Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
SỎI THẬN
13-06-2014, 02:34 PM
Bài viết: #1
SỎI THẬN
1/ VÌ SAO TIỀN MẤT MÀ SỎI VẪN MANG?

Tuy thao tác tán sỏi, mổ sỏi thận nhờ tiến bộ của y học nên có độ an toàn tối đa nhưng không mấy nạn nhân hăng hái leo lên bàn mổ! Nhiều bệnh nhân vì thế thích chọn cách uống thuốc làm tan sỏi.
Không sai, nếu như sỏi thận chưa lớn, chưa nằm chỗ kẹt, chưa gây ứ nước trong thận, chưa gây cơn đau tá hỏa tam tinh, chưa làm chảy máu. Kẹt ở chỗ sỏi không hiền lành đến độ giậm chân tại chỗ. Sỏi hiền cách mấy cũng tăng kích cỡ nếu không có biện pháp xử lý rốt ráo.
Thay vì động dao kéo có thể áp dụng một số cây thuốc có công năng tan sỏi nếu như viên sỏi tuy có đó nhưng chưa tác quái. Điểm đáng nói là không thiếu nạn nhân vét túi mua thuốc năm này qua tháng khác nhưng sỏi thận vẫn không chịu từ giã gia chủ. Nguyên nhân là vì:
Tuy một số cây thuốc có tác dụng tán sỏi nhưng dược thảo nào hiệu quả cho ai còn tùy cấu trúc của viên sỏi. Có cây thuốc rất bén với sỏi urate, như kim tiền thảo, có dược thảo khác, như râu mèo, hiệu quả hơn với sỏi oxalate canxi. Đó là lý do thuốc không hiệu quả cho mọi người. Thay vì uống thuốc cầu may, người bệnh cần được chẩn đoán trước đó, chẳng hạn qua phân tích nước tiểu để biết đã vướng loại sỏi nào trước khi thầy thuốc cho toa.
Dùng cây thuốc nào cũng thế, quan trọng vô cùng là uống nước cho đủ, cho đều trong giờ làm việc. Gặp được thầy hay, tìm được thuốc tốt mà quên uống nước thì chỉ giúp cho sỏi đóng cứng đâu đó dọc đường tiết niệu. Thiếu nước lấy gì rửa cho sạch đường dẫn tiểu?
Tán được sỏi thành sỏi bùn, sỏi cát vẫn chưa xong vì phải đưa ra ngoài. Người dùng thuốc nếu nín tiểu vì ham việc thì không lạ gì nếu tiền mất sỏi mang.
Chế độ dinh dưỡng thiếu chất đạm có tác dụng bào mòn viên sỏi, như lecithin trong đậu nành. Không chỉ người đã mang sỏi thận, ngay cả đối tượng có cơ tạng dễ bị sỏi thận cũng nên có chế độ dinh dưỡng ít nhiều theo kiểu “ăn chay” cho thường với đậu hủ, sữa đậu nành không đường... Không cần mỗi ngày, chỉ cần từng đợt nhiều ngày và nhất là trong thời gian đang dùng thuốc.
Tự mình tiếp tay để sỏi mau tăng kích cỡ vì phế phẩm quá cao trong đường tiết niệu, chẳng hạn uống bia nhiều hơn uống nước, ăn thịt nhiều hơn dùng rau, ăn rau lại chọn món gây sỏi như rau muống, bạc hà…
Dùng thuốc dưới dạng sủi bọt quá thường mà không ngờ là phụ gia trong dược phẩm thay đổi cân bằng kiềm toan trong nước tiểu khiến tạp chất + khoáng chất dễ kết tủa thành sỏi thay vì theo dòng nước trở về với thiên nhiên.
Có một điều chắc chắn. Đừng lầm lì chịu trận nếu đã vướng sỏi trên đường tiết niệu. Kiểu này sớm muộn cũng thua. Mặt khác, dùng cây thuốc nào cũng thế, người bệnh cần được theo dõi qua tiêu chí khách quan như siêu âm để xác minh thay đổi về kích thước, vị trí của viên sỏi cũng như xét nghiệm máu để đánh giá chức năng thận. Dùng thuốc tán sỏi thận mà không so sánh trước sau nhiều khi thà uống nước lã còn hơn.

2/ ĂN THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG MẮC SỎI THẬN

Đau do sỏi thận có lẽ là cơn đau khó chịu nhất mà nhiều bệnh nhân phải “la làng”. Trong khi nguyên nhân gây sỏi thận chưa được tìm hiểu thấu đáo thì chế độ dinh dưỡng sẽ có thể ngăn ngừa sự hình thành những cục sỏi.
Hiểu được dạng của sỏi thận sẽ là chìa khóa trong việc ngăn ngừa sự hình thành sỏi. Dạng sỏi thận phổ biến nhất là các tinh thể calcium oxalate vốn chiếm 80% trong các trường hợp sỏi thận và tinh thể uric acid chiếm 5%-10% trong các trường hợp sỏi thận. Những loại sỏi này rất thích nghi trong môi trường axít. Vì vậy nếu dùng khoáng chất kiềm làm đệm sẽ là một công cụ tốt để ngăn ngừa sự hình thành sỏi. Trường hợp rất hiếm gặp là sỏi calcium phosphate. Tuy nhiên, sỏi này lại thích nghi mạnh với môi trường kiềm.
Trong thời đại công nghiệp hiện nay, có rất nhiều loại thực phẩm làm ngòi nổ cho sự hình thành sỏi thận. Các loại nước giải khát có chứa phosphoric acid sẽ làm tăng khả năng hình thành sỏi thận. Những yếu tố khác bao gồm nguồn nước, thực phẩm qua xử lý (thức ăn đóng hộp, thịt xông khói...), các sản phẩm bơ sữa tiệt trùng, muối ăn, thức ăn nhiều đường...
Lối sống với chế độ dinh dưỡng thích hợp sẽ làm giảm sự hình thành sỏi thận bằng cách uống nhiều nước lọc (thay vì nước ngọt có gaz), cần ăn nhiều các chất dinh dưỡng thực vật (phytonutrient) và rau cải; cũng cần ăn nhiều các chất béo tốt và nguồn protein sạch. Chất béo tốt bao gồm dầu dừa, trái bơ, trái ô liu, dầu ô liu, cá béo... Nguồn protein sạch bao gồm cá được đánh bắt tự nhiên, thịt động vật nuôi bằng cỏ (chứ không phải bò nuôi bằng... rác), gà thả rong (chứ không phải gà công nghiệp), trứng... Cũng nên đưa vào cơ thể những loại gia vị nhiều dược tính như nghệ, vỏ quế (cinnamon), gừng, tỏi...

Bộ ba tuyệt vời

“Đối thủ cạnh tranh” của các sỏi calcium là citrate. Citrate có rất nhiều trong các loại trái cây citrus (như chanh, cam, quýt, bưởi...). Uống cốt chanh pha với nước sẽ rất hiệu quả cho những bệnh nhân sỏi thận. Nếu citrate được kết hợp với potassium (kali) và magnesium sẽ là một bộ ba tuyệt vời vì làm nước tiểu giảm tính axít, nhờ đó làm giảm khả năng “tụ tập” của sỏi.
Một khẩu phần ăn ít oxalate, ít sodium (natri) rất quan trọng cho những bệnh nhân bị dính sỏi thận. Đồ ăn, thức uống nhiều oxalate bao gồm bia, sô-cô-la, các loại hạt, rau bó xôi. Sự chuyển hóa vitamin C cũng tạo nên oxalate và nhiều nghiên cứu cũng cho thấy có sự liên hệ giữa vitamin C và sự hình thành sỏi thận. Vì vậy, nhiều nghiên cứu đã đề nghị rằng cá nhân nào sử dụng viên bổ sung vitamin C cần phải bổ sung vitamin B6 vì vitamin B6 có khả năng “vịn” oxalate.
Sỏi uric acid được hình thành do dùng thực phẩm có chứa nhiều protein và đường fructose. Uric acid là sản phẩm phụ của sự chuyển hóa protein, alcohol và fructose. Một số lớn bệnh nhân không đào thải được uric acid nên sẽ tạo ra những tinh thể uric acid gây bệnh gout (bệnh gút) cũng như hình thành những tinh thể acid uric ở thận gây sỏi thận. Vì vậy cần hạn chế rượu bia, những loại thực phẩm giàu purine như thịt đỏ, nội tạng động vật (tim, gan, thận, óc...), những loại trái cây và rau cải có chứa fructose.
Bạn cũng có thể tự pha chế một loại nước giải khát ngăn ngừa hoặc hạn chế sỏi thận theo cách thức vô cùng đơn giản như sau: Nguyên liệu gồm 1 tách nước cốt chanh (khoảng 6 trái), 5 tách nước, 1 muỗng cà phê bột nghệ, 1 muỗng cà phê bột vỏ quế, 1 muỗng cà phê gừng xắt sợi hoặc đâm nhuyễn.
Dùng nước này chia ra uống trong ngày sẽ có tác dụng cải thiện tình trạng sỏi thận hoặc ngăn ngừa sỏi thận.

3/ UỐNG NHIỀU VITAMINE C TĂNG NGUY CƠ SỎI

Nghiên cứu mới cho thấy việc uống bổ sung vitamin C hàng ngày có thể tăng gấp đôi nguy cơ sỏi thận ở nam giới.
“Vitamin C liều cao từ lâu đã bị nghi ngờ làm tăng nguy cơ sỏi thận”, bà Laura Thomas viện nghiên cứu Karolínka Stockholm Thụy Điển, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Nguyên nhân là do sau khi hấp thụ, cơ thể bài tiết vitamin C dưới dạng oxalate trong nước tiểu và sỏi thận là các tinh thể nhỏ, có thể được hình thành khi canxi gặp oxalate, thông tin được đăng trong báo cáo Y Khoa trên tờ tạp chí JAMA.
Nghiên cứu theo dõi hơn 22.000 trung niên và người già trong vòng 11 năm, trong đó 907 nam giới thường xuyên uống bổ sung vitamin và khoảng 22.000 người không sử dụng vitamin. Mỗi viên vitamin thường là loại chứa 1000 miligram C.
Trong quá trình nghiên cứu 3,4% số nam giới uống bổ sung vitamin C hàng ngày mắc bệnh sỏi thận gấp đôi tỷ lệ 1,8% ở những người không uống.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn khuyến khích mọi người bổ sung vitamin C qua các loại trái cây và rau quả, vì đây là chất chống oxy hóa quan trọng cho xương, cơ bắp, và đẩy lùi bệnh scurvy.
“Vitamin C là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh, các tác động của vitamin C tới sỏi thận phụ thuộc vào liều lượng và sự kết hợp với các chất dinh dưỡng khác”, bà Thomas cho hay.

HỦ TIẾU KHÔ CÓ CHỨA CHẤT GÂY SỎI THẬN

Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP. HCM đã lấy 4 mẫu mì căn, hủ tiếu khô, mì sợi khô kinh doanh trên địa bàn thành phố để phân tích do nghi ngờ chứa chất cấm sử dụng trong thực phẩm.
Để có kết quả chính xác, sau đó Chi cục ATVSTP TP. HCM trực tiếp đến 4 cơ sở (Phong Ký (phường 8, quận 6), Đinh Thanh Lẹ (quốc lộ 22, khu phố 6, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi), Phạm Văn Năng (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) và một hộ kinh doanh ở TP. HCM lấy mẫu gửi đi xét nghiệm lần hai. Kết quả hàm lượng axit oxalic trong mì căn là 40,1mg/kg, trong hủ tiếu khô là 14 mg/kg, trong mì sợi khô và sản phẩm còn lại khá cao.
Làm việc với cơ quan chức năng chủ cơ sở Phong Ký cho biết, nguyên liệu sản xuất mì sợi khô là bột mỳ, trứng gà, màu thực phẩm, phụ gia làm giòn (thay thế hàn the), nước tro. Mỗi ngày cơ sở sản xuất trên dưới 100kg mì sợi khô, phân phối cho các chợ trong thành phố. Chủ cơ sở này cho rằng mì sợi do cơ sở sản xuất có màu vàng nên không thể dùng axit oxalic để làm tăng độ trắng và nghi ngờ chất cấm có trong bột mì.
Bà Trần Thị Hoa, chủ cơ sở Đinh Thanh Lẹ, cho biết mì căn của cơ sở này được sản xuất từ bột mì và muối. Bột mỳ được mua tại Công ty G. trên đường Vĩnh Viễn, quận 10. Sau khi Chi cục ATVSTP TP. HCM thông báo mẫu mì căn của cơ sở Đinh Thanh Lẹ có chứa axit oxalic, chủ cơ sở đã lấy 4 mẫu bột mỳ của Công ty G. gửi đi kiểm định. Kết quả cả 4 mẫu đều chứa axit oxalic với hàm lượng 157-198mg/kg.
Axit oxalic là hóa chất bị cấm, không có trong danh mục các chất phụ gia sử dụng cho thực phẩm. Axit oxalic mạnh gấp hàng ngàn lần so với axit axetic và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người. Axit oxalic khi vào cơ thể sẽ có xu hướng kết tủa khi gặp dinh dưỡng có chứa canxi. Nếu sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa axit oxalic, sự kết tủa này sẽ có hại cho thận gây sỏi thận hoặc đọng lại các khớp xương, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, hụt chất dinh dưỡng.
Người có các rối loạn liên quan tới thận, thấp khớp, bệnh gút… không nên dùng thực phẩm chứa axit oxalic. Người có tiền căn sỏi thận nếu dùng thức ăn chứa axit oxalic dễ có nguy cơ sỏi thận, làm nghẽn đường tiết niệu.
( theo SKĐS)
THANK YOU
[-] dieuquang được 2 thành viên cám ơn cho post này:
MyHang (13-06-2014 04:35 PM), baothai (13-06-2014 11:15 PM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS