Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
22-07-2019, 06:56 PM
Bài viết: #7
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN
7/ TRÁI ÐU ÐỦ CẮT TƯ

Sửa soạn mâm cơm cho Nhà Sư xong, Bất Ðạt cầm trái đu đủ ngắm nghía. Chú nghĩ, trái đu đủ này quá nhỏ, tuy thế cắt bốn phần đều đặn là việc con nít làm cũng được. Chỉ hơi bực một chút là những khi có thêm một hoặc ba vị khách, phải chia năm, chia bảy mới phiền.

Trái đu đủ vừa cắt xong thì đã nghe Bất Ác ồn ào ở phía cửa bếp:
- Cái bụng nó xuống đường biểu tình rồi chú "hỏa đầu quân" ơi! Hôm nay chú dẹp tụi nó bằng "lựu đạn" (khoai) hay "ca - nông" (sắn)? À, mà "axít" (tương) có còn không?
- Lựu đạn và axit đã khan hiếm - Bất Ðạt vừa nói vừa lấy lồng bàn úp mâm cơm lại - Kho cơ hữu nhà ta chỉ còn ca - nông và ca - nông thôi! Bảy quả ca - nông, báo cáo chú em!

Bất Ác dựng vội cúp và rựa ở bên hiên, lao nhanh vào:
- Sắn với sắn thôi à? Thế là chết tôi! Thế là chết em rồi chú ơi!
Bất Ðạt cười khì khì:
- Chết chú nhưng mà nhất tôi! Này nhé: bột sắn nấu là một, bánh sắn hấp là hai, bánh sắn ram là ba, nước tương sắn là bốn, canh sắn là năm, sắn nướng là sáu, chè bột sắn là bảy, vị chi bảy món. Sắn bảy món có thua gì các chú đâu!

Bất Ác xụ mặt:
- Thế là chú chẳng thương em chút nào. Em có mấy cái mụt nhọt mưng mủ chưa lành mà chú lại cho ăn cái kiểu này! Ôi, sắn ơi là sắn! Mủ ôi là mủ!
Bất Ðạt phì cười:
- Chú em, "dĩ độc trị độc" thế mà hay đấy! Chú có nhớ hôm đến phiên chú, chú làm "cà bảy món" mà chú gọi là "ca bảy câu" không? "Ca bảy câu" sao nổi khi thời gian đó tôi vừa bớt bệnh, thế mà tôi đành phải bịt tai nhắm mắt "ca" cho xong "bảy câu" của chú! "Một chén cà bằng ba chén thuốc", hèn chi tôi bị hành dữ!

Bất Ác nhăn mày nói:
- Thuở đó em đâu có biết cà là âm độc? Vô tâm là không có tội! Còn chú là người học rộng nghe nhiều, y lý tinh thông, chú há không biết sắn cũng độc không thua gì cà sao?
Thất Bất Ác buồn, Bất Ðạt xuống giọng:
- Ừ, thật ra tôi quên, không nhớ là chú bị nhiệt! Số là sáng nay đến phiên tôi nấu ăn, xuống bếp lục "cụi", lục "kho" thấy chẳng còn thứ gì. Rau muống mới trỉa hạt, môn vừa trồng lại, khoai hôm kia bị bò liếm hết trơn; rau dền, rau má thì nhiều nhưng ăn hoài cũng ngán ... Tuy nhiên khi đứng tần ngần, tôi chợt nghĩ ra cái ý làm "ca - nông bảy quả" để đáp trả tấm thịnh tình "ca bảy câu" của chú và "môn bảy kiểu" của chú Liễu Minh đó mà!

Bất Ác im lặng không nói gì. Chợt nhiên có giọng ồm ồm bên tai hai người:
- Cái gì là "ca bảy câu", cái gì là "ca - nông" bảy quả? Con nhà Phật mà chẳng có văn chương cửa Thiền chút nào cả. Cái món của tôi được gọi là "bảy cửa (môn) vào cõi Huyền Không" chứ lị!
- Chú ... chú! Bất Ác gọi Liễu Minh - "Ca bảy câu" cũng được, "bảy cửa vào cõi Huyền Không" cũng hay, nhưng "ca - nông bảy quả" làm sao nổi khi em mụt nhọt cả người như thế này này?
Liễu Minh quăng khúc củi xuống hiên, cười trấn an Bất Ác:
- Không có sao đâu chú em. Ðể chút nữa tôi đi kiếm cái gì mát mát như lá chùm bao, lá rau má, hoặc trái đu đủ ... thuộc âm hàn mà "bổ" vào là nó quân bình âm dương lại ngay.

Bất Ðạt cười hề hề:
- Khỏi lo! Có món đu đủ. Tôi thủ hậu món đu đủ cho nó giải nhiệt mà!
Liễu Minh sà lại bên mâm cơm. Bất Ác đưa tay giở lồng bàn, chợt chú la toáng lên:
- Phật ôi! Chú đành lòng nào mà trái đu đủ có bấy nhiêu lại cắt làm bốn phần đều đặn như vậy? Ta nóng thì Thầy cũng nóng, nỡ nào ...
- "Lợi hòa đồng chia" - Bất Ðạt nói át - bấy lâu Thầy đã từng dạy như thế. Cắt phần Thầy lờn thì Thầy quở trách đó, chú không nhớ sao?

Bất Ác thò tay lẳng lặng lấy phần của mình bỏ vào đĩa trong mâm cơm của Nhà Sư rồi bưng lên tịnh thất. Liễu Minh và Bất Ðạt thoáng ngỡ ngàng, nhưng như đồng một lúc, cùng lấy phần đu đủ của mình bỏ vào đó luôn.

Khi Bất Ác bưng mâm cơm đi rồi, Liễu Minh và Bất Ðạt ngồi thừ như vậy rất lâu.
Liễu Minh chợt nói:
- Bỏ cái âm hàn dương nhiệt đi chú nhé, ta chỉ bàn chuyện vừa rồi. "Lợi hoà đồng quân" mà cái gì cũng chia phần đều nhau như trường hợp vừa rồi, tôi thấy bất ổn sao sao là!
- Tôi cũng nghĩ như vậy - Bất Ðạt đăm chiêu - Hôm kia làm bánh sắn nhân đậu xanh, mỗi người được tám cái. Thầy ăn tám cái chắc vừa bụng. Tôi và chú tám cái thì e là ... đã đánh mất "trung đạo" rồi!

Liễu Minh gật đầu:
- Dường như từ lâu Thầy muốn chỉ dạy chúng ta điều gì đây, chú có thấy không? Ðáng lý ra, Thầy tối thiểu cũng phải có một sa-di làm thị giả. Thế mà ở đây, chúng ta chỉ lo được có một mâm cơm! Có lẽ Thầy muốn nâng đỡ chúng ta mặt nào đó nên Thầy đã sống rất bình đẳng với mọi người. Chính Thầy đã tự tước đi tất cả các tiện nghi đáng ra Thầy xứng đáng được hưởng. Nói xứng đáng cũng không đúng nữa - chính nhờ công đức phước báu của Thầy, Thầy đã san sẻ, nuôi nấng chúng ta. Còn đến công việc thì Thầy không bao giờ ra giọng sai bảo; chỉ gợi ý, đề nghị hoặc vạch chương trình để làm chung. Cho đến những lao động nặng nhọc Thầy cũng cùng làm với chúng ta. Mà bao giờ Thầy cũng là người vác cúp, vác cuốc đi trước. Còn chúng ta thì ... "chưa ăn thì anh dìu em dạ, ăn rồi anh ngã em nghiêng", thế đấy!

Bất Ðạt khẽ cúi đầu xuống:
- Ðúng là vậy. Nghĩ chuyện trái đu đủ, tôi còn hổ thẹn với Bất Ác. Nhưng đôi khi lý trí tôi nó làm việc như cái máy. Thiệt là bậy, thiệt là cái đầu óc tôi nó hư hỏng, lệch lạc mất rồi! Té ra, " y kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan "! Nguy hiểm, thậm nguy hiểm!

Liễu Minh như đang chìm trong suy tư của mình:
- Chú có nhớ cái "bánh ít chia bốn" của chú Bất Ác không?
- Nhớ, còn nhớ! Chả là hôm đó Bất Ác vừa mới vào, chùa mình có chín một trái ổi xá lị đầu tiên, Thầy bảo nên chia bốn phần cho mỗi người thưởng thức một tí. Ít hôm sau, thầy đi bát về, ngoài gạo và khoai sắn ra, có một cái bánh ít. Thế là bổn cũ soạn lại, Bất Ác cắt chia bốn phần đều nhau, ăn không dính kẽ răng. Có điều lạ là hôm đó, tôi hầu cơm Thầy, Thầy mỉm cười nói: "Con hỏi Bất Ác có phải cái bánh ít mà chia làm bốn phần, nó lúng túng lắm phải không?"

- Phải rồi - Liễu Minh cướp lời - vậy là Thầy biết, Thầy dư biết chúng ta chưa học được bài học "Lợi hòa đồng quân". Không những Thầy cười Bất Ác mà Thầy còn cười cả sự ... máy móc của chúng ta đó! "Lợi hòa đồng quân" kiểu của chúng ta là hình thức chia chác lợi lộc rất là nguy hiểm, nó còn thiếu "nội dung" đó chú!
- Chú cứ trình bày cho hết ý.
- Tôi từng sống nhiều nơi, tôi biết. Có nhiều chuyện xảy ra không hay ho gì trong đời sống cộng đồng Tăng lữ. Vật phát sanh đến, nếu chia không đủ thì bốc thăm, làm cho nhiều vị rất tốt, đôi khi nảy tâm mong cầu được cái này, cái nọ ... Mà thôi, đừng nói chuyện ấy nữa, ta thường thấy hạt bụi trong mắt người mà không thấy được cái rác trong mắt ta! Tôi chỉ muốn nêu lên vài trường hợp cụ thể để chúng ta cùng thấy rằng, "Lợi hòa đồng quân" không phải chỉ dừng lại nơi hình thức bên ngoài, mà còn phải để ý đến cái tâm bên trong nữa chứ!

Bất Ðạt "à" lên một tiếng:
- Phải rồi! Cái gì cũng chia đều thì đến một lúc nào đó mình tưởng là mình có quyền ngang bằng với Thầy tất cả. Ngang bằng sao được, ngoài đời còn có ông bà cha mẹ nữa. Coi chừng, nếu không suy xét cho thấu đáo, lửa địa ngục sẽ thiêu cháy tan xương nát thịt chúng ta mất thôi!

Hai người nói chuyện ngang đây thì Bất Ác bưng mâm cơm trở xuống. Thức ăn gần hết, nhưng đĩa đu đủ thì còn ba lát, Nhà Sư chỉ dùng một.

Bất Ác mau mắn kể lại:
- Khi thấy đĩa đu đủ có bốn miếng, Thầy hỏi: "Hôm qua có mấy trái đu đủ chín hả con?" Em đáp: "Dạ, chỉ có một". Thầy cười với đôi mắt sáng lấp lánh: "Có lẽ là cho đến hôm nay, các con mới bắt đầu hiểu ý nghĩa sâu xa của 'Lợi hoà đồng quân' rồi đấy!"
Liễu Minh chợt vỗ tay:
- Tôi biết rồi! Tôi hiểu rồi!
Bất Ác vô tình kể tiếp:
- Khi nghe Thầy nói vậy, em ngạc nhiên vô cùng, liền láu táu: "Bạch Thầy, 'Lợi hoà đồng quân' thì con đã hiểu lâu rồi!" Thầy bèn nghiêm mặt: "Ðừng có đại ngôn! Kể cả những người ăn cơm Phật, mặc áo càsa cho đến bạc đầu mà áp dụng nó chẳng khác gì là phỉ báng Phật! Con mới vào tu mà nói vậy, coi chừng mắc thói 'tăng thượng mạn' đó!"

Mấy chú ơi, em thấy mặt Thầy nghiêm lại, em ơn quá, em le lưỡi, thụt cổ rồi im thin thít luôn.
Bất Ác quay qua Liễu Minh:
- Chú nói hiểu là hiểu làm sao nói cho em nghe thử coi?
Liễu minh chỉ vào mâm cơm:
- Ðói bụng rồi, ăn đã!
- Không! Bất Ác giẫy nãy - "sớm nghe đạo, chiều chết cũng cam". Chú không nói thì em tuyệt thực.
Bất Ðạt cười khì:
- Chú em ngán sắn thì nói ngán sắn cho rồi, vờ nói tuyệt thực làm gì! Xấu, xấu lắm nghe em!
- "Ðốt" chú đi! Em không chơi với chú. Em nói chuyện đứng đắn với chú Liễu Minh!
Liễu Minh xen vào:
- Thôi chúng ta cùng ăn rồi thảo luận. Chú em Bất Ác à, tôi bụng to thì cứ việc ăn nhiều, chú bụng nhỏ thì cứ việc ăn ít, vậy là "Lợi hòa đồng quân" đó!
Thế là cả ba bắt đầu ăn. Bất Ðạt dường như đã hiểu nên chú gục gặc đầu có vẻ đắc ý lắm. Một lát chú nói:
- Hôm nay, phần đu đủ của mình, mình dâng hết cho Thầy. Thầy nhường lại cho mình, rồi mình nhường lại hết cho chú Bất Ác để chú "tả nghiệt". Thế là "Lợi hòa đồng quân", phải không chú Liễu minh?
- Phải "Lợi hòa đồng quân" theo cách chia bên ngoài mới chỉ là "tướng hòa"! "Tướng hòa mà thiếu Tâm hòa" thì dễ đưa đến xung đột, tranh chấp; và là điều kiện để phát sanh phiền não, khổ đau. Còn khi tâm đã hòa rồi thì mọi thể hiện bên ngoài cũng là hòa cả. Chú đã hiểu chưa, Bất Ác? Ðôi khi chú đã từng thực hành theo nghĩa "tâm hòa" rồi mà chú không biết đó thôi!
- Em ư? Bất Ác nhướng mắt hỏi - em là kẻ hay làm phiền rộn Thầy và chư huynh lắm mà, có hòa gì đâu?
- Không phải thế! Bất Ðạt thân thiết nhìn Bất ác nói - Chú em không làm ai bực mình cả, ngược lại là khác. Chú em sống rất có tình nghĩa, biết kính, biết lễ, biết thương yêu mọi người. Chú em hay hành động theo con tim, theo lý lẽ của con tim nên đôi khi tưởng là hư, là xấu. Hư xấu cũng có đấy, nhưng chỉ là một phần nhỏ, còn đa phần đều tốt, như trường hợp chú tự động lấy phần mình để vào phần Thầy. Tâm hòa là như rứa đó.

- Em chưa hiểu. Chú đừng nịnh em!
Tiếp lời Bất Ðạt, Liễu Minh giải thích:
- Ðúng thế chú em à! Tâm hòa nghĩa là tình Thầy trò, tình huynh đệ, tình chúng sanh đấy chứ gì lạ đâu! Khi sống với nhau trong một ngôi chùa, không cần phải chia chác vật gì cả, lợi lộc phát sanh cứ để chung một nơi và tùy theo nhu cầu của mỗi người mà sử dụng. Có thương nhau thật sự mới sống được như thế. Như trường hợp trái đu đủ, vì kính trọng và yêu thương Thầy, ta hoan hỷ dâng hết cho Thầy. Nếu Thầy nhường lại mình hay Thầy dùng hết thì cái đó cũng chẳng là vấn đề. Còn chú Bất Ác có ăn trọn cả trái đu đủ, chúng ta vẫn hòa với nhau như thường. Ðấy mới đúng nghĩa "chữ hòa" mà Chư Phật muốn chỉ dạy.

Bất Ác chợt la lên:
- A! Chính trong tâm em, em cũng nghĩ như vậy mà em lại không biết mới chết chứ!
Cả ba cùng cười vui. Thật là không có ở đâu "hòa" hơn thế nữa!


Bất Ác chăm chú nhìn nụ cười của Nhà Sư, chợt chú vỗ tay:
- Thầy móm mém mà nụ cười rất có duyên, các chú ơi!
Nhà Sư la gắt:
- Tầm bậy, tầm bạ!
Rồi Nhà Sư nói với Liễu Minh:
- Con thường hay đi đây đi đó lo công việc chùa, vậy Thầy thưởng cho con một chiếc xe đạp!
- Hoan hô! Bất Ác vỗ tay.

Nhà Sư nhìn Bất ác:
- Con là người mê ngủ nhất, không bao giờ dậy đúng giờ để hành Thiền, tụng kinh, vậy Thầy thưởng cho con một đồng hồ báo thức!

Bất Ðạt thấy Bất Ác không có phản ứng gì, bèn nói:
- Thầy thưởng cho chú sao mà chú không vỗ tay? Hay làsợ từ rày về sau phải tỉnh "giấc mộng Nam Kha"?

Nhà Sư nói với Bất Ðạt:
- Bất Ðạt hay than phiền rựa không bén, cúp cuốc mòn vẹt không sướng tay. Vậy thì Thầy sẽ tặng thưởng một cái rựa mới, một cái cúp lưỡi dài ba gang, một cái cuốc dài ba tấc ... cho vừa sức tay mà làm việc!

Bất Ác nhăn mày:
- Rứa là Thầy không công bằng rồi! Con thì không nói làm gì, nhưng thưởng cho chú Bất Ðạt kiểu ấy thì thật là ... tội nghiệp!
Nhà Sư nói:
- Phần thưởng bên ngoài là "tướng bất hòa" cho nên bên trong "tâm" cũng "bất hòa" sao?
Liễu Minh thưa:
- Dạ, đại hòa là khác!

Bất Ðạt phát biểu:
- Thế là cúp, cuốc, rựa dùng chung mà con phải chịu trách nhiệm. Xe đạp, dùng chung mà chú Liễu Minh phải lo tu sửa, bảo quản. Còn Bất Ác thì lời không cái đồng hồ! Sướng nhé, em út!

Bất Ác toét miệng cười:
- Ờ há! Thế mà em lại không biết! Hoan hô cái kiểu "lợi hoà đồng quân" này!

Ðể cho các chú vui vẻ một lát, nhà Sư tiếp tục câu chuyện:
- Ðức Phật chế pháp Lục Hòa, trong đó có "lợi hòa đồng quân" để tạo sự bình đẳng vật dụng trong cộng đồng tăng lữ. Mục đích là nâng đỡ kẻ sơ tu, nâng đỡ những tu sĩ ít phước báu về tứ sự, cũng là tước bỏ bớt đời sống tích lũy, tư hữu có hại cho hạnh khước từ .
Nhưng các pháp thế gian vốn là tương đối, nó chỉ có khả năng đối trị tạm thời chứ không có giá trị vĩnh cửu. Do vậy, áp dụng "lợi hoà đồng quân" mà không hiểu giá trị tương đối của chúng thì dễ đưa đến xung đột, cố chấp, phỉ báng Phật. Các con hiểu rõ điều này rồi chứ?

Cả ba chú trang nghiêm đồng thanh đáp:
- Dạ hiểu!
- Ði xa hơn chút nữa, "hoà" và "bất hoà" còn giúp chúng ta liên hệ đến những cặp phạm trù khác như hơn-thua, phải-trái, được-mất, khen-chê, ... đều là thế gian tương đối, cũng phải được hiểu như vậy cả.

Bất Ác im lặng. Bất Ðạt ngần ngừ:
- Có phải những cặp phạm trù ấy, triết học Tây phương họ gọi là "nhị nguyên" phải không hở Thầy?
- Chẳng những Tây Phương mà Ðông Phương cũng thường đề cập các cặp ấy vì nó hằng đem đến đau khổ cho chúng sanh .
- Bạnh Thầy! Liễu Minh nói - họ gọi là song quan, song lực, lưỡng nguyên, nhị giá, ... gì gì dó!
Bất Ác nhăn mặt:
- Nói gì lung tung rối rắm thế? Chữ nghĩa vừa thôi chứ, ai mà hiểu thấu!
Bất Ðạt nói:
- Vì chú em ... hơi dốt đó thôi!
Bất Ác rất tức nhưng không đáp được. Liễu minh bèn bênh vực:
- Không đâu! Bất Ác không dốt đâu, chú Bất Ðạt và tôi dốt! Chúng tôi nuốt chưa trôi chữ nghĩa nên vướng mắc từ triết học!
Bất Ác rạng rỡ mặt mày:
- Chỉ có chú Liễu Minh là hiểu em! Rồi chú quay qua nhà Sư - Bạch Thầy! Nói cho dễ hiểu, cái "nhị nguyên" đưa đến đau khổ là gì?

Nhà Sư mỉm cười đáp:
- Con vừa thể hiện cái "nhị nguyên" ấy, con không thấy sao?

Bất Ác chưng hửng! Nhà Sư tiếp:
- Khi con bị chú Bất Ðạt chê, con bèn tức tối "xụ" mặt xuống. Khi con được Liễu Minh khen, sướng quá, con liền phổng mũi lên. Vậy là tâm con bị cái khen, cái chê nó chuyển, con đã phiền não bởi lời khen tiếng chê ấy, con đã phiền não bởi lời khen tiếng chê ấy, con chưa thấy sao?

Cả ba chú đều lạnh mình. Quả không có gì dễ hiểu, dễ lãnh hội như cái "thiết thực hiện tại" vừa rồi!
Nhà Sư nhìn Bất Ác:
- Khi con không còn bị lời khen tiếng chê kia chi phối nữa, con không còn bị hai sức mạnh (song lực) kia lay động nữa - như vậy, tạm gọi là đã vượt tương đối, vượt thế gian để sang được "bờ kia"!
Bất Ác vỗ tay la lên:
- A! Dễ hiểu làm sao! Thế là con lên bến, con đến bờ kia, con "đáo bỉ ngạn" tức khắc"!
Nhà Sư nghiêm mặt:
- Ðừng có đại ngôn!
Bất Ác cúi đầu xuống. Bất Ðạt nháy mắt nhìn Bất Ác, cười hề hề:
- Thấy không? Mới lót tót "đáo bỉ ngạn" ngay bon! Xuội lơ chưa em?
Thấy ba chú đều im lặng. Nhà Sư lại tiếp tục:
- Các con ạ! Thế gian tương quan đối đãi này còn một nghĩa rất vi diệu nữa, Thầy chưa rõ là các con có đủ trình độ để lãnh hội không?

Cả ba chú đồng thanh đáp:
- Chúng con sẽ cố gắng .
- Ừ! Này nhé! Nhà Sư nói - Vì thế gian "bất hoà" nên lấy cái "hoà" ấy mà phải để tâm tự tại, giải thoát .
Giọng Bất Ác:
- Bạch Thầy, cái này thì con rối mù!

- À! để Thầy cho ví dụ. Khi con bị cái gai đâm vào chân, thì con lấy cái gai khác gỡ cái gai ấy ra, có phải thế không?
- Dạ phải!
- Vậy thì khi gỡ cái gai ấy rồi, con sẽ giữ lại cái gai nào?
- Bạch Thầy, con vứt hết con sẽ vứt cả hai .
Nhà Sư lại hỏi:
- Thế thì khi vứt cả hai, nếu con lỡ bị cái gai khác đâm thì sao?
- Thì con sẽ kiếm cái gai khác nữa mà gỡ nó ra .
- Phải rồi! Nhà Sư gật đầu - gặp gai ác thì lấy gai thiện mà gỡ. Gặp gai tham lam thì lấy gai bố thí mà gỡ. Gặp gai sân hận thì lấy gai từ bi mà gỡ ... Gỡ xong rồi thì quăng hết .

Bất Ác giật mình:
- A! Có ghê không? Những pháp tối thượng như thiện pháp, bố thí, từ bi, ... mà cũng phải bỏ luôn sao Thầy?
- Nó là gai hay không phải gai?
- Là gai .
- Là gai mà con muốn mang theo thì tùy ý!

Bài pháp hôm nay đã dẫn ba chú đến đỉnh cao chênh vênh, ngợp gió. Thiện pháp, bố thí, từ bi ... mà cũng phải quăng đi, phải viễn ly thì thật là kinh khiếp. Bất Ðạt toát mồ hôi. Liễu Minh thấy lạnh xương sống .

Nhà Sư thấy điều đó nên nói tiếp:
- Các con ạ! Ðức Phật ví Pháp như chiếc bè dùng để qua sông, chánh pháp cũng phải bỏ huống hồ chi pháp! Vậy thì qua sông mà còn mang vác thiện pháp, bố thí, từ bi ... đi theo thì sẽ nặng biết chừng nào? Cái bản ngã thiện pháp, bản ngã bố thí, bản ngã từ bi ... kia nó mới to lớn dường bao?
Bất Ác chợt vỗ tay:
- Vậy là con đã hiểu!

- Chưa đâu! Bây giờ bỏ cái chuyện "gai lễ gai" quay sang ví dụ bệnh và thuốc. Ðức Phật thường nói "tùy bệnh cho thuốc". Vậy, gì là bệnh, gì là thuốc?
Bất Ðạt đáp:
- Dạ, phiền não là bệnh, giáo pháp là thuốc.
- Chúng sanh có bao nhiêu "bệnh", giáo pháp có bao nhiêu "diệu dược"?
- Bạch Thầy! Chúng sanh có tám vạn bốn ngàn phiền não, Pháp của Phật có tạm vạn bốn ngàn pháp môn.
- Con kể sơ cho Thầy nghe, đó là những phiền não gì?
Bất Ðạt đáp:
- Con có nhớ một số phiền não như: Ái, sân, si, hung dữ, thù oán, bạc ơn, kiêu căng, ganh tị, bỏn xẻn, giả dối, phản phúc, ngang ngạnh, ngã mạn, giải đãi, hôn trầm, phóng tâm v.v... Ngoài ra còn có những phiền não thuộc pháp tà vạy, lầm lạc, trầm luân, chìm đắm, che lấp, chấp thủ, v.v...

- Vậy là tạm đủ - Nhà Sư gật đầu - còn gì là thuốc?
Liễu Minh đáp:
- Bạch Thầy! Nói tóm là Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Ðạo, các Thiện Pháp, Mười Pháp Ba-La-Mật, Tứ Vô Lượng Tâm v.v...
- Ðúng rồi, nhưng các con hãy cho ví dụ bệnh và thuốc như thế nào?

Bất Ðạt đáp:
- Tương tự ví dụ "gai lễ gai"! Như: tham là bệnh, bố thí là thuốc; sân là bệnh, từ bi là thuốc; si là bệnh, trí tuệ là thuốc; chấp thủ là bệnh, xả là thuốc; loạn tâm là bệnh, định là thuốc; ganh tị là bệnh, hỷ là thuốc v.v...

- Ðúng thế! Nhà Sư gật đầu - Tuỳ bệnh cho thuốc. Nhưng phải đúng bệnh, đúng thuốc. Thuốc cũng phải uống đúng liều lượng. Thuốc bổ mà quá liều thì trở thành độc dược. Ðộc dược mà biết sử dụng cũng cứu chữa được bệnh. Cho nên, bất hòa là bệnh, hòa là thuốc. Nhưng hòa cũng biết hòa đúng lúc, đúng khi, đúng người, đúng chỗ; nếu không, cái hòa ấy sẽ đưa đến những tệ hại mà chúng ta đã thấy ở trên.

- Cho nên, Pháp có hay thì Pháp có dở. Hay đối với người có trí, biết sử dụng. dở đối với người ngu, không biết sử dụng. Người giải thoát, giác ngộ ở trên đời họ thường tùy nghi, biết sống thuận pháp, tùy pháp. Ðã giải thoát giác ngộ rồi thì họ sống hợp với Ðạo vậy. Người chưa giác ngộ, giải thoát, dù có làm hữu ích cho đời thế nào, cũng chỉ hưởng được phước báu nhân thiên mà thôi! Các con đã hiểu chưa?

Cả ba cùng cúi đầu đáp:
- Dạ, thật là hay, thật là thấm thía!
Nhà Sư mỉm cười hài lòng:
- Khi các con cắt trái đu đủ làm bốn phần, nghĩa là từ "tướng hòa"; nhưng vì kính trọng thương yêu Thầy mà các con đem dâng hết cho Thầy, là các con đã bỏ "tướng hòa" để đạt "tâm hòa". Thầy lại từ "tâm hòa" mà xuống "tướng hòa", khi trả lại ba phần đu đủ cho các con. Các con lại từ "tướng hòa" đem trao hết cho Bất Ác để đạt cái "tâm hòa". Tướng trở lại tâm, tâm trở lại tướng. Thì ra tướng và tâm cũng chỉ là tương quan đối đãi để cho chúng ta học được bài học giác ngộ giữa cuộc đời này.
Cho nên, kẻ biết pháp tương đối thì cứ tùy nghi mà sử dụng, không còn chấp trước bên này, không còn chấp trước bên kia. Ấy gọi là bỏ "bè", bỏ tương đối. Ấy là người đã qua sông, đã "đáo bỉ ngạn" vậy!
THANK YOU
 


Các bài viết trong chủ đề này
RE: THẾ LÀ CÂU CHUYỆN THIỀN - dieuquang - 22-07-2019 06:56 PM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS