Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
XEM > HẢI:GIA VỊ TRUNG QUỐC
23-09-2013, 08:42 AM (Được chỉnh sửa: 23-09-2013 08:42 AM bởi dieuquang.)
Bài viết: #1
XEM > HẢI:GIA VỊ TRUNG QUỐC
Đáng sợ gia vị Trung Quốc

Các nhà chuyên môn cảnh báo hương liệu, gia vị kém chất lượng hoặc dùng sai mục đích có thể dẫn đến rối loạn chức năng cơ thể, gây dị ứng, thậm chí gây ung thư.
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại gia vị, hương liệu mới phục vụ các bà nội trợ. Chúng hấp dẫn không chỉ vì giá rẻ, tiện lợi mà còn có hương vị thơm ngon nên được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, ít ai biết phần lớn các loại hương liệu, gia vị này là hàng trôi nổi không nhãn mác có xuất xứ từ Trung Quốc.
Muốn vị nào cũng có

Tại TP HCM, chỉ cần ghé vào chợ hay bất cứ cửa hàng tạp hóa nào, người mua cũng dễ dàng tìm thấy đủ loại gia vị dùng để ướp và chế biến món ăn. Biết tôi có nhu cầu mua bột ướp thịt nướng, chị Hoa, chủ quầy tạp hóa ở chợ Tân Mỹ (quận 7, TP HCM) lôi ra một bao xốp chứa đầy các bịch, gói nhỏ đã được đánh dấu bằng ký hiệu riêng và hướng dẫn: “1 kg thịt heo chỉ cần ướp 1 gói nhỏ này bảo đảm nướng lên sẽ thơm nức mũi”. Tôi hỏi muốn ướp thêm chút mật ong, bột nêm để thịt đậm đà hơn được không, chị Hoa bực dọc: “Đã nói là có đủ trong này rồi, thêm này nọ vào thì làm sao ngon được”.
Chị Tuyến, một người chuyên bán bún cá ở gần chợ Hòa Bình (quận 5, TP HCM), tiết lộ trước đây nấu bún cá lóc, ngoài nguyên liệu chính bao giờ cũng phải mua 3 loại gia vị là nghệ, sả và ngải bún. Thiếu 1 trong 3 thứ này thì chẳng còn gì là hương vị của món bún cá. Thế nhưng gần đây, nhiều người bán hàng ăn như chị rất khỏe vì chỉ cần mua gói gia vị 5.000 đồng cho vào nồi nước lèo là thơm ngon không thua gì cách nấu truyền thống. Theo chị Tuyến, món bún mắm cũng vậy. Nói là bún mắm nhưng thực chất mắm chỉ nấu lọc lấy nước và chỉ chừng đó thì không thể thơm ngon được. Người bán bắt buộc phải mua viên bún mắm bỏ vào mới dậy mùi đặc trưng…

[Hình: attachment.php?aid=6679]
Một quầy hàng bán đủ loại hương liệu tại chợ Kim Biên

Quả thật, càng tìm hiểu về thị trường gia vị, chúng tôi càng “lóa mắt” về sự phong phú của nó. Muốn hương vị nào cũng có gia vị chế biến sẵn dưới dạng bột, viên hoặc nước. Từ gia vị thịt kho tàu, bò kho, cá kho, cà ri, lẩu Thái, canh chua, phở, bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang… cho đến bún riêu, bún chả, bún thang rồi đến các loại dầu giấm, nước mắm pha sẵn… Người bán lẻ những thứ gia vị này đều mua sỉ từng ký tại chợ Kim Biên (quận 5), về đóng thành bịch nhỏ, bên ngoài bao bì không một dòng chữ nào để phân biệt. Chỉ người bán là biết công dụng của mỗi loại và hướng dẫn cách sử dụng cho người mua...


Chè, nước mát… toàn dùng hương liệu

Không chỉ gia vị mà các loại bột làm sẵn cũng phong phú không kém. Tại chợ An Đông, khi tôi hỏi mua nguyên liệu làm bánh bò, người bán lấy ra gói bột và đưa thêm gói nước cốt dừa. Chị này cho biết bây giờ chẳng ai đi mua dừa nạo về vắt nước làm bánh, vừa tốn công lại mắc và rất mau hư. Hầu hết người bán chè, cháo hay món đậu hũ nước dừa… đều dùng loại nước cốt dừa này. “Chỉ cần 1 gói nhỏ là pha được cả lít nước cốt béo ngậy, gánh đi đường nắng nóng cả ngày cũng không sợ ôi thiu” - người bán quả quyết.
Tại chợ Kim Biên, khi nghe tôi cần mua bột béo (dù chưa nói rõ mua để làm gì), một người đàn ông bán sạp hương liệu bên hông chợ tiếp thị ngay: Chỉ cần 100.000 đồng/kg bột béo pha với hương sữa và hương đậu nành là có ngay 25 lít sữa đậu nành cực thơm, khỏi cần nấu chi cho mệt. “Còn muốn mua hương liệu nấu nước mát thì ở đây chẳng thiếu thứ gì: nha đam, chanh dây, cam, ổi, dâu, bí đao, hương cúc cho đến mía lau, trà xanh, rong biển… đều có đủ, giá từ 40.000-60.000 đồng/kg” - ông này khoe.


Dùng tràn lan có thể gây ung thư
Chợ Kim Biên đang là nguồn cung cấp gia vị, hương liệu chính cho TP HCM và các tỉnh phía Nam. Ở chợ này, người mua dễ dàng tìm được tất cả các hương liệu nhưng rất khó xác định được xuất xứ, chất lượng cũng như mục đích sử dụng của chúng. Tuy nhiên, nhiều người bán hàng tiết lộ nguồn gốc chủ yếu là của Trung Quốc vì giá rẻ và “cần loại nào cũng có”.

Theo một số chuyên gia, các loại chất tạo mùi bản thân đã là chất độc. Nếu dùng trong mỹ phẩm thì nhà sản xuất phải tuân theo những quy định chặt chẽ về liều lượng. Còn dùng trong thực phẩm bắt buộc phải là hương liệu được chế biến dành riêng cho thực phẩm, không lẫn tạp chất và phải dùng đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, có giấy chứng nhận công thức hóa học. Hương liệu kém chất lượng hoặc dùng sai mục đích có thể dẫn đến rối loạn chức năng cơ thể, gây dị ứng, thậm chí có thể gây ung thư. Các chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng nên tránh xa những loại thực phẩm có mùi thơm nồng bởi hầu hết chúng đều được ướp hương liệu một cách vô tội vạ, rất độc hại.

BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, lưu ý những mặt hàng gia vị trôi nổi chủ yếu làm từ hỗn hợp các hóa chất để đánh lừa vị giác người ăn chứ chúng không có giá trị về dinh dưỡng. “Được pha chế bằng các hóa chất tạo độ ngọt, dai, giòn... hương liệu và phụ gia tạo màu công nghiệp lẫn tạp chất và kim loại nặng nên nếu sử dụng thường xuyên, chúng sẽ tích tụ dần trong cơ thể, là nguyên nhân dẫn đến ung thư” - BS Đào Thị Yến Thủy cảnh báo.


Hành, tỏi xay toàn hàng Trung Quốc

Tại chợ đầu mối Bình Điền, hiện các loại gừng, hành, tỏi xay sẵn được bán khá nhiều (được đóng bịch từ 1 - 5 kg để bỏ mối cho bạn hàng). Một tiểu thương tiết lộ hàng này giá rẻ vì được xay từ hành, tỏi dạt của Trung Quốc, chủ yếu bán cho nhà hàng, quán ăn và các mối mua về bán ở chợ lẻ. Nhà hàng, quán ăn mua nhiều vì không tốn công xay mà giá lại rẻ, chỉ khoảng 25.000 đồng/kg. Cũng theo tiểu thương này, hành, tỏi xay thường được ướp hóa chất chống mốc và giữ màu để lâu hư. Nếu không xử lý bằng hóa chất thì sẽ rất nhanh hư.

thei báo NLĐ


File đính kèm
.bmp  huonglieuTQ239-ecfd4.bmp (Kích cỡ: 549.37 KB / Tải về: 713)
THANK YOU
[-] dieuquang được 2 thành viên cám ơn cho post này:
ANH THƯ (25-09-2013 11:08 PM), baothai (26-09-2013 09:01 AM)
25-09-2013, 01:57 PM
Bài viết: #2
RE: XEM > HẢI:GIA VỊ TRUNG QUỐC
Cách phân biệt món ăn dùng phẩm màu hóa học

Phẩm màu nhân tạo được bổ sung vào thực phẩm để có màu sắc đẹp, tăng tính hấp dẫn với người tiêu dùng, hoàn toàn không có giá trị về mặt dinh dưỡng, thậm chí nếu lạm dụng có thể gây bệnh.

Nhận diện nước mắm, tương ớt có độc

Pha chế nước mắm từ hóa chất và phụ gia

Phẩm màu được chia làm hai loại chính:

- Phẩm màu tự nhiên: Là các chất màu được chiết xuất hoặc chế biến từ nguyên liệu hữu cơ (thực vật, động vật) sẵn có trong tự nhiên. Ví dụ, Caroten tự nhiên được chiết xuất từ các loại quả có màu vàng, Curcumin được chiết xuất từ củ nghệ, màu Caramen được chế biến từ đường...

Nhóm phẩm màu nguồn gốc tự nhiên có nhược điểm là độ bền kém, sử dụng với lượng lớn nên giá thành sản phẩm cao...
[Hình: attachment.php?aid=6689]
Sự khác biệt của thực phẩm khi dùng màu tự nhiên và phẩm màu nhân tạo.

- Phẩm màu tổng hợp hoá học: Là các phẩm màu được tạo ra bằng phản ứng tổng hợp hoá học. Ví dụ Amaranth (đỏ), Brilliant blue (xanh), Sunset yellow (vàng cam), Tartazine (vàng chanh)...

Các phẩm màu tổng hợp thường đạt độ bền màu cao, với một lượng nhỏ đã cho màu đạt với yêu cầu đặt ra, nhưng có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Nhiều người, nhất là cơ sở chế biến thực phẩm chuộng phẩm màu hóa học vì chúng thường đem lại màu sắc đẹp cho món ăn, không bị bay màu trong quá trình chế biến và giúp cho món ăn bắt mắt, hấp dẫn hơn, không dễ bị hỏng.

Phẩm màu hóa học thường rất rẻ, chỉ khoảng 25.000-50.000 đồng/kg với loại không có nhãn mác xuất xứ từ Trung Quốc. Rất dễ mua các loại phẩm màu này, tất cả đều được bày bán tràn lan ở chợ, chúng còn dễ sử dụng và không bao giờ bị hư.

Để phân biệt, người tiêu dùng nên lưu ý thực phẩm được nhuộm màu hóa học thường có màu sắc bắt mắt, sặc sỡ nhưng trông kém tự nhiên hơn đồ ăn dùng màu tự nhiên. Dưới đây là hình ảnh khác biệt giữa món ăn dùng phẩm màu và dùng màu tự nhiên.

Tác hại của màu thực phẩm hóa học

Những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu lạm dụng phẩm màu, hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm (đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp) sẽ rất hại, có thể gây ngộ độc cấp tính, tích luỹ lâu dài có thể dẫn đến ung thư, như tương ớt có phẩm màu đỏ Sudan và hạt dưa nhuộm phẩm màu đỏ Rhodamine B.
[Hình: attachment.php?aid=6690]
Những lọ phẩm màu bắt mắt, không rõ nguồn gốc, không ghi thành phần... được bày bán phổ biến tại nhiều chợ.
Tất cả màu thực phẩm nhân tạo độc hại đã bị Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ cấm từ lâu, nhưng có 5 loại vẫn tồn tại trong chợ Việt Nam là màu thực phẩm: Blue1, 2; Red 3; Green 3; và Yellow 6 - đây đều là những chất có thể gây ra ung thư khi thí nghiệm ở động vật.

Blue 1 và 2 được tìm thấy trong những thức uống giải khát như (trà, sữa, rượu, bia...), kẹo, đồ nướng và thức ăn cho thú cưng có mức nguy hiểm thấp nhưng nó liên quan đến ung thư ở chuột. Red 3 tạo ra màu đỏ anh đào, rượu cocktail, kẹo, đồ nướng, đã được chứng minh gây ra khối u tuyến giáp ở chuột. Green 3 có trong kẹo và thức uống giải khát, dù là ít sử dụng, gây ra ung thư bàng quang. Những cuộc nghiên cứu thấy rằng yellow 6 là chất hay được sử dụng nhất để cho vào thức uống giải khát, xúc xích, gelatin, đồ nướng và kẹo. Yellow 6 có thể gây ra khối u ở thận và tuyến thượng thận.

Hiện màu công nghiệp vẫn được dùng khá phổ biến trong một số thực phẩm cho trẻ em như thạch, nước trái cây, đồ ăn nhanh, kẹo bánh... Một nghiên cứu trước đây của Cục Quản lý tiêu chuẩn thực phẩm Anh còn cho thấy, việc dùng thường xuyên thực phẩm có màu công nghiệp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trí tuệ của trẻ, khiến chỉ số IQ giảm ít nhất 5,5 điểm.

Cách thay thế phẩm màu hóa học

Khi chế biến thức ăn tại gia đình, tốt nhất là nên sử dụng các phẩm màu tự nhiên. Nếu sử dụng phẩm màu tổng hợp thì cần biết rõ đó là phẩm màu gì, có được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm hay không. Không mua và không sử dụng các loại phẩm màu đóng gói lẻ không có nhãn mác, nguồn gốc không rõ ràng để chế biến thực phẩm.

Theo tiến sĩ Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Thực phẩm, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam, để phòng ngừa tác hại của thực phẩm có nhuộm phẩm màu, người tiêu dùng cần chú ý nên dùng các chất màu tự nhiên (gấc, cà chua, ớt, cà rốt, dành dành, dâm bụt chua, nghệ, lá dứa thơm…). Các chất màu tự nhiên ngoài tác dụng tạo màu chúng còn có tính chống oxy hóa nên rất tốt cho sức khỏe.


File đính kèm Thumbnail(s)
       
THANK YOU
[-] dieuquang được 2 thành viên cám ơn cho post này:
ANH THƯ (25-09-2013 11:09 PM), baothai (26-09-2013 09:02 AM)
25-09-2013, 02:09 PM
Bài viết: #3
RE: XEM > HẢI:GIA VỊ TRUNG QUỐC
Nhận diện nước mắm, tương ớt có độc

Theo các chuyên gia, để nhận diện các loại hóa chất trộn vào tương ớt, ớt bột, nước mắm là rất khó, vì các độc chất trên thường không mùi, không vị. Cách nhận biết tốt nhất là cảm quan qua màu của sản phẩm.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các mẫu tương ớt, nước mắm không rõ nguồn gốc. Tại các chợ Hà Đông, Đồng Xuân, chợ Xanh (Hà Nội) hay quán tạp hóa nhỏ... các loại gia vị này được bày bán khá nhiều. Tương ớt, nước tương thường đựng vào loại can nhựa lớn, giá 10.000-15.000 đồng một lít, bên ngoài không hề có tem nhãn nêu rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần. Các loại nước mắm công nghiệp được pha chế từ một phần nước mắm nguyên chất, nước muối, phụ gia tạo mùi hương, tạo màu nâu vàng, chất bảo quản... được bán với giá rất rẻ 5.000 đồng một lít.
[Hình: attachment.php?aid=6691]
Những can nước mắm "bẩn" được cơ quan chức năng thu giữ hồi đầu năm tại Hà Nội.

Chủ một cơ sở sản xuất nước mắm cho hay, thông thường một lít nước mắm đạt tiêu chuẩn phải có giá 11.000-12.000 đồng, sản phẩm chất lượng giá còn cao hơn nữa. Với loại nước mắm được bán giá 5.000 đồng một lít thì chất lượng chắc chắn không đảm bảo, độ đạm hầu như không có, rất dễ trộn hóa chất tạo màu, tạo mùi.

Trước thông tin nước mắm có sử dụng chất bảo quản, chất tạo ngọt là đường hóa học cyclamte, sac-charin... phó giáo sư Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết, đây là chất cấm sử dụng trong thực phẩm vì nó có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền...

Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm cho rằng, rất khó nhận biết tương ớt, ớt bột nhuộm phẩm màu có chứa chất gây ung thư vì các độc chất trên không mùi, không vị. Cách duy nhất là nhận biết qua màu của sản phẩm. Tương ớt làm tự nhiên sẽ có màu sậm, mùi vị thơm ngon chứ không có màu sặc sỡ, tươi rói như được pha hóa chất. Những thực phẩm có sử dụng chất phẩm màu rhodamine B thường có màu đỏ sẫm sặc sỡ, màu đẹp đều, không bị phai màu trong nước.

Người tiêu dùng nên lựa chọn các loại thực phẩm có bao bì, nhãn mác rõ ràng, có ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng và đặc biệt cần chú ý thực phẩm đó có thông tin về phụ gia thực phẩm. Không nên lựa chọn các loại thực phẩm có màu sắc quá sặc sỡ, độ bóng bất thường.

Đối với nước mắm, khi mua nên chọn những nhãn hàng uy tín, độ đạm đúng với quy định. Thông thường nước mắm từ 15 đến 30 độ đạm là phù hợp để dùng hằng ngày. Đây là thành phần quan trọng nhất của nước mắm, quyết định giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra khi mua nên lắc nhẹ chai nước mắm, nếu thấy nước chảy xuống chậm, đọng lại trên vỏ chai nghĩa là có độ đạm cao.

Để kiểm tra thật chuẩn nước mắm, mọi người nên để chai mắm đối diện với nguồn sáng, sau đó lắc chai mạnh rồi dốc ngược, nếu thấy có những cục lởn vởn từ đáy chai rơi xuống thì không nên dùng. Vì dấu hiệu kết tủa này có thể là muối và một số phụ gia khác nhà sản xuất cho vào.

Nước mắm nguyên chất thường có mùi nặng. Nước mắm có sử dụng phụ gia không tốt khi nếm thử có vị chát ở đầu lưỡi.

Mua các loại nước nắm rẻ tiền trên thị trường, cơ sở nước nắm Đông Hải (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) đã pha chế thành nhiều loại theo tỷ lệ khác nhau rồi dán nhãn của các hãng nổi tiếng bán ra thị trường trục lợi.
[Hình: attachment.php?aid=6692]
Trưa 10/8, Cảnh sát môi trường phối hợp với Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra cơ sở chế biến, kinh doanh nước mắm Đông Hải (71 Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện cơ sở này đang bán nhiều loại nước mắm đã đóng chai thành phẩm, dung tích 1 lít với các nhãn hiệu: Hãng nước mắm Đông Hải – Cốt cá Hồng đặc biệt; Xí nghiệp nước mắm sạch V.A.T được chế xuất từ cá chim trắng Đại Dương; Nước mắm nhĩ Nha Trang; Nước mắm Đông Hải...

Tổ công tác còn phát hiện bên trong kho hàng của cơ sở này có hàng trăm can nhựa đựng nước mắm loại 20 lít.
Qua kiểm tra phát hiện tất cả các loại nước mắm này đều ghi hạn sử dụng bằng giấy dán ngoài, thời gian: 12/20/14 và 20/2/2014. Tuy nhiên, khi bóc giấy thì thấy hạn in trên nhãn chính thức là 12/2012 và 2011. Ngoài ra, còn một số lượng lớn các nhãn chưa sử dụng cũng ghi hạn sử dụng là 12/2012.
[Hình: attachment.php?aid=6693]
Chủ cơ sở khai nhận, đã mua hai loại nước mắm 15.000đ/lít và 5.000đ/lít của các cơ sở kinh doanh nước mắm khác trên thị trường, sau đó mang về hòa trộn theo tỉ lệ khác nhau để cho ra các sản phẩm nước mắm có chất lượng và giá khác nhau rồi bán ra thị trường

Trong 2 kiốt chật hẹp cạnh nhà vệ sinh, hàng ngày có khoảng 500 lít nước mắm được pha chế bằng loại hóa chất lạ cùng nhiều loại phụ gia xuất xứ từ Trung Quốc được tung ra thị trường.

Sáng 31/8, cơ quan chức năng thị xã Thuận An (Bình Dương) bất ngờ kiểm tra chi nhánh của Công ty TNHH Hòn Mê tại khu dân cư 434 (khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa), phát hiện dây chuyền sản xuất mắm bẩn cạnh nhà vệ sinh .
[Hình: attachment.php?aid=6694]
Trong 2 kiốt thuê của công ty Hòn Mê, lực lượng chức năng thu giữ hàng nghìn chai nước mắm, lọ mắm mang nhãn hiệu Đại Dương Phan Thiết; nước mắm cá cơm Hòn Mê. Hai sản phẩm này ghi trên nhãn là đã được Bộ Y tế trao tặng thương hiệu “cúp vàng” an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng, và chuẩn bị tung ra thị trường .
[Hình: attachment.php?aid=6695]
Ngoài ra, còn có hàng nghìn lọ mắm tôm Hậu Lộc được gắn nhãn “Đặc sản Thanh Hóa”, hàng trăm bình nước mắm cá cơm Phan Thiết mang nhãn Đại Phú và nhiều bình, chai lọ, nhãn mác; hàng chục thùng nước mắm nguyên liệu, nhiều thùng hóa chất lỏng có “mùi lạ” và nhiều phẩm màu để pha chế cũng bị thu giữ.
Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện quản lý của Công ty Hòn Mê cho biết, đã pha trộn cứ 100 lít nước mắm cộng với 200 lít nước và hóa chất (chưa xác định chủng loại, nguồn gốc) cùng 250 gr đường Trung Quốc là có 300 lít nước mắm thành phẩm. Đường và hóa chất được mua từ một ngôi chợ ở TP HCM. Trung bình, cứ 2 ngày thì sản xuất được 1.000 lít nước mắm theo công thức trên.

Tại hiện trường, hệ thống rửa chai, lọ được để hẳn trong nhà vệ sinh. Nơi pha chế là một chiếc bồn nhựa 1.000 lít được cơi nới bên cạnh. Từ chiếc bồn này “công thức” pha chế được thực hiện, sau đó theo ống nước chuyền đến “hệ thống” chiết xuất nước mắm ra chai lọ. Quản lý nơi này trình một số giấy tờ đăng ký chất lượng hàng hóa do Chi Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương cấp phép. Tuy nhiên, khi đối chiếu với nhãn mác một số sản phẩm thì không trùng khớp.

Theo ông Lê Quốc Tiến, cán bộ Môi trường phường Bình Hòa, qua kiểm tra thực tế, các sản phẩm nước mắm được người quản lý khai nhập từ Phan Thiết tỉnh Bình Thuận, nhưng tại thời điểm kiểm tra nơi đây không xuất trình được bất kỳ giấy tờ hàng hóa nào. Còn những hóa chất và phụ gia được xác định có xuất xứ từ Đài Loan và Trung Quốc.
[Hình: attachment.php?aid=6696]
Các lọ mắm thành phẩm tại cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Sang, cán bộ phường Bình Hòa cho hay, từ tháng 7/2012, người dân phản ánh rất nhiều về việc cơ sở chế biến các loại mắm này gây ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối bốc ra từ nơi sản xuất. Cơ sở này không có giấy phép hoạt động tại phường Bình Hòa. Công ty Hòn Mê có đăng ký giấy phép kinh doanh tại khu phố 2, phường An Phú (thị xã Thuận An).


File đính kèm Thumbnail(s)
                       
THANK YOU
[-] dieuquang được 2 thành viên cám ơn cho post này:
ANH THƯ (25-09-2013 11:09 PM), baothai (26-09-2013 09:03 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS