Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
PHIÊN TÒA LƯƠNG TÂM
15-11-2015, 03:12 PM
Bài viết: #1
PHIÊN TÒA LƯƠNG TÂM
MỜI XEM > HAY SỰ VÔ TÂM, VÔ CẢM CỦA HAI TRONG NHỮNG NGƯỜI THỰC DỤNG Ở XÃ HỘI VN HIỆN NAY.

Phiên toà lương tâm' khi cha mẹ ly hôn, không nhận nuôi con tật nguyền
Đôi vợ chồng trẻ trong phiên xử ly hôn ai cũng ra sức chứng minh không đủ điều kiện để chăm sóc chu đáo cậu con 5 tuổi bị tật bẩm sinh, yêu cầu toà giao cho người kia chăm sóc.

Trong tiết trời se lạnh đầu đông mùa đông, thẩm phán Lê Văn Phú (Phó chánh án TAND huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) tâm sự đã tham gia xét xử cả trăm vụ án nhưng có một phiên xử ly hôn khiến ông trăn trở tới giờ, bởi nhận thấy tình nghĩa vợ chồng, trách nhiệm đối với con cái của họ "sao quá mong manh, hời hợt".

Ông kể, người đàn ông đứng đơn ly hôn là anh Đức (34 tuổi, cán bộ nhà nước). Trong 6 năm chung sống, anh và người vợ tên Thắm có một con trai nhưng cậu bé bị tàn tật bẩm sinh, phải nằm một chỗ. Từ năm 2011, do bất đồng quan điểm sống, thường xuyên cãi vã, anh Đức đâm đơn ra tòa yêu cầu ly hôn. Người vợ đồng ý.

Chính quyền đã tổ chức 3 phiên hòa giải song bất thành. Một ngày rét buốt tháng 2 đầu năm nay ông Phú là chủ toạ phiên xử ly hôn của đôi vợ chồng này. Họ không có tài sản chung nên không yêu cầu tòa giải quyết, tuy nhiên trách nhiệm nuôi cậu con 5 tuổi thì ai cũng "né".

"Anh Đức trình bày vì điều kiện đi làm xa nên nhường quyền nuôi con cho chị Thắm để có điều kiện chăm sóc tốt hơn, mỗi tháng sẽ chu cấp 2 triệu đồng. Chị vợ nói không có nguyện vọng trực tiếp nuôi con, bởi chưa có việc làm, hiện sống hoàn toàn vào phụ cấp cha mẹ nên chấp nhận chi tiền cấp dưỡng từ 500.000 đồng đến một triệu đồng cho chồng nuôi con", ông Phú kể.

Vị thẩm phán nhiều kinh nghiệm kể phiên tòa hôm đó có tới hơn 40 người của cả hai bên gia đình. Nhìn trẻ 5 tuổi nằm trong chiếc xe đẩy có khuôn mặt ngơ ngác, không biết nói, chỉ biết đưa ánh mắt vô hồn nhìn xung quanh ông không khỏi xót xa.

Ông Phú bảo khuyên giải anh Đức và chị Thắm song thấy ai cũng giữ nguyên quan điểm nên bảo: "Bình thường, bố mẹ tranh giành quyền nuôi con. Tại sao anh chị không ai muốn nhận tránh nhiệm này?". Đáp lại, đôi vợ chồng trẻ cùng viện dẫn nhiều lý do để chứng minh nếu mình nuôi con thì cậu bé sẽ chịu thiệt thòi, khổ cực.

Sau khi lựa lời nói về tình mẫu tử, các thành viên HĐXX đều khuyên chị Thắm nên nhận nuôi con. "Cậu bé sinh ra đã có hoàn cảnh không may, tương lai sẽ là câu hỏi không có lời đáp. Là người mẹ từng mang nặng đẻ đau, không ai nỡ xa con trong tình cảnh thế này", một hội thẩm nhân dân thốt lên.

Cả anh Đức và chị Thắm không ai nói gì, không khí trong phòng trở nên "ngột ngạt". Bất ngờ một vị hội thẩm già đứng dậy chia sẻ về gia đình mình. Giọng chậm, buồn bã, ông kể bị nhiễm chất độc da cam khi tham gia chiến tranh nên cả 3 người con đều bị khuyết tật bẩm sinh.

Đã mấy chục năm trôi qua, hiện các con của ông người còn, người mất. Chấp nhận đây là số phận, vợ chồng ông luôn san sẻ, động viên, chung vai vượt qua nỗi buồn, khó khăn trong cuộc sống.

Nhìn xuống hai vợ chồng anh Đức và chị Thắm, vị hội thẩm phân tích, anh chị đều là trí thức, được học hành đầy đủ thì phải biết con cái là món quà của cuộc sống. "Việc từ chối nuôi con có thể xem là một tội lỗi, anh chị có biết không?", ông nghẹn giọng. Dưới khán phòng nhiều tiếng khóc vang lên. Anh Đức, chị Thắm cúi gằm mặt, thái độ cứng rắn tan biến.

Cuối phiên tòa, sau khi nghe rất nhiều lời khuyên giải, anh Đức nhận trách nhiệm nuôi con, đồng thời yêu cầu chị Thắm cấp dưỡng mỗi tháng 2 triệu đồng để thuê người chăm sóc. Đáp lại chị Thắm chỉ đồng ý chu cấp mỗi tháng 500.000 đồng, sau đó tòa quyết định chị phải đưa cho anh Đức mỗi tháng một triệu đồng.

Thẩm phán Phú bảo phiên tòa kết thúc để lại trong ông nỗi buồn tê tái. Nhìn cảnh người chồng lỉnh kỉnh cầm quần áo, bế con do vợ giao đi ra khỏi cổng toà, lòng ông quặn thắt

( theo vnexpress)
THANK YOU
15-11-2015, 04:16 PM
Bài viết: #2
RE: PHIÊN TÒA LƯƠNG TÂM
VÀ TÂM CÒN NHƯNG TẠI > SỐ NGHIỆP

Nắng như đổ lửa, ngoài đường không một bóng người, người dân bản Mường đang vật vã trốn nắng dưới những sàn nhà, bên những con suối đang dần cạn nước, xóm Mừng hiện ra trước mắt tôi là những căn nhà sàn bé nhỏ, nằm vắt vẻo, cheo leo bên sườn núi. Trưởng thôn Bùi Văn Lịnh cho biết, cả thôn có 48 hộ thì đến 18 hộ thuộc diện hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào dăm sào đất vườn trồng ngô, khoai, sắn. Nhiều hộ dân không có ruộng để trồng lúa. Nói về cuộc sống của bản làng nơi đây, ông Lịnh ngắn gọn: Nghèo, nghèo lắm.

Theo giới thiệu của ông Lịnh, tôi tìm đến nhà chị Bùi Thị Tẩm - một trong những hộ gia đình nghèo nhất thôn - người đã cho đi hai đứa con do mình dứt ruột sinh ra. Ông Lịnh bảo: “Vợ chồng cô chú ấy là người thật thà, nghèo đến cùng cực, nhiều bữa cả gia đình phải nhịn đói vì không có gạo ăn, dù được cấp trên hỗ trợ nhưng không thấm vào đâu, đói quá nên họ cho đi đứa con của mình chứ không phải bán đâu”.

Căn nhà sàn nơi gia đình chị Tẩm sinh sống nằm ngay bên con đường liên thôn. Trong căn nhà chỉ rộng chừng 20m2, trống huơ, trống hoác không có gì giá trị ngoài một chiếc tivi màu 14 inch đã cũ. Chị Tẩm (SN 1987), quen và yêu anh Bùi Văn Thành (SN 1985, ở Kim Bôi). Sau hai năm yêu đương, anh chị quyết định đến với nhau. Đám cưới xong, anh Thành chuyển về nhà chị Tẩm ở rể theo đúng phong tục, họ sinh liền tù tì 4 người con (3 trai, 1 gái). Các đây 2 năm, vợ chồng chị Tẩm được địa phương cấp đất, cấp nhà để lên xóm Mừng sinh sống, phát triển kinh tế.

Thấy có khách lạ, chị Tẩm vội xua tay: “Hết con rồi, bữa nay không đẻ nữa nên không có con để cho đâu. Về đi”. Phải giải thích mất một lúc, nhờ hàng xóm nói thêm, vợ chồng chị Tẩm mới mở cửa cho khách vào nhà. Người phụ nữ bé nhỏ, ốm yếu, cao chỉ khoảng 1,3m, rón rén rót nước mời khách. Trong căn nhà lợp fibrô-ximăng nóng hầm hập, hai vợ chồng chị Tẩm liên tục kéo áo lau mồ hôi rồi ái ngại nhìn khách.

Lên vùng kinh tế mới, vì không có ruộng, không nghề ngỗng gì nên cuộc sống vợ chồng họ chỉ dựa vào vài sào đất trồng ngô, cái nghèo cứ mãi đeo bám. Sau mỗi mùa trồng ngô, trồng sắn, chị Tẩm ở nhà trông con, chăm vài con gà, con vịt, còn anh Thành ai thuê gì làm nấy, lúc thì đi phụ hồ, lúc lên rừng chặt củi về bán, lúc xuống núi lang thang đi trồng mía thuê. Hai năm trước, khi vừa lên vùng kinh tế mới, cũng là lúc chị Tẩm hạ sinh được đứa con thứ 3, cậu con trai kháu khỉnh vừa chào đời thì có người quen giới thiệu đến xin về. Đó là một gia đình ở Kim Bôi cưới nhau 10 năm nhưng không có con.

Đang lúc đói kém, lại không biết có đủ sức để nuôi con không nên vợ chồng chị Tẩm đã đồng ý cho đi đứa con thứ 3 của mình. Chị Tẩm nhớ lại: “Họ tìm đến nhà nhiều lắm, nghe họ kể không có con nên mình thấy thương thương, nhà mình cũng đã có hai đứa con, một trai một gái, thế là được rồi nên mình đồng ý cho người ta thôi. Họ xin thì cho, chứ sợ đói quá không nuôi được”. Vừa cho con đi được một thời gian thì chị Tẩm lại tiếp tục mang bầu đứa con thứ 4. Biết hoàn cảnh gia đình chị Tẩm khó khăn, đã một lần phải cho con, nên rất nhiều người tìm đến xin.

Lần này, Lý Thanh Tôn (34 tuổi, một người hàng xóm) giới thiệu, đó là một đôi vợ chồng đã cưới nhau hơn 7 năm nhưng chưa có con. Biết chị Tẩm vừa sinh thêm được cậu con trai nên họ muốn xin về nuôi. “Nghe họ gọi điện lên khóc lóc, van xin nên mình thương lắm. Lúc đó, mình nghĩ thôi thì cho người ta đi, biết đâu con mình về đấy lại được sung sướng. Mình có bảo họ lên nhà để chơi rồi thăm cháu, nhưng họ bảo xa quá không lên được”, chị Tẩm nhớ lại.

Tháng 10.2014, đúng như giao hẹn, sau khi cậu con trai thứ 4 được hơn 4 tháng tuổi, vợ chồng chị Tẩm bế con theo người hàng xóm, bắt xe ôtô đưa con xuống Hà Nội để cho. “Lúc xuống Hà Nội, có mấy người đàn ông ra nhận con, họ ít nói lắm, chỉ cảm ơn mấy câu rồi mang con đi, họ đưa cho vợ chồng mình một cái túi màu đen, với mấy trăm nghìn để bắt xe về quê, mình nhìn vào túi thấy một cái khăn nên tưởng họ tặng khăn với áo quần. Về nhà, mở ra thấy có 16 triệu đồng”, chị Tẩm kể.

Căn nhà nơi gia đình chị Tẩm sinh sống
Căn nhà nơi gia đình chị Tẩm sinh sống

Đau xót khi biết bị lừa

Những tưởng đứa con đó sẽ đến được gia đình tử tế, giàu có để được sống sung sướng, không ngờ cậu con trai thứ 4 của họ đã bị bọn buôn người bán sang Trung Quốc.

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Dũng - Phó trưởng Công an huyện Cao Phong - cho biết, qua nắm bắt tình hình, theo dõi và điều tra, Công an huyện Cao Phong đã triệt phá được đường dây buôn bán người và bắt những đối tượng đã mua con của vợ chồng chị Tẩm bán sang Trung Quốc. Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra.

Theo đó, các đối tượng đều quê ở Bắc Giang do Lê Ngọc Luân (45 tuổi, trú thị trấn Kép, Lạng Giang) cầm đầu, cùng các đối tượng Đoàn Văn Phương (42 tuổi, trú tại Lạng Giang), Nguyễn Thị Chiến (43 tuổi, trú tại Yên Thế) và Hoàng Văn Kết (35 tuổi, trú tại Lục Ngạn). Theo lời khai ban đầu, đối tượng Lê Ngọc Luân có một thời gian đi làm ăn tại Trung Quốc, tại đây Luân có quen một người phụ nữ tên Đáng và đang có nhu cầu mua trẻ sơ sinh.

Khi về nước, Luân đã bàn với Phương, Chiến, Kết tìm mua trẻ em bán kiếm lời. Qua quen biết với Lý Thanh Tôn, biết gia đình chị Tẩm có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng đã lợi dụng để xin cháu bé đưa đi bán. Cũng theo lời khai của các đối tượng, sau khi nhận được cháu bé, chúng bắt xe lên Móng Cái, Quảng Ninh, sau đó nhờ người dẫn sang Quảng Tây (Trung Quốc) và bán cháu bé được 20.200 nhân dân tệ (tương đương 70 triệu đồng) và chia nhau tiêu xài.

Sau khi biết đứa con mình dứt ruột đẻ ra bị các đối tượng lừa xin để đưa đi bán, vợ chồng chị Tẩm không khỏi đau xót, tinh thần suy sụp. “Đứa con thứ 3 lâu lâu họ còn đưa đến nhà mình chơi, lúc nào nhớ mình tự đi gặp cháu được, còn đứa thứ 4 giờ không biết sống chết ra sao”, chị Tẩm buồn giọng.

Chị có nhớ tên cháu không?

- Không. Lúc mới sinh vợ chồng mình cũng đặt cho cháu một cái tên nhưng giờ quên mất rồi.

Tại sao biết không đủ điều kiện để nuôi mà anh chị vẫn sinh thêm con?

- Tại vì lỡ rồi nên sinh chứ vợ chồng mình cũng không muốn vì lúc đó mình đã có 2 đứa con, đứa con trai đã học lên lớp 1 rồi, còn đứa con gái cũng đã biết tự đi chơi được rồi.

Thế anh chị có định sinh thêm con nữa không, nếu tiếp tục “lỡ” thì có nuôi không hay là cho người khác?

- Mình không sinh nữa vì nhà mình nghèo quá, sợ không nuôi nổi, đợt này cán bộ đến tuyên truyền nhiều nên vợ mình đang kế hoạch để không mang bầu. Nếu lỡ mang bầu thì mình sẽ không cho ai nữa đâu, sợ họ lừa mang đi bán.

…Bữa trưa hôm ấy, chị Tẩm dọn cơm ra mời khách, bữa cơm của họ đơn giản đến khó tả, một nồi cơm trắng, một đĩa măng rừng luộc chấm với nước mắm. Nhìn cả gia đình họ cặm cụi ăn, nhìn hai đứa con gầy xanh xao, quần áo rách rưới mà tôi không thể cầm lòng. “Anh chị có nhớ con không?”, tôi gặng hỏi thêm một câu.“Có chứ. Mình buồn lắm, thương con lắm, nhưng không làm sao được. Chỉ mong công an họ sớm tìm thấy cháu để mình xin về nuôi. Giờ mình hối hận lắm, thà mình đói mình khổ chứ đưa con cho người ta bán mình đau đớn lắm”, chị Tẩm nghẹn lời.

( theo lao động)
THANK YOU
15-11-2015, 04:21 PM
Bài viết: #3
RE: PHIÊN TÒA LƯƠNG TÂM
và CÁI KẾT CÓ HẬU : KẾT QUẢ CỦA TÌNH THƯƠNG (trong khi một số bà vợ chịu thua số mạng & từ chối số mạng khi gặp chuyện kg như ý)

Tôi và chồng làm đám cưới sau hai năm yêu nhau. Tôi làm may, anh là công nhân xây dựng, đồng lương không nhiều nhưng lúc nào hai vợ chồng cũng động viên nhau phải cố gắng.

Vì muốn kiếm thêm tiền để phòng lúc vợ chửa đẻ, chồng tôi ngoài làm ban ngày, anh còn tranh thủ làm thêm giờ buổi tối nữa. Nhiều lúc thương chồng vất vả, tôi bảo anh nghỉ ngơi thì anh cứ gạt đi nói “Không sao, anh làm được”. Tôi thấy cuộc đời tôi đã quá may mắn khi lấy được người chồng như anh. Rồi chúng tôi cũng có một cô công chúa nhỏ, gia đình lại càng vui vẻ hơn.

Một hôm, tôi đang làm việc ở công ty thì chợt có người gọi điện báo tin chồng bị tai nạn ngoài công trường. Tôi cứ nghĩ chắc anh chỉ bị gãy tay hay xây xát gì đó nhưng khi ra đến nơi, người ta nói đã đưa anh đi cấp cứu thì tôi biết đã có sự chẳng lành.

Tôi đau đớn khi hay tin bác sĩ nói anh bị trấn thương rất nặng do ngã từ trên giàn giáo xuống. Bác sĩ tuyến dưới đã lắc đầu. Người ta khuyên chuyển anh lên Hà Nội, may ra có được chút hi vọng. Gia đình đã định đưa anh về vì thực sự ai cũng nghĩ sẽ chẳng kiếm đâu ra tiền để cứu chữa cho anh được. Nhưng tôi vẫn quyết đưa chồng đi, dù là chỉ có một tia hi vọng. Tôi không đành lòng để anh ra đi như vậy, tôi không thể để con mồ côi bố được.

May mắn làm sao, khi đưa anh lên Hà Nội, các bác sĩ nói vẫn có thể cứu anh được, nhưng chi phí chữa trị là khá cao. Ước tính ban đầu khoảng hơn 100 triệu đồng. Lúc ấy vay mượn họ hàng, rồi thì tiền tiết kiệm của hai vợ chồng dồn lại cũng chỉ có được hơn 20 triệu, tôi lo lắng chưa biết xoay sở thế nào để kiếm ra số tiền lớn kia chữa trị cho chồng.

Ở viện chăm chồng, nhiều đêm tôi thức trắng không chợp mắt nổi. Một hôm lúc tôi ngồi ủ rũ, có một người phụ nữ đi tới, hỏi han rất tận tình. Đang lúc buồn bã tôi trút luôn bầu tâm sự với chị ta. Không ngờ sau đó, chị ấy bảo tôi có thể bán thận để cứu chồng. Chị ấy có chị gái đang cần thay thận.

Lúc ấy tôi cũng chẳng kịp nghĩ ngợi được rằng cắt đi 1 quả thận thì sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ thế nào mà chỉ biết rằng việc ấy có thể kiếm được một số tiền để chạy chữa cho chồng nên tôi đã đồng ý ngay. Để làm tin, chị ta ứng trước cho tôi 30 triệu.

Tôi nhờ chị gái chồng lên chăm sóc chồng, con thì nhờ bà nội trông còn tôi bảo phải đi chạy tiền bên ngoài.

Người phụ nữ kia yêu cầu tôi phải đưa chứng minh nhân dân kèm sổ hộ khẩu. Sau đó, tôi được chở đến bệnh viện để khám tổng quát, làm các xét nghiệm liên quan đến máu, nước tiểu. Rời bệnh viện chị ta dặn tôi phải ăn uống điều độ, giữ gìn sức khoẻ chờ ngày phẫu thuật.

Lúc này tôi tiếp tục phải nói dối nhà chồng là phải vào chỗ chị gái tôi ở trong Nam để vay tiền và tiếp tục nhờ người nhà trông anh, trông con. Thực ra là tôi đang thuê một căn nhà trọ để dưỡng sức chờ ngày mổ.

Hai tuần sau tôi được người phụ nữ đó đến chở vào bệnh viện. Vào phòng gây mê, khoảng 3 giờ sau tôi tỉnh lại thì biết mình bị cắt mất quả thận vì dưới bụng bên trái đau ê ẩm. Tôi phải nằm hồi phục trong bệnh viện hơn một tuần, thời gian ấy người phụ nữ kia trực tiếp chăm sóc cho tôi. Trước khi xuất viện, một người đàn ông đến đưa thêm 90 triệu là số tiền còn lại và cho thêm 10 triệu để tôi bồi bổ sức khoẻ. Nhưng 10 triệu đồng họ đưa thêm đã bị người phụ nữa kia lấy đi mất, lúc ấy tôi mới biết chị ta chính là môi giới.

Cầm tiền trong tay tôi mừng rỡ vì đã có thể cứu chồng mình. Tôi vội vã mang số tiền về để chi trả tiền viện và thuốc men cho anh. May mắn làm sao, chồng tôi đã hồi phục được. Mọi người có hỏi lý do, tôi không dám nói thật mà chỉ bảo vay của chị gái một ít, và số còn lại là vốn tích góp của riêng tôi từ ngày chưa lấy chồng. Mọi người ai cũng trố mắt khi thấy tôi có vốn lớn như thế, họ bắt đầu xì xào. Nhưng bỏ ngoài tai tất cả, tôi vẫn chẳng nói ra sự thật.

Những ngày sau, tôi vẫn cố gắng chăm chồng, dù rất đau đớn sau khi vừa mổ. Hôm nào đau quá tôi mới phải nhờ người khác trông hộ. Mẹ chồng có lần nhìn thấy tôi nhăn nhó ôm bụng, hỏi han thì tôi nói dối đau bụng kinh.

Ngày chồng xuất viện cả nhà ai cũng mừng. Nhưng từ ngày ấy, sức khoẻ của tôi yếu đi trông thấy, những cơn đau thỉnh thoảng vẫn hành hạ tôi.

Rồi một ngày, chồng nhìn thấy vết sẹo, anh có hỏi lý do. Tôi đã phải nói dối anh là lần vào Nam vay tiền chị gái, lúc chị ấy chở xe máy thì bị ngã phải khâu. Lúc ấy anh đang bệnh nặng, tôi không dám nói ra vì sợ mọi người lo lắng thêm. Chồng tôi cũng tin ngay sau đó và không đả động đến nữa.

Một năm sau khi được hồi sinh trở lại, chồng tôi lại chịu khó làm việc hơn, nhưng anh không làm ở công trường nữa, mà xin làm thợ sửa chữa để tránh rủi ro. Thấy sức khoẻ của tôi yếu hơn, anh khuyên tôi ở nhà. Tiền bán thận vẫn còn một ít (mọi người vẫn nghĩ là vốn riêng của tôi), tôi đã bàn với chồng mở cái quầy tạp hoá nhỏ để bán, vì nhà cũng gần đường. Chồng đồng ý luôn.

May mắn cửa hàng ấy cũng giúp vợ chồng tôi kiếm được đồng ra đồng vào. Còn chồng tôi lúc nào cũng bảo: “Anh phải làm để còn trả nợ cho bác Hà (tên chị gái tôi)”, tôi không nói gì nhưng trong lòng rất vui. Sự hy sinh của tôi không phải là vô ích, tôi mất một quả thận nhưng bù lại tôi đã giữ được chồng bên cạnh mình, giữ được bố cho con.

(Một thế giới)
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS