Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
SUY..NGẪM
02-09-2016, 05:17 PM
Bài viết: #1
SUY..NGẪM
Độc qua thấy ngộ quá và bí lối nên mời ai mà thích thấy bí thì mời xem:

Ít nhiều biến dạng” là từ mà tờ báo đầu tiên đưa tin về chuyện lạ này dùng để miêu tả một số ngôi chùa sau khi được một đại gia phát tâm tu sửa. Biến dạng cả ở tên chùa: những ngôi chùa có hàng trăm năm lịch sử, bỗng dưng được gọi là chùa ông này ông nọ.

Nào là tên ghi ngay trên cổng chính của chùa, tranh, ảnh của đại gia và gia đình treo ngay trong chánh điện, rồi tượng cha mẹ đại gia đặt ngang hàng… tượng thần.

Sự hiện diện dày đặc, đủ để không ai dám mảy may nghi ngờ công đức lớn lao, những khoản tiền ngất ngưởng mà đại gia chi ra cho công cuộc trùng tu hay thậm chí là xây dựng, như xác nhận của các chùa trên bảng ghi công.

Sau những mốt như chơi siêu xe, sở hữu biệt thự khủng…, có lẽ đã đến thời đại gia “chơi” chùa chăng? Có gì là không thể, một khi tiền lệ đã mở ra.

Biết đâu, rồi đây du khách nước ngoài thăm chùa VN, nhìn những tranh ảnh kiểu đó, lại chẳng trầm trồ, thán phục vì chúng ta có khả năng sáng tạo thêm nhiều “thần thánh” lạ.

Nhưng có vẻ bản thân người Việt Nam, không ai vui mừng được với chuyện lạ này. Một vị Thượng tọa thuộc hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã đánh giá đây là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử Phật giáo (chứ không chỉ riêng Việt Nam).

Ông cũng cho biết, đến các vị vua ngày xưa khi cho xây dựng chùa cũng không có ghi tên, treo ảnh, chỉ thể hiện trên tên chùa bằng một chữ “sắc tứ”…

Nhìn ra một số nước láng giềng Phật giáo thịnh hành như Lào, Campuchia…, có thể thấy vua chúa, hoàng thất nhiều đời cũng đều góp công dựng chùa. Nhưng, chẳng hạn như tại chùa Vàng chùa Bạc nổi tiếng của Campuchia, tượng vua Norodom (1834-1904) cũng chỉ được đặt ngoài khuôn viên chùa, dù góp công không nhỏ cho chùa.

Vài nét so sánh qua đủ thấy uy lực của đẳng cấp đại gia của ta lớn đến cỡ nào. Uy lực đến nỗi khiến chúng ta bất giác liên tưởng đến câu nói quen thuộc “có tiền mua tiên cũng được” (hay phiên bản hiện đại hơn là cái gì không mua được bằng tiền, thì có thể mua bằng… nhiều tiền).

Nhân chuyện lạ gây xôn xao này, nhiều người đặt lại vấn đề về của cho và cách cho, và nhất là cách làm công đức.

Chẳng cần học nhiều biết rộng, hẳn các phật tử cũng đều phải thuộc nằm lòng tôn chỉ của Phật giáo là làm việc công đức, từ thiện “tối cần là sự lặng lẽ”. Mọi sự khoa trương, ầm ĩ chỉ khiến tổn thất công đức.

Đó là xu hướng trần tục hóa, vật chất hóa những không gian, giá trị thiêng. Nhiều người không chỉ còn quan niệm “trần sao âm vậy” mà còn đẩy lên thành trần sao… thì thần Phật vậy.

Những lộn xộn bát nháo chốn cửa chùa, hay tại các lễ hội hiện nay là minh chứng rõ nét. Người ta hăm hở đi lễ chùa, hăm hở công đức, hăm hở nhét tiền vào tay Phật nhưng lại chẳng có lúc nào lắng tâm để nhận thức gốc của đạo.

Chúng ta ngày càng mê tín, sẵn sàng quỳ lạy cả những rắn, những cá… mà ta cho là sự lạ, là con vật thần giáng xuống. Mê tín tăng, nhưng đức tin lại có xu hướng kiệt quệ.

Đến chốn linh thiêng, không còn mấy người giản đơn cầu bình an. Chúng ta lao vào tranh giành, cướp đoạt nào ấn, nào lộc với hi vọng được phù hộ để thăng quan tiến chức, tiền của đầy nhà. Bên trong trống rỗng, bất an, chúng ta cuống cuồng tìm cách bám víu vào những vật ngoại thân, những giá trị hư hão.

Trong cả một biển nhân thế với cái tâm đầy náo loạn ấy, lấy đâu ra khoảng tĩnh lặng để Phật, thánh ngự được vào. Chẳng thế mà, dù người đi lễ chùa ngày một đông, của dâng thức cúng cũng cầu kỳ, linh đình hơn hẳn, song cảm giác về thời kỳ mạt Pháp lại hiện hữu đâu đó.

Bên cạnh đó, có cảm giác, quyền lực và tiền bạc cũng đang dần chiếm cứ các không gian tâm linh. Lễ hội thì bị cảnh báo là “quan hóa” khi dành mọi nghi thức trang trọng nhất cho các quan chức. Cảnh xe công tấp nập đi chùa, đi dự hội và ngự ở các vị trí VIP chẳng còn hiếm.

Còn giới đại gia không ngừng sắp xếp trước cho mình chốn an nghỉ hoàng tráng, nguy nga không kém gì nơi ở lúc đang sống. Họ cũng không tiếc tiền đổ vào xây chùa, dựng tượng nhằm cầu nhiều tiền, lắm biệt thự, siêu xe hơn không chỉ cho kiếp này mà còn cho cả kiếp sau.

Đáng buồn hơn cả là, trong bối cảnh hiện nay, nhà chùa vốn được trông đợi làm rường cột để nắn chỉnh nhân tâm, thì có lúc lại đang góp phần “thỏa hiệp” với những bát nháo.

Như trong trường hợp “chùa đại gia”, nếu nhà chùa một mực nghiêm cẩn giữ quy tắc, thì sao có chuyện phật tử được chễm chệ đến vậy. Đằng này, theo chính vị đại gia kia khẳng định và nhiều người dễ dàng suy đoán, việc làm của ông phải được sự “thống nhất cao” của nhà chùa.

Trong thời buổi việc xây dựng, trùng tu chùa chiền được xã hội hóa rộng khắp, nhà chùa lại càng khó làm mất lòng “nhà đầu tư” của mình.

Công đức ít tiền thì ghi nhận khiêm tốn, công đức lớn tiền thì ghi nhận cần hoành tráng tương xứng, điều này dường như đã thành “lệ ngầm” ở chốn cửa chùa.

Mà xét cho cùng, trong chuyện này chẳng ai bất lợi. Người cung tiến thì được dịp nở mày nở mặt với thiên hạ. Còn nhà chùa “lại được dịp xác lập những kỷ lục cung tiến mới để tiếp tục thử thách “lòng thành” và mức độ hảo tâm của những kẻ khác” như một bài báo bình luận.

Một số ý kiến chỉ ra, bản thân các chùa cũng đang có khuynh hướng đua nhau xây chùa thật sang trọng, quy mô bằng tiền quyên góp của Phật tử giàu có.

Các nhà sư không còn hoàn toàn gắn liền với hình ảnh áo nâu sồng, đời sống đơn sơ, khó nghèo mà nhiều vị cũng đã sắm xe này, điện thoại nọ tùy theo khả năng thu hút công đức từ phật tử.

Chùa ngày thêm đông, thêm đồ sộ mà nhân tâm lại thêm rỗng và bóng Phật thêm vắng là cảm nhận về thời bây giờ vậy!
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (06-09-2016 10:48 AM)
02-09-2016, 05:18 PM
Bài viết: #2
RE: SUY..NGẪM
Một ngày, có đám khách xa lỡ tàu ngẫu nhiên lạc bước đến thảo am lão thiền sư, một người đã lâu quên mất chuyện thù tạc với đời. Thấy ông có vẻ kiệm lời nhưng không đến nỗi người trệ khẩu, đám khách giết thời gian bằng mấy câu vấn đạo.
Khi được hỏi vì sao hiền thánh xưa giờ có vẻ không tha thiết chuyện sử dụng thần thông phép mầu như nương mây cưỡi gió về hưởng nhàn ở những chốn bồng lai tiên cảnh trên núi tuyết hay biển xa, mà cứ một đời ẩn cư những thâm xứ quạnh hiu xa vắng, lão thiền sư nheo mắt nhìn người hỏi:

- Chính thiên nhãn và huệ nhãn đã khiến thánh nhân như vậy đấy. Ngồi yên mà thấy hết mọi sự, và biết có đến tận nơi thì cũng không thấy thêm được cái gì ngoài những bóng nắng ảo hóa, thế bao nhiêu phép màu gì đó có còn là chuyện hứng thú nữa không ?

Một cư sĩ tóc trắng vẻ người tân học nói mấy câu tỏ ý nghi ngờ chuyện thánh nhân không thích gì. Ông nói sống ở đời không thích ghét gì hết thì như cây không có nhựa sống. Lão thiền sư cứ có dịp thì lại cười hề hề:

- Ngay đến kẻ phàm phu chỉ cần biết vài chuyện ruồi bu cũng đủ khiến người ta hết thích này nọ, cần gì phải thánh mà ông tin với không tin.

Chẳng hạn biết chắc lúc nào mình sẽ chết, những chuyện buồn vui gì sẽ xảy đến ngày sau, hay thiên hạ đang nghĩ gì về mình...Người biết được chừng đó thôi thì có cho làm ngọc hoàng cũng không vui nổi, nói gì là thích. Ông nói rất đúng, thánh nhân giống hệt cội cây không còn nhựa sống, phải vậy các ngài mới có thể viên tịch Niết bàn.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là thánh nhân sống hắt hiu cằn cỗi như một kẻ muốn tự tử. Không còn ham thích gì nhưng các ngài cũng chẳng bất mãn thứ chi. Mọi sự tùy duyên, không hy cầu cũng không trốn chạy, thánh nhân sống bằng niềm thanh thản của một người làm xong việc nằm chờ giấc ngủ đến. Đơn giản vậy thôi.

Một người khách nãy giờ ngồi im lặng một góc bỗng hắng giọng hỏi một câu thiệt khó nghe:

- Tui bây giờ vẫn còn tin Phật, nhưng chỉ muốn quy y Nhị Bảo, không kể Tăng Bảo được không ? Tăng ni thời nầy bó tay luôn !
Lão thiền sư cười to như không thể dằn lại:

- Có cưới đâu mà đòi ly dị. Tăng bảo trong Tam bảo chính là Pháp bảo được thể hiện qua con người. Người không có Pháp bảo thì sao gọi là Tăng Bảo. Đối tượng mà ông bất mãn vốn không có trong Tam Bảo.

Một người khách ngồi cạnh nghe vậy hỏi thêm:

- Xin hỏi nếu không nhìn mặt những tăng ni đó thì ai sẽ dạy đạo cho chúng con ?

Lão thiền sư khoát tay :

- Nếu họ bê bối mà có cái để dạy ông thì chỉ nên nghe họ mà đừng nhìn họ. Nếu họ trong sạch mà dốt nát thì ta nên nhìn họ mà không cần nghe. Nếu tăng ni không có gì để ta nghe hay nhìn thì ông mất thời gian làm gì với thứ lỡ thầy lỡ thợ đó. Vã chăng, Phật Pháp là di sản của Phật để lại cho người cầu đạo, không dành riêng cho tăng ni nào hết. Mình bại liệt hay sao mà đến gia tài của bố để lại cũng phải nhờ người khác làm trung gian ban bố.

Cái mà tăng ni thời này có hơn cư sĩ chỉ là thời gian rỗi rảnh, họ có điều kiện tham cứu hơn. Nếu cư sĩ biết dành thời gian tự học nhiều hơn thì tăng ni chỉ là địa chỉ tham khảo !

Câu chuyện mỗi lúc một sâu và xa hơn, một cậu cư sĩ trẻ tuổi nhìn thiền sư rồi hỏi :

- Xin hỏi người đi chùa ngày một đông và chùa chiền ngày một tráng lệ sao có người lại bảo thời này là đời mạt pháp ?

Lão thiền sư bật cười:

- Tinh thần chánh pháp không thể tính trên số người đi chùa hay số đo chiều cao, chiều rộng của chùa tháp. Hãy chọn bừa một vài người trong biển người đi chùa rồi hỏi họ lý do đến chùa, hay hỏi tăng ni tiết mục nào quan trọng nhất trong các buổi lễ đông đảo, lúc đó ông sẽ thấy chánh pháp chỉ là một khái niệm xa xỉ và viễn tưởng.

Thử hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm cho sự tình này ? Câu trả lời có lẽ phải là cả hai phía tăng ni và cư sĩ. Nói rốt ráo thì tăng hay tục đều là khách trầm luân như nhau, cư sĩ có lòng cầu giải thoát thì không thể tự cho mình cái quyền dễ ngươi trong cái gọi là đạo nghiệp tu hành. Mai kia trên giường chết mọi người đều phải một bóng lên đường vào cuộc đi mù mịt của kiếp tử sinh. Nhưng hiếm người cư sĩ thấy ra lẽ này.
Bởi từ lâu ngày họ đã được hướng dẫn kín đáo rằng cứ có nhiều tiền thì có thể nhờ người khác hộ niệm, khỏi phải tu học gì hết. Trường hợp thứ ba còn thảm hơn: Cúng dường mạnh tay để quảng cáo bản thân, tính ra rẻ tiền mà hiệu quả hơn việc lên báo, lên đài. Đại khái đời mạt pháp là thời điểm mà hầu hết tăng ni và cư sĩ đều thích mở nhà hàng nhưng thức ăn toàn là đồ hộp, chỉ việc khui ra hâm nóng rồi đặt lên bàn cho khách. Đó không là mạt pháp thì còn chờ lúc nào nữa.

Khách lại hỏi thêm:

-Dám hỏi thiền sư một vài dấu hiệu đặc trưng của đời mạt pháp để chúng con biết mà thêm tinh tấn ?

Thiền sư nhắm mắt một lát rồi nhìn xuống trả lời:

- Đại khái tăng ni không muốn giỏi nhưng thích được khen giỏi, khoái sống như phàm nhưng lại muốn được xem là thánh, coi chùa quan trọng hơn Phật. Về phía cư sĩ, hiếm người đến với tăng ni để học đạo giải thoát. Thường người đến chùa chỉ nằm trong vài ba trường hợp: Do hoàn cảnh mà quen biết tăng ni rồi lui tới như bè bạn, lâu ngày tự nhiên có được nhãn hiệu Phật tử, hoặc xem tăng ni như trung gian giúp họ liên lạc với một cõi trên nào đó để van xin khấn khứa.

Những hướng dẫn sơ sài thiếu trách nhiệm của tăng ni không đáng cho cư sĩ cúc cung tận tụy để hồi đáp. Một người bệnh không có lý do gì phải một đời thờ phụng lang băm. Cái họ cần phải là thuốc hay, thầy giỏi. Một quan hệ thầy trò dựa trên niềm tin mù quáng kiểu đó dễ khiến đệ tử thành ra nô lệ hơn là học trò của thầy, một kiểu nô lệ chung thân không có tiền công và cái họ nhận được chỉ là một xấp vàng mã !

Có câu chuyện đáng buồn này ta đọc được ở đâu đó lâu lắm rồi, mà mỗi lần nhớ lại cứ nghe ngậm ngùi mà ray rức khôn nguôi. Có đôi vợ chồng nhà kia nghèo khổ cơ cực lắm, còng lưng làm lụng mà vẫn không đủ ăn, đã vậy mỗi ngày còn phải dành ra ít tiền xương máu để trả dần một món nợ lớn mà họ đã vay từ nhiều năm trước.

Nhắm sống ở quê nhà không xong, họ dắt díu nhau biệt xứ đi làm thuê ở một chốn xa. Ngày trả xong món nợ kia cũng là lúc họ đã bạc tóc, thân tàn ma dại, người quen ngày nào gặp lại đố mà nhận ra họ là ai. Vậy mà trời xuôi đất khiến, một ngày kia, giữa chốn xứ lạ quê người, hai vợ chồng nghèo kia gặp lại đúng người chủ nợ năm nào. Đó là một người bạn cũ giàu có và tốt bụng.

Người bạn nhà giàu sững sờ nhìn cặp vợ chồng nghèo trong bộ dạng tả tơi ốm đói:

- Sao lại ra nông nỗi nầy chứ, hai người đi đâu mười mấy năm nay, rồi giờ
sống ra sao mà ngó thảm quá thế này ?

Hai vợ chồng nghèo nhìn nhau rồi lại nhìn cô bạn giàu có, họ ngập ngừng ngượng nghịu một đổi rồi cô vợ nhìn vào mắt người đối diện:

- Bồ có nhớ chuyện mười mấy năm trước đã cho tui mượn sợi chuỗi ngọc để đi dự tiệc không ?

Cô bạn gật đầu:

- Nhớ chứ, vì hình như sau đó không lâu thì bạn bè kháo nhau là hai người đã mất tích, không ai liên lạc được.

Người thiếu phụ nghèo khổ khó khăn lắm mới có thể nói tiếp:

- Sau đêm đó tụi này làm mất chuỗi ngọc, đến tận giờ cũng không biết nó đã rơi mất ở đâu hay bị ai lấy trộm, nói ra sợ bồ không tin rồi nghĩ quấy.

Cô bạn nhà giàu nóng ruột:

- Rồi sao nữa hả ?

Anh chồng của người thiếu phụ nói thay vợ:

- Tụi tôi cầm cố hết nhà cửa , bán luôn miếng đất hương hỏa rồi mượn thêm chỗ này chỗ kia để có tiền tìm mua một xâu chuỗi ngọc giống hệt của bà để đền lại. Rồi từ đó bỏ xứ đi luôn. Mãi đến gần đây mới trả xong món tiền nợ năm đó. Giờ ra đường thấy ai đeo chuỗi ngọc giống vậy cũng sợ điếng hồn không dám nhìn nữa.

Cô bạn giàu có nghe đến đó thì đưa hai tay ôm đầu kêu trời:

- Úy trời đất, xâu chuỗi tôi cho hai người mượn năm đó là đồ giả, đeo cho vui vậy thôi. Từ lúc mấy người đem trả lại đến nay tôi có bao giờ đụng đến nó nữa đâu. Trời ơi là trời, vậy là tiêu mất một đời của ông bà chỉ vì cái món đồ quỷ đó.

Cả ba người đều khóc, và cả ta nữa, lần đầu đọc được câu chuyện đó cũng nghe xót xa không chịu nổi.

Nhưng câu chuyện đó không phải hư cấu đâu, nó có thật và xảy ra từng ngày trên hành tinh này khi từng bữa trong thiên hạ vẫn có biết bao người phải trả một cái giá thiệt đắt cho những thứ hàng hoá không đáng để họ chạm tay. Đó là những sản phẩm chính trị, tôn giáo, xã hội...được tạo ra từ những động lực như gian trá, ích kỷ, dốt nát, vô cảm, tắc trách mà cái nào cũng độc hết, cái nào cũng để lại những tác hại là hút cạn sinh lực hay khiến người ta hoang phí kiếp nhân sinh một cách oan uổng tức tưởi.

Lão thiền sư đột nhiên trỏ tay lên chiếc đồng hồ trên vách:

- Bốn lăm rồi, hồi nãy ai nói có chuyến tàu lúc 15, rửa mặt uống nước rồi tà tà đi là vừa. Đi mà trả cho xong mấy món nợ đời !

Ông cười hiền khô, rồi đứng dậy vói lấy tay nải, nói mà không nhìn ai trong đám khách:

- Ta có việc phải vào làng, am gần ga, biết đâu lại có dịp mấy người lỡ chuyến tàu mà ghé đây gặp lại.
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (06-09-2016 10:48 AM)
02-09-2016, 08:25 PM
Bài viết: #3
RE: SUY..NGẪM
Phật giáo Đại thừa có lịch sử phát triển mấy ngàn năm đã không còn chấp nhặt những sinh hoạt từ thời Đức Phật còn sống, mà luôn đồng hành với chúng sanh qua từng thời đại, từng địa phương. Chẳng hạn, ngày xưa Đức Phật đầu trần chân đất đi hóa độ chúng sanh, thì sau này các nhà sư đã có thể đi xe, đi máy bay, mang dép, mang giày…đi giảng dạy, cúng kiếng, cũng không ai bắt bẻ gì. Xưa Đức Phật đi từ vương quốc này đến vương quốc kia của Ấn Độ mất mấy tháng trời, giờ không lẽ chư tăng phải y theo đó mà đi, cho nên có thể sử dụng máy bay, xe ô tô để vượt qua những quốc lộ nóng bỏng đường nhựa, những sa mạc, những đồi núi, sông ngòi…trong vài tiếng đồng hồ, hoặc nửa ngày, âu cũng là hợp lý.
Thật ra, cốt lõi ở đây không phải là được sử dụng hay không được sử dụng những sản phẩm công nghệ hoặc của cải vật chất, mà là sử dụng nó như thế nào cho phù hợp.
Tương tự, các tiện nghi khác trong đời sống cũng cần được sử dụng như là phương tiện giúp công việc hóa độ chúng sinh dễ dàng hơn. Những micro, những đĩa CD, MP3, video đã giúp bài giảng đi xa hơn, rõ hơn, thuận tiện cho những người bận rộn không thể trực tiếp đến chùa nghe giảng. Hoặc một Phật tử, một ngôi chùa muốn thỉnh thầy đi cúng, đi dạy, không lẽ phải đích thân chạy tới nơi, mất thời gian, mà chỉ cần gọi điện thoại. Thầy cũng cần laptop, cần gửi mail, cần biết Photoshop, Powerpoint, Indesign… để thiết kế bài giảng phong phú, đẹp mắt, thì người ta mới thích học, đặc biệt là lớp trẻ. Thậm chí, thầy có smartphone cũng được, để có thể lên mạng đọc tin tức, thời sự, cập nhật đời sống chúng sanh mà giảng dạy cho phù hợp.
Cuộc sống thay đổi từng ngày, tâm tính con người biến động thường xuyên, người nào không nắm bắt được thì khó lòng hóa độ kẻ khác. Hóa độ là khuyên giải, an ủi, động viên người ta thoát khỏi tâm lý tiêu cực, hành động sai trái mà quay về với sự tử tế, bình an. Đơn giản vậy thôi, nhưng là một nhiệm vụ khó khăn và cao cả mà những nhà sư phải thực hiện trong đời tu hành của mình. Cho nên, nếu có những phương tiện của công nghệ hỗ trợ thì càng tốt chứ giới luật không hề ngăn cấm.

Nhưng, nói như thế không có nghĩa nhà sư có thể sử dụng tùy thích những phương tiện này. Nếu không làm chủ được mình trước những cám dỗ vật chất thì đương nhiên đã phạm giới. Tham, sân, si dẫn dắt người ta trong khổ đau, thì mê của cải là phạm vào chữ "tham" quá rõ.

Nhà sư có thể dùng smartphone nhưng có thể chọn mua loại tầm tầm bậc trung thôi, chẳng hạn 3-5 triệu đồng đã tốt lắm rồi, cứ gì phải là iPhone 20 triệu? Một chiếc xe gắn máy tầm tầm đủ an toàn để thầy chạy đi giảng trong vòng 150 km giá chừng 20 triệu là được, cứ gì phải Air Blade hơn 40 triệu? Một vị giảng sư giỏi thường được các tỉnh mời đi liên tục, nếu đi xe khách thì rất khó, nhất là thầy phải đi cả buổi tối mới kịp các buổi dạy, thế thì một chiếc xe hơi cũ Phật tử bán lại với giá rẻ để thầy chạy đi an toàn trong vòng 300-400 km cũng có thể chấp nhận hơn một chiếc xe gần tỉ bạc.

Nếu xem những vật chất đó chỉ là “phương tiện” phục vụ cho mục tiêu chính là giúp đỡ chúng sanh về với nẻo thiện, thì không nhà sư nào lại chạy theo mẫu mã, mốt miếc, khoe hàng này nọ. Một khi tâm tham đã khởi lên thì không cách gì giấu được mọi người chung quanh. Ngược lại, mọi người chung quanh cũng không nên có tâm lý cực đoan là người tu hành không được quyền đụng tới vật chất.

Còn vấn đề tiền đâu để nhà sư mua những sản phẩm đó một khi không có “lao động” rõ ràng như người đời? Thiết nghĩ, “lao động” của nhà sư chính là đi giảng dạy, cúng kiếng, đều là những tác động tích cực đến phần tâm hồn của Phật tử, đem lại sự bình an, sự vui vẻ, phấn khởi cho người ta sống tốt hơn, làm lợi ích cho cuộc đời nhiều hơn. Thậm chí, nhà sư chỉ cần tụng kinh, ngồi thiền, giữ phong thái nhẹ nhàng thanh tịnh, giữ lời nói hòa ái dịu dàng, mỗi khi Phật tử vào chùa đã thấy nhẹ lòng, giảm bớt áp lực cuộc sống. Giống như ở nhà chúng ta có một bà ngoại, bà chẳng làm ra tiền hay trồng cấy gì được, nhưng chỉ cần thấy bà ngồi nhai trầu bỏm bẻm, nở nụ cười hiền lành, ru một câu ca dao…là lòng ta đã vơi biết bao gánh nặng.

Cuộc sống đôi khi cần những điểm tựa tâm hồn như thế, chứ không phải cái gì cũng quy ra của cải thì mới thấy có ích, còn cái gì không thấy sản phẩm cụ thể thì bảo là vô ích. Và những điểm tựa tâm hồn, tâm linh ấy được quần chúng nuôi dưỡng mà không hề có sự so đo. Phật tử cúng dường cho thầy, cho chùa, để thầy giữ cho ngôi chùa tồn tại, để khi họ tìm về, tựa vào, nghe nhẹ lòng, an tịnh, thế là quá đủ.
Tuy nhiên, khi phung phí tiền bạc của Phật tử cúng dường, thì tội rất nặng. Luật đời có thể thoát qua, nhưng luật nhân quả không bao giờ sai chạy!
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (06-09-2016 10:48 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS