Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
KHÔNG ĐỀ
14-08-2018, 09:43 PM
Bài viết: #21
RE: KHÔNG ĐỀ
Chuyện Người Quét Rác

Vào sáng Chủ Nhật, có thể là do ngày nghỉ rảnh rỗi, một người đàn ông trung niên lúi húi quét dọn trước cửa nhà. Ông cầm chiếc chổi và đồ hốt rác quét sạch vỉa hè rồi quét dọc theo lề đường, cẩn thận gom tất cả đám cát, bao ny-lông, mẩu thuốc lá, ly giấy, lá khô và đủ thứ rác rưởi vào thùng, đậy nắp cận thận, đặt ngay ngắn xuống lòng đường, để ngày mai xe rác của thành phố lấy đi.

Khi nhận thấy vỉa hè và lòng đường đã khá sạch, ông toan thu dọn để bước vào nhà thì một thanh niên từ xa bước tới, miệng phì phèo điếu thuốc. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc và đi đứng người ta có thể nhận ra đây là một chàng thanh niên ngang tàng. Khi tới chỗ ông đang đứng, người thanh niên rít hơi cuối cùng rồi coi như không có ai, thản nhiên quăng mẩu thuốc lá xuống đường. Nhìn mẩu thuốc là nằm tênh hênh trên mặt vỉa hè sạch trơn, dường như nó có vẻ “phá hoại” và trêu ngươi, cho nên người đàn ông tức giận, lớn tiếng gọi người thanh niên:

- Này, yêu cầu quay lại nhặt tàn thuốc lá lên nghe!

Người thanh niên đã đi cách xa ông khoảng năm, sáu bước, nghe gọi thế quay đầu lại nhìn với vẻ hết sức ngạc nhiên. Anh ta ngạc nhiên vì có thể cả trăm lần quăng mẩu thuốc lá như thế này mà chẳng ai phản ứng gì, nay có một “gã điên” làm chuyện không giống ai. Anh ta quay lại, sẵng giọng hỏi:

- Ông nói gì?

- Yêu cầu cậu nhặt mẩu thuốc lá lên!

Mặt thanh niên đỏ gay:

- Bộ đường phố này của ông hả?

Người đàn ông trả lời ngay:

- Không phải của tôi nhưng tôi tôi quét dọn sạch sẽ. Người tự trọng không bao giờ xả rác bừa bãi. Cậu hiểu điều đó không? Tôi yêu cầu cậu nhặt lên!

Tự ái bị tổn thương, người thanh niên không cần phân biệt đúng-sai, nói như gây sự:

- Không nhặt thì sao?

Sự lớn tiếng qua lại giữa hai bên làm người trong nhà chạy ra, người qua lại trên hè phố tò mò đứng lại. Tất cả đều thấy đây không phải chuyện đại sự cho nên xúm vào can gián. Cuối cùng người thanh niên hậm hực bỏ đi còn người đàn ông đứng phân bua một hồi rồi bực bội bước vào nhà.

***

Ba ngày sau, tại một khu phố khác cách đó khoảng năm, sáu con đường, người ta thấy một vị sư đang quét rác tại cổng một ngôi chùa. Hôm nay là Thứ Hai chùa vắng, Phật tử đi làm hết, sau hai ngày cuối tuần bận rộn với sinh hoạt và lễ lạc, rác đã thấy lai rai trên sân. Ngoài ra, còn lá trên cây rụng xuống cho nên thầy trụ trì ra công quét dọn, vừa vận động vừa làm sạch trong ngoài. Đối với người xuất gia, quét rác cũng là “công phu”.

Sau khi cổng chùa đã sạch sẽ, sư toan đẩy thùng rác trở vào thì một chàng thanh niên tà tà bước tới. Đây chính là anh chàng đã gây sự với người đàn ông quét rác ba ngày trước. Khi đi tới cổng chùa, có thể do vô tình, do quán tính, cố tật, hoặc đãng trí, sau khi mở bao thuốc lá, chàng ta rút ra một điếu, châm lửa. Thấy bao thuốc đã hết, chàng ta quăng cả chiếc bao trống không dưới chân bức tường cạnh cổng chùa rồi thản nhiên bước đi. Thế nhưng khi bước đi khoảng năm, sáu thước, có thể do nhớ lại cuộc “đụng độ” với người đàn ông trước đây, chàng ta quay đầu lại xem sự thể như thế nào. Trái với phỏng đoán của mình, vị sư bình thản bước tới chân bức tường, cúi xuống nhặt bao thuốc lá lên, quay lại thùng rác, mở một bao rác nhỏ, bỏ bao thuốc lá trống vào bên trong, cột trở lại, bỏ vào thùng rác rồi lặng lẽ đẩy thùng rác vào bên trong sân chùa, không hề quay nhìn chàng thanh niên… đang ngạc nhiên đứng đó.

***

Ngày hôm sau, chàng thanh niên tới thăm vị sư. Sau khi giới thiệu mình chính là người xả rác trước cổng chùa, chàng ta kể lại chuyện “đụng độ” với người đàn ông rồi hỏi:

- Thưa thầy, tại sao cùng một chuyện mà thầy lại có lối cư xử nhẹ nhàng hơn người đàn ông kia?

Sư hiền từ đáp:

- Người đàn ông đó là một công dân tốt. Một công dân tốt do làm tròn bổn phận của mình cho nên thường thẳng thắn nói lên cái sai của người khác để cùng nhau sửa chữa trong tinh thần ôn hòa.
Tuy nhiên cách hành xử giữa một người thường và một người xuất gia có khác nhau. Người xuất gia không nói về cái lỗi của kẻ khác mà kham nhẫn để kẻ phạm lỗi giác ngộ mà tu sửa. Hai lối hành xử đó không cái nào hơn cái nào, “vạn pháp đều bình đẳng”, chỉ tùy duyên ứng xử mà thôi. Một căn nhà, một ngôi chùa, một khu phố hoặc nơi làm việc cần phải sạch sẽ. Sự sạch sẽ làm trang nghiêm cuộc sống và thế giới. Ngay đầu óc chúng ta cũng cần sạch sẽ. Muốn sạch sẽ thì phải quét rác. Một chiếc máy điện tử muốn tốt cũng phải “đổ rác”. Đầu óc con người muốn thanh tịnh, sạch sẽ cũng phải “đổ rác”- đổ bớt rác rưởi của tâm hồn. Những ý nghĩ bất tịnh, tương tranh, thù hận, đố kỵ, tị hiềm, những tư tưởng loại trừ, kỳ thị, ghét bỏ đều là rác rưởi của tâm hồn.
“Quét rác” và “đổ rác” là việc làm thường xuyên của người nào muốn tâm hồn thanh tịnh. Từ thanh tịnh mà có thanh thản. Vì thanh thản cho nên không động tâm. Vì tâm không động cho nên ít gây đổ vỡ.
THANK YOU
14-08-2018, 09:48 PM (Được chỉnh sửa: 14-08-2018 09:51 PM bởi dieuquang.)
Bài viết: #22
RE: KHÔNG ĐỀ
NHÂN MÙA VU LAN:

A/
Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện. Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng:

- Ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba.

Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối:

- Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi.

Một cậu con trai khác cau cau lông mày:

- Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao?

Cô con dâu trưởng phán một câu:

- Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện.

Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn. Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người (ông cụ đã mất hết cảm giác vệ sinh), nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ.

Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ. Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ, và ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang?...

Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời:

- Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền?

Đám người đang khóc mếu, cãi nhau... đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài...

B/

Con dâu nói: “Nấu lạt tý bà chê nhạt nhẽo, giờ nấu mặn chút bà lại bảo nuốt không vô, rốt cuộc bà muốn sao đây?”

Mẹ nhìn thấy con trai vừa về đến nhà, một câu không rằng bèn gắp thức ăn bỏ vào miệng nhai. Cô ta hằn học nhìn chồng. Anh gắp thử một miếng ăn, nhả ra ngay tức thì.

Con trai nói: “Anh không phải đã dặn em rồi sao, mẹ bị bệnh không thể ăn quá mặn!”

“OK! Mẹ là của anh, sau này do anh nấu nhé!”

Con dâu giận dỗi đi thẳng vào phòng. Con trai chỉ còn cách thở dài, và quay sang nói với mẹ: “Mẹ, đừng ăn nữa, con đi nấu mì cho mẹ ăn.”

Mẹ nói: “Không phải con có chuyện muốn nói với mẹ sao, có thì giờ hãy nói, đừng để trong lòng!”

Con trai nói: “Mẹ à, tháng sau con được thăng chức, con sẽ rất là bận… Còn phần vợ con, cô ta nói muốn ra ngoài kiếm việc làm, cho nên…”

Ngay lập tức mẹ hiểu ý con trai muốn nói gì: “Con trai ơi, đừng gửi mẹ vào viện dưỡng lão nhé con!” Giọng nói nức nghẹn như khẩn cầu van xin.

Con trai trầm tư nghĩ ngợi một hồi lâu, trong đầu anh ta như đang cố tìm một lý do tốt hơn để thuyết phục mẹ:

“Mẹ à, thật ra viện dưỡng lão không phải là một nơi không tốt, mẹ biết rồi đấy. Khi vợ con kiếm được công việc, nhất định sẽ không còn thời gian chăm sóc mẹ chu đáo nữa đâu. Trong viện dưỡng lão vừa có cái ăn, vừa có chỗ ở, lại có người chăm sóc, không phải tốt hơn nhiều so với ở nhà hay sao?”

Tắm xong, ăn tạm một tô mì gói, con trai bèn đi vào phòng sách. Anh thừ người đứng trước cửa sổ, có vẻ do dự. Ngày ấy mẹ còn trẻ đã ở góa, ngậm đắng nuốt cay nuôi anh khôn lớn nên người, và còn gửi anh ra nước ngoài du học. Nhưng, bà chưa bao giờ dùng tuổi thanh xuân đã một đời hy sinh vì anh của mình đem ra uy hiếp mặc cả về sự hiếu thảo của anh, ngược lại, người vợ đã đem hôn nhân ra uy hiếp anh! Không lẽ phải cho mẹ vào viện dưỡng lão thật sao? Anh tự hỏi bản thân, anh có chút không nhẫn tâm.

“Có thể cùng cậu đi hết cuộc đời là vợ cậu, không nhẽ là mẹ cậu sao?” Con trai của bác Tài thường hay nhắc khẽ anh như thế.

“Mẹ cậu đã lớn tuổi như thế, tốt số thì có thể sống thêm vài năm. Tại sao không tranh thủ thời gian đó sống thật hiếu thảo với bà cơ chứ? Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà người còn đâu!” Bà con họ hàng thường hay khuyên nhủ anh như thế.

Con trai không muốn suy nghĩ thêm nữa, sợ mình sẽ vì thế mà thay đổi quyết định. Ánh mặt trời tắt dần những tia nắng chói chang và khuất dần sau ngọn đồi, trả lại bầu trời một màn đêm u tịch. Một ngôi nhà quý tộc dành cho người già được xây dựng ở vùng ngoại ô trên đồi núi.
Đúng thật, tiền càng chi ra nhiều, con trai càng cảm thấy an lòng. Khi con trai dắt mẹ bước vào đại sảnh, một chiếc ti vi 42 inch mới tinh đang chiếu một bộ phim hài, nhưng người xem nơi ấy không hề nở một nụ cười.

Những người già mặc cùng một kiểu áo, tóc tai đều na ná nhau đang ngồi cô quạnh trên chiếc ghế sofa, thần sắc đờ đẫn đến u buồn. Có người thì đang ngồi lẩm bẩm một mình, có người thì đang chầm chậm cúi người xuống muốn nhặt lấy một mẩu bánh vụn đang nằm trên sàn nhà.

Con trai biết mẹ thích nơi tươi sáng, vì thế đã chọn cho bà một căn phòng đầy đủ ánh sáng. Từ cửa sổ nhìn ra ngoài, dưới bóng râm là một vườn cỏ thơm ngát. Mấy cô y tá đang đẩy những người già ngồi trên xe lăn, cùng họ tản bộ dưới ánh hoàng hôn, bốn bề tĩnh lặng khiến cho người ta cảm thấy xót lòng. Dù hoàng hôn có đẹp bao nhiêu, ánh chiều tà rồi cũng dần buông xuống, anh ngậm ngùi tiếc nuối.

“Mẹ ơi, con… con phải đi rồi!”

Mẹ chỉ biết gật đầu.

Khi anh đi khỏi, đôi tay gầy guộc của mẹ giơ lên vẫy chào anh, miệng không còn một chiếc răng, đôi môi khô tái nhợt muốn lên tiếng gọi với anh, nhưng gọi không thành tiếng, lộ ra một ánh mắt ngập ngừng đậm vẻ u sầu.

Lúc này con trai chợt nhận ra mái tóc của mẹ đã bạc dần, đôi mắt sâu thẳm và khuôn mặt xuất hiện nhiều vết chân chim. Mẹ quả thật đã già đi rồi!

Anh chợt hồi tưởng lại một số chuyện ngày xưa. Năm đó anh mới 6 tuổi, mẹ có công chuyện phải về quê, không tiện dắt anh theo, nên đành phải gửi tạm nhà bác Tài vài hôm. Lúc mẹ sắp rời khỏi, anh sợ hãi ôm chặt lấy chân mẹ không chịu buông, khóc thật thê lương và kêu gào trong nước mắt: “Mẹ, mẹ ơi, đừng bỏ con mà đi! Mẹ đừng đi mẹ ơi!” Cuối cùng mẹ đã không bỏ lại anh một mình.

Anh vội rời khỏi phòng, tiện tay đóng cửa phòng lại, không dám ngoáy đầu nhìn lại, anh sợ, sợ cái ký ức ấy hiện về như bóng ma cứ lởn vởn bám lấy anh.

Anh về đến nhà, nhìn thấy vợ và mẹ vợ đang hăng tiết vứt bỏ tất cả những vật dụng trong phòng của mẹ với khuôn mặt khoái chí vui mừng.

Một chiếc huy chương - đó là chiến lợi phẩm đoạt giải nhất trong cuộc thi viết văn hồi tiểu học của anh với chủ đề “MẸ CỦA TÔI”; Một quyển từ điển Anh – Việt, là món quà đầu tiên mẹ đã dành dụm tiền chi tiêu cả tháng trời để mua tặng anh! Và còn nữa, chai dầu gió mẹ phải xoa trước khi đi ngủ, không có anh xoa dầu cho bà, gửi bà đến viện dưỡng lão thì còn ý nghĩa gì nữa kia chứ?

“Đủ rồi, đừng vứt nữa!” Con trai tức giận.

“Rác nhiều như thế, không đem vứt đi, thì sao có thể chứa được đồ của tôi.” Mẹ vợ thở hổn hển nói.

“Thì đúng rồi đấy! Anh mau mau đem cái giường cũ nát của mẹ anh khiêng ra ngoài đi, ngày mai tôi sẽ mua cho mẹ tôi một chiếc giường mới!”

Một đống ảnh lúc ấu thơ chợt hiện ra, đó là những tấm ảnh mẹ đã dẫn anh đi sở thú chụp lưu niệm.

“Tất cả đều là tài sản của mẹ tôi, một thứ cũng không được bỏ!”

“Anh tỏ thái độ gì vậy hả? Dám lớn tiếng với mẹ tôi ư? Tôi bắt anh phải xin lỗi mẹ tôi ngay lập tức!”

“Tôi cưới cô là có nghĩa vụ yêu thương mẹ cô, vậy cô lấy tôi thì không thể yêu thương mẹ tôi được sao?”



Cơn mưa sau đêm tối mang một chút hơi lạnh lẽo, đường phố vắng lặng đìu hiu, xe cộ và người đi trên đường thưa thớt dần. Một chiếc xe hơi đang chạy vượt đèn đỏ và phóng qua những biển cấm nguy hiểm, không ngừng tăng tốc phóng nhanh trên đường. Chiếc xe hơi ấy chạy thẳng đến viện dưỡng lão được nằm trên lưng chừng đồi núi, anh ngừng xe và phóng nhanh lên lầu, mở cửa phòng ngủ của mẹ. Anh đứng nhìn bất động, mẹ đang lấy tay xoa đôi chân phong thấp của mình âm thầm khóc trong đêm.

Bà nhìn thấy con trai đang cầm trên tay chai dầu gió, cảm thấy an ủi và nói: “Mẹ quên lấy đi, cũng may con mang đến cho mẹ!”

Anh bước vội đến bên mẹ và quỳ xuống.

“Tối rồi, tự mình mẹ có thể xoa được mà, ngày mai con còn phải đi làm, hãy về nhà đi!”

Anh ngập ngừng một hồi lâu, nhưng cuối cùng không nhịn được khóc và nói: “Mẹ ơi, con xin lỗi, xin hãy tha thứ cho con! Chúng ta cùng về nhà nhé!”

C/

Hôm nay có món ăn mà Nó thích, nên mẹ nấu thật nhiều để tối nó về ăn. Hôm qua mẹ có trách nó cứ đi hoài chẳng thấy mặt mũi đâu, bây giờ nghĩ lại thấy tội nghiệp. Nó đi làm chứ có đi chơi đâu. Hằng ngày nó đi từ 8 giờ sáng, tối 9:30 mới về, có khi bận tiếp khách nó phải đi tới 11~12 giờ. Người nó gầy trơ xương mà thấy xót xa.

Hôm nay đi làm mà lòng nó buồn, vì hôm qua mẹ nói nó cứ đi hoài chẳng bao giờ thấy nó ở nhà. Nó thấy nó có lỗi gì đâu mà mẹ lại trách nó. Nó phải đi làm mà. Mấy đứa học sinh toàn là từ xứ lạ đến, tụi nó còn nhỏ mà phải xa cha xa mẹ nên nó rất thương, nó muốn dành nhiều thời gian bên tụi nó. Ngoài ra nó còn thường làm từ thiện giúp đỡ người già neo đơn, nghèo khó. Hiếm hoi lắm mới có giờ rảnh thì nó đi chùa, uống cà phê với bạn bè để xả stress trong công việc.

Vậy mà mẹ không hiểu cho. Mẹ suốt ngày ở nhà, chỉ có nấu cơm, rồi nghỉ ngơi, tiền bạc không thiếu thốn nên không cần nó phải lo. Có nhiều người tội nghiệp hơn cần nó giúp đỡ. Nó làm nhiều điều tốt vậy mà mẹ cứ la nó. Nó không hề hư đốn, sống buông thả vậy mà mẹ cứ la nó. Nó buồn.

Hôm nay được xong việc sớm (7 giờ tối) nên nó quyết định về nhà. Mẹ nó đang nằm nghỉ trên đi văng, ba nó đang xem tin tức ở nhà trên. Mẹ nó tóc đã bạc nhiều muối hơn tiêu, gương mặt khắc khổ, quạnh quẽ trong căn phòng rộng lớn.

Nhìn mẹ nó trong phút giây đó, bỗng lòng nó quặn thắt, nước mắt chực trào. Nó có thể nói chuyện với nhiều người già neo đơn hằng giờ liền, nhưng mà hầu như nó chưa bao giờ có cuộc nói chuyện với mẹ nó 15 phút. Nó nhận thấy nó biết quá ít về mẹ nó. Mẹ nó có con mà vẫn neo đơn. Vì nó bận giúp đỡ mọi người, nên không có thời gian cho mẹ nó. Trong lòng nó bỗng thấy trống rỗng, cuộc đời nó vô nghĩa cho đến giây phút đó. Tất cả những cái mà nó cho là tình thương bỗng nhiên sáo rỗng. Từ sâu thẳm trong lòng, lần đầu tiên nó thấy có một tình thương khác trong nó. Một thứ tình thương bình thường, đơn sơ, và vô danh.

Chỉ có cái đó đang thiếu trong ngôi nhà này, và cái đó nó chưa từng nghĩ đến.

Lòng đầy xúc động, nó tiến đến đi văng và nói: THƯA MẸ, CON ĐÃ VỀ.
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (01-09-2018 05:40 AM)
20-08-2018, 07:45 AM
Bài viết: #23
RE: KHÔNG ĐỀ
trong mùa tháng bảy âm, nhận một mal bạn già gửi tự nhiên cảm thấy giống tâm trạng của đám bạn già, nên đưa lên vậy. Cũng dần ít gặp nhau vì già đi , lười vì gặp nhau lâu ăn nhậu dể mệt mỏi , uống thì ít mà ngồi trầm ngâm thì nhiều có chăng gặp nhau để hỏi đứa này còn hay mất đứa kia bệnh ra sau và rồi cùng tự nhủ ngày nào đó chỉ một hơi thở là mình sẽ kg ở tại nơi đây và khỏi phải bận tâm vì vô số việc vướng mắc...


Người đã đi,tôi cũng sẽ đi
Trước nhau một bước có khác gì
Sang cả,nghèo hèn giờ cũng thế
Túi thịt tanh hôi đáng giá chi..
Trong cuộc đời này chúng ta ai cũng muốn được sống hạnh phúc và chết bình yên. Sống hạnh phúc thì ai cũng đã biết, và đôi khi hạnh phúc chỉ có nghĩa tương đối của nó. Cơm rau cũng là hạnh phúc.. Ðói rách cũng có thể thấy hạnh phúc. Trong tuổi già, chúng ta còn được sống trong tiện nghi, no đủ nhưng cùng tuổi chúng ta có những ông bà cụ già còn còng lưng mò ốc trên bến sông hay mưu sinh bằng mớ rau, nải chuối giữa buổi chợ chiều, còn phút giây nào nghĩ đến sự ốm đau, mỏi mệt và cũng không còn biết đến hạnh phúc là gì, ý nghĩa của nó ra sao?
Chết bình yên thì ai cũng mong muốn nhưng mấy người được toại nguyện và (không một ai chạy khỏi cái chết. Chết có chết tốt, chết sấu. Muốn chết tốt thí bắt đấu phải sống tốt.)
Chúng tôi, những ông bạn già, ít có cơ hội lui tới gặp nhau, nhưng lại thường hay gặp nhau trong nhà quàn để tiễn đưa bằng hữu, nhất là vào những ngày cuối năm. Qua câu chuyện vãn, ai cũng có một điều mong muốn, là nếu khi ra đi, ước chi được ra đi trong bình yên, thanh thản, không phải nằm lâu trên giường bệnh, khổ cho người thân mà cũng đau đớn cho thân mình.
Tôi có một người bạn gốc thầy giáo nhưng rất thích chơi thể thao. Buổi trưa, từ sân banh về, anh đến nhà học trò dạy kèm tại gia. Thấy thầy đầu gục trên bàn, người trong nhà tưởng thầy mệt mỏi ngủ gục, thương thầy, bảo nhau im lặng kẻo sợ phá giấc của thầy. Ðến chiều không thấy thầy dậy, học trò lay thức thầy, mới biết anh đã hôn mê. Chở vào bệnh viện thì đã quá trễ, từ đó anh bị liệt toàn thân, không nói năng được. Anh đã nằm trên giường bệnh, vệ sinh tại chỗ, ăn uống phải có người chăm sóc như thế trong vòng hai mươi năm tròn. Bạn bè xuất ngoại năm, mười năm trở về vẫn thấy anh nằm liệt trên giường, da bọc xương, lở loét, giữa mùa nóng Saigon, trong căn nhà nhỏ sức nóng từ mái tôn xuống hừng hực. Khổ nỗi con cái anh lại không được may mắn học hành, phải làm những nghề tay chân vất vả, nên cuộc sống của người bệnh lại càng bi đát hơn. Người vợ, cũng là một cô giáo bỏ hết thời xuân sắc bên giường bệnh của chồng, chỉ còn là một xác ve khốn khổ. Năm ngoái, nghe tin anh qua đời, lòng thoáng buồn đôi chút nhưng quả thực mừng cho anh giải thoát ra đi, còn sống, không chỉ khổ cho thân anh, mà còn khổ cho gia đình vốn đã nghèo đói vất vả.
Ở trên đất Mỹ, trong một đất nước mà người cao niên được chăm sóc và thuốc men cũng đã có những người bệnh nằm trên giường hai ba năm với những dây nhợ, dụng cụ trợ sinh trên người mà không được chết. Và trong nursing home, đã có những ông bà cụ già chọn nơi này là ngôi nhà cuối cùng, đã ở đây trong một thời gian quá dài, có người đến mười năm mà Trời chưa gọi cho ra đi. Gần đây báo chí lại đưa tin, tại một nhà dưỡng lão ở Laguna Woods, California, ông cụ William McDougall, 81 tuổi, vì giận dữ với người bạn cùng phòng, đã dùng gậy sắt đánh chết một ông cụ người Việt, 94 tuổi. Cũng mới đây thôi, cũng tại một nursing home, một cụ ông đã kết liễu đời vợ mình bằng một phát súng ân huệ “để cho nàng khỏi khổ”. Ở Mỹ, có nhiều trăm ngàn người cao niên trong nhà dưỡng lão, rất dễ thiệt mạng vì sự chăm sóc bất cẩn, cũng như theo một bản báo cáo của University of Kentucky cho biết là chỉ trong thời gian một năm thôi, dịch vụ bảo vệ người già đã điều tra trên toàn quốc, có 461,135 vụ tố cáo về vấn đề ngược đãi và hành hạ người cao niên, bao gồm những vụ gây tổn thương về thể lý và tinh thần, lẫn xâm phạm tình dục.
Tôi vừa đi thăm một vị sư già mới vào nursing home được hai hôm. Ông than thở với tôi, lần đầu tiên, cảm thấy thế nào là nhà dưỡng lão: Sáng nay mới sáu giờ sáng hai cô y tá đã đem ông vào phòng tắm “dội nước lạnh ngắt, kỳ cọ và nhồi ông như trái banh”. Ðó chỉ mới là ngày đầu, ông chưa nếm mùi bị đánh đập, chọc ghẹo hay hắt hủi thường xảy ra ở những nơi như thế này. Nhà dưỡng lão cũng không phải là nơi làm việc lương cao, thoải mái khi nhân viên phải tiếp cận với những bệnh nhân lú lẫn, bẳn tính, khó chịu. Chúng ta, con cái ruột thịt, có khi không còn kiên nhẫn, chịu khó đối với cha mẹ, trách chi những “người dưng, nước lã”.
Ngày nay những chốn này không phải là địa ngục dành riêng cho tuổi già. Một lớp tuổi trẻ hơn từ 30 đến 65 tuổi cũng đang sống trong nhà dưỡng lão vì những chứng bệnh không tự săn sóc được như bệnh thận, tiểu đường, tâm thần và cũng vì lý do ngân sách y tế không còn đủ cho những dịch vụ săn sóc tại gia tốn kém hơn là ở trong những nhà dưỡng lão. Như vậy những ngày cuối cuộc đời của nhiều người sẽ kéo dài thời gian hơn, không phải chỉ vài ba năm mà có thể mười, hai mươi năm như hoàn cảnh người bạn cũ của tôi ở đầu bài hôm nay.
Thông thường, khi nghe một người bạn vừa qua đời đột ngột, chúng ta thường thở dài, tỏ lòng thương tiếc: “Mới gặp hôm qua đây!”, “Mới cười cười, nói nói đây!” hay “Sao chết đột ngột như thế!” Nên mừng cho bạn bè đã ra đi bình yên, thanh thản, hơn là xót xa thấy cha mẹ, thân thuộc hay bạn bè lặng lẽ, u sầu kéo dài những ngày vô vị, chán chường trên giường bệnh, sống cũng như đã chết.
>>>
>>> Bây giờ là thời gian của những ngày lễ cuối năm, nhiều ngôi nhà đã bắt đầu giăng đèn kết hoa, thương xá rộn ràng tấp nập đông người mua bán. Những cánh cửa chờ được mở ra để đón người thân về sum họp, những đứa trẻ chờ đợi niềm vui với món quà đầy màu sắc nặng trên tay, nhưng những bậc cha mẹ già trong nhà dưỡng lão sẽ không có cơ hội trở về. Mấy hôm nay, giữa đêm trời lạnh người ta chịu xếp hàng để mua một vài món hàng sale, cần thiết hay chẳng hề cần thiết gì cho đời sống này, thì những người khác không còn gì để mong đợi, mà cũng chẳng còn gì để thiết tha.
Sắp đến năm mới, theo thông lệ, người ta thường chúc người “sống lâu trăm tuổi, đầu bạc răng long”, sống lâu đến trăm tuổi thọ, mà năm, mười năm nằm trên giường bệnh thì đó đâu gọi là sống. Cứ nghĩ đến một này kia mình không còn lái được chiếc xe để tự đi đây đi đó, phải nhờ đến con cháu, đã là một sự kinh hoàng rồi, nói gì đến chuyện phải năm trên giường bệnh, hay ngồi trên xe lăn, không còn lo được cả việc vệ sinh cá nhân cho chính mình, thật là một chuyện đau khổ.
Dù đời sống có là hạnh phúc hay không, xin cho người được một cái chết bình yên, cuộc sống ngắn hay dài không có điều chi đáng kể.
Huy Phương
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (01-09-2018 05:40 AM)
16-09-2018, 09:23 PM
Bài viết: #24
RE: KHÔNG ĐỀ
CHO ĐI

Tôi muốn bắt đầu câu chuyện này bằng hai từ ngày xửa ngày xưa...Ngày xửa ngày xưa... có một người nhà giàu, rất giàu. Sự giàu có bắt đầu từ một cơ may - hồi đó, khi còn là cậu bé nghèo khổ chỉ mong được ăn no, ông đã được một người tốt bụng đưa về nhà nuôi nấng và cho ăn học.

Ông thường kể lại chuyện này cho con cái nghe nhưng các con ông cười cho rằng đây chỉ là một trong những bài học đạo đức của ông mà thôi.
Rất bận rộn nhưng tuần nào cũng vậy, ông dành ra một buổi tối ăn mặc như một người lao động bình thường và đi dạo. Nói là đi dạo nhưng thật ra là ông tìm gặp những ai cần giúp đỡ, ngay cả kẻ trộm cắp ông cũng không từ chối vì nghĩ rằng biết đâu sự giúp đỡ của mình sẽ là một cơ hội cho kẻ muốn hoàn lương.

Một tối mùa đông, như thường lệ ông đi trên đường. Ngang qua công viên ông dừng lại vì chợt thấy dáng vẻ của một chàng trai sao mà thiểu não quá. Cùng với bộ áo quần tỏ rõ sự nghèo nàn là nỗi tuyệt vọng lồ lộ.
- Chào cháu, có chuyện gì vậy?
Câu hỏi êm ái của ông khiến chàng trai rùng mình. Cái rùng mình trong bóng tối của đêm đông khiến trái tim nhân hậu của ông đau nhói. Ông rất biết giới hạn của mình. Tiền bạc, ông không thiếu. Một công việc, ông sẵn sàng mở rộng cửa các nhà máy của mình cho bất kỳ ai cần một công việc. Nhưng nếu là một căn bệnh hiểm nghèo thì... Ông đã từng cho người ta tiền không phải để có cuộc sống mong ước mà là để mua một cái quan tài.
- Cháu không thể nói gì với ta sao?
Giọng chàng trai đẫm nước mắt:
- Cháu yêu...
A, ông có thể hiểu được. Đôi trẻ thiết tha yêu thương nhưng mẹ cha nhất định ngăn cản bằng cách thách chàng trai một đám cưới linh đình? Ông mỉm cười:
- Ta sẽ tặng cháu tất cả những gì nhà gái muốn.
- Không... Không ai có thể - Giọng chàng trai tuyệt vọng.
- Ta có thể.
Câu trả lời tự tin và quả quyết của ông chỉ khiến chàng trai lún sâu thêm trong cay đắng:
- Ông trời cũng không thể làm được gì. Tối nay, cháu và nàng hẹn gặp nhau lần cuối tại đây. Rồi sau đó...
Giờ thì đến phiên ông rùng mình - rồi sau đó...
- Nhưng cái gì là không thể? - Ông gặng hỏi.
- Cha mẹ nàng chẳng đòi hỏi gì cả ngoài việc cháu phải đưa cha mẹ đến thăm nhà gái.
- Ơ, một thách cưới thật khắt khe. Như ta đây, nếu nhà gái đòi con trai ta phải đưa mẹ nó đến thì ta biết làm sao khi mẹ nó đã qua đời từ lâu.
- Không phải vậy - chàng trai kêu lên - cháu không biết cha mẹ mình là ai. Tự nhiên mà lớn lên... Tự nhiên mà có trên đời... Làm sao họ dám gả con gái cho một kẻ chẳng có gốc tích?

Ông đặt tay lên vai chàng trai và cảm nhận được toàn bộ sức nặng của cuộc sống trĩu trên đôi vai non tơ này. Có tiếng chân rón rén bước đến gần và một cô gái xuất hiện. Dù cô đang mặc một cái áo dày sụ của mùa đông và cái mũ len trùm xuống che khuất cả nửa khuôn mặt, ông vẫn nhận ra cô thật xinh xắn và đang đau khổ đến nhường nào. Ông nhìn thấy rõ vẻ ngạc nhiên trên mặt cô dù trời tối. Một ý nghĩ thoáng qua đầu... Ông mỉm cười:
- Chào con.
Cô gái đưa tay lên miệng để che một tiếng kêu kinh ngạc, còn chàng trai thì sửng sốt. Ông thấy mình còn xúc động hơn cả đôi trai gái:
- Nếu hai con không chê có một người cha như ta.

Đám cưới diễn ra vô cùng vui vẻ. Cha mẹ cô dâu càng lúc càng quí chú rể bởi vì cha chàng không những thật lịch sự mà còn rất hiểu biết, ông nói chuyện về công việc lao động chân tay như một người cả đời gắn bó với nó vậy.
Nhưng điều đáng nói là những chuyện sau đám cưới. Một người khách đến dự tiệc rồi về là chuyện thường, còn đây là cha của chú rể. Nhìn những điều không dám thốt thành lời trong mắt đôi trai gái đang tràn trề hạnh phúc, ông chẳng thể làm gì khác hơn là đóng trọn vai diễn của mình. Thăm họ hàng và cùng nhau ra biển lưới cá... Con trai ông không phải dân biển nên rất vụng về, nhưng điều đó không khiến niềm vui giảm đi.

Mất một tuần ông không đến văn phòng làm việc.

Rồi mọi chuyện cũng kết thúc êm đẹp. Đôi vợ chồng mới cưới lưu luyến tiễn ông từ làng chài ra đến thị trấn và từ đây ông sẽ lên tàu. Lúc này không có ai, chỉ có ba người với nhau, không cần phải đóng kịch. Nhưng làm sao có thể xưng hô khác được nữa?
- Chúng con chào cha.
- Chào hai con.
Sự trở về của ông làm cả công ty nháo nhác. Người thì tưởng ông gặp tai nạn mất xác, người tưởng ông bị bắt cóc và đang đợi cú điện thoại đòi tiền chuộc. Có người còn thì thầm rằng các con ông đang tìm kiếm di chúc...
oOo
Ông vẫn mỗi tuần một buổi đi trên đường để tìm kiếm và chia sẻ với người không may. Khi là một tấm chăn bông ấm áp cho kẻ đang run rẩy, khi thì tháo chiếc nhẫn trên tay tặng người cơ khổ...

Một năm trôi qua, mùa đông lại đến. Một tối khi ngang qua công viên, ông chợt nghe tiếng gọi vui mừng:
- Con chào cha!
Ông nhận ra ngay là chàng trai hôm nào. Dù không thể nhớ mặt tất cả những người ông đã giúp nhưng chàng trai này là một kỷ niệm đặc biệt: chưa có ai cầu xin ông một điều tương tự vậy.
- Chào con.
- Mấy hôm nay ngày nào con cũng đến đây. Con mong được gặp cha.
- Để làm gì?
- Vợ con mới sinh em bé. Ông bà ngoại mời ông nội đến ăn mừng mẹ tròn con vuông.
Giọng chàng trai đầy hi vọng đồng thời cũng rất ngập ngừng. Quả là chàng mong muốn nơi một ông già gặp gỡ tình cờ một điều hơi quá đáng! Nói xong, nhìn thấy đôi mắt nhướng lên vì kinh ngạc của ông thì chàng trai vội vàng tiếp ngay:
- Con cũng định là nếu không gặp được cha thì sẽ nói với ông bà ngoại là ông nội đang bệnh nặng.
- Chẳng ai muốn mình là người đang bị bệnh nặng cả, con trai - ông nói với một nụ cười tươi tắn trên môi - Biết tặng cháu nội món quà gì đây?

Ông bà ngoại tíu tít mừng vui khi ông đến. Còn phải nói, làng chài nhỏ bé mấy khi có khách xa về. Không phải chỉ ông bà ngoại mừng mà như là cả họ mừng vui. Hôm nay nhà này mời ông ăn một bữa, ngày mai nhà khác mời... Cứ như vậy nhà nào cũng kéo ông đến. Lần thứ nhất là sau tiệc cưới, và đây là lần thứ hai ông được bao nhiêu người mời mọc mà không phải là để nhờ cậy một điều gì. Họ nấu những con cá con tôm tươi hiếm hoi trong mùa đông và rất sung sướng khi thấy ông ngon miệng; để mừng cháu nội ông kháu khỉnh, mừng con dâu ông khỏe mạnh, mừng con trai ông đáng mặt nam nhi làng chài, vậy thôi. Họ không biết ông là ai nên không dạ thưa, không cố gắng làm ông hài lòng, không điệu bộ, không kín đáo quan sát đợi ông cau mày là vội dọn thay món khác, không chuẩn bị trước đến lúc này thì thế này và tí nữa thì thế kia... Tất cả thật giản dị như vốn là như vậy. Ông ăn và uống rượu chiết từ một cái can nhựa thật to được mua về cho tất cả mọi người cùng uống.

Ông hít thật sâu làn không khí mằn mặn của biển, thấy lòng dâng một niềm vui khó tả, và ông thấy hãnh diện khi nhìn thấy ánh mắt mọi người nhìn con trai của mình lúc nói về anh. Chỉ một năm thôi mà anh đã trở thành một trong những người đi biển giỏi nhất làng chài này. Có một đứa con trai đáng mặt nam nhi thật không dễ, ông hiểu sâu sắc điều này.
- Rảnh rỗi ông lại về thăm cháu nhé.
Câu nói và những cái vẫy tay lưu luyến khiến ông xúc động. Ông chợt thấy có lỗi khi lừa dối những con người hồn hậu chân thành như vậy. Nhưng biết làm sao đây? Nhất là khi tất cả đang rất hạnh phúc. Tất cả, đúng vậy! Đêm, nằm trong ngôi biệt thự tiện nghi của mình, ông chợt nhớ ra các món cá hơi mặn, dân chài thường ăn mặn. Bác sĩ nói quả thận của ông sẽ gặp phiền toái nếu ông ăn mặn, nhưng tại sao lúc đó ông không hề thấy đau nhức như lẽ ra? Làm sao mà ông đã ăn hết tất cả một cách ngon lành?
oOo
Cho đến một ngày... bé Bi vòng đôi tay nhỏ xíu qua cổ ông, miệng bập bẹ gọi “Ông ội ơi...” thì ông nhận ra mình đến đây không chỉ vì chàng trai, không phải vì trách nhiệm tình cờ số phận sắp đặt. Ông đến đây vì bản thân mình muốn. Mỗi lần chìa má cho bé Bi hôn, ông thấy lòng trào lên niềm xúc động lạ lùng. Bước chập chững vấp vào ngưỡng cửa, bé òa khóc giơ hai tay về phía ông tin cậy.
Ông muốn cho bé tất cả những tiện nghi mà cháu nội của ông được hưởng nhưng rồi ông không dám mang tới làng chài gì khác ngoài túi bánh qui, cái khăn len, hộp sữa...
Ông sợ. Phải, ông sợ...

Nếu biết ông là tỉ phú thì chuyện gì sẽ xảy ra? Một khoảng cách mênh mông đẩy những con người hồn hậu của làng chài ra xa tít tắp, mình ông cô đơn bên này với bao qui tắc, có qui tắc ông phải chấp nhận và có qui tắc do chính ông đề ra. Hơn vậy nữa, họ sẽ biết những đứa con của ông là như thế nào. Và... sẽ giống như những nơi ngày ngày ông đi qua, rập khuôn những lời nói, những kiểu dáng cung kính và những tính toán lợi lộc. Tệ nhất là con trai và con dâu của ông sẽ thay đổi, tiền bạc và quyền hành sẽ làm biến đổi tất cả, ông quá rõ như vậy.
Không, để có những phút giây êm đềm ở làng chài này, để có gia đình êm ấm này, ông vẫn hãy là ông nội thôi. Ông cảm thấy bứt rứt trước những món quà đẹp muốn cho bé Bi mà đành phải thôi. Nhìn bé chơi với những viên sỏi, những vỏ ốc, những cái nắp hộp bằng thiếc... ông quyết định khi bé đến tuổi đi học sẽ nói thật và đưa bé vào một trường danh tiếng nhất.

Chưa kịp thực hiện thì ông ngã bệnh. Nguy kịch đến nỗi báo chí và truyền hình ngày nào cũng đưa tin và tung ra những dự đoán cho tương lai của cơ nghiệp mà ông dày công xây đắp.

Quanh ông là những hàng rào người: bảo vệ, các cộng sự, bác sĩ, luật sư, phóng viên, những kẻ thừa kế hàng thứ nhất, họ hàng xa, họ hàng gần...

Giờ khắc tỉnh táo hiếm hoi, ông bình tĩnh truyền đạt những gì cần thiết và điều cuối cùng là gọi gia đình nhỏ của làng chài. Lệnh ban ra xong, ông cầu trời cho cuộc sống của mình đừng kết thúc trước khi kịp gặp. Nhưng ông không phải đợi một giây nào cả.
Ngay lập tức họ xuất hiện trên ngưỡng cửa. Nghĩa là họ đã ở cạnh ông từ lâu lắm rồi. Làm cách nào vào được ngôi biệt thự của ông trong giờ khắc này? Không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu người ta thiết tha muốn thì luôn có một cách nào đó. Ông thấy lòng ấm áp. Nghĩa là họ đã nhận ra ông! Còn ông thì...
- Các con biết từ bao giờ? - Ông yếu ớt hỏi.
- Ngày đám cưới đã có người nhận ra... bác. Bác nổi tiếng như vậy, đặc biệt như vậy...
- Hãy gọi bằng cha như con vẫn thường.
Ông nói và cảm thấy hạnh phúc. Đúng vậy, hạnh phúc. Và tiếc nuối.
- Cha chưa làm được gì cho các con và bé Bi - giọng ông chỉ còn là tiếng thầm thì - Nhưng ta có một món quà...
- Cha đã cho con rất nhiều rồi - chàng trai nghẹn ngào.
- Ta đã làm gì đâu... - giọng ông yếu ớt và tràn đầy hối tiếc - Nếu ta biết con nhận ra ta là ai, hẳn ta đã...
- Cha đã cho con một người vợ hiền, cha đã cho con của con những kỷ niệm về ông nội, cha đã cho con một làng chài làm quê nhà... - chàng trai bật khóc - Cha đã cho con một cuộc đời.

Khuôn mặt người sắp chết ánh lên nét ngỡ ngàng. Ông muốn nói gì đó nhưng không kịp... Chàng trai áp khuôn mặt đầm đìa nước mắt vào lòng bàn tay của người đã thay đổi đời anh từ một tối mùa đông. Sau lưng anh, bé Bi trên tay mẹ mở to đôi mắt tròn xoe, kỷ niệm cuối cùng của bé về ông nội là trên khuôn mặt khép lại xanh xao hé nở nụ cười.
THANK YOU
16-09-2018, 09:28 PM
Bài viết: #25
RE: KHÔNG ĐỀ
Đầu xuân có cô gái lên chùa cười duyên dáng, hỏi một vị tăng: – Thầy thấy tôi ăn mặc thế nào?
Vị tăng trẻ lúng túng: – Ờ… thì… không nghiêm túc kín đáo… và…!

Cô gái đưa tay vuốt mái tóc, thản nhiên nói:

– Thầy tu hành mà còn chấp quá! Tâm của thầy còn động lắm. Lục căn của thầy chưa được tinh tấn, vẫn còn vướng điều phàm tục. Tốt hơn hết, thầy nên đóng cửa nhập thất để khỏi nhìn thấy những điều bất thanh bất tịnh ở phụ nữ đàn bà!
Vị tăng trẻ mắt nhìn chăm chăm xuống đất, bước đi lẫn vào đám đông Phật tử ngược xuôi ngoài sân…

Cô gái cười nửa miệng, quay sang hỏi anh huynh trưởng:

– Anh có vui lòng chỉ cho tôi tịnh thất của Sư Trụ trì không? Tôi đang rất muốn được vào vấn an Ngài, và thỉnh giáo đôi điều!

Anh huynh trưởng nhíu mày nghĩ ngợi:

– Dẫn chị vào tịnh thất của Thầy Trụ trì thì thật là không nên chút nào… Nhưng, có lẽ phải làm điều dại dột này, vì chắc tình huống oái oăm khó xử như bây giờ, chỉ có Thầy mới đủ đạo lực khai tâm điểm đạo cho chị thấy được phải trái!

Nói rồi, anh ta mời cô gái đi theo mình, băng qua đám đông, vào phía dãy nhà sau chính điện. Anh ta dừng lại trước cửa một căn phòng, quay sang nói với cô gái:

– Chị vui lòng đứng chờ ở đây một lát, để tôi vào cáo bạch với Thầy trước, khi nào thầy đồng ý tiếp khách, tôi sẽ ra mời chị vào.

Anh huynh trưởng nhún vai ngán ngẩm, đưa tay gõ cửa ba cái. Bên trong có tiếng vọng ra: “Ai? Cần gì?”.
Anh Huynh trưởng cao giọng:
– Bạch thầy, con là Tâm Tịnh, Huynh trưởng gia đình Phật tử, có việc rất hệ trọng cần thỉnh bạch lên Thầy ạ!
Bên trong phòng vang lên giọng sang sảng: – Tâm Tịnh đó ư? Chú vào đi, cửa không khoá!

Anh huynh trưởng mở cửa, bước nhanh vào trong và đóng lẹ cánh cửa lại. Cô gái đứng tủm tỉm cười, chờ đợi với vẻ háo hức. Chừng mười phút sau, cửa mở, anh Huynh trưởng bước ra, nói:

– Chị được phép vào. Nhớ giữ ý giữ tứ một chút nhé!

Cô gái cười khẩy, bước vào phòng. Một vị tăng tuổi độ lục tuần đang ngồi trên chiếc phản mun đen bóng trong tư thế kiết già, ánh mắt sáng rực rọi chiếu thẳng vào mặt vị khách mới vào. Cô gái chấp tay xá ba cái, thưa:

– Bạch thầy, con có thắc mắc xin Thầy điểm giáo…

– Thí chủ cứ hỏi.

– Bạch Thầy, con ăn mặc như thế này, vào chùa lễ Phật bái Tăng, lại bị mọi người chê trách chỉ trích, bị Tăng phê bình bắt lỗi, xin hỏi Thầy ai đúng ai sai ạ?

– Ai cũng đúng. Ai cũng sai.

– Bạch Thầy, người phàm cố chấp đã đành, nhưng người đã xuất gia tu hành mà vướng mắc những chuyện lễ nghi giáo điều để đi bắt bẻ con, xin hỏi Thầy là đúng hay sai ạ?

– Vừa sai, vừa đúng!

– Bạch Thầy, sao là sai? Sao là đúng ạ?

– Sai, vì tu hành mà chấp nhặt những điều nhỏ nhặt. Đúng, vì giữ gìn thanh tịnh cho chốn già lam tôn nghiêm, đó là bổn phận, là nhiệm vụ phụng sự Tam Bảo, hoằng dương Chính Pháp!

– Con từng nghe rằng, ngọn cờ phấp phới bay, thật ra cờ không bay mà gió bay, nhưng thật ra gió chẳng động mà do Tâm của con người đang động.

– Thật hay! Thật hay!

– Vậy, theo Thầy thì con ăn mặc ra sao?

– Bình thường.

– Đáng trách hay đáng khen ạ?

– Hợp thời trang. Hiện đại. Gọn gàng.Tiết kiệm. Nếu người mặc không hề thấy ngượng nghịu, không chút gượng gạo, không phải âu lo, thong dong khứ đáo xuất nhập như rồng đạp mây, thì thật là đáng khen ngợi. Còn nếu mặc vào mà luôn thấy bị gò bó, thấy như bị mang của nợ, mang xích xiềng, không thoải mái khi đi đứng nằm ngồi thì thật là đáng thương, tội nghiệp, chứ không đáng trách !

Cô gái cười khanh khách ra điều thích thú. Sư trụ trì bật cười ha hả, tiếng cười tự tại vang động như đã rung chuyển cả giàn ngói rong rêu của tịnh thất. Rồi im lặng như tờ.

Cô gái cất tiếng:

– Thầy thật cao thâm, vững như bàn thạch!

– Có phải đó là mục đích chính của cô khi ghé thăm bổn tự?

Cô gái im lặng, tức đã thú nhận.

– Cô mang một chút am hiểu giáo lý nhà Phật, một chút kiến thức cơ bản về sự Tĩnh – Động, cố tâm cố ý vào chùa để thử thách cái Tâm Đạo của Tăng Ni Giáo Đồ. Sự cố ý làm cho người khác chao đảo tâm ý chính là ác tâm, chính là động rồi đó!

– Bạch Thầy, quả đúng là con động ạ. Nhưng đâu phải thấy người động mà mình phải động theo, phải vậy không Thầy?

– Phải nhớ quanh cô đều là những chúng sinh đang tu, còn tu, chứ chưa có ai đắc đạo, chưa ai giải thoát được mình!

– Chỉ có Thầy là tĩnh thôi sao?

– Vì đây là tịnh thất. Tâm người phải tĩnh, phải tịnh.

– Thầy không trách con về chuyện ăn mặc này thật sao?

– Không trách, mà còn khen. Áo quần chỉ là ngoại vật. Chúng vô tri vô giác, không tội tình gì. Chúng là vật ngoại thân, không phải là một bộ phận của thân thể con người… Và thân thể con người cũng chỉ là giả tạm… Chỉ là đất, nước, gió, lửa hội tụ tạo nên. Thân xác này còn là thứ bên ngoài, huống chi là quần với áo, xiêm với y?

– Vậy chỉ cái Tâm bên trong mới là quan trọng ạ?

– Tĩnh động đều từ nơi ấy. Cho nên, nếu cô đã có gan ăn mặc hở hang thiếu thốn vải vóc để vào cửa Thiền, thì hãy phát huy thêm bản lĩnh mà trút bỏ hết xiêm y giả tạm ra khỏi tấm thân giả tạm ngay nơi đây đi! Trút bỏ hết đi!

Sư trụ trì quát lên.

Cô gái giật bắn mình, vội quỳ mọp xuống, đầu xuống dập đất:

– Bạch Thầy… con không dám. Con xin dập đầu tạ tội. Đội ơn Thầy đã khai tâm điểm đạo!

Anh Huynh trưởng đứng chờ ngoài hành lang với ruột nóng gan sôi, cứ như đang đứng trên tổ kiến lửa. Và rồi, cánh cửa Tịnh thất đã mở toang.

Cô gái lạ lùng bước ra ngoài với vẻ mặt rạng rỡ tươi vui. Lạ lùng hơn, trên người cô khoác một chiếc áo tràng của người cư sĩ.

Cô gái cười chào anh Huynh trưởng, bước thoăn thoắt hướng về phía chính điện.

Anh Huynh trưởng bước nhón chân lại khép cánh cửa tịnh thất thật nhẹ nhàng. Giờ anh mới thở phào nhẹ nhõm.
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS