Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
QUAN THẾ ÂM Bồ Tát qua Thơ ca
26-03-2017, 08:48 PM
Bài viết: #1
QUAN THẾ ÂM Bồ Tát qua Thơ ca
Bồ Tát Quan Âm
Qua Thơ Ca Việt Nam
Đào Nguyên
--- o0o ---
Từ bi là một trong những đặc điểm tiêu biểu của đạo Phật. Trong sự gắn bó với đời sống của dân tộc Việt Nam cũng như với thi ca, một phần tính chất từ bi của đạo Phật đã được hình tượng hóa với hình ảnh Đức Phật Quan Âm, cụ thể hơn là Phật Bà Quan Âm.
Đức Bồ Tát Quan Thế Âm đã được nói đến trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phổ Môn, đó là một nam nhân; trong khi hình ảnh được thờ phụng nơi chùa chiền Việt Nam, được truyền tụng trong dân gian và thể hiện qua thi ca, lại là một Phật Bà.

Về điểm này, Nguyễn Lang viết:
Bồ Tát Quan Thế Âm được mô tả trong phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa là một nam nhân. Sang Tây Tạng, Trung Hoa và Việt Nam, Quan Thế Âm biến thành nữ nhân thân, trong lúc đó Phật tử các nước này vẫn tụng đọc kinh Pháp Hoa mà không thấy có sự mâu thuẫn. Lý do là kinh Pháp Hoa có nói: "Nếu cần hiện ra thân gì mà cứu độ thì Quan Âm hiện ra thân đó, như thân quốc vương, thân tể tướng, thân nhi đồng, thân phụ nữ...". Cho nên bất cứ ở đâu xuất hiện một con người với lòng từ bi rộng lớn, là ở đó người ta cho là Đức Quan Âm hiện thân. Danh từ Quan Thế Âm (Avalokitesvara) có nghĩa là người lắng nghe tiếng kêu của cuộc đời; lắng nghe để tìm tới mà cứu giúp..."

Phật Bà Quan Âm đã được thể hiện trong thi ca Việt Nam :

Ca dao Việt Nam có câu:
"Cha già là Phật Thích Ca
Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm
Nhớ ngày xá tội vọng nhân
Lên chùa lễ Phật, đền ơn sinh thành"

Hình ảnh Phật Bà Quan Âm cũng được tác giả Truyện Phan Trần nhắc đến, qua hình dạng ni cô Diệu Thường-tức Phan Kiều Liên sau khi vào chùa tu - với cái nhìn của Phan Tất Chánh:
"Thẩn thơ trước dãy hành lang
Vin cành biếc, hái hoa vàng, làm thinh
Xa xa phảng phất dạng hình
Đức Quan Âm đã giáng sinh bao giờ..."
(Truyện Phan Trần, câu 389-392, theo sách VNTVHT của Dương Quảng Hàm, 1968, tr.18)

- Trong tác phẩm "Sơ kính tân trang", Phạm Thái (1777-1814) đã hai lần nhắc tới hình ảnh Phật Quan Âm:
"Tu hành nhờ Đức Thế Tôn
Ắt say sưa đạo lại buồn bồng duyên
Lọ là khấn vái tiên thiên
Cậy Quan Âm với Mục Liên xót tình..."
(SKTTr, câu 1141-1142, sđd, tr 135).

- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) qua tác phẩm Lục Vân Tiên, cũng hai lần giới thiệu Phật Bà Quan Âm:
Quan Âm thường đứng thảo ngay
Bèn đem nàng lại bỏ rày vườn hoa
Dặn rằng nàng hỡi Nguyệt Nga
Tìm nơi nương náo cho qua tháng ngày
Đôi ba năm nữa gần đây
Vợ chồng sao cũng sum vầy một nơi..."
(Truyện Lục Vân Tiên, câu 1523-1528, theo sách NĐC toàn tập, T1, Nhà xb ĐH và THCN, 1980, tr.153).
Đó là đoạn nói Kiều Nguyệt Nga, trên đường đi cống Hồ đã nhảy biển trầm mình cho tròn tiết nghĩa với người bạn tình cũ, được sóng thần đẩy vào nơi bãi và được Phật Bà Quan Âm xót thương đem nàng đến nơi chốn cao ráo, sạch sẽ...Sau này khi bỏ trốn khỏi nhà cha con Bùi Kiệm, Nguyệt Nga trong cảnh đêm tối tăm mờ mịt, đã gặp được bà lão cưu mang, thì chính bà lão ấy cũng đã được Phật Quan Âm mách bảo trước:
"Người ngay trời Phật cũng vưng
Lão bà chống gậy trong rừng bước ra
Hỏi rằng nàng phải Nguyệt Nga
Khá tua gắng gượng về nhà cùng ta
Khi khuya nằm thấy Phật Bà
Người đà mách bảo nên già đến đây..."
(Truyện LVT, câu 1651-1656, sđd, tr 159).

Nếu ngược về với không khí Thiền học đời Trần (1225 - 1400), sẽ gặp hình ảnh Đức Phật Quan Âm.

Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230- 1291), trong bài thơ "Lui về (Thối cư), đã viết:
"Thẹn bao mình đục sinh thời đục
Nhờ chút lòng yên gặp nước yên
Đêm mộng Quan Âm vào cỏ nội
Sông thu trong vắt dáng sương huyền".
(Trúc Thiên dịch, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, ĐH Vạn Hạnh xb, 1969, tr 167).

Vua Trần Nhân Tông, tức Trúc Lâm đệ nhất Tổ (1258-1308), hình ảnh Phật Quan Âm còn có thể tạo nên sức khơi gợi lớn giúp kẻ tu hành đạt đạo. Trong buổi tham vấn Thiền học tại chùa Sùng Nghiêm, một vị Tăng hỏi: "Bậc tu hành lớn còn có thể rơi vào vòng tròn nhân quả nữa chăng?"

Điều Ngự đã đáp bằng bốn câu kệ:
Miệng tợ huyết hồng phun Phật, Tổ
Răng như gươm bén đốn thiền lâm
Sáng kia chết xuống A Tỳ ngục
Vội niệm Nam mô Quan Thế Âm".
(Dẫn theo Nguyễn Lang, VNPGSL, t1, Nhà xb Lá Bối, 1974, tr 321)

Chùa Diên Hựu còn gọi là Liên Hoa đài hay Nhất Trụ tự (chùa Một Cột) được xây dựng vào năm 1049 đời vua Lý Thái Tông (1028-1054) với hình ảnh một đóa hoa sen mọc từ dưới nước lên. Cuối thế kỷ XVIII, danh sĩ Trần Bá Lãm đã có bài thơ, không chỉ là ca ngợi cảnh đẹp mà còn ngợi ca tính chất linh ứng của Bồ Tát Quan Thế Âm:
"Xóm hoa trong thành, chùa trong xóm
Danh là Diên Hựu, Lý triều xây
Trong cung hòa hợp mộng hoàn tử
Bồ Tát Quan Âm mới linh thay"
(Nguyễn Đăng Thục dịch, Phật giáo Việt Nam, Nhà xb Mặt Đất, 1974, tr 79)

Tính chất linh ứng của Bồ Tát Quan Thế Âm còn gắn liền với những sinh hoạt bình thường của người dân Việt Nam và cũng được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhà thơ của chùa Hương, nhắc đến:
"...Mẹ bảo đường còn lâu
Cứ vừa đi vừa cầu
Quan Thế Âm Bồ Tát
Là tha hồ đi mau..."
(Bài Chùa Hương, dẫn theo Thi ca VN hiện đại, Khai Trí xb, 1968, tr 238).

-Trong văn chương chữ Nôm, hai tác phẩm trường thiên viết về sự hóa thân của Phật Bà Quan Âm được truyền tụng khá sâu rộng trong dân gian Việt Nam là Quan Âm Nam Hải và Quan Âm Thị Kính.

* Quan Âm Nam Hải gồm 1426 câu thơ lục bát, giới thiệu về quá trình dốc chí tu Phật của công chúa Diệu Thiện-được gọi là Bà Chúa Ba-con gái út của vua Trang Vương với nơi chốn tu hành và đắc đạo là chùa
Hương Tích:
"Đức Phật mới chỉ đường tu
Rằng có một chùa tại Hương Tích sơn
Gần biển Nam Việt thanh nhàn
Sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành ..."
(Dẫn theo Nguyễn Lang, VNPGSL, 72, sđd, tr 102).

* Quan Âm Thị Kính gồm 788 câu thơ lục bát, lời thơ chải chuốt, bác học hơn. Tác giả hẳn là một người am hiểu cả Nho, Phật, viết về cuộc đời Thị Kính với đức tính Nhẫn nhục và Từ bi-hiếu sinh, nhờ đấy mà bà đã đắc đạo. Nhà văn Vũ Khắc Khoan đã có những nhận xét rất xác đáng về nội dung tư tưởng của tác phẩm:
"Tư tưởng Phật giáo lại càng tỏ rõ khi Thị Kính cam chịu tiếng oan, vì lòng từ bi, vì đức hiếu sinh, hy sinh cuộc sống của mình để nuôi đứa bé sơ sinh của Thị Mầu. Nỗi oan mưu sát chồng đã đưa Thị Kính đến con đường giải thoát, nỗi oan quyến rũ Thị Mầu không làm nản chí trên con đường giải thoát; nhưng chính lòng từ bi, đức hiếu sinh, thực sự lên cõi giải thoát.
Trên hành trình vượt sông mê để cập bến giác, tinh thần Phật giáo đã là một ngọn hải đăng soi sáng bước chân Thị Kính. Để Thị Kính trở thành Tiểu Kính Tâm, để tiểu Kinh Tâm trở thành Đức Phật Quan Âm ". (Lời giới thiệu của sách "Vở chèo Quan Âm Thị Kính, Nhà xb Đào Tấn, S, 1966, tr 14).
Hình ảnh Quan Âm Thị Kính còn bước sang lãnh vực sân khấu chèo, với nhiều kịch bản chèo được lưu hành khá rộng rãi trong dân gian. Bản in "Vở chèo Quan Âm Thị Kính" do Nhà xb Đào Tấn ấn hành năm 1966 do Vũ Khắc Khoan giới thiệu, là bản in được hình thành do sự góp trí nhớ của nhiều nghệ sĩ ngành chèo và một số bạn hữu vốn hâm mộ bộ môn này. Chèo Quan Âm Thị Kính là một trong số ít vở chèo cổ nổi tiếng .
THANK YOU
26-03-2017, 08:52 PM (Được chỉnh sửa: 26-03-2017 08:53 PM bởi dieuquang.)
Bài viết: #2
RE: QUAN THẾ ÂM Bồ Tát qua Thơ ca
BÁT NHÃ CA


Biển tâm bát ngát từng xanh
Uyên thâm trí huệ tịnh thanh mật huyền
Bè lan chèo trúc qua miền
Đưa đường bát nhã con thuyền chân tâm

Gối tay mộng giấc trăm năm
Tình vương nẻo ý về trong ơ hờ
Nửa dường theo với trăng mơ
Nửa như chết lặng trên tờ thiên thư

Tâm kinh vượt sóng không hư
Sóng như chút mộng đã từ xa khơi
Ngậm ngùi chi giữa dòng trôi
Ngàn năm mặt nước không lời lặng im

Chỉ hồng kéo sợi theo kim
Đan đi đan lại nhân duyên luân hồi
Hoa kinh mối đạo diệu vời
Mở ra hiền thánh gót dời nẻo tâm

Đại bi Bồ Tát Quán Âm
Vượt trên thánh trí tâm đồng hư không
Mắt từ tươi sợi nắng hồng
Ý từ xanh giọt sương trong lá ngà

Sầu ai hìu hắt ngàn hoa
Nghe như lệ đọng nhạt nhòa sương phơi
Cửa thiền mở cổng mây trôi
Rừng thiền tỏa ngát hương trời vô ngôn

Hóa thân ảo hiện bãi cồn
Trên tờ lá biếc nhập hồn cỏ cây
Muời phương nào kể đông tây
Hành tung một vết chim bay giữa trời

Áo tà dương phất cõi người
Lời ru ấm lại vành nôi bao ngày
Hồn ai lưu lạc chốn nầy
Tiếng than nứt đá động bầy nhạn sa

Rồi mai dẫm bước ta bà
Ý tình bóng lá dáng hoa mơ màng
Trăm năm giấc mộng kê vàng
Ngàn thu còn lại một làn sương bay

Tâm người như vạt gió lay
Thân người hạt nước trên tay ai cầm
Giữa lòng đại đạo mênh mông
Muôn kinh bổng hiện một dòng mây trôi

Mỏng như sợi khói lên trời
Lời như tiếng vọng bên đời ban sơ
Trang kinh hóa một dòng thơ
Vỡ tung mạch lạnh hững hờ chiêm bao

Vút cao theo với ngàn sao
Nở tươi từng cánh tinh cầu trong đêm
Tâm bình đẳng, trí như nhiên
Mười phương Phật quốc, một miền cỏ hoa

Rồi mai những hạt lệ sa
Biến thiên giữa cõi phong ba muôn chiều
Tay ngà xương trắng quạnh hiu
Giấc ngà tóc rủ buồn thiu cội sầu

Sinh từ đâu, tử về đâu
Chiếc thân hư ảo một màu khói sương
Vấn vương cơn mộng đoạn trường
Lòng mê chìm đắm nửa khuôn trăng vàng (1)

Trông ra mộ nấm hàng hàng
Nến ai thắp giữa đêm tàn mông lung
Áo bay trắng cõi vô cùng
Trôi trên dâu bể một vùng chiêm bao

Cành sương lả nhánh gầy hao
Đêm qua còn ngủ vườn đào mái tây
Nghiêng triền dốc dựng hoa bay
Vàng phai lấm tấm trên dây đoạn trường

Ô hay, cơn mộng dị thường
Đâu từ muôn kiếp lạc đường chân chim
Trăng sao khép, mặt trời chìm
Giữa lòng bão nổi, hai miền sầu chia

Gọi người cuối bãi sông mê
Thả xuôi chiếc lá trôi về bến nao
Con chim hót dưới cội đào
Con chim nhỏ giọt lệ vào trăng không (2)

Hoa còn tươi giải nguyệt phong
Hóa thân tan sợi khói vòng ngón tay
Ô hay, mộng thực dường nầy
Cuốn trôi hoa rụng, lá bay rã rời

Ôm trang cổ tích ngậm lời
Bốn bề im lặng, ngậm ngùi chi nhau
Ơi con nước chảy về đâu
Mà lòng suối cũ nhịp cầu nằm trơ

Trầm nhật nguyệt, giãi nắng mưa
Mặc cho sóng bủa đôi bờ hợp tan
Phiến kinh biếc, chuyến đò ngang
Chân như thấm giọt lệ vàng trang kinh

Mở tung hư ảo ý tình
Mở tung huyễn tướng hiện hình chân thân
Dòng sầu là một dòng tâm
Trôi trên cồn bãi trầm luân giãi dầu

Chẳng từ đâu để về đâu
Chiếc thân ảo hóa bể dâu bao tuồng
Vàng hoa ngọn tóc trổ hường
Trên nhành lá thắm cuối đường sông mê

Đứng trên đỉnh lộng sương khuya
Sáng ra phơi áo bên kia dòng đời
Vào ra bao cuộc đổi dời
Đến đi như ngọn nước xuôi chân cầu

Từ ngàn sau đến ngàn sau
Dấu chân đất trổ tươi màu cỏ hoa
Điệu trầm lắng tiếng chim ca
Tử sinh như nửa cánh sa đầu ghành

Hòa chung mạch suối vô thanh
Sớm mai lại nở thơm nhành ngọc lan (3)

Rồi mai nhụy rữa cánh tàn
Hương bay biếc sợi tơ vàng cuối thôn
Chân thường hiện giữa vô thường
Như lai về sáng giọt sương sa mù

Tan trên đỉnh lộng thiên thu
Lá hoa khép mở câu ru ạ ời
Là không, là có diệu vời
Khi tan khi hợp cho đời đó thôi

Mai nầy trên đỉnh mây trôi
Sắc không hóa một chuỗi cười vô âm
Tầng không tay kết kén tằm
Đem hoa vàng trải chín tầng quê xưa

Áo về bay cõi không mơ
Trăng ngà rót giọt qua bờ tóc buông

Chân như ướp lá trên nguồn
Tan trong vô tướng dứt đường chân chim
Rồi mai hoa trổ vườn tiên
Rồi mai ảo hiện trăm miền nước xuôi

Giả thân, giả tướng giữa trời
Giả tâm, giả cảnh ngọt lời nguyên ngôn
Theo duyên biến hiện vô cùng
Khóc cười tiếng vọng một vùng mơ hoa

Tánh không đãnh lễ tướng không
Tóc xưa hóa sợi nắng hồng ấm môi
Về ngang nương sắn mỉm cười
Thương lời lá hát chân đồi vọng vang

Chân thân ảnh hiện đạo tràng
Dấu chân đồng tử trổ vàng búp hoa (4)
Trang nghiêm cõi nước hằng sa
Trang kinh đậm dấu mực hoa sáng ngời

Lõng buông tay khấu trông vời
Ngựa hồng bãi biếc cũng lơi nhịp dồn
Về ngang núi ngọc thả buồm
Giong qua biển bắc xuôi cồn về nam

Thiên đường hóa sợi khói lam
Ngàn tiên hóa bướm bay ngang lưng trời
Im nghe lá cỏ ngậm ngùi
Tiếng con sâu nhỏ hát lời vô ngôn

Nghe trong hơi thở hoàng hôn
Đâu chừng mạch đất vỡ tung cội mầm
Hỏi người là ngã hay nhân
Ai về dưới nguyệt dấu chân hạ vàng ?.

Mơ tiên xanh lá trên ngàn
Tiếng con hạc trắng dưới hàng liễu thưa
Suối xưa chảy sợi vàng tơ
Qua miền tang hải hiện tờ ngọc kinh

Mặt trời về lại lặng thinh
Sáng trên tuyệt đỉnh ảo hình ảo thân
Mở rương ngọc gấm vàng trâm
Dòng hương rơi rớt nửa cung lặng chìm

Ô hay, trăng vẫn như nhiên
Ngàn thu soi nước hồ in một vầng
Ô hay, búp lá sen vàng
Chưa dừng hương ngát thiên đàng trời không

Trên tầng biếc trổ nụ hồng
Chim bay về tổ khói vòng chân mây
Ô hay, giọt nước mắt đầy
Rơi trong giấc bướm vàng bay qua đồi

Giọt sương hiện tướng tuyệt vời
Hóa thân suối nước cam lồ trên tay
Lá nào chẳng phải nhành tây
Cành dương đâu chẳng phải dây mướp vàng

Hư không mở cửa đạo tràng
Tâm kinh là nước trường giang đượm nhuần
Chẳng riêng mà cũng chẳng chung
Tay ôm ba cõi vào lòng chân tâm

Sợi mây đem kết võng nằm
Câu thơ làm chiếc khung tằm kéo chơi
Tơ bay phủ núi che đồi
Vào trong nhân thế sáng ngời ánh dương

Tay hoa búp trổ nụ hường
Kết trên tà áo vô thường tặng nhau
Rồi mai bể rộng núi cao
Rồi mai dưới vũng trên hào cũng kinh

Rạng ngời tự thể âm thanh
Rỗng rang như cọng sen xanh trong đầm

Sợi mây đem kết võng nằm
Câu thơ làm chiếc khung tằm kéo chơi
Tai nghe tiếng gió ru hời
Về trong cây lá thuyết lời kinh hoa

Dặm ngàn bãi vắng cồn xa
Hóa ra đất thánh trăng ngà ngà lay

Phật thân hiện giữa cõi nầy
Trang kinh vô tướng tuôn đầy lòng thơ
Năm vòng mũ ngọc xa xưa
Về bên luống đất nắng mưa giãi dầu

Chắp tay biết gởi về đâu
Đất nào chẳng hiện hạt châu di đà

Hạc xưa ngủ cội hoàng hoa
Về chơi ngang núi mặc tà dương bay
Như cơn mộng trở giấc mai
Biến thân huyễn tướng trên dây đàn buồn

Gió mưa cho mấy dập dồn
Cuốn theo thác lũ mưa nguồn một thân
Thiên quan ướm hỏi xa gần
Mà đây bóng ngã con đường quanh co

Gió đông dù chẳng đơm hoa
Mà mầm lộc biếc đâu xa cội nầy
Ô hay, sâu cạn vơi đầy
Như dòng ảo hóa đặt bày mà chơi

Ngủ quên trên chiếc sao ngời
Sớm mai về lại giữa trời thiên thanh
Rồi mai thơ hóa thành kinh
Rồi mai áo hạc kết hình đài hoa


Cỏ nào xanh hội tháng ba
Dòng thơ đọng lệ muôn hoa vào đời
Nhược Da lụa biếc đem phơi
Cỏ hồng sông Hán chìm rơi đất Hồ

Cảnh nào khác cảnh trong mơ
Người nào rồi cũng đôi bờ hợp tan
Đất nào chẳng phải đạo tràng
Lời nào chẳng phải lời vàng thuyết kinh

Lặng im trên đỉnh âm thanh
Vỡ tung tầng biếc hiện hình Phật thân
Tâm về an trụ hư không
Dòng kinh thấm đất trổ hồng chân thân

Dấu xưa mỗi bước mỗi dừng
Mưa sa tóc rối mưa lồng trong mơ
Hai tay ôm nửa dòng thơ
Qua cầu rớt lại bên bờ nước xanh

Mai về cởi áo tử sinh
Vắt trên ngọn trúc đầu ghành mà chơi
Trẻ thơ khúc khích miệng cười
Tơ bay trắng sợi mây trời tháng ngâu

Hương trầm gởi khói về đâu
Quyển kinh làm chiếc thuyền câu qua dòng

Chèo trên bể khổ hư không
Chèo qua ba cõi tâm đồng vô biên
Chèo về tắm suối trăng thiêng
Chèo lên đỉnh thượng xuống miền hà hoa

Tay ngời biếc nhánh sao sa
Đem về nơi cõi ta bà tặng nhau
Hóa thành hạt ngọc thuở nào
Giấu trong chéo áo chiêm bao những ngày

Uyên nguyên tự thuở sơ khai
Rừng xanh cây lá phô bày tự nhiên
Suối reo câu hát non thiền
Trăng treo một chiếc hài tiên trên ngàn (5)

Tâm không vỗ cánh niết bàn
Trí không về hỏi đạo tràng cũng không
Ý từ thấm diệu mênh mông
Về trong muôn pháp trổ bông cúc vàng

Tánh không chính thực đạo tràng
Trổ trên dâu bể hạt vàng như lai
Vầng nhật nguyệt, sợi tóc mai
Hiện thân vô tướng, dấu hài cũng không

Về trên đỉnh biếc non bồng
Hóa thân làm cánh nhạn hồng trời tây
Rồi mai vẫn bụi cát bay
Rồi mai vũ trụ vẫn tày bể dâu

Người về lại đỉnh hoa ngâu
Long lanh giọt nước mắt màu ánh dương
Thương con nước rẽ muôn đường
Bao giờ về lại cội nguồn thác xưa

Đường mây dặm lục xuân mơ
Gió đưa về lại nửa tờ thiên thư
Lữa tàn nay tắt âm dư
Thuyền lan bóng nguyệt chở chân như về

Tay nâng chuỗi ngát bồ đề
Nâu vàng gỗ đượm hương quê bàng hoàng
Tay nào trên những dây đàn
Tay nào mở cửa động vàng bụi bay

‘ Lang thang giữa phố chợ nầy
Tìm đâu cho gặp những ngày đã qua
Tìm đâu áo nụ tà hoa
Mẫu đơn ngàn cánh nở ra tiếng đàn

Tỳ bà mười sáu dây vàng
Chưa từng nối lại hàng hàng âm giai
Tỉnh ra tay lại trắng tay
Cười bên dòng thác chia hai nẻo về

Bàn tay sấp ngữa tỉnh mê
Ôm sao cho trọn lời thề hôm qua
Thôi thì trả lá trả hoa
Thả dòng thơ nguyện nở ra bồ đề’

Chim từ nhớ cội hoa mơ
Bay về qua núi ngủ nhờ trên cây
Lòng đà như áng mây bay
Chờ nghe ngọn gió heo may xuôi ngàn

Ra đồng hát khúc tình tang
Mở ra tròn bóng trăng vàng trong tay
Thắp hương lạy một lạy nầy
Cho xanh biếc núi cho đày mạch sông

Cho ngàn nhánh lúa đơm bông
Cho cờ lau dựng song song mặt thành
Trăng xưa dù vỡ hay lành
Khác chi bóng rụng dưới ghành núi lam

Bao la trời đất thánh phàm
Về chung một bóng trăng ngàn lững lơ
Trời êm đất cũng êm mơ
Dấu con chim hạc vút tờ hoa tiên

Rơi thành sợi khói trầm thiêng
Nhập làn sương mỏng đọng trên cánh tình
Hiện thân tâm hạnh ngàn xanh
Thấm dòng mực tím vòng quanh đóa sầu

Đại Bàng vỗ cánh đêm sao
Vút bay rớt lại một câu kinh vàng
Về qua cõi mộng thênh thang
Trên đôi cánh rộng tỏa ngàn đóa sao

Ngàn sau núi vẫn một màu
Riêng chung đất rộng trời cao mấy tầng
Vỡ tung huyễn cảnh huyễn thân
Chuỗi cười vọng lại nghe chừng chơi vơi

Mũi tên bay vút mặt trời
Cắm trên đỉnh lộng rạng ngời thái hư
Núi hoa mở hội chân như
Hẹn nhau một cuộc hẹn từ tâm không

Vườn nhà thu cúc đơm bông
Mời nhau ươm sợi cỏ hồng trên sương
Trăng ngà rót chén quỳnh tương
Hóa ra dòng kệ chân thường bay lên.

Phần chú thích :
(1) Chử Án trong chú Chuẩn Đề Đại Phật Mẫu, tượng trưng bằng ánh sáng mặt trăng tỏa sáng trên đảnh như vô lượng quang.
(2) Mượn ý thơ : ‘ mai anh chết dưới cội đào, khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu’ ( thơ Phạm Thiên Thư, Động Hoa Vàng ).
(3) Mượn ý thơ tựa đề ‘ ngọc lan’ của nhà cách mạng Phan Bội Châu :

Ngọc lan

Tiền thân chướng tự xuất bồng lai
Duy hướng bồ đề viện lý tài
Tố nhụy quang tranh đông dạ tuyết
Kỳ phương phẩm đoạt lãnh đầu mai
Hương chân vương giả thiên thùy thưởng
Trang tỷ Thường nga nguyệt ám xai
Duy Phật tùng lai năng thức Phật
Ân cần huệ ngã thử hoa khôi
Từ Hoa dịch thoát ý:
Tiền thân thiên nữ cõi hoàng hoa
Nghiêng cánh tinh anh thuyết Phật Đà
Thân trắng trong phơi sương tuyết đọng
Tay ngà ngọc trổ nụ tiên sa
Đưa hương khuê các dâng người tục
Sánh khách trang đài nhạt bóng nga
Duyên trời gặp gỡ tâm tâm Phật
Hoa của ngàn hoa hẳn nhớ ta.

(4) Thiện Tài Đồng Tử trong phẩm Nhập Pháp Giới, kinh Hoa Nghiêm.
(5) Chữ Ha trong mẫu tự Ta Bà Ha, chú Chuẩn Đề Đại Phật Mẫu, tượng trưng như vành trăng tròn sáng hiện dưới chân, chỉ cho sự đạt đạo viên tịch.

Tác giả: TỪ HOA
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS