Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
THU THẬP từ MÙA COVID THÁNG 5/21
31-07-2021, 01:01 PM (Được chỉnh sửa: 10-08-2021 07:00 PM bởi dieuquang.)
Bài viết: #10
RE: THU THẬP từ MÙA COVID THÁNG 5/21
TTO - Thời sự báo chí, mạng xã hội lan tỏa hình ảnh TP.HCM kiên cường chống dịch nhưng cũng còn nhiều lắm người dân đang gặp khó khăn.
Ngay lập tức đồng bào khắp nơi sẻ chia, gom góp gửi tặng trái bí, quả cà, hũ mắm, con cá khô... Những chuyến xe chở nhu yếu phẩm của tình nghĩa mau chóng lên đường về thành phố.
Nhớ mãi ân tình từ Sài Gòn

Ông Bùi Đức Thọ, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, cả tháng qua chạy đôn chạy đáo hết làng xóm này đến doanh nghiệp nọ. Ở đâu có người góp hàng gửi vào TP.HCM là ông lại chạy đến hướng dẫn và làm thủ tục để những chuyến xe yêu thương kịp lên đường.

Với ông Thọ, lúc này người dân vùng dịch ở phía Nam cần sẻ chia và trách nhiệm làm cầu nối, ông Thọ muốn mọi tấm lòng của người dân Quảng Ngãi đến với TP.HCM sớm nhất.

"Tôi nghĩ cũng giống như người khúc ruột miền Trung mừng lắm lúc bão lũ nhận được gói mì, cái bánh mà cả nước sẻ chia. Người dân khó khăn ở trong đó cũng đang chờ sự tiếp sức giữa lúc đại dịch này. Mình phải làm nhanh nhất có thể" - ông Thọ nói.

Buổi sáng, khi mọi người đang tất bật sắp xếp hàng hóa ở ngôi nhà của chị Phạm Thị Minh Lý (48 tuổi, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) chuẩn bị chuyển vào TP.HCM, một người phụ nữ trẻ lái xe máy xuất hiện.

Phía trước là đứa con nhỏ chưa tròn 1 tuổi, phía sau hai bao bí đao. Chị tên Thanh (31 tuổi, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn), những người đàn ông vội vã đến ôm bao bí nặng trĩu xuống và phân chia vào những phần quà.

Chị Thanh bảo rằng năm ngoái lũ tràn vào nhà, rồi bão đến căn nhà hư hỏng nặng. Chồng chị lúc đó đang chạy xe ôm công nghệ ở Sài Gòn.

Mình chị chẳng biết làm thế nào, số tiền bao năm vợ chồng tích góp dựng lên căn nhà trở thành công cốc chỉ sau một đêm.

Lúc cùng bí nhất, chính quyền địa phương mang những phần quà, lương thực của người dân TP.HCM gửi đến giúp chị vượt qua khó khăn tạm thời, rồi tấm lòng của người Sài Gòn thêm một lần nữa tiếp sức để chị dựng lại căn nhà của mình. Những ân tình ấy, chị Thanh chẳng thể nào quên.

Hôm nay, chị Thanh gửi những trái bí đao nhờ chuyến xe gửi vào TP.HCM như lời cảm ơn những ân nhân mà chị chưa từng gặp.

"Tôi mong trái bí đao này cùng với nhiều phần quà của bà con khác sẽ giúp bà con TP.HCM tạm vượt qua khó khăn trước mắt. Những ngày đến, cà kịp lớn tôi lại hái gửi vào. Nói thật, Sài Gòn có cho chứ chẳng nhận bao giờ. Nay Sài Gòn cần thì mình phải giúp, ở xã tôi, bà con nào cũng hái rau, hái bí gửi vào Sài Gòn cả" - chị Thanh chia sẻ.

Câu chuyện của chị Thanh cũng là suy nghĩ của rất nhiều người dân miền Trung vào lúc này. Ai cũng muốn góp một phần nhỏ bé của mình tạo thành những chuyến hàng lớn lao gửi về miền Nam.

Hơn ai hết, người dân ở mảnh đất khắc nghiệt nhất nước, họ hiểu giữa lúc thiên tai, bệnh dịch cần lắm sự đùm bọc, sẻ chia, dìu nhau qua khó khăn của cả dân tộc.

Bao nhiêu xóm làng quê bão miền Trung, nhờ những đồng tiền, quà tặng ở TP.HCM gửi ra mà những người chồng, người vợ có lại miếng ăn, nhà cửa, con cái được học hành. Ân tình của miền Nam, đặc biệt là TP.HCM rất lớn với xứ sở lắm bão dông này.

Gần 2 tháng qua, chẳng biết bao nhiêu chuyến xe nghĩa tình lần lượt vào Nam. Đầu tiên là TP.HCM, sau đó tỏa đi các tỉnh thành cũng đang oằn mình vì bão dịch như Đồng Nai, Bình Dương...

Bà Hà Thị Anh Thư, phó Ban dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nói rằng tinh thần người dân rất cảm động.

Hình ảnh khiến bà Thư nhớ mãi là cụ già đẩy chiếc xe rùa với bí, bầu đến điểm tập kết, hay những người phụ nữ miền biển chiên cá đóng hộp gửi vào TP.HCM. Tất cả những gì người dân có đều sẵn sàng chuyển vào đồng bào miền Nam ruột thịt.
Cho ké chuyến hàng gửi tặng đồng bào

Trong rất nhiều chuyến xe chở hàng tiếp sức cho phía Nam, chúng tôi được ông Bùi Đức Thọ giới thiệu đi chung chuyến xe của Công ty TNHH Quý Trường Hải (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).

Buổi sáng ngày cuối tháng, trước cổng công ty, những tài xế tụ lại chất hàng với rau củ quả, gạo, sữa. Ai cũng cố sức làm nhanh để khởi hành sớm nhất. Mặt trời lửng bóng, gần 20 tấn nhu yếu phẩm cũng được chất xong, ai nấy nhễ nhại mồ hôi, xe bắt đầu lên đường.

Vừa khởi hành được một đoạn, tài xế nhận cuộc gọi từ ông Lê Văn Hải, giám đốc Công ty TNHH Quý Trường Hải, giọng hỏi gấp: "Anh em chạy đến đâu rồi". Khi tài xế báo vừa qua huyện Tư Nghĩa, ông Hải thở phào qua điện thoại và nói "May quá, vẫn còn kịp, anh gửi số điện thoại.

Tụi em điện liền cho chị này, chị ấy có mấy tấn dưa đi ké. Ráng cực tí nghen, có gì mang vào được thì mang cho bà con Sài Gòn". Tài xế Hoàng Anh Tiến đáp: "Cực chi mà cực, anh an tâm, có thêm là mừng rồi".

Chiếc xe dừng lại bên ngôi nhà nằm ngay quốc lộ 1, chị Nguyễn Thị Khánh Ly (thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) vội ra hỏi: "Các anh chở dưa hay đồ lạnh".

Hóa ra chị Ly xin gửi ké hàng đến hai chiếc xe khác nhau. Khi chất dưa lên xe tải, chị tâm tình "Cách đây mấy ngày, mình cũng có xin ké một chuyến rồi. Nay xin ké hai chuyến nữa. Dưa chuyển vào Tân Phú, còn thịt muối, chà bông tôi gửi vào bệnh viện dã chiến".

Xã Đức Lân mùa này dưa chín rộ, giá cũng rất cao so với mọi năm. Nhưng khi vận động, bà con sẵn sàng chia sẻ hoặc chỉ bán giá thu vốn để gửi vào TP.HCM. Chủ dưa có thể sẵn sàng biếu không, nhưng người dân cũng ý tứ góp tiền lại để chủ dưa huề vốn. Dẫu sao, tình người vẫn đủ đầy.

Đang trò chuyện thì chiếc xe container biển TP.HCM có băngrôn "Bà con Hà Tĩnh hướng về miền Nam thân yêu" đổ lại. Chị Ly hỏi vọng: "Các anh cho ké thịt, chà bông phải không". Anh tài xế ngồi trên xe nở nụ cười hiền lành và gật đầu. Thế rồi, anh hướng dẫn chỗ chứa những thùng đồ, còn anh xuống xe, đứng ở khoảng cách xa để đảm bảo an toàn.

Chúng tôi bất ngờ khi bà con thôn Tú Sơn 1 có thể xin ké chuyến hàng từ xe tận ngoài Hà Tĩnh vào. Chị Ly lúc này mới chia sẻ rằng nhiều năm chị sống ở TP.HCM, mỗi đợt khó khăn chị liên kết với mọi người giúp bà con miền Trung nên quen biết khá nhiều. Khi đăng thông tin cần xe chở hàng vào TP.HCM, nhiều người "làm mối", thế là từ lạ thành quen.

"Ở đây bà con có lòng lắm, mình đứng ra vừa vận động vừa tìm xe đi ké, khâu vận chuyển lúc này khó khăn mà" - chị Ly trải lòng.

Chúc bà con mạnh giỏi

6 tấn dưa hấu được chuyển lên xe, những người đàn ông thôn Tú Sơn 1 mướt mồ hôi. Chắc họ ngại tiếp xúc gần hoặc bản tính dân quê chân chất rất ít nói, nên chuyện trò với chúng tôi. Vậy mà khi xe nổ máy, họ vẫy tay chào rồi hét vọng "Gửi lời bà con thôn Tú Sơn chúc bà con mạnh giỏi"...

Chúng tôi rất nhiều lần ra vào TP.HCM bằng nhiều phương tiện khác nhau, nhưng chưa khi nào thấy cảm xúc đặc biệt như chuyến xe nghĩa tình giữa mùa dịch. Phải qua hàng chục chốt kiểm tra y tế, phải xuất trình các loại giấy tờ chứng minh chuyến đi.

tập 2

Ngày 2/8, bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho hay, xe vận chuyển nông sản của bà con Trà Leng đã lăn bánh, thẳng tiến vào TP.HCM.
Theo bà Hằng, từ ngày 29/7 đến ngày 1/8, hưởng ứng cuộc vận động quyên góp lương thực, thực phẩm ủng hộ người dân TP.HCM khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19, bà con xã Trà Leng hăng hái bắt tay thu hoạch nông sản.

"Trong vòng 3 ngày, lượng nông sản gần 2,3 tấn mà bà con tự nguyện ủng hộ người dân TP.HCM chống dịch là các sản vật của núi rừng như: Măng, bắp chuối, bí đỏ...Điều hết sức đặc biệt là nhiều bà con thuộc diện hộ nghèo nhưng vẫn dè sẻn cái ăn để gửi vào sẻ chia với người dân vùng tâm dịch", bà Hằng nói và chia sẻ thêm, sau các đợt bão lũ dồn dập trong năm 2020, người dân xã Trà Leng lâm vào tình cảnh hết sức khốn đốn khi nhiều ngôi nhà bị mưa lũ cuốn trôi. Cũng nhờ sự đùm bọc, hỗ trợ của người dân trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có TP.HCM, mà đồng bào Trà Leng mới vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới.

Vì vậy, bây giờ, việc chung tay ủng hộ nông sản giúp người dân TP.HCM bớt phần lao đao giữa "bão dịch" COVID-19 là hành động cao đẹp mà đồng bào Trà Leng muốn đáp đền ân tình.
Cũng trong đợt này, ngoài Trà Leng, người dân ở 9 xã khác của huyện Nam Trà My cũng tích cực ủng hộ nông sản gửi vào TP.HCM.

Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nam Trà My, sau 3 ngày vận động, người dân trên toàn huyện quyên góp được hơn 13,5 tấn nông sản, trong đó Trà Leng là xã ủng hộ sản lượng nhiều nhất.

(Chiều 28/10/2020, tại nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng xảy ra trận sạt lở núi kinh hoàng làm 11 ngôi nhà bị vùi lấp, 22 người mất tích. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng tìm thấy 9 thi thể nạn nhân và đang tích cực tìm kiếm tung tích 13 người còn lại.

Trong khi đó, thời điểm đầu tháng 11/2020, ngôi làng Tắc Pát, thôn 2, xã Trà Leng chính thức bị "xóa sổ" sau một trận lũ quét kinh hoàng. Không chỉ nhấn chìm hàng chục ngôi nhà của dân, trận lũ quét còn khiến điểm trường tiểu học khu dân cư Tắc Pát đổ sập.)

tập 3

TTO - Chúng tôi rất nhiều lần ra vào TP.HCM bằng nhiều phương tiện khác nhau, nhưng chưa khi nào thấy đặc biệt như chuyến xe nghĩa tình giữa mùa tâm dịch...
Chúng tôi cũng chưa bao giờ dọc quốc lộ 1 chẳng có lấy một hàng quán mở cửa. Tất cả vắng lặng trước đại dịch. Cái đói cồn cào, bữa ăn nơi lề đường, những cánh đồng trống thật sự là cảm giác nhớ đời.

Chiếc xe tải chở hơn 20 tấn hàng lao nhanh trên con đường huyết mạch. Tài xế Hoàng Anh Tiến (57 tuổi) cả đời gắn bó với vôlăng bảo rằng chưa khi nào quốc lộ 1 lại vắng đến mức này, chẳng có lấy bóng dáng xe khách, xe máy chỉ lưa thưa.

Trên đường đi, ông kể về cuộc đời mấy chục năm ăn nằm xe tải của mình gắn bó với Sài Gòn đến thân thuộc. Chuyến đi này là ông xung phong cầm lái bởi với tài xế Tiến: "Chắc cả đời tôi chỉ có lần này được làm gì đó ý nghĩa cho Sài Gòn, chứ trước giờ chỉ kiếm tiền từ thành phố này thôi" - anh Tiến nói.

Xe lao qua đèo Bình Đê, xuôi theo con dốc là đến thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), xứ dừa của miền Trung hiện ra trước mắt. Đang nói chuyện đường vắng thì bỗng dưng phía trước một đoàn xe dài ùn lại. Chốt kiểm dịch cửa ngõ phía bắc Bình Định kê những bàn dài, bất kỳ tài xế nào cũng phải vào khai báo y tế và lịch trình. Anh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn tài xế vào khai báo.

Có tài xế nào xuống, anh cũng nở nụ cười và nói: "Anh em thông cảm, dịch giã phiền toái nhưng cố gắng bớt chút thời gian kiểm tra phòng dịch nghen. Cũng vì mục tiêu chống dịch". Lời chia sẻ khiến cái nắng oi bức và thời gian chờ đợi trở nên dễ thở hơn.

Gần nửa tiếng, chúng tôi mới trở lại xe, một lần nữa đưa giấy cho cảnh sát giao thông cuối chốt kiểm tra lại mới được tiếp tục hành trình. Xuyên qua Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, các chốt kiểm dịch ở đây nhìn thấy tấm băngrôn "Chuyến xe yêu thương, hướng về miền Nam thân yêu" nên cũng chỉ kiểm tra giấy đi đường và khai báo y tế tại Bình Định rồi vẫy tay cho qua.

Đến khuya, chiếc xe tới địa phận xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Chốt kiểm soát y tế ở đây lấy vị trí của một cây xăng có khoảng sân cực rộng làm nơi đỗ xe.

Tài xế phải vào những trại dã chiến được phủ bạt kín cho bớt bụi bặm để tiếp tục khai báo lịch trình và trình tất cả các giấy xét nghiệm của các thành viên trên xe. Tài xế Tiến khai báo xong, ghẹo các chiến sĩ đang cầm chiếc đèn pin nhỏ làm nhiệm vụ: "Khuya rồi, các anh lo ngủ giữ gìn sức khỏe đi, 2h sáng rồi còn thức. Bộ nhớ vợ không ngủ được à?".

Đáp lại là nụ cười vang trong đêm của một chiến sĩ công an, anh nói: "Sáng mai thay ca rồi ngủ bác, giờ phải thức bà con mới ngủ ngon được. Tôi cả tháng rồi chưa gặp vợ con, toàn nói chuyện qua điện thoại".

Lời nói nhẹ nhàng mà khiến các thành viên trên chiếc xe nghĩa tình phải suy nghĩ. Dịch bùng lên, những người ở tuyến đầu luôn khổ nhất. Họ không chỉ thức xuyên đêm mà lúc nào cũng đối chọi với nguy hiểm mang tên COVID-19 rình rập, kể cả một số lời phàn nàn của ai đó không hiểu hoặc cố tình không hiểu. Có đi trong những ngày này mới thấy đất nước đang căng mình, cuộc chiến với đại dịch còn dài với những đêm trắng nơi tuyến đầu.

Rời khỏi chốt kiểm dịch ở xã Vĩnh Tân, cả đội nhận được ân tình ấm áp khi các chiến sĩ tuyến đầu hỏi có nước sôi pha mì không, cầm miếng bánh ngọt ăn lót dạ này. Và họ không quên gửi lời hỏi thăm đến đồng bào Sài Gòn, chúc Sài Gòn sớm vượt qua dịch bệnh.
Dọc con đường huyết mạch nhất Tổ quốc không có lấy một hàng quán mở bán. Cửa đóng then cài, mọi hoạt động mua bán phải dừng lại, nhường chỗ cho cuộc chiến cam go hơn. Rời Quảng Ngãi từ 9h sáng mà đến tận 15h khi vượt qua đèo Cù Mông (giáp ranh giữa Bình Định và Phú Yên), chúng tôi mới tìm ra chỗ để ăn bữa cơm đầu tiên.

Lúc đó bụng đói cồn cào, anh Nguyễn Văn Trực, đại diện Công ty TNHH Quý Trường Hải và tấm lòng bà con mang quà vào TP.HCM, thở dài: "Tìm cái chỗ ngồi thôi cũng khó".

Nơi chúng tôi ngồi ăn cơm trưa là một lùm bụi cây giữa cánh đồng ở xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Tài xế Tiến soạn ra những hộp thức ăn chuẩn bị từ lúc khởi hành và không quên động viên "lính mới". Tài xế Tiến nói: "Thôi ráng, đời anh gần 30 năm chạy xe mà chưa khi nào rơi tình cảnh soạn cơm dưới đường ăn vầy. Đúng là dịch bệnh...".

Cơm canh nguội ngắt, vậy mà ai cũng vội ăn, phía xa xa một chiếc xe chở yêu thương từ Thừa Thiên Huế cũng trờ lại một lùm cây gần đó ăn vội. Nhìn vào hố rác gần đó có nhiều bao nilông và hộp nhựa cũng đủ hiểu đây là chỗ ăn trưa của rất nhiều tài xế đường dài.

Ăn chưa xong thì một chiếc xe tải biển Quảng Trị cũng treo băngrôn "Sài Gòn ơi cố lên" trờ tới, tài xế mở cửa cabin hỏi vọng: "Ăn xong chưa tới lượt tụi tui". Chúng tôi cười, các anh cũng cười, tình cảnh này có lẽ sẽ là một phần lịch sử trong góc nhớ mỗi người những ngày sẻ chia yêu thương với miền Nam máu thịt.

Tài xế chuyến xe yêu thương của Quảng Trị tên Nguyễn Đình Hoàng lúc chờ chúng tôi dọng dẹp "chỗ ăn" nhường cho nhóm của anh, đã nói vui "Chắc trăm năm nữa cũng không có cảnh ni mô, miền Trung đi giúp miền Nam. Ăn cơm lề đường mà cũng chờ nhau".

Chẳng hiểu hữu duyên thế nào, tối hôm đó khi xe dừng lại ở xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, Khánh Hòa ăn tối thì mấy chiếc xe yêu thương từ các tỉnh bạn cũng trờ tới. Có lẽ cả một đoạn đường dài, chẳng có chỗ nào thả mông ngồi ăn, nên khi thấy có chỗ phù hợp lại cùng tìm đến.

Dưới ánh đèn mờ mờ chiếu ra từ một nhà xưởng ven quốc lộ 1, những bữa cơm vội vã của cánh tài xế chở nhu yếu phẩm thiết yếu diễn ra chóng vánh rồi lại tiếp tục hành trình, để kịp chuyển hàng đến tay người dân khó khăn ở TP.HCM vào sáng mai.

Mỗi chuyến hàng chở tấm lòng của người dân cả nước hướng về đồng bào miền Nam thời điểm này là những nhọc nhằn mà anh Trực dùng từ "mằn mặn" quả rất đúng. Chính công ty anh tự bỏ tiền mua nhu yếu phẩm, rồi tiếp nhận thêm từ tấm lòng thơm thảo của bà con chuyển vào TP.HCM. Nhưng anh cũng không thể hình dung được khó khăn chờ đón nhiều đến vậy.

Anh Trực nói: "Đi vầy mới thấm thía tấm lòng của người miền Nam ngược bão lũ chi viện cho người miền Trung mình bao năm qua. Ân tình ấy, đi chục chuyến thế này cũng không báo đáp hết!".

tập 4

TTO - Con rể, cha vợ chung nghề tài xế, họ chung luôn cả suy nghĩ hướng về miền Nam thân yêu. Cha con bất chấp hiểm nguy, xung phong ngược xuôi cùng những chuyến xe hàng chở nghĩa tình thơm thảo miền Trung về đồng bào miền Nam.

"Lúc này, bà con Sài Gòn đang cần mình giúp đỡ thêm, làm gì được thì làm" - đó là suy nghĩ của tài xế Hoàng Anh Tiến (57 tuổi) và tài xế Võ Văn Cường (27 tuổi).

Hai cha con thay nhau lái chiếc xe nghĩa tình biển số 76C-102.44 hết chuyến này đến chuyến khác, và lời hứa "còn hàng sẽ còn chở vào miền Nam" khiến chúng tôi xúc động.

Tuổi nghề của tài xế Tiến còn nhiều hơn tuổi đời của tài xế Cường. Khoảng cách thế hệ chẳng thể ngăn được khoảng cách suy nghĩ của họ rất gần nhau. Anh Cường bảo, đêm trước Chuyến xe 0 đồng đầu tiên, hai cha con ngồi nói chuyện với nhau. Cũng đắn đo suy nghĩ, bởi tài xế Tiến luống tuổi, còn tài xế Cường có vợ đang mang bầu. Hai người lại là cha vợ, con rể, nếu chẳng may "dính" COVID-19 thì sẽ nguy hiểm cho cả gia đình. Nhưng rồi cha con vẫn quyết tâm lên đường.

"Em nói với ba là thôi cứ lên đường, giờ ai cũng ngại dịch bệnh thì bà con Sài Gòn khó khăn lắm" - Cường chia sẻ. Chúng tôi hỏi: "Thế không sợ vợ mang bầu ở nhà lo lắng à?". Cường có vẻ trầm tư, dẫu sao đó cũng là điều dễ hiểu, bởi gia đình là điều quý giá nhất của mỗi con người. Nhất là với chàng trai trẻ như Cường, tổ ấm chỉ mới dựng lên được hơn một năm.

Ông Tiến cầm vôlăng cười lớn như để xua đi nỗi lo của con rể bất chợt ùa về. Ông bảo từ ngày xung phong chở hàng, chuyến nào về cha con cũng xét nghiệm PCR để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo nên an tâm. Từ khi chọn làm "người vận chuyển" nghĩa tình mùa dịch, cả hai ý thức giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và "ở lì" trên xe, không về nhà để tránh tối đa những rủi ro có thể xảy đến.

"Thời chiến cha chú ra trận, đạn bom nổ rầm rầm, sống chết bất cứ lúc nào còn không sợ. Mình đi giữa thời bình mà sợ gì. Lúc này, bà con cần mình thì lên đường thôi, tính quá hóa non. Cứ nghĩ đi như bao ngày qua lái xe chở hàng cho đỡ nặng đầu" - tài xế Tiến nói rồi cười khà khà.

Mà thật sự, lái xe giữa trận đại dịch ảnh hưởng toàn cầu đâu giống ngày thường. Cha con ông Tiến phải mang theo bếp gas mini, chén bát và thực phẩm. Đi đến đâu nấu ăn đến đó. Chỉ khổ nhất là tắm giặt, không có bến bãi nào mở cửa. Hai cha con phải "ở dơ" cho đến khi về lại Quảng Ngãi. Trong suốt hành trình cùng hai cha con, mỗi lần có xe chở nhu yếu phẩm từ các tỉnh bạn lướt qua, họ lại bóp còi như một cách giao tiếp, thân mật hỏi thăm nhau.

Với ông Tiến, mấy chục năm qua cũng nhờ những chuyến hàng từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai... gửi về Quảng Ngãi mà ông thêm phần chăm lo được cho gia đình mình.

Nghề tài xế nay đây mai đó, nếu không đón nhận những ân tình từ sự cưu mang, đùm bọc của người dân nơi đất khách thì làm sao trụ được cho đến bây giờ.

Ông Tiến dự tính 3 năm nữa sẽ nghỉ hưu, và thời điểm miền Nam khó khăn chưa từng có này là dịp ông có thể trả lại chút ân tình mấy chục năm qua đã nhận.

Còn chàng rể trẻ cũng học được bài học yêu thương và sẻ chia để có thể thêm yêu và gắn bó với nghề ôm vôlăng mình đã chọn.

Từ khi chở chuyến hàng đầu tiên vào ngày 21-7, đến nay cha con tài xế Tiến đã chở thêm 4 chuyến hàng nữa. Họ vào đến TP.HCM, xuống hàng xong là lập tức quay đầu cho kịp chuyến hàng sau, gần như chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Để hành trình không bị gián đoạn, cha con tự phân công lịch: "Cha lái ngày, con chạy đêm", thay nhau ngủ cho đảm bảo sức khỏe.

Đêm, chúng tôi xuyên qua Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, phía ngược chiều những đoàn xe máy đang hối hả trở về quê. Tài xế Cường nhìn những đứa trẻ ngủ gục trong tay mẹ trong lúc người cha mệt mỏi, căng mắt giữa đêm lái xe máy. Anh chùng giọng: "Nhìn thương ghê, cả nhà vào TP.HCM mong kiếm tiền mưu sinh. Vì dịch mà dắt díu nhau về giữa đêm như vậy. Chốt kiểm dịch nào cũng đông nghịt người khai báo y tế, chờ đi cách ly tập trung. Mong sao có thêm nhiều xe chở hàng vào tiếp tế cho bà con đỡ khổ phần nào hay phần đó".

Mấy chục năm xuôi ngược ở TP.HCM, ông Tiến quen biết cũng nhiều. Mấy ngày qua, mỗi chuyến hàng ông Tiến đều đăng lên trang mạng xã hội vừa để thông báo cho công ty, gia đình nắm tình hình, vừa tiện cho người dân khó khăn ở TP.HCM biết xe chở nhu yếu phẩm liên hệ.

"Nhiều hoàn cảnh khó khăn, họ liên hệ xin cho khu trọ của mình. Tôi chỉ có công chứ đâu có của, nên nắm danh sách về báo cáo lại công ty. Công ty làm việc với Nhà nước để phân phát cho phù hợp. Làm sao ai cũng có chút quà quê là mình vui rồi" - tài xế Tiến nói.

Ông Lê Văn Hải, giám đốc Công ty TNHH Quý Trường Hải, tâm sự công ty thật may mắn khi có những nhân viên như cha con ông Tiến - tinh thần trách nhiệm, ý thức phòng dịch cao và luôn sẵn sàng vì cái chung.

"Công ty tôi cam kết với Mặt trận Tổ quốc tỉnh rằng có bao nhiêu hàng chúng tôi cũng có xe chở miễn phí vào Nam cho bà con. Cứ cho địa chỉ, chúng tôi sẽ đến nhận hàng và lên đường. Trừ khi hàng nhiều quá cần tăng chuyến tôi mới điều tài xế xe khác, còn lại cha con anh Tiến nhận chở hết. Chắc hai cha con không biết, nhiều hội nhóm ở TP.HCM nhận hàng điện về công ty khen cha con anh ấy dữ lắm. Tôi cũng vui lây" - ông Hải nói.

Hai cha con tài xế Tiến không phải cá biệt trong rất nhiều chuyến xe đầy ắp yêu thương từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về miền Nam những ngày qua. Nhưng họ là một phần hiện diện và đủ đầy cảm xúc của những con người lặng lẽ cầm vôlăng chuyên chở nghĩa tình vì đồng bào lúc khó khăn.

Cha con tài xế Tiến nói còn hàng sẽ còn chở, chở cho đến khi nào miền Nam trở lại bình thường mới thôi. Lời nói ấy như khẳng định cả nước luôn bên cạnh miền Nam, luôn sẵn sàng chia sẻ đắng cay và người dân cả nước biết nhận từ TP.HCM thì cũng biết cho đi lúc TP cần. Sẽ còn những hành trình nghĩa tình phía trước chờ đợi cha con tài xế Tiến những ngày đến...

tập 5

Sáng 10-8, Sở NN&PTNT Kiên Giang phối hợp Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang khởi hành 3 chuyến xe chở hơn 5 tấn lương thực, thực phẩm đi TP.HCM hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn trong các vùng phong tỏa, khu cách ly.

Trước đó, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã vận động các nhà hảo tâm và lực lượng trong ngành ủng hộ được 2,5 tấn gạo, 1 tấn cá biển, 1,5 tấn dưa leo và 5.000 quả trứng để chia sẻ với bà con ở TP.HCM.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết thêm, các chuyến xe vận chuyển được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đảm nhiệm. Các xe được phun khử khuẩn, tài xế được xét nghiệm COVID-19 và trong suốt quá trình di chuyển phải mặc đồ bảo hộ.

Tỉnh Kiên Giang đã chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT TP.HCM làm đầu mối, ủng hộ thông qua Liên đoàn Lao động của thành phố để phân phối số quà tặng này đến tay bà con trong vùng cách ly.

Thời gian tới, Kiên Giang sẽ tiếp tục vận động hỗ trợ để góp phần chung tay cùng với chính quyền thành phố hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân gặp khó khăn trong thời gian dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
THANK YOU
 


Các bài viết trong chủ đề này
RE: THU THẬP từ MÙA COVID THÁNG 5/21 - dieuquang - 31-07-2021 01:01 PM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS