Đánh giá chủ đề:
  • 1 Votes - 1 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG ?
19-10-2011, 10:11 PM
Bài viết: #1
QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG ?
TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG
Lê Hoài Lê

Nói đến Vàm Cống – Bình Thành (Lấp Vò – Đồng Tháp) thì mọi người đều nghĩ đến một địa danh hữu tình,thân thiện và thơ mộng bên bờ sông Hậu, một địa danh có nhiều ấn tượng với những người vừa mới đến vùng đất nầy. Nhất là với các du khách khi đi ngang qua phà Vàm Cống trong chuyến lữ hành du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Là người dân của quê hương Vàm Cống. Tôi rất trăn trở khi các du khách hoặc bạn bè hỏi đến địa danh của quê hương mình – Tại sao gọi là Vàm Cống ???.Đã nhiều lần tôi phải đành khất lại với bạn bè và du khách và hẹn trả lời vào dịp khác thuận tiện sau khi đã tìm hiểu kỹ về quê hương của mình
Đã từ lâu, ngay từ thập niên bảy mươi của thế kỷ hai mươi đến nay (1972 -2009 ) gần 40 năm qua, tôi đã cố gắng tìm hiểu về địa danh của quê hương mình, để trả lời cho câu hỏi -Tại sao gọi là Vàm Cống ???.Tôi đã từng tìm gặp các cụ già, những người lớn tuổi trong địa phương để tìm hiểu về địa danh quê hương mình thì chỉ nhận được các câu trả lời đại lọai như : – “Chỉ nghe người xưa, hoặc ông bà nói lại chứ tên Vàm Cống - Chợ Vàm Cống có từ rất lâu rồi”, hoặc : “Có lẽ ngày xưa ở gần dây có một cái cống lớn, nay đã bị san lấp hoặc bị hư hỏng , còn gọi Vàm Cống từ khi nào thì không biết nữa, vì nó có tên gọi từ rất lâu rồi”.
Gần đây tôi nhận được tập tài liệu của thầy tiến sĩ …viết về Lịch sử của Xã Bình Thành ( có nói về Vàm Cống ). Đọc nhiều lần chương mở đầu của tập tài liệu nầy - nói về “ Một số đặc điểm về đất nước – con người Bình Thành”. Tôi thấy tác giả đã có nhiều công phu và để nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử, địa danh và con người Bình Thành trong các tài liệu,sách tham khảo và cả trong thực tế.Tôi rất trân trọng những đóng góp của ông …Vì ông đã có nhiều công sức nghiên cứu, tìm hiểu và quảng bá cho quê hương giàu đẹp của chúng tôi.
Là con người của xã Bình Thành và quê hương Vàm Cống , tôi cũng xin có một vài ý kiến bổ sung thêm để tài liệu được hòan chỉnh khi ấn hành lịch sử của xã Bình Thành. Ở đây tôi chỉ trao đổi chung quanh địa danh Vàm Cống-Lấp Vò -Tại sao gọi là Vàm Cống ???. đang là một câu hỏi mà đến nay tôi chưa trả lời được với bạn bè, như tôi đã nói đến trong phần trên.
Tôi không đồng ý với tác giả tài liệu khi viết về địa danh Vàm Cống ở trang 9- dòng 17:
….Vòng theo khu vực này, Pháp cho đào mương phía trong vừa lấy đất đắp đường đi lại, vừa làm thủy lợi đặt cống thông ra sông, tạo đường nước thông thoáng để dân trong khu dân cư và chợ có nước sạch ăn uống, sinh hoạt. Hàng ngày nước vào ra hai lần theo con nước lớn ròng giữ được vệ sinh môi trường cho tòan khu vực.
Hiện tạị, cái cống nầy còn nằm trước cửa nhà của Ông Nguyễn Ngọc Vân, số nhà 366, ấp Bình Lợi, xã Bình Thành.
Cống có đường kính 1,2m dài khoảng 6m ( do nhiều đoạn ráp lại).
Việc đặt một cái cống lớn của Pháp là điều mới lạ đối với người dân địa phương nên người dân liền gọi chợ mới xây gần cái cống này là “Chợ Cống”.
Vì chợ nằm cạnh vàm sông, tại ngã ba sông Cường Thành( đầu ngoài của kinh xáng Lấp Vò ) và khém Cái Cùng của sông Hậu, dần dà “Chợ Cống” được gọi “Chợ Vàm Cống”cùng tồn tại với “bắc Vàm Cống” ( phà Vàm Cống)
Tên gọi VÀM CỐNG ra đời như thế đó.
Tôi không đồng ý vì hai lý do ;
1.Tên gọi Vàm Cống, chợ Vàm Cống đã có từ rất lâu ( khỏang thập niên 20 của thế kỷ XX hoặc có thể lâu hơn nữa) Còn cái cống làm ở phía trước nhà của Ông Nguyễn Ngọc Vân thì được đặt khỏang năm 1950.Nghĩa là sau đó gần ¼ thế kỷ, Như thế là chiếc cống đặt trước nhà anh Nguyễn Ngọc Vân thực hiện sau khi đã có tên gọi Vàm Cống rất nhiều năm, có thể từ 30 năm trở lên ( Điều nầy những người lớn tuổi ở khu vực Vàm Cống có thể xác định được ).Do đó giả thiết như tác giả trình bày chưa mang tính thuyết phục về thời gian và tên gọi của địa danh Vàm Cống.
2.Theo nhà văn Sơn Nam Trong chuyến về Lấp Vò đi cùng với anh Võ Thành Vạn – lúc đó là chuyên viên nghiên cứu khối Văn hóa - Văn nghệ của Tỉnh ủy Đồng Tháp - có ghé và nghỉ đêm tại nhà tôi năm 1984 để khảo cứu về địa danh, phong tục tập quán của quê hương Lấp Vò. Sau một ngày chỡ nhà văn Sơn Nam đi đến các đình chùa trong khu vực xã Bình Thành và Định Yên để tìm hiểu, ghi chép và nghiên cứu. Trong buổi tối hôm ấy tôi có hỏi nhà văn về địa danh Vàm Cống và Lấp Vò.Thì được nhà văn Sơn Nam trả lời có đại ý như sau : Theo các tài liệu xưa còn ghi chép lại, cùng với việc tìm hiểu riêng của ông ( nhà văn Sơn Nam ) thì địa danh Lấp Vò và Vàm Cống có nhiều giả thiết đang được nêu ra. Nhưng giả thiết có vẻ hợp lý nhất mà ông đang nghiên cứu về các địa danh Vàm Cống - Lấp Vò như sau:
Lấp Vò: theo phương ngữ chuyên môn Nam bộ thì “ Lắp Vò” ( hay “Lắp Dò”) là xảm trét ghe thuyền ( giống như cách giải thích Bộ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Hùynh Tịnh Của )
“ Lắp Vò” ( hay “Lắp Dò”): là một trong những thao tác sửa chữa thuyền là dùng “ Chai trét ghe quết nhuyễn, trôn lẫn sợi đay ( bao bố ) xé nhỏ rồi lấp vô khe tiếp nối giữa những mãnh ván thuyền. “
Nên công việc“ Lắp Vò” ( hay “Lắp Dò”) là việc làm hằng năm của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô, để chuẩn bị đi lại,đánh bắt trong mùa nước nổi.
Tháng 1 năm 1787 chúa Nguyễn Phúc Ánh từ Xiêm ( Thái Lan ) trở về chọn Hồi Oa ( Nước Xóay –Long Hưng A ) đóng đại bản doanh ở trong khoảng 2 năm ( 1787-1788) – Lúc này quân Tây Sơn và Vua Quang Trung đang tập trung lực lượng để đánh Quân Thanh và dẫn đến chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789.
Vùng đất rộng, dọc theo sông Cường Thành và cách bờ sông Hậu khỏang 3Km bao gồm một phần xã Hòa An-Tỉnh An Giang (làng Bình Thành Tây cũ ), Chợ Cũ xã Bình Thành Trung ( làng Bình Thành Tây cũ ), Khu vực Thị Tứ Lấp Vò và một phần xã Bình Thành là địa điểm thích hợp để cho quân chúa Nguyễn tu sửa ghe thuyền phương tiện và“Lắp Vò”để chuẩn bị lực lượng chống chọi với quân Tây Sơn trong những năm 70,80 của thế kỷ 18.
Nơi xảm trét ghe thuyền, tu sửa phương tiện đó gọi là nơi“ Lắp Vò”(hay “Lắp Dò”) Dần dần địa danh“ Lắp Vò”(hay “Lắp Dò”) được xác lập, lâu dần trong dân gian
Đến năm 1947 (19/5/1947 ) Chánh phủ lâm thời Cộng hòa Nam Kỳ ( thân Pháp ) đã cho thành lập quận Lấp Vò. Ý nghĩa lịch sử về mặt hành chánh của địa danh Lấp Vò đã được thành lập,địa danh Lấp Vò đã thay cho vùng đất“ Lắp Vò”( hay “Lắp Dò”) có nhiều truyền thuyết trong giai đọan Gia Long lập lại chế độ phong kiến tập quyền.
Tôi cũng đồng tình với nhận xét và đánh giá của nhà văn Sơn Nam về giả thiết nầy khi nói về địa danh Lấp Vò.
Về việc đề nghị của tác giả dẫn chứng ý kiến của học giả Nguyễn Hiến Lê đề nghị nên cải chính lại địa danh “Lắp Dò” thay vì “Lấp Vò” thì ta cần phải xem xét và cân nhắc cẩn thận. Vì “Lấp Vò” là một địa danh đã được xác định về mặt hành chánh trên 60 năm ( từ năm 1947 đến nay ) thì khó có thể thay đổi được về mặt văn bản hành chính cũng như trong tấm lòng yêu mến quê hương của người dân đất Lấp về tiếng gọi thân thương của địa danh xứ mình.
Vàm Cống : Khi nói về địa danh Vàm Cống thì nhà văn Sơn Nam cũng không khẳng định về nguồn gốc của tên gọi. Nhưng ông vẫn còn phân vân : Nếu như Vàm Cống là từ ghép giữa “ Vàm” và “ Cống” như một số địa danh khác trong vùng như Vàm Đinh, Vàm Nao….thì ở Vàm Cống trước đây phải có một cái “Vàm” và 1 cái “Cống”. “Vàm” thì đã xác định theo địa hình - Vậy cái Cống đó nằm ở đâu ??? Xác định được vị trí cái Cống đó thì ta có thể giải mã được địa danh “Vàm Cống”. Còn cái cống làm ở phía trước nhà của Ông Nguyễn Ngọc Vân thì được đặt khỏang năm 1950, trong khi tên gọi Vàm Cống, chợ Vàm Cống đã có từ rất lâu ( khỏang thập niên 20 của thế kỷ XX) thì không hợp lý được.
Những ý kiến của nhà văn Sơn Nam từ năm 1984 đến nay, đã làm tôi trăn trở rất nhiều. Những năm qua tôi đã liên hệ với nhiều vị cao niên trong làng để hỏi thăm về vị trí của một cái cống trong địa phương xã Bình Thành, để xác định xem cái cống đó có thật hay không ??? hoặc là cái cống đó trước đây đã có, nhưng nay đã không còn vết tích do sự thay đổi của thời gian ??? ( còn tiếp )

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
[-] caubaxuan được 2 thành viên cám ơn cho post này:
quangvu (26-10-2011 08:13 PM), MinHo (27-10-2011 09:47 AM)
20-10-2011, 10:10 AM
Bài viết: #2
RE: QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG ?
I.NHỮNG TƯ LIỆU VỀ VÀM CỐNG :
Trước khi đưa ra những giả thiết, tôi cũng muốn trình bày thêm về những tư liệu về Vàm Cống mà tôi đã sưu tập được gần 40 năm qua:
v Tư liệu 1: Theo Từ điển TIẾNG VIỆT do viện khoa học xã hội Việt Nam xuất bản năm1992
Trang 1074. vàm dt. Ngã ba sông rạch, nơi rạch chảy ra sông hoặc sông nhỏ chảy ra sông lớn. Vàm sông
Trang 221 cống dt. Công trình ngầm hoặc lộ thiên để nước tự chảy qua,dùng vào việc lấy nước,tháo nước hoặc điều tiết nước.
Trang 201 cóng dt .Đồ đựng bằng sành hình trụ,miệng rộng,có nắp đậy, thân hơi phình,đáy lồi.
v Tư liệu 2 : VÀM CỐNG XƯA VÀ NAY :
( Qua các bài thơ, bút ký, và chuyện kể của các vị tiền nhân )
Tôi có sưu tập được các bài thơ của ông nội tôi nói về Vàm Cống trong các thi tập do ông để lại :
2.1.Bài VÀM CỐNG THƠ
( của ông Lê Văn Mẹo – Bút hiệu là Lê Đức Nhuận- viết năm 1929)

Cựu trào Vàm Cống quạnh hiu
Nước ròng bãi rãi - đậu nhiều ghe buôn.
Tam bản lớn nhỏ cùng xuồng.
Chen nhau mà đậu, luôn tuồng hai bên.
Khi nào nhằm nước ban đêm
Đất đèn sáng hực, như trên Châu Thành.
Các ghe cũng thức đặng canh.
Bối (1) xâm, trộm cướp, hòanh hành tiếp nhau.
Xóm làng sớm tối lo âu.
Sợ e nó oánh (2 ), chớ đâu tránh mình.
Trên bờ lùm bụi lặng thinh.
Chúng nó ở đó, nhà binh (3) nào tường.
Bãi, vồng chúng nó đón thường.
Ban ngày cũng đánh đọan trường ghe buôn.
Khóc la, la khóc thêm buồn.
Nào ai dám chống những tuồng (4 ) du côn.
Ghe buôn các xứ họ đồn.
Tân trào -Quảng hạt (5), các đồn (6) mới hay.
Cho nên đem xáng lại đây.
Múc thông Sa Đéc ngày rày mới an (7).
Nay đà cũng đặng mở mang.
Tàu binh nó chạy khắp tràng xuống lên.
Nhà cửa cất dãy hay bên.
Trại cưa, tiệm lúa lênh khênh (8) tại Vàm.
Lộ ra Cầu Bắc dân làm.
Cất đồn lập lũy, đặng mà sửa sang.
Đem lính trừ khử ác gian.
Cho nên mới đặng đàng hòang bình an.
Hội đồng Ngọc Cứ ( 9) mở mang .
Lập chợ mua bán, bảo an kẻ nghèo.
Chợ nhóm tôm cá gà heo.
Cũng là phẩm vật giàu nghèo đủ no.
Phố cất dãy nhỏ, dãy to.
Dãy ngang dãy dọc, đặng cho mướn tiền.
Cất ra, họ tới mướn liền.
Thành ra sung chợ, bạc tiền dễ lo.

……………..
Lê Văn Mẹo –Bút hiệu là Lê Đức Nhuận

Chú thích :
(1) :Bối là ăn trộm,
(2) :Oánh : là đánh
(3) :Nhà binh : Quân đội
(4) :Tuồng : là phường, là thứ ( ám chỉ loại người ô hợp )
(5) :Quảng Hạt : Một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, một khu vực ngày nay
(6 ) : Đồn ( Bót ) :Một trại lính nhỏ, khỏang vài mươi người
(7) : Kinh Sáng Lấp Vò : từ năm 1905, hòan thành năm 1907
(8 ) : Lềnh khênh : là ở nhiều nơi, nhiều chỗ
(9 ) : HĐ Ngọc Cứ : Tên của ông Hội Đồng - thời bấy giờ
2.2.VÀM CỐNG THI :
( của Ông Lê Văn Mẹo – Bút hiệu là Lê Đức Nhuận )

Cựu trào Vàm Cống rất buồn hiu
Nhờ có ghe buôn đậu quá nhiều.
Bờ bến hai bên nhà lải rải.
Bối xâm, trộm cướp xóm liêu xiêu.
Chực chờ lơ đểnh rình ôm của.
Ăn nhậu, chùm nhum , biết bấy nhiêu.
Làng xóm ưu phiền đâu dám đến.
Sợ e nó oán đốt nhà tiêu.

***
Nhà tiêu gầy tạo cũng còn đây.
Nó oán giết thầm, phải bỏ thây.
Quân lính truy tầm thì trốn mất.
Ghe nào cô độc đánh ban ngày.
Đêm hôm lặng lẻ rình đi bối.
Buổi sáng bình minh nhậu quá say.
Tiền bạc tóm thâu dành để đó.
Dè đâu bị bắt phủi sạch tay.

Lê Đức Nhuận

2.3 .Để tàu ghe lớn đi lại dễ dàng hơn, phục vụ cho việc đẩy mạnh khai thác
vùng đất Tây - Nam. Đầu thế kỷ XX ( từ 1905 đến 1907 ) chánh quyền thực dân Pháp cho xáng nạo vét ngọn sông Sa Đéc, cắt 3 đọan cong quẹo, rồi cho tàu xáng đào kinh Lấp Vò nối thông ngọn sông Sa Đéc tới Vàm Cống ( nơi có đặt 2 miệng cống ở 2 đầu con kinh nhỏ chứa nước sinh họat trong khu vực chợ ). Kinh được đào bằng xáng nên vừa thẳng, vừa sâu rộng, tàu ghe thông thương thuận lợi nhanh chóng .( Theo “ Lịch sử truyền thống và Cách Mạng Huyện Lấp Vò 1930 – 1975 trang 10 ).
2.4.Chợ Vàm Cống xưa :
Chợ Vàm Cống được thành lập hồi mười năm đầu của thế kỷ XX (khỏang thời gian từ 1900 đến 1910 ) . Ban sơ, dân cư thưa thớt, quán xá lèo tèo. Năm 1925 thông Bắc Vàm Cống thì bộ mặt Chợ Vàm Cống được biến đổi hẳn đi.
Bài phú truyền khẩu dưới đây, do ông Hương lễ Bùi Xuân Nhờ sáng tác năm 1927 , giúp chúng ta hình dung một Vàm Cống trên bến dưới thuyền, nét đáng yêu của Nam Bộ xưa.
Tân trào quản hạt.
Thuộc địa Bình Thành.
Sông Long Xuyên tỏa biết mấy ngành,
Có một ngã kêu là VÀM CỐNG,
Thấu Lấp Vò uốn quanh dài rộng,
Cồn Cái Cùng ngoài lại giăng ngang.
Bởi sông sâu nước chảy biệt ngàn
Xem hình thế như rồng uốn khúc.

Thuở xưa kia quê mùa phong tục,
Nay mở mang chợ búa hẳn hòi,
Việc bán buôn coi thế phải mòi,
Nên hành khách tới lui đông đảo.
Đời thạnh trị người thêm trí xảo,
Bước lợi danh ai cũng giành đi,
Máy tuần huờn hết thạnh tới suy,
Cơn dâu bể lở đâu bồi đó.

Thấy phong cảnh mảng còn xem ngó
Mà quên coi buôn bán làm sao?
Kìa chợ đông thiên hạ ồn ào,
Bán đủ thứ cá tôm gà vịt.
Hai bên đường ghế thì bán thịt,
Chõng bạn hàng lại dọn xen vô,
Phố giăng ngang xem tợ thành đô,
Thuyền đậu lợp như sông Xích Bích,
Sào cặm ghe dày như kiếm kích,
Dây buộc thuyền tợ khổn tiên thằng.
Cánh bạn hàng dữ tợ bà Chằn,
Quân góp chợ hung như hùm hổ!
Mấy quán cơm người ăn chật chỗ,
Tiệm nước thì bánh trái huyên thiên.
Nhóm buôn hương nhiều đứa có duyên,
Phường công tử hiếm tay anh chị.
Chợ nhỏ mà không thua thành thị,
Chành lúa thì dãy dọc dãy ngang,
Sắp “cu ly” đội lúa có hàng
Lên xuống thể quan ba tập lính.
Tài phú thì tay cân miệng tính,
Tiếng Quảng Đông “Hố mại tì khao”
Bên tiệm cưa cây sắp như rào,
Tiếng đẩy kéo nghe thôi sột soạt;
Máy xay lúa chạy nghe rầm rạt,
Gọng xúp-lê te tét vang tai;
Đò Cái Dầu ghé chợ ban mai
Rước hành khách đi thôi khẳm mẹp!

Lúc ban đêm xem càng thêm đẹp:
Trường hát thì chật nứt ngoài trong,
Đèn ghe giăng đậu mấy khúc sông,
Bờ nghểu nghến giai nhân tài tử.
Mặc tình khách phong lưu ngoạn thử
Giải khát dùng nước đá nước chanh,
Rượu xi-rô, cô-nhắc, sâm-banh,
Trái cây đủ, hột gà la-cót...
Cô bán vàm rao nghe thảnh thót:
Cháo vịt gà, chè đậu, bánh canh...
Lái buôn nào ngôn ngữ cho lanh,
Kêu lại nếm một lần thì biết.

Hai bên Bắc có đò hai chiếc
Đưa xe hơi qua lại hằng ngày,
Kèn xe hơi kêu gọi bên tai,
Gió phưởng phất ào ào lượn sóng.
Bước đường đời cao xa lồng lộng,
Mặc tình ai đắm nguyệt say hoa;
Mắt nhìn xem những chốn phiền ba
Miền đô hội nam thanh nữ tú...

Buôn bán lớn toàn là khách trú,
Còn An Nam xẩn bẩn hại nhau!
Gẫm tình đời ngắm trước xem sau
Đường tấn bộ không ai lướt tới!
Hễ nước thạnh thì tài tử quới
Còn gia phồn thì tiểu nhi kiêu.
Mấy ai rằng văn tự gấm thêu
Kẻ kẻ thảy lúa tiền trân trọng.
Chữ phú quý như phù vân mộng,
Cuộc hưng vong thiên địa tuần huờn,(1)
Trớ trêu thay tạo hóa đòi cơn
Lắt lẻo bấy nhân tâm nhiều chuyện:
Phú tao tật đố, bần tao tiện
Cần viết tham lam, kiệm viết kiên! (2)
Ngửa mặt trông nước thạnh đời yên
Ngóng cổ đợi dân cư lạc nghiệp

LÊ TƯƠNG ỨNG ( BÌNH TAM LÊ sưu tầm và chú )
1) Sự giàu sang ví như giấc mộng, như mây nổi
. Theo quan niệm xưa ,cuộc hưng thạnh hay suy vong là do sự xoay vần của trời đất.
(2) Giàu bị ganh ghét, nghèo bị khinh khi.
Siêng năng bị chê là tham lam, tiết kiệm bị chê là bỏn xẻn.

Bài phú truyền khẩu trên đây, do ông Hương lễ Bùi Xuân Nhờ sáng tác năm 1927, do chú của tôi là giáo sư Lê Tương Ứng sưu tập từ người anh cô cậu là Bác Sáu Lâm Văn Truyền sinh năm Quí Sửu 1913 hiện đang sống tại ấp Bình Thạnh1 Thị trấn Lấp Vò phổ biến lại từ năm 1980 ( còn tiếp )

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
20-10-2011, 06:16 PM
Bài viết: #3
RE: QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG ?
II.NHỮNG SỰ KIỆN QUAN TRỌNG ĐẾN ĐỊA DANH VÀM CỐNG :

Từ những tư liệu trên chúng ta có thể xác định được các sự kiện quan trọng liên
quan đến địa danh Vàm Cống – Lấp Vò :
1.Chợ Vàm Cống :
- Được thành lập hồi mười năm đầu của thế kỷ XX (khỏang thời gian từ 1900 đến 1910 ). Ban sơ, dân cư thưa thớt, quán xá lèo tèo.
- Đến năm 1905 -1907 chánh quyền thực dân Pháp cho xáng nạo vét ngọn sông Sa Đéc, cắt 3 đọan cong quẹo, rồi cho tàu xáng đào kinh Lấp Vò nối thông ngọn sông Sa Đéc tới Vàm Cống.Kinh được đào bằng xáng nên vừa thẳng,vừa sâu rộng, tàu ghe thông thương thuận lợi nhanh chóng. Tàu buôn neo đậu ở đầu Vàm sông Cường Thành (khu vực Chợ Vàm Cống hiện nay ) chờ nước lớn để sang sông Tiền đi Sài Gòn, nên lúc này chợ buôn bán rất sung túc.( bài Chợ Vàm Cống xưa ).
- Đến năm 1925 thông Bắc Vàm Cống thì bộ mặt Chợ Vàm Cống được biến đổi và buôn bán thịnh vượng, phát đạt
Việc bán buôn coi thế phải mòi
Nên hành khách tới lui đông đảo


( Bài viết về chợ Vàm Cống tôi sẽ có dịp nói đến trong phần sau )

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
21-10-2011, 09:45 PM
Bài viết: #4
RE: QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG ?
2.Kinh xáng Lấp Vò :
Năm 1905 chánh quyền thực dân Pháp cho xáng nạo vét ngọn sông Sa Đéc hoàn thành xong năm 1907 : cắt 3 đọan cong quẹo, rồi cho tàu xáng đào kinh Lấp Vò nối thông ngọn sông Sa Đéc tới Vàm Cống.Kinh được đào bằng xáng nên vừa thẳng,vừa sâu rộng, tàu ghe thông thương thuận lợi nhanh chóng.
3. Năm 1925 thông Bắc Vàm Cống và đường liên tỉnh số 8 (Nay là QL 80 ) :
Người Pháp sau khi đào xong con kinh Lấp Vò nối sông Sa Đéc với sông Cường Thành, rút ngắn đoạn đường từ sông Tiền qua sông Hậu, cũng đã mở thêm con đường bộ mới từ Mỹ Thuận đến sông Hậu qua Long Xuyên, Rạch Giá và mở bến phà Vàm Cống thông thương từ năm 1925

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
[-] caubaxuan được 1 thành viên cám ơn cho post này:
ANH THƯ (10-11-2011 10:54 AM)
22-10-2011, 07:48 AM
Bài viết: #5
RE: QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG ?
Bài hay quá, nhiều tư liệu "hàng hiếm". Thanks

HeartMẹ già hơn trăm tuổi
Vẫn thương con tám mươi
Heart
THANK YOU
22-10-2011, 11:55 PM
Bài viết: #6
RE: QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG ?
III.Ý kiến của chúng tôi :

Từ những sự kiện quan trọng liên quan đến địa danh Vàm Cống – Lấp Vò mà tôi
đã nêu trên và các tư liệu mà tôi có được thì tôi xin được đóng góp một vài ý kiến như sau
:
1.Về địa danh Lấp Vò: Tôi đồng ý với giả thiết mà nhà văn Sơn Nam đang nghiên cứu về các địa danh Vàm Cống - Lấp Vò như sau:
Lấp Vò: theo phương ngữ chuyên môn Nam bộ thì “ Lắp Vò” ( hay “Lắp Dò”) là xảm trét ghe thuyền ( giống như cách giải thích Bộ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Hùynh Tịnh Của )
Lắp Vò” ( hay “Lắp Dò”): là một trong những thao tác sửa chữa thuyền là dùng “ Chai trét ghe quết nhuyễn, trôn lẫn sợi đay ( bao bố ) xé nhỏ rồi lấp vô khe tiếp nối giữa những mãnh ván thuyền. “
Nên công việc“ Lắp Vò” ( hay “Lắp Dò”) là việc làm hằng năm của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô, để chuẩn bị đi lại,đánh bắt trong mùa nước nổi. Tháng 1 năm 1787 chúa Nguyễn Phúc Ánh từ Xiêm ( Thái Lan ) trở về chọn Hồi Oa ( Nước Xóay –Long Hưng A ) đóng đại bản doanh ở trong khoảng 2 năm ( 1787-1788) – Lúc này quân Tây Sơn và Vua Quang Trung đang tập trung lực lượng để đánh Quân Thanh và dẫn đến chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789.
Vùng đất rộng, dọc theo sông Cường Thành và cách bờ sông Hậu khỏang 3Km bao gồm một phần xã Hòa An-Tỉnh An Giang (làng Bình Thành Tây cũ ), Chợ Cũ xã Bình Thành Trung ( làng Bình Thành Tây cũ ), Khu vực Thị Tứ Lấp Vò và một phần xã Bình Thành là địa điểm thích hợp để cho quân chúa Nguyễn tu sửa ghe thuyền phương tiện và“Lắp Vò”để chuẩn bị lực lượng chống chọi với quân Tây Sơn trong những năm 70,80 của thế kỷ 18.
Nơi xảm trét ghe thuyền, tu sửa phương tiện đó gọi là nơi“ Lắp Vò”(hay “Lắp Dò”) Dần dần địa danh“ Lắp Vò”(hay “Lắp Dò”) được xác lập, lâu dần trong dân gian
Đến năm 1947 (19/5/1947 ) Chánh phủ lâm thời Cộng hòa Nam Kỳ ( thân Pháp ) đã cho thành lập quận Lấp Vò. Ý nghĩa lịch sử về mặt hành chánh của địa danh Lấp Vò đã được thành lập,địa danh Lấp Vò đã thay cho vùng đất“ Lắp Vò”( hay “Lắp Dò”) có nhiều truyền thuyết trong giai đọan Gia Long lập lại chế độ phong kiến tập quyền.

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
[-] caubaxuan được 1 thành viên cám ơn cho post này:
ANH THƯ (10-11-2011 10:55 AM)
27-10-2011, 07:27 AM
Bài viết: #7
RE: QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG ?
2.Về địa danh Vàm Cống :
2.1/ Giả thiết thứ nhất - Theo anh Từ Quang ( và nhiều người khác) thì anh cho biết : Lúc nhỏ mẹ anh có nói gọi là Vàm Cống vì có một cái cống được xây dựng trước đây ở đâu đó trên khu vực Vàm Cống hoặc bên Hòa An ( An Giang ) vì ngày xưa thì Vàm Cống và Hòa An rất gần nhau, có thể cái cống đó ngày nay không còn hoặc chỉ còn một vài vết tích nhỏ hoặc bị mở rộng dòng sông kinh xáng Lấp Vò ( Năm 1907 ) nên không còn nữa.
• Từ giả thiết trên, tôi cũng đã tìm một cái cống gần chợ Vàm Cống và ở xã Hòa An ( An Giang ) nhưng không phát hiện có dấu vết một cái cống xưa đã từng tồn tại để tạo ra địa danh Vàm Cống. Nên giả thiết nầy khó thuyết phục được cho địa danh Vàm Cống

2.2/ Giả thiết thứ hai - Theo anh Tô Chiêm Huy( và nhiều người khác) thì anh cho biết : Trước đây, những người thân và các cụ già trong vùng đã có lần bàn tới vấn đề nầy .-Tại sao gọi là Vàm Cống ??? thì các cụ già bảo gọi là Vàm Cống vì đầu vàm sông Kinh Xáng Lấp Vò tại khu vực chợ Vàm Cống cũ (đầu vàm sông Sông Cường Thành sau đó được Pháp đào rộng thêm gọi là Kinh Xáng Lấp Vò ) trước đây cồn Hòa An hiện tại chưa nổi lên ( khoảng năm1907 ) nước ở hai đầu sông kinh xáng Lấp Vò khi triều cường sẽ chãy vào đầu sông rất mạnh ( do kinh xáng mới đào rộng và sâu và lượng nước ở trên sông Hậu chưa có cồn nổi cao lên. Từ năm 1905 đến thập niên 60 của thế kỷ XX lượng nước sông Hậu ở hai bên bờ kinh chảy vào đầu kinh xáng Lấp Vò rất là mạnh và xiết, đến năm 1962 do cồn Hòa An nổi cao lên ngay đầu Vàm nên nước chảy vào kinh xáng Lấp Vò đã yếu và chậm lại như ngày hôm nay. ) .
Hình ảnh của lượng nước đổ vào đầu kinh xáng Lấp Vò như nước chảy vào trong một cái cóng ( Cóng chứ không phải là Cống ) nên địa danh được ghép giữa Vàm và Cóng được gọi là Vàm Cóng sau đó được gọi trại đi, lâu dần trở thành là Vàm Cống
Tôi cũng thấy giả thiết nầy có những điểm chấp nhận được như sau :
Thứ nhất - Địa danh được gọi từ rất lâu ( từ năm 1905 ).
Thứ hai - Hình ảnh của lượng nước đổ vào đầu kinh xáng Lấp Vò như nước chảy vào trong một cái cóng nên địa danh được ghép giữa Vàm và Cóng được gọi là Vàm Cóng
sau đó được gọi trại đi, lâu dần trở thành là Vàm Cống cũng có thể chấp nhận được vì :
- Nếu là người dân miền nam chúng ta có thể biết được một vật dụng để đong các chất lỏng như rượu, dầu, nước mắm.....đổ vào trong một cái quặng ( Phểu ) của vùng đồng bằng nam bộ gọi là cái cóng ( không như định nghĩa như từ điển TIẾNG VIỆT do viện khoa học xã hội Việt Nam xuất bản năm1992 Trang 201 cóng dt .Đồ đựng bằng sành hình trụ,miệng rộng,có nắp đậy, thân hơi phình,đáy lồi.- mà cóng ở đây là một cái cóng miền nam lúc xưa làm bằng tre, có đáy là mắc tre, được cắt miệng và chừa một cái cán để múc, có dung tích một xị (1/4 lít), nửa xị (1/8 lít ) và cóng 1/10 lít. Sau đó cóng tre được thay bằng cóng nhôm và nay là cóng bằng nhựa -
- Nếu chúng ta dùng cóng lớn nhấn mạnh và trong một cái thùng đựng đầy nước thì ta có thể thấy được Hình ảnh của lượng nước đổ vào đầu kinh xáng Lấp Vò như nước chảy vào trong một cái cóng. Thứ ba theo như một số lời truyền khẩu lại thì địa danh Vàm Cống được gọi từ những tài công trên các thuyền ghe buôn bán đường dài họ chỡ hàng từ Cam Pu Chia, An Giang, Rạch Giá (Kiên Giang ) đi Sài Gòn và các tỉnh miền đông. Đến đầu Vàm sông kinh xáng Lấp Vò, họ phải neo thuyền ghe lại đợi nước lớn để qua sông Tiền (Tại Sa Đéc ) sau đó sẽ đi Sài Gòn và các tỉnh miền đông. Địa điểm neo đậu ghe thuyền để chờ đợi nước lớn đó họ dùng một tên gọi để thông báo, hẹn hò cùng nhau và họ đã chọn tên gọi là Vàm Cóng ( do hình ảnh của lượng nước đổ vào đầu kinh xáng Lấp Vò như nước chảy vào trong một cái cóng ) sau đó được gọi trại đi, lâu dần trở thành là Vàm Cống.

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
[-] caubaxuan được 3 thành viên cám ơn cho post này:
MinHo (27-10-2011 09:47 AM), ANH THƯ (10-11-2011 10:55 AM), behai (10-11-2011 09:30 PM)
27-10-2011, 10:26 AM
Bài viết: #8
RE: QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG ?
Hay quá Bác Ba ơi! Dày công nghiên cứu! Bác Ba cố lên!

Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da.
THANK YOU
29-10-2011, 05:48 PM
Bài viết: #9
RE: QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG ?
2.3/ Giả thiết thứ ba Theo ý kiến của nhà văn Sơn Nam : Nếu như Vàm Cống là từ ghép giữa “ Vàm” và “ Cống” như một số địa danh khác trong vùng như Vàm Đinh, Vàm Nao….thì ở Vàm Cống trước đây phải có một cái “Cống”. - Vậy cái Cống đó nằm ở đâu ??? Xác định được vị trí cái Cống đó thì ta có thể giải mã được địa danh “Vàm Cống”. Từ giả thiết nầy nhiều năm qua tôi đã tìm kiếm và xác định được hai cái cống xây dựng rất lâu để củng cố cho giả thiết nầy :
2.3a. Một cái cống được đặt tại bờ bến phà phía An Giang ( tại cua vòng từ bến phà đi Cần Thơ, Rạch Giá ) Nên phía kia bờ bến phà phía An Giang gọi là Vàm Cống, rồi từ đó tên gọi cho bến phà bên bờ Lấp Vò cũng là Vàm Cống, lâu dần cả hai phía bến phà Vàm Cống đều có tên gọi là Vàm Cống.
2.3b. Một cái cống rất to, được xây dựng rất lâu ( Khoảng năm 1925 lúc làm đường liên tỉnh 8- nay gọi là quốc lộ 80 – và trong thời gian mở bến phà Vàm Cống) Đó là Cống Cái Sơn ( hiện nay là cầu Cái Sơn gần UBND Thị Trấn Lấp Vò, cách chợ Vàm Cống khoảng 2Km )
Khi nói đến cống Cái Sơn trong giả thiết 2.3b,chắc rằng sẽ có nhiều bạn thắc mắc:
- Tại sao giữa“ Vàm” và “ Cống” lại cách xa nhau như thế ( gần 2 km ) như thế giả thiết có thuyết phục không ?
Tôi xin được lý giải cho giả thiết nầy như sau :
1.Chúng ta thử hình dung lại khung cảnh của vùng địa danh Vàm Cống trong thời điểm đầu thế kỷ XX đến năm 1925 (Giả sử chỉ là chợ Vàm chứ chưa phải là chợ Vàm Cống ).Đến năm 1925 hoặc trước đó vài năm trong thới gian người Pháp cho mở đường liên tỉnh 8( nay là quốc lộ 80 ) và mở bến bắc cho hành khách qua lại trên sông Hậu, lúc mở đường họ cho đặt một cái cống lớn ( Cống Cái Sơn ) trên đường liên tỉnh 8, lúc đó người dân trong dùng chỉ biết làm « ống bọng » bằng cây tre, cây dừa hoặc cây cau( còn gọi là bọng tre, bọng dừa, bọng cau ....) cho nước chảy thông thương hai bên bờ mương .thì việc đặt một cái cống lớn của Pháp( cống Cái Sơn ) là điều mới lạ đối với người dân địa phương ,người dân khắp vùng rủ nhau đên đó xem bến bắc mới, xem đường mới mở, xem cái cống to với lượng nước tràn vào cống qua đường liên tỉnh 8 mang nước ngọt từ dòng kinh xáng Lấp Vò vào đồng ruộng và các kinh nhánh khu quanh khu vực cho người dân trong khu dân cư và chợ có nước sạch ăn uống, sinh hoạt. Hàng ngày nước vào ra hai lần theo con nước lớn ròng giữ được vệ sinh môi trường cho tòan khu vực. Thời điểm đó người dân ở các địa phương Hội An, Mương Kinh,Lấp Vò, Vĩnh Thạnh,Định Yên.... muốn ra Vàm có cầu bắc đi sang bờ kia của sông Hậu phải qua Cống nên Vàm có cái Cống ( hay Vàm Cống )là một giả thiết có thể chấp nhận được.Sau đó người dân liền gọi chợ mới xây gần cái cống này là “Chợ Cống”.“Chợ Vàm Cống”.....( như tài liệu đã ghi ).
2.Chúng ta cũng thấy cống Cái Sơn cũng có những « đặc điểm » mà tài liệu xưa đã nhắc tới như :
- Cống Cái Sơn vừa làm thủy lợi thông ra sông, tạo đường nước thông thoáng để dân trong khu dân cư và chợ có nước sạch ăn uống, sinh hoạt. Hàng ngày nước vào ra hai lần theo con nước lớn ròng giữ được vệ sinh môi trường cho tòan khu vực.
-Cống Cái Sơn ngày xưa còn được nối với con Rạch khá to chảy từ cầu Kinh( Chỗ cây xăng Anh Năm Tuôi ngoài Vàm Cống) nối với Sông Hậu Giang và cống Cái Sơn. Con Rạch nầy được đào song song với quốc lộ 80 vừa lấy đất đấp lộ , vừa dẫn nước lưu thông để người dân trong vùng sử dụng (rạch nầy hiện nay vẫn còn, mặc dù đã bị bồi đấp làm cho rạch bị thu nhỏ hơn và một số đoạn đã bị san lấp trong những năm gần đây nhưng vẫn còn vết tích của con rạch ngày xưa (Từ trường PTTH Lấp Vò 1 đến cống Cái Sơn)
Tóm lại, với các giả thiết mà tôi thu thập trong những năm qua,cùng với các tư liệu mà tôi đã trình bày bên trên, thì địa danh Vàm Cống tôi đang nghiêng về hai giả thiết :
- Nếu địa danh Vàm Cống có tên gọi trong khoảng thời gian đầu thế kỷ XX ( khoảng năm 1901 đến năm 1907 ) thì tôi nghiêng về giả thiết thứ hai ( Hình ảnh của lượng nước đổ vào đầu kinh xáng Lấp Vò như nước chảy vào trong một cái cóng ( Cóng chứ không phải là Cống ) nên địa danh được ghép giữa Vàm và Cóng được gọi là Vàm Cóng sau đó được gọi trại đi, lâu dần trở thành là Vàm Cống).
- Nếu địa danh Vàm Cống có tên gọi trong khoảng 1921 đến năm 1927 thì tôi nghiêng về giả thiết 2.3b. ( Nếu như Vàm Cống là từ ghép giữa “ Vàm” và “ Cống” thì địa danh Vàm Cống bắt nguồn từ Một cái « cống » rất to, được xây dựng rất lâu ở gần « Vàm » - Khoảng năm 1925 lúc làm đường liên tỉnh 8- nay gọi là quốc lộ 80 – và trong thời gian mở bến phà Vàm Cống- Đó là Cống Cái Sơn - hiện nay là cầu Cái Sơn gần UBND Thị Trấn Lấp Vò, cách chợ Vàm Cống khoảng 2Km –
Trên đây là những suy nghĩ của tôi về địa danh Vàm Cống mà tôi đã trăn trở rất nhiều năm để ghi chép và và trả lời khi các du khách hoặc bạn bè hỏi đến địa danh của quê hương mình, để trả lời cho câu hỏi – Tại sao gọi là Vàm Cống ???. Caubaxuan

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
09-11-2011, 10:23 PM
Bài viết: #10
RE: QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: TẠI SAO GỌI LÀ VÀM CỐNG ?
Caubaxuan đang sưu tầm các tư liệu,sự kiện liên quan để viết các bài về quê hương Vàm cống :
1. Vàm Cống 100 năm Xưa và Nay.
2. Chợ cá chiều ở bến phà Vàm Cống
3. Bến đò ngang ( Vàm Cống - Hòa An )những bước thăng trầm và những người chủ.
4.Địa danh quê hương :Tại sao gọi là Đường Lầu và Vồng Kè.
Caubaxuan đang bắt đầu thực hiện và cho trình diện với bà con thời gian gần đây ( nếu có thời gian ). Quý bà con nhớ đón xem.

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
[-] caubaxuan được 1 thành viên cám ơn cho post này:
MinHo (10-11-2011 09:59 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS