Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
CÁC BỆNH ĐỪNG TIN VÀO GOOGLE
06-03-2015, 03:44 PM
Bài viết: #1
CÁC BỆNH ĐỪNG TIN VÀO GOOGLE
Ngày nay, chúng ta rất dễ dàng tìm kiếm trên mạng những thông tin và lời khuyên về sức khỏe và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người mắc phải “căn bệnh” có tên là cyberchondria - thuật ngữ mô tả khi ai đó tự nghiên cứu các triệu chứng sức khỏe của mình trên mạng, tự cho rằng tình trạng của mình rất nguy kịch, sau đó tự chẩn đoán bệnh cho mình và thường là chẩn đoán sai. Dưới đây là 10 bệnh mà “bác sĩ” Google dễ phán sai nhất.

Đau bụng

“Bác sĩ” Google bảo - Viêm ruột thừa.

Nhưng có thể là - Viêm dạ dày ruột hoặc táo bón.

Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm của dạ dày và ruột non, nguyên nhân thường do vi khuẩn hoặc virut. Triệu chứng điển hình bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn và đau bụng. Nếu trước đó bạn mới đi du lịch về thì nguyên nhân gây đau bụng có thể là do bạn ăn hoặc uống phải nước nhiễm bẩn. Đau bụng cũng có thể đơn giản là ngộ độc thức ăn do ăn phải hải sản nhiễm bẩn.

Táo bón cũng có thể dẫn tới đau vùng bụng dưới, đôi khi kèm theo buồn nôn. Nếu đã vài ngày bạn chưa đi ngoài hoặc đi ngoài phân ít và cứng thì khả năng cao là bạn bị táo bón. Trong trường hợp này, các bác sĩ thật khuyên nên dùng thuốc nhuận tràng để làm giảm sự khó chịu.

10 bệnh đừng vội tin “bác sĩ” Google

Ho mạn tính

“Bác sĩ” Google bảo - Ung thư phổi.

Nhưng có thể là - Viêm xoang hoặc viêm mũi.

Ho mạn tính được định nghĩa là ho kéo dài trên 8 tuần. Các nguyên nhân hay gặp nhất của ho mạn tính thường là lành tính hoặc vô hại, bao gồm hội chứng chảy nước mũi sau mũi do viêm xoang, viêm mũi (dị ứng hoặc không dị ứng), hen, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm phế quản tăng bạch cầu ưa axit không phải hen, sử dụng các thuốc như chất ức chế ACE (chủ yếu dùng trong điều trị tăng huyết áp và suy tim), cũng như hút thuốc lá.

Nếu tình trạng ho không đỡ sau 1 tháng, nên đi khám bác sĩ để loại trừ những bệnh nghiêm trọng hoặc ác tính như lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc bệnh phổi kẽ, thường hiếm gặp hơn.

Đi tiểu ra máu

“Bác sĩ” Google bảo - Ung thư bàng quang hoặc ung thư thận.

Nhưng có thể là - Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng thận.

Một vài tình trạng lành tính liên quan đến triệu chứng này, trong đó hay gặp nhất là vận động nặng kèm theo mất nước (nhất là ở vận động viên chạy) và chấn thương thận do tai nạn hoặc các môn thể thao va chạm.

Máu trong nước tiểu cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường niệu hoặc viêm thận bể thận, cả hai đều có thể điều trị dễ dàng bằng kháng sinh.

Những nguyên nhân nguy hiểm hơn gây tiểu ra máu bao gồm viêm cầu thận, ung thư thận hoặc bàng quang, cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác của đường tiết niệu hoặc khối u trong bụng.

Đi ngoài ra máu

“Bác sĩ” Google bảo - Ung thư ruột hoặc đại tràng.

Nhưng có thể là - Trĩ hoặc nứt kẽ hậu môn.

Chảy máu trực tràng ở người lớn có thể xảy ra do nhiều lý do như táo bón, trĩ và nứt kẽ hậu môn, ngộ độc thực phẩm, viêm trực tràng, viêm đại tràng nhồi máu, sa trực tràng, các rối loạn đường ruột do viêm như viêm loét đại tràng (bệnh Crohn), polyp đại tràng lành tính hoặc loạn sản mạch máu của đại tràng. Chảy máu đại tràng cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư đại trực tràng.

Vì thế, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc chuyên khoa đại trực tràng.

Đau họng

“Bác sĩ” Google bảo - Ung thư họng.

Nhưng có thể là - Viêm họng do vi khuẩn hoặc virut.

Nguyên nhân hay gặp nhất gây đau họng là viêm họng do vi khuẩn hoặc virut. Không có lý do gì để hoảng hốt vì viêm họng rất dễ điều trị bằng kháng sinh và ở một số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi.

Ung thư họng đôi khi có biểu hiện đau họng, nhưng bệnh cũng có thể đi kèm với các triệu chứng như ho, khàn tiếng, sưng hoặc có khối u trong họng và sụt cân. Ung thư họng hiếm gặp và có thể điều trị được nếu phát hiện sớm.

Đau ngực

“Bác sĩ” Google bảo - Đau tim.

Nhưng có thể là - Hội chứng trào ngược (GERD) hoặc đau cơ xương.

Hội chứng trào ngược xảy ra khi cơ vòng ở thực quản không đóng kín khiến axit và chất chứa trong dạ dày trào ngược lên thực quản, đôi khi lên đến thành sau họng. GERD thường biểu hiện kèm theo cảm giác nóng trong ngực và họng (ợ nóng) hoặc vị đắng trong miệng. Những triệu chứng này thường có liên quan với thức ăn và nặng lên khi nằm. Kê cao đầu khi ngủ bằng một hoặc hai chiếc gối có thể giúp giảm khó chịu.

Viêm cơ vùng ngực cũng có thể gây cảm giác đau nhói ở ngực, tăng lên khi cử động vùng bị bệnh. Nguyên nhân có thể do cơ bị vận động quá sức theo cách nào đó, ví dụ như nâng tạ nặng. Thậm chí ho dai dẳng cũng có thể gây căng các cơ ở ngực và gây đau. Nếu đau đi kèm theo các triệu chứng khác thì có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng hơn, như bệnh ở tim hoặc phổi. Vì thế, cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Đau đầu dữ dội

“Bác sĩ” Google bảo - U não.

Nhưng có thể là - Đau đầu migraine hoặc đau đầu căng cơ.

Nếu bị đau như dao đâm ở vùng trán hoặc một bên thái dương, có thể bạn bị đau đầu migraine. Loại đau đầu này thường tái phát và có nhiều thể khác nhau, ví dụ đau đầu migraine có tiền triệu, thường có những dấu hiệu báo trước như ánh sáng lóe trước mắt, trước khi cơn đau đầu diễn ra.

Đau đầu căng cơ rất hay gặp, thường biểu hiện là tình trạng đay âm ỉ ở vùng trán hoặc thái dương, giống như bị một dải băng cao su thắt chặt quanh đầu. Nguyên nhân gây đau đầu căng cơ có thể do stress, mất nước, bỏ bữa, nhìn nhiều hoặc thậm chí là tư thế không đúng.

Nên đi khám nếu đau đầu không hết sau khi dùng thuốc giảm đau hoặc nếu bệnh bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc thường ngày hoặc nếu cảm thấy không khỏe giữa những cơn đau đầu.

Nên đi khám nếu đau đầu kèm theo cứng gáy, sốt, lú lẫn, sợ ánh sáng, buồn nôn hoặc nôn, vì các triệu chứng này có thể báo hiệu viêm màng não.

Một lý do nữa để tìm đến bác sĩ là khi đau đi kèm với các triệu chứng thần kinh như tê bì, yếu, cảm giác kiến bò ở mặt hoặc chi trên/chi dưới, nói ngọng hoặc lú lẫn.

Khó thở

“Bác sĩ” Google bảo - Ung thư phổi.

Nhưng có thể là - Hen hoặc lo âu.

Có nhiều lý do gây triệu chứng khó thở, hay gặp nhất là hen phế quản và lo âu.

Để chỉ ra đúng nguyên nhân, tốt nhất là đi khám bác sĩ “thật” vì mỗi trường hợp đều khác nhau và tùy thuộc vào những yếu tố khác nhau như tuổi, tiền sử bệnh tật và tiền sử gia đình, hút thuốc lá, cũng như phơi nhiễm với các chất ô nhiễm không khí.

Nếu tình trạng khó thở là hậu quả của lo âu hoặc bệnh hen thì cần điều trị và quản lý bệnh với sự giúp đỡ của bác sĩ.

Một trong những nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây khó thở bao gồm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - một bệnh khiến đường hô hấp bị viêm và hẹp mạn tính.

Viêm phổi cũng có thể gây khó thở, thường kèm theo ho và sốt. Nguyên nhân thường do nhiễm trùng nên viêm phổi có thể điều trị được bằng kháng sinh.

Bệnh tim hoặc suy tim cũng có thể gây khó thở và cần đi khám bác sĩ nếu khó thở có kèm theo đau ngực hoặc khi cảm thấy lo sợ quá mức.

Khí hư âm đạo

“Bác sĩ” Google bảo - Ung thư cổ tử cung.

Nhưng có thể là - Nấm hoặc nhiễm trùng âm đạo.

Khí hư âm đạo bị coi là bất thường khi từ màu trắng hoặc trong suốt chuyển thành màu xám, xanh hoặc đục như mủ, có thể có mùi và thay đổi về kết cấu - từ nhớt thành có bọt hoặc đặc dính. Tình trạng này có thể là do nhiễm nấm âm đạo, viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc trong một số trường hợp là do các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, chlamydia, trùng roi hoặc herpes.

Nếu thấy khí hư âm đạo bất thường kèm theo mùi hôi, thay đổi về kết cấu, cảm giác nóng, ngứa hoặc rát, hãy đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân thực sự và điều trị đúng cách. Việc sử dụng kem chống nấm khi không có bệnh có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nặng hơn.

Ra máu âm đạo

“Bác sĩ” Google bảo - Ung thư cổ tử cung.

Nhưng có thể là - Khô âm đạo hoặc thay đổi lượng hormon.

Ra máu âm đạo xảy ra ngoài kỳ kinh nguyệt có nhiều nguyên nhân khác nhau, hay gặp nhất là do vòng tránh thai, quên tampon, khô âm đạo, thay đổi lượng hormon, bắt đầu liệu pháp thay thế hormon hoặc ngưng uống thuốc tránh thai.

Những nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn bao gồm thương tích hoặc bệnh của âm đạo và cổ tử cung do quan hệ tình dục, bệnh lây qua đường tình dục và polyp âm đạo.

Cũng có thể thấy khí hư có mùi bất thường khi có nhiễm trùng. U xơ tử cung cũng gây chảy máu nhiều trong thời kỳ “đèn đỏ”. Nếu đang có thai và bị ra máu âm đạo thì phải đi khám để loại trừ tình trạng chửa ngoài tử cung, sảy thai hoặc biến chứng thai nghén.

Ung thư hoặc tiền ung thư cổ tử cung hay tử cung là những nguyên nhân ác tính gây ra máu âm đạo bất thường, nhưng những bệnh này có thể điều trị nếu được chẩn đoán sớm.

(Theo yourhealth.asiaone.com)
THANK YOU
[-] dieuquang được 2 thành viên cám ơn cho post này:
langtrang (06-03-2015 08:14 PM), baothai (10-03-2015 04:30 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS