Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
NHẤT CHI MAI + ...
23-01-2016, 10:33 PM (Được chỉnh sửa: 27-01-2016 01:20 PM bởi dieuquang.)
Bài viết: #1
NHẤT CHI MAI + ...
Đêm qua sân trước một cành mai

[Hình: attachment.php?aid=11977]

Đúng là Đạo bổn vô nhan sắc, nhưng ta và người thì có thể thấy được “nhất chi mai (一枝梅) ” kia là vật của đất trời, trống không, độc lập, hồn nhiên, như hữu sự mà vô sự.

Cáo tật thị chúng

告 疾 示眾
春去百花落
春到百花開
事逐眼前過
老從頭上來
莫謂春殘花落盡
庭前昨夜一枝梅

Dịch:
Cáo tật thị chúng
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch thơ:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.

Ngô Tất Tố dịch thơ:
Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai

Tản Đà dịch thơ:
Xuân đi muôn vạn hoa tàn
Xuân về thắm lại ngập tràn những hoa
Việc đời thế sự đi qua
Trên đầu tuyết điểm một vài cọng sương
Chờ cho xuân hết hoa tàn
Đêm qua sân trước nở vàng cành mai

Người dịch thứ tư là Lê-mạnh-Thát :

Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Việc đời qua trước mắt,
Già đến trên đầu rồi !
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mai.


1.- Tác giả: Mãn Giác (滿 覺), (1052-1096), là một Thiền sư Việt Nam thuộc đời thứ 8 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Sư nối pháp Thiền sư Quảng Trí và truyền tâm ấn lại cho đệ tử là Bổn Tịnh. Với bài thơ "Cáo tật thị chúng", Thiền sư được nhiều người coi là một nhà thơ đại biểu của dòng văn thơ Lý-Trần.
Thiền sư Mãn Giác thế danh là Nguyễn Trường (阮長), (còn gọi là Lý Trường 李長), thân phụ là Lý Hoài Tố làm chức Trung thư Viên ngoại lang. Thiếu thời, Lý Nhân Tông thường mời con em các danh gia vào hầu hai bên, Nguyễn Trường nhờ nghe nhiều, nhớ kỹ học thông cả Nho, Thích nên được dự tuyển. Sau những lúc việc quan, Nguyễn Trường thường chú tâm vào Thiền học. Đến khi vua lên ngôi, vì rất mến chuộng nên vua Lý Nhân Tông ban cho Nguyễn Trường hiệu Hoài Tín Trưởng lão.
Sau đó, Hoài Tín dâng biểu xin xuất gia, học với Thiền sư Quảng Trí và vân du khắp nơi. Thiền sư là bậc lãnh tụ pháp môn trong một thời, được vua Lý Nhân Tông cùng hoàng hậu hết sức kính nể và dựng chùa Giáo Nguyên thỉnh Thiền sư làm trụ trì.
Năm 1096, cuối tháng 11, Thiền sư gọi chúng đọc bài kệ:
Cáo tật thị chúng (告 疾示 眾):
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Đọc xong Thiền sư ngồi kết già thị tịch, trụ thế 45 năm. Sau lễ trà tỳ, xá lợi được thờ tại chùa Sùng Nghiêm, vua thuỵ hiệu là Mãn Giác Thiền sư.

2.- Bài kệ - bài thơ:
Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) trở thành một tác phẩm thi kệ nổi tiếng thời kỳ văn học Lý-Trần, một tuyên ngôn triết học ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương.

Bài thơ mượn cảnh thị tình, lấy tình "trực chỉ chân tâm" nhằm khai phóng nhân sinh.

Dùng tư duy trực giác để hình thành nên một biểu tượng, bài thơ bắt đầu từ chỗ miêu tả một thực tại, một hình ảnh đơn giản, sinh động: Khai, lạc của mai hoa (đào hoa, xuân hoa...) là cái nhãn tiền tự nhiên nhi nhiên:

Xuân khứ bách hoa lạc - Xuân đáo bách hoa khai

Không có mới cũng chẳng có cũ, không có đi cũng chẳng có về; đáo hay khứ thực ra chỉ là một thực tại bị chia cắt thành những khái niệm mà chỉ cần khởi tâm trí tuệ thì bỗng dưng được con mắt sáng mà nhìn, nghe, và cảm nhận cái thi vị của cuộc đời sau những tột cùng vô biên của sự phân chia, tách bạch.

Trước hết, chính tự nhiên, cho nên có con mắt thứ nhất mở ra phía sau trước nhìn vào chốn sinh linh mà dạy rằng: đừng bảo, đừng nói, đừng ngộ nhận, chớ lời, chớ chắc, chớ đoan... và còn con mắt thứ hai dành cho kẻ Xuân Thu biết vui thú du xuân bốn mùa tự nhiên sẽ có được:

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Cùng với muôn vàn con mắt không phô diễn.
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Xuân khứ (hoa lạc, quá) - nhất chi mai - Xuân đáo (hoa khai, lai)

Đúng là Đạo bổn vô nhan sắc, nhưng ta và người thì có thể thấy được “nhất chi mai” kia là vật của đất trời, trống không, độc lập, hồn nhiên, như hữu sự mà vô sự.

Lâu nay người ta sợ hãi là sợ cái có có - không không đối đãi, thì đây là vật chứng, là hiển nhiên của sinh diệt mà cũng là bất diệt. Cái giả hợp tất chịu đổi thay: còn trẻ răng trắng má hồng, lúc tuổi già răng long tóc bạc. Nhưng trong chỗ diệt diệt sinh sinh ấy có một thứ vượt ra ngoài sinh tử, và một lúc nào nhận diện được nhành mai trước sân thì tức là đang sống, đang tồn tại với Phật tánh vĩnh cửu chân như của chính mình. Tìm kiếm Phật ở bên ngoài thì cũng giống như cá chép tranh nhau vượt Vũ Môn, muôn đời làm sao hóa rồng được?!
Chân tánh là vô tánh, tử - sanh chẳng nói.
Vì "không hoa, mặc bướm để lòng chi"?
Thế mới biết:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.

Điều mà chúng ta cảm nhận được qua bài kệ - bài thơ là: bài kệ rất đơn giản nhưng lại nói được rằng "vũ trụ vốn có những quy luật, con người và sự vật luôn luôn phải tuân theo, thế nhưng vẫn có những điều huyền diệu, thần kỳ xảy ra, vượt ra ngoài cái khuôn khổ bình thường có quy luật của vũ trụ".
Quy luật đối với thiên nhiên là:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Quy luật đối với con người là:
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Nhưng đừng có nghĩ thế, vẫn có những sự huyền diệu, thần kỳ:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, một cành mai.

Hy vọng của mỗi người chúng ta, trong cuộc đời mình, sẽ có những lần may mắn được thấy, được nghe, được cảm nhận... những điều huyền diệu, thần kỳ, nhưng rất đơn giản, bé nhỏ... như “một cành mai!”

Phụ chú :

Cây nhất chi mai còn gọi là Mai trắng (Bạch mai, Hàn mai, Lưỡng nhị mai, nhị độ mai). Tên khoa học là Prunus mume Sieb. & Zucc, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Ở đây cần phân biệt rõ, tuy tên dân dã là mai nhưng thực sự là một loài cùng họ với đào, anh đào, mơ, mận. Nó hoàn toàn khác với giống mai vàng miền Nam có tên khoa học là Ochna integerrima thuộc chi Mai (Ochna), họ Mai (Ochnaceae).
Cây nhất chi mai là loài mai quý hiếm, chỉ sống ở những nơi có mùa đông và giá lạnh. Nhất Chi Mai chậm lớn, gốc xù xì, thân đen óng, nụ màu đỏ, khi nở thì chuyển dần sang màu trắng với nhiều tầng cánh xếp vào nhau và cũng là lúc đẹp nhất, tàn thì lại chuyển dần về màu đỏ. Nhất Chi Mai không có quả, việc chiết giống cũng rất khó khăn. Nhưng nếu bén rễ đâm chồi được, thì sức sống rất mãnh liệt, phi thường. Dường như, tiết trời càng lạnh, thì lại càng có sức sống hơn, thật kì lạ!
Chỉ cây nhất chi mai mới tái nở hoa vào tháng hai (âm lịch), sau khi tàn đợt nở đón xuân. Đúng lúc xuân tàn, thiên hạ đã hết hoa mai rồi, thì Nhất Chi Mai tái nở với những chồi lộc non tươi. Lần hai là chính vụ, còn lần đầu ví như Nhất Chi Mai nở để cổ vũ họ hàng hoa mai mà thôi. Có lẽ, đó là điều đặc biệt hơn cả, giống như tuyết rơi giữa mùa hè vậy…
Cây nhất chi mai ưa nước nhưng không chịu được úng. Không để bầu đất sũng nước thường xuyên, cũng không được để đất khô cây sẽ bỏ cành. Tốt nhất là trồng ra vườn thì lâu lâu bón phân là được, còn trồng trong chậu thì phải thăm nom ngày 2 lần sáng tối xem độ ẩm của đất thế nào.
Nên đặt cây mai nơi nhiều nắng và gió, cây cằn hoa sẽ to và dầy. Nếu cây quá xanh tốt hoa sẽ nhỏ và thưa.
Do rễ cây nhất chi mai nhỏ, yếu nên đất trồng phải có độ thoáng cao kẻo rễ bị nghẹt sẽ không phát được. Với kiểu chơi truyền thống, lấy đất mặt ruộng phơi thật khô, đập nhỏ và dùng sàng lọc ra những hạt có kích cỡ 3mm-5mm để dùng. Trộn thêm ít phân chuồng ủ hoai, thế là đủ.
Không nên bón phân hóa học, kể cả NPK vì dễ khiến cây chảy nhựa vào mùa hè. Có thể bón phân 1 lần bằng cách mua phân bánh đậu về,
nếu ngại ngâm phân vào nước ( thúi kinh) ,giã nhuyễn và chôn xung quanh gốc cách 10cm . Khi tưới phân sẽ tan dần vào đất.
Khi cây đã hết hoa và lá phát ra dịp đầu xuân đã chuyển sang bánh tẻ, ta thực hiện cắt tỉa để giữ dáng cho năm sau. (thường là khoảng tháng 2, cứ lá chuyển sang xanh đậm là có thể cắt tỉa.)
Cây nhất chi mai cũng giống như đào, chỉ nảy hoa trên những cành non, cành già phát từ năm trước sẽ không nảy hoa. Do đó nên cắt thật mạnh, chỉ chừa lại khoảng 2-3 đốt ngón tay. Có một lưu ý nhỏ là thường sẽ sót lại vài chiếc lá sau khi cắt tỉa, đừng buồn tay ngắt nó đi, hãy để lại đó để cây thở, sau này cây phát chồi thì cắt sau. Khoảng đầu tháng 7 âm, khi lá đã già thì ta cắt tiếp đợt 2 và cũng là đợt cuối cùng trong năm. Cách cắt tỉa giống như đợt đầu xuân.
Nếu cắt sớm thì cành sẽ chóng già, cây ra hoa sớm.
Một lưu ý là không nên cắt tỉa lúc trời mưa, cây bị chảy nhựa sẽ yếu và bỏ cành. Bạn xem hình dưới, cây đã nảy lộc nhưng không đều, có một số cành bị khô.
Đến cuối tháng 10 âm lịch (trước tết khoảng 50 đến 60 ngày, tùy vào thời tiết năm đó rét hay ấm) là thời điểm lặt lá và đưa lên chậu nhỏ để chơi tết.
Thời tiết cũng rất quan trọng, nếu gió nồm thổi sớm thì vô phương cứu chữa. Chỉ cần gió nồm thổi 5 hôm là cây đang đen xì bỗng bật chồi xanh cả loạt.
Nếu hoa nở muộn thì dễ chữa hơn. Trước tết 20 ngày, nếu dự báo thời tiết vẫn rét đậm thì chỉ cần thắp điện, trùm nilong cho nhiệt độ khoảng 20oC, pha loãng lân với nước ấm để phun thì cây sẽ bật nụ.
Chảy nhựa là vấn đề nan giải trên cây bạch mai. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau như cây úng nước, thừa nước, sương muối.v.v.
Chủ yếu bệnh là do nấm. Nếu cây phát mạnh mà vẫn chảy nhựa thì ta có thể xác định là do nấm. Có thể sử dụng các thuốc diệt nấm như Ridomil, hợp chất vôi+lưu huỳnh pha loãng để phun.

Hoa nhất chi mai ngoài thưởng thức vẽ đẹp tao nhã hoa Xuân , còn nhiều công dụng làm thuốc sau đây:

Chữa hoa dai dẳng: HOa mai trắng 9 g hãm uống thay trà trong ngày. Hoa mai trắng 10g, khoản đông hoa 10g, gạo tẻ 60g, tất cả đem ninh thành cháo, chế thêm một chút mật ong, chia ăn vài lần trong ngày.
- Chữa chướng bụng, đầy hơi: Hoa mai trắng 10g, mộc hương 10g, hương phụ 15g, sắc uống.
- Chữa tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực: Hoa mai trắng 3g, thảo quyết minh 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì uống.
- Chữa đau bụng do lạnh: hoa sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 3-6g với rượu.
-Chữa viêm họng mạn tính: Hoa nhất chi mai 6g, hoa dành dành 5g, trà 20g. Ba thứ trộn lẫn chia làm hai lần hãm với nước sôi uống thay trà, mỗi ngày 1 thang.
- Chữa nấc: Hoa nhất chi mai 5g, tai hồng 5 cái, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 100g. Đem gừng tươi và thị đế sắc kỹ lấy nước, bỏ bã rồi cho gạo vào nấu thành cháo, khi chín thì cho hoa mai trắng vào, đun sôi vài dạo là được, chia ăn vài lần trong ngày.
- Chữa chán ăn do thử nhiện: Hoa nhất chi mai 10g, lá sen 50g, hãm với nước sôi uống nhiều lần trong ngày.
- Chữa đau khớp do phong thấp: Hoa nhất chi mai 9g, thạch nam đằng 9g, thổ nhĩ phong 9g, đem ngâm với 200mml rượu, mỗi lần uống từ 30-50 mml.
-Chữa viêm da, lở loét: Hoa nhất chi mai 6g đem ngâm với dầu lạch hoặc dầu vừng, sau hai tuần thì dùng được, bôi vào chỗ tổn thương mỗi ngày 2 lần.
- Chữa viêm loét môi và niêm mạc miệng: Hoa nhất chi mai tươi với lượng vừa đủ, đem giã với đường trắng rồi vắt lấy nước bôi vào chỗ tổn thương.
- Chữa bỏng nhẹ: Hoa nhất chi mai lượng vừa đủ ngâm với dầu trà rồi bôi vào vùng bỏng.
-Chữa nôn mửa: Hoa nhất chi mai 5g, nước cốt gừng tươi 5ml. Đem hoa mai hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là dùng được, chắt hòa thêm nước gừng tươi rồi uống.


File đính kèm Thumbnail(s)
   
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
langtrang (24-01-2016 03:06 PM)
25-01-2016, 09:49 AM (Được chỉnh sửa: 25-01-2016 09:59 AM bởi dieuquang.)
Bài viết: #2
RE: NHẤT CHI MAI + ...
MỜI BÀ CON XEM THÊM

Một điều đáng chú ý là những bài thơ xuân đầu tiên trong văn học Việt-nam mà hiện nay vẫn còn tồn tại lại là những bài kệ xuân của ba thiền-sư thời nhà Lý (1009-1225) là Chân-Không, Mãn-Giác và Giác-Hải. Hơn nữa, tuy nói đến xuân nhưng những bài kệ này thực sự không phải là những bài thơ sáng tác để tả cảnh xuân, ý xuân, ảnh hưởng của xuân đối với thiên nhiên, đối với con người, như những thi tác của các thế hệ sau, mà chỉ là những bài kệ (do đó chúng tôi tạm gọi là những bài “kệ xuân”) làm để trả lời một câu hỏi hoặc làm lúc tác giả sắp viên tịch. Tác giả mượn cảnh xuân hoặc ý xuân để diễn tả một vấn đề giáo lý Phật giáo nào đó, nhất là vấn đề liên quan đến sự sống chết của con người.

LỜI KỆ CỦA THIỀN SƯ CHÂN KHÔNG

Bài thơ xuân đầu tiên là lời kệ của thiền-sư Chân-Không (946-1001).

Người đời luôn luôn có nhiều thắc mắc mà khi không giải đáp được một cách thỏa đáng thì sinh ra đau khổ, buồn sầu. Một trong những thắc mắc đó, và có thể coi là thắc mắc lớn lao, quan trọng nhất, khiến nhiều người phải bận tâm nhất, là sự sống chết của con người.

Từ nghìn xưa, con người vẫn thắc mắc là mình từ đâu đến và khi chết sẽ đi đâu, cũng như thắc mắc là con người sinh ra ở trên đời để làm chi bởi vì trước sau, sớm muộn gì, con người cũng phải chết. Do đó mới có tình trạng con người tham sống sợ chết, và tìm đủ trăm phương nghìn kế để kéo dài cuộc sống của mình. Việc Tần Thủy-hoàng-đế Doanh-Chính 秦始皇帝 嬴政 (Tần-vương năm 246-221 TCN và Thủy-hoàng-đế năm 221-209 TCN) năm 219 TCN đã sai Từ-Phúc 徐福 dẫn hơn một nghìn đồng nam đồng nữ vượt biển đi tìm thuốc trường sinh bất tử, cũng như việc Hán Vũ-đế Lưu-Triệt 漢武帝 劉徹 (tại vị năm 140-86 TCN) cho luyện kim đan để mong được sống lâu, là những thí dụ điển hình.

Ngay cả các vị tu sĩ vốn không nên có những thắc mắc về vấn đề sống chết của con người, nhưng cũng có một vài vị vẫn cưa đạt được đến độ này. Chẳng hạn có một vị tăng một hôm đến hỏi thiền sư Chân-Không là khi xác thân người ta bại hoại thì sẽ như thế nào.

Thiền sư Chân-Không bèn đáp bằng hai câu kệ:

春來春去疑春盡,
花落花開只是春.

Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận,
Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân.

[Hình: attachment.php?aid=11992]

Hai câu này đã được cố giáo sư Nguyễn-đăng-Thục (1909-1999) dịch sang Việt ngữ như sau:
Xuân qua xuân lại ngờ xuân tận,
Hoa nở hoa tàn vẫn là xuân.

Thiền sư Thích Thanh-Từ cũng dịch tương tự:
Xuân đến, xuân đi ngỡ xuân hết,
Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân.

Trong khi hai dịch giả trên khi dịch sang thơ Việt ngữ vẫn giữ nguyên thể thất ngôn của nguyên tác thì Phạm-tú-Châu lại dịch theo thể lục bát:
Xuân qua lại, ngỡ xuân tận,
Hoa dù rụng nở, vẫn hoàn tiết xuân.

Thiền sư Chân-Không đã mượn trạng thái xuân đến và xuân đi, cũng như hình ảnh hoa nở hoa tàn, để nói lên một sự thực không ai phủ nhận, dị nghị được: đó là đừng nên nghĩ rằng sau khi xuân đến rồi đi thì cho rằng xuân đã hết, đã tận, và không bao giờ còn nữa, cũng như đừng cho rằng khi hoa nở thì xuân đến còn lúc hoa tàn thì xuân đã hết. Sự thực thì xuân chỉ có tuần hoàn, nghĩa là xuân đến rồi đi, rồi lại đến rồi lại đi, cứ tiếp tục như vậy từ thuở khai thiên lập địa cho đến hiện tại và sẽ còn tiếp diễn trong tương lai cho đến vô cùng tận. Nói cách khác, xuân là một trạng thái thiên nhiên bất biến; còn sự đến và đi của xuân, cũng như sự nở và tàn của hoa, chỉ là một sự tuần hoàn thôi.

Con người cũng vậy. Tuy nhìn bề ngoài chúng ta thấy rõ ràng con người sinh ra, lớn lên, rồi chết đi, nhưng cái mà chúng ta nhìn thấy đó chỉ là cái thân xác, cái sắc, cái tướng thôi. Nó chỉ là cái hình thể vật chất, nghĩa là cái vẻ bề ngoài, luôn luôn thay đổi, nên có tính cách phù du, tạm bợ. Đó là cái nhìn của người phàm. Trái lại, nếu suy ngẫm kỹ hơn, chúng ta sẽ nhận thấy cái mà chúng ta nhìn thấy và gọi là thân xác, thực ra chỉ là một tổng hợp của nhiều yếu tố, như: máu, thịt, da, xương, tủy, gân, v.v. Tất cả những thứ ấy là những yếu tố bất chắc, không bền vững, dễ bị hủy hoại, dễ hư nát. Đó không phải là con người thật. Giống như mùa xuân có đến có đi, nhưng xuân vẫn là xuân, bởi vì xuân bất biến, con người thể xác tuy trải qua các giai đoạn sinh ra, lớn lên, rồi chết đi, thân xác tiêu tan hết, nhưng con người thật, nghĩa là cái hồn của con người, vẫn còn, bởi vì nó cũng bất biến.

Nếu con người đã như vậy thì còn thắc mắc đến cái còn, cái mất, cái bại hoại của thân xác mà làm chi? Chúng ta không nên chấp vào cái lý của mình để nhìn vào thế gian và sự đời, mà phải biết tự lọc lấy cái tâm mình, để có thể hòa mình vào với vũ trụ thiên nhiên. Hay như lời giáo sư Nguyễn-Đăng-Thục,
"… thực tại nguồn sống thường nhiên tiềm tàng linh động đằng sau hiện tượng thiên hình vạn trạng, hiện tượng hủy diệt biến đổi, ẩn hiện, mà cái nguồn sống đại đồng sinh sinh tự nhiên luôn luôn tồn tại, không có sống chết bất di bất dịch."

Tiện đây câu thứ hai lời kệ của thiền sư Chân-Không "Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân" nếu dịch đúng nguyên văn sẽ là "Hoa rụng hoa nở chỉ là xuân." Tuy nhiên, câu này đã được giáo sư Nguyễn-đăng-Thục dịch là "Hoa nở hoa tàn vẫn là xuân", và Phạm-tú-Châu dịch là “Hoa dù rụng nở, vẫn hoàn tiết xuân” như vậy đã lột được hết ý của thiền sư Chân-Không, hơn là câu dịch "Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân" của thiền sư Thích Thanh-Từ.

Thực vậy, ý của thiền sư Chân-Không là khi thấy xuân đi, cũng như thấy hoa tàn lúc xuân đi, thì không nên nghĩ rằng xuân đã hết, vì sau khi xuân đi rồi xuân sẽ lại đến, cũng như sau khi hoa tàn rồi hoa sẽ lại nở. Đó chỉ là những biến chuyển tuần hoàn, nghĩa là trạng thái dịch của xuân thôi, chứ xuân thì vĩnh viễn bất biến. Như vậy, từ “vẫn” trong câu dịch của giáo sư Nguyễn-đăng-Thục và của Phạm-tú-Châu dùng đúng hơn, vì từ “vẫn” diễn tả được cái bất biến của xuân. Từ “vẫn” có ý là "cứ như thế", nghĩa là nó ngụ ý chỉ sự không thay đổi, sự bất biến của một trạng thái (cũng như phẩm chất). Hơn nữa, từ “vẫn” nói lên ý niệm khẳng định, đề quyết, chắc chắn. Trái lại từ “chỉ ” mà thiền sư Thích Thanh-Từ dùng cho thấy sự không chắc chắn, thiếu khẳng định, vì từ này diễn tả ý "có thế thôi" hay "không có gì khác", nghĩa là tuy nó nói lên một sự thực đơn độc, duy nhất, nhưng không mang ý bất biến, nên không lột được hết ý của thiền sư Chân-không.

( còn tiếp)


File đính kèm Thumbnail(s)
   
THANK YOU
27-01-2016, 05:48 AM (Được chỉnh sửa: 27-01-2016 05:50 AM bởi dieuquang.)
Bài viết: #3
RE: NHẤT CHI MAI + ...
KỆ CỦA THIỀN SƯ GIÁC HẢI

Quan niệm cuộc đời là huyễn ảo một lần nữa lại được đề cập tới trong bài kệ của thiền sư Giác-hải (sống khoảng cuối thế kỷ thứ 11, đầu thế kỷ thứ 12).

春來花蝶善知時,
花蝶應須共應期.
花蝶本來皆是幻,
莫須花蝶向心持.

Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa điệp ứng tu cộng ứng kỳ.
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.

Ngô Tất Tố đã dịch sang thơ Việt ngữ như sau:

Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ.
Nên biết bướm hoa đều huyền ảo,
Thây hoa mặc bướm, để lòng chi.

Người dịch thứ hai là Lê-mạnh-Thát:

Xuân đến bướm hoa khéo biết thì,
Cần nhau hoa bướm biết nhau khi.
Bướm hoa vốn thảy đều hư huyễn,
Chớ đem hoa bướm giữ lòng chi.

Sự sống chết của con người đối với vũ trụ không khác gì hoa và bướm đối với mùa xuân. Hoa cũng như bướm vốn quen biết thời gian nên khi mùa xuân tới hoa sẽ nở và bướm sẽ lượn bay đúng kỳ hạn. Tuy nhiên, cái đượcgọi là hoa, là bướm lại chỉ là huyễn ảo mà thôi, chứ không là thực, cho nêntốt nhất không nên bận tâm đến chúng làm chi. Sự sống chết của con người cũng vậy. Còn nghiệp duyên thì con người còn sống; nếu hết, con người sẽ chết. Sự sống chết của con người vì thế cũng chỉ là cảnh huyễn ảo, đâu phải là thực tướng của vũ trụ! Vì vậy cũng chẳng nên quá lo lắng, bận tâm về cái sống hay cái chết của mình nữa vì cuộc đời vốn vô thường.
THANK YOU
27-01-2016, 12:23 PM (Được chỉnh sửa: 27-01-2016 01:31 PM bởi dieuquang.)
Bài viết: #4
RE: NHẤT CHI MAI + ...
KỆ CỦA THIỀN SƯ MÃN GIÁC

Mặt khác, mỗi khi xuân sang, những người còn trẻ, còn sức lực, thì vui mừng đón xuân vì cho rằng xuân sẽ đem lại cho họ những cái hay, cái tốt, cái lạ, cái may mà năm qua họ không có, hay bị mất đi. Tuy nhiên, cũng có nhiều người, đại đa số là những người già, lại có thái độ bi quan, yếm thế hơn. Tự thấy rằng mỗi một mùa xuân tới lại già thêm một tuổi; hơn nữa, xuân lại đến quá nhanh khiến không sao trở tay kịp, vừa mới ngày nào "mang tiếng khóc bưng đầu mà ra" (Cung Oán Ngâm Khúc ), như lời Ôn-như-hầu Nguyễn-gia-Thiều (1741-1798), thế mà chưa chi đã lâm vào cảnh mà Tản-đà Nguyễn-khắc-Hiếu (1889-1939) mô tả là "cái già sồng sộc nó thì theo sau " (Chơi Xuân Kẻo Hết Xuân Đi)

Thêm một mùa xuân là thêm một năm được thấy những đổi thay trong vũ trụ cũng như chung quanh . Tệ hơn nữa là tất cả những đổi thay này, không cách nào ngăn chặn được, không thể kìm hãm hay níu kéo lại được, vì con người quá bé nhỏ, chỉ là những hạt cát trong vũ trụ bao la bát ngát, cảm thấy mình bị giam hãm trong một cái khung chật hẹp và thời gian quá ngắn ngủi là cuộc đời trên dưới một trăm năm trong khi thiên nhiên lại vô hạn vô biên, vô cùng vô tận.
Như Khổng-Tử 孔子 (550-479 TCN) của Trung-quốc đã thốt lên lời "Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ!" 逝者如斯夫, 不舍晝夜 (Luận Ngữ, ), nghĩa là "Trôi mãi như thế kia, ngày đêm không thôi!", khi đứng bên giòng sông nhìn thấy nước cứ trôi đi mãi về phía chân trời xa tắp mù khơi không bao giờ cùng tận, giống như giòng đời biến hóa (thiên địa chi hóa 天地之 化) mãi mãi không lúc nào ngừng.
Hoặc như Nguyễn-Du (1766-1820), đã phải thở than:
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. (Kiều )

Đối với những người có thái độ này, thiền sư Mãn-Giác (1051-1096) khuyên rằng tất cả mọi sự vật trong vũ trụ không có gì là vĩnh viễn cả, tất cả chỉ tại con người đã đem mình đối chiếu với vũ trụ và đem cái đoản sinh sánh với cái trường tồn, tất cả chỉ tại mình tự đặt mình đứng bên ngoài vũ trụ mà ngắm nhìn vũ trụ, không biết hội nhập vào vũ trụ thiên nhiên.Như bài thơ: Nhất chi Mai đã nói ở trên.

[Hình: attachment.php?aid=11998]

Trong quan niệm của thiền sư Mãn-Giác, không nên quá bi quan trước sự tuần hoàn của vũ trụ thiên nhiên, không nên quan tâm tới cảnh xuân đến thì hoa nở, xuân đi thì hoa tàn, cũng như sự đời trôi qua trước mắt vô cùng tận và đem đến cái già trên đầu mình. Thực vậy, chúng ta đừng nên nghĩ là lúc xuân tàn tất cả mọi bông hoa đều rụng hết, cây cối trở nên trơ trụi, bởi vì vừa mới đêm qua thôi ở trước sân đã có một cành hoa mai nở rồi. Cành hoa mai ở đây tiêu biểu cái bất sinh bất diệt của vũ trụ thiên nhiên mà nếu con người cố gắng tu luyện thì sẽ có thể vượt ra khỏi sự tuần hoàn của thiên nhiên để hội nhập vào cái trường tồn của vũ trụ.

Đừng nên có thái độ thi sĩ TQ Trần Tử-Ngang 陳子昂 (659-700) diễn tả trong bài thơ Đăng U-châu Đài Ca 登幽州臺 歌:

前不見古人,
後不見來者.
念天地之悠悠,
獨愴然而涕下.

Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc thương nhiên nhi thế hạ.

Trần-trọng-San đã dịch bài thơ này sang thơ Việt ngữ, theo thể song thất lục bát, nhan đề Bài Ca Lên Đài U-châu.

Ngoảnh lại trước: người xưa vắng vẻ;
Trông về sau: quạnh quẽ người sau.
Ngẫm hay trời đất dài lâu,
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.

Nói cách khác, phải biết gạt bỏ sự phân biệt ngoại giới với nội giới, cái ta và vũ trụ, phải biết cảm thông với vũ trụ thiên nhiên, nghĩa là đem cái đoản sinh của mình hòa với cái trường tồn của vũ trụ thiên nhiên, đem cái giới hạn của mình nhập vào cái bao la bát ngát, vô hạn vô biên của vũ trụ thiên nhiên. Được như vậy thì đâu còn sống chết, quá khứ, vị lai nữa mà phải đau buồn cho những gì đã qua đi, mất đi, cũng như phải lo âu cho sự gì sẽ tới, lo cho cái già đổ trên đầu mình, lo cho xuân tàn hoa rụng, bởi vì trong cái tiêu điều của xuân tàn hoa rụng đó đã có một cành mai hé nở làm vui lòng người rồi. Được như vậy thì sẽ thấy mọi sự ở trên thế gian này chỉ là huyễn ảo, mộng ảo, không đáng phải quyến luyến tiếc nuối nữa.


File đính kèm Thumbnail(s)
   
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS