Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
LỘC...CHÙA ?
17-08-2016, 08:15 PM
Bài viết: #1
LỘC...CHÙA ?
ĐỒNG QUAN ĐIỂM VỚI TÁC GIẢ BÀI VIẾT NÊN COPY , BÀ CON TA XEM CHO VUI MUỐN MÍU.dq

Giả sử ai đó đang ngồi cạnh những bạn nước ngoài mà vô tình xem clip cảnh chúng sinh xô đẩy, chen lấn để “xin” lộc sau lễ cúng Rằm Tháng Bảy ở chùa Quán Sứ, Hà Nội thì hẳn sẽ thấy xấu hổ và rất khó giải thích.

Bởi chen lấn nên đầu bù tóc rối, quần áo xộc xệch, đồ cúng bị dập nát rơi vãi trên đất. Cùng với chuyện cướp lộc ở lễ hội Đền Gióng khi thanh niên dùng gậy phang vào đầu nhau thì hình ảnh của đám đông, gồm cả những người có tuổi khi “xin” lộc trong chùa Quán Sứ khiến tôi tự hỏi đây có phải là một nét truyền thống, hay văn hoá của người Việt không? Hai sự kiện ở hai nơi khác nhau nhưng chung một điểm là sự tranh giành.
Một số người cho rằng việc “xin” giống như cướp ấy là bình thường, đấy là tục lệ của lễ, ai lấy được nhiều thì được nhiều lộc, chẳng lẽ đi chùa mà không có lộc mang về cho con, cho cháu và mọi người không nên nhìn nhận vấn đề tiêu cực quá.

Cũng có người nói những người xông vào “xin” như cướp ấy không phải là Phật tử, chỉ là chúng sinh bên ngoài, được nhà chùa mở rộng cửa từ bi đón chào. Theo tôi, đấy cũng là một kiểu chữa thẹn yếu ớt.

Không thể thống kê, nhưng chắc chắn rằng trong số người “xin” như cướp trong lễ Vu Lan ấy, có nhiều người tụng kinh, nghe giảng Phật pháp nhiều. Những người dù không phải Phật tử, thì khi đến chùa bao giờ cũng phải biết giữ lòng thành kính, trang nghiêm.

Phật dạy không nên tham, sân, si ấy vậy mà hành động tranh giành hối hả, một tay cầm túi to, tay kia vươn ra vồ cho vào túi thì lại thể hiện một lòng tham rõ ràng. Tham gì cũng là tham. Tham tình thương yêu của con người hay tham sự từ bi, tham lộc của Phật cũng vẫn là tham.

Theo báo Đất Việt, thượng toạ Thích Thanh Tuấn, uỷ viên hội đồng trị sự trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng cho rằng thông tin về việc người dân tranh cướp đồ lễ trong lúc các nhà sư đang làm lễ Rằm Tháng Bảy tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, là không chính xác.

''Bởi vì thời điểm cuối cùng của buổi lễ bao giờ cũng là lễ tạ, và lễ tạ xong là xong. Hôm qua chính tôi là người trực tiếp chỉ đạo buổi lễ. Khi ấy, tất cả toàn bộ các thầy vẫn ở trên nhưng các thầy đã lễ tạ xong rồi mới hô lễ tạ. Sau đó, khi Phật tử nghe các thầy hô ''lễ tạ xong'' nghĩa là xong thì họ (chúng sinh) mới vào thụ lộc'' - Thượng tọa Thích Thanh Tuấn cho biết.

Lời khẳng định của thượng toạ có giảm đi chút ít tính chất hỗn loạn của việc tranh giành, nhưng bản chất của sự việc không thay đổi. Nếu sự việc này năm nào cũng diễn ra thì tại sao các thượng toạ, các sư trụ trì không hướng dẫn cho Phật tử hay chúng sinh cách xin lễ đúng mực?

Đã là lộc Phật thì một li một lai cũng là lộc. Lòng từ bi, sự may mắn của Ngài có thể được chứa trong một cái oản nho nhỏ. Các bà, các chị có thể thành kính chia cái oản thành nhiều phần, để con cháu cùng tĩnh lặng thụ lộc của Ngài. Tôi sợ rằng, khi mang về quá nhiều, mọi người cũng đâu ăn ăn được hết, mà như vậy ý nghĩa của việc thụ lộc sẽ mất hết linh thiêng.

Buồn ở chỗ là sự việc ấy không phải xảy ra ngoài đường, nơi nhốn nháo thập cẩm các loại người, mà ấy là chỗ cửa Phật, là nơi để tâm mỗi người kiếm tìm sự cao cả huyền diệu của Phật giáo. Nếu chỗ ấy không phải là đại diện cho văn hoá Việt thì chỗ nào là đại diện cho văn hoá Việt?

Hãy nhìn thẳng vào những ngõ ngách u mê của xã hội mà thừa nhận sự xấu xí đáng vứt bỏ trong chúng ta. Đừng viện cớ “văn hoá” “truyền thống” hay “tập tục” để những điều đáng xấu hổ ấy còn tồn tại mãi. Nếu không, lòng tự hào của người Việt sẽ bị bào mòn và chúng ta sẽ ngày càng nhỏ bé đi mà thôi.
Đoàn Bảo Châu

góp ý thêm: dq chứng kiến quá nhiều cảnh VỚT lộc ( liên tưởng đến một số trẻ con lấy cái mền hứng tiền rải cúng cô hồn cho nhiều) mà đúng như tác giả kg hiếm đấy là các bậc cao thâm đi chùa với đầu muối nhiều hơn tiêu lễ bái thuộc lòng lời Phật dạy đấy chứ!!! Thậm chí đồ cúng trên bàn thờ cũng tiện tay xá và vớt ngay hoa quả nào thích > LỘC MÀ . Sư thầy thì kg tiện la rầy thôi coi như Phật chứng rồi để dương binh sống hưởng vậy Big Grin
THANK YOU
17-08-2016, 08:19 PM
Bài viết: #2
RE: LỘC...CHÙA ?
Ở Nhật Bản, Thời đại Chiến quốc kéo dài từ cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17. Các lãnh chúa tranh nhau mở rộng phạm vi thống trị và liên miên chiến tranh để thôn tính nhau. Cuối cùng Tokugawa Ieyasu (1542-1616) lấy được thiên hạ, mở đầu thời đại Edo hơn 250 năm (1615-1868). Giai đoạn cuối của thời chiến quốc này là sự đối đầu gữa chính quyền Toyotomi đóng ở thành Osaka và thế lực Ieyasu ở Edo (Tokyo ngày nay).

Một trong những chiến lược, mưu kế của Ieyasu là xúi giục chính quyền Toyotomi xây dựng nhiều chùa chiền, đền đài để cho ngân quỹ bị kiệt quệ, không còn nguồn lực cho tăng cường năng lực quân sự và cải thiện an sinh cho dân chúng trong thành. Cuối cùng chính quyền này suy yếu và bị Ieyasu tiêu diệt năm 1615.

Sau khoảng 100 năm nội chiến, ba lãnh chúa nổi trội nhất vào cuối thế kỷ 16 là Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu. Ieyasu là đồng minh của Nobunaga nhưng yếu hơn nên trên thực chất là phục tùng Nobunaga, còn Hideyoshi là vũ tướng đắc lực, là cánh tay mặt của Nobunaga. Do đó, lịch sử đã chuyển động chung quanh Nobunaga và lúc đó ai cũng thấy là Nobunaga sẽ thống nhất thiên hạ, và trên thực tế đã bình định phần lớn các thế lực khác.

Nhưng bất ngờ là Nobunaga bị một vũ tướng khác của mình là Akechi Mitsuhide làm phản, bất ngờ tấn công vào chùa Honno ở Kyoto là nơi Nobunaga dừng chân trên đường đi tiếp viện cho Hideyoshi đang giao tranh với lãnh chúa Mori ở vùng Chugoku (hiện nay là Hiroshima). Trước quân số đông ngấp 10 lần của Mitsuhide và bị tấn công bất ngờ, Nobunaga phải tự tử sau cuộc chiến đấu không cân sức.

Hideyoshi nhận định đây là thời cơ để mình lấy thiên hạ nên đã giảng hòa với Mori và tức tốc chuyển quân về Kyoto để trị tội Mitsuhide. Hideyoshi sợ Ieyasu rat tay trước nên đã hành động ngay. Với chiến lược chuyển binh thần tốc, bất ngờ và với tài dụng binh đã được thử thách qua nhiều năm, Hideyoshi đã thắng Mitsuhide dễ dàng. Sau đó Hideyoshi đã bình định nhiều lãnh chúa còn lại và hoàn thành sự nghiệp thống nhất thiên hạ mà Nobunaga đã bỏ dở. Năm 1585 Hideyoshi được thiên hoàng phong làm Kanpaku, một chức vị tương đương với địa vị của chúa, thay mặt thiên hoàng chấp chính, cai trị thiên hạ.

Bây giờ Ieyasu lại phải phục tùng Hideyoshi mặc dù vẫn nuôi chí lớn và chờ thời. Năm 1598 Hideyoshi mất, lúc đó người con trai duy nhất là Hideyori mới 06 tuổi lên kế vị. Trước khi mất Hideyoshi giao cho mẹ của Hideyori và các đại thần phò tá cho đến khi ấu chúa khôn lớn, với mong muốn chính quyền Toyotomi sẽ trường cửu. Ieyasu cũng được chỉ định là một trong mấy đại thần có trách nhiệm phò tá Hideyori nhưng trong lòng đã bắt đầu nuôi ý đồ chiếm đoạt thiên hạ.

Trong lúc chờ thời, một mặt Ieyasu củng cố thế lực, tăng vây cánh, mặt khác tìm cách làm cho chính quyền Toyotomi suy yếu mà một trong những chiến lược cụ thể là xúi giục chính quyền này xây mới và tu bổ thật nhiều chùa chiền, đền đài, không phải chỉ ở Nara và Kyoto mà trên quy mô toàn quốc. Trong các công trình này nổi tiếng nhất là việc xây dựng lại chùa Hokoji (Phương Quảng Tự) ở Kyoto, một công trình đồ sộ kéo dài từ năm 1602 đến 1613 mới hoàn thành.
Ieyasu biết là Hideyoshi đã để lại một tài sản kếch xù dưới dạng vàng bạc nên phải làm sao xúi giục chính quyền Toyotomi tiêu xài phung phí để làm cạn kiệt nguồn lực đó. Ieyasu cũng biết rằng khi những người chung quanh Hideyori bận tâm vào những việc xây cất nầy họ sẽ lơ là những việc quan trọng liên quan sự nghiệp củng cố sức mạnh của chính quyền. Về phía chính quyền Toyotomi, sau khi Hideyoshi mất, uy danh của dòng họ có suy giảm, và họ cho rằng việc kiến tạo, xây dựng đền đài, chùa chiền là một biện pháp để tiếp tục phô trương sức mạnh và sự tồn tại của mình. Do đó họ làm theo lời khuyên của Ieyasu mà không có chút nghi ngờ.

Bước qua thập niên 1610, Hideyori đã xấp xỉ 20 tuổi và dần dần tự mình có thể trực tiếp chấp chính. Không thể để tình trạng đó kéo dài, và thấy chính quyền Toyotomi đã suy yếu, Ieyasu quyết định tiêu diệt nên tìm cớ để cất binh đánh thành Osaka. Trận chiến mùa đông năm 1614 và trận chiến mùa hạ năm 1615 đã kết liễu chính quyền của dòng họ Toyotomi. Hai mẹ con Hideyori phải tự tử trước ngọn lửa do quân của Ieyasu bắn vào thành Osaka.

Xây dựng tượng đài, chùa chiền, cung điện làm cạn kiệt nguồn lực đáng lẽ phải dành cho củng cố lực lượng phòng vệ, khoan thư sức dân và đầu tư cho nguồn nhân lực. Toyotomi đầu thế kỷ 17 ở Nhật chỉ là một trong nhiều bài học mà lịch sử thế giới đã cho thấy.
Trần Văn Thọ (Tokyo)
THANK YOU
17-08-2016, 08:22 PM
Bài viết: #3
RE: LỘC...CHÙA ?
Những năm gần đây, các cuộc hành hương về lễ hội tín ngưỡng là vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Những nguy cơ tai nạn, thảm họa đám đông luôn thường trực mỗi độ Xuân về.

Ở đây, chỉ xem xét cách thức hành hương cùng niềm tin tín ngưỡng trong các lễ hội đó đã thấy trình độ tín ngưỡng người Việt thời nay như thế nào. Ví như vụ Khai ấn đền Trần Nam Định, vốn là một sinh hoạt xưa của những thanh đồng phủ thủy. Đầu Xuân, họ thường đến xin lá ấn ở đền thờ Đức Thánh Trần, những mong thánh phù hộ cho công việc bắt ma trừ tà của giới nghề. Cần thấy rằng, chiếc ấn gỗ đó cũng là hàng mới thửa, không có ý nghĩa như một bảo vật lịch sử.

Thế nhưng dần dà về sau, theo đường thì thầm rỉ tai lan truyền, chuyện "thiêng hóa" chiếc ấn với sức mạnh "phù danh", "ban tài phát lộc" đã nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Đến nỗi nhiều quan chức Nhà nước năm nào cũng đua nhau đánh xe công kéo về đền Trần xin ấn. Gần đây, một vị cựu quan chức cấp cao của bộ VHTT&DL cũng từng công khai thú nhận với báo chí rằng trong 10 năm đương chức, ông ta đều lấy ấn đền Trần, do người thân tặng hoặc tự tay xin ấn. Vị này cũng tiết lộ thêm rằng không chỉ ông ta mà nhiều quan chức khác cũng đi xin ấn như mình.

Nhiều năm nay ở Hà Nội, có ngôi chùa đã công khai đọc vào loa phát thanh tên các vị lãnh đạo cấp cao đăng ký dâng sao giải hạn mà không còn e ngại. Và giờ đây, nếu có nghe chuyện vị lãnh đạo nọ kia chăm đi lễ bái, cầu cúng... hay thậm chí có làm lễ trình đồng mở phủ hầu bóng thì cũng không lấy gì làm lạ.

Thời mở cửa tự do tín ngưỡng, sao bắt bẻ được người ta?! Thế nhưng vấn đề ở đây là câu chuyện "quan trí" đầu têu cho "dân trí". Dễ thấy người dân sẽ hồn nhiên suy đoán, rằng các quan nhờ chăm lễ bái, cúng tế nhiều tiền, đốt nhiều vàng mã nên mới có chức tước, danh vị, bổng lộc, mình làm theo không được nhiều thì cũng được ít lộc vãi vương, cũng tốt!

Bởi thế, mới nảy sinh hiện tượng đồn đại rằng cứ đền chùa nào có nhiều quan to đến lễ bái là dân a dua hành hương ăn theo, khiến cho vấn nạn thảm họa đám đông ngày càng trở nên khó kiểm soát. Chưa biết rồi đây hướng xử lý ra sao, nhưng qua sự kiện đó, sẽ thấy được tầm "quan trí" đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới "dân trí" trong tín ngưỡng như thế nào.

Thời nay, cứ mỗi mùa lễ hội, nguy cơ thảm họa đám đông với đủ mọi điều bất cập về an ninh trật tự ở các cơ sở hành lễ tín ngưỡng luôn được phản ánh nhan nhản trên khắp các mặt báo.

"Trần sao âm vậy"

Trong sự sống dậy của các tín ngưỡng cổ xưa, vụ việc lùm xùm xoay quanh chuyện "cụ rùa" Hồ Gươm cũng là một biểu hiện sống động về sự hồi sinh của quan niệm vạn vật hữu linh thời nguyên thủy.

Trên thực tế, "cụ rùa" vốn chỉ là một giống ba ba khổng lồ ăn thịt, dân gian gọi là con giải. Thế nhưng với niềm tin tâm linh đồn đại, con vật đã dần dà được thiêng hóa thành con "rùa vàng" truyền thuyết gắn với tích trả gươm thần của Lê Lợi từ thế kỷ 15. Bất chấp sự phi lý lịch sử như thế nào, bất chấp những bằng chứng khoa học rằng đó không phải là rùa và không chỉ có 1 con duy nhất, những người có tín ngưỡng vẫn khăng khăng bảo lưu ý kiến của mình, tạo nên những cuộc tranh cãi nảy lửa trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Điển hình như vị GS nọ đã phản ứng gay gắt với phóng viên khi dám gọi đó là... "con rùa". Với ông, phải gọi là "cụ rùa" thì mới chịu trả lời phỏng vấn!

Thậm chí có những người cuồng tín còn khóc rưng rức, hay nhảy xuống hồ rắp tâm hầu hạ "cụ rùa"... Rồi khi lực lượng chuyên trách tổ chức vây bắt để chữa bệnh cho con giải, người ta còn mời cả thầy cúng xem giờ, xuống thuyền sắm sanh lễ bái trước khi tiến hành như thể con giải đó là rùa thần thứ thiệt... Thôi thì đủ mọi chuyện dở khóc dở cười với cái ý thức tâm linh hồn nhiên, vốn xưa cũ từ thời nguyên thủy.

Có gia đình, với niềm tin kiểu "thần cây đa, ma cây gạo", sức khỏe và sinh mạng của những người thân được gán cho một cái cây mọc trong vườn nhà. Họ tin rằng hễ cây ấy héo là người thân lâm bệnh, còn nếu không săn sóc tốt nhỡ để cây chết khô thì người nhà họ cũng toi mạng.

Thời nay, chuyện đám đông thắp hương khấn khứa một cái cây góc phố, một hòn đá ven đường vẫn tồn tại đây đó. Sẽ không thấy lạ cái chuyện người người chen nhau lễ bái xì xụp, nhưng hỏi địa điểm đó thờ gì, sự tích ra sao, phần lớn không ai hiểu. Cứ thấy bảo thiêng lắm thì đi lễ thôi, còn những chi tiết cụ thể không thành vấn đề và cũng chẳng cần minh xác. Thế mới biết tâm lý "bán tín bán nghi" trong truyền thống tâm linh người Việt có sức mạnh như thế nào, thôi thì "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", cho chắc ăn!

Có lẽ vì thế, hành vi trục lợi bất chấp sự vi phạm giáo lý Phật pháp như việc đốt vàng mã, hình nhân, rải tiền bừa bãi, nhét tiền vào tượng Phật... nơi cửa thiền là điều không có gì lạ. Sự vụ lợi của con người thường là vậy, họ sẵn sàng coi Phật thánh... không khác gì những quan tham trần thế kiểu "trần sao âm vậy", cứ đắm đuối tin rằng càng cúng nhiều, thánh thần sẽ càng ban nhiều tài lộc...

Niềm tin của người Việt "hồn nhiên" lắm, từ ngàn xưa đã vậy!
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS