Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
DĨ VÃNG BUỒN
05-11-2015, 10:53 AM
Bài viết: #1
DĨ VÃNG BUỒN
DĨ VÃNG BUỒN
Một buổi tối tình cờ chạy qua một bài hát ở trên mạng internet.
"Dĩ Vãng Buồn", một cái tựa lạ hoắc lạ hươ do ca sĩ "Don Hồ" trình bày. Suy nghĩ chốc lát: "Bài gì thế nhì?"
Chịu! Không nhớ nổi!
Tính tò mò kích thích, click vào link nghe thử, và ... lặng người...

Mỗi bài hát lúc nào thâu âm, cũng có một "đối tượng" thật trong đời sống hàng ngày được lựa ra để hát chuyển tới. "Đối tượng" ấy có thể là một người trong nhóm bạn bè, một người bạn cùng lớp hoặc ngay cả một người lạ mặt chẳng hề quen biết, chỉ bất chợt bắt gặp đâu đó ở trên đường, nhưng có một chút ấn tượng gì đó để lưu luyến, nằm trong đầu.
Phần lớn, hát xong rồi, khi bài hát thành hình thì cũng là lúc quên khuấy mất đi đối tượng trong bài hát ấy của mình đã là ai.
Nhưng "Dĩ Vãng Buồn" này thì ... nhớ...

Thuở ấy, mấy năm đầu của cuộc đời sinh viên cũng là những năm đầu của thập niên 90. Đã bắt đầu chập chững đi hát chuyên nghiệp, bắt đầu được mời thâu băng rồi nhưng vẫn bấp bênh lắm. Ca hát không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày nên ngoài giờ học, ngoài những lúc đi hát, vẫn còn giữ cái công việc chạy bàn bán thời gian trong hệ thống nhà hàng Sizzler ở thành phố Santa Ana, miền Nam California.
Lương chính của một nhân viên chạy bàn không có bao nhiêu, nhưng tiền "boa" (tips) của khách ăn thì rủng rỉnh, nhiều hơn gấp mấy lần lương.

4 ngày 1 tuần, sau giờ học, ca làm bắt đầu từ 4 giờ cho đến khi nhà hàng đóng cửa, tức là khoảng 9h30 đêm.

Và ngày trong tuần nào, cỡ 4h30 chiều cũng có một căp 2 ông bà người Á Châu đưa nhau vào ăn.
Ông bà lớn tuổi lắm rồi, gốc người Triều Tiên, hôm nào cũng bất di bất dịch order đúng một món:
Miếng thịt bò steak nhỏ cho người lớn tuổi kèm theo 1 dĩa xà lách.
Bà không khi nào ăn hết miếng thịt, hôm nào cũng cắt nhỏ phần thịt dư ra, gói vào miếng khăn giấy lau miệng để mang về cho chú mèo đang chờ ở nhà...
Hai ông bà lúc nào cũng thích ngồi ở một cái bàn nhất định đối diện với khung cửa kính thật lớn ngó ra đường lộ. 2 người cùng ngồi một bên. Ăn xong rồi, họ tay trong tay nhau ngồi ngắm xe chạy qua lại một hồi rồi mới đứng lên thủng thẳng ra về, bảo là còn cho mèo ăn. Và cái bàn họ thích, hôm nào tới khoảng giờ ấy là cũng được nhân viên nhà hàng ngăn lại, không cho ai khác vào ngồi để chờ họ tới.

Hai ông bà tính tình dễ dãi, chẳng bao giờ đòi hỏi, phàn nàn việc chi. Nấu ngon dở gì cũng ăn. Và lúc nào ra về cũng để lại $3 tiền tips ở trên bàn.
Cùng lứa tuổi nhau nhưng ông ngó yếu hơn và không được linh hoạt như bà.

Một thời gian sau, khi được làm quen với ông bà hơn rồi, một hôm được bà cao hứng kể lại câu chuyện tình:

Xuất thân từ một ngôi làng nhỏ nghèo khó, thuần nông ở Triều Tiên (Đại Hàn). Lớn lên trong thời chiến, ông bà yêu nhau bất chấp sự cấm cản của gia đình vì gia đình ông còn nghèo hơn.
Chiến sự gia tăng, ông bị kêu nhập ngũ. Ở nhà bà bị gia đình nhân dịp ép lấy một người tá điền để mong bà quên ông đi. Nhất định từ chối, bà bị gia đình nhốt vào phòng tối & bỏ đói không cho ăn trong nhiều ngày...
Đám cưới chưa kịp diễn ra thì chiến tranh lan ra khắp nơi trên bán đảo Triều Tiên, cả làng bà bị bắt tản cư! Đoàn người khốn khổ gồng gánh nhau thất thểu vừa chạy vừ oà khóc nức nở khi phía sau nơi chôn nhau cắt rốn của mình vừa bị đốt cháy bốc lên những cuộn khói đen nghịt.
Chờ thời cơ mãi đến một lúc gia đình sơ hở, bà lẻn lùi lại, lẳng lặng rời khỏi đoàn người và lần mò tìm đường đi ngược lại trở về làng.
Bà trở về chờ ông trong căn nhà đã cháy đen...

Hàng ngày bà trồng rau, trồng khoai để có thứ mà ăn trong một ngôi làng cháy tan, trống rỗng chỉ còn lại mỗi mình cô gái trẻ đơn độc.
Mùa đông năm ấy thời tiết thật khắc nghiệt, trời lạnh buốt thấu xương, quần áo không đủ lại thêm ngôi nhà hở trước hở sau không đủ giữ ấm cho người con gái. Một hôm vừa đói lạnh, vừa kiệt sức, ngoài trời liên miên tuyết đổ thật dầy, bà co ro, run rẩy toàn thân gục xuống, thiếp đi. Trong cơn mộng mị bà mơ thấy ông về, ôm chầm để giữ ấm cho bà.
Biết chắc hẳn sẽ không thể nào qua nổi đêm nay, bà thầm thì gọi tên ông để nói lời vĩnh biệt thì bỗng cảm thấy mặt mình như có những hạt nước thật nóng tự đâu liên tục nhỏ xuống.
Trong màn đêm mờ ảo, hiện thực chứ chẳng phải là giấc mơ, ông trở về làng tìm người yêu, ôm chặt bà nức nở khóc...

Thế rồi chiến tranh cũng đến lúc lắng xuống, Triều Tiên giống như Việt Nam, cũng bị cắt chia đôi. Ông đưa bà rời khỏi vùng đất khốn khổ trên một con tàu sắt và chuyến hải trình hơn một tháng trời vượt đại dương mênh mông để qua vùng đất của tự do & cơ hội, vùng đất có tượng nữ thần tự do thật lớn cầm cây đuốc thần mắt hướng ra biển.

Cuộc sống mới cũng ngập đầy những gian khổ nhưng họ có nhau. Họ quần quật không nề hà làm tất cả mọi công việc để đêm đêm ông cắp sách đến trường đại học.
Nhiều năm sau, ông ra trường với mảnh bằng kỹ sư điện lực, rồi được nhận vào làm cho chính phủ.
Khi đã đủ sức một mình cáng đáng lo cho gia đình bé nhỏ của mình, ông bảo tới phiên bà trở lại trường và rồi mấy năm sau, bà cũng giật được một mảnh bằng trên tay. Nhưng ... cô gái nhỏ sau một quãng đời kham khổ đã trở nên xác xơ, không còn xinh đẹp như xưa nữa. Tuy thế trong mắt ông bà vẫn đẹp như thuở nào. Với ông, cặp mắt bà vẫn trong veo veo, cho ông được cái cảm giác bình yên của mặt nước hồ thu và sự ngây thơ trong cặp mắt to tròn như của chú nai con của bà, vẫn còn y hệt như thuở nào họ còn ở làng, chẳng khác đi một chút nào...

Giấc mơ của họ đã trở thành hiện thực, họ đã có một cuộc sống sung túc, đẹp đẽ hơn từ đó và nối tiếp là những đứa con ngoan ngoãn, xinh đẹp.
Và cho đến giờ, ở những năm cuối của cuộc đời, họ vẫn tình tứ bên nhau, chăm chút cho nhau không rời.

Bà từ tốn chậm rãi kể, ông ngồi đó chăm chú nghe mà cặp mắt như mơ về những khoảng thời gian xưa lắm. Một lần, ông đưa tay cánh tay nhăn nheo lên ngắt lời bà và bằng giọng đầy ắp yêu thương, ông nói:

- "Này Dũng, thế cậu ngó mà coi kìa, tôi không hề nói ngoa! Cậu ngó cặp mắt đen láy và tuyệt đẹp thế kia của bà ấy thì sao mà tôi không yêu được cơ chứ nhỉ..."

Bà cảm động lắm, nhưng mắc cở dùng bàn tay đập nhẹ vào cánh tay ông rồi dùng dằng đứng dậy, giả bộ giận dữ bỏ vào phòng vệ sinh. Lát sau khi trở ra, cặp lông mi dài của bà nhìn có gì kỳ kỳ, có vẻ như bị dính dính những thứ chi đó?! Cô bạn Mỹ làm việc chung liếc nhìn rồi nắm tay mình kéo vào bên trong, thầm thì:

- "Dễ thương quá đi mất! Bà Shenshen đi vào phòng vệ sinh để đánh mascara lên cho lông mi dầy ra, bà làm điệu với ông Freddie kìa Dũng ạ. Có lẽ tay run quá nên cặp mắt bà chỉ bị lem nhem không được đep lắm. Nhưng dầu gì đi nữa thì tình cảm họ đang dành cho nhau vẫn thật chân thành, quá là dễ thương..."

Thế rồi một thời gian sau, bẵng đi cả một tuần lễ không thấy ông bà tới ăn nữa, ai cũng thắc mắc và trưa nào cả nhà hàng cũng thấp thỏm có ý chờ.
Rồi một hôm đúng vào 4h30 chiều, cánh cửa nhà hàng chầm chậm được đẩy mở ra, rồi ông Freddie bước vào, chỉ có ... một mình!
Cô đồng nghiệp Mỹ mừng rỡ ra mặt, bỏ dở ngay công việc đang làm đi ra đon đả nở một nụ cười thật tươi đón chào và dáo dác ngó ra phía sau ông mà hỏi:

- "Sao lại đi một mình thế này, bà Shenshen đâu sao chưa vào cơ thưa ông?'

Ông Freddie ngước lên, cặp mắt ông ướt rượt, lạc thần ngơ ngác. Phải một khoảng khắc tần ngần sau ông mới lấp bấp được:

- "Shenshen à. Shenshen đã vừa ... bỏ tôi đi trước rồi..."

Cô đồng nghiệp Mỹ sau khi giúp bưng khay nước & dìu ông ngồi vào chiếc bàn cũ, quay trở lại công việc với cặp mắt hoe đỏ, rồi ôm mặt khóc tu tu. Tất cả mọi nhân viên trong nhà hàng chiều ấy bỗng như trầm mặc hẳn, chẳng ai có thể chịu được hình ảnh ông Freddie quạnh hiu ngồi tại chiếc bàn quen thuộc, ngó quanh ngơ ngác...

Và tối hôm đó là buổi thâu âm cho bài "Dĩ Vãng Buồn" tại phòng thâu của nhạc sĩ Alan Nguyễn. Một đêm trời trong vắt không một gợn mây với trăng 16 thật sáng và tròn quay. Bài hát được thay lời của ông Freddie gởi gấm tới bà Shenshen.
Đêm nay chắc hẳn ông Freddie nhớ bà không ngủ được!
Chẳng biết ở nơi đó bà có biết là trăng đang sáng lắm? Có nhớ về ông? Và có nghe được tâm tư trong bài hát?

Người ca sĩ đứng trước microphone trong căn phòng tối om được vì đã tắt hết đèn đuốc. Lấy lý do để thâu hát cho dễ phiêu nhưng thực sự là không muốn để ai thấy được cặp mắt mình đang long lanh đọng đầy nước...



Đoản văn của DON HỒ


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (06-11-2015 09:17 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS