Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
26-06-2019, 06:23 PM (Được chỉnh sửa: 27-06-2019 05:45 AM bởi dieuquang.)
Bài viết: #1
THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
MẠN PHÉP COPY NHỮNG CÂU CHUYỆN THIỀN CỦA SƯ GIỚI ĐỨC MÀ dq tạm hiểu và thấy biết .
1/ TÊN ĂN TRỘM

Có tiếng ồn ào ở phía trên rẫy, nhà sư vừa bước ra khỏi thiền thất thì chú Liễu Minh cũng vừa đi tới.

– Bạch thầy! Rẫy mình vừa bị mất trộm, sáng nay lên nhổ sắn chúng con mới biết.

– Thế à!

– Dạ mất đâu khoảng chừng vài vồng.

Nhà sư dừng lại, chậm rãi nói:

– Con ạ! Mất sắn và trộm sắn không phải là vấn đề của chúng ta! Là kẻ tu hành, vấn đề của chúng ta là, nhân đó, ta thử lắng nghe lại lòng mình một cách trung thực hơn. Ta sẽ lắng nghe rằng: ta có thể rộng lượng tha thứ được cho người chăng? Ta có móng khởi một tiếc rẻ nào khi mất đi một ít vật chất, của cải? Ta có thể san sẻ cho người bằng cách nhịn ăn một vài bữa! Và, sau hết, trong ta có dậy mối bất bình, phiền não chăng? Chúng ta là người học hạnh giải thoát, có gì phải giải quyết ngoài những vấn đề tương tự?

Liễu Minh sững lại, nhà sư mỉm cười nắm tay chú theo lối mòn lên rẫy.

Liễu Minh nói:

– Bạch thầy! Hồi nãy, con với chú Bất Đạt cãi nhau. Con thì nói tha. Chú Bất Đạt lại nói bắt. Con và chú ấy thường có quan niệm bất đồng.

Bất Đạt và Bất Ác từ trong những lùm sắn bước ra, mỗi người tay xách mấy chùm sắn vụn. Thấy nhà sư, Bất Đạt cất giọng oang oang:

– Bạch thầy! Cái lũ ăn trộm này, gặp con, chúng sẽ biết tay!

Liễu Minh cãi lại:

– Biết tay như thế nào? Chú bắt chăng? Ý thầy là thầy sẽ tha cho phù hợp với tâm từ!

Nhà sư nói:

– Không , Liễu Minh con! Thầy không tha! Vì tâm từ nên thầy không tha!

Bất Đạt reo lên:

– Đó, chú Liễu Minh thấy chưa? Vì tâm từ nên thầy không tha, thầy sẽ bắt.

Nhà sư cười:

– Không, Bất Đạt con! Thầy không bắt! vì tâm từ nên thầy sẽ không bắt.

Cả ba chú đều ngơ ngác:

– Bạch thầy thế thì…

Thấy vầng trán và cặp chân mày của Liễu Minh cau lại, nhà sư dịu dàng nói:

– Liễu Minh! Con hiểu về tâm từ như thế nào mà bảo nên tha?

– Vì tâm từ là thương người, yêu chúng sanh, mong chúng sanh thảy đều yên vui, hạnh phúc!

– Như vậy, vì tình thương mù quáng, con sẽ dung dưỡng kẻ trộm trên thế gian!

Bất Đạt góp lời:

– Vì không muốn dung dưỡng kẻ trộm trên thế gian, cho nên, con sẽ bắt mới đúng nghĩa tâm từ!

– Như vậy, vì tâm từ nóng vội con sẽ nuôi dưỡng hận thù giữa cuộc đời!

Im lặng một lúc, nhà sư tiếp:

– Các con ạ! Tâm từ là vậy mà không phải vậy. Thật ra, trong các con, chưa ai hiểu tâm từ là gì!

Biết là cả hai chú đều rơi vào hoài nghi to lớn, nhưng nhà sư vẫn chưa trả lời vội, người dẫn cả ba chú đến một lùm cây rậm, chỉ vào đám cỏ rạp.

– Đêm kia, thầy thấy cậu ăn trộm rình núp ở đây. Người bạn ăn đêm kiên nhẫn đợi thầy tắt đèn và đi nghỉ, nên thầy đã tắt đèn và đi nghỉ!

Không cưỡng được ý mình, Liễu Minh buột miệng:

– Thế là thầy đã tha!

– Ừ! Thầy đã tha nhưng cái tha của thầy khác với cái tha của con. Thầy tha mà không dung dưỡng kẻ trộm trên thế gian. Rồi con sẽ hiểu điều ấy.

Im lặng một lúc, Chú Liễu Minh lại nói:

– Thế là con sai ít mà chú Bất Đạt sai nhiều. Thầy đã không bắt!

– Không, không phải thế đâu con! Thầy có bắt, nhưng không nuôi dưỡng hận thù, nên cái bắt của thầy khác với cái bắt của Bất Đạt!

Đầu óc của các đệ tử rối loạn như một mớ bòng bong, như tổ chim, chẳng biết đạo lý câu chuyện nó nằm ở đâu nữa!
Buổi chiều, trong giờ học Đạo, nhà sư lấy trong túi ra một lá thư bằng giấy học trò, nét chữ cứng cáp, không thẳng hàng thẳng lối, chẳng có chấm phết, sai chính tả lung tung.

Liễu Minh và Bất Đạt chăm chú đọc:

“Thưa thầy,

Thầy biết con là thằn ăn cắp không những hai vồng thắn mà còn ăn cắp một tượng Phật nhỏ bằng đồng đen, ăn cắp mười giò phong lan tước đây nữa. Thầy biết mà thầy lặng lẽ không nói với ai, cũng không hề tả lời một câu khi công an xã qua điều ta! Bây giờ thầy lại còn giúp con vốn liếng, tiền ăn tiêu mười ngày để con lên “đá bạc” khai thác đá là nghề cũ tước đây của con. Tiền thầy cho, con còn dư dã để thắm thanh dụng cụ hành nghề. Ơn đức thầy thật là kể thao cho xiết. Con hứa từ nay cho đến tọn đời, con thề làm người lương thiện để khỏi phụ tấm lòng cao cả của thầy.

Con, …”

Lá thư bên dưới có ký tên nhưng nhà sư đã lấy kéo cắt đi rồi.

Bất Ác bây giờ mới cất giọng nói:

– Con nhận nhiệm vụ bí mật của thầy, con biết cả. Con nghe hai chú Liễu Minh và Bất Đạt cãi nhau, con chỉ cười.

Nhà sư hỏi:

– Con cười sao?

– Con cười vì cả hai chú đều sai!

– Không đâu con! Cả hai chú đều không sai!

Câu trả lời của nhà sư thật bất ngờ.

Nhà sư lại phải giải thích:

– Cả hai không sai, nhưng cả hai chú đều không đúng! Tại sao vậy? Vì trên sự tướng, tha hay bắt không quan trọng. Tha hay bắt chỉ quan trọng là khi tha để làm gì và bắt để làm gì? Tha rồi có giáo hóa được người và bắt thì có giáo hóa được người? Trên tất cả, đối với chúng ta, tha hay bắt là để học bài học giác ngộ mà thôi!

Bất Đạt chợt nói:

– Ý con cũng có thể là vậy lắm! Con bắt rồi con sẽ tìm cách giáo dục người ta nữa chứ!

Liễu Minh nhíu mày:

– Chú mà giáo dục! Chú thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì có! Rồi chú còn bắt trói người ta mà giải qua công an! Cái bắt đó là cái bắt của người đời, chỉ tăng thêm oán thù chứ không được tích sự gì!

Bất Đạt không giận mà cười khì khì:

– Còn chú thì sao hử? Chú tha rồi chú giáo dục người ta làm sao nào, nói đi? Tha trống không cái kiểu của chú thì chi bằng kêu ba thằng ăn trộm vô khiêng chùa chiền đi hết cho khỏe! Vậy là tha theo hạnh bố thí ba-la-mật đấy!

Nhà sư khoát tay:

– Các con tranh cãi hay tranh luận đấy? Các con đừng nghĩ rằng giải pháp của thầy là tối ưu, từ đó, lấy làm thước đo để xử sự ở đời! Các con có biết rằng, tha hay bắt chỉ là sự thể hiện bên ngoài? Tha hay bắt rồi sau đó tìm cách giáo hóa, cũng chỉ là sự khôn ngoan của sự thể hiện bên ngoài ấy mà thôi. Có một cái tâm, các con ạ! Khi biết cái tâm ấy, trú nơi cái tâm ấy, thì tha hay bắt đều trở nên đúng cả vậy. Tâm ấy là tâm gì, ai biết?

Cả ba chú đồng đáp:

– Dạ, tâm từ!

– Đúng thế! Vậy thì từ rày về say, khi gặp bất cứ tình huống nào cũng phải sáng suốt, bình tĩnh. Sáng suốt là Tuệ, bình tĩnh là Định. Từ Tuệ, từ Định mà khởi tâm từ thì mọi hành động của các con đều phù hợp với giáo pháp cả, không sợ sai lầm đâu!

– Chúng con đã hiểu cả rồi. Ôi! Thật tuyệt vời thay cái bài học hôm nay!

Nhà sư từ bi nhìn ba chú, tủm tỉm cười, thầm nghĩ: “Chỉ nên dẫn cho chúng lên ngang chỗ đó thôi! Chúng đâu có hiểu rằng, tâm từ còn có trước ý, dụng ý, còn vấn đề lợi và hại, hay và dở, tốt và xấu thì tâm từ ấy đâu đã được gọi là từ vô lượng?
THANK YOU
26-06-2019, 06:50 PM
Bài viết: #2
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
2/ CÒN BỊ KẸT

Ða Văn từ lâu được nổi tiếng là nghe nhiều, nhớ giỏi. Hôm kia, chẳng biết suy nghĩ được điều gì mà chú hăm hở chạy vào gặp Nhà Sư, lễ phép và khách sáo nói:

- Con xin được hầu chuyện với Thầy.

- Ðược, Nhà Sư gật - có gì con hãy nói.

Ða Văn trịnh trọng:

- Thầy có biết Thầy bị kẹt gì không?

- À, hay lắm! Con cứ thẳng thắn mà chỉ rõ ra đi!

Ða Văn nói:

- Một cái tên là đã kẹt rồi! Mà Thầy, nào là tục danh, bí danh, pháp danh, tự hiệu, ... sao mà Thầy ham danh quá vậy?

Nhà Sư:

- A ... ơ ... !

Ða Văn bước ra nói vọng lại:

- May mà Thầy không có cả hàng chục chức vụ đi theo sau, nếu có, con mà không nhớ hết thì còn gì là "đa văn" này nữa!
THANK YOU
26-06-2019, 06:55 PM
Bài viết: #3
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
3/ MỜI QUÝ NGÀI DÙNG TRÀ KẺO NGUỘI

Hôm đó nhân buổi Trung Thu, tại vườn Thanh Tâm có cuộc họp mặt đông đảo các vị trí thức gồm học giả, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo v. v... Trong không khí mát mẻ, đầm ấm, họ uống trà thảo luận chuyện văn chương, chữ nghĩa. Sau rốt, có người đặt câu hỏi, giáo pháp của Ðức Phật, cái gì là quan trọng nhất? Thế là mọi người đưa ra ý kiến, quan điểm của mình. Họ yêu cầu Nhà Sư chủ trì cuộc thảo luận này.

Người thứ nhất: Theo tôi, cái quan trọng nhất của Ðức Phật là trí tuệ. Có trí tuệ mới biết đường, biết sá mà đi, khỏi rơi vào tà lộ, khỏi bị lầm lạc. Nói đến Ðạo Phật thì trí tuệ là đệ nhất.

Người thứ hai: nói thế là đúng, nhưng là cái đúng chưa trọn vẹn. Ðạo Phật gồm đủ cả hai: Trí Tuệ và Từ Bi. Nếu không có Từ Bi thì Ðạo Phật có mặt trên đời này để làm gì? Thuyết pháp độ chúng sanh cho ai? Coi chừng Từ Bi còn quan trọng hơn Trí Tuệ nữa đấy.

Người thứ ba: Tự Tại mới là cái tối thượng của Ðức Phật. Trí Tuệ và Từ Bi là hai cánh của một con chim để bay đến chân trời Tự Tại. Nếu không có chân trời Tự Tại, chúng ta sẽ sống đời lao chao như những con lật đật, nghiêng bên này, ngã bên kia; sẽ bị pháp trần cuốn trôi vào giòng sông sinh tử đầy hệ lụy và khổ não.

Người thứ tư: Thế cũng chưa rốt ráo. Nói tự tại thì phải nói đến Tự Do mới trọn nghĩa. Không có tự do thì làm gì có tự tại? Không có tự do, mình sẽ bị lệ thuộc, gông cùm, ràng buộc. Vả lại, kẹt vào tự tại có nghĩa là nô lệ, phụ thuộc tự tại vậy. Theo tôi, Tự Do mới là cái chân phúc.

Người thứ năm: Không có ai sai cả, nhưng Giải Thoát mới là cái cao nhất, rốt ráo nhất. Quý vị không từng thấy thế gian này đau khổ vì bị buộc ràng bởi tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, vợ con, ... Không, biết bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ ra từ những tham vọng quyền lực, tham vọng thế gian kia! Giải Thoát mới là cái tối thượng của Phật đà.

Người thứ sáu: Ngài nói không sai! Nhưng mà nếu hiểu giải thoát là buông bỏ tất cả những điều ấy, coi chừng sẽ rơi vào "hư vô luận". Không rơi vào "hư vô luận" cũng dễ bị thế gian hiểu lầm là thiếu trách nhiệm, thiếu bổn phận với cuộc đời. Theo tôi, Giác Ngộ mới là mục đích tối thắng của Phật Ðạo. Ðức Phật cũng được gọi là Ðấng Giác Ngộ, Ðấng Toàn Giác, Ðấng Diệu Giác! Rồi Thanh Văn Giác, Duyên Giác, Ðộc Giác. Ở đâu cũng có chữ Giác ấy cả. Không có giác ngộ thì chúng ta sẽ còn theo đuổi không biết bao nhiêu mục đích hư huyễn trên trần gian này. Không giác ngộ chúng ta sẽ lặp đi lặp lại mãi những việc làm vô ích, ngu si chỉ đem đến đau khổ cho mình và người thôi. Vậy Giác Ngộ mới là đích điểm rốt ráo.

Sau lời phát biểu của vị thứ sáu, không khí lắng lại một lúc. Mọi người đều có vẻ trầm ngâm. Chợt một người trung niên đeo mắt kiếng, cười cười góp ý.

Người đeo kiếng: Tôi phát biểu có lẽ hơi lếu láo, xin chư quân tử xá tội cho. Tôi thấy ai phát biểu cũng đúng cả. Người sờ đến cái trán Trí Tuệ thì nói Phật Giáo là Trí Tuệ, đâu có sai! Người sờ được cái tâm Từ Bi thì nói Phật Giáo là Từ Bi, cũng đúng! Tự Tại, Tự Do, Giải Thoát, Giác Ngộ, ... đều như vậy cả. Xin thưa, Phật Giáo phải là toàn diện những điều quý vị vừa nói. Thiếu một, thiếu hai, thiếu ba, ... thì con-voi-thực-tại-toàn diện của Phật Giáo bị què, bị cụt còn gì? Vậy xin quý Ngài cho biết tôn ý?

Người đeo kiếng phát biểu xong, ai cũng cảm nhận là ông ta nói đúng nhất. Ðúng! Phải là toàn bộ con voi, toàn bộ thực tại ấy. Chẳng có ai tranh luận vượt qua kiến giải ấy. Tuy nhiên, chợt có người thở dài, nhìn sang thì đấy là tiếng thở dài của một lão ông tóc trắng. Rồi vị ấy nói chậm rãi, nói nhỏ, như chỉ nói với mình:

- Trí Tuệ ư? Cũng hay! Nhưng kẻ có được trí tuệ thì dễ sinh cống cao, ngã mạn, coi thế gian này như cỏ rác. Trí tuệ thường đứng cao hơn nhân thế một cái đầu, hai cái đầu, sẽ cách biệt với cuộc đời. Do vậy, đã mấy năm sau này, tôi không còn dám học trí nữa mà tôi lại học "ngu". Học "ngu", cái mới kỳ! Tuy nhiên học "ngu" là để "hòa kỳ quang, đồng kỳ trần" đấy quý vị ạ. Tôi còn nhớ Thiền Sư Huyền Quang có mấy câu:

"Ngu-trí trí-ngu bình đẳng tướng
Ma cung, Phật quốc hảo sinh quan".

Còn Từ bi? Cái này thì đúng rồi. Thiếu từ bi thì cuộc đời này đầy nước mắt, đầy gian ác, hận thù, ... Nhưng mà coi chừng, từ bi quá thì chúng sanh cứ ỷ lại, biếng nhác, luôn luôn mong cầu ơn trên cứu rỗi. Con hư tại mẹ đó mà! Vậy từ bi cực đoan sẽ làm cho cuộc đời này cũng hư như thế. Lại nữa, tâm từ bi quá cũng phiền. Có mật ngọt thì kiến ruồi dễ bu. Có từ bi thì chúng sanh dễ tìm đến hưởng lợi. Vô tình bị hệ lụy, bị ràng buộc mất rồi! Do vậy, ai thì tôi không biết, riêng tôi, tôi còn học thêm cái hạnh "không từ bi" nữa. Không từ bi nhưng không phải là ác tâm, hận tâm, sân tâm, xin quý vị hiểu cho.

Còn Tự tại? Tôi cũng đồng ý. Nhưng tự tại quá tôi cũng ớn lạnh. Vì sao vậy? Người tự tại trước hoàn cảnh nào cũng trầm ổn, định tĩnh, bình chân như vại, lúc nào cũng tỉnh queo, tỉnh khô. Nếu tự tại hơn chút nữa thì sẽ biến thành tảng đá, đỉnh núi khư khư bất động cũng chán lắm. Lẽ đó, tôi còn học thêm cái "không tự tại".

Tự do cũng vậy, cũng hay, nhưng tự do tâm linh hay tự do bản năng đây? Tự do bản năng thì không được rồi, còn tự do tâm linh thì lại khác. Kẻ có tự do tâm linh thì không còn thích sống tự do, họ tự qui định mình trong những mẫu mực, qui cũ, hình thức, lễ nghi. Và tôi cũng vậy, tôi đang tụ tập trên lối về "không tự do".

Giải thoát à? Ðạo Phật thường nói đến chủ đích này. Nhưng mà giải thoát hết thì tôi không thích, vì tôi đang còn ở trong cuộc đời này, tôi còn vợ con, gia sản, tình huynh đệ, bằng hữu, thầy trò, thôn xóm, quê hương và cả nhân loại nữa. Nên tôi, với từng này tuổi đầu, tôi đang tập tành cái "không giải thoát".

Giác Ngộ nữa, đồng ý! Nhưng giác ngộ quá thì ta còn làm được điều gì trên cuộc đời này? Không làm được cái gì cả. Vì sao vậy? Vì giác ngộ nên ta đã biết ráo mọi kết quả sau cùng, mọi kết quả hư huyễn "dã tràng xe cát biển Ðông" của nó. Giác ngộ thì sẽ không còn vọng tưởng để mà tạo hỏa tiễn, máy bay, chinh phục sao Kim, sao Hỏa, xây dựng lâu đài, dinh thự ... Do vậy sau này tôi còn học cái bài học "không giác ngộ" nữa.

Nói tóm lại, cả hai đàng đều phải học hết mới là trọn vẹn Ðạo Phật. Xin cạn lời!

Cuộc thảo luận đến đây dường như hết ý. Mọi người quay qua muốn nghe lời phát biểu của vị chủ trì.

Nhà Sư mỉm cười nâng chung trà lên:

- Xin chư vị dùng trà kẻo nguội lạnh lâu rồi
THANK YOU
26-06-2019, 06:58 PM (Được chỉnh sửa: 27-06-2019 05:47 AM bởi dieuquang.)
Bài viết: #4
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
4/ TRÊN ĐƯỜNG DU HÓA

Gần nửa đêm, Bất Ác không ngủ được, chú trằn trọc, thao thức vì mấy con cá quẫy lộn trong thùng. Giường bên kia Nhà Sư đang đọc sách với ngọn đèn dầu tù mù. Nhà Sư hỏi nho nhỏ:

- Sao mà con trăn trở hoài vậy?

Bất Ác thở dài thườn thượt:

- Bạch Thầy! Ðộ ai chứ độ gia đình thật là quá khó! Ðối với mọi người thì con vẫn là đứa bé ngỗ nghịch, ham chơi. Con thật không thể lớn trong mắt họ, nhất là mẹ con, thứ đến là anh chị trong nhà, con mãi là " thằng út hỉ mũi chưa sạch, mỏ ác chưa hết cức trâu ".

Nhà Sư cười khẽ:

- Thì con cũng đã lớn với ai đâu? Con vẫn là chú điệu bé tý hon trong mắt Thầy đó mà!

Giây lâu, Nhà Sư ngồi dậy nói tiếp:

- Như vậy là con phải lớn mãi, lớn hoài! Lớn với giới đức, trí đức và minh đức của mình. Lớn với vô tham, vô sân và vô si của mình! Chuyện cứu độ gia đình ai cũng khó khăn cả chứ không riêng gì con đâu. Mỗi lần về thăm gia đình, con hãy ít nói năng, chỉ nên thể hiện nơi hành động, nơi đời sống. Con phải sống tri túc, dễ nuôi, hoà nhã, vui vẻ và giản dị. Phải biết kính trọng, lễ độ, thương yêu và thông cảm với mọi người. Sống hoà với mọi người nhưng đừng đánh mất mình bởi mọi người. Do vậy, khi mềm, khi cứng phải rất linh hoạt. Lắm lúc cũng cần một vài thái độ cương quyết, dứt khoát về một số việc nào đó, như việc ác, hủ tục mê tín dị đoan ... của người khác! Con làm được vậy, sống được vậy thì ai dám chê con là nhỏ bé nữa?

Bất Ác nhũn mặt đáp:

- Con sẽ nghe theo lời Thầy dạy. Hành động tạo sức mạnh cho lời nói. Lời nói có được sức mạnh là do đời sống có giới, có trí. Con hiểu rồi, con sẽ cố gắng.

- Ừ! Tất cả hành động phải biết dựa theo trí tuệ và từ bi. Bao giờ cũng với tâm thái bén nhạy, trong sáng và định tĩnh để nhìn ngắm vấn đề và giải quyết vấn đề.

Bất Ác chợt ngồi dậy:

- Bây giờ con hiểu là con phải làm gì với mấy con cá rồi ...

Nhà Sư cười khẽ:

- Ðúng vậy! Thấy việc gì hợp với từ bi vô ngã, trí tuệ vô ngã là làm ngay, không do dự, không phân vân, lưỡng lự.

- Bờ sông rất xa nhà, Bất Ác âm thầm làm việc trong đêm. Khi nghe được tiếng cá quẫy đuôi giữa dòng sông rộng, chú mới nở được nụ cười hồn nhiên và sung sướng.

Nhà Sư chờ Bất Ác ở đầu ngõ, thấy chú với những bước dài xăng xái thì đã hiểu chuyện gì, bèn nói:

- Từ lâu, con mới chỉ không làm điều ác - bất ác - bây giờ con đã biết làm thêm việc thiện. Con đã biết bổ túc cái thiếu sót cho công hạnh của mình.

Ðêm mùa hè, trời rất mau sáng, Nhà Sư vừa mới ngồi thiền một lát thì gà đồng quê đã đua nhau gáy vang rân. Tiếng người giục trâu ra đồng, tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng chó sủa, tiếng heo kêu ... từ chỗ này, nơi kia vọng lại tạo nên một âm thanh yên ả, thanh bình.

Nhà Sư vừa mở mắt, thò chân xuống giường tìm đôi dép thì Bất Ác đã mang chậu nước và khăn sạch đứng một bên.

- Vì con mà Thầy phải một đêm thức trắng.

- Không can gì đâu con, sức khỏe Thầy còn tốt. Vả lại đôi khi nghĩ đến sức khỏe của mình thái quá thì dễ sinh những thói hư tật xấu; sinh ra mê đắm cái thân ...

- Dạ, con hiểu!

Lát sau, Nhà Sư mặc y, ôm bát ... chào mọi người trong gia đình xin từ giã. Người mẹ nói với Bất Ác:

- Út, má đã chuẩn bị món ăn sáng. Con hãy dâng Thầy điểm tâm rồi hẳn lên đường.

Bất Ác nói với giọng ẩn ức trong lòng:

- Thưa má, Thầy con dùng no rồi.

Người mẹ ngạc nhiên:

- Dùng rồi? Dùng bao giờ?

Bất Ác có vẻ hờn mát:

- Thưa má, Thầy con đã ăn no cái đau khổ của chúng sanh, đã ăn no cái si mê độc ác của con người. Suốt đêm, Thầy con đã ăn no những thứ đó!

Người mẹ hạ thấp giọng, hai mắt mở lớn:

- Út, con nói cái gì kỳ lạ vậy, má không hiểu.

Bất Ác chợt ngẹn ngào, sa nước mắt:

- Má không hiểu đấy chứ! Vì một miếng ăn ngon, vì một chút khoái lạc của khẩu dục mà đang tâm đày đọa kẻ khác. Má bảo má không thấy sao?

Người mẹ đã hiểu:

- À ... thì ra là vậy. Con Bảy đó con à! Con Bảy nó mua nó nhốt đó. Con Bảy nói hôm qua ngày rằm nó không sát sanh. Nó ăn chay tháng bốn kỳ. Còn má thì má hiểu chứ. Từ lâu má có sát sanh hại vật, ăn gian, nói dối ai đâu! Má không biết tụng kinh niệm Phật, không biết ăn chay, nhưng má ăn hiền ở lành lắm con à! Cả làng, cả xóm má chẳng dám làm mất lòng ai, kể cả một đứa con nít!

- Cảm động, Bất Ác chạy lại ôm mẹ, khóc nức nở:

- Tội con đáng chết! Xin mẹ hãy hỉ xả tha thứ cho đứa con ngu dại bất hiếu!

Người mẹ già đỏ lệ lưng tròng, đưa tay vuốt ve đứa con út mà bà không ngờ nó mau lớn khôn đến vậy.

Lát sau, Bất Ác quay lưng đi, bịn rịn:

- Má à! Mỗi lần anh chị Bảy móc gan mổ ruột một con cá, má cứ nói với anh chị là coi như đang móc gan, mổ ruột thằng Út đó. Mỗi lần anh chị Bảy thọc huyết, chặt đầu con vịt, con gà thì coi như đang thọc huyết,

- Chặt đầu thằng Út đó. Má hãy nói như vậy nghe má!

Hai Thầy trò đứng đợi xe "lam" bên đường. Một người ăn xin tàn tật đi qua: áo quần tả tơi, hôi hám, mình mẩy ghẻ lở; da bọc xương, mũi và miệng chỉ còn một, trông như con quái vật. Bất Ác rụt rè nói với Nhà Sư:

- Bạch Thầy, con thấy ghê ghê nhưng mà tội nghiệp quá. Muốn giúp người ta một cái gì, nhưng ..., nhưng ...

Nhà Sư hiểu:

- Con muốn cho mà sợ không còn tiền đi xe phải không? Còn nghĩ về cái tiện nghi, cái an toàn cho mình thì dễ sinh ra vị kỷ , ích kỷ. Nếu con muốn cho thì cứ đem cho rất là thanh thản. Hết tiền xe thì chúng ta xin "quá giang" chứ có vấn đề gì đâu!

Lời khích lệ của Nhà Sư như một tác động mãnh liệt. Chẳng còn lưỡng lự nữa, chú lấy số tiền ít ỏi trao tặng hết cho người ăn xin khốn khổ.

Nhà Sư cười nhẹ:

- Thấy không! Tâm con bây giờ nhẹ như một mảnh lông hồng. Ấy chính chính là hỷ tâm, là lạc tâm, là phước báu hiện tiền, nó trả quả ngay, không đợi ở đâu xa. Cái phước này tương đương với cõi trời Dục giới, hiện tại thì có công năng làm mát mẻ và lắng dịu tâm hồn.

Bất Ác thấy mình lâng lâng, thật hạnh phúc.

Nắng bắt đầu lên. Những chuyến xe qua tung bụi mù mịt. Chẳng ai cho hai người quá giang. Bất Ác lại trở nên nóng nảy:

- Giờ phải làm sao hở Thầy?

- Thầy có muốn làm sao đâu!

- Người ta không cho đi?

- Thì mình hãy đợi!

Mồ hôi đã rịn trên vầng trán hai người. Ở đó không một bóng cây. Bất Ác len lén đưa mắt nhìn: sắc mặt Nhà Sư vẫn bình thản, an nhiên; như có một nụ cười lặng lẽ ở trong tâm!

- Bạch Thầy - Bất Ác đã cảm thấy khô cổ - đợi hoài như thế này thì biết đến bao giờ?

Nhà Sư giờ mới quay lại, ân cần nói:

- Bây giờ con hãy đứng thẳng, nhắm mắt lại, thư thái, buông xả. Xong rồi, con hãy bỏ tất cả chuyện hiện tại, quá khứ, tương lai. Bỏ quá khứ là bỏ tất cả các hoài niệm, bỏ những gì xảy ra dù chỉ cách đây một, hai phút. Bỏ hiện tại là bỏ quên chuyện nắng nôi, bụi cát, đón xe và đợi xe. Bỏ tương lai là bỏ mọi dự định đến đâu và sẽ đi đâu. Trong tâm thái như vậy, con hãy lắng nghe, nghe được gì hãy nói cho Thầy biết.

Bất Ác làm theo, một lúc sau, chú mở mắt ra:

- Con không thấy gì cả. Không nghe gì cả!

Nhà Sư thản nhiên:

- Phải! Nếu nhiếp tâm đúng thì sẽ không thấy gì cả, không nghe gì cả.

Bất Ác ngạc nhiên:

- Con vẫn không hiểu.

- Có gì đâu mà không hiểu? Khi với tâm thái như vậy con có nóng nảy và bất an không?

- Dạ không!

- Con có lưỡng lự, băn khoăn và lo lắng gì chăng?

- Dạ không!

- Vậy thì Thầy đã làm như vậy. Thầy đợi chờ mà như không đợi chờ gì cả. Nói cách khác, nhờ Thầy trú tâm rỗng không nên Thầy được an nhiên và tự tại. Con đợi chờ mà có cái đợi chờ trước mặt, thế là con bị tương lai tưởng vọng! Con đợi chờ mà bị chi phối bởi nóng nôi và bụi cát, thế là con bị hiện tại cuốn trôi! Do đó, con sinh ra nóng nảy, bất an và phiền não! Thật là giản dị, thật là dễ hiểu!

Bất Ác la lên:

- Ồ! con đã hiểu!

Nhà Sư cười nhẹ:

- Vấn đề là "thấy" và "biết" chứ không phải là "hiểu". Nếu hiểu thì con sẽ bất an trở lại.

Ðúng như Nhà Sư nói, một lúc không lâu lắm, Bất Ác lại nói:

- Không biết trưa nay mình sẽ dùng cơm ở đâu? Ðợi cái kiểu này thì có lẽ đến chiều tối cũng chưa chắc có xe!

Nhà Sư mỉm cười:

- Ðấy, thấy không? Con có thật thấy, thật biết đâu! Con vẫn bồn chồn vì một cái gì đó ở trước mặt. Con vẫn mong muốn rằng sẽ như thế này hoặc như thế kia. Con còn sinh ra sợ hãi vì không biết ăn trưa ở đâu, nghỉ trưa ở đâu. Tất cả những ước vọng này đều phát sanh bởi Vô Minh và Ái Dục. Dường như có lần Thầy đã dạy các con rằng: nghệ thuật sống Ðạo, sống Thiền là sống không chuẩn bị, không lưỡng lự, không chờ đợi cái gì hết, luôn luôn với tâm thái trong sáng, tự tại và an nhiên! Nghệ thuật ấy con đã không nắm được.

- Con có hiểu được một phần, nhưng bạch Thầy, như trong trường hợp này, nếu mình cứ đứng mãi nơi đây thì làm sao đến?

- Nếu con muốn đến, cũng có đến được đâu? Vậy sao con không coi chỗ này như là chỗ đến của con? Muốn đi thì cái đi ấy cũng là chổ đến của mình? Hãy coi mục đích là "cái bây giờ". Phương tiện và cứu cánh đều đầy đủ trong sát-na hiện tại này. Nguyên nhân chính là kết quả. Vậy lúc nào, bao giờ, tâm chúng ta cũng phải an trú nơi chỗ không có thời gian, không có không gian ấy. Bao giờ và lúc nào tâm ta cũng phai tỉnh giác và chánh niệm trong cái hiện tại luôn luôn trôi chảy, mới mẻ, phong phú và sinh động này. Ôi! Chỉ có như vậy mà sao tâm con cứ đòi rắc rối!

Im lặng một lúc cho người đệ tử thẩm thấu ý nghĩa sâu xa, mầu nhiệm nhưng giản dị trong lời nói vừa rồi, nhà Sư chậm rãi tiếp:

- Cuộc nhân sinh nầy thật là lắm hệ lụy và nhiều khổ đau, vì con người cứ mong chạy đuổi, rượt đuổi, rượt tìm mục đích trước mắt. Con người luôn luôn mơ tưởng cái phía trước, không bao giờ bằng lòng với cái bây giờ! Họ đã dùng mọi phương tiện, toan tính, mưu mô xảo quyệt, lọc lừa không từ nan cả những cách thế phi luân, vô đạo để đạt kỳ được mục đích hẳn thôi! Nhưng mục đích nào có đạt được? Vì sao? Vì tâm tham dục vốn là một hố thẳm không đáy, chẳng bao giờ lấp đầy, nên dẫu có hụt hơi kiếm tìm họ vẫn không thỏa mãn, không vừa lòng. Họ tìm kiếm nữa, khát khao nữa ... Họ chạy đuổi đến sức cùng lực kiệt, và chung cuộc, chỗ họ gặp chính là nấm mồ! Có kẻ đến tuổi già tóc trắng vẫn chưa thỏa mãn được ước vọng, nhưng một sớm mai kia. Tử thần đến gõ cửa rồi mang họ ra đi, đến nơi chốn y như tội lỗi, như ác nghiệp mà họ đã bôn ba tạo tác ở trong đời ...!!

Bất Ác lắng nghe những lời, những chữ như len thấm vào tận xương tủy:

- Con đã hiểu!

- Con ạ! Chỉ có mong cầu một mục đích phía trước thôi mà thế gian này đã xảy ra muôn vạn nhân duyên chằng chịt của khổ đau như thế. Xã hội nào, tôn giáo nào, con người nào, chủ thuyết nào, triết thuyết nào cũng đẻ ra một lý tưởng, một mục đích cao cả ở phía trước mặt rồi đổ dồn mọi hành động về một lý tưởng và mục đích ấy. Và rồi chuyện gì xẩy ra? Ðấy chính là chiến tranh, là xung đột, là đố kỵ, là ganh ghét ... xảy ra tràn lan trên thế giơí. Vì sao vậy? Vì mục đích đồng nghĩa vơi dục vọng, đồng nghĩa với quyền lợi lẫn quyền lực. Vậy khi mà các mục đích va chạm nhau thì đấy là bi kịch máu xương kinh khiếp nhất mà con người vừa là diễn viên, vừa là khán giả trên sân khấu cuộc đời .

Bất Ác cúi đầu:

- Con không ngờ bài học hôm nay lại sâu rộng đến thế !

- Do đó! Ngay từ bây giờ, con phải biết đợi chờ như không đợi chờ gì hết! Ở đâu cũng là mục đích cả, chứ đừng lầm lẫn nguy hại phương tiện và mục đích khác nhau. Có người lại bảo phương tiện hy sinh cho cứu cánh.

Thật là khiếp! Thật là si mê! Thật là ác độc! Chúng ta là con Phật, phương tiện và mục đích nó hoà tan trong cái bây giờ. Ở đây cũng vậy, lên xe cũng vậy, đến chỗ nào đó cũng vậy. Nhân quả viên dung! Bờ này bờ kia viên mãn! Như thế thì những cái gọi là hỗn loạn, giật giành, nóng nảy, bất an, thống khổ làm sao tồn tại? Ta luôn luôn sống trong giây khắc hồn nhiên, thiên thu, rỗng không và tự tại này. Con nên nhớ rằng, chỉ một khỏi niệm vọng cầu là con đã góp thêm năng lực xung đột, rối loạn cho cuộc đời này rồi! Hãy nhớ lấy nghe con.

- Bạch Thầy, con sẽ khắc sau trong tâm khảm.

Giọng Bất Ác run run chứng tỏ chú đang xúc động mảnh liệt.

Nhà sư gật đầu hài lòng:

- Ừ! Thầy cũng không hi vọng là con hoàn toàn thấy rõ. Nhưng mà con cứ nghe, tất cả rồi sẽ ẩn tiềmtrong vô thức, một lúc nào đó tự con sẽ giác ngộ điều ấy.

Khoảng mười giờ trưa, Bất Ác nói:

- Bạch Thầy, con muốn đi bộ!

- Ừ, như vậy đấy! Muốn đợi, thì cứ đợi như không đợi gì cả. Muốn đi thì cứ đi như không đi gì cả. Con ạ! Nghệ thuật sống Ðạo là đừng bao giờ phân vân giữa hai vấn đề. Ðừng lưỡng lự trong việc chọn lựa, bằng cách dứt khoát chọn ngay một cái! Ðừng ở núi này mà trông núi kia! Ðừng vừa bên này đừng vừa bên kia. Nếu lơ lửng thì cứ là lơ lửng. Ðừng bỏ chân một lúc cả hai bên mà không bước đi được. Không bước đi được là dừng lại. Dừng lại là bị đẩy lùi, là bị chìm, là khổ đau!

Bất Ác nói:

- Xin Thầy cho ví dụ để dễ hiểu.

- Thì đây, con muốn đợi: thì cứ đợi! Con muốn đi: thì cứ đi! Nếu vừa muốn đợi vừa muốn đi thì chắc chắn tâm ta sẽ bát an.

- Thầy cho một ví dụ nữa.

- Ví như chuyện người ăn xin hồi nãy! Muốn cho thì cứ cho, không cho thì thôi. Nếu lưỡng lự giữa hai đàng sẽ phát sanh bức rức, khó chịu ở trong lòng.

- Con xin một ví dụ nữa.

- Bao nhiêu ví dụ cũng được cả. Như chuyện thả cá hồi sáng nhé. Muốn thả thì ra sông thả ngay. Muốn đợi sáng cho mọi người hay, thì hãy đợi sáng. Bởi con đã không nhất quyết, dứt khoát chọn lựa cái nào nên suốt đêm con đã trằn trọc thao thức đó, con không nhớsao?

- Bây giờ thì rõ ràng quá rồi, con không còn hoài nghi gì nữa.

Hai thầy trò Nhà Sư vừa đi vừa trò chuyện trên đoạn đường dài nắng đổ lửa. Nhựa đường chảy loang loáng, lổ chổ. Không một ngọn gió giữa bầu trời nóng nắng như thiêu người. Cả hai, đầu trần, chân đất; một hình ảnh kỳ quái, lạ đời trong đôi mắt của mọi người.

- Muốn dập tắt tâm ngẵ mạn, con hãy coi chúng ta không là cái gì hết, chẳng ai thèm để ý đến chúng ta hết. Chúng ta là người ăn xin tầm thường nhất trên thế gian này! Tâm niệm được như vậy, bản ngã sẽ không có cơ hội tăng trưởng!

Bất Ác phải chịu là đúng, nhưng lát sau lại xảy ra vấn đề khác:

- Nóng quá Thầy à, chân con như muốn phỏng!

Nhà Sư vẫn thản nhiên:

- Nóng thì phỏng chân chứ có gì lạ đâu con? nó rất hợp với tự nhiên mà!

Bất Ác nói:

- Ðúng thì đúng, nhưng bây giờ phải làm sao?

- Thầy có muốn làm sao đâu?

- Nhưng nóng chân quá, con không chịu nổi!

Nhà Sư mỉm cười:

- Vậy thì dễ dàng thôi. Một là con bỏ cuộc, đầu hàng, tìm một bóng cây mà ngồi. Hai là cứ tỉnh bơ ra đi, chấp nhận nó một cách hoàn toàn, không có điều kiện.

- Con chấp nhận nó!

-Vậy thì cứ an tĩnh mà bước đi. Bởi sợ nóng nên nóng nó sẽ tấn công con. Nếu con trọn vẹn nhìn ngắm sự nóng ấy, mỉm cười với nó, xem nhẹ nó là nó sẽ bỏ đi. Nó sẽ hổ thẹn và bỏ đi!

Chịu đựng một lúc Bát Ác lại la lên:

- Vẫn nóng quá Thầy à!

- Thầy sẽ cho con thêm khí giới mới, nghị lực mới. Hãy coi thường thân xác, khinh bỉ thân xác. Một chút nóng ở ngoài da đâu bằng lửa địa ngục. Không chịu nổi một chút nóng thì làm sao đeo đuổi được con đường gian nan thiên vạn lý để đạt đạo quả Vô Thượng Bồ Ðề, hở con?

Một chốc, Bất Ác vẫn nhăn mặt, Nhà Sư gắt:

- Không thể dừng lại được nữa. Hãy đi! Phải coi đây là cuộc chiến đấu sống còn. Nếu con đi qua đoạn đường này với tâm vô ngã, mát mẻ và vắng lặng là con đã kề bên Niết Bàn!

Lời khích lệ cuối cùng như một tác động tâm lý cực mạnh làm cho Bất Ác mỉm được nụ cười thản nhiên, mặc dầu lòng bàn chân đã rát bỏng.

Ðến đoạn đường hai bên đầy cỏ mọc, Bất Ác reo lên:

- Thế là con đã "gần đạt đạo".

Nhà Sư nghiêm mặt:

- Ðừng tự đắc, tự mãn. Làm thế nào đạt đạo được với cái bản ngẵ to lớn hiện giờ ở trong con?

Bất Ác le lưỡi. Họ dừng chân nơi một miếu hoang. Bất Ác xoa chân xong rồi nằm dài ra thở, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nhà Sư ngồi lặng, mỉm cười tự nhủ:

- "Nếu được gọi là khổ hạnh, thì đấy là một khổ hạnh cần thiết cho những kẻ bản chất mềm yếu, thiếu nghị lực như Bất Ác. Phải tập cho nó cứng và mạnh. Phải tập cho nó có ý chí hơn, kiên định hơn, dõng lực hơn ...

Ðưa mắt nhìn xóm nhà ven đường, Nhà Sư ôm bát đứng dậy. Khi ấy một người đàn ông đi ngang qua cũng vừa dừng xe lại.

- Bạch Thầy! Thầy đi đâu mà giữa đường nắng nôi như thế?

Ngước lên, thấy một người đệ tử, là một thiện nam học thức, nhiều tín tâm; Nhà Sư mỉm cười:

- À, con đấy à! Thầy đang chuẩn bị đi bát đây!

Người Phật tử dựng xe, chấp tay xá thật sâu, cười sung sướng:

- Vậy là may mắn cho con! Sắp đúng ngọ rồi, xin thỉnh Thầy về nhà con, cũng gần đây thôi, để chúng con có dịp cúng dường một bữa.

Nhà Sư im lặng nhận lời.

Bất Ác thở ra một hơi dài nhẹ nhõm!

Ðộ ngọ xong, cả nhà quây quần dưới giàn dưa tây mát mẻ, Nhà Sư nói về Tam Quy và Ngũ Giới, tóm tắt như sau:

- Từ lâu, chư Phật Tử đã có nơi nương tựa. Quý vị nương tựa nơi Tam Bảo, nơi Phật, nơi Pháp, nơi Tăng. Nhưng quý vị còn nương tựa ở đâu nữa? Quý vị còn phải nương tựa nơi sự giác ngộ giải thoát, nương tựa nơi sự sáng suốt, nương tựa nơi cái Bồ Ðề Tâm, nương tựa nơi khả năng thành Phật của chính mình. Ðấy là nghĩa thứ hai của quy y Phật. Quý vị quy y Pháp, còn có nghĩa là nương tựa chân lý, nương tựa sự thật, nương tựa vào cái như thật trong lòng mình. Ðấy là nghĩa thứ hai của quy y Pháp. Quý vị quy y Tăng, còn có nghĩa là nương tựa vào đức tính cao cả của Tăng sẵn có trong quý vị, ấy chính là chân chánh, chánh hạnh, hiền thiện, thanh tịnh, trực hạnh ... Ðấy là nghĩa thứ hai của quy y Tăng. Nghĩa thứ hai của quy y Tam Bảo này có công năng khai mở trí tuệ, thấy rõ đám mây mù của Vô Minh và Ái Dục, để xô vẹt, đoạn lìa vô lượng phiền não và nghiệp chướng, trả lại khung trời bình yên và chân phúc cho tất cả chúng ta.

Những lời giảng về quy y Tam Bảo này có vẻ mới lạ nên cả nhà lắng nghe một cách chăm chú. Thật chăm chú. Biết vậy, Nhà Sư nói thêm về Ngũ Giới:

- Chư Phật tử! Quý vị đã biết rằng Ngũ Giới không phải là những điều luật bắt buộc; nó là hàng rào ngăn giữ những vọng độc của thân, khẩu, ý. Giữ được một giới là ngăn được một điều ác, giữ được năm giới là ngăn được năm điều xấu. Giữ Ngũ Giới là ngăn chặn những vọng động do tham, sân và si - là các nguyên nhân đưa đến đau khổ trong tương lai.

Ðến ngang đây thì một người nói:

- Thưa Thầy! Giữ Ngũ Giới quả thật là khó!

Nhà Sư đáp:

-Ðúng thế, ngay thời Ðức Phật mà các hàng cận sự nam nữ cũng ta thán với Ngài như vậy. Nhưng phải hiểu rằng, ngay chính nơi tâm thái chăm chú và trầm lặng lắng nghe như vừa rồi, quý vị đã thọ trì trọn vẹn Ngũ Giới!

Thấy mọi người có vẻ ngơ ngác, Nhà Sư tiếp:

- Khi chăm chú và trầm lặng lắng nghe, thì chư vị đang mở rộng tâm hồn; ở trong chư vị chan hoà một cảm giao, cảm ứng mênh mông. Khi ấy những cái gọi là hung dữ, độc ác, hiềm thù, ganh ghét ... những thuộc tính của tâm sân ấy có tồn tại trong tâm quý vị không? Ngay khi ấy quý vị có móng khởi giết hại? Quý vị có tác ý tiê6u diệt sự sống, sát hại sanh mạng?

- Dạ không!

- Lại nữa, khi chăm chú và trầm lặng lắng nghe như vậy, tâm của chư vị sẽ công bằng và chánh trực; quý vị không hề khởi niệm chiếm đoạt tài sản, của cải vật chất của người. Quý vị đâu có tham lam, xan tham mà phạm giới trộm cắp, có phải thế không?

- Quả đúng vậy.

- Cũng từ tâm thái chăm chú và trầm lặng lắng nghe như vậy, quý vị có sanh tâm tà tâm hoặc tà hạnh?

- Dạ không!

- Quý vị có nói dối? Rộng và đầy đủ hơn nữa, quý vị có nói lời điều ngoa, xảo trá, nói hai lưỡi, nói đâm thọc, nói trườn uốn như con lươn, nói ngọt như đường, nói trơn như mỡ, nói thêu dệt, nói hoa ngôn xảo ngữ? Nói như vậy để làm gì phải không? Biện hộ cái chi, bảo vệ điều gì, có phải thế không?

- Phải rồi! Không thể vọng ngữ được.

- Và thế nào là không uống rượu, các chất say? Chỉ ở trong tâm thái chăm chú và trầm tĩnh lắng nghe như kể trên, là quý vị sẽ không còn uống rượu, các chất say nữa. Vì sao vậy? Vì chư vị sẽ không còn muốn chạy trốn cái "bây giờ", quý vị sẽ không còn tìm quên, núp bóng trong những thoả mãn nhất thời của cảm giác, của ảo giác. Chí đến những nhu cầu khoái lạc cho tri thức, quý vị cũng không cần nữa. Vì quý vị đã đầy đủ tất cả: niềm bình an vô lượng và sự tĩnh lặng phi thường. Như thế quý vị đã có được "chất rượu vĩnh cửu" rồi, quý vị còn cần gì nữa chất say tầm thường trên thế gian?

Nói tóm lại, ở cả hai phương diện tiêu cực và tích cực, Ngũ giới có công năng khai phóng và đem con người ra khỏi mọi ám ảnh tội lỗi, sợ hãi, là giải thoát tâm; chuẩn bị cho giải thoát trí, là con đường tối hậu của Chư Phật ba đời.

Nhà Sư nói xong, không gian im lặng. Hai vợ chồng giáo sư già cùng vợ chồng con cái, cháu chắt, dâu rể gồm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, bộ đội, công nhân, sinh viên, mấy người giúp việc ... cả thảy gồm hai mươi người bỗng đâm ra trầm mặt, không ai nói gì, không ai hỏi gì.

Chị Tư lặng lẽ đứng dậy, dâng cho nhà Sư ly chanh đá. Chị nói:

- Thầy nói Ngũ Giới mà cao siêu quá, con không hiểu gì hết. Xin Thầy giảng cho bình dân tí nữa, vì con không thể như ông bà, thầy cô trí thức ở đây được.

- Nhà Sư cười:

- Khi con kính thành đem dâng cho Thầy ly nước, trong tâm thái ấy, con đã giữ tròn Ngũ Giới mà con không biết sao?

Mọi người chợt cười ồ. Chị Tư bẽn lẽn đi lẫn vào phía sau, nói lí nhí:

- Bạch Thầy, con không hiểu.

- Phải rồi, con không hiểu là phải. Vì khi dâng ly nước, tâm con chỉ còn là sự kính thành vắng lặng, chứ không có ý nghĩ gì khác có phải vậy chăng?

- Dạ...

- Khi ấy con có khởi niệm sân hận, độc ác, hung dữ, giết người, giết vật?

- Dạ không ...

- Khi ấy con có khởi niệm tham lam chiếm đoạt của người, cướp bóc của người?

- Dạ không ...

- Khi ấy con có khởi niệm tà dâm, tà vạy, tà hạnh, bất chánh?

- Dạ không ...

- Khi ấy con có chạy trốn sự thật mà sinh ra nói dối, nói trườn uốn và những cách nói hư vọng khác?

- Dạ không ...

- Khi ấy con có muốn tìm quên cái hiện tại, chìm đắm trong những ảo giác, cảm giác ... như là dùng các chất say?

- Dạ không ...

Nhà Sư cười khẽ:

- Như vậy đấy. Khi mà con kính thành, thương yêu ông bà, các thầy các cô, các em ... cùng tất cả mọi người xung quanh, là con đã giữ tròn Ngũ Giới một cách rốt ráo. Bằng ngược lại là con đã phá giới, tâm con đã phá giới.

Chị Tư có vẻ chăm chú lắng nghe. Chị thưa:

- Con chỉ hiểu được một tí, nhưng xin thầy giảng thêm.

Nhà Sư quay sang phía chị:

- Con hãy thử nói lên một công việc gì mà con thường làm trong ngày cho Thầy nghe xem nào.

- Bạch Thầy, như rửa chén bát, nồi niêu, xoong chảo ..

Mọi người cười vui, Nhà Sư cũng mỉm cười:

- Phải rồi, như rửa chén bát vậy.Nếu con rửa không sạch, thì tự sâu xa, con đã phá giới.

Mọi người yên lặng lắng nghe, Nhà Sư nói tiếp:

- Rửa chén bát không sạch, là vì lúc ấy tâm con đang bồn chồn, nóng nảy, muốn làm cho mau xong. Con có biết tất cả những cái gọi là bồn chồn, nóng nảy, muốn làm cho mau xong ... ấy, nó phát sanh từ đâu? Gốc của nó chính là tâm sân, là tâm sát con có biết không?

Có người la lên:

- Ðúng thế! Thật là khủng khiếp!

Người khác lại nói:

- Trông thì bình thường nhưng khi phân tích ra mới thấy rõ được cái gốc phát sanh tộì.

Nhà Sư tiếp lời ;

- Sát sanh phát sanh bởi tâm sân hận, còn trộm cắp sinh ra từ tâm tham lam.

Chị Tư thưa:

- Xin Thầy cho ví dụ.

- Ðược rồi, nghe nhé! Con làm việc trong ngày, ông bà sẽ trả cho con một số tiền tương đương với khối lượng công việc mà con phải làm. Vì mong việc chóng thành, con đẵ làm cẩu thả, làm cho có lệ. Như vậy việc gì cũng làm, nhưng việc gì cũng không tới nơi tới chốn. Suy nghĩ cho sâu xa, là con đã đánh cắp thời gian, tiền bạc của ông bà một cách rất khéo léo. Vậy khi rửa chén bát không sạch là tâm con đã vi phạm giới thứ hai này một cách thật tinh vi, khó có người biết được!

Có tiếng "a" có vẻ ngạc nhiên. Nhà Sư vẫn đều đều cất giọng:

- Thấy không, do tham, do sân, chúng ta đã nuôi dưỡng tâm sát, tâm trộm cắp. Cũng do tham do sân, chúng còn nuôi dưỡng thêm tà niệm, tà vạy, rồi dung dưỡng cả những cách nói thiếu chân thật. Tại sao lại phạm luôn giới ẩm tửu? Vì rằng, kẻ dùng những chất say là kẻ tự đánh lừa mình bằng những ảo giác, những hưng phấn giả tạo. Ở đây, ngay khi rửa chén bát không sạch, làm công việc cho qua mau, mau xong là chúng ta cũng muốn tìm thụ hưởng bằng sự nhàn rỗi, nghỉ ngơi ... Thỏa mãn, thụ hưởng, nhàn rỗi, nghỉ ngơi ... là chúng ta đã dùng các chất say dưới hình thức khác, không hơn không kém.

Cuối cùng, Nhà Sư kết luận:

- Vì tham, vì sân, chúng sanh phạm sát, đạo, dâm, vọng, tửu. Vì tham, vì sân, màtâm chúng sanh trầm luân mãi giữa biển đời sinh tử khổ đau. Ngũ Giới nhằm xa lìa những ác nghiệp tiền căn và cắt đứt mọi trói buộc do những vọng tâm sai sử. Như vậy,kẻ giữ Ngũ Giới đúng nghĩa là phải đoạn tuyệt tham sân, đúng như Pháp Cú kinh, Phật thuyết: "Như bông lài buông rơi những cánh hoa tàn úa, cùng thế ấy, này chư Tỳ kheo, hãy buông bỏ tham sân". Kẻ nào sát sanh, lấy của người mà không được cho, lân la vợ người, nói lời hư vọng và dễ duôi dùng chất say, kẻ ấy đã tự đào lỗ chôn mình.

Vậy này chư Phật tử! Hãy bảo trọng Tam Quy và Ngũ Giới như bảo trọng con ngươi của mắt mình, như chim bảo vệ cặp cánh, như người mẹ bảo vệ đứa con một ... Chớ quên! Chớ dễ duôi! Chớ quên! Chớ phóng dật!

Rời gia đình người Phật tử, hai thầy trò lại lên đường. Lúc ấy khoảng ba giờ chiều.

Bất Ác nói:

- Sao Thầy không chấp thuận lời mời, để trời mát hãy đi cho khoẻ!

Nhà Sư nói:

- Bất Ác! Con có thấy rằng, trong lời nói của con vừa rồi ẩn chứa một kiếm tìm nghỉ ngơi nào đó? Một thoả mãn hoặc một tiện nghi an toàn nào đó? Tất cả đấy là những trá hình của dục vọng, của bản ngã? Tất cả đấy là những cách thế trốn chạy thực tại mà người học Ðạo, học sự Giác Ngộ có bổn phận phải thấy, phải biết?

Bất Ác le lưỡi:

- Thầy nói đúng y chang! Con đã thấy rồi!

Bước chân của hai người dẫn đến một khu phố náo nhiệt, có một số người ăn xin nằm, ngồi, đứng vất vơ bên đường. Nghĩ đến bài học hồi sáng, Bất Ác đem cho hết mấy chiếc khăn mặt, cùng với số tiền mà gia đình kia đã cúng dường.Thấy trên khuôn mặt Bất Ác loé sáng niềm vui, đến một khoảng đường vắng, Nhà Sư mới nói:

- Con ạ! Chính những điều Thầy đã dạy, con cũng đừng nên coi đó là những mẫu mực, những quy tắc. Ðấy không phải là những công thức cố định nhằm áp dụng cho tất thẩy mọi tình huống phức tạp và đa dạng của cuộc đời. Ðấy chỉ là sự gợi ý, mở phơi để cho con tự học lấy bài học Giác Ngộ. Bởi vậy, con phải biết vượt qua lời Thầy bằng sự sáng tạo linh động từng lúc ở nội tâm con, bằng tuệ-minh-sát thường trực ở trong con. Nếu thấy "sự cho" vừa rồi là nhằm "thoả mãn" một cái gì đó ở trong con, thì sự "thoả mãn" ấy cũng được nhìn ngắm: nó là hỷ tâm? là an lạc? Là dục vọng? hay bản ngã? Hãy cho với tâm của hư không vắng lặng. Tâm xả. Ðừng trụ tướng. Hãy trôi! Hãy chảy! ...

Bất Ác nhíu mày suy nghĩ.

Nhà Sư vỗ về:

- Thầy biết đấy là những bài học qúa sức con. Con có thể hiểu nhưng chưa biết! Con có thể biết nhưng chưa thấy! Thầy muốn dẫn con đi lên, đi lên mãi cho đến chỗ không còn gì để lên. Chỉ có sự đi lên toàn triệt và tối thương ấy, chúng ta mới đến được chỗ giải thoát. Con ạ! Bất cứ ai trên lộ trình ấy cũng ít nhiều va vấp, dính mắc, chấp trước, dừng lại ... chứ không phải chỉ riêng con đâu. Ðừng lo ngại, đừng sợ hãi, đừng bận tâm. Bên con còn có huynh đệ, chư Sư Thúc, Thầy, Sư Bá ... và cả Sư Tổ Vô Tướng Ðại Sư nữa. Nhiều lắm! Con đường ấy không phải chỉ có một mình một nình con đi!

Căn nhà khá khang trang được hiện rasau bờ tường thấp, cổng mở, hai thầy trò bước vào. Một con chó lớn chồm lên sủa inh ỏi, hung tợn. Hai thầy trò giữ tâm xả, lặng yên. Không thấy một năng lực xung đột, kháng cự nào, con chó lùi dần. Một người làm vườn đứng tuổi, lễ độ bước ra chào hỏi:

- Thưa Thầy, chẳng hay ...

Nhà Sư mỉm cười:

- Bần Tăng là bạn vong niên của chủ nhà!

- Dạ, có ạ, để tôi dẫn lối.

- Cảm ơn. Phải chăng chủ nhà vẫn hay tham thiền ở sau thiền thất vào mỗi buổi chiều?

- Dạ!

- Vậy thì không dám phiền, để chúng tôi tự đi!

Lối đi lót sỏi trắng. Vườn hoa, non bộ, cây cảnh được chăm sóc, tỉa tót một cách công phu, có nghệ thuật. Bất Ác tấm tắc khen ngợi.

Nhà Sư nói với chú:

- Con ạ! Lối đi lên của mỗi người tu Phật cũng cần được lót sỏi trắng. Con đường ấy cần phải phong quang, sáng sủa, đẹp, thanh cao; ấy là Bát Chánh Ðạo. Tâm viên của mỗi người cũng cần phải có công phu và nghệ thuật như thế này. Những lau lách, gai góc và cỏ dại cần đốn bỏ, làm sạch tận gốc, nhất là những bụi tham, khóm sân, cây si. Các thiện pháp cần được vun quén, chăm sóc tỉa tót, nâng niu. Và như vậy thì những đoá hoa vô ưu, vô phiền sẽ nở; những cành lá tươi tắn sẽ nẩy lộc, đâm chồi ...

Bất Ác đang cúi đầu suy nghĩ về những lời dạy bảo ấy thì một người hiện ra:

- Chào Ðại Sư!

- Chào Thượng nhân!

- Dạ, không dám! Mấy khi chúng tôi có được hân hạnh thế này.

Chủ nhà tuổi trung niên, người gầy cao, ốm xanh, vận đồ bà ba trắng dẫn lối hai thầy trò. Vào phía trong, dưới mái hiên xanh, một bộ ghế mây đặt trên vuông đất lót đá hoa, xung quanh mấy bụi hoa lài, hoa sói, tường vi thoảng mùi thơm thanh khiết, dịu dàng.

Sau khi pha trà, châm trà, cạn vài chung đậm đà, chủ nhân dẫn chuyện.

- Mấy năm gần đây, tâm tôi chán nản thế gian thật sự. Tôi đã thấy rõ đây là cõi tạm trú chứ không phải quê hương đích thực của mình. Quả thực là có một cảnh giới thanh cao hơn, vi diệu hơn mà tôi đã gặp luôn, đã thấy luôn trong những cơn xuất thần ngây ngất của thiền định ...

Nhà Sư chăm chú lắng nghe, chủ nhà tiếp:

- Ðôi khi lạc vào một cảnh giới, trở về, chung quanh tôi còn thơm ngát những mùi hoa kỳ diệu mà ngôn ngữ thế gian không thể diễn tả nổi. Tôi chìm ngập, đắm say, hỷ hoan, lạc phúc; và rồi cảm nhận ra được cái tục lụy, bất tịnh, ô nhiễm của thế gian này. Nếu không còn bổn phận với gia đình thì tôi đã ra đi, ra đi hẳn, không thèm trở về đây nữa...

Chủ nhà ngưng nói, Nhà Sư thấy cần phải tỉnh thức người đối diện:

- Quả vậy! Quả thật là có cảnh ấy, có lạc phúc, có hương thơm vi diệu. Và Thượng nhân đến một lúc nào đó sẽ bỏ thế gian bất tịnh, xấu xa này để ra đi, ra đi mãi và không có chỗ trở về! Thượng nhân sẽ ra đi mãi để chạy tìm, săn đuổi những thỏa mãn của cảm giác: những hình thức từng lúc từng tinh vi và xảo trá hơn của Ma Vương, của Dục Lạc! Thượng nhân thấy cái ô nhiễm, cái tục lụy của trái đất vì cái đó không làm thỏa mãn được bầu dục vọng, hố si mê trong Thượng nhân! Trái đất này và những hoa trái của nó không làm vừa lòng Thượng nhân, nên Thượng nhân muốn đi tìm những hạnh phúc khác. Nhưng đấy có phải là hạnh phúc chân thực chăng? Hạnh phúc chân thực không phải là sản phẩm của ý thức, của tâm trí, cũng không phải là sản phẩm của cảm giác. Thượng nhân phải coi chừng và lưu ý, kẻo đến một lúc nào đó, Ma Vương và Dục Vọng sẽ lôi kéo Thượng nhân ra đi mà không thể cưỡng lại được nữa! Hãy dừng lại, bậc thượng trí! Hãy dừng lại, người bạn vong niên! Hãy dừng lại, ngắm nhìn nó và xem nó là cái gì?!

Giọng nói hùng hồn và ý nghĩa đanh thép của Nhà Sư như một gáo nước lạnh hắt tạt vào người đối diện. Chủ nhà chợt dựng thẳng lưng, bàng hoàng, kinh ngạc. Nhà Sư nghĩ thầm là phải đánh phá triệt để, phải đập cho ông ta tỉnh dậy, không thể nương tay được nữa:

- Thượng nhân bạc nhược và yếu đuối. Thượng nhân đang đen tối và đang si mê. Thượng nhân chưa học được giáo pháp cơ bản, chưa phân biệt đâu chánh, đâu tà; huống hồ là tinh yếu của giáo pháp, huống hồ là trang bị cho mình trí tuệ để tự soi! Thượng nhân có thấy rằng, vì bất lực, bất an, bất mãn cái hiện tại nên muốn đi tìm một cái khác cao thượng hơn? Thượng nhân có thấy rằng vì chán nản, xung đột tự bên trong nên Thượng nhân muốn đi tìm một cái "ở ngoài mình", cái khác với "cái bây giờ"? Thượng nhân có biết rằng, cái cảnh giới kia chính là ý niệm dự phóng của Thượng nhân; và cái "ở ngoài mình", "cái khác với cái bây giờ', là "hướng ngoại cầu huyền" và vọng tưởng đó chăng?

-Thấy chủ nhân đang ôm đầu suy nghĩ, Nhà Sư cất giọng như thác đập vào ghềnh đá:

-Này Thượng nhân! Thượng nhân có biết rằng chân lý, Niết Bàn nó ở ngay nơi chính cái hiện tiền đang trôi chảy này không? Chỉ có cái hiện tiền đang trôi chảy ấy là "thực"! Nó "thực" với chẳng sinh chẳng diệt, chẳng hữu chẳng vô, chẳng thường chẳng đoạn, chẳng khứ chẳng lai, chẳng nhất chẳng dị, chẳng tịnh chẳng cấu, chẳng tăng chẳng giảm, chẳng khổ chẳng vui, chẳng bờ này chẳng bờ kia không? Vậy Thượng nhân phải biết quay trở lại với hiện tiền này, trọn vẹn con người mình đây với ngoại giới; nơi ấy chính là sự sống, là vận hành thiên thu của sự sống. Khổ đau và phiền não là ở đây.Vô phiền, vô khổ cũng ở đây. Chẳng có một quê hương nào khác. Chẳng có một vĩnh cửu nào khác. Hãy lấy chính quả đất hoạn nạn và đau thương này làm chổ ở y mà hiện quán. Hãy giải thoát sinh tử trầm luân. Ðừng chấp nhận một vài an vui dễ dãi, tạm thời. Hãy lên đường! Hãy "hồi đầu thị ngạn"!

Uống cạn thêm mấy chung trà trong dáng dấp trầm tư , sầu não; chủ nhà chậm rãi nói:

- Ðại sư đã cho tôi uống những chén thuốc đắng, quá đắng. Ðại sư đã quẳng tôi vào rừng hư vô bát ngát. Tôi đang không thấy gì, không biết gì, chẳng rõ mình là ai, r ồi phải làm gì? Tôi đang thất vọng, đang tuyệt vọng. Hãy cứu tôi!

Nhà Sư đứng dậy:

- Vì hoài niệm quá khứ, đeo níu quá khứ nên bị bít bùng, đoanh vây trong ma ảnh, ảo ảnh; những đám mây đen không thực có, những xác chết đã chôn lấp lâu rồi! Vì vọng tưởng, vọng móng, mơ về tương lai chưa đến nên bị vong thân, ly tính; bị chập chùng trong những dự cảm, dự thức của dục vọng và bản ngã. Vì dính mắc trong hiện tại nên bị đắm, bị chìm, bị rối loạn và đánh mất sự quân bình tâm hồn.

Hỡi kẻ thượng trí! Hỡi bậc thượng nhân! Hãy nghe lời của Ðức Phật:"Hãy gỡ mình ra khỏi quá khứ, hãy gỡ mình ra khỏi tương lai, hãy gỡ mình ra khỏi hiện tại để đến bờ kia, chẳng nên cam chịu hoài cảnh sinh tử nữa".

Chủ nhà ngơ ngác ngước đầu lên hỏi:

- Làm sao gỡ mình ra khỏi hiện tại?

- Thượng nhân phải biết trầm lặng, định tĩnh tâm hồn để lắng nghe. Phải biết lắng nghe với tâm thái trong sáng trong từng giây khắc một. Lắng nghe tất cả các pháp đến và đi, không thủ, không xả, không chấp trước, không khởi ý, hoàn toàn vắng lặng và viên minh. Chỉ có thế thôi! Rồi Thượng nhân sẽ thấy gỡ mình ra khỏi hiện tại nó như thế nào! Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy nương tựa nơi chính mình, là hòn đảo của mình, đừng tìm nơi nương nhờ nào khác!

Bần Tăng đã khuấy sóng mặt hồ bình yên giả tạm của Thượng nhân và để lại đấy những xáo trộn, những bất an. Vậy hãy thử lắng nghe cái xáo trộn, cái bất an. Vậy hãy thử lắng nghe cái xáo trộn, cái bất an ấy? Thượng nhân là cái ấy, hay không là cái ấy?

- Tôi vẫn chưa hiểu.

- Vấn đề không phải là hiểu. Phải biết. Phải thấy. Vấn đề là biết và thấy.

- Tôi vẫn chưa biết, chưa thấy.

- Ðừng lặp lại một cách máy móc, một cách vô thức! Cũng đừng nỗ lực vận dụng tâm trí, vì nếu vậy, Thượng nhân sẽ rơi vào cái bẫy dịu dàng và êm ái của ý dục và trí dục.

- Tôi lại càng rối loạn.

- Hãy lắng nghe chính cái rối loạn ấy. Nó là ta hay không phải là ta?

- Tôi đang không biết gì hết.

- Kể cả cái "không biết gì hết" ấy. Nó là ta hay không phải là ta?

- ......!?!?!?

- Kể cả cái "khoảng trống" mà Thượng nhân đang im lặng đó nữa, nó là ta hay không phải là ta?

Ðể cho kẻ đối diện trầm tư. Nhà Sư quay lưng từ giã:

- Chúng tôi xin chào và ra đi, xin gởi đến Thượng nhân một lời cuối cùng: "Bây giờ Thượng nhân đang cố vận dụng tâm trí nhằm thỏa mãn sự hiểu biết, tìm ra một lời giải, một đáp số nào đó, cũng như Thượng nhân đã từng dụng công thiền định để thoả mãn tham vọng tâm linh của mình. Lòng sở cầu của Thượng nhân sẽ đạt được - bần Tăng tin như vậy - nhưng cuối đường tìm kiếm của tham vọng, của thỏa mãn ấy là gì? Là thực tại ư? Là chân lý ư? Là Thượng Ðế ư?"

Ði bên cạnh Nhà Sư mà Bất Ác còn như nghe văng vẳng bên tai những đoạn đối thoại kỳ lạ vừa rồi. Chú không hiểu gì hết. Té ra tri thức của con người còn quá cao vời, sâu thẳm hơn là chú tưởng. Nhưng tri thức, hiểu biết đường như không phải là trí tuệ? Ôi! Thật là biển học mênh mông, không bến, không bờ!

- Con vừa thở dài, hiện con đang bị bấn loạn bởi điều gì?

- Dạ, quả thật như vậy!

- Và rồi hiện giờ, cũng như cư sĩ kia, tâm trí con không còn biết bám víu vào đâu, có phải vậy chăng?

- Dạ, đúng thế!

Nhà Sư cất lời an ủi:

- Con ạ! Rồi một lúc nào đó con sẽ thấy thôi. Ðừng nóng nảy. Trái cây chưa chín vì chưa đủ thời gian, vậy đừng mong nó sẽ chín vội; chín vội nó sẽ đắng, sẽ chát. Cũng vậy, hãy lặng lẽ đi theo lộ trình, đi theo dấu chân của chính mình, bằng toàn bộ con người mình, thường trực tỉnh giác và thường trực lắng nghe. Và như vậy, sáng suốt và định tĩnh sẽ luôn luôn có mặt ở nơi con. Lối đi ấy là chánh đạo. Mà chánh đạo thì đến bến đến bờ, không chóng thì chầy thôi!

Trời đã tối hẳn, hai thầy trò xin vào trú ngụ nơi một ngôi chùa vắng ở ngoại ô. Vị Sư già người gầy guộc, quắc thước, dáng dấpnhanh nhẹn, diện mạo nghiêm trang; tiếp Nhà Sư bằng nụ cười cởi mở, thân thiện:

- Nghe tiếng Nhà Sư đã lâu nay mới hân hạnh được gặp mặt, thật là nhân duyên lớn. Xin Nhà Sư cạn chung trà cho ấm lòng.

Hai người cùng chấp tay tương kính. Những nụ cười đầm ấm, dịu dàng. Bất Ác đứng khép nép bên sau Nhà Sư mà cảm nghe tâm hồn thật là yên ả, thanh bình.

Vị Sư già lim dim mắt một lúc rồi nói:

- Ðời sống của một vị du tăng hành cước như Nhà Sư quả thật là nhẹ nhàng, thanh thoát. "Dã hạc vô lương, thiên địa khoan". Quả vậy, chỉ có tam y, bình bát, chiếc mỏ, cặp cánh mà thong dong biển rộng sông dài, gác ngoài tai muôn hệ lụy nhân sinh.

Nhà Sư vẫn im lặng, vị Sư già tiếp:

- Ðời sống của Nhà Sư quả là giải thoát. Vậy chẳng hay Nhà Sư có sứ mạng gì để làm nữa? Mục đích nào để đạt tới? Bổn phận và trách nhiệm nào phải hoàn thành? Hay Nhà Sư dã hoàn toàn rãnh việc, đã hoàn toàn buông bỏ mọi gánh nặng trên vai?

- Cám ơn sự tán thán của Ngài, quả thật bần Tăng chưa dám là như vậy.

Vị Sư già mở mắt ra, nụ cười xởi lởi:

- Quý hoá thay! Quả đúng Nhà Sư là một người cao thượng có một đời sống rất cao thượng vậy!

Nhà Sư cất giọng điềm đạm:

- Trước khi trả lời, bần Tăng xin hỏi Ngài về ý nghĩa của hai chữ "cao thượng"? Phải chăng cao thượng là vì thấy mình thành tựu những giá trị to lớn? Ðã thấy mình đủ giới và trí? Ðã thấy mình trong sạch và vắng lặng giữa thế gian bất tịnh và huyên náo nầy?

- Phải vậy!

- Thế thì bần Tăng chẳng có cốt cách gì cao thượng như Ngài đã nghĩ. Bần Tăng sống đời bình thường của một tỳ khưu xin ăn bình thường.

Vị Sư già nhạc nhiên:

- Sao lại thế được! Không cao thượng sao được khi cuộc đời này Nhà Sư không còn dính líu dù chỉ cái gót chân? Nhà Sư đã xa lìa bụi bặm cuộc đời, sống hạnh khước từ, tri túc, tri chỉ; giới luật tinh nghiêm, lục căn thu thúc, thiền quán tinh cần; sống đời vô trú rày đây mai đó, tùy duyên hoá đạo như mây trắng ngàn phương, thong dong tự tại. Ðời sống như vậy mà không cao thượng thì trên thế gian này còn gì gọi là cao thượng nữa?

Nhà Sư mỉm cười:

- Ngài nói hơi quá! Tuy nhiên, nếu sống mà tốt đẹp được như thế thì tôi cũng không dám nghĩ rằng sống vậy là để mà hơn người, hơn đời, hay để cho mình được cao thượng hơn.

Vị Sư già nhíu mày:

- Vậy sống như thế để làm gì?

- Thưa Ngài, là để mà học bài học Giác Ngộ!

Vị Sư già ngẫm ngợi hồi lâu:

- Dẫu thế nào Nhà Sư cũng quá khiêm nhường!

Nhà Sư đáp:

- Chẳng phải thế!

Vị Sư già ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao?

- Vì bần Tăng biết và thấy. Bần Tăng biết và thấy rằng, khiêm nhường là ngã mạn, khiêm nhường là thấy mình ở trên cao phải hạ thấp xuống, khiêm nhường là để được an toàn bản ngẵ, để được người ta kính trọng, nể vì. Trên tất cả, khiêm nhường thường ẩn chứa bóng tối của dối trá và hư nguỵ. Bởi vậy, bần Tăng như thế nào thì xin được là như thế ấy. Bần Tăng là người ăn xin đúng nghĩa, cho nên cao thượng không có trong bần Tăng mà khiêm nhường cũng không có trong bần Tăng!

Vị Sư già lưng thẳng dậy:

- Thật là lạ lùng. Quả là tôi mới nghe lần đầu. Nhưng xin Nhà Sư cho tôi dược hỏi tiếp: Tại sao cao thượng là không mà khiêm nhường cũng bảo là không?

- Thưa, tất thảy chúng là vận hành của bản ngã, nói rõ hơn, là chiếc bẫy vô hình của Vô Minh và Ái Dục.

- Khiếp!

Nhà Sư tiếp lời chậm rãi:

- Chúng ta nên sống với tri như thực, kiến như thực; đừng sống với những quy ước, những tầng bậc giá trị của thế gian. Chúng ta là kẻ tu hành, vậy thì hãy bước ra ngoài mọi hào quang của chân lý ước lệ và hào quang của những ngôn ngữ sáo mòn. Sự sống đích thực không cần chúng. Chân trời giác ngộ, giải thoát nó rộng rãi, khoáng đãng và mênh mông vô lượng hơn nhiều.

Vị Sư già nắm chặt hai tay Nhà Sư, cất giọng xúc động:

- Thật là tri ân, Nhà Sư đã mở mắt cho tôi, nhờ vậy tôi mới biết rằng, từ lâu, tôi đã sống trong cái giá trị hữu vi, tôi sống với sự vận hành của bản ngã.

Nhà Sư cũng cảm động:

- Ðấy là lời chân thật tự đáy lòng, bần Tăng rất hoan hỷ.

Vị Sư già cúi đầu hồi lâu:

- Nhà Sư có thể giảng giải rộng những điều vừa nói cho tôi thông suốt vấn đề, được chăng?

- Xin vâng! Nhà Sư nói - Ngài là một vị chân tu, đứng đắn, đàng hoàng, đạo đức nhưng vì thiếu trí tuệ nên kết quả tu hành của Ngài chỉ gặt hái được phước hữu lậu nhân thiên mà thôi.

Vị Sư già nói:

- Ðúng vậy, nhưng tôi còn có hành thiền định.

- Tại sao Ngài lại công phu thiền định?

- Là để đối trị với xáo trộn, bất an, phóng dật, lo âu, sợ hãi ...

- Ðồng ý thế rồi, và Ngài đã tìm được hạnh phúc?

- Thú thật là có, hai ba giờ hoặc một hai ngày, tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhập định.

NhàSư mỉm cười:

- Có khi nào Ngài nghĩ rằng vì bực tức, bất mãn, không hài lòng những cái diễn ra nơi nội tâm, nên Ngài mong muốn nhập định để tìm cái hạnh phúc và an lạc khác. Bực tức, bất mãn, không bằng lòng là do sân, và thoải mái trong hạnh phúc thiền định là do tham, Ngài có thấy không?

- Quả thật tôi chưa hề nghĩ đến.

- Như vậy là vì bất an, bất an, bất mãn cái hiện tại nên Ngài muốn chạy trốn cái hiện tại. Ngài mong một cái gì khác để khỏa lấp chúng đi! Tất cả đấy chứng tỏ rằng, Ngài đang muốn thành tựu cho một bản ngã, khuếch đại bản ngã bằng tham vọng vi tế hơn là sở đắc thiền định!

Vị Sư già ngạc nhiên:

- Vậy thì các vị thánh nhân A La Hán, Chư Phật không có hành, không có đắc, không cao thượng gì hết sao?

- Dĩ nhiên các Ngài có hành, có đắc, có cao thượng.

- Tôi nghe dường như mâu thuẫn.

- Không có mâu thuẫn đâu - Nhà Sư ôn tồn đáp - các Ngài hành, đắc, cao thượng, để mà giác ngộ "cái tôi", các Ngài vô ngã, còn đắc định như vừa rồi là hữu ngã.

Vị Sư già gật đầu nhưng lại hỏi:

- Vậy làm thế nào để được vô ngã?

- Vô ngã không phải là làm như thế này hoặc làm như thế kia. Vô ngã cũng không phải là cái để mà hành, mà đắc hoặc là để hiểu và biết. Vô ngã thuộc phạm trù của "cái thấy", của tuệ giác. Ngài nên nhớ rằng, đừng mong cầu để được vô ngã, tại sao vậy? Vì khi Ngài mong cầu vô ngã, rồi quyết định thành tựu cái vô ngã ấy, thì cuối cùng Ngài sẽ đạt được một cái NGÃ VÔ NGÃ!

Vừng trán vị sư già cau lại, Nhà Sư nghĩ rằng đã buông lời là buông luôn, không còn giữ lại:

- Ngài như thế nào thì Ngài thấy như thế ấy, như thế ấy với khuôn mặt như thực của mình, không thêm, không bớt, không thủ, không xả. Và đấy mới bước qua phạm trù của quán chiếu bát nhã, của tuệ giác. Tuệ giác là thường trực trú nơi "vô ngã". Tôi nói "trú" một cách cố ý, vì rằng, Ngài phải thường trực trú nơi cái hiện tiền trôi chảy của tâm niệm, của tư tưởng. Bất kể tâm niệm, tư tưởng ấy là gì, là tốt, là xấu, là đục, là trong cũng đều được ghi nhận một cách rõ ràng, chính xác! Nói cách khác, Ngài phải thường trực chánh niệm, tinh tấn và tỉnh giác trước các pháp đến và đi qua tâm thức. Thường trực lắng nghe chính mình một cách khách quan, đừng đồng lõa với cái gì, mà cũng đừng chấp nhận, phản ứng hoặc biện hộ cho cái gì. Tuệ minh sát phải trong sáng, sắc bén, không thiên vị và hoàn toàn trung chính. Ðừng bất mãn cái gì, đừng mong muốn cái gì, vì bất mãn là sân, mong muốn là tham! Vậy chỉ có một việc duy nhất là chăm chú và trầm tĩnh lắng nghe. Chỉ có lắng nghe như vậy Ngài mới cắt đứt được tham sân và thấy rõ vô ngã là gì!

Nhà Sư ngừng nói hồi lâu, vị Sư già mới góp lời:

- Bấy lâu, tôi thấy tôi thành tựu được nhiều, Nhà Sư đã lột trần tôi ra và tôi thấy mình chẳng còn gì nữa cả!

- Ðúng vậy! Lời thổ lộ ấy của Ngài mới thật là cao quý: Lời của ý-thức-vô-ngã! Như vậy, thưa Ngài, cao thượng đúng nghĩa là khi mình toàn triệt vứt bỏ được "cái tôi". Vứt bỏ cũng chỉ là cách nói, chứ thật ra, khi thấy thì Tất cả Pháp đều là vô ngã. Các Pháp là vô ngã thì lấy gì để sở đắc, thành tựu? Hoàn toàn không! Rốt ráo không! Tuy nhiên, cái không ấy không phải là hư vô mà nó là chìa khoá để mở cửa Niết Bàn!

Trên đường trở về chùa, Bất Ác nói với Nhà Sư:

- Một ngày hai đêm đi với Thầy con học được một vài điều.

- Con hãy nói xem nào.

- Thứ nhất, thấy việc thiện là làm ngay, cương quyết và dứt khoát.

- Giỏi lắm!

- Thứ hai, chỉ có việc chăm chú và trầm tĩnh lắng nghe, còn hiện tại, quá khứ, vị lai đều đẹp qua một bên.

- Khá lắm!

- Thứ ba, kham nhẫn hoàn cảnh và chịu đựng gian khổ.

- Rất đúng! Còn gì nữa không con?

Bất Ác lắc đầu:

- Chỉ chừng đó thôi, còn câu chuyện thiền và vô ngã gì gì đó thì con mù tịt!

Nhà Sư trầm ngâm một lúc lâu:

- Thật ra, con học đươc như vậy cũng đã khá nhiều. Vậy từ bài học ấy, từ nay, con đã biết cách đối trị với cái tâm thụ động, tiêu cực, đôi khi lại còn biếng nhác, dễ duôi nữa. Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác con cũng còn thiếu, có phải thế không? Nhưng còn điều quan trọng hơn, là Thầy chỉ muốn đánh thức ở nơi con một điều gì đó, để con tự tỉnh dậy và tự bước đi bằng hai chân của mình, trên lộ trình của chính mình!
THANK YOU
11-07-2019, 08:50 PM
Bài viết: #5
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
5/ Nhớ thở nhé

Chỗ tôi ở thường ít tiếp khách và cũng ít người biết đến“cái hang đá” cô tịch của tôi. Thế mà hôm đó, khi tôi đang nghỉ trưa thì có một khách trung niên đến gõ cửa. Thấy khách lạ, ăn mặc đàng hoàng, gương mặt có vẻ trung chính nhưng ẩn bên sau dường như đang có gì bị trầm uất. Tôi tiếp và ngồi tạm giữa sàng.

Tôi nói:Xin lỗi, ở đây không có trà nước như dưới kia, thông cảm nghe. Không biết ông kiếm tôi có việc gì mà trưa nắng hanh hao như thế này?

Vị khách có vẻ không quen cách ngồi giữa sàng nên tôi lấy cho ông một tấm toạ cụ dày, và nói là cứ ngồi tự nhiên rồi nói chuyện.

- Xin lỗi thầy! Ông nói giọng Huế - Tôi biết tôi có lỗi nhưng chỉ xin thầy năm bảy phút gì đó thôi!

- Được rồi, không sao!

Rồi tràng giang đại hải, ý chính ông nói là:

- Tôi đang bất an, đang rối loạn, thần kinh như bị đứt mạch và đầu óc như muốn vỡ ra. Tôi buôn bán làm ăn trong thời buổi kinh tế chụp giựt, nhóm lợi ích lên làm vua, bất động sản đóng băng, ngân hàng gian xảo, thuế chồng thuế vô lương tâm, đút lót cha, đút lót con, vay nợ để trả nợ nên đến lúc tan hoang không còn gì! Thế rồi, vợ ngoại tình theo tên trọc phú, bỏ đi. Hai đứa con trai chạy theo đám bụi đời, ở nhà chỉ còn đứa con gái út. Nếu không có cha mẹ già và đứa con gái út thì tôi cũng đã cắt cái cần cổ cho xong cái nợ đời! Tôi muốn sống, muốn bình tâm để sống và để làm lại cuộc đời cho nên tôi muốn đến chùa để xin một lời khuyên...

- Phải vậy rồi! Tôi gật đầu nhè nhẹ.

Vị khách tiếp tục:

- Thế là tôi đến một vị thầy! Vị này khá nổi tiếng. Sau khi tôi trình bày hoàn cảnh bi đát của gia đình như vậy, ông thầy đã giảng giải cho tôi nghe về nhân quả nghiệp báo. Vị ấy nói đồng ý ai cũng làm ăn nhưng nếu như không có phước báu hỗ trợ thì chỉ như xây lâu đài trên cát. Có nhân mới có quả. Chuyện vợ ngoại tình thì biết đâu, kiếp trước mình cũng đã phạm tội ngoại tình rồi, nhân quả xảy ra ba đời công minh lắm đó... Vị ấy nói rất nhiều, nhiều hơn cả tiếng đồng hồ làm cái đầu của tôi như muốn vỡ bung luôn... Tôi muốn đấm cho ông thầy một đấm nhưng tôi đã tự chủ được, rồi bất lịch sự bỏ đi!

Khách nói ngang đó rồi hỏi tôi:

- Thầy thấy sao?

Tôi nói:

- Ông thầy giảng không sai nhưng cũng không được đúng lắm, trong trường hợp của ông! Còn ông thì đòi đấm một bậc đầu tròn áo vuông thì lại càng bậy hơn nữa.

Khách có vẻ hối hận, giọng chùng xuống:

- Cảm ơn thầy! Sau đó tôi mới thấy mình quấy! Nhưng ông thầy đã cho tôi uống nhầm thuốc nên tôi đã bực lại càng bực hơn!

Tôi mỉm cười:

- Thật ra, ông bực, mà tôi nghe cũng bực!

Được lời như mở tấm lòng, khách lại thao thao bất tuyệt:

- Tôi đến một vị ni sư, tuổi lớn, rất uy tín trong hàng ni chúng. Khi tôi trình bày muốn tìm một pháp môn an tâm thì vị ni tỏ vẻ rất thông cảm. Vị ấy nói về sự khổ của chúng sanh trong sáu cõi, ba đường. Cái nghiệp khổ trên đời này hầu như ai cũng phải gánh chịu. Đời là bể khổ mà! Cái khổ trong xã hội hiện tại thì lại càng kinh khiếp hơn, ai cũng nghe, ai cũng thấy, ai cũng biết. Rất nhiều người xung quanh ông còn khổ hơn ông. Chỉ có cách niệm Phật thôi. Hãy sắm một bàn thờ Quán Thế Âm và hằng đêm miệm Phật Quán Thế Âm thì ông sẽ đỡ khổ, bớt khổ. Đức Quán Thế Âm có 32 ứng thân... Ngài có lời đại nguyện là hằng cứu khổ cho chúng sanh...

Đợi ông ngừng hơi - mà chưa nói tiếp - tôi nói:

- Nghe như thế rồi tâm ông lại nổi bực lên, có phải thế không?

- Đúng vậy, nghe bà ni giảng con cà, con kê tôi chán quá; và một lần nữa, tôi lại bất lịch sự và bỏ đi!

- Vị này nói đúng mà vẫn không được đúng – Tôi nói – Cái kiến thức kia dường như ông cũng đã biết, phải không?

- Phải! Ông gật - Thưa thầy, nhà tôi nhiều đời thờ Phật, kinh sách Phật ở nhà tôi còn cả mấy tủ lớn. Chuyện Quán Thế Âm thì ai mà không biết! Vấn đề là làm thế nào để an được cái tâm, an cái óc này này! Khách vỗ vỗ lên đầu mình - Cứu, cứu! Ai mà cứu được mình khi mình không tự cứu!

- Phải! Tôi lại gật đầu.

Được thể, khách vẫn muốn thổ lộ tâm tư nữa.

-Tôi đi đã nhiều nơi, tối thiểu là đã gặp mười vị tăng, ni rồi – nhưng họ đều cho uống thuốc trật cả. Có một vị thì dạy tụng kinh Di Đà, niệm lục tự Di Đà, vãng sanh Tây phương cực lạc. Có vị thì dạy niệm “Án ma-ni bát mê hồng”. Ba cái cầu khấn ấy không hợp với cái tạng của tôi. Và khó chịu nhất là có vị dạy tôi pháp môn giải thoát hiện tiền, giải thoát trong từng hơi thở, từng bước đi ra sao. Có vị thì hướng dẫn an lạc trong từng bước chân! Hôm ấy, thầy biết sao không, tôi bực quá, tôi la toáng lên: ”An lạc, giải thoát, sống trong thực tại hiện tiền là cái quái gì? Đời sống hiện tại tối tăm, bức xúc, lửa cháy trong óc, máu độc ngấm trong tim mà các thầy lại nói an lạc hiện tiền, giải thoát hiện tiền! Tôi đã chán mứa cái hiện tại nầy, tôi đã muốn tự tử cái hiện tại này mà các thầy lại nói an lạc, giải thoát!”

Thấy khách giận dữ quá, tôi nói nhẹ:

- Thôi, khoan đã! Hãy ngồi lại cho yên, rồi tôi nói chuyện cho nghe!

Khách nghe tôi, ngồi yên.

Tôi nói tiếp:

- Cứ ngồi yên vậy! Cứ hít thở tự nhiên! Chỉ hít thở tự nhiên thôi nghe! Rồi đợi tôi có việc một chút. Cố gắng đợi tôi chút nghe. Chuyện của ông “quan trọng” lắm. Tôi còn muốn nghe nữa đấy!

Nói thế xong, tôi đi vào phòng trong. Thật ra, tôi chẳng có bận việc chi cả. Mà chỉ muốn ông thở chừng mươi phút cho lắng cái bức xúc xuống mà thôi.

Thấy thời gian vừa đủ, tôi ra:

- Hãy nói tiếp đi, ông bạn, tôi nghe đây!

Khách thở ra nhè nhẹ:

- Cảm ơn thầy, tôi thấy dễ chịu rồi!

- Thế à? Tại sao lại dễ chịu vậy?

- Dạ nhờ hít thở tự nhiên, điều hoà nên nó khoẻ!

Tôi cười, giả vờ ngạc nhiên:

- Thế hoá ra ông biết cả rồi mà còn chạy Đông chạy Tây hỏi thầy nầy thầy kia!

- Tôi biết? Tôi biết cái gì đâu?

Tôi giải thích:

- Cái mà ông hít thở, được gọi là “thiền” đó! Đôi khi chỉ cần thở như ông vừa thở thì khí huyết điều hoà, toàn bộ hệ thống thần kinh đều dịu lại. Và cũng từ chỗ này mà quyết định công việc, quyết định nên làm gì thì nó ít sinh ra lầm lỗi đáng tiếc.

- Cảm ơn thầy!

- Hiện tại, chỉ việc tập thở thôi, lắng nghe hơi thở thường xuyên như vậy càng ngày mình càng bình tĩnh và tự chủ hơn. Còn việc rối ren, nợ nần, chuyện này, chuyện khác, từ từ mà phanh từng cái một, gỡ rối từng cái một, tuyệt đối không để nóng nảy và bức xúc làm hỏng cả cuộc đời mình đi!

- Cảm ơn thầy!

Tôi cho ông thêm một “liều thuốc nhân gian” để củng cố niềm tin:

- Mắt ông sáng, đen trắng phân minh thì không thể làm người xấu được. Cằm ông đầy đặn, hậu vận tốt, gia đình sẽ vui vầy, yên ấm. Không sao đâu!

- Cảm ơn thầy!

- Khi nào nóng nảy, khó chịu quá thì lên đây uống trà, rồi mình cùng hít thở với nhau. Tôi đặc biệt ưu tiên cho ông đó.

Khuôn mặt khách đã trở nên thư thái:

- Tôi ở Sài Gòn, chứ không ở đây! Cảm ơn thầy đã lắng nghe và thầy cũng đã tế nhị dạy cho cái thiền hơi thở giản dị như vậy, tôi sẽ áp dụng được. Không giấu gì thầy, tôi vừa bán được mảnh đất hương hoả, hy vọng việc làm ăn tôi từ từ gầy lại được!

Khi ông chào từ giã, tôi nói:

- Mừng cho ông, yên trí mà làm ăn nghe. Hai đứa con trai chơi mệt, chán thì nó sẽ trở về khi biết ông đang bình tĩnh, chí thú làm ăn trở lại; nhưng nhớ là đừng lấy đầu óc mà xử lý, nên dùng trái tim mà cảm hoá dịu dàng thôi!

- Dạ vâng!

- “Nhớ thở nhé”!

Tôi cười. Khách cũng cười, xá xá rồi bước đi.

Tôi thầm cảm ơn ông khách đã cho tôi một bài học, là từ rày về sau hãy cẩn thận khi giảng nói; “pháp dược” mà cho uống lầm người, coi chừng bị thiên hạ “đấm” cho chớ chẳng chơi!
THANK YOU
15-07-2019, 06:06 AM
Bài viết: #6
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
6/ CON CHIM SẼ

Một ngày vừa lên bên ngoài khung cửa. Bình minh. Mùa xuân. Nắng nhẹ lung linh trên những đọt lá xanh non.

Rời bàn viết, Nhà Sư đi lần về phía cửa sổ. Muôn hoa nở đầy vườn. Nhà Sư vươn vai đón nhận làn thanh khí mát mẻ của đất trời mà cảm nghe một hoà điệu mênh mông, chan hoà với vạn vật.

- Bạch Thầy, bạch Thầy ...

Tiếng gọi ngập ngừng từ bên ngoài vọng vào. Nhà Sư quay lại:

- Liễu Minh đấy à? Có chuyện gì vậy con?

Liễu Minh mở nhẹ cánh cửa:

- Sau giờ công phu khuya đến giờ, chẳng hay Thầy bận rộn điều gì mà không ngồi Thiền theo lệ thường?

Nhà Sư mỉm cười dịu dàng:

- Con thấy Thầy chong đèn rồi bảo Thầy bận rộn đó à?

- Con ... con ...

Nhà Sư cất giọng từ ái:

- Con ạ! Ðọc sách, xem kinh không phải là bận rộn; viết truyện, biên khảo không phải là bận rộn. Cho chí lao động suốt ngày, làm việc để kiếm thêm sắn khoai, rau cải cũng không phải là bận rộn. Trái lại, có kẻ công việc chẳng làm ra đầu ra đũa, bỏ mứa chuyện này, bỏ phế chuyện kia, lăng xăng, loay hoay ... mà bận rộn suốt cả cuộc đời! Hai trường hợp ấy khác nhau ra sao con có hiểu không? Khác nhau ở cái "tâm" con có biết không?

- Dạ, con đâu có dám nghĩ là tâm Thầy bận rộn ... Con chỉ hỏi chừng sức khỏe của Thầy!

Nhà Sư ôn tồn:

- Con thấy đó, Thầy làm việc nơi bàn viết mỗi ngày năm, sáu tiếng, lao động chân tay hai, ba tiếng; công phu hành thiền hai hoặc ba thời; còn tập thể dục, yoga, thái cực quyền ... nữa. Ơn Phật cho Thầy được sức khỏe nên chẳng bao giờ uống thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc Bắc; thế mà rất ít ốm bệnh, vài ba năm chỉ nhức đầu, sổ mũi sơ sơ ... vậy thì còn đòi hỏi gì nữa hở con?

Liễu Minh cúi đầu. Nhà Sư khẽ vỗ lên vai chú:

- Mà cho dù sức khỏe có sa sút, có ốm đau này nọ cũng là chuyện thường tình. Có thân ắt có bệnh. Mình muốn thân này không bệnh là đi ngược lại với vận hành tự nhiên của định luật. Vậy là không được. Vậy là dục vọng. Người hiểu Ðạo phải sống theo Pháp, thuận Pháp.

- Dạ, con đã hiểu.

- Còn nữa, đấy là chưa nói cái chí hướng, cái chí nguyện. Ðức Bồ Tát thí thân cứu hổ dữ, cắt thịt mình cho chim ăn, hy sinh cái thân vì hạnh phúc cho phần đông. Chúng ta là kẻ xuất gia, cái thân này chỉ tạm mượn mà tu hành. Lại nữa, xuất gia là ý chí tối thượng, là Ba La Mật; như mũi tên kia đã đặt trên dây cung, như hành trang nọ đã chuẩn bị sẵn với con thiên lý mã; vậy chỉ còn là sự tinh tiến, quyết tâm lên đường nữa thôi. Có sá gì cái thân này hở con?

Liễu Minh gục gặc đầu ra vẻ lãnh hội được bài học, chú nói:

- Thế ra cái thân này chỉ dùng để mà thể nghiệm Ðạo lớn?

Nhà Sư cười:

- Ðúng, nhưng không cần nói đao to búa lớn như vậy. Giới nơi thân có ba, có ba là nói theo pháp học chứ thật ra là hằng chục. Không phải chỉ có sát, đạo, dâm ... mà tất thảy những vọng động của thân, những lắc lư, ưỡn ẹo, tay đấm chân đá nữa! Mỗi lần xin giới con đều có đọc: "Con xin vâng giữ điều học ..." Ðiều học gì? Phải học bài học giác ngộ ở đó!

Nhà Sư tự nghĩ: "Ðơn giản vậy mà không dễ gì nó lãnh hội hết đâu, nhưng chỉ cần cái gợi ý, gợi ý đúng hường nó sẽ tư duy đúng hướng".

Lát sau, Nhà Sư ân cần nắm tay Liễu Minh đi về hướng chánh điện. Mùi hoa huệ trắng tỏa hương thơm tinh khiết phảng phất trong không gian.

- Con chim sẻ, bạch Thầy! Con chim sẻ hồi hôm vẫn còn!

Theo hướng tay chỉ của Liễu Minh, Nhà Sư thấy phía trên bệ thờ, một con chim sẻ đang kêu chiêm chiếp, vươn vai ưỡn cánh vô tư ...

Nhà Sư nói:

- Con chim kia có vẻ vô tư, thoải mái con nhỉ! Dường như đó là những giây phút hạnh phúc, bình yên của nó.

- Vâng, quả có vậy.

Trầm ngâm giây lâu, Nhà Sư hỏi:

- Con có thể cho Thầy biết rằng, là cái hạnh phúc, bình yên kia có chân thật không? Hay là ẩn sau cái hạnh phúc, bình yên ấy là những sợ hãi, những lo âu?

Vầng trán đầy thông minh của Liễu Minh chợt cau lại. Nhà Sư biết là mình đã đặt một câu hỏi vượt quá sức của chú. Vừa định tìm cách khơi dẫn thì con chim sẻ cũng vừa cất cánh bay lên khung cửa gương phía trên cao. Chim vì thấy có người, định tìm lối thoát nhưng cũng bị dội ngược trở lại. Ðã mấy lần chim lặp lại mãi cái nổ lực vô vọng ấy.

Liễu Minh chợt reo lên:

- Con tìm ra câu trả lời rồi! Hạnh phúc, bình yên kia chẳng phải là cái chân thật, chỉ là cái tạm thời. Bạch Thầy vì quê hương nó không phải là ở đây, mà ở phía bên ngoài cửa gương, nơi bầu trời mênh mông, cao rộng ...

Nhà Sư nhè nhẹ gật đầu:

- Con đã nghĩ đúng. Ôi! Nếu cái nghỉ ngơi tạm thời kia mà được gọi là hạnh phúc, bình yên thì hạnh phúc, bình yên của đời người mới ngắn ngủi, mới đáng mỉa mai làm sao, con nhỉ! Thụ hưởng được tí chút hạnh phúc, bình yên để rồi phải đối đầu với mọi nỗi lo âu, sợ hãi. Thụ hưởng được tí chút hạnh phúc, bình yên để rồi nhận ra rằng mình đang bị vây bủa trong bốn bức tường cao!

- Liễu Minh, con! Hãy nhìn thêm sự đau khổ đã rã rời trên đôi cánh của chim. Con hãy nhìn để biết, để thấy và để cứu!

Trên cao, chim vẫn láo liêng, ngơ ngác, bay ngược bay xuôi; vẫn lặp đi lặp lại mãi cái động tác quen thuộc: lao vào liền bị dội ra!

Như đã không còn chịu đựng nổi cái đau khổ của chim, Liễu Minh hốt hoảng:

- Hãy cứu, bạch Thầy, hãy cứu nó!

Vừa nói, Liễu Minh vừa chạy tới chạy lui đầy thương yêu và đầy lo lắng; nhưng khoảng cách giữa người đến chim quá xa, chẳng thể làm gì được. Chú vỗ tay, chú đập thùng, chú hét, chú la ... Tất cả đều vô ích. Nỗ lực của chú chỉ làm cho chim hốt hoảng, sợ hãi thêm mà thôi.

Nhà Sư cũng thương yêu chim nhưng bình tĩnh hơn. Nhà Sư đưa mắt nhìn quanh, quan sát và suy nghĩ biện pháp, rồi nói:

- Con chạy ra sau vườn, nơi chỗ cây khế, lấy ngay cây sào vào đây.

Khi đã có cây sào, Nhà Sư lấy tấm vải rách cột lên đầu sào. Chỉ cho Liễu Minh thấy lỗ hổng thông gió ở đầu hồi chánh điện, Nhà Sư hướng dẫn chú xua chim vào hướng ấy.

Quả nhiên, theo cách làm như vậy, lát sau chim sẻ được cứu thoát ra ngoài.

Liễu Minh thở một hơi dài nhẹ nhõm:

- Nếu không có Thầy thì con chỉ làm cho nó thêm sợ hãi. Con quả là thiểu trí.

- Con đã tỏ ra đầy lo lắng, thương yêu khi chim bị nạn, như vậy là có lòng từ bi. Nhưng nếu thiếu trí, thì từ bi kia sẽ rơi vào những tình cảm sướt mướt, bá vơ, đôi khi không hữu ích gì cho cuộc đời này; lại làm cho cuộc đời này thêm rối loạn, như chim đã rối loạn. Thiếu Trí con sẽ chạy tới chạy lui mãi giữa thế gian, thương người, thương đời nhưng không biết làm sao mà cứu!

Thấm thía bài học, Liễu Minh rưng rưng như chực sa nước mắt.

Nhà Sư bước tới điện thờ, tự tay đốt đèn cầy, thắp hương, xông trầm với tư thái chậm rãi, cẩn trọng, trang nghiêm. Rồi Nhà Sư nói:

- Con hãy đến đảnh lễ Phật - nhìn Liễu Minh đảnh lễ, Nhà Sư tiếp - đảnh lễ một cách định tĩnh, buông xả cả thân lẫn tâm! Ngay giây phút đảnh lễ thì bản ngã, kiêu căng, tham sân, sầu muộn ... thảy đều phải được buông xuống hết. Ðảnh lễ là giải thoát thân, giải thoát tâm, giải thoát trí đấy con ạ! Thôi được, xong rồi, bây giờ con hãy ngồi xếp bằng theo thế liên hoa và nhắm mắt lại.

Thấy Liễu Minh làm y lời, Nhà Sư nói:

- Những tạp niệm đã lắng xuống rồi, bây giờ hãy làm cho tâm trong sáng và lớn rộng hơn. Con có nghe rõ đấy không?

- Dạ, nghe rõ.

- Con có thấy bầu trời trong xanh và cao rộng chưa?

- Dạ thấy rồi.

- Bây giờ con hãy "tưởng" con là bầu trời, không một tư niệm nào; một bầu trời rộng lớn, vô biên, trong sáng không hề có một đám mây nào gợn! - Chăm chú nhìn Liễu Minh, lát sau Nhà Sư tiếp - Vậy là tốt, hãy cứ để tâm như vậy chừng năm, mười phút.

Cuộc đối thoại chìm trong im lặng. Trầm, hương mênh mang tỏa khói, những sợi nhỏ lãng đãng uốn mình xuyên qua những tia nắng bình minh rồi tan hòa mất hút giữa thinh không. Vài tiếng động bên ngoài cũng chợt như xa vắng. Thời gian và không gian đọng lại trong vũng sáng lưu ly ... nơi cái giây phút hư không, vô nhiễm. Tất cả đều là hư không, vô nhiễm!

Nhà Sư "đánh thức" Liễu Minh:

- Thôi, đủ rồi con!

Liễu Minh mở mắt ra.

- Tâm hồn con bình yên rồi đấy chứ!

- Dạ vâng.

- Cái hư không vô nhiễm kia không phải là Niết Bàn nhưng là chỗ "tạm thời nghĩ ngơi" của chúng ta! Chỗ "tạm cư" ấy nó nhẹ nhàng hơn, yên ổn hơn tất cả những cái gọi là hạnh phúc giữa cuộc đời này. Khi nào phiền muộn con hãy đến đó mà nghĩ ngơi nhá! Con chưa thiền quán được thì tạm thời lấy cái "tưởng" hư không vô nhiễm ấy làm nơi an trú ...

- Dạ, con nghe rõ.

- Còn nữa! Thầy phải cần lặp lại rằng, cái chỗ nghỉ ngơi của con chim sẻ là không yên ổn, chỗ nghỉ ngơi vừa rồi yên ổn hơn, nhưng nó chưa phải là mục đích phạm hạnh của chúng ta. Bài học của con chim sẻ không phải chỉ có chừng đó, con hãy chiêm nghiệm thêm. Nhớ nhé!

Buổi tối, sau giờ tụng kinh, Nhà Sư hỏi:

- Từ chuyện chim sẻ hồi sáng, con học thêm được bài học gì, nói cho Thầy nghe thử xem?

Liễu Minh vòng tay:

- Con suy nghĩ kỹ rồi, bạch Thầy! Thuở mới vào chùa, con tưởng đời sống tu sĩ nhàn hạ, thảnh thơi. Nhưng con đã lầm, sự nhàn hạ thảnh thơi ấy dễ phát sanh những thụ hưởng ích kỷ, biếng nhác. Vậy con chính là con chim sẻ ấy và Thầy là người dẫn lối đưa đường, cho con ánh sáng để thấy rõ mình hơn .

- Rất tốt. Vậy còn bài học gì nữa?

- Thầy đưa con đến chỗ hư không vô nhiễm mà Thầy còn nói đó là chỗ nghỉ ngơi tạm thời. Bởi chính ngay nơi chỗ nghỉ ngơi ấy cũng dễ phát sanh thụ hưởng, ích kỷ, vị ngã. Con đã hiểu như vậy, là bài học thứ hai, không biết có sai lầm chăng, bạch Thầy?

- Không sai đâu! Còn bài học nào nữa hở con?

- Bây giờ, chim sẻ không còn là con nữa mà chim sẻ chính là hình ảnh của chúng sanh vạn loài. Vì vô minh, vì ái dục, chúng sanh cứ mải mê trong hạnh phúc tạm bợ thế tình, những thoả mãn ngũ dục phù du. Khi nhìn lại thì xung quanh đã bị vây bủa bít bùng, không còn tìm thấy lối ra. Ðâu đâu cũng là bóng đêm. Ðâu đâu cũng là tử sinh và nước mắt. Bạch Thầy, đấy là bài học thứ ba .

Nhà Sư mỉm cười:

- Khá lắm! Nhưng dường như con muốn nói gì đó nữa?

- Dạ đúng thế. Con còn muốn ví con rằng, tấm gương mỏng và trong trên cửa sổ cao kia được ví như màn vô minh. Vì trong và mỏng quá nên chúng sanh không biết đấy là vô minh. Nhưng vô minh dầu mỏng, dầu dày cũng rất khó thấy. Ðối với kẻ trí, ít nghiệp chướng thì nó rất mỏng. Ðối với người ngu, nhiều nghiệp chướng vì nó chắc hẳn phải dày. Nhưng, đập vỡ nó ra thì bên kia là vùng trời giải thoát!

- Lành thay! - Nhà Sư tán thán - Con còn muốn nói gì nữa không?

- Bạch Thầy! Hồi sáng nhờ cây sào của Thầy, con mới đưa chim ra được bầu trời tự do. Cây sào ấy được ví như là Giáo Pháp, nói gọn và gần hơn nó chính là Bát Chánh Ðạo mới đưa được chúng sanh từ nơi lo âu, sợ hãi, phiền muộn đến nơi giải thoát an vui!

- Hay lắm!

- Bạch Thầy - Liễu Minh say sưa nói - Phải xua, phải đuổi, phải đánh, phải đập những con chim sẻ đần độn, ngu muội! Phải tát vào mặt, phải quất vào lưng những con chim sẻ ngủ mê, hưởng thụ, biếng nhác! Phải làm cho chúng tỉnh dậy, phải làm cho chúng ra đi, cho chúng bay, cho chúng thoát. Phải giúp đỡ cho chúng sanh bằng mọi phương tiện có thể được. Bây giờ không còn là thứ từ bi thụ động, tiêu cực, nước mắt sướt mướt ... mà phải là bão để cuốn phăng, phải là lửa để đốt cháy ... cho chúng sanh tỉnh giấc mộng trường! Và ngay chính bản thân con, con chim sẻ ngu muội, cũng phải biết thủ tiêu cái hèn mọn của tự ngã, sự nghỉ ngơi tạm thời ... để lên đường, để ra đi ...

- Nói ra đi như vậy, nhưng con chưa dám nghĩ là để thành tựu điều gì, mà chỉ là đáp đền hồng ân Tam Bảo, đáp đền ân Thầy Tổ, đàn na tín thí chủ và tình nghĩa đệ huynh. Và nhất là để khỏi hổ thẹn với chính mình!

- Ðấy là những suy nghĩ chân chính, đáng khen. Chà! Một con chim sẻ vừa ngu muội đó mà bây giờ đã trở nên thông minh rồi! Thầy hài lòng lắm, con biết không?

Liễu Minh nở nụ cười sung sướng còn tươi đẹp hơn mùa xuân bên ngoài.
THANK YOU
22-07-2019, 06:56 PM
Bài viết: #7
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
7/ TRÁI ÐU ÐỦ CẮT TƯ

Sửa soạn mâm cơm cho Nhà Sư xong, Bất Ðạt cầm trái đu đủ ngắm nghía. Chú nghĩ, trái đu đủ này quá nhỏ, tuy thế cắt bốn phần đều đặn là việc con nít làm cũng được. Chỉ hơi bực một chút là những khi có thêm một hoặc ba vị khách, phải chia năm, chia bảy mới phiền.

Trái đu đủ vừa cắt xong thì đã nghe Bất Ác ồn ào ở phía cửa bếp:
- Cái bụng nó xuống đường biểu tình rồi chú "hỏa đầu quân" ơi! Hôm nay chú dẹp tụi nó bằng "lựu đạn" (khoai) hay "ca - nông" (sắn)? À, mà "axít" (tương) có còn không?
- Lựu đạn và axit đã khan hiếm - Bất Ðạt vừa nói vừa lấy lồng bàn úp mâm cơm lại - Kho cơ hữu nhà ta chỉ còn ca - nông và ca - nông thôi! Bảy quả ca - nông, báo cáo chú em!

Bất Ác dựng vội cúp và rựa ở bên hiên, lao nhanh vào:
- Sắn với sắn thôi à? Thế là chết tôi! Thế là chết em rồi chú ơi!
Bất Ðạt cười khì khì:
- Chết chú nhưng mà nhất tôi! Này nhé: bột sắn nấu là một, bánh sắn hấp là hai, bánh sắn ram là ba, nước tương sắn là bốn, canh sắn là năm, sắn nướng là sáu, chè bột sắn là bảy, vị chi bảy món. Sắn bảy món có thua gì các chú đâu!

Bất Ác xụ mặt:
- Thế là chú chẳng thương em chút nào. Em có mấy cái mụt nhọt mưng mủ chưa lành mà chú lại cho ăn cái kiểu này! Ôi, sắn ơi là sắn! Mủ ôi là mủ!
Bất Ðạt phì cười:
- Chú em, "dĩ độc trị độc" thế mà hay đấy! Chú có nhớ hôm đến phiên chú, chú làm "cà bảy món" mà chú gọi là "ca bảy câu" không? "Ca bảy câu" sao nổi khi thời gian đó tôi vừa bớt bệnh, thế mà tôi đành phải bịt tai nhắm mắt "ca" cho xong "bảy câu" của chú! "Một chén cà bằng ba chén thuốc", hèn chi tôi bị hành dữ!

Bất Ác nhăn mày nói:
- Thuở đó em đâu có biết cà là âm độc? Vô tâm là không có tội! Còn chú là người học rộng nghe nhiều, y lý tinh thông, chú há không biết sắn cũng độc không thua gì cà sao?
Thất Bất Ác buồn, Bất Ðạt xuống giọng:
- Ừ, thật ra tôi quên, không nhớ là chú bị nhiệt! Số là sáng nay đến phiên tôi nấu ăn, xuống bếp lục "cụi", lục "kho" thấy chẳng còn thứ gì. Rau muống mới trỉa hạt, môn vừa trồng lại, khoai hôm kia bị bò liếm hết trơn; rau dền, rau má thì nhiều nhưng ăn hoài cũng ngán ... Tuy nhiên khi đứng tần ngần, tôi chợt nghĩ ra cái ý làm "ca - nông bảy quả" để đáp trả tấm thịnh tình "ca bảy câu" của chú và "môn bảy kiểu" của chú Liễu Minh đó mà!

Bất Ác im lặng không nói gì. Chợt nhiên có giọng ồm ồm bên tai hai người:
- Cái gì là "ca bảy câu", cái gì là "ca - nông" bảy quả? Con nhà Phật mà chẳng có văn chương cửa Thiền chút nào cả. Cái món của tôi được gọi là "bảy cửa (môn) vào cõi Huyền Không" chứ lị!
- Chú ... chú! Bất Ác gọi Liễu Minh - "Ca bảy câu" cũng được, "bảy cửa vào cõi Huyền Không" cũng hay, nhưng "ca - nông bảy quả" làm sao nổi khi em mụt nhọt cả người như thế này này?
Liễu Minh quăng khúc củi xuống hiên, cười trấn an Bất Ác:
- Không có sao đâu chú em. Ðể chút nữa tôi đi kiếm cái gì mát mát như lá chùm bao, lá rau má, hoặc trái đu đủ ... thuộc âm hàn mà "bổ" vào là nó quân bình âm dương lại ngay.

Bất Ðạt cười hề hề:
- Khỏi lo! Có món đu đủ. Tôi thủ hậu món đu đủ cho nó giải nhiệt mà!
Liễu Minh sà lại bên mâm cơm. Bất Ác đưa tay giở lồng bàn, chợt chú la toáng lên:
- Phật ôi! Chú đành lòng nào mà trái đu đủ có bấy nhiêu lại cắt làm bốn phần đều đặn như vậy? Ta nóng thì Thầy cũng nóng, nỡ nào ...
- "Lợi hòa đồng chia" - Bất Ðạt nói át - bấy lâu Thầy đã từng dạy như thế. Cắt phần Thầy lờn thì Thầy quở trách đó, chú không nhớ sao?

Bất Ác thò tay lẳng lặng lấy phần của mình bỏ vào đĩa trong mâm cơm của Nhà Sư rồi bưng lên tịnh thất. Liễu Minh và Bất Ðạt thoáng ngỡ ngàng, nhưng như đồng một lúc, cùng lấy phần đu đủ của mình bỏ vào đó luôn.

Khi Bất Ác bưng mâm cơm đi rồi, Liễu Minh và Bất Ðạt ngồi thừ như vậy rất lâu.
Liễu Minh chợt nói:
- Bỏ cái âm hàn dương nhiệt đi chú nhé, ta chỉ bàn chuyện vừa rồi. "Lợi hoà đồng quân" mà cái gì cũng chia phần đều nhau như trường hợp vừa rồi, tôi thấy bất ổn sao sao là!
- Tôi cũng nghĩ như vậy - Bất Ðạt đăm chiêu - Hôm kia làm bánh sắn nhân đậu xanh, mỗi người được tám cái. Thầy ăn tám cái chắc vừa bụng. Tôi và chú tám cái thì e là ... đã đánh mất "trung đạo" rồi!

Liễu Minh gật đầu:
- Dường như từ lâu Thầy muốn chỉ dạy chúng ta điều gì đây, chú có thấy không? Ðáng lý ra, Thầy tối thiểu cũng phải có một sa-di làm thị giả. Thế mà ở đây, chúng ta chỉ lo được có một mâm cơm! Có lẽ Thầy muốn nâng đỡ chúng ta mặt nào đó nên Thầy đã sống rất bình đẳng với mọi người. Chính Thầy đã tự tước đi tất cả các tiện nghi đáng ra Thầy xứng đáng được hưởng. Nói xứng đáng cũng không đúng nữa - chính nhờ công đức phước báu của Thầy, Thầy đã san sẻ, nuôi nấng chúng ta. Còn đến công việc thì Thầy không bao giờ ra giọng sai bảo; chỉ gợi ý, đề nghị hoặc vạch chương trình để làm chung. Cho đến những lao động nặng nhọc Thầy cũng cùng làm với chúng ta. Mà bao giờ Thầy cũng là người vác cúp, vác cuốc đi trước. Còn chúng ta thì ... "chưa ăn thì anh dìu em dạ, ăn rồi anh ngã em nghiêng", thế đấy!

Bất Ðạt khẽ cúi đầu xuống:
- Ðúng là vậy. Nghĩ chuyện trái đu đủ, tôi còn hổ thẹn với Bất Ác. Nhưng đôi khi lý trí tôi nó làm việc như cái máy. Thiệt là bậy, thiệt là cái đầu óc tôi nó hư hỏng, lệch lạc mất rồi! Té ra, " y kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan "! Nguy hiểm, thậm nguy hiểm!

Liễu Minh như đang chìm trong suy tư của mình:
- Chú có nhớ cái "bánh ít chia bốn" của chú Bất Ác không?
- Nhớ, còn nhớ! Chả là hôm đó Bất Ác vừa mới vào, chùa mình có chín một trái ổi xá lị đầu tiên, Thầy bảo nên chia bốn phần cho mỗi người thưởng thức một tí. Ít hôm sau, thầy đi bát về, ngoài gạo và khoai sắn ra, có một cái bánh ít. Thế là bổn cũ soạn lại, Bất Ác cắt chia bốn phần đều nhau, ăn không dính kẽ răng. Có điều lạ là hôm đó, tôi hầu cơm Thầy, Thầy mỉm cười nói: "Con hỏi Bất Ác có phải cái bánh ít mà chia làm bốn phần, nó lúng túng lắm phải không?"

- Phải rồi - Liễu Minh cướp lời - vậy là Thầy biết, Thầy dư biết chúng ta chưa học được bài học "Lợi hòa đồng quân". Không những Thầy cười Bất Ác mà Thầy còn cười cả sự ... máy móc của chúng ta đó! "Lợi hòa đồng quân" kiểu của chúng ta là hình thức chia chác lợi lộc rất là nguy hiểm, nó còn thiếu "nội dung" đó chú!
- Chú cứ trình bày cho hết ý.
- Tôi từng sống nhiều nơi, tôi biết. Có nhiều chuyện xảy ra không hay ho gì trong đời sống cộng đồng Tăng lữ. Vật phát sanh đến, nếu chia không đủ thì bốc thăm, làm cho nhiều vị rất tốt, đôi khi nảy tâm mong cầu được cái này, cái nọ ... Mà thôi, đừng nói chuyện ấy nữa, ta thường thấy hạt bụi trong mắt người mà không thấy được cái rác trong mắt ta! Tôi chỉ muốn nêu lên vài trường hợp cụ thể để chúng ta cùng thấy rằng, "Lợi hòa đồng quân" không phải chỉ dừng lại nơi hình thức bên ngoài, mà còn phải để ý đến cái tâm bên trong nữa chứ!

Bất Ðạt "à" lên một tiếng:
- Phải rồi! Cái gì cũng chia đều thì đến một lúc nào đó mình tưởng là mình có quyền ngang bằng với Thầy tất cả. Ngang bằng sao được, ngoài đời còn có ông bà cha mẹ nữa. Coi chừng, nếu không suy xét cho thấu đáo, lửa địa ngục sẽ thiêu cháy tan xương nát thịt chúng ta mất thôi!

Hai người nói chuyện ngang đây thì Bất Ác bưng mâm cơm trở xuống. Thức ăn gần hết, nhưng đĩa đu đủ thì còn ba lát, Nhà Sư chỉ dùng một.

Bất Ác mau mắn kể lại:
- Khi thấy đĩa đu đủ có bốn miếng, Thầy hỏi: "Hôm qua có mấy trái đu đủ chín hả con?" Em đáp: "Dạ, chỉ có một". Thầy cười với đôi mắt sáng lấp lánh: "Có lẽ là cho đến hôm nay, các con mới bắt đầu hiểu ý nghĩa sâu xa của 'Lợi hoà đồng quân' rồi đấy!"
Liễu Minh chợt vỗ tay:
- Tôi biết rồi! Tôi hiểu rồi!
Bất Ác vô tình kể tiếp:
- Khi nghe Thầy nói vậy, em ngạc nhiên vô cùng, liền láu táu: "Bạch Thầy, 'Lợi hoà đồng quân' thì con đã hiểu lâu rồi!" Thầy bèn nghiêm mặt: "Ðừng có đại ngôn! Kể cả những người ăn cơm Phật, mặc áo càsa cho đến bạc đầu mà áp dụng nó chẳng khác gì là phỉ báng Phật! Con mới vào tu mà nói vậy, coi chừng mắc thói 'tăng thượng mạn' đó!"

Mấy chú ơi, em thấy mặt Thầy nghiêm lại, em ơn quá, em le lưỡi, thụt cổ rồi im thin thít luôn.
Bất Ác quay qua Liễu Minh:
- Chú nói hiểu là hiểu làm sao nói cho em nghe thử coi?
Liễu minh chỉ vào mâm cơm:
- Ðói bụng rồi, ăn đã!
- Không! Bất Ác giẫy nãy - "sớm nghe đạo, chiều chết cũng cam". Chú không nói thì em tuyệt thực.
Bất Ðạt cười khì:
- Chú em ngán sắn thì nói ngán sắn cho rồi, vờ nói tuyệt thực làm gì! Xấu, xấu lắm nghe em!
- "Ðốt" chú đi! Em không chơi với chú. Em nói chuyện đứng đắn với chú Liễu Minh!
Liễu Minh xen vào:
- Thôi chúng ta cùng ăn rồi thảo luận. Chú em Bất Ác à, tôi bụng to thì cứ việc ăn nhiều, chú bụng nhỏ thì cứ việc ăn ít, vậy là "Lợi hòa đồng quân" đó!
Thế là cả ba bắt đầu ăn. Bất Ðạt dường như đã hiểu nên chú gục gặc đầu có vẻ đắc ý lắm. Một lát chú nói:
- Hôm nay, phần đu đủ của mình, mình dâng hết cho Thầy. Thầy nhường lại cho mình, rồi mình nhường lại hết cho chú Bất Ác để chú "tả nghiệt". Thế là "Lợi hòa đồng quân", phải không chú Liễu minh?
- Phải "Lợi hòa đồng quân" theo cách chia bên ngoài mới chỉ là "tướng hòa"! "Tướng hòa mà thiếu Tâm hòa" thì dễ đưa đến xung đột, tranh chấp; và là điều kiện để phát sanh phiền não, khổ đau. Còn khi tâm đã hòa rồi thì mọi thể hiện bên ngoài cũng là hòa cả. Chú đã hiểu chưa, Bất Ác? Ðôi khi chú đã từng thực hành theo nghĩa "tâm hòa" rồi mà chú không biết đó thôi!
- Em ư? Bất Ác nhướng mắt hỏi - em là kẻ hay làm phiền rộn Thầy và chư huynh lắm mà, có hòa gì đâu?
- Không phải thế! Bất Ðạt thân thiết nhìn Bất ác nói - Chú em không làm ai bực mình cả, ngược lại là khác. Chú em sống rất có tình nghĩa, biết kính, biết lễ, biết thương yêu mọi người. Chú em hay hành động theo con tim, theo lý lẽ của con tim nên đôi khi tưởng là hư, là xấu. Hư xấu cũng có đấy, nhưng chỉ là một phần nhỏ, còn đa phần đều tốt, như trường hợp chú tự động lấy phần mình để vào phần Thầy. Tâm hòa là như rứa đó.

- Em chưa hiểu. Chú đừng nịnh em!
Tiếp lời Bất Ðạt, Liễu Minh giải thích:
- Ðúng thế chú em à! Tâm hòa nghĩa là tình Thầy trò, tình huynh đệ, tình chúng sanh đấy chứ gì lạ đâu! Khi sống với nhau trong một ngôi chùa, không cần phải chia chác vật gì cả, lợi lộc phát sanh cứ để chung một nơi và tùy theo nhu cầu của mỗi người mà sử dụng. Có thương nhau thật sự mới sống được như thế. Như trường hợp trái đu đủ, vì kính trọng và yêu thương Thầy, ta hoan hỷ dâng hết cho Thầy. Nếu Thầy nhường lại mình hay Thầy dùng hết thì cái đó cũng chẳng là vấn đề. Còn chú Bất Ác có ăn trọn cả trái đu đủ, chúng ta vẫn hòa với nhau như thường. Ðấy mới đúng nghĩa "chữ hòa" mà Chư Phật muốn chỉ dạy.

Bất Ác chợt la lên:
- A! Chính trong tâm em, em cũng nghĩ như vậy mà em lại không biết mới chết chứ!
Cả ba cùng cười vui. Thật là không có ở đâu "hòa" hơn thế nữa!


Bất Ác chăm chú nhìn nụ cười của Nhà Sư, chợt chú vỗ tay:
- Thầy móm mém mà nụ cười rất có duyên, các chú ơi!
Nhà Sư la gắt:
- Tầm bậy, tầm bạ!
Rồi Nhà Sư nói với Liễu Minh:
- Con thường hay đi đây đi đó lo công việc chùa, vậy Thầy thưởng cho con một chiếc xe đạp!
- Hoan hô! Bất Ác vỗ tay.

Nhà Sư nhìn Bất ác:
- Con là người mê ngủ nhất, không bao giờ dậy đúng giờ để hành Thiền, tụng kinh, vậy Thầy thưởng cho con một đồng hồ báo thức!

Bất Ðạt thấy Bất Ác không có phản ứng gì, bèn nói:
- Thầy thưởng cho chú sao mà chú không vỗ tay? Hay làsợ từ rày về sau phải tỉnh "giấc mộng Nam Kha"?

Nhà Sư nói với Bất Ðạt:
- Bất Ðạt hay than phiền rựa không bén, cúp cuốc mòn vẹt không sướng tay. Vậy thì Thầy sẽ tặng thưởng một cái rựa mới, một cái cúp lưỡi dài ba gang, một cái cuốc dài ba tấc ... cho vừa sức tay mà làm việc!

Bất Ác nhăn mày:
- Rứa là Thầy không công bằng rồi! Con thì không nói làm gì, nhưng thưởng cho chú Bất Ðạt kiểu ấy thì thật là ... tội nghiệp!
Nhà Sư nói:
- Phần thưởng bên ngoài là "tướng bất hòa" cho nên bên trong "tâm" cũng "bất hòa" sao?
Liễu Minh thưa:
- Dạ, đại hòa là khác!

Bất Ðạt phát biểu:
- Thế là cúp, cuốc, rựa dùng chung mà con phải chịu trách nhiệm. Xe đạp, dùng chung mà chú Liễu Minh phải lo tu sửa, bảo quản. Còn Bất Ác thì lời không cái đồng hồ! Sướng nhé, em út!

Bất Ác toét miệng cười:
- Ờ há! Thế mà em lại không biết! Hoan hô cái kiểu "lợi hoà đồng quân" này!

Ðể cho các chú vui vẻ một lát, nhà Sư tiếp tục câu chuyện:
- Ðức Phật chế pháp Lục Hòa, trong đó có "lợi hòa đồng quân" để tạo sự bình đẳng vật dụng trong cộng đồng tăng lữ. Mục đích là nâng đỡ kẻ sơ tu, nâng đỡ những tu sĩ ít phước báu về tứ sự, cũng là tước bỏ bớt đời sống tích lũy, tư hữu có hại cho hạnh khước từ .
Nhưng các pháp thế gian vốn là tương đối, nó chỉ có khả năng đối trị tạm thời chứ không có giá trị vĩnh cửu. Do vậy, áp dụng "lợi hoà đồng quân" mà không hiểu giá trị tương đối của chúng thì dễ đưa đến xung đột, cố chấp, phỉ báng Phật. Các con hiểu rõ điều này rồi chứ?

Cả ba chú trang nghiêm đồng thanh đáp:
- Dạ hiểu!
- Ði xa hơn chút nữa, "hoà" và "bất hoà" còn giúp chúng ta liên hệ đến những cặp phạm trù khác như hơn-thua, phải-trái, được-mất, khen-chê, ... đều là thế gian tương đối, cũng phải được hiểu như vậy cả.

Bất Ác im lặng. Bất Ðạt ngần ngừ:
- Có phải những cặp phạm trù ấy, triết học Tây phương họ gọi là "nhị nguyên" phải không hở Thầy?
- Chẳng những Tây Phương mà Ðông Phương cũng thường đề cập các cặp ấy vì nó hằng đem đến đau khổ cho chúng sanh .
- Bạnh Thầy! Liễu Minh nói - họ gọi là song quan, song lực, lưỡng nguyên, nhị giá, ... gì gì dó!
Bất Ác nhăn mặt:
- Nói gì lung tung rối rắm thế? Chữ nghĩa vừa thôi chứ, ai mà hiểu thấu!
Bất Ðạt nói:
- Vì chú em ... hơi dốt đó thôi!
Bất Ác rất tức nhưng không đáp được. Liễu minh bèn bênh vực:
- Không đâu! Bất Ác không dốt đâu, chú Bất Ðạt và tôi dốt! Chúng tôi nuốt chưa trôi chữ nghĩa nên vướng mắc từ triết học!
Bất Ác rạng rỡ mặt mày:
- Chỉ có chú Liễu Minh là hiểu em! Rồi chú quay qua nhà Sư - Bạch Thầy! Nói cho dễ hiểu, cái "nhị nguyên" đưa đến đau khổ là gì?

Nhà Sư mỉm cười đáp:
- Con vừa thể hiện cái "nhị nguyên" ấy, con không thấy sao?

Bất Ác chưng hửng! Nhà Sư tiếp:
- Khi con bị chú Bất Ðạt chê, con bèn tức tối "xụ" mặt xuống. Khi con được Liễu Minh khen, sướng quá, con liền phổng mũi lên. Vậy là tâm con bị cái khen, cái chê nó chuyển, con đã phiền não bởi lời khen tiếng chê ấy, con đã phiền não bởi lời khen tiếng chê ấy, con chưa thấy sao?

Cả ba chú đều lạnh mình. Quả không có gì dễ hiểu, dễ lãnh hội như cái "thiết thực hiện tại" vừa rồi!
Nhà Sư nhìn Bất Ác:
- Khi con không còn bị lời khen tiếng chê kia chi phối nữa, con không còn bị hai sức mạnh (song lực) kia lay động nữa - như vậy, tạm gọi là đã vượt tương đối, vượt thế gian để sang được "bờ kia"!
Bất Ác vỗ tay la lên:
- A! Dễ hiểu làm sao! Thế là con lên bến, con đến bờ kia, con "đáo bỉ ngạn" tức khắc"!
Nhà Sư nghiêm mặt:
- Ðừng có đại ngôn!
Bất Ác cúi đầu xuống. Bất Ðạt nháy mắt nhìn Bất Ác, cười hề hề:
- Thấy không? Mới lót tót "đáo bỉ ngạn" ngay bon! Xuội lơ chưa em?
Thấy ba chú đều im lặng. Nhà Sư lại tiếp tục:
- Các con ạ! Thế gian tương quan đối đãi này còn một nghĩa rất vi diệu nữa, Thầy chưa rõ là các con có đủ trình độ để lãnh hội không?

Cả ba chú đồng thanh đáp:
- Chúng con sẽ cố gắng .
- Ừ! Này nhé! Nhà Sư nói - Vì thế gian "bất hoà" nên lấy cái "hoà" ấy mà phải để tâm tự tại, giải thoát .
Giọng Bất Ác:
- Bạch Thầy, cái này thì con rối mù!

- À! để Thầy cho ví dụ. Khi con bị cái gai đâm vào chân, thì con lấy cái gai khác gỡ cái gai ấy ra, có phải thế không?
- Dạ phải!
- Vậy thì khi gỡ cái gai ấy rồi, con sẽ giữ lại cái gai nào?
- Bạch Thầy, con vứt hết con sẽ vứt cả hai .
Nhà Sư lại hỏi:
- Thế thì khi vứt cả hai, nếu con lỡ bị cái gai khác đâm thì sao?
- Thì con sẽ kiếm cái gai khác nữa mà gỡ nó ra .
- Phải rồi! Nhà Sư gật đầu - gặp gai ác thì lấy gai thiện mà gỡ. Gặp gai tham lam thì lấy gai bố thí mà gỡ. Gặp gai sân hận thì lấy gai từ bi mà gỡ ... Gỡ xong rồi thì quăng hết .

Bất Ác giật mình:
- A! Có ghê không? Những pháp tối thượng như thiện pháp, bố thí, từ bi, ... mà cũng phải bỏ luôn sao Thầy?
- Nó là gai hay không phải gai?
- Là gai .
- Là gai mà con muốn mang theo thì tùy ý!

Bài pháp hôm nay đã dẫn ba chú đến đỉnh cao chênh vênh, ngợp gió. Thiện pháp, bố thí, từ bi ... mà cũng phải quăng đi, phải viễn ly thì thật là kinh khiếp. Bất Ðạt toát mồ hôi. Liễu Minh thấy lạnh xương sống .

Nhà Sư thấy điều đó nên nói tiếp:
- Các con ạ! Ðức Phật ví Pháp như chiếc bè dùng để qua sông, chánh pháp cũng phải bỏ huống hồ chi pháp! Vậy thì qua sông mà còn mang vác thiện pháp, bố thí, từ bi ... đi theo thì sẽ nặng biết chừng nào? Cái bản ngã thiện pháp, bản ngã bố thí, bản ngã từ bi ... kia nó mới to lớn dường bao?
Bất Ác chợt vỗ tay:
- Vậy là con đã hiểu!

- Chưa đâu! Bây giờ bỏ cái chuyện "gai lễ gai" quay sang ví dụ bệnh và thuốc. Ðức Phật thường nói "tùy bệnh cho thuốc". Vậy, gì là bệnh, gì là thuốc?
Bất Ðạt đáp:
- Dạ, phiền não là bệnh, giáo pháp là thuốc.
- Chúng sanh có bao nhiêu "bệnh", giáo pháp có bao nhiêu "diệu dược"?
- Bạch Thầy! Chúng sanh có tám vạn bốn ngàn phiền não, Pháp của Phật có tạm vạn bốn ngàn pháp môn.
- Con kể sơ cho Thầy nghe, đó là những phiền não gì?
Bất Ðạt đáp:
- Con có nhớ một số phiền não như: Ái, sân, si, hung dữ, thù oán, bạc ơn, kiêu căng, ganh tị, bỏn xẻn, giả dối, phản phúc, ngang ngạnh, ngã mạn, giải đãi, hôn trầm, phóng tâm v.v... Ngoài ra còn có những phiền não thuộc pháp tà vạy, lầm lạc, trầm luân, chìm đắm, che lấp, chấp thủ, v.v...

- Vậy là tạm đủ - Nhà Sư gật đầu - còn gì là thuốc?
Liễu Minh đáp:
- Bạch Thầy! Nói tóm là Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Ðạo, các Thiện Pháp, Mười Pháp Ba-La-Mật, Tứ Vô Lượng Tâm v.v...
- Ðúng rồi, nhưng các con hãy cho ví dụ bệnh và thuốc như thế nào?

Bất Ðạt đáp:
- Tương tự ví dụ "gai lễ gai"! Như: tham là bệnh, bố thí là thuốc; sân là bệnh, từ bi là thuốc; si là bệnh, trí tuệ là thuốc; chấp thủ là bệnh, xả là thuốc; loạn tâm là bệnh, định là thuốc; ganh tị là bệnh, hỷ là thuốc v.v...

- Ðúng thế! Nhà Sư gật đầu - Tuỳ bệnh cho thuốc. Nhưng phải đúng bệnh, đúng thuốc. Thuốc cũng phải uống đúng liều lượng. Thuốc bổ mà quá liều thì trở thành độc dược. Ðộc dược mà biết sử dụng cũng cứu chữa được bệnh. Cho nên, bất hòa là bệnh, hòa là thuốc. Nhưng hòa cũng biết hòa đúng lúc, đúng khi, đúng người, đúng chỗ; nếu không, cái hòa ấy sẽ đưa đến những tệ hại mà chúng ta đã thấy ở trên.

- Cho nên, Pháp có hay thì Pháp có dở. Hay đối với người có trí, biết sử dụng. dở đối với người ngu, không biết sử dụng. Người giải thoát, giác ngộ ở trên đời họ thường tùy nghi, biết sống thuận pháp, tùy pháp. Ðã giải thoát giác ngộ rồi thì họ sống hợp với Ðạo vậy. Người chưa giác ngộ, giải thoát, dù có làm hữu ích cho đời thế nào, cũng chỉ hưởng được phước báu nhân thiên mà thôi! Các con đã hiểu chưa?

Cả ba cùng cúi đầu đáp:
- Dạ, thật là hay, thật là thấm thía!
Nhà Sư mỉm cười hài lòng:
- Khi các con cắt trái đu đủ làm bốn phần, nghĩa là từ "tướng hòa"; nhưng vì kính trọng thương yêu Thầy mà các con đem dâng hết cho Thầy, là các con đã bỏ "tướng hòa" để đạt "tâm hòa". Thầy lại từ "tâm hòa" mà xuống "tướng hòa", khi trả lại ba phần đu đủ cho các con. Các con lại từ "tướng hòa" đem trao hết cho Bất Ác để đạt cái "tâm hòa". Tướng trở lại tâm, tâm trở lại tướng. Thì ra tướng và tâm cũng chỉ là tương quan đối đãi để cho chúng ta học được bài học giác ngộ giữa cuộc đời này.
Cho nên, kẻ biết pháp tương đối thì cứ tùy nghi mà sử dụng, không còn chấp trước bên này, không còn chấp trước bên kia. Ấy gọi là bỏ "bè", bỏ tương đối. Ấy là người đã qua sông, đã "đáo bỉ ngạn" vậy!
THANK YOU
29-07-2019, 05:27 AM
Bài viết: #8
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
8/ Rắn cắn

Tôi nhớ khoảng tháng 10 năm 1991, khi ấy Rừng Thiền HKST còn hoang sơ, tôi ở trong một cốc tranh nho nhỏ. Hôm ấy mưa lũ, lạnh; tôi có công việc ở chùa ngoài, vào núi muộn, phải lội qua những đám ruộng, những khe nước ngập ngang ngực (tôi không biết bơi!). Chạng vạng tối tôi mới về đến “chùa”; thay y áo rồi bỏ mùng, đắp chăn, nằm nghe mưa gió ầm ào ở bên ngoài. Cái cốc tranh bằng bốn cọc tre xiêu vẹo với mấy tấm phên sơ sài cứ mãi rung rinh, lung lay không biết nó sẽ sụp đổ lúc nào. Ngay hoàn cảnh ấy, tôi với cảm giác bất an, cảm nhận thấm thía sự nhỏ nhoi, bất lực của thân phận con người trước sự cuồng nộ vô chừng, vô đỗi của thiên nhiên.

Thuở ấy tôi tập được thói quen, là khi ngủ, chỉ ngủ bằng một tư thế từ đầu hôm cho đến sáng. Đêm ấy, tôi ngủ với một con mèo con lạnh xo ro tội nghiệp. Chừng gần sáng, nghe tiếng mèo kêu, tôi tỉnh dậy, nghĩ chắc là con mèo muốn đi “vệ sinh” nên tôi nghiêng người, trở mình, vén mùng thả con mèo ra ngoài. Ngay khi ấy, tôi nghe dưới lưng bàn chân một cảm giác đau buốt như bị con gì cắn
. Tôi bật ngồi dậy, lấy đèn pin tù mù - do gần hết pin - soi tìm nhưng không thấy gì cả. Lúc ấy trời đã tạnh mưa, tôi rời giường, chống cây gậy tre lò dò đi xuống ngôi nhà ở (cái láng) của một số công nhân hợp đồng trồng rừng. Sau một hồi đánh thức dậy, tôi nhờ họ đốt đèn lên, đưa lưng bàn chân phải cho họ xem và kể chuyện bị con gì cắn không biết! Có một thanh niên vốn hay đi đào vàng, đi trầm, do lũi rừng nhiều nên có kinh nghiệm, nhìn dấu vết thương trên lưng bàn chân của tôi, cậu nhăn trán nói: “Dấu 2 vết răng như thế này là thầy bị rắn hổ cắn rồi”. Nói thế xong, cậu thanh niên cúi xuống, lấy miệng hút nhiều lần, nhổ ra, sau đó, xé ngay tấm vải cột chặt vào cổ chân, cốt ngăn độc lên tim. Tuy thế, cậu ta thẫn thờ nhìn vết thương không sưng tấy lắm, nói tiếp: “Nếu là rắn lục xanh, rắn lục lửa thì vết thương sưng tấy, đau nhức, sưng phù ngay nhưng không chết người; còn đây là rắn hổ độc, sưng ít, nhưng rất nguy hiểm”. Nói thế xong, cậu ta bảo tôi nhai một nhúm thuốc lào, nuốt nước rồi đắp bã thuốc lên vết thương. Đấy là cách chữa trị duy nhất, vì không còn đường lui tới khi nước lũ đã dâng ngập đến sát chân núi.

Lát sau, tôi cảm nghe cơ thể bắt đầu khác lạ. Bây giờ viết lại tôi có thể kể ra những hiện tượng đó như sau: Cơ thế bắt đầu tiết mồ hôi nhờn. Mắt bắt đầu trông lờ mờ. Tai cảm giác nghe rất xa xăm. Muốn nôn mữa. Cơ thể rã rời dường như không còn tí hơi sức nào... Không nói ra nhưng tôi biết là nọc độc đã vào tới trung khu thần kinh rồi nó mới tác động toàn bộ lên cơ thể như vậy.
- Gánh thầy ra làng, tìm thuốc!
- Ra xóm lấy ghe chở thầy xuống bệnh viện Kim Long!
Mọi người bấn loạn, xôn xao góp ý. Nhìn những khuôn mặt thất sắc, lo âu của họ, tôi trấn tỉnh, cố gắng mỉm cười:
- Vô ích thôi, độc đã đi vào trung khu thần kinh rồi. Cứu chi cũng không kịp nữa. Thầy chấp nhận cái chết mà. Đừng sợ hãi.

Tôi nhờ lấy một tờ giấy và cây bút để viết dặn dò vài điều trước khi chết. Đại khái là kiếm chỗ sau đồi, đào hố chôn, không để lâu mà làm gì. Đừng làm phiền nhiều người. Dặn dò thư ký và thủ quỹ công trình chi tiêu như thế nào để hoàn thành công trình cầu Bạch Yến. Thế thôi. Chẳng còn gì để bận lòng.
Tuy nhiên, khi viết thế xong, tôi lại nghĩ: “Vô lý! Chết gì không chết lại chết vì một con rắn độc! Cầu Bạch Yến chưa làm xong. Rừng Thiền còn mênh mông công việc. Không thể chết khi ‘ước nguyện’ chưa thành! Mình phải sống! Cương quyết là mình không thể chết!”

Khi ấy, ý chí muốn sống bốc lên cao chót vót, như có một sức mạnh tiếp năng lực, tôi với chiếc gậy, chống và bước đi. Chỉ vài bước là gục ngã vì cơ thể không chịu sự sai khiến của ý chí. Cậu thanh niên đến giúp, tôi nói, “không”, hãy để tự ý thầy làm! Tôi tựa gậy đứng lại được, rồi lại bước đi. Lại gục ngã, lại đứng dậy. Cứ thế, cứ thế, tôi chống chọi sự “gục ngã” bằng tất cả sức mạnh bình sinh của ý chí. Cứ ngã, cứ đứng lên hoài như vậy. Cho đến khi đi được thì chừng đâu khoảng hai tiếng đồng hồ thì tôi vã mồ hôi ra, người nhẹ hẫng. Tôi cất cao lời chiến thắng:
- Thầy sống rồi! Mồ hôi vã ra là dấu hiệu nọc độc cũng theo đó mà đi ra. Thầy khoẻ lại rồi!
Một tuần sau, lũ rút, tôi ra chùa ngoài, mời bác sĩ quen lên xem. Vị ấy nói: “Thầy thoát chết một cách kỳ diệu, bây giờ chỉ cần tiêm thuốc chống ‘hoại tử’ mà thôi!”

Kỳ lạ là sau khi bị rắn cắn, suốt mấy năm dài tôi không hề bị cảm cúm hoặc bất cứ bệnh thời khí nào. Dường như nọc độc của rắn còn ẩn trong máu huyết, sống chung với máu huyết đã tạo nên sự “miễn dịch” cho cơ thể hay sao ấy!?

Kể lại chuyện trên, cốt ý tôi chỉ muốn nói rằng, bao nhiêu năm tu Phật, bây giờ tôi mới hiểu nghĩa “dục ái, luyến ái đeo níu các kiếp sống” là gì! Nó chính là “ý chí muốn sống”, “dục vọng muốn tồn tại” cảnh giới này hay cảnh giới khác. Ý chí đó, dục vọng đó rất mạnh mẽ, nó kéo theo toàn bộ các tâm sở. Nó là sức mạnh tăng thượng, điều khiển cơ chế vận hành thân tâm, đưa ta đi tới đâu theo ý muốn. Và dĩ nhiên, ý chí đó, dục vọng đó phải được nuôi dưỡng không ngừng nghỉ, nó liên tục, bền bỉ, làm cho các sát-na tâm tư tác (cetanā) sanh và diệt trên cùng một đối tượng, trong trường hợp của tôi là suốt hai tiếng đồng hồ, là tỉ tỉ tỉ... “ước muốn tồn tại”! Nó tạo nên một năng lực không gì cưỡng nổi. Ngược lại, nếu tâm thức tôi yếu ớt, dã dượi, bạc nhược thì nó sẽ như ngọn đèn tàn, cạn dầu, lụn bấc, nó sẽ tắt và tôi sẽ chết, đi theo dòng nghiệp.

Trong các kiếp sống sinh tử, do “dục vọng muốn sống. muốn tồn tại” ấy, “ý chí cường lực” ấy, mà nó đẩy chúng ta đi từ cảnh giới này sang cảnh giới khác.
THANK YOU
29-07-2019, 05:29 AM
Bài viết: #9
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
9/ Trặc ngón chân

Cách đây nửa tháng, vào buổi chiều, khoảng 17, 18 giờ, ngày 30/10/2014, tôi đang ngồi “chò hõ”(chồm hổm) trên sàng nhà để đọc vài trang trong một quyển sách, tìm kiếm tư liệu cho một bài nghiên cứu. Ngước nhìn phía trước, cách chừng hơn thước, có một quyển sách khác, tôi với tay trái để lấy. Vì nó hơi xa nên tôi đã nhướn người quá đà làm cho mười ngón chân bị cụp, “quỵp”xuống. Do chân trái làm điểm tựa nên “một cảm giác thốn đau đã xẩy ra ở đấy”. Trở lại tư thế khi lấy được sách, tôi lần trang, đọc và không để ý đến nó nữa.

Khi xong việc, khoảng 21 giờ, cảm giác đau bây giờ nó mới phát lộ triệu chứng: Cái cụm 5 ngón chân trái hơi sưng sưng. Tôi cũng kệ, nằm bật đèn đọc sách. Hơi khuya, tôi nằm thở một chút rồi ngủ. Sáng ngày, cái bàn chân trái sưng to, vừa bỏ chân xuống giường là nó nhức đau, do máu tụ xuống chỗ đó. Thử giở chân lên cao thì nó bớt đau. Do tôi chưa hề bị như thế lần nào nên không rõ “vấn đề” gì xẩy ra nơi mấy ngón chân. Không phải gãy xương vì gãy xương thì đau chịu chi thấu! Có lẽ trật khớp chăng, tôi cũng không rõ.
Thế là sau đó, tôi chịu đựng cơn đau, nhức buốt suốt ba bốn ngày mặc dầu đã sử dụng đủ loại pháp đối trị như xoa bóp bằng thuốc đặc trị bong gân, trặc khớp của thầy võ, ngâm chân nước nóng có muối, hành hương; uống thuốc Tây kháng viêm... Tôi định đi chụp X quang xem thử bị cái gì ở trong đó, nhưng một đứa cháu là thầy “mằn” kinh nghiệm 30 năm lên xem và nói: “Ôn bị trật khớp một chút thôi, cháu sẽ trả lại vị trí cũ!” Tôi nói: “Nghe nói là đau lắm!” “Đau, dĩ nhiên rồi, nhưng chỉ mấy giây thôi!”

Tôi đồng ý! Nó lấy tay xem xét mấy ngón chân và bắt trúng chỗ ngón trỏ, nói là tìm ra chỗ rồi! Xong, nó thò mấy ngón tay phải lật qua lật lại! Trời đất, nó nói mấy giây mà tôi chịu đựng cơn đau gần một phút! Kinh khiếp! Tôi chịu trận, trân mình lên, răng cắn chặt, mồ hôi túa ra, nước mắt tự động chảy! Cuối cùng, dường như có nghe một cái “rắc” nho nhỏ, nó nói, xong rồi! Tôi thở phào, người nhẹ nhõm! Nó nói, vậy là ít hôm nữa sẽ lành thôi!
Quả thật vậy, đau nhức không còn nhưng chân còn sưng tấy, từ đây, tôi thường ngâm chân bằng nước nóng, muối và hành hương; và sau đó đắp “nha đam” cho nó mát. Hiện tại thì đi lui, đi tới nhè nhẹ được rồi!

Mấy ngày ngồi ngẫm ngợi! Lạ! Quái dị là cơn đau! Dường như mấy chục năm qua tôi không bị đau gì cả. Lục phủ ngũ tạng, tim mạch, áp huyết, đường, mỡ gì gì đó, xem ra, nó “im re”. Đây là lần thứ hai tôi đau nhức kể từ độ bị rắn độc cắn, cách đây gần 25 năm. Rắn độc cắn thì nọc độc nó đi ngay, đi thẳng vào máu huyết, tan ra trong máu huyết, nên không đau nhức bằng trặc khớp lần này.
Nói thì hơi quá nhưng sự thật tôi đã học được rất nhiều điều từ việc nho nhỏ này, tôi muốn chia sẻ với mọi người.

Thứ nhất, là đau, cơn đau. Tôi đau chút ít thôi, chưa được một phút. Trong chùa tôi có một vị sư, đau quanh năm, nhức buốt quanh năm, đủ thứ bệnh. “Thầy biết không – có một vị sư kể lại – Sư ĐT luôn vật vả, đau đớn, mỗi lần uống thuốc, uống luôn cả ‘nạm’ (nắm), thấy mà ớn!” Tôi nghĩ:Mình mới đau một chút mà cảm giác chịu đựng không nổi, huống chi người ta đau nhức quanh năm suốt tháng. Trước đây, sư ấy thường bị tôi la rầy, lúc nào cũng “xìu xìu, ểng ểng”! Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thương, tự dưng môt sự cảm thông bao la tràn ngập tâm hồn. Tôi chạnh nghĩ đến bao nhiêu người trên đời này bị đau đớn, bệnh khổ hành hạ, gấp trăm lần mình? Từ ý nghĩ này, các trạng thái tâm như tha thứ, cảm thông, tâm từ, tâm bi tuy không cố ý mà tự dưng chúng tự động khởi phát. Còn nữa, mình đau như thế nào, chúng sanh cũng đau như thế. Những hình ảnh thuở nhỏ hoang nghịch như bẻ chân châu chấu, bẻ càng cua hoặc bắn chim, câu cá, mổ giết gà, vịt... đúng là vô tri, vô trí, vô cảm một thời! Lạy Phật, nhờ tu Phật, chúng ta đã tránh được tội giết hại, đánh đập, hành hạ chúng sanh không thương xót, cách này hay cách khác.

Thứ hai, pháp nó đến! Nhân, duyên, quả gì đó nó đến rất lặng thầm, rất tình cờ! Bao nhiêu năm, do có tu tập chánh niệm, tỉnh giác, tôi thường đi lui đi tới, lên xuống nhiều bậc đá, luôn với sự cẩn trọng, chậm rãi nên rất khó “bất cẩn” vấp cái này, cái khác. Mình ngồi đọc sách mà! Hoá ra,“nó đến” dù mình đang làm việc nhẹ ở trong phòng, nó đến một cách không ngờ tới! Vậy thì sống giữa cuộc đời, với mọi tương giao, mình chẳng lường được cái gì; vả có thể cả hoạn nạn, tai ươn, bệnh tật... chưa biết sẽ xẩy ra lúc nào! Như đánh quần vợt, dường như mình luôn sẵn sàng đón đợi cú banh, chẳng biết nó sẽ rơi vào hướng nào! Câu kệ thơ của thiền sư Viên Minh chợt hiện ra:
“ Nói, làm thường thận trọng,
Luôn trọn vẹn chú tâm;
Lắng nghe, quan sát rõ,
Đến đi, pháp lặng thầm!”
Đúng là pháp đến nó lặng thầm thiệt!

Lại còn điều kỳ lạ nữa, không giải thích được, là trước đó 3 ngày, từ Lào về, tôi mua một cây gậy tre có tên là “trúc kim cương”! Mua gậy là điềm triệu cho cái ngón chân trặc này hay sao chứ? Không biết! Và còn biết bao nhiêu điều về nhân duyên quả xẩy ra trên đời này, cho chính mình, quả thật là tôi không biết gì hết, không dám biết gì hết!

Thứ ba, cái đau, cần phải có cái đau để xem thử cái tâm của mình như thế nào! Phải thật sự chiêm nghiệm nó! Những người tu tập minh sát thường nói rất giỏi, rất hay: “Xem cơn đau chỉ là cơn đau, nó chỉ là một cảm thọ thôi! Thọ có sanh thì thọ ấy có diệt!” Mà tôi, chính tôi cũng thường giảng cho thiền sinh như vậy! Bây giờ, khi cơn đau đến, do đau nhẹ, suốt mấy ngày, tôi mỉm cười với nó nên cái đau chỉ ở nơi chân chứ không ảnh hưởng gì đến cái tâm của mình cả. Nhưng khi“thợ mằn” lắc cái khớp lại thì nó lại khác! Nó đau kinh khiếp! Tôi trân mình chịu đựng chứ không mỉm cười nổi! Thế đấy! Vậy thì rõ ràng có những cái đau khác nhau! Có những cái đau mình“niệm” được, “niệm” là nó đi. Nhưng có những cái đau mình “niệm” nó không đi! Mình bất lực hoặc trân người chịu đựng! Tôi thấm thía câu kinh văn: “Sắc không phải là tôi, là tự ngã của tôi; và thọ... cũng vậy, không phải là tôi, tự ngã của tôi!” Chẳng “làm chủ” được cái gì cả!

Thứ tư, chuyện “rướn” người để lấy quyển sách! Rướn người là quá sức của cái thân! Cái gì quá sức là trật rồi! Lý trung đạo của nhà Phật không chỉ điều chỉnh tâm, điều chỉnh trí, tu tập, uống ăn, ngủ nghỉ mà còn cả tứ oai nghi nữa! Đừng như cái đồng hồ quả lắc, cứ rơi vào cực này rồi cực khác. Biết bao thảm hoạ trên cuộc đời vì những cái cực nầy! Từ rày, tôi phải lấy cái giáo nghĩa của trung đạo để áp dụng “tất tần tật” trong cuộc đời tu tập của mình, thân cũng như tâm.

Thứ năm, có thân thì có bệnh, có thân là có đau! Biết bao nhiêu năm tôi đã tự hào, ngã mạn mình không bệnh, không đau! Một câu trong 10 điều tâm niệm hiện ra: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật. Người không bệnh tật ắt dục vọng dễ sanh!” Lại nhớ lần đầu tiên khi tôn giả Mahā Kassapa vừa gặp đức Phật, ngài đã bị đức Phật giáo giới về 3 cái ngã mạn của ngài, thay cho hình thức thọ giới tỳ-khưu: Ngã mạn về thọ sanh, dòng tộc (jātimāna), ngã mạn về kiến thức, hiểu biết (ñāṇadiṭṭhimāna), ngã mạn về sắc thân xinh đẹp (kāyamāna). Trong liên tưởng ấy, tôi thấy mình bị “ngã mạn về sức khoẻ, ngã mạn vì vô bệnh!” chi phối trong nhiều năm nay mà không hề biết! Vô minh là vậy. Hễ thấy ai đau, ai bệnh thì tôi tự mỉm cười hoặc chê trách, chế nhạo họ, coi thường họ: Nào là ăn chi cho nhiều, ăn nhiều thì toàn bộ cơ thể làm việc mệt! Ai bảo ăn cho nhiều mỡ nhiều béo vào bây giờ sinh ra đủ thứ bệnh! Nào là ai bảo sinh hoạt vô chừng, vô đỗi làm chi! Nào là không biết tu thiền giữ tâm yên tĩnh, khí huyết, âm dương thuỷ hoả điều hoà. Người có tu tập không bao giờ bị bệnh cả! Điều tôi nói dù nó là đúng, không sai, nhưng không nên vậy, đừng nên tự hào, ngã mạn một đỗi đường, một giai đoạn đời người, vì có thân thì có bệnh, đó là sự thật ngàn đời!

Thật là thấm thía! Thế thì “cái đau cái bệnh” là tốt, vì nó đang điều chỉnh lại cái gì đó ở nơi ta đã vận hành sai trật! Nó đúng trong mọi trường hợp. Về phương diện tu tập hướng thượng, nó làm yên lặng bớt một số kiết sử khi ta biết chiêm nghiệm để học bài giác ngộ!

Thật là tuyệt vời! Chỉ cái ngón chân đau, “chuyện nhỏ như con thỏ” mà tôi học được nhiều bài học lợi lạc cho bản thân trên đường tu tập của mình. Vậy thì theo tôi, sau khi đọc kinh sách, chỉ cần nhớ cái tinh yếu, còn nên quên tất cả. Hãy bỏ quên tất cả để học “pháp thực” ngay nơi sự tương quan căn trần thức, một “hạt bụi” phát sanh cũng được nhìn ngắm và quan sát một cách cẩn cẩn, nghiêm túc thì lợi lạc cho việc “giác ngộ, giải thoát” cho mình biết là chừng nào!
THANK YOU
09-10-2019, 06:35 PM
Bài viết: #10
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
10/ Giàn bí đỏ

Sáng nay, cả chùa ai cũng phải gánh nước tưới cây. Cái khô hạn của nắng hè làm cho cây vườn héo úa, cháy vàng. Lá xanh như bốc hơi. Đất đai như lửa nung.

Bất Đạt nói:

- Phải chăng đây là lửa của nghiệt chướng? của tội lỗi? của tham sân? Làm thế nào để tắt được lửa này?

Bất Ác than:

- Lửa! Lửa! Ôi! Lạy Phật từ bi!

Bất Đạt nhăn mày:

- Cứ than như vậy mà được à? Thầy nói đúng, chú là kẻ lười biếng, thụ động, tiêu cực. Tu mà chỉ thích nguyện cầu. Cái cầu nguyện kia hãy để cho người yếu đuối. Nam nhi như chú phải mạnh lên. Hãy dùng dõng lực của trí tuệ mà tu, hiểu chưa?

Bất Ác cãi lại:

- Nguyện cầu không được sao? Ối! Em nguyện cầu rồi thì đức Phật cũng cứu. Người tu theo đức tin, người tu theo trí tuệ, người tu theo tinh tấn; chưa biết rồi mèo nào cắn mỉu nào!

Liễu Minh tưới xong mấy dây bầu, để thùng gánh nước một bên, bước lại góp chuyện:

- Đố các chú, lửa này do đâu mà có?

Bất Ác nói:

- Do nắng hạn chứ sao?

Bất Đạt lắc đầu:

- Do lòng tham sân của con người! Chú em không biết thì ngồi dựa cột mà nghe!

Bất Ác tức tối:

- Chú khi nào cũng áp đảo người khác. Vậy do nguyên nhân gì hở chú Liễu Minh?

Liễu Minh cười đáp:

- Chú Bất Đạt nói đúng đấy! Này nhé! Do lòng tham của con người mà phá rừng, làm gỗ, làm củi, đốt than. Cứ mỗi phút như vậy, khắp nơi trên thế giới, mất đi hàng trăm ngàn hecta rừng nguyên sinh. Khắp nơi hạn hán lũ lụt là do vậy. Còn nữa, các loại bụi công nghiệp, các chất thải hóa học làm vẩn đục và nung nóng bầu khí quyển, nhiệt độ trái đất tăng lên. Hiểm họa môi sinh đã báo động khắp nơi trên thế giới. Lòng tham vô tận, vô độ của con người đã tự hủy diệt môi trường sinh thái của mình. Lại nữa, những tâm địa sân hận của thế gian như ác độc, hận thù, ganh ghét… như những năng lượng từng giờ từng phút tung ra bầu khí quyển những sức nóng kinh khiếp. Ôi! tâm như vậy, cảnh như vậy, tạo một cộng lực vĩ đại, đến một lúc nào đó trái đất sẽ bị thiêu hủy ra tro, hà huống…!

Bất Ác “à” lên một tiếng.

- Trong kinh có nói quả đất sẽ bị thiêu hủy khi bảy mặt trời xuất hiện?

Bất Đạt gật đầu:

- Chú em rứa là giỏi! Bảy mặt trời là như thế. Đừng hy vọng nhân loại sau này sẽ tốt hơn. Cái tham lam ác độc của con người mỗi ngày mỗi tăng, và sẽ tăng nhiệt độ cho bằng bảy mặt trời là vừa “hết ý”!

Bất Ác hỏi “mát”:

- Là người tu hành mà chú nói dửng dưng như vậy à?

- Chứ sao! Cho chết luôn!

Liễu Minh cười giàn hòa:

- Chú ấy nói chơi đó mà! Thôi ta còn đi tưới, thêm nước “từ bi” cho vườn chùa kẻo tội quá!

Nhà sư từ vườn dưới cũng vừa gánh nước đi lên. Bỏ nhẹ đôi gánh trên vai xuống, nhà sư hỏi:

- Các con vừa thảo luận với nhau chuyện gì?

Bất Ác mau mắn, thưa:

- Dạ… Nóng. Lửa. Tham lam, sân hận, ác độc, khô hạn…. là một, cho đến khi bảy mặt trời xuất hiện thì quả địa cầu thành tro! Bạch thầy!

Liễu Minh và Bất Đạt thay nhau kể lại tường tận hơn.

Nhà sư tán thán:

- Thế là các con đã thấy được chiều sâu của vấn đề, như vậy là vừa đủ chẳng cần góp thêm ý kiến gì.

Rồi nhà sư lại hỏi:

- Trên này đã tưới xong chưa?

Liễu Minh đáp:

- Dạ! Chỉ còn giàn bí đỏ.

- Vậy các con hãy lấy đôi nước kia mà tưới cho nó.

Bất Đạt nhanh tay xách hai thùng từ từ tưới cho giàn bí đỏ.

Nhà sư quay qua hỏi Bất Ác:

- Này con! Mùa này muốn cho bí ra hoa được đậu trái, chúng ta tưới như vậy đã đủ chưa?

- Dạ thưa – Bất Ác đáp – vậy cũng tạm đủ, nó sẽ đơm hoa kết trái thôi.

Nhà sư hỏi Liễu Minh:

- Còn con thì sao?

Liễu Minh đưa mắt nhìn giàn bí rồi trả lời:

- Nắng hạn quá, bạch thầy! Có lẽ phải tưới nhiều hơn nữa!

Bất Đạt phát biểu ý mình:

- Còn con thì khác. Mùa này hết thời vụ trồng bí rồi, nên trồng thứ khác.

Nhà sư im lặng một lúc, bảo ba chú cùng ngồi xuống, chậm rãi nói:

- Các con biết không, chúng ta là người tu hành, từ khi bắt đầu công phu cho đến khi giác ngộ cũng ví như trồng một giàn bí đỏ vậy. Trồng một giàn bí đỏ muốn thành công, ra hoa và kết trái thì phải làm giàn, sau đó phải đầu tư phân, nước và công lao chăm sóc. Cái giàn chính là giới, nước chính là đức tin, phân là trí, công lao chăm sóc là tinh tấn… Câu trả lời của Bất Ác chứng tỏ ngay chính đức tin cũng chưa vững vàng, chưa biết bồi dưỡng và phát huy đức tin. Còn giới, trí và tấn dường như hoàn toàn thiếu sót. Kẻ tu hành như vậy thường dễ nẩy sinh buông xuôi, biếng nhác, hời hợt. Như vậy, cái giàn bí ấy, dẫu có ra trái cũng rụng mất. Quả bồ-đề làm sao lớn, làm sao có kết quả được hở con?

Cả ba chú nghe mà lạnh mình.

Nhà sư quay qua hỏi Liễu Minh:

- Còn con là người có chút nghị lực, có chút ít ý chí phấn đấu, biết tô bồi đức tin, biết nuôi dưỡng và nâng đỡ đức tin… Cái giàn bí kia nếu cứ việc tưới, tưới mãi thì trái cũng không thể lớn. Con có biết tại sao không?

Liễu Minh gãi đầu. Nhà sư nói:

- Vì con không biết thêm phân! Sở dĩ gọi là thêm phân, vì nó cần phải có trí để soi rọi và hướng dẫn đức tin. Tín và trí phải song đôi, ngoài ra phải bỏ công lao chăm sóc theo dõi cái giàn bí đỏ ấy, nghĩa là cần phải có tinh tấn nữa, thì may ra quả bồ-đề mới có cơ hội tăng trưởng. Con biết như vậy chứ?

Nhà sư quay qua Bất Đạt:

- Con luôn là người ngược lại với huynh đệ! Con thuộc căn trí nên nhặm lẹ, mau mắn, nhưng nhặm lẹ, mau mắn thì dễ sinh nóng nảy, gốc của tâm sân. Trí phát triển thì nghi dễ sinh và tín dễ mất. Vậy thì con cần bồi dưỡng đức tin. Đức tin là nước mà từ bi cũng là nước, con cần hai yếu tố mát mẻ này may ra mới quân bình được đời sống phạm hạnh!

Nhà sư như đọc được tâm ý, sở học, sở hành của mỗi người nên ba chú ngồi im re.

Nhà sư đưa tay chỉ một đọt bí lủng lẳng giữa hư không:

- Các con xem kìa! Hồi nãy thầy có nhắc đến giới là lý do này đây. Dây bí kia không có gì nâng đỡ phía dưới nên không biết bám víu vào đâu. Cũng vậy, cuộc sống trên đời của những kẻ không có giới, cũng bò, nhưng không biết bò về đâu, vất vưởng, lênh đênh, vô định. Dẫu có ra hoa kết trái thì trái ấy cũng teo tóp, rồi thân bí sẽ bị lôi tuột xuống đất đen, xuống vực! Do vậy tín, giới, tấn, trí là cái gì căn bản nhất, cần thiết nhất cho mỗi người để trồng một giàn bí đỏ trong lòng mình. Các con hiểu những điều thầy muốn trao gởi đó chứ?

Họ đồng thanh đáp:

- Dạ hiểu!

Rồi Bất Ác rụt rè:

- Bạch thầy cái giàn bí đỏ của con chỉ có một chút nước… còn thiếu thì thiếu tất cả?

Nhà sư mỉm cười:

- Cái giàn bí của con không chắc chắn, nước tưới lại ít, phân không có, công chăm sóc thì “bạ đâu hay đó”. Có phải thế không?

Bất Ác cúi đầu lẳng lặng nghĩ đến cái tên “Bất ác” thầy đặt cho mình. “Bất ác” nghĩa là không làm điều ác! Không làm điều ác thì mới là khía cạnh tiêu cực, thụ động của giới. Còn khía cạnh tích cực nữa là “phải làm thiện”. Khi mà làm thiện thì ta lại có thêm đầy đủ giới, tín và tấn. Thêm tấn thì có luôn cả trí. À hay lắm!”

Nghĩ vậy, chú bèn đáp:

- Bạch thầy, con hiểu toàn bộ vấn đề rồi.

Đến phiên Liễu Minh:

- Riêng con thì cần thêm một chút tấn, chút trí nữa.

- Đúng vậy, nhà sư đáp, thầy hy vọng rằng lần hồi con sẽ liễu minh vấn đề của chính con!

Còn Bất Đạt thì phát biểu:

- Con thường ỷ y mình là người có căn trí nên cái gì cũng muốn chóng xong, chóng đạt. Cái này mà ngó bộ không xong là quay qua cái khác liền! Bạch thầy, con đã hiểu con, hiểu ẩn nghĩa bất đạt là gì rồi!

Trời đã khá trưa, không gió, núi rừng im phăng phắc. Có tiếng mang khàn khàn vọng từ trên suối xuống, nghe rõ mồn một. Nhà sư trìu mến nhìn ba người đệ tử rồi từ từ đứng dậy.

Bất Ác chợt nói:

- Bây giờ phải trồng lại cái giàn bí đỏ khác ở trong tâm!

Nhà sư nói:

- Bây giờ ấy à? Bây giờ là phải thu xếp , cất đặt đồ đạc; sau đó cùng phụ nhau để nấu cơm trưa. Đạo lý chính là chỗ ấy!

Nói xong, nhà sư đi về phía am tranh. Cả ba chú đều sững lại, dường như họ đang cố tìm cho ra đạo lý cất đồ đạc và nấu ăn trưa!
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS