Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
BỆNH ZONA ( GIỜI LEO)
25-11-2013, 11:40 AM
Bài viết: #1
BỆNH ZONA ( GIỜI LEO)
Bệnh Zona có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ngoài 50 thì tỉ lệ gặp nhiều hơn. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng cơn đau của nó luôn là nỗi sợ hãi của người bệnh.

Bệnh Zona còn được gọi là bệnh giời leo và do virút Varicella Zonster gây ra (VZV).
[Hình: attachment.php?aid=7424]

Triệu chứng của bệnh

Hàng năm tỉ lệ người mắc bệnh Zona lên tới 1,5 - 3,0%. VZV xâm nhập vào dây thần kinh và hạch giao cảm, chúng nhân lên ở hạch rễ sau và gây viêm cấp tính. Đồng thời gây nên sung huyết và thậm chí gây hoại tử. Virút lan đi dọc theo rễ dây thần kinh cảm giác ngoại vi làm tổn thương bao Myelin gây tăng nhạy cảm ngoại vi và làm cho đau đớn, rát bỏng khủng khiếp. Cơn đau và rát bỏng dọc theo đường đi của giây thần kinh cảm giác đó chi phối.

Bệnh Zona trước khi toàn phát thường không thấy những biểu hiện đặc hiệu nào báo trước. Tuy vậy, bệnh cũng xuất hiện một số triệu chứng tương đối giống với một số bệnh nhiễm trùng hay gặp là nhiễm trùng đường hô hấp trên như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức khắp người. Tiếp đến là triệu chứng đau, rát, nhức nhối như kim châm hoặc kiến cắn, đôi khi đau dữ dội và rát bỏng, ngứa rất khó chị.

Đồng thời, vùng da này tăng nhạy cảm cho nên mỗi khi sờ vào đó người bệnh thấy đau, rát tăng lên rõ rệt. Đau có thể liên lục hoặc gián đoạn, đôi khi cơn đau khủng khiếp làm cho người bệnh phát khóc.
[Hình: attachment.php?aid=7425]

Sau một vài ngày tại vùng da này xuất hiện một mảng dát màu hồng đỏ rồi xuất hiện các mụn nước. Mụn nước mọc lên từng chùm, sát vào nhau, tạo thành mảng hoặc có liên kết với nhau. Có trường hợp trên một mảng da chỉ có một chùm nhưng thường là nhiều chùm mụn nước. Một số trường hợp các mụn nước mọc liên tiếp, hết đợt này đến đợt khác làm lan đầy một vùng da. Ngoài các triệu chứng sốt, đau, rát bỏng, ngứa ở vùng da bị Zona thì nổi hạch ở vùng lân cận sát với vị trí bị Zona, đặc biệt là Zona ở vùng đầu, mặt, cổ và liên sườn. Nếu bị Zona ở vùng bả vai hoặc cổ thì hạch vùng nách bên phía bả vai bị bệnh sẽ bị sưng và đau. Nếu Zona xuất hiện ở đùi hoặc cẳng chân thì có thể hạch ở vùng bẹn cùng bên chân bị bệnh sưng to, đau. Sự xuất hiện bệnh Zona trên một cơ thể NCT có thể gặp ở mắt (Zona mắt), đầu, mặt, ở cánh tay, cổ, lưng, ngực, chân. Bệnh thường chỉ xảy ra một bên của cơ thể do chúng gây tổn thương các rễ thần kinh (một bên lưng, một bên ngực, một bên mắt).

Khi bị Zona thì sau khoảng từ 2 - 4 tuần lễ, các mụn nước khô, bong vảy và tự khỏi (nếu không có bội nhiễm hoặc không có biến chứng). Nếu bị bội nhiễm, người bệnh có thể bị sốt lại và sốt cao hơn, vùng da bị Zona bị mưng mủ và có thể làm lây lan ra nhiều vùng da khác và cũng rất dễ gây nhiễm trùng máu.

Bệnh Zona không nguy hiểm đến tính mạng, tuy vậy nếu bị Zona ở mắt thì phải hết sức thận trọng, đặc biệt là gây đau dữ dội và rát bỏng. Zona mắt có thể gây viêm, loét giác mạc, hậu quả để lại là sẹo giác mạc ảnh hưởng rất lớn đến tầm nhìn và có thể gây mù lòa. Biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh Zona đối với NCT là gây đau nhức, rát bỏng vùng da bị Zona hàng tuần, hàng tháng, có khi kéo dài cả năm mặc dù vùng da đó đã khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy sẽ làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, rối loạn giấc ngủ kéo dài và làm xuất hiện nhiều bệnh khác cho NCT. Tỉ lệ biến chứng đau nhức vùng da sau khi bị Zona ở NCT chiếm khoảng 1/3 số người bị bệnh. Chính sự đau nhức kéo dài ở vùng da bị Zona là do tổn thương các rễ thần kinh nên người ta gọi là Zona thần kinh.

Sau khi khỏi bệnh Zona thì VZV sẽ khu trú vào thần kinh, nằm ở sừng sau của tủy sống. Chúng thường nằm im ở đó tương tự như dạng “ngủ đông”, khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng lại trỗi dậy và tiếp tục gây bệnh Zona ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Chính vì lẽ đó mà đa số NCT bị bệnh Zona có thể là do trong quá trình sống đã một lần bị loại VZV tấn công (gây bệnh), chẳng hạn lúc còn nhỏ đã bị bệnh thủy đậu.

Xử trí việc đau, rát như thế nào?

NCT khi nghi bị bệnh Zona cần đi khám bệnh ngay không nên chần chừ. Nơi khám tốt nhất là chuyên khoa da liễu. Cần khám càng sớm càng tốt để được điều trị sớm sẽ rất có lợi cho người bệnh vì sẽ làm giảm thời gian bị bệnh. Trọng tâm của việc điều trị bệnh Zona là giảm đau và ức chế sự phát triển của virút. Một số nhà chuyên môn khuyến cáo nên dùng phối hợp thuốc ức chế virút (acyclovir) với thuốc giảm đau (paracetamol, neurontin), kết hợp với amitriptilin (giảm lo âu, tác dụng an thần) và một số sinh tố như vitamin B1, B6, B12. Phối hợp thuốc sẽ làm hạn chế sự phát triển của virút, qua đó hạn chế sự tấn công của chúng vào thần kinh và đặc biệt làm giảm các cơn đau cho người bệnh, đồng thời làm cho người bệnh ngủ tốt hơn. Ngủ tốt hơn cũng đồng nghĩa với việc làm giảm cơn đau, tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống lại tác nhân gây bệnh.
Triệu chứng

Người mắc bệnh zona sẽ có các triệu chứng sau:

- Cảm giác bỏng rát ở da.

- Đau nhức dữ dội nơi các dây thần kinh virút cư trú.

- Xuất hiện các mụn nước.

Tùy theo hướng di chuyển của virút ở các dây thần kinh, các mụn nước này có thể xuất hiện ở các vị trí sau:

- Ở một bên thân trên các xương sườn.

- Ở một bên cổ.

- Ở một bên cánh tay.

- Ở một bên mặt (có thể gây liệt tạm thời các cơ mặt).

- Ở một bên mắt (có thể gây viêm loét giác mạc).

Sau khoảng một tuần, các mụn nước này sẽ đóng vảy khô đi và thường để lại sẹo (giống sẹo bệnh thủy đậu), nhưng triệu chứng đau nhức có thể kéo dài hàng tháng hay hàng năm.

Các yếu tố thuận lợi gây bệnh

- Tuổi tác cao: bệnh zona thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi.

- Người bị stress (căng thẳng, lo lắng...).

- Hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu.

- Người mắc bệnh bạch cầu, bệnh AIDS.

- Người đang điều trị với thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống ung thư…

Thuốc điều trị

Các thuốc dùng trong điều trị bệnh zona không chữa hết bệnh nhưng được sử dụng với mục đích:

- Giảm thời gian mắc bệnh.

- Ngăn ngừa sự lây lan.

- Giảm sự tổn thương của các mụn nước.

- Giảm các cơn đau nhức do viêm các dây thần kinh.

Gồm các thuốc sau:

Thuốc kháng virút:

Acyclovir là thuốc kháng virút có tác dụng hiệu quả trong điều trị bệnh zona, với điều kiện thuốc phải được sử dụng trong vòng 48 giờ kể từ khi phát bệnh.

Acyclovir được trình bày dưới các dạng sau:

- Dạng thuốc viên hay hỗn dịch dùng qua đường uống.

- Dạng bột đông khô dùng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch.

- Dạng thuốc kem và thuốc mỡ dùng ngoài da.

- Dạng thuốc mỡ tra mắt.

Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Acyclovir: buồn nôn, nôn, nhức đầu, đau bụng... Đối với phụ nữ có thai và cho con bú việc sử dụng thuốc Acyclovir cần phải thật thận trọng và có sự theo dõi của thầy thuốc.

Thuốc giảm đau:

Các loại thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol, aspirin hoặc nhóm thuốc kháng viêm nonsteroid (NSAID) như Ibuprofene, Diclophenac... thường được sử dụng để làm giảm cơn đau do sự tổn thương các dây thần kinh gây ra. Các thuốc này còn có thể phối hợp với codein để tăng hiệu quả giảm đau (như paracetamol + codein).

Một số loại thuốc như: Amitriptylin (thuốc chống trầm cảm ba vòng), Gabapentin (thuốc chống co giật) và các thuốc thoa tại chỗ có chứa Lidocain (chất gây tê), Capsaicin (hoạt chất có trong quả ớt) cũng được các thầy thuốc phối hợp sử dụng trong điều trị giảm đau của bệnh zona.

Ngoài ra, việc bổ sung các loại thuốc có chứa nhiều vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) và các chất khoáng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm giảm các cơn đau do viêm dây thần kinh.

Đối với những bệnh nhân có những cơn đau dai dẳng, kéo dài ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt mà việc điều trị nội khoa bằng thuốc không mang lại hiệu quả, phương pháp phẫu thuật cắt đứt các dây thần kinh bị tổn thương sẽ mang lại hiệu quả cao trong điều trị.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

LỜI KHUYÊN CỦA THẦY THUỐC

Người bệnh bị Zona không được tự động hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác mà tự mua thuốc để điều trị. Người bệnh cũng tuyệt đối không dùng kháng sinh để điều trị bệnh cho mình vì bất kỳ loại kháng sinh nào cũng không có tác dụng diệt virút, trừ khi có chỉ định của bác sĩ (tức là bệnh đã bị bội nhiễm). Cần vệ sinh da vùng bị bệnh và dùng các loại thuốc sát khuẩn mà bác sĩ kê đơn nhằm mục đích không để vùng da bị bệnh bội nhiễm vi khuẩn. Người bệnh cũng không nên quá lo lắng và cần có quyết tâm để điều trị bệnh chóng khỏi. Cần có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý để tăng cường sức đề kháng chống lại virút gây bệnh.

Bệnh nhân viêm da do tiếp xúc với côn trùng được chuyển đến phòng khám da liễu của bệnh viện là 169 người nhưng trong giấy chuyển viện gửi tới thì 136 người chẩn đoán là bị bệnh zona. Mức độ nhầm lẫn lên tới 80,4%.
Bởi 2 bệnh này có những yếu tố gần giống nhau cho nên rất dễ bị nhầm lẫn.

- Một là, vùng da bị thương tổn đều bị viêm đỏ và nổi mụn liên kết dính chùm nhau, giống mụn mủ.

- Hai là, thương tổn đau rát của viêm da tiếp xúc do côn trùng rất dễ nhầm với đau nhức của zona.

- Ba là, thương tổn của zona thường chỉ bị một bên người, dễ lầm với thương tổn da do côn trùng tiếp xúc khi cũng bị ở một bên người và có khi 2 bên người.

Viêm da gây ra bởi côn trùng và bệnh zona về mặt lâm sàng có một vài điểm giống nhau như tôi vừa nói, đến nỗi chúng tôi theo dõi và nhận thấy ở các tuyến chuyển đến thường chẩn đoán chung là zona, nhiều người lầm tưởng hai bệnh này là một, song thực tế, chúng khác nhau rất rõ ràng. Loại côn trùng gây viêm da thường xuất hiện vào những tháng thời tiết giao mùa, là loại côn trùng có cánh cứng, thân mảnh dài, khoảng từ 7 - 10mm, có 3 đôi chân, thân có 2 vòng đỏ, 3 vòng đen, có khả năng bay và chạy rất nhanh, thích ánh đèn, nhất là đèn huỳnh quang.

Viêm da giống như vết cào xước, có xu hướng tạo thành vệt dài, người bệnh cảm thấy bỏng rát, phù nhẹ, ít ngứa, kèm theo nhiều mụn nhỏ có màu vàng giống như mụn mủ.

Còn bệnh zona thường gặp ở những người trước đó bị thủy đậu, sau đó virut khu trú tại các hạch cảm giác ở thần kinh vùng thắt lưng. Khi cơ thể mệt mỏi, suy giảm miễn dịch thì virut theo đường thần kinh tái hoạt gây bệnh. Lúc đầu sốt 380C, nhức đầu mệt mỏi, tiếp theo nổi những mụn nước, thường liên kết lại với nhau dính chùm, quan sát kỹ có thể thấy lõm giữa trên bề mặt của mụn nước, đau nhức chứ không ngứa, tuổi càng lớn, mức độ đau nhức càng tăng. Vị trí thường gặp là liên sườn, thường có viêm hạch liên quan.

Bệnh viêm da do tiếp xúc với côn trùng chỉ cần rửa thương tổn bằng các dung dịch như nước muối sinh lý hoặc nước sạch để trung hòa hóa chất gây bỏng do côn trùng gây ra, dùng các thuốc bôi làm dịu như kem kẽm, kem corticoid... Nếu nhiễm khuẩn, ta có thể dùng thêm kem kháng sinh bôi tại chỗ. Nếu điều trị đúng và kịp thời, trong khoảng 7-10 ngày là khỏi, không để lại vết sẹo. Còn bệnh zona điều trị bằng acyclovir đường uống và đường bôi, chống viêm giảm đau và an thần, bệnh sẽ khỏi trong 2 - 3 tuần, sau khi lành, bệnh có thể để lại dấu hiệu giảm sắc trên da.


File đính kèm Thumbnail(s)
       
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS