG 5/21
GHI NHẬN TỪ các báo online

A/
"Có những điều tử tế nhỏ nhoi mang lại niềm vui cả người cho và người nhận… Mình tiếp tục vắt sữa gửi xuống cho bé đây!". Nằm ở nhà, đọc đến những dòng cảm xúc từ trang Facebook cá nhân của bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy .
"Sài Gòn đau lòng quá! Nhớ con trai vô bờ bến! Chỉ là vắt sữa rồi đổ bỏ…".
Con vừa hơn 10 tháng tuổi đã xa mẹ, thương quá em ạ. Tất cả vì nhiệm vụ, vì những bệnh nhân đang cần em, cần những màu áo trắng.

"Bà mẹ đi chợ tiếp xúc với F0 hồi nào không hay rồi nhiễm bệnh, lây luôn cho chồng và hai đứa con. Người mẹ suy hô hấp nặng nằm bên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ông bố và hai đứa con nhỏ, đứa 7 tháng, đứa 25 tháng thì chuyển qua Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương.

Nhìn vô ai cũng xót thương, nên đồng nghiệp mình sắp xếp chỗ ngon nhất trong khoa cho 3 bố con nằm chung. Ông bố cũng phải thở oxy, vẻ mặt tiều tụy mệt mỏi nhưng phải ráng gồng mình vì hai đứa con, vì vợ thật xót xa.

Đồng nghiệp mình thay phiên phụ pha sữa, phụ thay tã, phụ cho thằng anh ăn, phụ bế và phụ tắm 2 bé cho ông bố tranh thủ bước xuống giường vươn vai tại chỗ, rồi tiếp tục nằm với cái mũi gắn oxy.

Con bé mới 7 tháng mà ngoan thấy thương, bú no là nằm ngủ ngon lành dưới chân bố, thằng anh thì tha hồ lăn lộn trên giường bên cạnh. Mình nghe tin có em bé nhỏ thì vắt sữa xong mình để dành mang cho bé".

B/

Bác sĩ Lê Ngọc Diệp, đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), vừa chia sẻ câu chuyện xúc động trên trang Facebook cá nhân của mình.

Theo đó, khoảng 0h ngày 31/5, bác sĩ Diệp có việc vào khu làm nhiệm vụ của các đồng nghiệp ở quận Gò Vấp nên đã đặt GrabBike. Trên đường đi, chị nghe tài xế buột miệng than thở, rằng còn 3 cuốc nữa là được thưởng mà không kịp rồi!.

Khi đến nơi, chị trả tiền thì anh tài xế từ chối, kéo ga định băng đi. Nữ bác sĩ nắm áo và cố gắng đưa bằng được, tài xế đáp lại: "Nhận tiền lúc này của bác sĩ là em có tội với Tổ quốc, chị đừng bắt em có tội với Tổ quốc".

“Hành động của tài xế và câu nói khiến tôi rất cảm động, anh rất dễ thương. Đồng nghiệp của tôi ở rất nhiều nơi đang phải rất nỗ lực chống dịch, có những người dân họ hiểu và chia sẻ như vậy thì những người trong ngành y cảm thấy rất là ấm áp, hạnh phúc.

Đó cũng là tình cảm của người dân, tôi cảm thấy mình như được tiếp thêm động lực làm việc, tiếp thêm năng lượng tích cực cho những y bác sĩ đang ngày đêm gồng mình tại các điểm dịch”, nữ bác sĩ nói.

C/

Có một cảm giác thật lạ khi cái thành phố lúc nào cũng được nhớ đến với cái không khí gấp gáp, sôi động nay lại chìm vào một sự im lìm, buồn bã. Cuộc sống như ngưng đọng trên những con đường vốn tấp nập.
Dưới những tán me dọc phố Lý Tự Trọng, dưới những tán cây dầu cổ thụ bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà, hay xa xa phía nóc hầm Thủ Thiêm chốn lãng mạn cho những chiều ngồi ngắm hoàng hôn, đâu đâu cũng chợt mất đi nhịp sống mỗi ngày, trống vắng hổng quen xíu nào. Lâu rồi, thành phố mới “bệnh” như vậy, nằm một chỗ hổng đi đâu được, hổng quen xíu nào. Sài Gòn đợt này trở bệnh ngó dữ quá, quanh năm phố thị náo nhiệt, sôi động bao nhiêu, bi chừ hiu quạnh bấy nhiêu. Người ta nhớ mấy ngả tư kẹt cứng mỗi chiều tan tầm, nhớ những trưa nắng chưa kịp rọi trên vai thì dính liền cơn mưa chốc lát, nhớ những buổi chiều chạy đua với ánh mặt trời dọc Đại Lộ Đông Tây, hay chăng nhớ những vòng xe bất chợt rẽ đủ hướng Sài Gòn, phía sau chở người thương, nói kể dăm chuyện đời. Ngày ba lần, người Sài Gòn nín thở xem hôm nay có thêm ca nhiễm dịch nào nữa không. Ngày trước bon bon chạy khắp chốn Sài Gòn, từ Nhà Bè qua tuốt Gò Vấp, từ Thủ Đức băng băng miết tới Bình Tân, dậy chớ ngó gần xịt. tự nhiên thấy thành phố thân thuộc sao phải “băng bó" nhiều chỗ quá, muốn đến thăm chốn này chốn kia coi ngó phố thị cũng khó dường nào.Ừ thì, giờ hổng mong gì cao xa, chỉ mong được như bình thường lại như mọi ngày, kẹt xe mấy cũng được, nắng mưa thất thường mấy cũng được, áp lực cuộc đời mấy cũng được, miễn hổng thấy Sài Gòn “bệnh" nặng thêm, hổng phải thấp thỏm vì thấy chăng dây khắp chung cư, hay bản tin làm thổn thức mỗi sớm.
Thương Sài Gòn, thương cho chính chúng ta những người không được ra đường, nhưng thương nhất vẫn là những người mưu sinh ngoài phố thị kia, thương mấy cô mấy dì hàng rong dưới mái dù cũ, thương chú hủ tíu gõ sau xe mì hẩm hiu, thương cô lượm ve chai, chú bán vé số. Phải khi dịch đến, người ta mới thấy được mình thiệt may mắn khi còn được ở nhà dãn cách, còn đủ ba bữa no. Thành phố hai mùa mưa nắng trước giờ vẫn bao dung, che chở biết bao người, giờ thành phố đổ bênh, những người “lấy phố làm nhà”, nhọc nhằn bám đường mưu sinh biết đi về đâu? Thành phố hai mùa mưa nắng trước giờ vẫn bao dung, chở che cho biết bao người, giờ thành phố ốm rồi, những người “lấy phố làm nhà”, nhọc nhằn bám đường mưu sinh biết đi về đâu?
Thành phố bệnh ngó rõ buồn, thiếu vắng tiếng người, tiếng xe dọc lối, chỉ thi thoảng hiu hắt dưới mấy trụ đèn đường là những người không nhà, mưu sinh đây đó, chống chọi qua mớ khó khăn chất chồng này. “ Hạnh phúc là gì?”“May nhất” là khi được san sẻ với nhau, chờ thành phố “khỏe” lại rồi cuộc sống của ai cũng ổn. Rồi sẽ ổn thôi, phải hông Sài Gòn?
Sài Gòn chốn bao dung, bao người tứ xứ lên đây kẻ mong đổi đời, người xây giấc mơ bởi lẽ không đâu dễ sống dễ thở bằng chốn này. Nay thiếu tiền cô bánh mì đầu hẻm, “hổng sao, bữa sau bây trả cô cũng được”, bữa mưa xối xả, có anh kia dừng đèn đỏ vội đứa áo mưa cho gia đình ba người đang đầu trần trên chiếc xe máy, bất giác ấm lòng quá đỗi. Ở thành phố này, hổng lo chạy từng bữa cơm, có khó khăn là mỗi người xúm lại một chút. Người ta cứ nói, ở thành phố nào đâu nghĩa tình như dưới quê. Ấy vậy mà nghe , hôm vừa rồi có một tòa nhà bị phong tỏa, căng dây tứ bề, người bên trong sợ hãi, người ngoài lo lắng. Thế rồi sáng hôm sau, hổng ai bảo ai, người dân từ mấy tòa nhà còn lại mang đồ đến trước sảnh tòa nhà bị phong tỏa, đồ ăn thức uống, khẩu trang nước sát khuẩn chẳng thiếu gì. Ai thiếu thì lấy, ai cần cứ mang đi, đồ ăn có thể hết nhưng nghĩa tình trong hoạn nạn hổng vơi đi chút nào. Thành phố dễ sống vì con người biết sống với nhau sao cho dễ chịu, dễ thương. Hổng ai mong phố thị phải dãn cách, dãy nhà mình bị phong tỏa nhưng đi qua những ngày tháng như vậy, mới biết cái tình người nơi đây, chòm xóm quanh mình ngó thân thương chừng nào.
Những cuốc xe chở bác sĩ tới khu vực hỗ trợ dịch mà tài xế chẳng lấy tiền, “nhận tiền của bác sĩ là em có tội với Tổ quốc”, rồi cả chuyện bà mẹ dặn con ngồi ngoan để bác sĩ lấy xét nghiệm, nay bác sĩ cũng mệt lắm rồi.

Mùa dịch khiến người ta nhận ra rằng, cuộc sống bình thường cũng là một điều phi thường với không ít người. “Phi thường” là khi tháng này vẫn có đủ lương, nhà máy không phải đóng cửa vì dịch, phi thường là bữa nay vẫn mua được thức ăn cho cả nhà, vẫn trụ được tiền thuê nhà mà không phải khất tháng sau, vẫn có đủ tiền đóng học cho con khi năm học sắp tới. Thương Sài Gòn ốm, thương cả những người đang lao đao, quay quắt vì dịch.
THANK YOU
 


Các bài viết trong chủ đề này
RE: THU THẬP từ MÙA COVID THÁNG 5/21 - dieuquang - 10-07-2021 12:05 PM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS