Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
TƯ DUY
19-07-2020, 05:52 PM
Bài viết: #1
TƯ DUY
CHỈ LÀ MỘT NHẬN XÉT , KG HẲN ĐÚNG HOÀN TOÀN, tham khảo là chính, ý kiến tùy cá nhân, thanks.

Ba cách biệt tư duy giữa con nhà nghèo với nhà giàu

Con nhà giàu thường phóng tầm mắt ra xa hơn thực tại, không vì lợi nhuận nhỏ trước mắt mà bỏ qua ích lợi lâu dài.

Nhiều người nói rằng trẻ con sinh ra trong hoàn cảnh khó nghèo sẽ có ý thức làm việc chăm chỉ khi chúng lớn lên, tương lai sẽ còn khá hơn con nhà giàu.
Tuy nhiên, một thực tế từng được đúc kết trong các cuốn sách cũng cho thấy, trẻ sinh ra trong gia đình giàu lớn lên sẽ luôn tự tin nắm bắt mọi cơ hội.
Không thể phủ nhận rằng trẻ sinh ra trong gia đình có kinh tế, điều kiện sống tốt luôn là trẻ có bước khởi đầu tốt hơn.

Một ví dụ dưới đây cho thấy, khi bước vào môi trường làm việc đầu tiên, người sinh ra trong gia đình giàu luôn có nền tảng, cơ hội hơn:
Một công ty tuyển dụng hai sinh viên vừa tốt nghiệp đại học là An và Bách. An tính cách vui vẻ, lạc quan, luôn ăn mặc tươi sáng, thích “buôn chuyện” với đồng nghiệp mới, quan hệ với mọi người khá tốt. Trái ngược, Bách sống nội tâm, giản dị và làm việc rất chăm chỉ.

Một ngày, cấp trên muốn chọn một trong hai người cho vị trí tổng thư ký, nên yêu cầu cả hai lên kế hoạch cho buổi họp đại lý hàng năm. Cả hai đều hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên bản dự trù chi phí của Bách thấp hơn nhiều. Ai cũng nghĩ cấp trên sẽ nhắm Bách, vì đã tiết kiệm cho công ty.

Tuy nhiên, sau đó, sếp đã nhận xét tỉ mỉ: “Bản báo cáo cho thấy kiểm soát chi phí của Bách rất tốt, tất cả các khoản chi phí dự trù nhà hàng, khách sạn… đều được lập rõ ràng để chuẩn bị ngân sách. Tuy nhiên, công ty này là một công ty tốt nhất trong ngành, cần có một chút ‘rộng tay’, nhằm thể hiện sự trang trọng với các cổ đông”.

Sau nhiệm vụ này, An được vị trí thư ký tổng giám đốc, còn Bách được chuyển tới bộ phận tài chính. Sự nghiệp của hai cô gái từ đó rẽ hướng: An làm việc linh hoạt, có nhiều cơ hội, ngày một thăng tiến, trong khi Bách là một nhân viên mẫn cán của phòng tài chính.

Ngược lại thời gian để nhìn lại quá trình nuôi dạy hai cô gái của cha mẹ họ. An là điển hình của kiểu con nhà khá giả, trải qua những tháng ngày cuộc sống thuận lợi, vui vẻ, cha mẹ có điều kiện kinh tế để giúp con có cơ hội hướng đến nhiều trải nghiệm của cuộc sống.

Trái ngược, Bách sinh trưởng trong một gia đình nông thôn nghèo, do đó rất nỗ lực học hành.
Cha mẹ trình độ học vấn thấp, lại xuất phát vùng nông thôn nên rất tiết kiệm, cũng yêu cầu con tằn tiện, không tiêu tốn tiền bạc. Sự khác biệt trong xuất phát điểm gia đình như vậy đã dẫn đến những phát triển khác nhau về nghề nghiệp, sự nghiệp, khi cả hai bước vào xã hội.

Vậy, sự khác biệt tư duy giữa những đứa trẻ nhà giàu, và nhà nghèo là gì?

Có ba điểm có thể thấy rõ dưới đây:

1. Con nhà giàu lạc quan và tự tin hơn

Trẻ em xuất thân từ gia đình nghèo thường phải chịu những cái nhìn thiếu ưu ái, thậm chí là khinh miệt từ một bộ phận xã hội.
Khi một đứa trẻ nghèo mặc một bộ đồ không đẹp bằng những đứa trẻ khác, nó có thể bị chế giễu, bị so sánh, dần dần dẫn đến tâm lý tự ti. Về lâu dài, điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến hành trình tương lai của trẻ. Trẻ không thể phát triển tốt nếu lúc nào cũng mặc cảm tự ti.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ hiểu biết hạn chế, sự tằn tiện quá mức của cha mẹ khiến trẻ vô tình sai lầm về nhận thức: tiền không được chi cho những thứ phù phiếm (sách truyện, hoa, các hoạt động xã hội… ), đồ bị hỏng thì cần phải tìm cách tái sử dụng, không được mua đồ mới, nếu mua cũng chỉ nên mua thứ rẻ tiền nhất. Lâu dần, đây thành một lối mòn tư duy: không được hướng tới một cuộc sống tốt hơn, khi có cơ hội cũng trở nên rụt rè, không tự tin nắm bắt vì lo rằng mình “không đủ khả năng, không có tiền”.

Tệ hại hơn, khi bước vào môi trường tập thể, người xuất thân trong gia đình nghèo mang đến không khí kém lạc quan, tươi mới.

Trong khi đó, trẻ sinh trong gia đình có điều kiện thường không nghĩ nhiều về “tiền”, mà hướng tới những thứ mình thích và quan tâm tới những thứ mới mẻ. Những trẻ này khi bước vào môi trường tập thể sẽ mang đến không khí tươi vui, lạc quan và tích cực cho mọi người.

2. Con nhà giàu có thể nhìn xa hơn thực tại

Với con nhà nghèo, thứ chú ý cao nhất là “tiền”, là thực tế trước mắt, trong khi con nhà giàu nhìn xa hơn chuyện tiền bạc, là hiện tại.

Có nhiều người học hành giỏi giang, tuy nhiên vì sinh ra trong gia đình nghèo đã phải từ bỏ cơ hội du học trời Tây để ở nhà kiếm tiền cáng đáng gia đình, bởi “điều này cấp bách hơn”.
Hẳn nhiên cơ hội du học là vô cùng giá trị, lợi ích của nó cũng cao hơn rất nhiều so với việc ở lại quê nhà, nhưng đã không thể nắm bắt, vì cuộc sống khiến anh không được quyền nhìn xa hơn thực tại.

Trái ngược với hoàn cảnh này, con nhà giàu ít bị hạn chế trong suy nghĩ, nên vấn đề mà họ phải đối mặt ít hơn rất nhiều. Bởi vậy, dễ hiểu là họ sẽ có cơ hội phóng tầm mắt ra xa hơn thực tại, không vì những lợi nhuận nhỏ trước mắt mà bỏ qua những viễn cảnh lâu dài.
Người xưa nói câu “Lựa chọn đúng quan trọng hơn là làm việc chăm chỉ”, và rõ ràng, lựa chọn chính xác có thể khiến cuộc đời rẽ theo hướng hoàn toàn khác biệt.

3. Con nhà giàu có cơ hội trải nghiệm sống nhiều hơn

Trẻ nhà nghèo sống trong một môi trường bó hẹp, do đó cơ hội trải nghiệm các hoạt động phong phú của đời sống càng ít, đường chân trời tự nhiên không rộng lớn. Thói quen suy nghĩ hình thành và trở nên cố định, thế nên việc xem xét mọi vấn đề đều bị hạn chế.
Như trường hợp Bách hoàn thành nhiệm vụ lập kế hoạch dựa trên kiểm soát chi phí, tuy nhiên lại bỏ qua yếu tố hình ảnh của công ty trong mắt khách hàng, cổ đông, thế nên không được nhận vào vị trí tốt.
Trái ngược với con nhà nghèo, trẻ nhà giàu có nhiều trải nghiệm hơn, xem xét vấn đề toàn diện hơn thay vì bị giới hạn ở bất cứ khía cạnh nào.
Như An, khi thực hiện bản kế hoạch của mình, cô tính đến mọi khía cạnh khác nhau, bao gồm hình ảnh của công ty, thế nên cô được trọng dụng.
Cha mẹ nào cũng sẽ nói: Tôi đâu muốn con sinh ra trong nghèo khó, khiến cuộc đời nó sau này bị ảnh hưởng. Điều đó đúng.

Tuy nhiên, để con dù sinh ra trong gia đình không giàu có về vật chất, nhưng vẫn có cơ hội phát triển đầy đủ, và có tư duy của một đứa trẻ tiến bộ, cha mẹ cần cho con cơ hội trải nghiệm cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống của chính mình. Với người giàu có nuôi con đúng cách, đây là ba tư duy dễ nhận thấy:
– Giàu không có nghĩa là phung phí, nhưng đầu tư tiền bạc vào những thứ đáng để tiêu. Việc cha mẹ thích nghi với thời đại cũng góp phần giúp trẻ thích nghi với xã hội và tạo lập chỗ đứng cho riêng mình.
– Cho con cái cơ hội trải nghiệm cuộc sống, ví dụ đưa con đi du lịch, khám phá thế giới là cách để con mở rộng tầm nhìn.
– Dạy cho con khái niệm chính xác về quản lý tài chính, thiết lập cho trẻ một quan điểm hợp lý về tiền bạc, học cách sử dụng tiền bạc mình có để tạo ra thêm tài sản cho chính trẻ.
Tuy nhiên, đây chưa phải là một ý hoàn toàn đúng nhưng với môi trường năng động hiện tại trẻ gia đình nghèo cần được tạo cho một tư duy nhìn sâu nhìn xa hơn những cái ngay trước mắt.
THANK YOU
20-07-2020, 10:55 AM
Bài viết: #2
RE: TƯ DUY
Ba loại trẻ tưởng khôn lanh nhưng tương lai bất ổn

Bề ngoài, nhiều trẻ khéo miệng, được khen ngợi là thông minh, ngoan ngoãn, nhưng thực tế lại giỏi nói, lười làm.
Hành vi của nhiều trẻ khiến bố mẹ chúng nghĩ rằng chúng thông minh từ nhỏ, sau này có thể thành tài, nhưng thực ra không phải vậy. Nếu con có ba loại hành vi dưới đây, cần phải sửa chữa cho con sớm, nếu không con có thể phát triển sai lệch.

1. Tiện tay thích cái gì là lấy cái đó
Hành vi "tiện tay" của trẻ được không ít cha mẹ cổ súy, coi đó như sự nhanh nhẹn, khôn lanh, nhưng kỳ thực đó là một hành vi xấu. Ví dụ, khi đến nhà khác chơi, thấy có món đồ chơi đẹp, trẻ âm thầm đút vào túi mình để giấu đi, mang về nhà chơi mà không trả lại. Hoặc khi đi siêu thị với người lớn, thấy món đồ gì đó ngon lành, trẻ giấu vào tay, mang về thay vì đưa ra quầy trả tiền, hoặc thậm chí ăn ngay tại nơi bán.
Ngay khi phát hiện con có những hành vi tiện tay này, cần giải thích với con rằng đó là việc làm xấu, có thể coi là lấy trộm đồ, sẽ bị phạt. Nếu coi đây là trò trẻ con và bỏ qua, mai sau khi lớn hơn, trẻ sẽ không có bạn bè vì không được ai tin tưởng.

2. Không bao giờ chấp nhận thua cuộc
Nhiều ông bố bà mẹ hiểu nhầm rằng phản ứng gay gắt của đứa trẻ mỗi khi thua cuộc đồng nghĩa với cá tính mạnh, tư chất "hơn người". Trên thực tế, đây là biểu hiện của trẻ ích kỷ, được lớn lên trong môi trường tốt, được cha mẹ quá yêu chiều.
Loại trẻ này cho mình là trung tâm vũ trụ, không muốn chia sẻ sự quan tâm với bất cứ ai khác. Kiểu trẻ này lớn lên rất khó làm việc với tập thể, bởi lúc nào cũng khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình, dẫn đến tâm lý "ăn thua", không chịu nhịn nhường bất cứ ai.

3. Giỏi nói, lười làm
Trẻ loại này rất khéo đón ý bố mẹ và người lớn. Chúng biết bố mẹ mong muốn gì và luôn thể hiện thái độ lắng nghe. Bề ngoài, đó là những trẻ khéo miệng, được mọi người khen ngợi là thông minh, ngoan ngoãn, nhưng thực tế lại "nói mà không chịu làm".
Ví dụ, khi trẻ hư, làm sai lời, trẻ sẽ rối rít xin lỗi. Trẻ hứa hẹn sẽ sửa đổi, không hư, tuy nhiên lần sau vẫn tiếp tục tái phạm. Nhiều bố mẹ chủ quan cho rằng chỉ cần trẻ biết nhận lỗi đã là tốt, hành vi phải dần dần mới thay đổi được, song thực tế không phải vậy. Thói quen duy trì lâu dài sẽ khiến trẻ hình thành tính ưa nói điều hay, ý đẹp, nhưng lại không bắt tay vào thực hiện, chỉ nói rồi để đấy, chính là kiểu "miệng đỡ chân tay".
Khi trưởng thành, con có thói quen lấy lời nói xoa dịu người khác thay vì thể hiện trách nhiệm bằng hành động, không sớm thì muộn sẽ nhận lại sự thiếu tin tưởng, tôn trọng.
(Theo Aboluowang)
THANK YOU
20-07-2020, 10:58 AM
Bài viết: #3
RE: TƯ DUY
3 kiểu trẻ ngoan chưa chắc đã tốt

Quan niệm "ngoan" của nhiều bậc phụ huynh là đứa trẻ phải nhất nhất nghe lời, phải biết đón ý người khác để được khen ngợi... lại làm hỏng tương lai của trẻ.
Sinh con ra, hẳn cha mẹ nào cũng muốn con là một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời người lớn dạy bảo. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ khó trị chưa hẳn đã có một tương lai kém thành công hơn những trẻ biết nghe lời.
Những đứa trẻ kỷ luật kém, làm bố mẹ đau đầu khi còn nhỏ lại là những trẻ EQ cao, biết cách bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ. Trẻ này thường phá vỡ các quy tắc khô cứng, có năng lực mạnh mẽ khi trưởng thành. Trong khi đó, nhiều đứa bé khi nhỏ ngoan ngoãn, vâng lời, lớn lên lại trở nên hư hỏng, dễ nổi loạn.

Trên thực tế, có ba kiểu nuôi trẻ ngoan là sai lầm của cha mẹ.

1. Ngoan là phải nhất nhất nghe lời

Trong nhiều gia đình, cha mẹ dạy con phải biết nghe lời. Mọi quyết định do bố mẹ đưa ra, con cái phải tuân thủ răm rắp, không được chống đối.
Hẳn nhiên việc con cái phụ thuộc cha mẹ là đúng, khía cạnh này cũng cho thấy đứa trẻ gần gũi, gắn bó với đấng sinh thành. Tuy nhiên, trên phương diện khác, cũng cần dè chừng. Trẻ quá phụ thuộc bố mẹ sẽ sống thụ động, không có chủ kiến. Nếu bạn bảo con đi về phía đông, đứa trẻ không bao giờ dám đi về phía tây.
Nếu để con tự mình làm việc gì đó, trẻ thậm chí băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu. Trong khi trẻ khác nô đùa, nghịch ngợm bên ngoài sân, con bạn chỉ ru rú trong nhà không dám đi đâu...
Những trẻ như vậy lớn lên sẽ luôn ở trạng thái phục tùng, nghe lệnh, không dám có chủ kiến, ý tưởng, cuộc sống lúc nào cũng trong trạng thái bị động. Khi ra trường đời, trẻ sẽ không tự tin trước bất cứ quyết định nào trong cuộc sống.

2. Ngoan là phải tự hiểu chuyện

Nhiều cha mẹ trách phạt con khi bé không chịu cho bạn khác chơi đồ chơi cùng, thậm chí chửi mắng bé là hư. Vì không muốn bị chỉ trích là đứa trẻ không ngoan, bé đành chấp thuận chia sẻ đồ chơi, nhưng trong lòng không vui.
Hay khi không đưa trẻ đi công viên như đã hứa vì bận công việc, trẻ dỗi hờn khóc lóc, bạn đánh trẻ, mắng bé không hiểu chuyện. Dần dần, với những việc như vậy, trẻ miễn cưỡng chấp nhận, dù sau đó âm thầm chui vào chăn khóc một mình.
Việc kìm nén cảm xúc thực khiến bề ngoài trẻ trở nên ngoan ngoãn, hiểu chuyện, nhưng kỳ thực bên trong lại uất ức. Điều này hoàn toàn không tốt chút nào.
Con người được bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình luôn là điều tốt nhất, là nền tảng của một cuộc sống khỏe mạnh về tinh thần. Trẻ em bị gò ép cảm xúc quá mức khi lớn lên có thể gặp các vấn đề về tâm thần.
Chúng cũng có thể trở thành những người nổi loạn, khó cân bằng cảm xúc, thậm chí rối loạn nhân cách... Ngày nhỏ chúng ngoan ngoãn, hiểu chuyện, nhưng lớn lên lại dể nổi loạn, từ đó gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống

3. "Ngoan" là biết đón ý người khác để làm vừa lòng họ

Trong nhiều gia đình, không ít em bé được khen ngợi ngoan ngoãn, luôn làm đẹp lòng cha mẹ. Quả thực, những trẻ em này so với hai mẫu trẻ trên lanh lợi hơn nhiều.
Trẻ em nhóm này luôn làm mọi cách để lấy lòng người khác, để được khen ngợi. Từ quan điểm xã hội, đây cũng là một loại năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, về lâu dài, những đứa trẻ này có thể hình thành tính cách thiếu trung thực.
Khi trưởng thành, họ không từ thủ đoạn nào để làm hài lòng người khác hòng đạt mục tiêu, thậm chí sẵn sàng luồn cúi. Đây thực sự là một thất bại trong giáo dục.

và thêm phần sau

Mặt trái của những đứa trẻ ngoan

Những đứa trẻ ngoan quá vâng lời, muốn làm hài lòng cả thế giới nên về sau khó thành công trong sự nghiệp.

Alain de Botton là triết gia, tác giả nổi tiếng quốc tịch Anh - Thụy Sĩ, với nhiều cuốn sách về đời sống thường ngày trở thành best-seller. Một số tác phẩm của ông đã được xuất bản tại Việt Nam như Luận về Yêu, Nỗi lo âu về địa vị.
Ngoài việc viết sách, Alain de Botton sáng lập dự án Book of Life nhằm mục đích chia sẻ quan điểm về các vấn đề xã hội, một trong số đó là chủ đề mặt trái của những đứa trẻ ngoan:

Một đứa trẻ ngoan sẽ làm bài tập đúng giờ, viết chữ đẹp, giữ vở sạch, dọn dẹp giường chiếu gọn gàng, hơi ngại ngùng, muốn giúp đỡ bố mẹ và bóp phanh khi đạp xe xuống dốc. Trẻ ngoan chẳng bao giờ biểu lộ điều gì bất thường, khiến người lớn nghĩ rằng mọi thứ ở chúng đều ổn. Chúng ta tin rằng trẻ ngoan sẽ ổn vì chúng làm những gì được kỳ vọng mà không biết đó chính là vấn đề.

Khó khăn trong tương lai của trẻ ngoan, cả trai lẫn gái, xuất phát từ nhu cầu vâng lời quá mức. Một đứa trẻ ngoan chưa chắc đã do bản chất tự nhiên mà có thể vì chẳng còn lựa chọn nào khác. Nhiều đứa trẻ ngoan bởi muốn có tình yêu của người mẹ tuyệt vọng, yếu đuối hoặc để xoa dịu cơn giận của người cha bạo lực, luôn nổi điên. Cũng có thể phụ huynh quá bận rộn và phân tâm; chỉ bằng cách thật ngoan, đứa trẻ mới được chú ý tới.

Đứa trẻ ngoan chôn vùi mọi suy nghĩ, cảm xúc thực sự. Chúng nói toàn lời hay ý đẹp, trở thành chuyên gia trong việc làm hài lòng người khác nên chẳng ai có kinh nghiệm chịu đựng sự tồi tệ của chúng. Đứa trẻ ngoan vô tình đánh mất đi đặc quyền của một đứa trẻ lành mạnh là thể hiện sự ghen tỵ, tham lam, tự cao tự đại mà vẫn được yêu thương và dung thứ.
Một người lớn từng là đứa trẻ ngoan dễ gặp khó khăn về tình dục. Khi còn nhỏ, họ được khen ngợi về sự trong sáng nên lúc trưởng thành sẽ rơi vào trạng thái mâu thuẫn. Họ khám phá ra niềm vui trong tình dục nhưng cũng sợ bị đánh giá, kết quả là bỏ mặc ham muốn của mình hoặc thỏa mãn theo những cách không phù hợp.

Trong công việc, người từng là trẻ ngoan cũng khó thành công. Thói quen quá vâng lời không thể giúp tiến xa trên đường công danh bởi mọi ý tưởng, dù xuất sắc đến đâu, cũng vấp phải sự phản đối. Thay vì kiên trì và đấu tranh đến cùng, đứa trẻ ngoan thường bỏ cuộc, chọn sự nghiệp tầm thường chỉ vì cố làm hài lòng cả thế giới.
THANK YOU
20-07-2020, 11:01 AM
Bài viết: #4
RE: TƯ DUY
4 điều tưởng chừng khuyết điểm lại là điểm mạnh của trẻ

Cha mẹ phàn nàn con không nghe lời, lúc nào cũng bướng bỉnh và lì lợm, thực chất nhóm trẻ này tâm lý ổn định, mạnh mẽ.

Các chuyên gia về trẻ em từng nhận định: không nên đặt quá nhiều quy tắc cho con cái. Mỗi trẻ cần có một không gian riêng để phát triển bản thân trọn vẹn nhất. Trong môi trường đó, nếu trẻ sai, bạn là người sửa sai cho con, thay vì áp đặt con sống theo lý tưởng của mình ngay từ đầu.
Nhiều người thường tỏ ra lo lắng khi phát hiện ở con có những biểu hiện được cho là khuyết điểm, nhưng trên thực tế, nó lại là bản tính thiên bẩm, có thể coi là điểm mạnh của riêng đứa trẻ.
Dưới đây là 4 điểm như thế:

1. Trẻ lì lợm, bướng bỉnh

Nhiều phụ huynh phàn nàn rằng con mình không bao giờ chịu nghe lời, lúc nào cũng nhất nhất theo ý riêng, thật bướng bỉnh và lì lợm. Tuy nhiên, nhóm trẻ này thực chất ẩn chứa tính cách lạc quan, tâm lý ổn định và mạnh mẽ, trong đầu chúng luôn có những ý tưởng riêng, không bị "đồng hóa" với bất cứ ai khác.
Trẻ nhóm này thường không bận tâm điều người khác nói kể cả cha mẹ hay thầy cô, vì đã có "hướng" của riêng mình. Đôi khi, bé khiến cho mẹ cha cảm thấy đau đầu vì sự "cứng đầu cứng cổ", nhưng bé lại là người có phát kiến, có quan điểm riêng.
Với những bé như vậy, cha mẹ cần nuôi dưỡng được tư duy độc lập của trẻ theo hướng tích cực, nhờ thế, trẻ lớn lên sẽ dễ dàng thích nghi với xã hội, bởi chúng đủ mạnh mẽ để đối diện với những môi trường dù là căng thẳng, khắc nghiệt nhất. Thay vì đòn roi hay chửi mắng, ép con phải nghe lời, cần lắng nghe các ý tưởng của chính đứa trẻ, bồi đắp tư duy chủ động của bé.

2. Trẻ thích "hóng" chuyện

Một số trẻ ngay từ khi sinh ra đã có thiên hướng thích tương tác. Bé có thể làm phiền cha mẹ khi thích "hóng" chuyện người lớn, đến lớp học thì hay nói chuyện riêng với các bạn, hoặc hay bắt chuyện với người lạ... Để nghiêm trị con, nhiều phụ huynh xử lý bằng cách khiển trách, đánh mắng, buộc trẻ phải im lặng. Tuy nhiên, việc làm của cha mẹ vô tình xua tan sự nhiệt tình bản năng của trẻ.
Trên thực tế, trẻ thích nói chuyện ẩn chứa khả năng tương tác, EQ cao. Trẻ nhóm này khi trưởng thành có khả năng lãnh đạo, kỹ năng tổ chức. Thay vì "chặn đứng" năng khiếu nói của con, hãy khuyên con nói đúng nơi, đúng chỗ, điều đó thực sự cần thiết. Việc bạn nói chuyện với trẻ thường xuyên giúp bé làm giàu kỹ năng ngôn ngữ, trở nên hướng ngoại và càng tự tin hơn sau này.

3. Trẻ bày trò "nghịch dại"

Rất nhiều cha mẹ phàn nàn rằng con họ quá nghịch ngợm, lúc nào cũng như "thừa năng lượng": thoắt cái đã trèo leo lên cửa sổ, chốc lại đào tung tủ đồ chui vào đó, hay chơi những trò mà chỉ cái đầu "kỳ quặc" của trẻ nghĩ ra... Đó đều là biểu hiện của tư duy nhạy bén, sáng tạo.
Đứa trẻ này khi đi học thường bị trách phạt vì quậy phá, nghịch ngợm, nhưng đều là những trẻ thông minh, khả năng học tập tốt khi được dìu dắt và chỉ bảo vào khuôn khổ. Vì thế, khi trẻ bày trò nghịch ngợm, bạn nên đặt câu hỏi: Con đang chơi trò gì thế, trò chơi ấy thế nào, chỉ cho mẹ đi... ! Dần dần, trẻ sẵn sàng chia sẻ ý tưởng, sau đó bạn uốn nắn con sao cho trò chơi của con trở nên phù hợp và an toàn hơn, thay vì cấm cản, trách mắng bé ngay từ đầu.

4. Trẻ hay hỏi

Những trẻ này khiến bạn đau đầu vì suốt ngày hỏi: Tại sao lá cây màu xanh? Tại sao bầu trời nhiều mây thế? Tại sao mẹ lại sinh ra con.... ? Bất cứ vấn đề gì cũng có thể được bé đặt ra làm câu hỏi, và bản chất của việc đặt câu hỏi là bé muốn tìm hiểu, khám phá. So với những bé ít tò mò, thường chấp nhận thông tin có sẵn, nhóm trẻ này có sự tò mò mạnh mẽ, mong muốn được thỏa mãn điều đó.
Đối với trẻ nhóm này, cha mẹ càng không nên nôn nóng, sốt ruột yêu cầu bé im lặng. Hãy cùng con khám phá câu trả lời, cùng con tìm tòi và làm thỏa mãn con. Nhờ vậy, đứa trẻ dung nạp nhiều kiến thức, khi trưởng thành sẽ hiểu biết và có một chỗ dựa vững chắc riêng, đó chính là trí tuệ của bé.
(Theo Cmoney)

Trẻ ngỗ nghịch ẩn chứa năng lực tiến xa

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đặc điểm tính cách và hành vi của mỗi người từ những năm đầu đời có thể giúp dự báo năng lực kinh tế của họ ở tuổi trưởng thành. Người xưa cũng có câu "Tam tuế khán lão", hàm ý rằng tính cách thể hiện tuổi lên ba cũng phần nào cho thấy sự phát triển sau này của mỗi người.

Có một câu chuyện vui được lưu truyền trong giới sư phạm: hiệu trưởng gọi giáo viên mới về trường lên và căn dặn: Khi học sinh làm bài kiểm tra, hãy lưu ý đến điểm số. Cần phải đối tốt với trò được điểm loại A, vì đứa bé đó sau này có thể trở thành nhà khoa học, có đóng góp cho nước nhà. Cũng cần phải đối tốt với học trò được điểm B, vì trò đó có thể sẽ ở lại trường và làm đồng nghiệp với anh. Càng cần đối tốt với học trò được điểm C, vì tương lai sau này trò đó có thể trở thành một doanh nhân, sẽ quay trở lại quyên góp cho trường. Với đứa trẻ nào gian lận thi cử, càng cần phải lưu tâm đến nó, bởi vì không chừng sau này nó sẽ trở thành một tay xuất chúng.

Đây chỉ là một câu chuyện vui, nhưng cũng cho thấy một thực tế: trẻ có tư chất khác số đông dễ trở thành những người đặc biệt.

Thử dự đoán, trong một tập thể sinh viên, đối tượng nào sẽ kiếm được tiền nhiều nhất sau khi ra trường? Sinh viên có điểm cao nhất? Hay người nhút nhát nhất? Hay sinh viên "bất trị" nhất? Nếu các nhà khoa học trả lời rằng: Chính là những trẻ bất trị, ngỗ ngược nhất, có tin không?

Theo một nghiên cứu kéo dài 40 năm được công bố trên Journal of Developmental Psychology, những sinh viên nổi loạn nhất khi còn dưới mái trường đại học lại là đối tượng có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với các bạn bè đồng trang lứa.

Nghiên cứu này bắt đầu từ năm 1968, khi các nhà khoa học theo dõi 745 học sinh lớp 6 và tiến hành đo chỉ số IQ cũng như theo dõi hành vi thông thường và tình trạng kinh tế xã hội của những đứa trẻ 12 tuổi này. Sau 40 năm, họ thăm lại những học sinh đó và thấy rằng, phần lớn học sinh chăm chỉ, cần mẫn đều có thu nhập khá, cuộc sống tốt. Tuy nhiên, họ không phải là những người giàu nhất.

Về góc độ thu nhập, những người giàu nhất lại là những đứa trẻ năm xưa nghịch ngợm, luôn vượt quy tắc, chống lại thẩm quyền của giáo viên khi còn đi học. Nhưng cuối cùng, chúng lại là những người vượt trội về kinh tế so với bạn bè đồng trang lứa.

Có thể cho rằng những đứa trẻ nghịch ngợm này thông minh hơn, hoặc chúng sinh ra trong gia đình có tiền? Sau khi loại trừ các yếu tố như IQ, trình độ kinh tế xã hội gia đình, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các đặc điểm tính cách "nổi loạn, ngỗ ngược" vẫn là chỉ số tốt nhất để dự đoán thu nhập sau 40 năm. Nghiên cứu chỉ rõ: Những đặc điểm và hành vi tính cách của trẻ có thể dự đoán trình độ kinh tế của người đó ở tuổi trưởng thành.

Một nghiên cứu khác được công bố trên Journal of Personality and Social Psychology cho thấy những người sống hòa thuận với người khác trong môi trường tập thể sẽ có thu nhập thấp hơn so với những người dễ nổi loạn trong cộng đồng.

Một nghiên cứu "dài hơi" khác - là dự án Illinois Valedictorian kéo dài 10 năm cũng chỉ ra một thực tế, những người được chọn để đọc các bài phát biểu ở trường học có ít khả năng trở thành triệu phú, so với bạn bè. Mặc dù đạt được điểm cao trong các kỳ thi ở trường, thậm chí có thể có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, họ lại không phải đối tượng có được thu nhập cao nhất.

Vậy tại sao những đứa trẻ ít nghe lời nhất lại kiếm được nhiều tiền nhất?

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Luxembourg, Đại học Illinois tại Urbana và Đại học Tự do Berlin (Freie Universitaet) đã đưa ra một số đánh giá. Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng, những người không vâng lời, dễ nổi loạn thường thích sự cạnh tranh, không ngại yêu cầu thăng chức, tăng lương, thậm chí không sợ việc xúc phạm người khác. So với các mối quan hệ giữa các cá nhân, họ coi trọng lợi ích cá nhân và yếu tố lợi nhuận.

Laura Markham, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Columbia đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ đặc biệt bướng bỉnh có khả năng tự khuyến khích bản thân nhiều hơn những bé khác, chúng còn có một "la bàn" trong tư duy, giúp dễ dàng thành người lãnh đạo và không bị hòa trộn giữa những người khác: "Họ sẵn sàng tìm hiểu mọi thứ, thay vì dễ dàng chấp nhận ý kiến của người khác, nhờ thế, họ phát triển bản thân không ngừng".

Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates, người lọt top giàu nhất thế giới trong suốt 13 năm liên tiếp là một ví dụ điển hình. Năm 11 tuổi, Bill Gates đã không ngừng khiến cha mẹ mình đau đầu. Trong cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal, Bill Gates thừa nhận rằng có những giai đoạn ông không tuân phục điều cha mẹ nói, kể cả việc dọn phòng hay ăn uống đúng giờ. Năm 12 tuổi, ông cãi lại mẹ, và đổi lại, bị lãnh một chiếc cốc vào mặt từ cha. Gates cho biết: "Tôi luôn cạnh tranh với bố mẹ để có thể trở thành ông chủ". Năm 19 tuổi, ông còn bị bắt vì lái xe quá tốc độ, không có giấy phép.

Bên cạnh đó, tính khí "làm theo cách của mình" của những người bướng bỉnh, ngỗ ngược cũng phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của nhiều công ty thành công, nhất là khi người đứng đầu của công ty cũng là nhân vật sẵn sàng chấp nhận rủi ro, làm những việc mà người bình thường không thể làm, dám từ chối những điều kiện không tốt cho họ.

Tuy vậy, trẻ ngỗ nghịch hay dễ nổi loạn không đồng nghĩa với nhóm trẻ hung hăng, hay thích gây hấn, ưa bạo lực. Đây là nhóm trẻ có khả năng tập trung thấp, khi lớn lên thu nhập thường thấp hơn trung bình.

Nếu con cái của bạn là một đứa trẻ nghịch ngợm, nghiên cứu này có thể khiến bạn thấy dịu lại đôi chút. Tuy nhiên, việc nuôi dạy một đứa trẻ nghịch ngợm hoàn toàn không dễ dàng. Trong mọi trường hợp, nền tảng của sự vâng lời nên là sự hợp lý, chứ không phải là vâng phục mù quáng và những hình phạt. Thay vì đàn áp bản chất của trẻ, tốt nhất là nên chuyển hướng năng lượng của con đúng nơi phù hợp. Nên khuyến khích con hướng tới các hoạt động dựa trên sở thích của chúng, giúp con thể hiện tốt nhất những thế mạnh của mình.
(Theo Aboluowwang)
THANK YOU
05-05-2021, 06:21 AM
Bài viết: #5
RE: TƯ DUY
TRẺ QUẬY

Nghiên cứu của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ: Trẻ có 3 tật xấu này chứng tỏ rất thông minh, cha mẹ đừng vội thay đổi
Mỗi đứa trẻ đều có những điểm khiến cho cha mẹ phiền não, chẳng hạn như không nghe lời, quậy phá, chẳng bao giờ ngoan ngoãn ngồi im. Cha mẹ cảm thấy đó đều là những tật xấu khó chấp nhận được của những đứa trẻ hư. Tật xấu của trẻ có rất nhiều, nhưng có nhiều cái hoàn toàn không gây hại, mà ngược lại rất tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ.
Tuy nhiên, trái ngược với những gì nhiều cha mẹ suy nghĩ, Học viện Nhi của Mỹ đã phát hiện ra có 3 tật xấu điển hình của trẻ, nhưng đó lại là dấu hiệu một đứa trẻ đang phát triển tích cực. Nếu cha mẹ can thiệp một cách mù quáng, rất có thể sẽ cản trở sự phát triển của trẻ, hoàn toàn không có lợi cho chúng.
Sau đây là 3 tật xấu mà Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã phát hiện ra, cha mẹ đừng vội vùi dập.

1. Trẻ luôn thích nghịch phá

Nhiều cha mẹ nhận thấy con mình rất thích phá hỏng mọi thứ trong nhà. Chẳng hạn như trẻ thích tháo rời mọi thứ, sử dụng tuốc nơ vít để tháo các vật dụng từ đồng hồ cho tới xe đạp… Và đương nhiên một khi đã tháo ra, rất khó để có thể lắp lại như cũ, trong phần lớn các trường hợp đều phải vứt bỏ chứ không thể sử dụng được nữa. Và những đứa trẻ như thế này được cha mẹ cho rằng, chúng chỉ thích gây rắc rối, chỉ biết phá hoại mọi thứ.
Cha mẹ luôn cảm thấy đó là hành vi phá hoại, lo lắng con mình sẽ hình thành thói quen xấu. Vì vậy, họ sẽ cố gắng hết sức để ngăn cản, can thiệp vào hành vi của trẻ.
Tuy nhiên, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng, tật xấu của trẻ như thế này thực chất là một biểu hiện tích cực, chứng tỏ não bộ của trẻ đang phát triển rất tốt. Điều này cũng cho thấy, trẻ sử dụng não bộ của mình để nghiên cứu, tìm tòi mọi thứ, đam mê khám phá thế giới. Thế nhưng, vì chưa nhận thức được đầy đủ, nên chúng không thể đánh giá được một thứ là đắt hay rẻ.

2. Trẻ làm việc gì cũng không cẩn thận, thích tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm

Không thể phủ nhận rằng, nhiều cha mẹ phải than trời khi thấy con mình thích tự gây nguy hiểm cho bản thân. Những tình huống nguy hiểm thì nhiều vô số kể, chẳng hạn như thích thò tay vào ổ điện, chui vào bụi rậm, leo trèo lung tung…
Trên thực tế, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng, những hành vi này cũng chứng tỏ não bộ phát triển tích cực. Nó thể hiện sự tò mò, khao khát trải nghiệm, kiến thức cũng như biểu đạt sự dũng cảm của một đứa trẻ. Mặc dù trẻ nghe người lớn nói về sự nguy hiểm của một số thứ, nhưng chúng chỉ muốn tự mình kiểm chứng.
Phần lớn những nhà khoa học nổi tiếng đều có chung một tính cách, đó là họ khao khát khám phá mọi thứ, tự bản thân trải nghiệm. Vì tinh thần ham học hỏi này mà họ đã gặt hái được nhiều thành quả đáng ngưỡng mộ.

3. Trẻ không nghe lời, bướng bỉnh

Cha mẹ luôn mong muốn con mình là một đứa trẻ ngoan, gọi dạ bảo vâng. Họ tin rằng, con cái nghe lời cha mẹ sẽ có một con đường phát triển suôn sẻ hơn, tránh được vất vả và khó khăn.
Không ít cha mẹ luôn lấy cớ "muốn tốt cho con cái" mà ép buộc con mình phải hoàn toàn vâng lời, không cho chúng bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ riêng. Tất cả những gì mà trẻ không nghe theo lời chỉ dạy của cha mẹ đều được quy chụp là "một đứa trẻ hư".
Tuy nhiên, cách cưỡng ép như thế này hoàn toàn không tốt cho sự phát triển của một đứa trẻ, mà chỉ khiến cho chúng dần mất đi chính mình. Theo thời gian, trẻ sẽ ít nói, ngoan ngoãn, hoàn toàn không phản kháng lại bất kỳ những gì cha mẹ nói. Cha mẹ nghĩ rằng, điều này là tốt nhưng thực chất lại đang kìm chế sự phát triển trí não của con mình.

Theo Học viện Nhi khoa hoa Kỳ, hành động không nghe lời, bướng bỉnh của trẻ chứng tỏ chúng là người có suy nghĩ độc lập, tự tin, có cá tính.
Có một điều cha mẹ cần nhận ra rằng, nếu vẫn cứ giữ quan điểm "sửa" các tật xấu của trẻ, tương lai chúng sẽ trở thành một người nửa vời khi làm việc, thiếu tập trung, không có chí cầu tiến.

Một người khi không thể tập trung học hay làm việc, ham muốn học hỏi sẽ giảm sút, tư tuy chủ quan trở nên chậm chạp, não bộ lười suy nghĩ… Tất cả những điều này khiến cho trí não của trẻ phát triển rất chậm lại, hay còn gọi đơn giản là "không thông minh".

Nhà tâm lý học Daniel Gorman từng nói: "Sự tập trung ảnh hưởng rất lớn đến thành tích của một người hơn là chỉ số IQ". Vì vậy, cha mẹ muốn con mình thông minh, yếu tố đầu tiên là nâng cao khả năng tập trung của trẻ.
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS