Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
MẢNH ĐỜI NGHIỆT NGẢ
09-02-2019, 01:28 AM
Bài viết: #1
MẢNH ĐỜI NGHIỆT NGẢ
MẢNH ĐỜI NGHIỆT NGẢ

Miền Nam Việt Nam thập niên một chín năm mươi. Vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, nhiều tôm cá. Người dân có một cuộc sống an bình và thịnh trị. Người lớn có công ăn việc làm ổn đình, dù có sự chênh lệch giữa giàu nghèo, nhưng bà con chòm xóm rất thương yêu nhau như người trong gia đình. Trẻ con được cắp sách đến trường, học được cái chữ, con toán, rồi về quận, lên tỉnh học những lớp cao hơn. Nói chung cuộc sống người dân nông thôn được ấm no và hạnh phúc.


Vào một buổi sáng giữa tháng Giêng, cái không khí Tết vẫn còn vương vấn đâu đó trên cành cây, ngọn cỏ. Vài chú chim muông buông tiếng hót, mấy chú vịt con theo mẹ tìm mồi trên con rạch nhỏ. Chú chó con đùa giởn trong vườn cùng với cô mèo. Khi cô mèo phóng vút lên cây, chú đành đứng dưới đất vẫy đuôi nhìn lên. Cây cỏ, đồng lúa xanh tươi, hoa nở khắp nơi trong thôn xóm. Ngoài chợ đông đúc kẻ mua người bán. Các hàng quán chay đông khách lạ thường. À! thì ra hôm nay là Rằm tháng Giêng. Các món ăn chay nổi tiếng của miền quê sông nước làm ấm lòng lữ khách phương xa cũng như bà con tại nơi đây. Người ta thấy có một thiếu phụ tuổi ngoài hai lăm đang thu mua những nông sản, hàng hoá, lương khô, vài miếng thịt ba rọi, vài ba con cá, cọng hành, củ tỏi, và nhiều thứ tiêu dùng cho bà nội trợ, chất đầy trên hai giỏ và gánh xuống bến sông. Con nít ở chợ vui vẻ nô đùa, trong khi những đứa trẻ theo mẹ ra chợ thì lấm la lấm lét, sợ sệt và cứ bám theo mẹ chúng không rời. Khi ông mặt trời vừa đi ngủ, ông trăng thay thế toả ánh sáng xuống thôn làng, thì nam phụ lão ấu nơi đây áo quần chỉnh tề kéo nhau đi cúng rằm đầu năm. Người lớn vào chùa cúng lạy, trẻ con theo ông bà cha mẹ chạy chơi lẩn quẩn trong khuôn viên chùa, các anh chị nam thanh nữ tú lại có dịp nhìn ngắm nhau, và hẹn hò tâm sự. Bỗng có một người lạ với cái quần đen mốc thít, cái áo bà ba cũ mèm, cùng đôi dép rách tả tơi bước vào chùa. Mọi người đều đổ dồn ánh mắt về người phụ nữ lạ ấy. Có một vài người nhận ra cô ấy là người thu gom hàng sáng nay ở chợ.

Qua thăm hỏi, cư dân ở đây được biết cô ấy là một người bán hàng rong trên miền sông nước. Với chiếc xuồng, cũng là nhà, và hai máy chèo phía sau, đã đưa cô đi khắp hang cùng ngỏ hẻm của vùng sông nước miền Tây. Cô ấy không có thân nhân họ hàng gì cả, nên không có vướng bận gia đình, vì vậy cô có thể chu du khắp nơi. Chổ nào đắt hàng, thì cô ở lâu một chút, chổ nào ế ẩm thì cô đi sớm một chút. Những mặt hàng mà cô buôn bán đa phần dành cho các bà nội trợ, cho nên cô quen biết nhiều nhất cũng là cánh chị em phụ nữ. Vì lẽ đó mà đến giờ này cô vẫn chưa thành lập gia thất.

Trong vùng này, giàu nhất có lẻ là ông tư Đạt. Gọi là ông chớ thật ra Đạt mới ngoài ba mươi. Dáng người khoẻ mạnh. Ông có một vợ, thành hôn đã hơn năm năm trời mà vẫn chưa có một mặt con nào. Những ngày Mười bốn, Rằm, Ba mươi, Mùng Một, hai vợ chồng ông đều đến chùa lễ Phật để cầu con. Không những đến chùa, mà ông bà còn làm rất nhiều việc thiện, để mong Ơn Trên nhìn thấy và cho ông bà một mụn con để nối dõi tông đường.

Ông Đạt hiền lành, siêng năng, nên rất được bà con chòm xóm thương mến. Hằng ngày ông ra ruộng, rẫy để chăm sóc lúa vườn và cây ăn trái. Ông vốn đã giàu, lại siêng năng chăm chỉ, nên càng giàu thêm lên. Người ta nói, phải giỏi giang, chịu khó, chịu khổ, thì mới giàu được, và ông tư Đạt là một ví dụ điển hình để bà con lối xóm, nhất là lớp trẻ, noi theo. Sự thành khẩn của vợ chồng ông tư Đạt cuối cùng đã được đền đáp khi bà tư có mang và hạ sinh một cô con gái kháo khỉnh.



Bên cạnh ông tư Đạt còn có ông hai Thành và cô Ba Cần, cũng là những con người giàu có vùng này, nhưng hai người ấy ở hai xóm kế cận với ông tư Đạt. Từ xóm này qua xóm kia phải qua sông, và phương tiện duy nhất là xuồng. Chính vì vậy mà mỗi xóm là một vùng đất riêng biệt như những hòn đảo nhỏ được bao bọc bởi những con sông và kinh.

*****


Ông Hội Đồng Huân cai quản cả một Tổng lớn thuộc vùng Bạc Liêu. Và có thể nói ông là một ông Hội đồng giàu có nhất vùng. Trong nhà người ăn kẻ ở nhiều vô số kể, họ thuộc những gia đình nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đã được ông Hội đồng bỏ tiền mua về làm gia nô cho hết cuộc đời. Sống hay chết cũng đều là người của ông Hội đồng. Có điều đáng nói là dù họ là những gia nô do ông bỏ tiền ra mua, nhưng ông luôn coi họ là một phần tử trong gia đình, và dù mang thân phận người ăn kẻ ở, nhưng tất cả luôn được ăn no mặc ấm, công việc hằng ngày cũng vừa phải với tất cả mọi người. Chính vì vậy mà ai ai cũng đều thương mến, kính trọng ông Hội đồng Huân.

Đàn ông thời xưa, khi có địa vị cao trong xã hội thường hay sinh ra cái tật "đa thê", và ông Hội đồng này cũng thế. Người vợ cả của ông đã được cha mẹ ông hỏi cưới và đã hạ sinh cho ông một cậu quý tử. Khi cậu con trai vừa tròn hai tuổi, trong một lần đi ăn giổ ở Tổng kế bên về, ông bắt gặp một cô gái có nước da bánh ít mặn mà, gương mặt sáng sủa, thân hình con gái mới lớn cân đối đều đặn. Ông bỗng thèm "hương đồng cỏ nội" bèn đến gạ tình, nhưng đã bị cô gái ấy cự tuyệt. Trong hơi men chập choạng, cùng với cơn hưng phấn ở trong lòng, ông quyết tâm chiếm cô ấy cho bằng được bằng cách hiếp dâm cô ta. Sau khi thoả mãn, ông bảo:

-Ngày mai, qua sẽ đem cau trầu đến nhà cô em để hỏi cưới cô em về làm thiếp của qua.

Cô gái khóc thút thít tức tưởi. Đời con gái của mình bỗng nhiên bị cướp một cách thô bạo, nên nói:

-Tôi không cần. Ông hãy trả lại đời con gái cho tôi đi. Tôi còn phải lấy chồng, là người tôi yêu chớ không phải là ông.

-Tôi nhất định sẽ cưới cô. Cha mẹ cô không thể nào từ chối tôi được. Những gì tôi muốn là tôi phải lấy cho bằng được.

Rồi ông dỗ dành:

-Dẫu sao thì qua cũng đã lỡ với em rồi. Thì thôi về làm vợ qua đi, qua sẽ cho em một cuộc sống sung túc và hạnh phúc.



Nói xong ông quày quả bỏ đi, để mặc cô gái ở lại khóc tức tưởi.


Sau khi bị cưỡng hiếp, và nhiều lần bị cưỡng bức, cuối cùng thì Lan cũng trở thành bà hai của ông Hội đồng. Ngày mới về nhà, Lan bị bà cả cho gia nhân trói lại và đánh đập dã man, bà nói:

-Đây là lễ nhập gia chị dành cho em. Chị không muốn em có con, nên khi có thai phải cho chị biết để chị hốt thuốc phá thai cho em. Một mình quý tử nhà chị là đủ rồi, không cần phải có em đâu, và sau này cũng không cần phải chia sớt cái cơ ngơi này cho ai. Chị nói ít, em hiểu nhiều.


Lan dù thương nhớ người yêu, nhưng giờ đây đã là người của ông Hội đồng rồi, nên cô cũng đành phải xuôi theo số phận vậy. Mỗi đêm ông Hội đồng đều ngủ ở phòng Lan. Chẳng bao lâu sau Lan có thai. Bà cả biết được ép Lan phải uống thuốc phá thai, và đứa con đầu lòng đã bị bà cả cướp mất khi nó còn chưa được thành hình. Lan âm thầm chịu đựng. Lan nghĩ cuộc đời mình đã chấm hết từ đây, và mặc kệ cho số phận muốn đưa đẩy đi đâu thì đưa. Có lẽ Lan là người nhạy con cái, nên không lâu sau đó Lan lại mang thai. Lần này Lan dấu rất kỷ, nhưng không qua khỏi những cặp mắt cú vọ của tay chân của bà cả. Và thế là...Lan bị ép uống thuốc phá thai lần nữa. Lần này, Lan quyết không nhịn nhục nữa nên kể lại sự tình cho ông Hội đồng nghe, vì khi cô thụ thai, cô đã cho ông biết. Khi biết được sự việc, ông Hội đồng giận lắm, cho gọi bà cả ra ngoài đánh cho một trận nhừ xương, và còn đem trói ở gốc cây xoài qua đêm nữa. Trước sự việc này, Lan cảm thấy hả hê trong lòng lắm, dù rằng mình đã mất đi hai đứa con chưa thành hình. Nhưng đêm về, càng nghĩ thì Lan càng tức, và ý nghĩ trả thù đã hiện lên trong đầu Lan. Phải, mình phải trả thù. Một mạng của bả đổi hai mạng của con mình cũng còn quá rẻ.

Và kế hoạch trả thù của Lan đã thành công khi chính tay cô ép bà cả uống chén thuốc độc hai đêm sau đó mà cả nhà ông Hội đồng không ai biết vì sao bà cả chết.

Bà cả chết đi khoảng mươi tháng thì Lan thụ thai. Ông Hội đồng mong có thêm được đứa con trai nữa nên ngày đêm khấn nguyện ơn trên phò hộ. Trước ngày Lan hạ sinh, ông hí hửng vui mừng bao nhiêu, thì sau đó ông lại bực tức bấy nhiều và đổ hết mọi tức giận ấy lên đầu Lan và đứa con gái nhỏ vô tội mới vừa chào đời. Khi đứa con gái của mình vừa tròn tháng, thì ông Hội đồng tuyên bố sẽ cưới vợ ba. Lễ cưới vợ ba được diễn ra long trọng không thua gì lễ cưới bà hai. Rồi một năm sau, một cậu con trai kháu khỉnh chào đời.

Thời gian dần trôi, ba đứa con càng lúc càng lớn không. Cậu hai bị thiệt thòi vì không còn mẹ để yêu thương, nhưng bù lại cậu rất được cha cưng chìu, cho ăn học đến nơi đến chốn. Có thể nói trong gia đình này, cậu hai chỉ dưới có mỗi mình ông Hội đồng. Cô ba dù có mẹ bên cạnh, nhưng không được cha thương, lại thường hay bị cha và má ba đánh đập, làm việc như một con ở, nên cô mang trong lòng ít nhiều tủi hờn, căm giận, lẫn hận thù. Cậu út ngày đêm cứ chơi bời liêu lỏng, nhậu nhẹt, gái gú, cờ bạc, không thiếu món nào, nên cũng chẳng được ông Hội đồng quan tâm cho lắm. Cậu hai học cao hiểu rộng, mưu mô xảo quyệt, lúc nào mặt cũng nhân từ, nói những lời nhân nghĩa, ai gặp cậu cũng yêu mến vì cái vẻ bề ngoài ấy, nhưng thực chất bên trong, cậu là một con người hoàn toàn trái ngược. Dần dà cậu thâu tóm hết quyền lực, thay cha cai quản tất cả mọi thứ từ nhỏ đến lớn. Ông Hội đồng ngày càng lớn tuổi, già yếu, không còn cai quản gia đình được nữa nên cậu hai đã một mình thao túng. Một hôm cậu bàn với cha:

-Thưa tía, con thấy hai em cũng đã lớn. Cô ba là con gái sớm muộn gì cũng sẽ lấy chồng. Chú tư thì không lo làm ăn gì hết, tối ngày chỉ biết ăn chơi. Nên con định bàn với tía cho họ ra riêng để họ tự chăm sóc mình vậy.

-Không được con à, dầu gì thì tụi nó cũng là em con, và hai má dù không sinh đẻ ra con, nhưng là vợ của ba, thì cũng coi như là má của con rồi. Tía muốn tất cả chúng ta đều ở chung một mái nhà, con hiểu không.

-Dạ con hiểu rồi



Dù vậy, cậu hai vẫn âm thầm tìm cách đuổi cô ba và cậu út ra khỏi căn nhà này. Với cô ba thì dễ, chỉ cần kiếm một mối nào đó tạm được gả đi là có thể tống cổ ra khỏi nhà. Đối với cậu tư thì hơi khó dù gì thì hắn cũng là con trai mà, cưới vợ thì hắn cũng vẫn ở đây chớ có đi đâu. Bày mưu tính kế với tay chân thuộc hạ, cuối cùng kế hoạch của cậu hai cũng thực hiện được bằng cách gả cô ba qua Tổng kế bên, và đẩy bà hai theo con gái. Cậu tư thì bị bắt do ấu đả với người ta rồi gây ra thương tích. Cậu tư bị bắt là nằm trong kế hoạch của cậu hai khi cho người sanh sự và đánh nhau với cậu tư khi cậu ấy sai rượu rồi kêu lính bắt. Ông Hội đồng không lâu sau đó đã qua đời, sau đám tang, cậu hai tống cổ cái gai trong mắt của mình là bà ba ra khỏi nhà dù biết rằng bà ấy sẽ không có nơi để mà đi, và phải sống kiếp ăn mày, nhưng đó chính là cái ý của cậu ta mà.

Còn số phận của bà hai thì có vẻ an nhàn hơn vì theo cô con gái, và được bên nhà chồng của cô ba thương tình cất cho một cái chòi để ở trong khu vườn nhà họ. Nhưng cuộc sống cũng bạc bẽo chán chường vì sui gia coi khinh, hằng ngày lại phải chứng kiến con gái của mình bị đày đoạ như là con ở. Hồi còn con gái đã khổ, bây giờ lấy chồng lại càng khổ hơn. Bên nhà chồng cũng có người ăn kẻ ở, nhưng cô ba trong mắt họ không phải là con dâu mà là một kẻ ở, một cái máy đẻ do họ bỏ tiền mua về. Thực chất đây chính là ý đồ của cậu hai, và cậu hai đã ra tiền để mướn nhà chồng cô ba hành hạ cô em gái cùng cha khác mẹ với mình.

Cậu tư sau thời gian ở tù vô cớ cũng đã được thả. Cậu về đến nhà thì cậu hai ra đón, nước mắt giọt ngắn, giọt dài:

-Sau khi em bị bắt, Tía nhớ em lung lắm đa. Bao ngày nhớ nhung, Tía sanh bệnh, rồi mất. Anh hai cũng nhớ em lung lắm. Hôm nay em về là tốt rồi, ở đây với anh hai, anh em mình sẽ đùm bọc lẫn nhau.

-Má em đâu rồi anh hai?

-Tía mất, Dì Ba buồn quá bỏ đi. Hôm sau anh mới hay tin và đã cho người đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Cho đến hôm nay cũng vẫn không tin tức gì. Anh hai lo lung lắm đa.

Cậu hai với khuôn mặt hiền từ, ăn nói nhỏ nhẹ, lời lẻ chí lý, biết trên biết dưới, đối xử tốt với gia nhân, cùng những giọt nước mắt cá sấu đã lừa biết bao người, ngay cả kẻ thân cận nhất của cậu ta cũng tin cậu ta là một con người rất rất tốt.



Vài tháng sau khi ra tù, cậu tư được một người bí mật, bịt kín mặt cho biết sự thật tất cả mọi chuyện. Anh ôm hận trong lòng và bỏ đi tìm Mẹ. Trước khi đi, anh ghé thăm chị ba của mình và cũng để nói lời từ giã. Hai chị em ôm nhau khóc nức nở. Trong cái nhà này, có lẻ cô ba và cậu tư là đối với nhau bằng cái lòng chân thật, vì cả hai cùng chung cảnh ngộ chăng??? Sau thời gian đi tìm mẹ không thấy, cậu tư quay về chốn cũ, nhưng sống ẩn dật ở một Tổng kế bên, rồi thành lập gia thất với con gái của một ông quan trong Tổng. Do chí thú làm ăn, cộng với tài sản mà cha vợ chia cho, cậu tư cũng đã tạo dựng một cơ ngơi vững chắc cho mình và cho con cái sau này.



Cô ba sau nhiều năm bị đày đoạ, hành hạ bởi chính gia đình của mình cũng như gia đình chồng, đã trở nên chai lỳ và thủ đoạn. Cô đã nhiều lần âm mưu đoạt mạng cha mẹ chồng nhưng bất thành. Lần này với sự trợ giúp của bà hai, cô đã bỏ thuốc độc vào thức ăn tối của gia đình chồng, và đã một lần đoạt mạng tất cả: cha mẹ, chồng, anh chị em chồng, và các cháu chồng. Và lẻ dĩ nhiên là hai thằng con trai của cô ba là những nhân vật ngoại lệ trong cuộc sát hại gia đình này. Cả gia đình chồng bị trúng độc thức ăn qua đời, nhưng không ai nghi ngờ cô ba vì ai ai cũng biết tuy là dâu con nhưng thân phận của cô cũng như người ăn kẻ ở trong gia đình này, chỉ được ăn thức ăn của kẻ ở đợ chớ đâu được ăn cùng mâm với gia đình chồng. Và đó cũng là kẻ hở để cô ba ra tay mà không một ai nghi ngờ.
Sau khi đoạt mạng cả gia đình chồng, cô ba đương nhiên trở thành người thừa kế hợp pháp cái gia sản của nhà chồng. Cô bắt đầu tạo thế lực để đối phó với cậu hai hầu đoạt hết gia sản của ông Hội đồng mà cô cho đó là phần của cô. Nhiều lần cô đề nghị cậu tư hợp tác, nhưng cậu tư đã thẳng thừng từ chối:
-Em à, chị ba thương em lung lắm đa. Thấy em cực khổ như vầy, chị thương lắm. Cái gia sản của Tía để lại cũng chính là gia sản của chị em mình. Hắn đã dùng thủ đoạn để cướp hết, giờ đây chị em mình phải lấy lại đó đa.
-Chị ba có biết không, cái gì của mình nó sẽ là của mình. Dùng thủ đoạn cướp đoạt rồi thì cũng sẽ tan biến thôi. Bây giờ chị đã thừa hưởng tài sản của gia đình chồng, thì chị lo làm ăn để khuếch trương nó lên, lo lắng cho Dì Hai, và cho con cái chị ăn học thành tài. Phần em thì cũng yên ổn với những gì bên vợ tạo dựng cho cùng với sự làm việc cần cù của em, nên cuộc sống cũng khá giả chị ạ. Đối với em như vậy là đủ rồi. Bây giờ em chỉ cầu xin ơn trên cho em một mụn con thôi vì chúng em lập gia đình đã lâu mà đến nay vẫn chưa được đứa nào.
-Thì thôi, tuỳ em vậy. Nhưng chị nói cho em biết, chị sẽ quyết tâm lấy lại tài sản ấy. Em không muốn thì cứ ngồi yên đó, đừng xen vô chuyện của chị nghe chưa.
-Chị muốn làm gì thì làm đi. Em không quan tâm.

****



Thời gian lặng lẻ trôi qua. Sau nhiều lần đối đầu, cô ba cũng chẳng làm gì được cậu hai, lại còn bị cậu hai trả đủa gay gắt. Cô ba đành ôm hận nằm êm chờ thời cơ. Ấy vậy mà cũng đã hơn mười năm rồi, con cái cũng đã trưởng thành. Giờ đây mối hận năm xưa cô phải truyền lại cho con cái để chúng rửa hận cho mình. Nghĩ vậy nên ngày ngày cô luôn tiêm nhiễm vào đầu chúng mối hận thù phải rửa. Bày cho chúng những mưu kế quỷ quyệt để hại cậu và anh em họ của mình. Nhưng những đứa con của cô cũng như của cậu hai đều không có tâm địa ác độc như cha mẹ chúng, cho nên chúng đã không làm theo những gì mà cha mẹ chúng sắp đặt. Mà chúng còn hợp lực với nhau để hoá giải mối hận thù trong gia đình, để tất cả mọi người sống với nhau chan hoà, yêu thương, và hạnh phúc.



Thật ra, sau khi ở tù về, và biết Mẹ mình đã bị anh trai đuổi ra khỏi nhà, cậu tư giận lắm, đi tìm mẹ mà trong lòng luôn nuôi ý trả thù. Chàng hận tía, hận anh trai, hận đời, hận tất cả. Nhưng sau năm tháng đi tìm mẹ không thấy, chàng đành quay về quê cũ. Không lâu sau đó, chàng bất ngờ gặp mẹ mình lang thang ở bến chợ. Thì ra mẹ chỉ ở cạnh đây chớ không đi đâu xa hết. Hai mẹ con đoàn tụ trong mừng mừng tủi tủi cùng những giọt nước mắt lăn tròn. Gặp lại mẹ, chàng cũng vẫn nuôi ý định trả thù, nhưng nhờ có lời khuyên của mẹ, của vợ, và gia đình vợ, dần dà chàng đã nguôi ngoai và quyết định không nghĩ đến chuyện thù hằn nữa. Chàng chí thú làm ăn để tạo dựng cơ ngơi và sốngcuộc đời êm ả. Tuy nhiên Đạt và Hạnh cưới nhau đã hơn năm năm trời mà vẫn chưa có một mụn con nào. Ngày Mười Bốn, Rằm, Ba Mươi, Mùng Một hai vợ chồng đều viếng lễ chùa để cầu xin con cái, nghe thầy bà nào hay, hai vợ chồng cũng đều đến tìm hiểu chữa trị, mà vẫn không chút động đậy nào. Buồn lắm nhưng không biết phải làm sao. Và hôm nay cũng vậy, hôm nay là Rằm tháng Giêng, một trong những Rằm lớn trong năm, hai vợ chồng tư Đạt đi viếng lễ chùa cũng không ngoài mục đích cầu con.



Nơi đây có lẻ là vùng đất ấm áp và dễ sống nên cô năm Huệ, tên của cô gái bán dạo dưới sông, quyết định dừng chân một thời gian dài. Những khi mưa gió dầm dề là những lúc cô buôn bán đắt hàng nhất vì các bà nội trợ ngại ra chợ. Nhưng khi đêm về, cô bỗng thấy mình cô đơn chi lạ. Ngoài trời mưa gió, trên lộ bùn lầy, nhà nhà đóng cửa tối om. Những ngọn đèn dầu hắt ra ánh sáng yếu ớt qua khe cửa, những tiếng côn trùng rên rỉ, càng làm cho cô cảm thấy cô đơn hơn, buồn chán hơn. Những đêm như vậy, cô thường thu mình trong một góc ghe và mơ ước một mái ấm gia đình, mơ ước một bờ vai vững chắc để cô có thể tựa đầu vào. Sau những đêm dài trăn trở trong chiếc ghe nhỏ chòng chềnh bên ngọn đèn dầu trứng vịt loe loét dưới những cơn mưa nặng hạt, cô quyết định tìm một chổ nương thân chốn này. Nhưng tìm lựa, chọn lọc mãi cũng chẳng được ai. Những người bằng tuổi cô đều đã có gia đình, con cái, những chàng trai trẻ hơn thì không xứng với cô. Quanh đi quẩn lại, cô thấy chỉ có Tư Đạt là chổ tốt nhất để gởi gấm tấm thân này. Từ suy nghĩ ấy, cô quyết định tìm cách gần gũi Tư Đạt. Và sau nhiều lần đem hàng lên bán, cô đã có cơ hội để chiếm lấy trái tim anh Tư Đạt vào một buổi trưa hè khi vợ anh đi lễ chùa vắng nhà.



Sự đời lắm lúc oái oăm, Tư Đạt thành hôn đã nhiều năm mà không có con, và hôm nay, qua sự thành khẩn cầu xin của cả hai vợ chồng, vợ anh cuối cùng đã báo một tin vui vào một buổi chiều đẹp trời sau khi anh Tư đi làm đồng về:
-Anh, em có cái này muốn nói với anh nè.
-Chuyện gì vậy em?
-Anh sắp được làm cha rồi.
-Thiệt hông? Bao lâu rồi?
-Dạ thiệt, mới thôi anh.
-Sao em biết?
-Hôm nay đi chợ, bỗng nhiên em bị ói khi xuống chợ cá. Chị Tám đưa em đến Ông Năm Thinh bắt mạch thì ông ấy cho biết là em đang có mang.
-Ôi! tạ ơn Trời Phật. Cuối cùng rồi con cũng có con.


Niềm vui ấy chưa được bao lâu thì cô nhân tình của anh cũng cho một tin vui:
-Anh yêu.
-Gì em?
-Em có món quà tặng anh nè.
-Quà gì?
-Món quà mà anh mơ ước bấy lâu đó.
-Là quà gì?
-Món quà mà vợ anh không thể cho anh được đó.
-Là quà gì nói lẹ lẹ đi, anh còn phải đi về nữa.
-Anh không được bỏ em đâu à nha.
-Em à! anh đã có gia đình rồi. Gia đinh mới là quan trọng đối với anh.
-Thế còn em là gì? Em không quan trọng à?
-Nhưng như vậy thì thiệt thòi cho vợ anh lắm. Anh có lỗi với cô ấy.
-Thiệt thòi cho vợ anh, rồi có thiệt thòi cho em không? Bộ anh không có lỗi với em à?
-Chúng ta dẫu sao cũng đã sai rồi, hãy dừng lại đi em, trước khi quá muộn.
-Bây giờ muộn rồi anh à!
-Là sao?
-Vì em đã có con với anh.
-Em nói láo!!
-Không tin thì anh cứ chờ xem. Hay là ngày mai anh đưa em đi bắt mạch đi sẽ biết.
Không nói thêm lời nào, Tư Đạt quầy quả bỏ về, mặc cho cô nhân tình tức tối kêu la om sòm.



Ngày hôm sau Tư Đạt đưa cô người yêu của mình đi bắt mạch thì được thầy cho biết là đã mang thai được vài tuần. Nghe xong, Tư Đạt bỗng tối sầm mặt mũi, nghe như sét đánh ngang tai. Sau nhiều năm cầu khẩn, bỗng nhiên hôm nay anh lại có hai đứa con chỉ cách nhau non một tháng với hai người đàn bà khác nhau.

Sao mà oái oăm thế. Mình đã sống với vợ ngần ấy năm giờ mới được mụn con, còn cô ta mới chỉ có vài lần qua lại, vậy mà đã đậu rồi. Giờ biết tính làm sao. Phải chi, phải chi... Tư Đạt lẩm bẩm một mình, suy nghĩ nát cả óc, mà vẫn không tìm ra giải pháp nào. Còn Huệ thì càng lúc càng đeo chặt hơn. Cô ta có thể thổ lộ tình cảm ở bất cứ nơi đâu mà không biết ngượng. Hàng xóm đã nhiều lần chứng kiến, và cuối cùng sự việc cũng đến tai vợ Tư Đạt. Tức mình cô mang cái bụng bầu đến gặp Huệ để nói cho ra lẻ:
-Nè cô, anh Tư đã có vợ và bây giờ sắp có con. Tôi khuyên cô đừng nên qua lại với ảnh nữa.
-Chị lấy quyền gì mà cấm tui?
-Lấy quyền làm vợ của ảnh..
-Tui cũng là vợ của ảnh nè, và còn mang giọt máu của ảnh nữa.
-Cô nói sao? Cái thai này là của anh Tư à?
-Vậy chớ của ai!!
-Cô ăn ở với ai mang bầu rồi đổ cho anh Tư à. Ngay bây giờ, tôi muốn cô rời khỏi nơi đây ngay lập tức. Nếu không thì sẽ biết tay tôi.
-Chị doạ tui đó à! Con này là thứ trôi sông lạc chợ, thứ gì cũng đã từng gặp, tui không sợ đâu. Chị có giỏi thì làm gì được tui.

Vợ Tư Đạt tức quá xông vào định tát cho Huệ một bạt tay, ai dè bị Huệ giữ chặt tay và xô chị Tư Đạt té xuống đất. Mấy ngày sau, Huệ còn ngang nhiên xông vào nhà anh chị Tư Đạt và nói rằng đây là nhà của mình làm chị Tư tức điên người nhưng không làm gì được vì Huệ quá hung dữ. Huệ càng lúc càng ngang ngược, thường xuyên đến nhà quậy phá chị Tư mỗi khi anh vắng nhà. Rồi một hôm, hai người đàn bà ấu đả nhau, Huệ xô chị Tư ngã trúng cạnh bộ ván gõ té nhào xuống đất, xong bình thản bỏ ra về. Chị Tư bị đau quá, ráng bò ra ngoài gọi hàng xóm, cũng may có người đi qua nên kịp thời mang chị đi bệnh viện. Cô con gái kháo khỉnh đã chào đời, và chị Tư đã trút hơi thở cuối cùng. Ngay sau khi vừa chôn cất chị Tư xong, Huệ ngang nhiên dọn vào nhà của anh Tư ở. Bà con lối xóm xì xầm bàn tán liền bị Huệ chửi cho một trận. Huệ dữ quá, thêm anh Tư có phần nhu nhược nên bà con lối xóm bỏ mặc, không ai bàn ra tán vào nữa. Anh Tư thì trở nên bệ rạc, bạc nhược sau khi vợ mất. Vì không muốn sống chung với Huệ, và cũng không muốn đuổi Huệ ra khỏi nhà vì nàng mang con của mình, hơn nữa anh Tư cũng cần có người chăm sóc bé Ân, nên anh cứ bỏ nhà đi nhậu từ sáng sớm đến tối mịt. Ngày nào anh cũng say sỉn, té bờ, té bụi, không màng chăm sóc đến đứa con gái vừa mới đầy tháng của mình.

Ban đầu vì bé Hồng Ân còn nhỏ, vả lại muốn lấy lòng Tư Đạt nên Huệ chịu khó thức khuya dậy sớm chăm sóc dỗ về bé, nhưng từ khi Huệ sinh bé Phượng thì sự chăm sóc chu đáo cho bé Ân không còn nữa. Hai bé gái càng lúc càng lớn theo thời gian. Ân mới học đến lớp năm đã bị bà Huệ bắt thôi học. Ân năn nỉ xin cha nhưng tư Đạt nhu nhược không dám cãi lời Huệ, và trốn tránh trách nhiệm bằng cách bỏ đi nhậu.



Tư Đạt càng lúc càng bê tha, bệ rạc, hết nhậu lại cờ bạc, bỏ mặc công việc nhà cửa ruộng vườn cho Huệ. Bé Ân hàng ngày bị bà Huệ hành hạ, đánh đập, làm việc cực nhọc, ngủ nhà kho, ăn không no, áo quần không có mặc, ngược lại bé Phượng thì có được đầy đủ vật chất, được học hành lẫn sự yêu thương của mẹ. Những điều này đã làm cho bé Ân căm thù mẹ ghẻ lẫn em gái của mình.


Hai mươi năm trôi qua, từ khi biết chuyện, Ân chẳng có một ngày sung sướng và hạnh phúc. Từ tờ mờ sáng đã phải dậy lo việc bếp núc, heo gà vịt, rồi ra đồng ra rẫy, làm lụng vất vả cho đến khi tối mịt, lại còn bị bà Huệ hành hạ, chửi bới, đánh đập. Có khi bà Huệ còn lôi cả má Ân ra để chửi. Còn ông tư Đạt, sau một lần nhậu say đã xảy ra tranh chấp và đánh lộn với đám thanh niên ở xứ khác, đã qua đời, do bị bọn chúng đánh hội đồng rồi thả trôi sông. Từ đó Ân càng đau khổ hơn, và mối thù trong lòng càng lúc càng lớn hơn sau mỗi lần bị bà Huệ đay nghiến. Cái câu mà ông bà xưa để lại: "mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi má lót lá mà nằm" rất đúng trong trường hợp của Ân.


Ân và Phượng đều lớn nhanh theo thời gian, và hai chị em trở thành tâm điểm của đám trai làng vì sắc đẹp, vì sự giỏi giang. Phượng được mẹ cho lên thành thị để tiếp tục công việc học hành, trong khi Ân vẫn phải đầu tắt mặt tối gánh vác mọi việc từ lớn đến nhỏ trong gia đình. Không những thế, Ân vẫn còn phải cắn răng chịu đựng những trận đòn vô cớ từ bà mẹ ghẻ quái ác kia. Ngày hè năm ấy, Phượng về quê nghĩ hè, vài hôm sau có một chàng trai khôi ngô tuấn tú cỡi trên chiếc Dream II đến tìm Phượng. Bà Huệ thấy chàng trai sang trọng, khoái chí, tươi cười híp cả mắt:

-Mời cháu vào nhà chơi. Cháu đến tìm bé Phượng à?

-Dạ, có Phượng ở nhà không Bác?

-Có, em nó đang ở trong buồng. Cháu là gì của Phượng?

-Dạ cháu là bạn học của Phượng.

-Ồ, nhà cháu ở thị xã à?

-Dạ, gia đình cháu có công ty vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, và Ba cháu là Tổng giám đốc.

-Vậy hả. Vậy chắc mai mốt cháu nối nghiệp cha.

-Dạ, Ba cháu muốn vậy.


Nghe tiếng ồn ở ngoài, Phượng đi ra và bất ngờ khi gặp Nhân ở đây:

-Ủa, anh đến hồi nào vậy?

-À anh đến nãy giờ rồi. Nãy giờ anh trò chuyện với Bác gái đây. Bác vui tính ghê.

-Sao anh biết nhà em mà tìm hay vậy?

-Thì anh hỏi thăm. Ở tỉnh đường phố mênh mông anh còn tìm ra, huống hồ ở đây. Chỉ cần biết em chở địa phương nào thì anh đến và hỏi thăm thì ra thôi. Đường đi trong miệng mình mà em.

-Trai tỉnh có khác. Lanh lợi và lịch thiệp, không như đám trai làng ở đây, quê mùa cục mịch lại thích nhậu-Bà Huệ chen vào.

-Thôi cháu ở đây chơi nói chuyện với Phượng, để Bác vào bếp nấu mấy món mời cháu ở lại dùng cơm với gia đình Bác cho vui.

-Dạ cháu cám ơn Bác.


Sau khi bà Huệ xuống bếp, Nhân nhìn lên bàn thờ và tò mò hỏi Phượng:

-Người đàn ông bên phải là Ba em phải không?

-Dạ đúng rồi anh.

-Còn người đàn bà bên trái là ai vậy?

-Ồ đó là mẹ của chị Hồng Ân. Em và chị Hồng Ân là chị em cùng cha khác mẹ. Mẹ chị ấy mất sau khi sinh ra chị ấy.

-Vậy hả. Sao hồi đó giờ hổng nghe em nói?

-Tại anh hỏng hỏi, nên em hỏng nói thôi.


Không bao lâu sau thì cơm nước đã xong. Sau đó bà Huệ mời Nhân và cô con gái rượu ăn cơm trưa ở nhà sau. Đang giữa bửa thì Hồng Ân về, quần áo lâm lem lấm luốc. Thấy chị về Phượng mừng lắm, vì Phượng lúc nào cũng thương yêu và che chở cho Hồng Ân mỗi khi chị ấy bị mẹ đánh đòn từ hồi còn bé tí. Phượng chạy lại nắm lấy tay Ân và giới thiệu:

-Chị, đây là anh Nhân, bạn học của em ở trên tỉnh.-Quay sang Nhân, Phượng nói: Anh, đây là chị Hồng Ân mà em nhắc với anh đó.



Hồng Ân và Nhân chào nhau. Bà Huệ thấy có Nhân làm bộ giả lả hỏi han công việc của Ân hôm nay và kêu ngồi xuống ăn cơm chung. Ân thì còn lạ gì tính của bà dì ghẻ nên đã viện lý do quần áo dơ, đi tắm để từ chối. Ngay vừa sau khi Nhân về, bà Huệ liền vào phòng Hồng Ân và nói:

-Con tao nó là lá ngọc cành vàng, nên nó mới được con trai nhà giàu trên tỉnh thường. Còn mầy là thứ mồ côi, nghèo hèn, thất học, đen đúa, đừng có hòng mà lấy chồng giàu. Mầy có nước mà lấy mấy cái thằng quê mùa cục mịch, nát rượu như thằng cha của mầy, và nghèo suốt kiếp.

-Chuyện đó thì sau này hãy tính đi hé. Bây giờ con cần nghĩ ngơi, mời dì đi ra khỏi phòng con, làm ơn.


Sau đoạn đối thoại đó, Ân quyết tâm trả thù. Thật ra Ân đã có tâm trả thù ngay từ lúc còn bé, sau khi bị bà dì ghẻ đuổi ra khỏi nhà trong đêm mưa gió, nhưng lúc đó chỉ là tâm tư của một đứa con nít bị đánh đập, hất hủi, chớ không trào dâng với những mưu mô tính toán như hôm nay. Và kế hoạch đầu tiên là bằng mọi giá Ân phải cướp đi Nhân trên tay của đứa em gái luôn thương yêu mình. Ngày kia, khi Ân vừa về tới nhà từ ruộng, thì bị bà dì ghẻ đứng sau cánh cửa vô cớ giơ tay tát vào mặt Ân. Nhưng Ân đã nhanh tay và chộp lấy cánh tay bà dì ghẻ gằn từng tiếng:

-Tôi bây giờ chớ không phải là con bé Ân ngày xưa đâu nhé. Bà đừng có hòng mà bắt nạt tôi nữa, coi chừng tôi sẽ cho bà biết tay đó.

Vừa nói dứt lời thì Ân nghe tiếng xe của Nhân ở ngoài ngỏ, bèn giả đò quỳ xuống năn nỉ khóc lóc. Bà Huệ tưởng con bé biết sợ liền lớn tiếng chửi mắng, nắm đầu, ghịt tóc, và tát vào mặt Ân lia lịa khiến máu mũi và miệng chảy ra. Vừa lúc Nhân vào đến chứng kiến toàn bộ sự việc. Bà Huệ có lời giải thích nhưng Nhân không tin và dìu Ân ra xe để đưa đi trạm xá. Hai người đi rồi, bà Huệ mới biết rằng mình bị mắc mưu, nhưng đã muộn. Về phần Ân, thì nàng cho đây là cơ hội quý giá để nàng chiếm đoạt Nhân từ tay của em gái mình. Vì vậy sau khi rời trạm xá, Ân đã năn nỉ Nhân để được lên tỉnh chơi:

-Anh Nhân, hồi nào giờ em chưa có dịp đi ra tỉnh, chỉ lẩn quẩn ở cái xó xỉnh này, hôm nay, sẵn có dịp, anh chở em một vòng ra tỉnh chơi nha.

-Nhưng mà từ đây lên đó hơn mười cây số lận, xa lắm, rồi về nhà tối, dì em lại mắng và đánh em nữa thì sao.

-Không sao đâu anh, dù có bị dì đánh em cũng mãn nguyện vì đã được ra tỉnh chơi.

Năn nỉ một hồi thì Nhân siêu lòng và đồng ý chở đi. Lên tỉnh Nhân đưa Ân đi lòng vòng khắp nơi cho biết, rồi ăn uống. Đi chơi một lúc đến hơn mười giờ đêm, Nhân ngại đường về quê tối tăm, nguy hiểm nên đã gợi ý mướn phòng trọ để Ân ở lại qua đêm. Ân thì muốn về nhà Nhân vì lúc chiều đã ghé qua thấy được căn biệt thự đồ sộ nguy nga. Và ý muốn chiếm đoạt càng mãnh liệt hơn. Nhưng Nhân đã từ chối vì không thể đưa Ân về nhà được. Cuối cùng thì Ân cũng đồng ý ở lại phòng trọ qua đêm.


Bằng những thủ đoạn gian xảo nhất, nàng đã dần trở thành mợ Hai của một gia đình giàu có. Nhưng bà mẹ chồng thì cũng chanh chua chát khế không khác gì bà dì ghẻ ở quê. Ngay từ lúc đầu gặp mặt, bà đã không hài lòng về cô con dâu tương lai quê mùa dốt nát, và lại nghèo kiết xác này, nhưng vì chìu lòng con trai, và cũng vì cái mặt mũi của gia đình nên bà cố nén lòng đồng ý. Bà đã nhiều lần nhắc với cô con dâu nhà quê rằng: muốn thật sự trở thành mợ hai của nhà này, thì cô phải sinh cho tôi một đứa cháu trai để nó nối dõi tông đường, còn bằng không thì tôi sẽ cưới vợ khác xứng đáng với con trai tôi hơn cô cho nó. Tôi cho cô thời hạn một năm.



Những lời cay nghiệt của bà mẹ chồng hằng ngày cứ ẩn hiện trong đầu Ân càng làm cho dã tâm của nàng dâng cao mãnh liệt hơn. Vì mặt mũi nhà chồng, do đó nàng cũng được cho chưng diện, tập lái xe gắn máy, và được chồng mua cho một chiếc xe Honda để đi đây đó cũng như tiện về quê thăm nhà. Những lần về quê, nàng luôn tỏ ra mình là một người giàu có, được nhà chồng thương yêu, và luôn có những thái đổ để chọc tức bà dì ghẻ, càng làm cho bà ấy tức điên lên. Trong một lần đôi co cự cãi, bà dì ghẻ đưa tay định tát vào mặt Ân, nhưng nàng đã nhanh tay hơn, chụp lấy tay bà và xô bà ngã xuống đất. Sự xô xát ấy đã cướp đi sinh mạng bà dì ghẻ của Ân vì miếng ván dưới đất có cây đinh to đã ghim vào đầu bà. Ân nhìn thấy nhưng không chút hoảng hốt, mà lạnh lùng bỏ đi. Nàng ra mộ song thân và nói với hai người rằng nàng đã trả được thù.

Về làm dâu không bao lâu sau thì nàng mang thai. Cả gia đình chồng vui mừng hớn hở, và bản thân Ân cũng vậy. Nàng nghĩ cuộc đời mình sẽ sang trang từ đây. Gia đình chồng hết mực thương yêu nàng. Bà mẹ chồng không còn cay đắng với nàng nữa, mà luôn tỏ ra ngọt ngào thương yêu. Từ nhỏ đến giờ, nàng chưa bao giờ được yêu thương, nên nàng rất cảm động và trân quý những tình cảm ấy. Nhưng nàng lại nghĩ rằng, tất cả chỉ là giả dối mà thôi, vì nếu lỡ thay nhi trong bụng là gái, thì mọi thứ sẽ lật ngược trở lại, và nàng sẽ trở về như những ngày đầu mới bước chân vô cái gia đình này. Chính vì thế, bằng mọi giá nàng phải có con trai. Khi thai nhi đã đủ để có thể biết là trai hay gái, nàng đã một mình đi khám và té ngửa khi bác sĩ cho biết thai nhi trong bụng là gái. Ân đau buồn than trách cho số phận của mình. Không thể để mất đi những gì mình đang có được, nàng bắt đầu giở những thủ đoạn với gia đình chồng. Do thường xuyên đi khám thai, và cũng do chồng luôn bận rộn với công việc cùng ba chồng, còn bà mẹ chồng thì thường xuyên vắng nhà đi cờ bạc, cho nên nàng đã có nhiều thời gian, cơ hội để bày mưu tính kế cho tương lai của mình. Rồi ngày giờ sinh nở cũng đã đến, nhưng gia đình chồng không hề hay biết, vì nàng đã báo sai thời gian, nàng mới bàn với chồng đưa ba mẹ về quê để tảo mộ ông bà vì cũng cận ngày Tết, còn nàng ở lại trông chừng nhà cửa. Gia đình chồng thấy có lý, bèn lên kế hoạch về quê theo ngày con dâu đưa ra. Buổi trưa ngày gia đình về quê, cũng là lúc nàng chuyển bụng và sinh con. Một đứa bé gái kháo khỉnh, nhưng nàng đã nhẫn tâm tráo nó để mang về một bé trai. Vì lợi ích cá nhân, nàng đã vứt bỏ giọt máu của mình cho người xa lạ. Về phần gia đình chồng thì khỏi phải nói, họ vui mừng hơn cả trúng số độc đắc, đứa cháu trai là báu vật số một trong gia đình, thì nàng bây giờ cũng là báu vật số 3, dưới con trai họ. Nhưng phàm ở đời, khi đã đạt được tham vọng này, thì người ta lại bày trò để đạt được tham vọng kế tiếp. Hơn nữa, người gian dối bao giờ cũng sống trong lo âu, sợ hãi, và luôn tìm cách để che đậy nó. Đã không ít đêm Ân ngủ mớ nói nhảm những chuyện xấu mà mình đã làm, nhưng khi chồng hỏi thì nàng chối và nói là do xem phim nên nó đi vào giấc ngủ.

Thời gian dần trôi, và đứa con ngày càng lớn lên. Khi đứa bé càng lớn thì cái nét của nó lại không giống một ai trong gia đình. Bà Nội bắt đầu nghi ngờ và âm thầm điều tra. Cuối cùng qua sự khám nghiệm DNA, bà đã phát hiện đứa cháu nội bấy lâu mình yêu thương không phải là giọt máu của gia đình. Bà tức giận về nhà gây gổ với con dâu, và hậu quả là bà đã bị con dâu của mình đoạt mạng. Sau khi giết bà má chồng, Ân bỏ về quê để tạo chứng cớ không ở hiện trường. Nhưng lưới trời lồng lộng đã đưa nàng vào vòng lao lý sau những cuộc điều tra của nhà chức trách.


Bản án mấy mươi năm tù thay cho tử hình do được cha chồng cùng chồng nàng xin ân xá, cũng như sự rộng lượng bỏ qua của đứa em cùng cha khác mẹ về tội danh giết mẹ kế của mình đã làm nàng ăn năng hối hận. Giờ đây nàng rất nhớ đứa con gái của mình, nhưng không biết nó đã lưu lạc nơi đâu dù chồng nàng đã cất công tìm kiếm. Mỗi năm đến dịp Xuân về Tết đến là nàng lại nhớ day dứt đứa con mình đã mang nặng đẻ đau mà đành lòng vứt bỏ để đổi lấy sự giàu sang phú quý mà nàng cũng chẳng được hưởng bao lâu. Và hôm nay cũng vậy, trong bốn bức tường lao lý, nàng trằn trọc nhớ lại những nỗi cơ cực của tuổi thơ, những oán hờn, những mưu toan tính toán, tráo đổi con ruột của mình, và trên tất cả là một kẻ sát nhân lạnh máu. Hôm nay đã là Hai mươi Bảy Tết, mọi người bên ngoài đang vui vẻ chuẩn bị đón mùa Xuân mới, còn nàng trong chốn lao tù này cũng đã thấm thía với cái câu: Mỗi người sinh ra trên cõi đời này đều mang một số phận nghiệt ngả" để từ đó gặm nhấm những lỗi lầm của mình.

Quốc Thái


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (14-02-2019 11:01 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS