Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
TẢN MẠN NGÀY TẾT GIÁP NGỌ 2014
07-01-2014, 08:04 AM (Được chỉnh sửa: 10-01-2014 06:18 AM bởi dieuquang.)
Bài viết: #2
RE: TẢN MẠN NGÀY TẾT TA
NHƯ ĐÃ VIẾT XIN MỜI XEM TIẾP : > PHONG TỤC NHỎ THÔI.( trích tư liệu trên net có những phong tục không còn tồn tại )

[Hình: attachment.php?aid=7696]

TỐNG CỰU NGHINH TÂN

Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, cùng hàng xóm vệ sinh nhà thờ, đường xóm, tắm giặt, mua sắm quần áo mới và mọi thứ thức ăn, vận dụng trong ngày tết…
Có nhiều gia đình còn sơn mới nhà, cửa. Các đồ dùng như bàn, ghế để tiếp khách, tủ thờ, tủ trong phòng khách đều được lau chùi cho sạch bụi.
Các chân đèn, lư hương trên bàn thờ đều được chùi cho thật bóng. Trên tường được treo, dán những loại tranh tết. Trong nhà hoặc ở sân trước được chưng các loại hoa có màu sắc rực rỡ tươi sang như cúc vàng, vạn thọ, thược dược, hoặc cây quất (tắc) với những chum trái vàng tươi. Đặc biệt có hai loài hoa chỉ tết mới nở đó là mai vàng ở miền Nam và đào hồng, đỏ ở miền Bắc.
Ngoài hoa, còn có chưng trái cây, xếp thành một dĩa lớn. Bên cạnh những trái cây thường có như chuối, cam, bưởi, quít, người ta còn chưng một dĩa gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, hay sung, và hai trái dưa hấu thật đều.
Không chỉ trang hoàng làm đẹp nhà cửa mà con người cũng được làm đẹp. Ngày tết ai cũng ăn mặc quần áo mới, đẹp để tiếp khách hay đi ra đường.
Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi, không cãi cọ nhau, không vứt rác bừa bãi, không nghịch ngợm, trách phạt nhau…. Đối với hàng xóm láng giềng, trong năm cũ có điều gì không hay không phải đều xuý xoá hết, tất cả mọi người dù lạ dù quen, sau phút giao thừa đều niềm nở, vui vẻ và chúc nhau những điều tốt lành.

PHONG TỤC CÚNG ÔNG TÁO

Ông Táo là thần bếp, được Trời (hay Thượng đế) giao trách nhiệm theo dõi tất cả những việc xảy ra trong nhà. Hằng năm, ngày 23 tháng chạp ông Táo phải lên trời để trình cho Thượng Ðế các việc ghi nhận để Thượng Ðế xét thưởng hay phạt gia chủ. Vào ngày 23 tháng chạp, nhà nào cũng quét dọn bếp sạch sẽ và làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời, nhờ ông báo cáo điều tốt để Trời cho gia đình được bình an, may mắn trong năm tới. Theo lệ, lễ cúng ông Táo được đặt trong bếp, và phải có một con cá chép vì tục truyền rằng ông Táo cỡi cá chép để về trời. Ngày nay, tuy không còn lò bếp như xưa, nhưng người Việt vẫn giữ tục lệ này.

HÁI LỘC CHÚC TẾT MỪNG TUỔI

Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ tiến bộ, thành đặt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến càng sớm càng tốt, nhưng nhiều nhà chủ tự đi hai lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn nghiêm trang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người “nhẹ vía” mà mình thích đến xông nhà.
Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. ông bà, cha mẹ cũng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm làng giềng, bạn bè thân thích, đồng thời chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Người nào thích điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất, luôn hướng tới sự tốt lành và kiêng nói tới những điều rủi ro hoặc xấu xa.
Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại hỏi thăm nhau, nhân ngày lễ tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm. Nhiều nhà, hễ đến chúc tết nhau nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn gì đó chủ mới vui lòng, năm mới từ chối sợ bị “ giông” cả năm.
Trong ba ngày đầu năm, hay còn gọi là ba ngày tết, người ta đi đến nhà bà con, bạn bè, để chúc những điều tốt lành cho năm mới. Ngay cả với những người mới gặp cũng vẫn vui vẻ và chân thành chúc nhau. Khi có người quen đến nhà chúc tết thì chủ nhà phải tiếp đãi vui vẻ, thân mật và đãi ăn uống. Tục lệ này nói lên sự quan tâm và tình thân giữa con người với nhau, dù là thân hay sơ. Ngày nay, tuy sống ở nước ngoài, người Việt vẫn giữ tục lệ đáng yêu này.

PHONG TỤC CÚNG TẾT

Tết là một thời gian thiêng liêng trong đời sống người Việt. Ðó là dịp đoàn tụ gia đình, cả người sống lẫn người đã chết. Những người đi làm, đi học xa quê hương, xa gia đình đều tìm đủ mọi cách để về ăn tết với cha mẹ, với gia đình.
Chiều ba mươi tết (hoặc ngày 29, nếu tháng chạp thiếu), người ta cúng để mời linh hồn tổ tiên và những người thân đã mất về ăn tết cùng con cháu. Ðúng giữa đêm trừ tịch, lúc chuyển từ năm cũ sang năm mới thì cúng giao thừa để tiễn năm cũ và đón năm mới. Lễ cúng này được bày ngoài trời hay trước cửa ra vào để cúng trời đất, cầu xin bình an may mắn. Thông thường, đúng giờ giao thừa thì các chùa đều gióng chuông báo hiệu, và rồi mọi nhà đều đốt pháo. Ðến ngày mồng ba thì cúng đưa tức tiễn đưa linh hồn những người mà ta đã mời về ăn tết chung. Về mặt nghi lễ, ngày tết đến đây là chấm dứt.

QUÀ TẾT LỄ TẾT

Ðây là dịp để nhớ ơn những người đã từng giúp mình, để tỏ lòng yêu kính đối với người trên, tỏ lòng quan tâm thương mến với họ hàng, bạn bè. Thông thường thì:
bà con thân thiết biếu tết lẫn nhau
con rể, con dâu biếu tết cha mẹ vợ/chồng
học trò biếu tết thầy cô
bạn bè biếu tết lẫn nhau
con nợ biếu tết chủ nợ
bệnh nhân biếu tết thầy thuốc
Việc biếu tết thể hiện tấm lòng biết ơn, hoặc yêu thương chân thành, hoặc quan tâm thương mến, nên rất đáng quý. Ngày nay, chúng ta vẫn còn giữ tục này. Tuy nhiên, đừng lợi dụng việc biếu tết này để hối lộ, mua chuộc.
Quà biếu, quà tết đó không đánh giá theo giá trị thị trường, nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: không có quà ngại không dám đến.

PHONG TỤC XUẤT HÀNH

Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Cho nên, theo tuổi tác của mình, mỗi người xem sách lịch do những nhà bói toán viết ra để chọn hướng đi và giờ bắt đầu cho thích hợp. Tục lệ này có vẻ hoang đường, ngày nay nhiều người không còn tin theo. Hơn nữa, cửa nhà và đường sá ngày nay được xây dựng theo phương hướng cố định, chúng ta khó mà chọn được hướng đi như trong sách lịch nói.

TỤC XÔNG ĐẤT

Xông đất là người đầu tiên bước chân vào nhà của người nào đó. Người ta tin rằng tuổi tác của người khách đầu tiên có ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà.Đáng lẽ sáng mồng một đông vui lại hoá ra ít khách, không ai dám đi đến nhà khác sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình “nặng vía”, vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà, từ người thứ hai trở đi không tính. Vì thế, từ trước tết, chủ nhà thường chọn người quen biết nào mà có tuổi hợp với mình theo sách tử vi để mời họ đến xông đất cho mình. Tục lệ này cũng có vẻ hoang đường, ngày nay nhiều người cũng không tin theo nữa.

TỤC HÁI LỘC

Trong đêm giao thừa, người ta đi lễ chùa để cầu xin đức Phật ban cho điều tốt lành trong năm mới. Sau đó, trong đêm tối trên đường về sẽ bẻ đại một cành lá cây nào đó. Nếu bẻ được một cành lá tươi tốt, đầy đủ thì đó là điềm may mắn cho suốt năm tới. Tục này ngày nay ít còn người làm vì bẻ cây của người khác là việc phá hoại, vừa không tốt vừa có thể gây phiền toái về mặt pháp luật. Chỉ còn giữ nếp xin lộc chùa là hoa trái cúng.

KIÊN CỬ TRONG NGÀY ĐẦU NĂM

Tục không hốt rác: nguyên từ bên Tàu, trong “ Sưu thần kỳ” có chuyện người lái buôn tên là Ân Minh được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì giàu lên. Một hôm nhân ngày mồng Một tết, Ân Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Ân Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không hốt rác ngày tết, ta bắt chước và đến nay vẫn nhiều người theo tục này.
Trong những ngày tết, những điều gì xấu đều phải kiêng. Thêm một số điều thường được kiêng:
Nói những điều tục tĩu
Mặc quần áo trắng (sợ có tang)
Nói tới những chuyện chết chóc, nói những điều xui xẻo
Những điều kiêng cử này đều có vẻ hoang đường, ngày nay tuy nhiều người không tin nữa, nhưng một số đông khác vẫn còn giữ.

CHỢ TẾT

Chợ Tết có không khí khác hẳn với những phiên chợ thường ngày trong năm. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải để “có cái ăn” mà đó là thói quen, là dậy lên không khí ngày lễ hội. Chợ Tết được bố trí ở những bãi đất rộng, có thể chợ được thành lập ngay nơi chợ thường ngày vẫn diễn ra chuyện bán mua. Nhưng trong chợ Tết, gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi cảnh người mua hàng nặng trĩu giỏ. ( ngày nay chợ đã có sẵn và siêu thị luôn đầy ấp thực phẩm cho ngày tết cổ truyền)
Trong chợ Tết, người ta mới bày bán những thứ mà quanh năm không thấy bán. Ví dụ như lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, củ kiệu, đu đủ làm dưa. Người ta bán những chiếc tháp làm bằng bánh in bao giấy màu, những chiếc bánh ly bằng bột nếp hoặc bánh ngũ sắc dùng để chưng lên bàn thờ. Chợ còn bán những thứ không ăn được, nhưng vô cùng cần thiết cho ngày Tết như phong bao lì xì, giấy dán và bây giờ phong trào viết chữ ngày Tết đang phục hồi trở lại. Nhưng cái thú mua sắm trong ngày Tết vẫn là chuyện đương nhiên, gần như không một nhà nào lại không “đi sắm Tết”.
Dẫu rằng cách ăn, cách chơi Tết trải qua bao năm đã thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Điều độc đáo ở chỗ là dù nhà giàu hay nghèo, nhu cầu mua sắm ngày Tết là điều không thế thiếu.

CÂY NÊU TẾT ( tục lệ này đã dần biến mất )

Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5–6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng địa phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải tây, điều (màu đỏ), đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tại thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai… Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…
Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không mạy. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Đến hết ngày mùng Bảy thì cây nêu được hạ xuống.

CÂU ĐỐI TẾT

Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân “tồn cổ” vẫn còn trọng tục treo “câu đối đỏ” nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên thường được gọi chung là câu đối đỏ.

HOA TẾT

Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà, theo quan niệm người Trung Quốc, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.
Miền Trung và miền Nam lại hay dùng cành mai vàng hoặc cây mai vàng hơn, màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, màu vàng còn tượng trưng cho vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống.
Ngoài hai loại hoa đặc trưng cho Tết là đào và mai, hầu như nhà nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí. Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, hoa huệ…; hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hoa hồng, hoa thủy tiên, hoa lan, hoa thược dược, hoa violet…Còn cây quất thường được trang trí tại phòng khách, cây quất với lộc xanh mơn mởn, hoa trắng lốm đốm, quả chín vàng ươm, tròn trịa, sum suê tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn kết quả.

CÚNG GIAO THỪA NGOÀI TRỜI ( thường là cúng trước cửa nhà )

Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên Đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom thiên hạ dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả… ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới để mong các quan phù hộ cho một năm mới mọi sự tốt lành.

MÀU CỦA NGÀY TẾT

Chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, màu chủ lực trong ngày Tết vẫn là màu đỏ theo quan niệm màu đỏ là màu phát tài và may mắn. Ngày Tết của Việt Nam ngập tràn màu đỏ: câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, ruột quả dưa hấu đỏ, hạt dưa nhuộm màu đỏ, quyển lịch đỏ. Người Việt Nam cũng thích chưng những loại hoa ánh đỏ như hồng, mãn đình hồng, hoa đào v.v… Trước đây khi pháo còn được cho phép đốt, đường xá ngập tràn trong màu đỏ của xác pháo nổ rân không ngớt kể từ giao thừa đến rạng sáng tết, rồi nổ lẻ tẻ mãi cho đến khi nào hết “mồng” mới thôi!
Trang phục có tông màu đỏ hay tông sặc sởcũng được ưa chuộng để mặc Tết.

LỄ TỔ TIÊN

Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến lại trở về sum họp dưới mái ấm gia đình. Nhiều người muốn được khấn vái trước bàn thờ, thăm lại ngôi mộ hay nhà thờ tổ tiên. Nhiều người cũng muốn thăm lại nơi họ đã từng sinh sống với gia đình trong thời niên thiếu. Đối với nhiều người xuất thân từ nông thôn Việt Nam, kỷ niệm thời niên thiếu có thể gắn liền với giếng nước, mảnh sân nhà. “Về quê ăn Tết” đã trở thành thành ngữ chỉ cuộc hành hương về nơi cội nguồn.
Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Bà, ông Vải).

Tùy theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú, Bát hương , cũng có nhà cắm “cành vàng lá ngọc” (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5, gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục “vũ trụ” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương.
Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tùy mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để ba chén nước trong, coi như nước thiêng.
Trước bàn thờ nghi lễ truyền thống, ăn mặc lễ phục chỉnh tề, cử chỉ nghiêm trang, dọn lòng trong sạch hướng tâm linh cúng lạy, nguyện sống xứng đáng với ”bề trên”. Sự tín ngưỡng ấy đã góp phần tạo thêm giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Sự thờ cúng tổ tiên mách bảo con cháu giữ gìn đạo lý, nề nếp gia phong, sống tình nghĩa thủy chung, tu thân, hướng thiện. Thực tâm cầu thị, yêu đồng loại, sâu nặng cội nguồn…
Dọn cúng mâm cao cỗ đầy. Tề tựu đông đủ. Với các món nấu nướng gia truyền, dâng cúng là những sản phẩm nông nghiệp. Hoa tươi, rượu nếp gạo nấu tinh khiết. Bánh trái, ngũ cốc, thịt gà, heo… Nấu nướng thơm ngon đặt lên cúng trên bàn thờ. Để ông bà yên lòng nhìn thấy các cháu con biết giữ gìn truyền thống ”dĩ nông vi bản” và đem sức lao động cần cù làm ra thành quả từ lòng đất quê hương của ông cha để lại. Đây chính là nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn di sản tinh thần và đạo đức trong đời sống con người lưu truyền tự ngàn xưa.


File đính kèm Thumbnail(s)
   
THANK YOU
[-] dieuquang được 2 thành viên cám ơn cho post này:
MyHang (07-01-2014 12:52 PM), baothai (08-01-2014 12:10 AM)
 


Các bài viết trong chủ đề này
RE: TẢN MẠN NGÀY TẾT TA - dieuquang - 07-01-2014 08:04 AM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS