Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
ÁO DÀI TRONG THƠ NHẠC
01-06-2013, 11:01 AM
Bài viết: #1
ÁO DÀI TRONG THƠ NHẠC
MỜI XEM NHE BÀ CON, DQ SƯU TẦM THẤY HAY HAY. KHÔNG XEM UỔNG ĐẤY, có kem anh 3 vẻ đẹp ý. Blush

Áo dài trong thơ và nhạc


[Hình: attachment.php?aid=5737]


Chiều nào áo tím nhiều quá / lòng thấy rộn ràng nhớ người...
Giọng hát trầm ấm, dìu dặt của Duy Trác cất lên đâu đó trong một ngày đầu thu gợi nhớ hình ảnh và nơi chốn thân quen trước “cổng trường áo tím” những chiều tan học. Áo tím túa ra như đàn bướm, áo tím thướt tha dọc theo những “lối đi dưới lá” trên lề đường Phan Thanh Giản, trên những đường phố Saigon ngập nắng. Những tà áo nhẹ bay trong gió từ lâu lắm đã đi vào thi ca, làm rung động lòng người và là nguồn cảm hứng vô tận của những người làm thơ, viết nhạc. Tà áo nên thơ ấy, dưới đôi mắt ngắm nhìn của người nghệ sĩ, là bức tranh sinh động với nhiều đường nét, nhiều dáng vẻ, thể hiện qua từng lời thơ ý nhạc:
Dưới mắt Phạm Đình Chương là “Áo bay mở, khép nghìn tâm sự...” (Mộng dưới hoa)
Dưới mắt Vũ Thành là “Áo dài bay ngờm ngợp cả khung trời...”(Mùa kỷ niệm)

Dưới mắt Hoàng Dương là “Áo mầu tung gió chơi vơi...” (Hướng về Hà Nội)

Dưới mắt Trịnh Công Sơn là “Áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều...” (Tình nhớ)

Những vạt áo dài, từ lâu lắm, đã lất phất trong những trang thơ tiền chiến. Từ…

“Đôi tà áo lụa bay trong nắng” (Áo lụa, Bàng Bá Lân) đến…

“Nắng thơ dệt sáng trên tà áo
lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài” (Áo trắng, Huy Cận)

Áo dài cũng len cả vào những câu lục bát trữ tình của Nguyễn Bính:

“Hồn anh như bông cỏ may
một chiều cả gió bám đầy áo em” (Bông cỏ may)

Và len cả vào dòng thơ hào hùng và lãng mạn của Quang Dũng:

“Em đi áo mỏng buông hờn tủi
dòng lệ thơ ngây có dạt dào” (Đôi bờ)

Áo dài còn là giấc mơ thanh bình của những làng quê hiền hòa trong tình ca quê hương của Phạm Duy:

Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi / mơ thấy bên lề cuộc đời / áo dài đùa trong tiếng cười… (Quê nghèo)

Áo dài lướt thướt như vạt áo của nàng Xuân trong thơ Trần Mộng Tú:

“Tôi gói xuân vào hai vạt áo
ngước nhìn mây trắng dạ mang mang” (Mẫu Đơn)

Áo dài bồng bềnh như dải trăng thu huyền ảo trong thơ Nghiêu Minh:

“Dấu thu kinh tự còn mê
Em mang tà áo bốn bề là trăng” (Thu vô lượng)

Kỷ niệm êm đềm về một tà áo, một đôi mắt huyền được Tô Vũ ghi lại bằng nét nhạc lâng lâng:

Em đến thăm anh / người em gái
Tà áo hương nồng / mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh…(Em đến thăm anh một chiều mưa)

“Ta ước mơ một chiều thêu nắng...”, nỗi “ước mơ” của chàng nhạc sĩ họ Tô ấy được vẽ lại trong những câu lục bát Trần Dạ Từ. Trong phút giây chờ đợi bước chân người tình khe khẽ đến bên hiên nhà, chàng tưởng chừng nghe được cả tiếng gió lay động vạt áo dài và tiếng lá nhẹ rơi bên thềm:

“Môi cười vết máu chưa se
cành hoa gạo cũ nằm nghe nắng hiền
Anh nằm nghe bước em lên
ngoài song lá động, trên thềm áo bay” (Khi nàng đến)

Áo bay làm gió lộng cả đường đi, làm… lay động cả trái tim chàng nhạc sĩ Tuấn Khanh:

Mỗi lần em về là gió lộng đường đi / Anh nhìn em bồi hồi trông theo tà áo… (Từ đó khôn nguôi)

Áo bay làm nhớ nhung, như nỗi nhớ da diết một mầu áo, một đôi môi thắm trong nhạc Từ Công Phụng:

Chiều nay nhớ em rồi / và nhớ áo em đẹp trời thơ / môi tràn đầy ước mơ… (Bây giờ tháng mấy)

Áo bay làm ngơ ngẩn, như chàng Huy Cận thuở mới lớn, trước cổng trường nữ sinh:

“Một hôm trận gió tình yêu lại
đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” (Học sinh)

Áo bay mất làm “cậu học trò” rụt rè Nguyên Sa phải hối tiếc vì một lời yêu chưa kịp nói:

“Nàng đến gần tôi chỉ dám... quay đi
Tà áo khuất, thì thầm: ‘Chưa phải lúc’” (Tuổi mười ba)

Áo bay trong nắng sân trường làm anh chàng làm thơ Kim Tuấn phải bâng khuâng:

“Áo chiều bay trong nắng
sân trường ai bâng khuâng” (Thu ở xa người)

Áo bay làm chàng thi sĩ đa tình Nguyễn Tất Nhiên phải thẫn thờ, dõi mắt nhìn theo mãi một tà áo vu quy:

“Đò qua sông chuyến đầu ngày
người qua sông mặc áo dài buông eo” (Chuyến đò Cửu Long)

Áo bay mịt mù theo gió theo mây, như cánh chim đã bay mất, như tình đã vụt bay trong thơ Như Thương:

“Thôi thì anh, cánh chim bay
Em tà áo mỏng theo mây nghìn trùng” (Vàng thu)

“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong”

[Hình: attachment.php?aid=5738]

Áo trắng trinh nguyên tuổi học trò, áo trắng của “một thời áo trắng”, từng làm ngất ngây trái tim bao chàng trai, để đêm đêm trong giấc ngủ chập chờn còn trông thấy “áo ai bay trắng cả giấc mơ”.2

Áo trắng như dòng suối mát trong thơ Huy Cận:

“Dịu dàng áo trắng trong như suối
tỏa phát đôi hồn cánh mộng bay” (Áo trắng)

Áo trắng như lụa trắng trong thơ Hoàng Anh Tuấn:

“Áo em lụa trắng sông Hương
qua đò Thừa Phủ nhớ thương rạt rào” (Về chân trời tím)

Và trong thơ Nguyễn Tất Nhiên:

“Đài các chân ngà ai bước khẽ
quyện theo tà lụa cả phương đông” (Tháng Giêng, chim)

Và trong thơ Kim Tuấn:

“Em về tà áo lụa
bay ngập ngừng trong anh” (Thu ở xa người)

Và cả trong thơ Nguyên Sa:

“Guốc cao, gót nhỏ, mây vào gót
áo lụa trăng mềm bay xuống thơ” (Tám phố Saigon)

Áo trắng như gió, như mây, để “nhà thơ của tình yêu” phải bâng khuâng:

“Có phải em mang trên áo bay
hai phần gió thổi, một phần mây?
Hay là em gói mây trong áo
rồi thở cho làn áo trắng bay?” (Tương tư)

Áo trắng của nhà thơ còn là dải sương mù lướt thướt trên bến sông Seine giữa kinh thành hoa lệ Paris, gợi nhớ một vạt áo dài mềm mại nơi chốn xa quê nhà:

“Anh về giữa một dòng sông trắng
là áo sương mù hay áo em” (Paris có gì lạ không em?)

Áo trắng của Hoàng Thi Thơ là bướm trắng, là hoa trắng, là mây trắng…

Ngày nào em đến áo em mầu trinh / áo xinh là xinh
Áo em trong trời buồn / là gió / là bướm / là hoa / là mây chiều tà… (Hình ảnh người em không đợi)

Áo trắng một màu trắng thanh khiết trong nhạc Nguyễn Vũ:

Áo trắng em bay như cánh thiên thần… (Bài thánh ca buồn)

Áo trắng nhẹ bay trong chiều giáo đường trong nhạc Lê Trọng Nguyễn:

Tà áo trinh nguyên tung bay / nụ cười thân ái… (Chiều bên giáo đường)

Áo trắng một màu trắng xóa làm hoa cả mắt nhà thơ Hàn Mặc Tử:

“Áo em trắng quá nhìn không ra” (Đây thôn Vĩ Dạ)
Áo trắng như bài thơ trên những nhịp cầu chênh vênh đón bước ai qua trong thơ Y Dịch:

“Áo em trắng cả bài thơ
Cầu cong giữa nhịp chân chờ bước ai” (Tiễn đưa)
Áo trắng níu chân người trên đường phố dập dìu trong nhạc Phan Ni Tấn:
Nghe xôn xao thị thành / áo ai trắng bay mù lòng đường / làm rối bước anh về cõi thơ... (Sinh nhật của cây đàn)
Áo trắng không còn bay trên những đường phố cũ trong nhạc Phạm Anh Dũng:
Xa xôi ngàn khơi đâu tà áo trắng / Duy Tân im lìm phố vắng / thương cây lá hoang tàn… (Nhớ Saigon)
Áo trắng xôn xao mùa tựu trường trong thơ Đoàn Vị Thượng:
“Sáng nay áo trắng tựu trường
gót chân cuống quýt cả hương cúc vàng” (Ánh mắt tựu trường)
Áo trắng lượn lờ như đôi cánh trắng trong thơ Luân Hoán:
“Tà áo trắng xoè như đôi cánh lượn
trải dịu dàng trên cỏ mượt mà xanh” (Trong sân trường bữa ấy)
Áo trắng trên đường lá me bay và ánh mắt trông theo trong thơ Trần Huy Sao:
“Đường em về vàng rụng lá me trưa
anh ngơ ngẩn vời theo màu áo trắng” (Áo trắng học trò)
Áo trắng ngày xưa nay trôi dạt về đâu, để lại nỗi tiếc nhớ trong thơ Ngàn Sau:
“Tôi về Ban-mê-thuột chiều mưa
em ơi áo trắng bây giờ ở đâu?” (Nhớ Ban Mê)
Bao nhiêu là áo trắng trên sân trường kỷ niệm!…
Mỗi người đều cần có một mái trường để luyến tiếc, để nhớ về... Nhớ về ngôi trường cũ là nhớ về những người thầy, người bạn, nhớ về những lớp học, những giờ ra chơi, những tà áo mầu, áo trắng mềm mại và những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người.

“Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc"

[Hình: attachment.php?aid=5739]

Áo bay như bướm lượn, áo bay như đàn bướm muôn mầu muôn sắc trong khu vườn mùa xuân. Áo bay nhiều quá, để chàng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm... thơ:
Hôm nay sao áo bay nhiều thế! / Tôi tưởng ngàn cánh bướm khoe mầu… (Tà áo cưới)
Áo mầu của Phạm Duy lất phất trong gió chiều như lòng người... phất phơ:
Xin cho em một chiếc áo mầu / cho em đi nhẹ trong nắng chiều
Một chiều nhiều người theo / ở ngoài đường trên phố / và lòng người như áo phất phơ… (Tuổi ngọc)
Nhớ về một mầu áo là nhớ về những đường phố quen tên, nhớ áo ai bay trong chiều trên những con đường ngập xác lá vàng, như nỗi nhớ ngút ngàn của Trịnh Công Sơn:
Nhớ Saigon những chiều lộng gió / lá hát như mưa suốt con đường đi
Có mặt đường vàng hoa như gấm / Có không gian mầu áo bay lên… (Em còn nhớ hay em đã quên)
Những tà áo muôn mầu muôn vẻ vẫn khoe sắc thắm trong những trang thơ và nhạc. Áo vàng trong thơ Nguyên Sa có khi là bông cúc vàng:
“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc” (Tuổi mười ba)
Có khi là nắng thu vàng:
“Có phải mùa xuân sắp sửa về
hay là gió lạnh lúc đêm khuya?
hay là em chọn sai mầu áo
để nắng thu vàng giữa lối đi?” (Tương tư)
Áo vàng như cánh mai vàng trong nhạc Trần Thiện Thanh. Người lính trẻ thấy sắc hoa rừng, mơ về mầu áo năm xưa:
Những hôm vừa xong phiên gác chiều ven rừng kín hoa mai vàng
chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ… (Đồn vắng chiều xuân)
Người lính chiến trong nhạc Phạm Đình Chương cũng bâng khuâng vì một sắc hoa, một mầu áo, một đôi mắt người xưa:
Ngày hành quân anh đi về cánh rừng thưa / thấy sắc hoa tươi nên mơ mầu áo năm xưa
Kỷ niệm đầu len len trở về tâm tư / Có mắt ai xanh thắm trong mộng mơ… (Màu kỷ niệm)
Tà áo màu xác pháo để lại nỗi buồn lắng đọng trong thơ Nguyễn Tất Nhiên:
“Người qua sông mặc áo hường
Nắng dương gian, nắng buồn hơn trước nhiều” (Chuyến đò Cửu Long)
“Áo em vạt tím ngàn sim
nửa nao nức gọi, nửa im lặng chờ

[Hình: attachment.php?aid=5740]

Áo mầu tím, mầu của “định mệnh”, của mộng mơ, của nhớ nhung và chia cách. Chuyện tình “ngàn thu áo tím” của cô bé trót yêu màu tím, được Hoàng Trọng, “nhạc sĩ của mầu tím”, kể lại:
Ngày xưa xa xôi em rất yêu mầu tím...
Chiều xuống áo tím thường thướt tha / bước trên đường thắm hoa / ngắm mây trời lướt xa…
Rồi khi vừa biết yêu là khi chia tay với mầu tím, chia tay với tình đầu:
Ngàn thu mưa rơi trên áo em mầu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em mầu tím… (Ngàn thu áo tím)
Trong mắt Vũ Thành, “nhà thơ của mầu tím”, khi mùa thu buông áo xuống một phương trời, mầu mây tím trông như mầu áo người mình yêu để lòng chàng gợn lên nỗi buồn trăn trở:
“Áo em tím cả phương này
anh nghe thành phố đêm nay trở buồn” (Áo tím)
Vạt áo dài mầu tím hoa sim, trong thơ Phạm Thiên Thư, chỉ là thoáng lay động, vừa ngập ngừng e ấp vừa nao nức gọi mời:
“Áo em vạt tím ngàn sim
nửa nao nức gọi, nửa im lặng chờ
Yêu nhau từ độ bao giờ
gặp đây giả bộ hững hờ khói bay” (Động hoa vàng)
Rồi áo tím qua cầu, mang theo cả mùa thu, để lại nỗi trống vắng mênh mang trong lòng nhà thơ Trang Châu:
“Thế giới của anh không có chân trời
không có mùa xuân lấy đâu hoa bướm
không có bàn tay cho bàn tay hò hẹn
áo tím qua cầu nên cũng hết mùa thu” (Thế giới của anh)
Có những gặp gỡ rất tình cờ, bất chợt, như gặp gỡ một tà áo tím, cũng đủ để lòng chàng nhạc sĩ Hoàng Nguyên mãi vấn vương theo mầu áo:
Một chiều lang thang bên dòng Hương giang / tôi gặp một tà áo tím / nhẹ thấp thoáng trong nắng vương…
Rồi lòng bâng khuâng theo mầu áo ấy… (Tà áo tím)

Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường”

[Hình: attachment.php?aid=5741]

“Nhạc sĩ của mầu xanh”, danh hiệu ấy có lẽ thuộc về hai chàng nghệ sĩ Đoàn Chuẩn–Từ Linh chứ chẳng ai khác hơn:
Với bao tà áo xanh đây mùa thu… (Gửi gió cho mây ngàn bay)
Câu hát nghe như bàn tay kéo nhẹ tấm màn cửa mở ra khung trời bát ngát mùa thu, bát ngát màu xanh.
Trong những dòng kẻ nhạc của hai chàng nghệ sĩ đa tình ấy vẫn luôn luôn thấp thoáng một “tà áo xanh” và một “màu xanh ái ân”:
Tà áo xanh nào về với giấc mơ / Mầu áo xanh là mầu anh trót yêu… (Thu quyến rũ)
“Trót”, như một định mệnh, buộc chặt người viết câu hát ấy với mầu xanh kia.
Hẹn một ngày nao khi mầu xanh lên tà áo… (Cánh hoa duyên kiếp)
Câu hát nghe như câu hẹn ước, như lời thề nguyền sắt son.
Khi nào em đến với anh / xin đừng quên chiếc áo xanh… (Tà áo xanh)
Còn lời dặn dò nào ân cần, thiết tha hơn thế nữa!
Nhớ về một mầu áo là “nhớ những giây phút êm đềm / nắng loang trên sân trường một chiều nào...” 4 Màu áo xanh trong thơ Nguyên Sa là màu cây cỏ xanh tươi trên sân trường phượng vỹ:
“Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường” (Tuổi mười ba)
Màu áo xanh trong nhạc Y Vũ & Nhật Ngân gợi nhớ một mái tóc, một tà áo thấm đẫm nước mưa:
Chiều xưa mưa rơi âm thầm / để thấm ướt chiếc áo xanh / và đẫm ướt mái tóc em… (Tôi đưa em sang sông)
Tà áo mầu xanh thắm của một “tiếng hát học trò” gieo vào lòng hai chàng nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Minh Kỳ bao “niềm thương nhớ đầy vơi”:
Thuở ấy không gian chìm lắng trong mơ / Tà áo em xanh / mầu mắt ngây thơ… (Tiếng hát học trò)
Thiếu nữ vừa biết yêu trong nhạc Trần Thiện Thanh cũng bồi hồi khoác vào người chiếc áo mầu xanh da trời trong lần hò hẹn đầu tiên:
Biết anh thích mầu trời / em đã bồi hồi chọn mầu áo xanh…(Bảy ngày đợi mong)
Tà áo dài trong nhạc Nguyễn Văn Đông có màu xanh của rừng thông Đà Lạt một mùa nào Giáng Sinh:
Tà áo năm xưa xanh màu thông Đà Lạt… (Màu xanh Noel)
Áo xanh mộng mị còn bay cả vào trong thơ “trung niên thy sỹ” Bùi Giáng:
“Biển dâu sực tỉnh giang hà
còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh” (Áo xanh)
Áo xanh mộng mị của một thời quên lãng trong thơ Đinh Hùng:
“Trong vườn quên lãng áo ai xanh” (Dạ hội)


* * *

Làm sao kể hết được câu chuyện về những vạt áo dài dịu dàng và thướt tha, những vạt áo dài lộng gió trong thơ và nhạc. Tà áo dài mềm mại đã nhẹ nhàng êm ái đến với cuộc đời, nhẹ nhàng êm ái đi vào lòng người...
Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, dù ở chốn quê nhà gần gũi, hay ở phương trời nào xa thẳm, chiếc áo dài cũng mang theo bầu trời quê hương, cũng mang về mùa xuân ấm áp trong lòng người Việt tha hương. Chiếc áo dài còn là biểu tượng thân quen để người Việt nhận ra nhau trên bước đường lưu lạc trong cuộc sống nổi trôi nơi xứ lạ quê người.
Thấy một vạt áo dài, thấy quê hương xa xăm mà gần gũi.
Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, chiếc áo dài truyền thống, chiếc áo dài duyên dáng và trữ tình của người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn luôn là hình ảnh khó phai mờ và còn đọng lại mãi trong lòng người.


File đính kèm Thumbnail(s)
                   
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (02-06-2013 03:18 AM)
02-06-2013, 03:17 AM
Bài viết: #2
RE: ÁO DÀI TRONG THƠ NHẠC
Áo dài, là trang phục Việt được thế giới mến mộ. Áo dài trắng nữ sinh mỗi lúc tan trường đã làm tăng vẻ đẹp của đường phố. Hồi còn ở VN, baothai có mấy người bạn làm cảnh sát giao thông có nút chốt tại ngã 3 đường Trần Hưng Đạo và đường vào trường Phụng Sự (quên tên đường rồi) tại Long Xuyên, cho nên baothai thường ghé đây vào mỗi lúc tan trường để ngắm những tà áo dài nữ sinh (và cũng là để ngắm con gái). Tại hải ngoại, áo dài VN đã làm say mê biết bao người và cũng có một số bạn nữ ngoại quốc mặc chiếc áo dài VN và hãnh diện được khoát nó lên người. Người Mỹ thường nói: " the Vietnamese traditional long dress (ao dai) so beautiful and so sexy. So với áo sườn sám TQ thì áo dài chúng ta hấp dẫn hơn nhiều.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
04-06-2013, 10:59 AM
Bài viết: #3
RE: ÁO DÀI TRONG THƠ NHẠC
LỊCH SỬ ÁO DÀI

________________________________________
Ai đã từng dắt xe đạp chở nàng áo thướt tha ở cổng trường Gia Long, ai đã từng theo trêu ghẹo các nữ sinh áo trắng trường Trưng Vương, ai đã mê mẫn đuổi theo vạt áo để đề thơ hẳn không quên những tà áo sinh viên mượt mà, tung bay trong gió thu. Từ những tà áo thật giản đơn đến những tà áo lộng lẫy từ những tà áo tô điễm cho các dịp lễ hội, đám cưới, đám tang, đến những tà áo thơ ngây dưới sân trường, tất cả đều có thể được mô tả bằng một danh từ chung: ÁO DÀI.

Cho đến nay, chưa ai rõ nguồn gốc đích thực cũa chiếc áo dài, chỉ biết rằng thủy tổ của nó, vốn làm bằng da thú và lông chim, xuất hiện trước thời Hai Bà Trưng (năm 38-42 trước Tây lịch) qua các hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ (5000 năm trước Tây Lịch). Theo truyền thuyết, Hai Bà Trưng đã mặc áo dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng, trang sức thật lộng lẫy khi cưỡi voi xông trận đánh đuổi quân nhàHán. Cũng tương truyền, do tôn kính Hai Bà, phụ nữ Việt Nam tránh mặc áo hai tà mà may thay bằng áo tứ thân với bốn thân áo tượng trưng cho bốn bậc sinh thành (cũa hai vọ chồng). Vả lại, khi đó kỹ thuật còn thô sơ, vải được dệt thành từng mảnh khổ nhỏ nên phải ghép bốn mảnh lại mới may đủ một áo, gọi quen là áo tứ thân. Áo gồm hai mảnh đằng sau chắp lại giữa sống lưng (gọi là sống áo), mép cũa hai mảnh được nối vào nhau và dấu vào phía trong. hai mảnh trước được thắt lên và để thòng xuống thành hai tà áo ở giữa, nên không phải cài khuy (cúc, nút) khi mặc. Bình thường, gấu áo được vén lên, chỉ khi có đại tang (tang chồng hay cha mẹ) mới thả xuống và mép vải để lộ ra ngoài thay vì dấu vào trong. Ðấy là hình ảnh chiếc áo dài tứ thân mộc mạc, khiêm tốn.

Sau khi xua quân đánh đuổi quân Hai Bà, tướng Mã Viện áp đặt một chế độ cai trị hà khắc nhằm đồng hóa nền văn hóa Việt. Hơn 1000 năm dưới sự đô hộ của Trung Hoa, chiếc áo dài, áo tứ thân cũng nỗi trôi theo mệnh nước nhưng không bao giờ bị xóa bỏ. Áo tứ thân vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, nhất là miệt quê, cho đến ngày hôm nay.

Vào thời vua Gia Long (1802-1819), chiếc áo dài tứ thân được biến cải thành áo ngũ thân, rất phổ thông trong giới quyền quý và dân thành thị. Áo ngũ thân cũng dược may như áo tứ thân, nhưng vạt áo bên phải phía trước chỉ được may bằng một thân vải, còn vạt áo bên trái được may bằng hai thân vải như vạt áo đằng sau. Ngoài ra, áo năm thân có khuy áo như đàn ông, lúc mặc có thể cài khuy như áo dài ngày nay hoặc thắt vạt như áo tứ thân. Về ý nghĩa, bốn thân áo chính tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và thân thứ năm (vạt con) tượng trưng cho người mặc áo; năm chiếc khuy tượng trưng cho đạo làm người theo Khổng Giáo: Nhân (lòng thương người, nhân từ), Lễ (biết trên, dưới), Nghĩa (nghĩa khí), Trí (sự sáng suốt, trí tuệ), Tín (uy tín). Rõ ràng, chiếc áo dài ngũ thân diễn đạt nhân sinh quan cũa Việt Nam nhưng không khỏi sự ảnh hưỡng cũa Trung Hoa qua nhiều năm đô hộ.

Khi triều đình Huế ký hòa ước Patenôtre nhượng quyền cai trị nước vào tay Pháp năm 1884, văn hóa Tây Phương bắt đầu du nhập vào Việt Nam, đi đôi với việc dạy chữ Quốc Ngữ thay chữ Nho. Cuộc sống bỗng biến đổi theo đà đua đòi cũa văn hóa Tây Phương, nhất là ở những đô thị lớn.

Sau khi chính phủ Pháp mở trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội, một lô cải cách cho chiếc áo dài truyền thống đã được một số người có tâm huyết với chiếc áo dài đưa ra. Các màu nâu, đen thường được thay bằng bằng các sắc màu tươi sáng hơn, gây sôi nổi trong dư luận quần chúng thới ấy. Năm 1934, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã khích động phong trào cải cách: "...Các nhà đạo đức thường nói: Quần áo chỉ là những vật dụng để che thân thể ta khỏi bị gió mưa, nắng lạnh, ta chẵng nên để ý đến cái đẹp, cái sang cũa nó làm gì...Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức cũa một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục cũa người nước họ, ta cũng đủ hiểu...." Trong thập niên 1930, Cát Tường đưa ra thị trường kiểu áo dài mới Le mur. Kiểu Le mur được vẽ theo kiểu áo đầm Tây Phương với nối vai và tay phồng, cổ lá xen, cài khuy trên vai, mặc với quần trắng, đeo bóp, che dù, v.v... Sau đó, họa sĩ Lê Phổ cải tiến áo Le mur và mẫu áo dài này được hoan nghênh trong Hội chợ Nữ Công Ðà Nẵng. Ðây là một kết hợp giữa áo Le mur và áo tứ thân, rất gần gũi với chiếc áo dài tân thời ngày nay: nối vai và tay không phồng lên, cổ kín, cài nút bên phải, thân ôm sát người, hai tà áo mềm mại bay lượn. Áo dài Lê Phổ được may bằng vải màu mặc với quần trắng, tóc búi lỏng hay vấn trần hoặc vấn khăn nhung. trong suốt gấn 30 năm sau đó chiếc áo dài Việt Nam không thay đổi bao nhiêu, ngoại trừ cổ áo, gấu áo, và eo áo: cổ áo thì lúc cao, lúc thấp, lúc rộng, lúc hẹp; gấu áo thì lúc vén cao, lúc hạ thấp; eo áo thí lúc nhỏ lúc to. Những thay đổi này đi đôi với những thay đổi nho nhỏ cũa chiếc quần phụ nữ: chân què qua đáy giữa, lưng quần thắt giải rút rồi tới giây thung, gài nút, và sau cùng là dùng phẹc-mo-tuya (fermeture), ống quần thì lúc rộng lúc hẹp theo thị hiếu thẩm mỹ cũa từng giai đoạn một.

Mãi đến đầu thập niên 1960, nhà may Dung Ðakao ở Sài Gòn đưa ra một kiểu áo dài mới: áo dài tay raglan mặc với quần xéo. Vì tay áo và thân áo được nối xéo góc khoảng 45 độ, kiểu áo dài raglan này tránh được những đường nhăn hai bên nách và vai (so với kiểu áo Lê Phổ). Chiếc quần xéo may bằng vải mềm, được xếp xéo góc khi cắt, có hông ôm sát người và hai ống lòa xòa dài qua mắt cá chân giúp cho nữ giới có những bước đi tha thước qua đôi guốc ẩn hiện dưới hai ống quần.

Sau áo dài raglan là áo dài mini-raglan, vốn là áo raglan may với tà áo cao gọn ghẽ. kiểu mini-raglan này được các nữ sing Sài Gòn ưa chuộng mãi cho đến cuối tháng Tư 1975.

Cảm thấy muốn tiến xa hơn, một số nhà may tại Sài Gòn đã tung ra thị trường kiểu áo dài ba tà gốm một vạt sau và hai vạt trước. Cổ áo cao, có khuy cài từ cổ xuống eo. Áo ba tà được mặc với quần ống voi, thứ quần dài có ống rộng thùng thình. Kiểu áo này không ưa chuộng cho lắm ví không thích hợp với bản chất ôn nhu cũa nữ giới Việt Nam.

Ngày nay, các nhà vẽ kiểu thời trang lại "thêm bớt" cho chiếc áo dài. Trong đó, có kiểu áo dài "ngắn" với hai tà áo ngắn lên qúa đầu gối, áo hớ cổ, áo một tay, v.v... Nhưng có lẽ khó có kiểu nào sánh được những chiếc áo mini-raglan trắng nõn mà các chàng ngơ ngẫn đứng chờ trước cổng trường Gia Long, Trưng Vương ngày nào.
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS