Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
AN NAM TỨ ĐẠI KHÍ
21-05-2016, 02:11 PM
Bài viết: #1
AN NAM TỨ ĐẠI KHÍ
An Nam tứ đại khí là bốn kỳ quan, bốn vật quốc bảo và là bốn công trình nghệ thuật bằng đồng nổi tiếng của văn hóa thời Lý, Trần bao gồm:

Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh);
Tháp Báo Thiên ở Thăng Long (Hà Nội)
Chuông Quy Điền (chuông ruộng rùa) ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), Hà Nội
Vạc Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, Thiên Trường (Nam Định).

Mặc dù đều là những vật quốc bảo song khi giặc Minh sang xâm chiếm nước ta, tứ đại khí đều bị cướp hoặc phá huỷ để lấy đồng đúc vũ khí và nhằm làm mất đi một phần "nguyên khí" của người Việt.

TƯỢNG PHẬT QUỲNH LÂM

Chùa Quỳnh Lâm có hai pho tượng lớn nổi tiếng được đúc vào hai thời kỳ khác nhau. Một pho thời Lý do sư Nguyễn Minh Không cho đúc, và pho thứ hai thời Trần do thiền sư Pháp Loa tạo dựng. Pho tượng được liệt trong Thiên Nam tứ đại khí theo nhiều ý kiến có lẽ là pho được đúc vào thời Lý. Theo lịch sử thì nhà sư có công xây dựng chùa Quỳnh Lâm đầu tiên là sư Minh Không. Truyền thuyết kể rằng, khi đúc pho tượng khổng lồ ở chùa Quỳnh Lâm, sư Minh Không đã dùng một cái túi lớn để thu gom đồng ở Trung Quốc đem về nước đúc nên các vật kim loại lớn. Theo các tài liệu còn lại thì pho tượng Phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm thời Lý cao 6 trượng (một trượng xấp xỉ 3,3 m, tức là pho tượng cao khoảng 20 m). Các tượng đồng cổ ở Việt Nam được coi là lớn nhất hiện nay: Tượng thánh Trấn Vũ đền Quán Thánh, Hà Nội đúc năm 1667 cao 3,7 m nặng 4 tấn; tượng phật A Di Đà chùa Ngũ Xã, Hà Nội đúc năm 1949 - 1952 cao 3,95 m, nặng hơn 10 tấn; tượng A Di Đà lớn nhất còn lại ở Quảng Ninh ở chùa Nhuệ Hổ, Đông Triều cao 1,45 m, đúc thời Lê. Chỉ có điều không còn cứ liệu để ước định tượng nặng bao nhiêu. Pho tượng lớn đến nỗi người ta phải xây dựng một tòa điện cao 7 trượng (khoảng 23,5 m) để đặt tượng. Chính vì chiều cao, độ lớn của tượng và điện chứa tượng nên tục truyền rằng, đứng phía nam huyện Đông Triều, cách chùa Quỳnh Lâm ước chừng 10 dặm, vẫn còn thấy nóc điện che sát đầu pho tượng. Trong dân gian còn lưu truyền câu ca: Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông - Tháp cao chín đợt màu mây ám - Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng - Trước điện thông reo cùng trúc hóa - Trong am khánh đá với chuông đồng...
Chắc hẳn trong câu ca này hàm ý đến tòa điện đặt pho tượng khổng lồ trên. Sau đó không rõ tượng mất khi nào, có thể tượng bị mất cùng với ba thứ kim khí lớn khác khi quân Minh xâm lược nước ta. Ý kiến khác cho rằng, tượng bị mất từ khi quân Nguyên Mông sang xâm chiếm nước ta bởi vì sau đó sư Pháp Loa cho đúc một pho tượng lớn tương tự.

Pho tượng Phật lớn thứ hai của Quỳnh Lâm cũng là tượng Di Lặc được thiền sư Pháp Loa - ông tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, cho đúc. Tượng được đúc xong từ năm 1327. Năm 1328, nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, sư Pháp Loa đã tâu xin cho kéo tượng từ điện lên bảo tọa để dát vàng. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều, chủ soái của Bích Động thi xã và người chị ruột, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã cúng vào chùa 900 lượng vàng để đúc tượng. Tượng cũng bị mất vào thế kỷ 15 khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá tượng để đúc súng đạn. Truyền thuyết dân gian nói rằng, giặc mang tới 24 bễ đến định thổi đồng đúc đạn nhưng thổi không được, còn bia chùa thì ghi tượng trầm trầm tại hạ (chìm dần xuống đất).

Hai pho tượng đồng lớn thời Lý, Trần không những chứng tỏ trình độ đúc đồng đạt đến đỉnh cao mà còn nói lên những hoài bão to lớn của người Việt trong việc xây dựng những công trình lớn.

Tóm tắt: Tượng chùa Quỳnh Lâm thuộc chùa Quỳnh Lâm, xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là một trong những ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất đời Trần. Tương truyền, tượng cao đến 6 trượng (khoảng 20 m). Thời giặc Minh xâm lược nước ta (1407-1427), chùa bị phá hủy, pho tượng bị cướp mang đi. Đầu thời Lê, chùa Quỳnh Lâm được dựng lại, nhưng đến đời Thiệu Trị (1841-1847) lại bị đốt trụi.

THÁP BẢO THIÊN

Tháp Báo Thiên có tên gọi đầy đủ là Đại thắng tư thiên bảo tháp, được xây cất vào năm Đinh Dậu (1057) đời Lý Thánh Tông. Tháp cao 20 trượng (khoảng 70 m) và gồm 30 tầng (có tài liệu chép là 12 tầng), nằm trong khuôn viên chùa Sùng Khánh ở phường Báo Thiên (nay ở vào khoảng bên phải đền Lý Quốc Sư đến đầu phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) nên còn gọi là tháp Báo Thiên.

Lý do để tháp được coi là một trong tứ đại khí do có số tầng chẵn biểu thị sự cân bằng, ổn định, tĩnh tại, bền vững như triều đình nhà Lý đầy khí thế, sẽ tồn tại dài lâu. Ngọn tháp đúc bằng đồng khắc ba chữ Đao Ly Thiên tỏ ý tưởng của đấng tối cao xông lên tận trời thẳm. Đỉnh tháp có tượng người tiên bưng mâm ngọc hứng móc ngọt làm thuốc cho vua; vì thế, được Nho thần danh sĩ miêu tả là: "Trấn áp đông tây cũng đế kỳ/Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy/Sơn hà bất động kình thiên trụ/Kim cổ nan nan lập địa chùng?. Dịch: (Trấn giữ đông tây vững đế kỳ/Tháp cao sừng sững thật uy nghi/Là cột chống trời yên đất nước/Vượt mọi thời gian chẳng sợ gì".

Tuy nhiên, trận bão năm Mậu Ngọ (1258) đời Trần Thánh Tông đã làm ngọn tháp này bị đổ! Sau khi được trùng tu, tháp lại bị sét đánh sạt mất hai tầng về góc bên đông vào năm Nhâm Tuất (1322) đời Trần Minh Tông. Đến tháng sáu năm Bính Tuất (1406) đời Hồ Hán Thương (84 năm sau khi được trùng tu lần thứ hai) đỉnh tháp lại bị đổ. Thời thuộc Minh (1414-1427), quân Minh đã cho phá tháp để chế súng. Chỗ tháp bị phá sau đó được đổ đất thành gò cao để dựng đàn tràng.

CHUÔNG QUY ĐIỀN

Chuông Quy Điền được đúc trong lần sửa lại chùa Diên Hựu (chùa Một Cột, Hà Nội) vào tháng hai năm Canh Thân (1080) đời Lý Nhân Tông. Để đúc quả chuông này, vua Lý Nhân Tông đã cho sử dụng đến 12.000 cân đồng (tương đương với 7,3 tấn đồng bây giờ). Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng nó đã thành khí, không nên tiêu hủy, nhà vua bèn sai người vần ra khu ruộng sau chùa.

Vì khu ruộng này thấp trũng, có nhiều rùa đến ở, nên có tên là Quy Điền (ruộng Rùa), nhân đó gọi chuông là chuông Quy Điền. Tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), chuông Quy Điền đã bị Vương Thông (nhà Minh) cho phá hủy để chế tạo súng đạn, hỏa khí.

VẠC PHỔ MINH

Vạc Phổ Minh được đúc vào tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262) đời Trần Thánh Tông, nhân dịp Trần Thái Tông (lúc đó là Thượng hoàng) về chơi Tức Mặc (nay thuộc về tỉnh Nam Định). Tại đây, Trần Thái Tông đã ban yến cho dân làng. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên được ban tước hai tư, lão bà thì được hai tấm lụa. Nhân đấy, đổi Tức Mặc làm phủ Thiên Trường. Dựng cung Trùng Quang để các vua sau khi đã nhường ngôi về ở; lại dựng một cung riêng gọi là cung Trùng Hoa cho Tự quân (vua mới) khi đến chầu Thượng hoàng thì ngự ở đó. Đặt người chức dịch ở hai cung ấy để phòng khi sai khiến, hầu hạ và chức lưu thủ để trông coi. Phía Tây cung Trùng Quang dựng chùa Phổ Minh. Tại đây cho đúc một chiếc vạc lớn và khắc bài minh vào vạc.

Vạc sâu 4 thước, rộng 10 thước, nặng 6150 cân. Tương truyền, miệng vạc dày và rộng đến nỗi hai người có thể chạy nhảy và đi lại trên đó. Cùng với chuông Quy Điền, tháng 10 năm Bính Ngọ (1426) khi bị vây ở Đông Quan, Vương Thông đã cho phá vạc Phổ Minh để lấy đồng đúc vũ khí. Hiện nay tại chùa Phổ Minh chỉ còn lại bệ đá kê vạc khi xưa.
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (26-05-2016 07:48 AM)
21-05-2016, 02:15 PM
Bài viết: #2
RE: AN NAM TỨ ĐẠI KHÍ
Trong nền văn hóa Việt Nam, từ hàng nghìn năm nay những quả chuông lớn bằng đồng luôn được coi như biểu tượng tâm linh mà hầu hết các các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như nhà thờ, đền chùa, từ đường... đều có. Với vai trò đó, rất nhiều câu chuyện lạ lùng đã xuất hiện chung quanh những quả chuông này…

CHUÔNG BỊ THIẾN CHO KHÔNG VANG

Trong lịch sử Việt Nam có một quả chuông không to lớn, không gắn với các câu chuyện thần thoại, nhưng có một số phận rất lạ lùng. Đó là quả chuông của làng La Chữ (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Làng La Chữ vồn là một ngôi làng trung thành với triều đình Tây Sơn. Quả chuông của chùa làng được đúc vào năm Quang Trung thứ 4 (1791), do chính vợ chồng tướng Võ Văn Dũng, một vị võ tướng chủ chốt của triều Tây Sơn cùng với nhạc phụ đứng ra làm hội chủ cúng dường.

Đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, để xóa sổ những tàn tích của vương triều cũ, nhiều giá trị văn hóa của triều Tây Sơn cũng bị nhà Nguyễn trưng thu, phá hủy, đặc biệt là các loại hiện vật bằng đồng. Sự gắn bó của làng La Chữ với vương triều Tây Sơn đã khiến người dân nơi đây bảo vệ quả chuông bằng mọi giá.

Quả chuông đồng của làng La Chữ có một điểm lạ là tuy không phải lớn nhưng khi đánh lên lại có tiếng ngân vang xa kỳ lạ. Các bô lão trong làng sợ tiếng chuông vang đến tai vua triều Nguyễn và bị tịch thu bèn cho “thiến” chuông nhằm giảm bớt tiếng vang.

Đó là cách khoan trên đỉnh nhiều lỗ, rồi trám chì vào. Mỗi lần có quan binh triều Nguyễn đến lùng sục trong làng, các bô lão đã lại chuông giấu xuống giếng làng rồi dùng cây cối che khuất để ngụy trang, không cho quan binh nhìn thấy. Chính vì thế mà trải qua nhiều thăng trầm, đến nay quả chuông quý vẫn còn được lưu giữ tại chùa làng La Chữ.

CHUÔNG NẶNG TREO KHÔNG NỖI

An Nam tứ đại khí là bốn vật quý bằng đồng nổi tiếng, được đúc công phu, trọng lượng rất lớn, được những người thợ thủ công tài giỏi bậc nhất chế tác trong triều đại Lý - Trần. Một trong bốn vật quý đó là chuông Quy Điền.

Sự xuất hiện của chuông Quy Điền gắn liền với lịch sử của chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Ngôi chùa được dựng ở trung tâm kinh thành Thăng Long trong giai đoạn đầu tiên của triều Lý (khoảng năm 1049).

Năm 1108, Nguyên phi Ỷ Lan cũng cho đúc một quả chuông rất to, tương truyền là nặng đến một vạn hai nghìn cân. Chuông có tên là Giác Thế Chung, ngụ ý là tiếng chuông sẽ thức tỉnh người trên cõi đời. Với tầm vóc của mình, chuông được liệt vào một trong Tứ đại khí thời bấy giờ.

Nhưng sau khi hoàn thành thì chuông gióng lên không kêu. Cho rằng nó đã thành khí, không nên tiêu hủy, nhà vua bèn sai người vần ra khu ruộng sau chùa. Cũng có tích kể rằng sau khi đúc, quả chuông nặng tới mức không thể treo lên nên phải đem ra để ngoài ruộng. Vì khu ruộng này thấp trũng, có nhiều rùa đến ở, nên có tên là Quy Điền (ruộng rùa).

Đến thế kỷ 15, quân Minh sang xâm lăng nước ta, chiếm được thành Đông Quan (tức là Hà Nội sau này). Lê Lợi đem quân từ Lam Sơn ra bao vây thành của chúng. Vì thiếu vũ khí, đạn dược, tướng Minh là Vương Thông đã sai quân lính phá hủy chuông Quy Điền để lấy đồng đúc khí giới.

QUẢ CHUÔNG TRUYỀN THUYẾT TẠO NÊN HỒ TÂY

Một quả chuông kỳ lạ khác trong lịch sử Việt Nam gắn liền với truyền thuyết về hồ Kim Ngưu (hồ Tây ngày nay). Truyện kể rằng, vào thời Lý ở nước Việt có một người khổng lồ hết sức to lớn, sức khỏe phi thường, muôn người không địch nổi, xuất gia làm thiền sư. Đó chính là thiền sư Minh Không.

Một dịp nọ thiền sư sang phương Bắc để chữa bệnh cho con vua Tống. Khi công việc hoàn thành, vua muốn trả ơn. Nhà sư chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải. Vua Tống đồng ý cho thiền sư vào kho lấy đồng, với số lượng bao nhiêu tùy ý. Sư đã lấy tất cả đồng đen trong kho bỏ vào tay nải và thả nón làm thuyền bơi về quê hương.

Về Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành các bảo khí nhà Phật, trong đó có một quả chuông đồng cực lớn. Chuông đúc xong, đức vua sai ông đánh một hồi chuông dài để báo hiệu cho dân chúng biết.

Tiếng chuông ngân đến tận kinh đô nước Tống. Nghe tiếng chuông, con trâu bằng vàng to lớn nằm trước kho đồng bên Tàu tự dưng bừng tỉnh. Vì "đồng đen là mẹ của vàng", ngỡ là tiếng mẹ gọi nó liền vươn mình phóng thẳng xuống phương Nam tìm đến quả chuông khổng lồ.

Trâu vàng quần quanh mãi mà không tìm thấy “mẹ”, khiến cho cả một vùng đất lớn quanh quả chuông sụp xuống thành một vùng hố sâu. Quả chuông cũng đổ sụp xuống hố. Trâu vàng thấy vậy nhảy xuống và nằm bên cạnh. Chẳng bao lâu sau vùng đất bị trâu vàng dẫm sụt biến thành một hồ nước mênh mông.

Từ đó, quả chuông cứ nằm mãi dưới lòng hồ không ai vớt lên nổi và trâu vàng vẫn cứ nằm mãi bên cạnh quả chuông dưới đáy nước sâu mà không quay về phương Bắc. Do vậy, dân gian đặt tên cho hồ là hồ Kim Ngưu. Thiền sư Minh Không về sau được thợ đúc đồng vùng Ngũ Xã thờ làm tổ sư nghề đúc đồng.

CHUÔNG TỰ LĂN XUỐNG BIỂN

Chuông Vân Bản được coi là quả chuông có số phận kỳ lạ nhất trong lịch sử Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, chuông được đúc trong thời Trần (thế kỷ 13). Ban đầu chuông được treo tại chùa Vân Bản (Đồ Sơn - Hải Phòng), ngôi chùa nằm trên một mỏm núi hướng ra biển. Vị trí gần với biển cũng liên quan trực tiếp tới những âu chuyện nửa hư nửa thực lưu truyền trong dân gian về quả chuông này.

Tương truyền, sau nhiều thăng trầm lịch sử, chùa Vân Bản bị đổ nát, chuông lăn xuống biển. Ít lâu sau, dân chúng hò nhau trục vớt được quả chuông ở bến đò Họng, rồi rước về chùa Nam gần đó. Trải qua vài trăm năm sau, do một trận bão lớn, chùa bị đổ sập, chuông lại bị lăn xuống biển ở chân núi Tháp. Đến thời Lê, chùa Vân Bản được dân chúng dựng lại ở ven núi. Sau khi chùa mới dựng xong, người dân Đồ Sơn lại tìm được quả chuông, đem về treo ở chùa.

Những thế kỷ sau đó, chuông Vân Bản còn nhiều lần tuyệt tích dưới đáy biển. Dân gian đồn đại rằng những lần chuông biến mất đều trùng với thời điểm đất nước có biến loạn. Chuông đã một lần bị thất lạc từ thế kỷ 15 để tránh cuộc hủy hoại văn hóa Đại Việt trên quy mô lớn của giặc Minh. Đầu thế kỷ 19, chuông lại “lặn” xuống biển để tránh việc phá chùa Tháp của Hoàng Cao Khải... Đến khi nào "muốn" trở lại đất liến thì chuông sẽ "tự" cho con người những dấu hiệu để trục vớt…

Lần “trở về” gần đây nhất của chuông Vân Bản là vào năm 1958, khi quả chuông “tự lăn” vào lưới của một ngư dân tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Sau đó, chuông được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia (Hà Nội) cho đến ngày nay.

Điều đặc biệt là chuông bị chìm dưới biển hàng thế kỷ nhưng không hề bị nước mặn ăn mòn, làm hư hỏng. Có người lý giải rằng, chuông bền như vậy vì được đúc với một tỷ lệ vàng rất cao.
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (26-05-2016 07:48 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS