Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG VÀ NHỮNG ĐỊA DANH
11-11-2011, 10:41 AM
Bài viết: #11
RE: LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG VÀ NHỮNG ĐỊA DANH
VÌ SAO CÓ TÊN GỌI “ XÉP BÀ DẠY”

Hiện nay có cây cầu Xép Bà Vải, dân chúng vẫn thường quen gọi là Xép Bà Vại Tư liệu này cần được các nhà nghiên cứu đóng góp thêm ý kiến thêm để xác định tên gọi lúc ban đầu của địa phương

* * *
Bà Dạy là cháu của Ông Thần làng Định Yên tên thật là Phạm Thị Tư sinh năm 1812 . Bà là em của Viên tử Phạm văn Khuê người huyện Đông Xuyên , thôn Định An ( nay là xã Định An ). Gia đình Bà cũng thuộc hàng khá giả .nhà Bà ở gần ngã ba Vàm Xép nay thuộc ấp An Lạc – xã Định An .
Thuở nhỏ bà rất thông minh, hiền hậu, hiếu thảo lại giàu lòng nhân ái hay giúp đỡ người nghèo khó. Gia đình bà có truyền thống trung quân ái quốc, nối chí cha ông phò vua giúp nước. Anh Bà là Ông Phạm Văn Khuê ( Viên tử con quan ) trước khi lên đường nhập ngũ chống xâm lăng, bảo vệ đất nước, Ông dặn bảo:“ Cô ở nhà phụng dưỡng mẹ già, nhắc nhở dạy bảo cháu con trong xóm điều hay lẽ phải ăn ở cho trọn nhân đạo” .
Bà vâng lời hết lòng nuôi dưỡng mẹ hiền , thường xuyên lui tới thôn xóm trợ giúp gạo tiền và dạy dổ con cháu trong làng.Trẻ em trong làng được bà dạy dổ đều biết vâng lời cha mẹ, kính hiếu ông bà . Phương pháp dạy của bà thật nghiêm khắc và độc đáo : Đêm nào Bà cũng đi tuần tra nghe ngóng nhà nào có con cái quậy phá, chửi mắng cha mẹ. Bà ngắt cỏ để trên mái nhà làm dấu . . Sáng ra ,đứa nào ngổ nghịch chối cải tội trạng của mình Bà liền đưa nắm cỏ ra bằng chứng . Từ đó trong làng ai cũng kính nể bà và tôn vinh Bà nên có tên gọi là Xép Bà Dạy .Chẳng những thế Bà còn khuyến khích, vận động bà con nạo vét lòng xép lấy nước làm ruộng .
Đến năm Nhâm Ngọ 1882 thì Bà qua đời nhầm năm thứ 35 triều đại vua Tự Đức. Bà hưởng thọ 70 tuổi. Bà chết đi như còn để lại di tích “ Xép Bà Dạy” thiên thu bất diệt. Mãi đến năm 2002, Tôn Tử của Ông Bà Phạm Minh Mẫn và Ông Phạm văn Hưng và bà con thân cận mới sửa sang mộ Bà Dạy và mộ Viên Tử Khuê đem vào nhà mộ họ Phạm vào ngày 23 tháng 08 năm 2002 .
Trong dân gian hiện nay vẫn còn lưu truyền những vần thơ tươi sáng ca ngợi công đức của Bà cùng gia tộc .
* Khí thiếng sông núi tạo nên
Xép Bà Dạy bảo người hiền muôn thu .

* Phạm Khuê viên tử con quan
Anh hùng liệt sĩ rạng danh chói ngời .


* Anh hùng nghĩa khí Phạm Khuê
Bà Dạy liệt nữ hương quê chốn này
.
Biết thêm một di tích lịch sử của địa phương làm cho chúng tôi những người thực hiện công việc sưu tầm , nghiên cứu này càng thêm kính phục và cảm kích những con người bình thường những nghĩa cử và nhân cách thật cao đẹp .Xin hãy trân trọng , giữ gìn nét đẹp vô giá của quê hương . Xin hãy gieo mầm hôm nay cho ngày mai thêm nhiều đoá hoa thơm ngát cho đời .

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
[-] caubaxuan được 3 thành viên cám ơn cho post này:
ANH THƯ (03-01-2012 10:06 PM), baothai (01-12-2012 10:17 AM), dieuquang (02-12-2012 04:41 AM)
14-11-2011, 10:41 AM
Bài viết: #12
RE: LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG VÀ NHỮNG ĐỊA DANH
CỐNG BÀ NHƯNG
Ấm áp tình người
Dọc theo Quốc lộ 54 cách cột km 3 không xa về hướng Bắc, bạn sẽ thấy một con rạch khi đầy, khi cạn theo mùa. Dòng chảy ngọt ngào phù sa vừa cung cấp nước sinh hoạt vừa làm thủy lợi cho dạt đất ruộng, đất rẫy… đại danh rạch Bà Nhưn đối với chúng tôi không chỉ là con rạch, xóm thôn mà còn là kỷ niệm thiêng liêng để nhắc nhở nhau sống có nghĩa có tình khi ấm no, lúc hoạn nạn …
Bác tôi trước khi về cõi vĩnh hằng có để lại di sản vô giá đó là tập Hồi ký dày ghi lại quảng đời với nhiều kỉ niệm nơi chôn nhau cắt rốn … theo ông khoảng thời gian 1900-1905 vùng đất nầy rất nông, khô cạn phải dẫn nước vào bằng bọng dừa… Trên đó có 3 căn nhà kiến trúc cổ thuộc họ tộc Nguyễn xây trên nền cao cách nhau trong chừng chục công đất. Do là họ hàng nhau nên dù gia đình nào cũng đông người (gồm vợ, chồng con cái và nhiều người phụ việc) nhưng họ luôn đoàn kết, khắn khít. Năm nào cũng vậy vào những ngày giáp Tết sau khi đi thu góp lúa cho vào bồ xong thì vị trưởng tộc cho mời gánh hát về biểu diễn giúp vui cho dòng họ và bà con xóm giềng. Vì lúc nầy con cháu đi làm việc và đi học được nghỉ Tết về xúm xít quây quần đông đủ… Gánh hát thường lưu diễn từ nửa tháng đến hai mươi ngày bằng chiếc ghe bầu họ là người tứ xứ chiếc ghe neo đậu đầu rạch tối lên bờ hat, ngày xuống ghe nghỉ nghơi sinh hoạt họ được trả công bằng tiền còn gạo và thức ăn thì gia chủ chu cấp bởi nhà nào cũng nuôi nhiều lợn, gà, vịt và trồng nhiều cây bí, bầu, cấy trái… và có một năm (không nhớ rõ năm nào) khoảng mùng 10 tháng giêng sau thời gian lưu diễn thì đoàn hát nọ rời bến dự định chèo sang Trà Ếch hát cho gia tộc họ Đoàn (Là xui gia với gia tộc họ Nguyễn) dọc đường chẳng may cô Đào chính bị bệnh nặng, sau khi đưa đến thầy Đông Y bốc thuốc nhưng không qua khỏi. Giữa sông nước mênh mông, cơ nhỡ đoàn hát chèo quay lại nhờ sự giúp đỡ. Bằng tình người, các ông trong họ tộc Nguyễn cho người phụ tiếp mai táng, mổ lợn gà làm ma chay cho người quá cố. Vì không phải họ hàng nên phần mộ của Bà được đặt cạnh gốc vườn, biệt lập các ngôi mộ cổ dòng họ; không ai biết rõ danh tánh chính xác (Vì đi hát các cô Đào thường dùng nghệ danh) nhưng vì cô đào là đào chính ca hay, biểu diễn có nghệ thuật thu hút nên các Bà trong họ tộc đặt là Đào Nhưn (Nhưn là phần chính giữa ngon và ngọt hơn phần ngoài chiếc bánh).
Người cao tuổi xóm tôi kể lại Bà Nhưn rất thiêng liêng, nhà nào chăn thả gia súc bị lạc mất cứ thầm khấn vái sẽ tìm lại được; trẻ con giữa ban trưa đùa nghịch la hét thường bị bệnh phải cúng kiến mới qua khỏi… Người trong xóm luôn khấn Bà phù hộ mua bán đắt hàng, trúng mùa vụ…
Từ chiếc cầu tre bắt ngang con rạch. Đến những năm 60 (thế kỉ XX) có cầu bê tông tráng xi măng. Khoảng cuối những năm 80 (thế kỉ XX) cầu bị sập Bà con phải dùng cây gỗ lớn bắt ngang và đắp đất ngang bằng đường lộ. Đến năm 2003 khi làm Quốc lộ 54 thì chiếc cống to dùng đặt vào dẫn nước. Tên gọi Rạch Đào Nhưn, rồi Rạch Bà Nhưng, Cầu Bà Nhưng, Cống Bà Nhưng thay đổi theo xu thế phát triển.
Qua bao thăng trầm nhưng mỗi lần giỗ chạp, các Bác, cô và má tôi thường nhắc lại kỉ niệm nầy như muốn nhắn nhủ con cháu hãy biết chia sẻ, luôn giữ tình người ấm áp theo gương Ông Bà.
Ngày hai lượt đi về ngang Cống bà Nhưng tôi luôn cảm nhận quê hương mình đang khởi sắc bởi cạnh đó là xí nghiệp đang thi công; xa hơn chút: điện, đường, trường, trạm từng bước xây dựng và hoàn thiện. Nếu có dịp mời bạn đến cùng chúng tôi dưới bóng cây râm mát, bên dòng nước êm đềm, trên nền cổ vắng lặng chúng ta tha hồ nghe chim hót và hái trái dại: sắn, chòi mòi, trâm…
Định hướng-làng quê dần chuyển biến
An vui, vững bền từng bước tiến lên

Ghi theo lời kể của cô NTKC trường THCS Định An

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
[-] caubaxuan được 2 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (01-12-2012 10:17 AM), dieuquang (02-12-2012 04:41 AM)
03-01-2012, 10:50 AM
Bài viết: #13
RE: LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG VÀ NHỮNG ĐỊA DANH
TÚY TRÚC CỔ TỰ

Túy Trúc là một ngôi chùa nhỏ nằm cạnh con đường từ quốc lộ 54 đến bến đò qua Thới Thuận ( Thốt Nốt – Cần Thơ ). Ngôi chùa nằm trên diện tích khoảng 500m2, biệt lập với khu dân cư cạnh con rạch nhỏ được gọi là Rạch Chùa. Phía trước từ cổng vào là một cây đa cổ thụ với đường kính khoảng hai người ôm và tượng phật Quan Âm với hình lá đa được đúc bằng xi măng che ở phía trên. Phía sau chùa là cánh đồng lúa của nhân dân trong vùng. Xung quanh chùa là vườn cây tạp với một vài cây sao lâu năm cao vút.
Theo nhiều người lớn tuổi trong vùng và ni cô Thích Nữ Như Lực hiện là trụ trì chùa từ năm 1983 cho biết lịch sử của chùa có trên trăm năm tuổi. Ban đầu là một cái am nhỏ do ông Tư Mẹt cất vào khoảng năm 1870 cách vị trí chùa hiện nay chừng 100m về phía Tây. Đến năm 1939 chùa được xây dựng ở vị trí hiện nay nằm trên phần đất do một người dân trong xã hiến tặng.
Ban đầu chùa có tên là chùa Mương Trâu ( do trước đây cạnh chùa chưa có con đường đi, người dân lùa trâu đi qua lại nhiều lần lâu ngày thành một vùng trũng đọng nước) sau đó được đổi tên thành Túy Trước và sau đó thành Túy Trúc như hiện nay. Từ khi thành lập đến nay, chùa đã qua nhiều lần tu sửa nhỏ và được trùng tu vào năm 1979. Chùa được xây cất theo kiểu mái ngói nóc cổ lầu và phía sau là nhà nghỉ và nhà ăn.
Trong chùa được chia thành hai nơi thờ cúng: phía trước chia thành ba bệ thờ (tam cấp). Cấp 1: Thờ phật Tổ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Cấp 2: Thờ phật Di Đà, Địa Tạng và Đức Quán Âm. Cấp 3: Thờ phật sơ sinh. Phía sau thờ những người đã từng tu hành ở chùa và những người đã mất được gia đình gửi vào chùa nhờ nhang khói dùm.
Trong chùa có môt tượng phật bằng đồng, một chuông Đại Hồng Chung, hai chuông Gia Trì và một trống nhưng trước đây khoảng một năm những vật bằng đồng này đã bị kẻ gian lấy cắp và hiện nay cô Như Lực đã thỉnh lại một bộ chuông khác.
Tuy là một ngôi chùa nhỏ nằm trên một vị trí khiêm tốn nhưng hàng năm chùa cũng đón tiếp nhiều bà con cô bác và phật tử trong vùng đến viếng vào các dịp rằm, lễ, Tết … và góp phần gìn giữ, tu sửa ngôi chùa có lịch sử hơn trăm năm tuổi này.

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
[-] caubaxuan được 3 thành viên cám ơn cho post này:
MinHo (03-01-2012 06:58 PM), ANH THƯ (03-01-2012 10:06 PM), dieuquang (02-12-2012 04:41 AM)
01-12-2012, 08:27 AM
Bài viết: #14
RE: LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG VÀ NHỮNG ĐỊA DANH
HƯƠNG VỊ QUÊ HƯƠNG :
HẾN BẢY MÓN


Ở Huế nổi tiếng với món Cơm Hến, nhưng nhiều người đã đến đó thưởng thức rồi nhận xét : cơm Hến tuy được gọi là đặc sản của Huế nhưng thực chất Cơm Hến ở đó chưa có thể sánh với các món Hến ở tại Định An khi đã được chế biến thành nhiều món thực là hấp dẫn và khi đã thưởng thức xong rồi thì khó có thể quên được những cảm giác lạ miệng và hương vị đặc trưng của các món được chế biến từ Hến ở Định An.( Có thể những nhận xét trên của các bạn tôi mang tính chủ quan, vì khi thưởng thức Cơm Hến ở Huế có lẽ không hợp với khẩu vị của địa phương ? )
Trước khi thưởng thức các món Hến được chế biến thành nhiều món đặc sản, mời các bạn hãy tìm hiểu xem Hến ở xã Định An được bắt như thế nào, ở đâu, trong thời diểm nào,cách bắt và chế biến ra sao ? Sau khi tìm hiểu rồi; tôi cam đoan bạn sẽ có cảm giác thèm thuồng ngay các món hến nầy và sẽ nhanh chóng về Định An để thửơng thức
Hến ở xã Định An đã có từ rất lâu, được nhân dân ở đây mò , xúc đãi và cào theo từng giai đọan thời gian. Ngày xưa khi tôm cá còn nhiều, thì Hến được xếp vào hàng thứ phẩm, ít khi được dùng trong các bữa ăn hoặc làm mồi nhậu lai rai. Khi đó thì dân nhậu chỉ cần bỏ ra nửa giờ là có thể có một bàn nhậu thịnh sọan với tôm cá, gà vịt…Kém tiền hơn nữa thì xuống sông mò bắt những con Ốc, con Vẹm, con Bung Bung - Chang Chang ( còn gọi là con Trai sông ), con bắp chuối ( giống như con Vẹm nhưng nhưng tròn hơn và không có cánh buồm ), thì cũng xôm tụ hơn, mồi màng đa dạng phong phú hơn…Nhưng càng ngày cá tôm càng hiếm, ốc cua cũng lần lượt khó bắt hơn. Thịt gia cầm, thịt heo giá cả ngày một đắt đỏ. Tới bấy giờ thì người dân chợt nhớ tới đặc sản có sẵn , rất phong phú của địa phương và chế biến được nhiều món ngon có thể thay đổi trong thực đơn hằng ngày của gia đình hoặc trên bàn nhậu mà rẽ tiền, ngon miệng, thế là nghề khai thác hến được ra đời.
Nghề khai thác Hến ở Định An ra đời cách nay hơn hai mươi năm. Sau khi nhà nước cho Sáng Cạp về vét lại các con sông trong huyện Lấp Vò . Nhất là các con sông ở các xã Định An, Định Yên trong thời gian khỏang năm 1986 -1987 thì vài năm sau lượng phù sa của dòng sông Hậu đổ về mang theo nhiều chủng lọai giống Hến, Vẹm, con Bung Bung - Chang Chang , con bắp chuối …..với số lượng nhiều hơn lúc chưa có Sáng Cạp. Theo lời kể của những người lớn tuổi ở địa phương thì trước đây các phụ lưu của Sông Hậu thuộc xã Định An cũng có thể bắt được nhiều Hến ,Vẹm… Nhưng từ khi các nhánh sông phụ lưu được vét sâu hơn, chứa nhiều phù sa thì số lượng Hến ,Vẹm…được tăng lên đáng kể, Vì trước đó những người lớn tuổi nầy muốn mò bắt Hến ,Vẹm …”phải ra tận các bãi cồn ngòai sông Cái để bắt…”. Hiện nay hầu như các kinh rạch của xã Định An thì nơi nào cũng có thể bắt được Hến cả, nhưng số lượng ít nhiều theo từng thời điểm, khúc kênh rạch và tầng suất khai thác của người dân.

Trong một buổi sáng Chủ Nhật đẹp trời, tôi cùng với thầy Hùynh Trung Tính, thầy Lê Thành Học, và thầy Phạm Phú Trung đi qua rạch Mương Khai thuộc ấp An Ninh xã Định An đến các lò hến tham quan và tìm hiểu thêm về nghề khai thác đặc sản nầy, cùng với sự phát triển của xóm nghề.
Tiếp chuyện với chúng tôi là vợ chồng anh Nguyễn Văn Bồ (61 tuổi ) đang vớt Hến trong lò.Chị Nguyễn Thị On (52 tuổi -vợ anh Bồ) cho biết : Nghề cào hến và nấu Hến bán tại xã Định An phát triển từ năm 1976. Gia đình làm nghề đầu tiên là vợ chồng ông Võ Văn Chúc và bà Mười Hùynh, khỏang 04 năm sau khi bà Mười Hùynh nghỉ thì gia đình anh chị mới bắt đầu làm nghề ( khoảng năm 1980 ). Tính đến nay thì anh chị cũng đã sống với nghề cào bắt Hến cũng gần được 29 năm. Hiện nay, tại xóm Hến ở xã Định An nầy có tất cả là 5 lò Hến đang họat động, tất cả các lò đều là người trong gia đình (các lò khác của anh Nguyễn Văn Hiện, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Chuẩn và Nguyễn thị Tại đều là các em ruột của chị Nguyễn Thị On )
Theo lời anh chị tâm sự : Trước năm 1998 sống bằng nghề cào hến nầy khá vất vả, đời sống khó khăn do người dân chưa quen dùng đặc sản nầy, số lượng tiêu thụ hằng ngày không cao, thu nhập thấp nên anh chị cũng đã nhiều lần thay đổi sinh sống bằng các nghề khác, nhưng cuối cùng cũng phải trở lại sống bằng nghề nầy, lâu ngày rồi tổ nghề giúp đỡ nên dần dần phát triển...Tuy hiện nay đời sống gia đình anh chị có ổn định hơn, thu nhập nhiều hơn trước được khỏang 150,000đ – 200.000đ một ngày, nhưng anh chị và các con trong nhà phải quần quật suốt ngày trong các công đọan cào hến, rửa hến, lựa Hến, ngâm, nấu và bán. Mỗi ngày tùy theo nhu cầu tiêu thụ và số hến thu hoạch được mà các lò Hến cho ra sản phẩm để bán. Thông thường, khoảng 7 giờ sáng là các lò họat động nhộn nhịp, nhóm lò, nấu các con hến đã được bắt và ngâm hôm qua để bán trong ngày ( thường thì các lò nầy bán tại chỗ, chứ không mang ra chợ bán như những sản phẩm khác ). Tùy theo con nước mà các anh thanh niên trong gia đình của các lò, chuẩn bị đồ nghề cho một ngày mới.Dụng cụ bắt hến rất đơn giản: Một chiếc ghe nhỏ đặc dụng, một cây vợt, một cái cán dài để cào, vài cái thùng, cái rỗ ( xem hình chụp minh họa ) là có thể lên đường, vì chủ yếu là các anh thanh niên nầy phải lặn xuống đáy sông để cào hến vào vợt. Thường thì buổi sáng khi cơm nước xong, khỏang 10 giờ là các anh khởi hành cào bắt hến và trở về nhà lúc 4-5 giờ chiều. Trong thời gian lặn xuống nước cào hến hằng ngày, nếu khúc kênh rạch nào nhiều hến thì có thể chỉ trong vòng 10 hơi lặn là các anh có thể thu họach được gần một vợt.( hơn nửa giạ ) Suốt buổi như thế ( từ 5-7 giờ ) thì những chàng thanh niên có thể thu hoạch được trên dưới 10 giạ một ngày. Nếu tranh thủ lặn thêm thì số lượng hến thu hoạch có thể nhiều hơn, nhưng các anh không cào hơn số hến tiêu thụ mỗi ngày. Vì nếu làm như thế thì số hến dư ra sẽ bị chết và làm cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài.
Anh Nguyễn Văn Bồ còn tâm sự thêm.Mỗi giạ hến nấu xong,vớt được khoảng 4 đến 5 kg hến thịt. Mỗi ký hến hiện nay bán là 12.000 đồng ( đã giảm hơn tháng trước 3000đ ) thời gian gần đây, do thời tiết lạnh nên việc lặn cào hến vất vã hơn các mùa khác nhiều.
Vừa vớt hến, anh vừa chỉ cho chúng tôi xem kỹ thuật nấu hến.Anh bảo: "Muốn vớt hến được nhiều và nóng, thì phải có kỹ thuật trong việc nấu nước. Nước phải thật sôi , mới được đổ hến vào, sau đó tăng thêm lửa cho nước sôi bùng lên, rồi dùng vợt đảo hến trong nồi, khi hến chín thì ruột hến sẽ phọt lên mặt nước, còn vỏ thì chìm xuống đáy nồi, ta phải vớt nhanh phần ruột hến đang nổi bên trên mặt nước, nếu vớt trễ, ruột hến sẽ bị chìm xuống đáy nồi cùng vỏ hến, hoặc là khi nước chưa đến độ sôi, mà đảo hến thì hến thịt cũng bị chìm xuống đáy.Ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi lựa hến thịt sau nầy"Và anh cũng bí mật truyền nghề : "Muốn cho thịt hến phọt lên mặt nước, còn vỏ thì chìm xuống đáy nồi, thì ta phải bỏ thêm muối vào nồi nước nấu". Chúng tôi thấy anh vớt vợt đầu tiên được trên 1kg hến thịt một vợt, những vợt sau số lượng giảm xuống từ từ..Sau khi vớt hết hến thịt, anh xúc vỏ hến ra bên ngòai để bắt đầu đợt nấu khác. Những vỏ hến vớt ra bên ngòai sau khi đã thu hoạch thịt hến xong, chúng tôi thấy trong mỗi vỏ hến vẫn còn chút ít thịt hến bám vào trong vỏ. Anh bảo vỏ hến nầy anh để dành nuôi 2 bầy vịt trong sân, mà khỏi cần cho vịt ăn thức ăn nào khác.( Ngòai ra anh cũng bán cho những người khác nuôi vịt với giá hữu nghị là 2.000 đồng một bao ). Nước hến thì chứa đầy chất dinh dưỡng dùng để nuôi heo. Heo rất thích ăn thức ăn có trộn với nước hến. Trong những kinh nghiệm mà anh, chị đã hướng dẫn chúng tôi, tôi tâm đắc nhất với kinh nghiệm khi chọn mua hến được bày bán ở chợ. Chị Hai On nói :"Các anh chú ý, thịt hến vừa nấu vớt bán tại chỗ có màu trắng ngà, nóng, khô, lúc ăn có vị ngọt và có mùi vị đặc trưng của hến. Khi ra chợ mua hến , nếu gặp hến có màu trắng tinh, con hến to mọng nước, thì đó là những con hến bị ngâm nước phèn chua, khi ăn hến bị lạt, không còn mùi vị và nhất là dễ bị tiêu chảy vì rửa không sạch nước phèn"
Đưa chúng tôi xem những số điện thọai mà những cơ quan, gia đình thường xuyên đặt mua hến.Anh bảo :" Nhiều người đã hỏi tôi xin số điện thọai của tôi để khi cần mua hến thì điện đặn trước thời gian và số lượng cần mua, là tôi luôn cung cấp đủ và đúng hẹn. Thỉnh thoảng một hoặc hai tháng thì có người đặt với số lượng nhiều để mang sang I -Rắc, chế biến thành món hến xào mặn với sả ớt ,bán cùng với cháo trắng lá dứa, người dân I -rắc rất ưa chuộng, nên bán rất đắt". Tôi cũng kịp thời ghi lại số điện thoại của anh, chị để khi cần thì đặt hàng trước.- số điện thọai là (067).3.666.916.-Gặp chị Hai On.
Trước khi chuẩn bị ra về, sau khi mua ở mỗi lò một kg hến đặc biệt, chúng tôi thấy một chị bán vé số ( gần 60 tuổi ) ngồi trong quán nước, mua ở lò hến của chị Lê thị Bích Thủy ( vợ anh Nguyễn Văn Dũng ) một chén hến, một dĩa rau sống, bánh tráng, nước mắm...Nhìn chị cuốn bánh tráng với hến và rau sống, sau đó chấm nước mắm ngồi ăn một cách ngon lành...Sợ nhìn lâu "không hay" nên chúng tôi vọt xe lẹ về nhà. ( Mời bạn xem các hình ảnh minh họa )
Cách chế biến Hến 7 món :
- Hến xào bầu ( xào hành, xào mướp...)
- Hến xào mặn với sả ớt.
- Cháo hến.
- Hến cuốn bánh tráng – rau sống –nước mắm me.
- Gỏi hến.( cùng với tép, bắp chuối hoặc đu đủ )
- Hến chiên với hột vịt - thịt bầm.
- Hến nướng với mở hành, muối ớt.

Những câu ca dao về hến :
1.Mua hai chén hến xào bầu
Chồng xôm, vợ gắp, con rầu héo hon.

2.Mua hai chén hến xào bầu
Chồng xôm, vợ gắp, con thầu hết trơn.( Ôm cái chảo trốn mất )

3.Hến xào sả ớt cho cay
Cơm vừa chín tới, chẳng ai kịp mời.

4.Hến cuốn bánh tráng với rau
Miệng nói tay cuốn, đưa vào ăn luôn

5.Hến chiên hột vịt , thịt bầm.
Dù cho no bụng, cũng nằm mà ăn

6.Dù cho ăn nửa heo quay
Không bằng cháo hến, ngò gai – cần tàu

7.Hến xào –hến luộc – hến chiên
Ai mà đem đổi trăm tiên cũng không

8.Hến xào sả ớt cho khô
Cơm ăn mấy chén, mấy tô cho vừa


Cauba Xuan

Học Hỏi Hiểu Hành Huân Huệ Hỷ
Thấy Tầm Tri Tập Tiệm Thiền Tu

(Lập trường Tu Tập của bách Hóa Lão Nhân )
THANK YOU
[-] caubaxuan được 3 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (01-12-2012 10:17 AM), ANH THƯ (01-12-2012 11:03 PM), dieuquang (02-12-2012 04:41 AM)
20-03-2013, 03:59 PM
Bài viết: #15
RE: LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG VÀ NHỮNG ĐỊA DANH
Hoan hô anh ba CÙM CHƯNG của Cô Ba Trâm Long Hậu.

TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS