Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
CẦU NGUYỆN VÀ KẾT QUẢ
18-03-2013, 10:04 AM
Bài viết: #1
CẦU NGUYỆN VÀ KẾT QUẢ
DQ ĐỌC ĐƯỢC BÀI NÀY NGẨM NGHỈ THẤY HAY HAY VÀ CŨNG CÒN SỐ ÍT THEO DỎI NÊN XIN GỬI LÊN BÀ CON THAM KHẢO:

CẦU NGUYỆN VÀ KẾT QUẢ
Thích Nhật Từ

Trong đạo Phật, cầu nguyện hay ước muốn dù là đạo đức và cao thượng cũng có giá trị rất giới hạn, ở phạm vi của ý chí, chứ chưa thể hiện cụ thể ở hành động. Ðạo Phật do đó đề cao chủ thuyết hành vi đạo đức có chủ ý (cetana) như là nền tảng của các thành công và toại nguyện trong cuộc sống. Nói cách khác cầu nguyện hay ước muốn dù tốt đẹp đến đâu nếu không có hành động hay ứng dụng cụ thể cũng trở nên vô ích. Học thuyết hành vi đạo đức của Phật giáo trên cơ sở này đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống đạo đức của con người. Ðạo Phật không dạy ta sống với những ước muốn hay cầu nguyện suông, trái lại dạy ta các phương pháp cụ thể để biến niềm mơ ước chân chánh và cao đẹp trở thành hiện thực.

Trên tinh thần hành động là quan trọng, ước muốn là phụ thuộc, đạo Phật đã dạy chúng ta sống với một thái độ tự tin vào các hành thiện và đạo đức của bản thân trong việc mang lại hạnh phúc và sự toại nguyện trong đời. Một khi hiểu được đạo lý nhân quả của Phật, nghĩa là hiểu rằng không có ai cầm cân cuộc sống thưởng phạt, ngoài chính hành vi thiện ác của chúng ta, người Phật tử không phải mất thời giờ để cầu nguyện hay ước muốn này nọ. Nếu thần linh không thể giúp được họ trong các hành vi bất thiện nếu có của họ, thì thử hỏi làm sao họ có thể cứu giúp được chúng ta. Thần linh và thượng đế nếu có cũng không sống ngoài quy luật nhân quả tương duyên. Do đó, người Phật tử không dại gì phải trông chờ vào một quyền năng bất thật của thượng đế, chúa trời, mẹ sanh mẹ độ, đức ông, đức bà v.v. Người Phật tử ý thức sâu sắc rằng, một khi đã tạo nghiệp ác, dù có van xin, chúng ta cũng phải là người gặt hái kết quả đau khổ của nó. Không ai có thể đánh đổ quy luật muôn đời này. Sau đây là một đoạn kinh cho thấy rõ điều đó:

"Nếu ai làm 10 nghiệp ác, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu khẩn van xin, thành kính mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Làm 10 nghiệp ác phải rơi vào đọa xứ. Sự thể như có một người quăng tảng đá vào hồ nước, rồi nhiều người đến cầu khẩn van xin cho tảng đá ấy được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì tảng đá, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời cầu khẩn. Cũng vậy, tạo 10 nghiệp ác thì phải rơi vào đọa xứ "(Tương Ưng IV, 313).

Ở đây lời của Phật nhằm xác quyết rằng hành vi ác và bất thiện là nguyên nhân gây ra các hậu quả khổ đau, mà người đã tạo ra nó phải gánh chịu trong đời của mình, dù hiện tại hay về sau. Sức gia trì và cầu nguyện trong trường hợp này không có giá trị đạo đức nào cả. Bởi lẽ, nếu cầu nguyện có kết quả thì chắc chắc rằng những người triệu phú, tỷ phú trên thế gian này phải là những người siêu sanh trước nhất, được hết tội trước nhất, do tiền rừng biển bạc của họ tung ra trong các buổi cầu nguyện tôn giáo.

Theo đức Phật nhân quả là người thẩm phán tuyên án đau khổ cho người đã tạo ra nghiệp xấu ác và ban thưởng hạnh phúc cho người hiền lương. Vị thẩm phán này không thể bị các hình thức hối lộ thế gian tác động, để cải đen thành trắng, để trắng án, như trong các trường hợp của pháp luật đời. Vị thẩm phán của nhân quả rất công minh, chính xác và không lầm lẫn trong khi phán quyết nghiệp báo của các hành vi thiện ác.

Về phương diện cầu nguyện hay ước muốn thiện, đức Phật cũng khẳng định rằng cầu nguyện về điều thiện mà không nỗ lực thực hiện thiện cũng trở nên vô ích và không có kết quả nào cả. Trong các buổi cầu nguyện cao đẹp, thường người ta mong mỏi cho mình nào là có sức khỏe, sống thọ, có danh thơm tiếng tốt, có được sắc đẹp, có hạnh phúc v.v. Ðức Phật khẳng định rằng những thứ này không thể do cầu nguyện hay ước muốn suông mà có được:

"Này các vị, có năm điều sau đây không thể do cầu nguyện hay ước muốn mà có được: (1) tuổi thọ (àyu), (2) sắc đẹp (va.n.na), (3) hạnh phúc (sukha), (4) danh tiếng (yasa) và (5) sanh cõi trời (sagga)." [Tăng Chi, Anguttara Nikàya, III. 47]”

Nghĩa là theo đức Phật, muốn có sức khỏe chúng ta phải sống tiết độ, thiền định, không sa đắm sắc dục, không rượu chè, hút sách, siêng thể thao, và ngủ nghỉ thích hợp. Muốn có sắc đẹp ta phải biết giữ gìn sức khỏe, ăn uống kiêng cử, nghỉ ngơi hợp lý, làm việc điều độ v.v. Muốn có đời sống hạnh phúc ta phải làm thiện, bỏ ác, tuân thủ pháp luật, sống vì lợi ích của mình và người khác. Muốn có danh tiếng ta phải siêng năng học tập, làm việc chăm chỉ, sống có lương tâm, đạo đức, cương trực, liêm sĩ, công bằng, thanh cao, rộng lượng giúp đỡ người khác và làm nhiều việc tốt. Muốn sanh cõi trời thì phải tu nhân tích đức, phát triển 10 hạnh lành, tu thiền định, bố thí cúng dường và làm nhiều việc từ thiện. Nói chung tất cả những thứ đó không thể do cầu nguyện hay ước muốn mà có được. Ở đây, chúng ta thấy chủ nghĩa hành động đạo đức là phương châm của một đời sống hạnh phúc và an lạc theo Phật giáo.

Kinh điển Phật giáo cũng xác định rằng một đời sống an lạc, hạnh phúc và giải thoát không phải là hệ quả của những ước muốn cao đẹp mà là kết quả của quá trình nỗ lực trau dồi đạo đức, thiền định và trí tuệ:

"Một người không chú tâm trong sự tu tập, dẫu có khởi lên ước muốn được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ, ước muốn ấy nhất định không được toại nguyện" (Tăng Chi III A, 123. Tương Ưng III, 184).

Nói cách khác các ước muốn hay cầu nguyện cao đẹp trái với nguyên lý nhân quả báo ứng chỉ là một sự mỏi mòn chờ đợi, vô ích và không cần thiết, và đôi khi còn mang lại sự chán chường và thất vọng:

Vắt sữa nơi "sừng" con bò cái
Tìm dầu nơi thùng cát có nước
Dầu ước nguyện cũng không thành tựu -- (Kinh Trung Bộ I, 103).

Sự giác ngộ, giải thoát hay chứng đắc trong Phật giáo là kết quả của quá trình dày công tu tập, chặt đốt phiền não, lậu hoặc. Sự tận diệt phiền não là cội nguồn của Niết-bàn, của đạo quả Vô thượng Bồ đề. Nhưng đó không phải là hệ quả của cầu nguyện hay cứu rỗi:

"Muốn chứng được Vô thượng Bồ đề mà không đoạn trừ Sát Ðạo Dâm Vọng, chẳng khác nào như nấu cát muốn thành cơm, dù trải qua ngàn ức kiếp cũng không thể nào thành tựu được" (Lăng Nghiêm, VI, 234-242).

Trong quá trình hướng đến giải thoát của mọi hành giả, Ðức Phật đã tuyên bố là Ngài chỉ đóng vai trò của Ðạo Sư dẫn đường, không thể ban bố cho chúng ta kết quả giải thoát. Do đó để đạt chân lý giải thoát, chúng ta phải là hành giả tu tập, như bài kệ dưới đây, Ðức Phật đã khuyên:

"Hãy tự siêng trau dồi,
Như Lai chỉ thuyết dạy.
Tự hành trì thiền định,
Tự giải thoát ác nghiệp" (Kinh Pháp Cú, kệ 276)

Sự tu tập trên cơ sở nỗ lực của tự thân còn được Ðức Phật sánh ví với ốc đảo vững chắc, chính trên cơ sở này hoa tỉnh thức sẽ nở rộ, phiền não nghiệp chướng bị tiêu trừ:

"Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp sáng suốt,
Trừ cấu uế: thanh tịnh.
Ðến thánh địa chư Phật" (Kinh Pháp Cú, kệ 236).

Và Ðức Phật cũng lưu ý chúng ta, không phải từ Ngài, không phải từ ân sủng cứu chuộc của Thiên Chúa, không phải do một ai, mà chính do sự tự tu tập của chúng ta dẫn chúng ta đến sự giác ngộ. Có như vậy, sự giác ngộ ấy mới vững chắc:

"Chẳng phải nương người khác,
Mà đạt được Niết-bàn,
Do tự điều, tự nương,
Mà đích đến kiên cố " (Kinh Pháp Cú, kệ 323).

Do đó, người Phật tử khi nắm vững nguyên lý nhân quả nghiệp báo là cán cân thưởng phạt chính xác, công bằng, nên không hoài công nhọc sức mong đợi, vọng cầu. Trái lại khi làm xong bất kỳ việc thiện nào, họ trở nên thản nhiên, ung dung, không chờ đợi kết quả, vì họ biết chắc chắn rằng kết quả tốt sẽ đến, không chóng thì chày. Hai câu thơ vô danh sau đây cho thấy một niềm tin chân chánh đó:

Khai trì bất đãi nguyệt
Trì thành tất tự lai

Tạm dịch là:

Ðào ao chẳng đợi trăng sao
Khi ao có nước trăng sao hiện về!

Nói tóm lại, cầu nguyện có giá trị rất giới hạn trong đời sống đạo đức của người Phật tử. Người Phật tử theo đúng tinh thần Phật giáo là người theo chủ nghĩa hành động thiện, chứ không phải là người chỉ biết ước vọng thiện. Chính hành động thiện quyết định đời sống đạo đức chứ không phải những cầu nguyện hay ước nguyện chân thành.
[Hình: attachment.php?aid=5090]


File đính kèm Thumbnail(s)
   
THANK YOU
[-] dieuquang được 4 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (18-03-2013 10:11 AM), Hoang Oanh (18-03-2013 11:24 AM), langtrang (18-03-2013 01:51 PM), MyHang (18-03-2013 04:18 PM)
19-03-2013, 11:06 AM
Bài viết: #2
RE: CẦU NGUYỆN VÀ KẾT QUẢ
Đọc cầu nguyện và kết quả
Những người theo đạo Phật đều có tâm linh tin tưởng vào cầu nguyện, nên em không ngoại lệ.
Hôm nay đọc cầu nguyện và kết quả em mới biết chúng ta phải cầu nguyện như thế nào, em chỉ cầu nguyện cho gia đình bình an mà thôi.
Cảm ơn anh hai thật nhiều đã cho em kiến thức về đạo Phật

TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN
THANK YOU
[-] Hoang Oanh được 1 thành viên cám ơn cho post này:
MyHang (20-03-2013 08:27 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS