Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
SÁCH
22-04-2021, 06:06 AM
Bài viết: #1
SÁCH
NHÂN NGÀY HỘI SÁCH TẠI SAIGON và đọc qua các ý kiến, copy lại mong đọc qua sẽ có thêm một cái nhìn ...

Gia đình Việt có tủ rượu, phòng karaoke nhưng thiếu tủ sách'

78% trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng thiết bị công nghệ là quá nhiều. Trong khi trẻ em đọc trung bình 3 – 4 đầu sách/năm và 2,8 đầu sách trong số đó đã là SGK", diễn giả nói trong tọa đàm về tủ sách gia đình.
Sáng 21/4, Đường sách TP.HCM tổ chức tọa đàm Tủ sách hay dành cho con trong gia đình – Tại sao không? trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam lần thứ 8. Tham gia tọa đàm là các diễn giả: ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, PGS. TS Hoàng Thị Tuyết, bà Nguyễn Thị Kim Nhung - nguyên chuyên viên Thư viện Phòng GD&ĐT Quận 11 TP.HCM, cùng 2 khách mời là ông Phạm Uyên Nguyên - Giám đốc điều hành quỹ CCAM và chị Trần Thị Mỹ Dung - phóng viên báo Nhân dân.
Ông Lê Hoàng dẫn đề tài từ câu chuyện gia đình là tế bào của xã hội nên văn hóa gia đình là phần quan trọng quyết định đó là gia đình như thế nào. Qua khảo sát nhiều gia đình, ông ngạc nhiên khi nhà nào cũng có thể có tủ rượu, phòng xem tivi, phòng karaoke, phòng nghe nhạc, phòng gym… nhưng lại thiếu một tủ sách.

“Vì sao nhiều gia đình ngày nay có tủ rượu nhưng không có tủ sách? Trong khi các không gian xem tivi, ca hát, nghe nhạc chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí thì tủ sách ngoài giải trí còn có chức năng giáo dục, góp phần hình thành, phát triển tính cách con người trẻ em”, ông Lê Hoàng nói.

PGS Tuyết cho rằng món quà lớn nhất cha mẹ cho con không phải chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng mà là niềm đam mê đọc. Bà dẫn chứng: “78% trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng thiết bị công nghệ là quá nhiều. Trong khi trẻ em đọc trung bình 3 – 4 đầu sách/năm và 2,8 đầu sách trong số đó đã là sách giáo khoa. Trách nhiệm của cha mẹ là giữ con mình trước sức hấp dẫn vô cùng của đồ công nghệ”. Theo đó, việc đọc của trẻ nên bắt đầu khi trẻ còn trong bụng mẹ và duy trì đến 9 tuổi. Đây là cột mốc các thói quen tốt của một con người tác động trực tiếp đến việc định hình trẻ trong tương lai.

Chị Mỹ Dung đồng tình với vị PGS. Từ khi mang thai, chị đã đọc sách rất to hằng đêm trước khi đi ngủ cũng như tìm sách cho con ra đời. Khi con bắt đầu có nhận thức, chị Dung nhận thấy con thích lễ Giáng sinh nên đã tìm mua những sách tranh Giáng sinh đẹp nhất. “Bé đọc, cầm hay thậm chí xé cũng được. Cách riêng của tôi là kiên trì đọc sách cùng con bất kể bận rộn thế nào và mang những câu chuyện, nhân vật từ trang sách ra đời thường. Tôi đã làm như vậy ít nhất 1 tiếng/ngày trong suốt 4 năm qua”, chị cho hay.
Doanh nhân/nhạc sĩ Phạm Uyên Nguyên đưa ra 2 đề xuất. Nhìn từ kinh nghiệm nước ngoài, trẻ đến trường phải đọc sách như một nội dung bắt buộc. Nhà trường giao sách cho học sinh đọc cho bài học mới, viết thu hoạch, làm bài tập nhóm hoặc thuyết trình. Nếu thành công thay đổi phương thức giáo dục sẽ mở ra cho sách một hướng đi mới.

Bên cạnh đó, ông Nguyên nhận thấy sách ở Việt Nam càng quý càng “ế”, nhiều công ty hiện có hàng tấn sách quý tồn kho. Vì vậy, ông đề xuất các công ty sách nên mở dịch vụ tủ sách gia đình trọn gói: “Công ty sách sẽ cung ứng dịch vụ từ đóng tủ đến một tủ sách gia đình hoàn chỉnh. Chính công ty sách cần chủ động chọn sách cho khách hàng hoặc chọn theo gợi ý của cha mẹ trẻ. Dịch vụ này sẽ thay sách hằng năm để sách trong tủ luôn phù hợp với từng độ tuổi của trẻ”.

Ranh giới nhạy cảm tùy vào giới hạn chấp nhận của cha mẹ

Phóng viên VietNamNet đặt vấn đề: Nếu như tuổi thơ của những đứa trẻ thế hệ 7x, 8x và đầu 9x có thể tìm thấy bất cứ loại sách nào trong tủ sách gia đình khi sách chưa được kiểm duyệt chặt chẽ thì hiện nay, bậc cha mẹ dường như quá nhạy cảm với văn hóa phẩm nói chung và sách nói riêng tiếp cận con mình. Nhiều sự vụ cho thấy một chi tiết rất nhỏ trong sách cũng có thể khiến bậc cha mẹ hoang mang, phản ứng mạnh. Vậy đâu là ranh giới của sự an toàn, phù hợp?

Ông Lê Hoàng phản hồi: “Nhiều cha mẹ vì sự cầu toàn trong giáo dục con cái mà đâm ra sợ tất cả. Chính vì họ lúng túng chọn sách, chúng tôi mới đưa ra đề xuất tủ sách gia đình nhằm đáp ứng yêu cầu đọc của trẻ, cha mẹ đọc cùng con và giảng dạy trong nhà trường. Bây giờ, các NXB có thể đảm bảo mức độ an toàn từ nội dung đến cấp đọc cho trẻ”.
Dù vậy, theo ông, vấn đề nội dung nhạy cảm trong sách còn tùy trường hợp cụ thể. Vừa qua, NXB Kim Đồng phát hành bộ sách vĩ nhân 27 quyển. Trong đó, có một quyển về Julius Caesar bị nhiều cha mẹ phản ứng vì trang phục thiếu vải. Ông Lê Hoàng nhận định: “Sách vẽ trang phục thời La Mã cổ đại hoàn toàn trung thực, khách quan. Các cha mẹ có thể giải thích thêm với trẻ hoặc không mua sách đó cho con chứ phê phán NXB là không đúng”.

PGS Tuyết nói thêm rằng một cuốn sách quá nghiêm chỉnh với format cố định lại gây chán rất nhanh với trẻ. Trong khi đó, những sách truyện thiếu nhi phương Tây được trình bày một cách tếu táo, phóng khoáng và đôi khi phi lý đến ngớ ngẩn lại rất thu hút trẻ. Sách phải thu hút, trẻ mới yêu thích và ham đọc. Bà nói: “Như vậy, chúng ta cần cân nhắc để chấp nhận như thế nào là nhạy cảm và không nhạy cảm từ góc độ văn hóa”.

Một độc giả tên Hồng Anh đang làm việc ở thư viện trường học chia sẻ câu chuyện từng được một người mẹ gọi điện đề nghị thư viện không cho con trai của bà mượn truyện Doraemon đọc. Lý do, trong một tập truyện có vẽ cảnh nhân vật Shizuka đang tắm bồn. Chị này cho biết: “Đây là một trong rất nhiều trường hợp chúng tôi từng trao đổi. Theo chúng tôi, học sinh đọc truyện tranh để thư giãn sau giờ học căng thẳng. Thực tế, các bé nhìn vào nội dung dễ thương, vui nhộn trong truyện tranh rất hồn nhiên chứ không nhìn thấy chỗ nào nhân vật mặc thiếu vải như góc nhìn người lớn”.
Chị Hồng Anh cũng cho rằng việc Hội Xuất bản lên danh sách 500 cuốn sách thiếu nhi an toàn, phù hợp với trẻ là viên gạch nền móng. Từ đó, việc cha mẹ chấp nhận cho con mình đọc gì là tùy vào giới hạn mỗi người. Những cuốn truyện tranh, truyện thần thoại Hy Lạp… đang đứng giữa lằn ranh được chấp nhận và bị phản đối. “Cá nhân tôi nghĩ, trẻ đọc càng nhiều thì khả năng “miễn dịch” càng cao”, chị này kết luận.

(Bài :Gia Bảo)

Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Bookstore nỗ lực truyền tải, lan tỏa tình yêu sách đến tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

Những thông điệp bà Kim Thoa gửi đến bạn trẻ trong các chương tình khuyến đọc những năm gần đây luôn hướng về nguồn tri thức vô tận, năng lượng sống không giới hạn mà những trang sách đem lại.

Thế nhưng phải nhìn nhận một thực trạng chung là đại dịch Covid-19 đã và đang kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề, giao dịch; cộng thêm công nghệ 4.0 phát triển, sách điện tử ra đời và nhanh chóng đón đầu được xu thế của xã hội, dân đến việc ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, đại diện Tân Việt Bookstore vẫn nhìn thấy cơ hội lan tỏa tri thức và kiên định với hướng đi đã chọn. Bà luôn ý thức rằng, con người trở nên vững vàng hơn chính là nhờ tri thức, và lớp trẻ là người gánh vác trên vai sứ mệnh lan tỏa văn hóa đọc. Theo bà, càng được tiếp cận sách từ sớm thì cơ hội sẽ càng đến nhanh hơn với chúng ta.

Mỗi một giai đoạn sẽ có một sự phát triển về thể chất, năng lực và tâm lý khác nhau. Tương tự như vậy, mỗi độ tuổi sẽ có những nhóm đầu sách phù hợp. Cá nhân tôi cho rằng khi đã trở thành thanh niên mới bắt đầu xây dựng thói quen đọc sách thì đã quá muộn. Bởi khi bạn đã chạm đến ngưỡng cửa trưởng thành, bạn sẽ mất đi cơ hội và trải nghiệm được đọc những cuốn sách ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Khi ấy, cho dù có đọc những cuốn sách thiếu nhi, chúng ta chắc chắn sẽ có những cảm nhận khác so với đúng lứa tuổi được cho là phù hợp với những cuốn sách đó.

Hơn thế nữa, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, độ tuổi thiếu nhi được coi là giai đoạn “vàng” cho sự phát triển và hình thành thói quen, nếp sống. Trong cuốn sách Thiên tài và sự giáo dục từ sớm, tác giả còn chứng minh sự tồn tại của “quy luật mai một dần”: Một đàn gà con mới nở, nếu tách chúng khỏi gà mẹ trong vòng 7 - 8 ngày, thì vĩnh viễn sau đó đàn gà con sẽ không bao giờ biết đi theo gà mẹ. Việc đọc sách cũng vậy. Nếu được uốn nắn ngay từ khi còn bé thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu để đến khi trưởng thành thì nhiều tác động ngoại cảnh khác sẽ chi phối, làm ảnh hưởng đến quá trình tạo dựng thói quen.

Qua ví dụ này, chúng ta có thể thấy không nên đợi đến khi khoác lên mình diện mạo của một thanh niên rồi mới quay ra đọc sách. Hãy đọc sách ngay từ khi còn nhỏ, dung dưỡng và vun vén cho thói quen ấy mỗi ngày.
Thanh niên là nhóm đối tượng phải chuẩn bị hành trang bước vào đời, làm chủ cuộc đời của mình. Hơn ai hết, thanh niên phải là người gánh vác trên vai sứ mệnh cao cả: Ngoài kiến thức được đọc trong nhà trường, từ sách giáo khoa, giáo trình, chúng ta nên tìm hiểu và đọc thêm nhiều cuốn sách khác phù hợp, bổ ích, nhằm phát triển tư duy toàn diện (có thể về truyền thông, giao tiếp, kinh doanh, khoa học...).

Theo tôi, sách chính là những người thầy, dù không hiện hữu nhưng vô hình chung, sách chèo lái chúng ta đi đến con đường thành công. Là thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước, các bạn nên đọc những cuốn sách của những nhân vật nổi tiếng, tài năng trên thế giới. Họ đã thành công và viết nên những trang sách quý báu. Đọc sách của họ, chúng ta sẽ có cơ hội được học hỏi tu duy, bí quyết để thành công dễ dàng hơn, mặt khác cũng là để học từ trang sách ấy những thất bại mà thế hệ đi trước đã vấp phải, để rút ra bài học cho bản thân mình.

Đọc sách là một hành động thiết thực không thể bỏ qua đối với lớp trẻ. Đọc để học, để nhận thức và trau dồi thêm vốn kiến thức cho mình, nuôi dưỡng tâm hồn và làm giàu hiểu biết.

Công nghệ mạng Internet phát triển, chúng ta đang sống trong những năm đầu của cuộc cách mạng chuyển đổi số. Không thể phủ nhận rằng, môi trường số và sự ra đời của nhiều trang thông tin mạng đã phần nào lấn át đi thói quen đọc sách in của các bạn trẻ, khi mà chỉ với một cú “click” chuột, chúng ta có thể tra cứu được vô số thông tin với tốc độ nhanh chóng.

Thế nhưng quan điểm của tôi vẫn không thay đổi: Sách in vẫn có giá trị nhất định trong đời sống tri thức của người Việt. Một điểm đáng bàn ở đây là giới trẻ sử dụng công nghệ mạng đa phần là để lướt thông tin, chứ không phải để đọc sách điện tử. Điều đó chỉ giúp ta có được thông tin nhanh chóng chứ hoàn toàn không làm giàu cho tư duy.

Lại nói về sứ mệnh của thanh niên, thực chất đây không phải nhóm đối tượng “eo hẹp” quỹ thời gian nhất. Có thể nhận thấy điều đó qua việc hiện nay rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng mạng xã hội, xem youtube, dùng các ứng dụng chat với tần suất rất cao. Vấn đề đặt ra ở đây là: Nếu có thời gian để sử dụng mạng Internet thì tại sao các bạn lại không bỏ một chút thời gian đó ra để mỗi ngày dành khoảng 1 tiếng để đọc sách?

Sinh viên có thời gian rảnh hay không? Câu trả lời đương nhiên là có nếu như chúng ta không cố tìm lý do biện minh. “Tôi bận đến trường”, “Tôi bận hẹn hò, cafe”, “Tôi còn nhiều bài vở”... Đó phải chăng chỉ là những lời biện hộ cho sự lười nhác trước trang sách?

Ngày nay, “căn bệnh lười đọc sách” cũng trở thành vấn nạn đối với nhiều thanh niên. Trên thế giới có nhiều tỉ phú, họ mới chính là nhóm đối tượng “ngập lụt” trong mớ công việc hỗn độn, nhưng vẫn sắp xếp một quỹ thời gian nhỏ để đọc sách mỗi ngày.

- Nhiều cải cách trong giáo dục khiến các học sinh, sinh viên phải đọc một số lượng sách và giáo trình rất lớn. Họ phải phân bổ thời gian như thế nào để có thể đọc thêm sách (mà không phải là sách ở trường)?

Tôi còn nhớ tỉ phú Donald Trump từng viết trong cuốn sách Tôi đã làm giàu như thế nào rằng: “Tối nào tôi cũng đọc sách”. Đối với vị tỉ phú này, việc đọc sách đã trở thành thói quen, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Bác Hồ của chúng ta cũng từng nói: “Ngày nào tôi không đọc, ngày đó tôi như nhịn đói, nhịn khát”.

Nói như thế để thấy được vai trò của sách trong đời sống của những bậc vĩ nhân. Tôi có một lời khuyên dành cho lớp trẻ, các bạn chỉ cần dành ra 30 đến 40 phút mỗi ngày để đọc sách, hành động này phải được lặp đi lặp lại, lâu dần ắt sẽ trở thành thói quen.
....

Người dùng mạng VN lướt Facebook, mua sắm nhiều hơn đọc sách'



Vấn đề là làm sao để người dùng mạng không chỉ dành thời gian lướt Facebook, mua hàng trực tuyến mà quan tâm nhiều hơn văn hóa đọc, sử dụng mạng để tiếp cận tri thức, làm đẹp tâm hồn”, Cục trưởng Cục XB Nguyễn Nguyên.

Tọa đàm Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam lần thứ 8 tại Đường sách TP.HCM.

Các diễn giả tham gia tọa đàm có Cục trưởng Cục XB Nguyễn Nguyên, Phó CT Hội XBVN Lê Hoàng, bà Diễm Phương đại diện NXB Tổng hợp TP.HCM, anh Hoàng Thạch – đồng sáng lập Voiz FM và ông Đình Bảo - CEO và nhà sáng lập JoiKid. Buổi tọa đàm thu hút nhiều người dự thính, đặc biệt là các sinh viên chuyên ngành xuất bản.
Ông Nguyễn Nguyên định nghĩa ngắn gọn chuyển đổi số là sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình mới dựa trên nền tảng số, dữ liệu lớn và AI nhằm tạo ra quy trình mới, sản phẩm mới để đạt được giá trị mới. "Chuyển đổi số là xu thế của lĩnh vực xuất bản", ông nói.

Theo đó, câu chuyện chuyển đổi số của NXB danh tiếng Scotland Britannica là bài học cho Việt Nam. Từ một NXB kiểu mẫu truyền thống có lịch sử hơn 250 năm in hàng triệu bản sách đến hơn 190 quốc gia, NXB Britannica vẫn quyết liệt thay đổi mô hình hoạt động của mình. Họ chấp nhận sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, đỉnh điểm đến 50%, để thử nghiệm từ sách bìa da sang đĩa CD trước khi chuyển đổi hoàn toàn sang hoạt động môi trường số và trở lại vị trí hàng đầu.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số diễn ra manh nha từ hơn 10 năm trước qua việc các đơn vị số hóa kho dữ liệu; số hóa một số hoạt động trong đơn vị như kế toán, bán hàng. Các đơn vị xuất bản ở Việt Nam hiện ở giai đoạn 2 của chuyển đổi số thông qua các biểu hiện như ứng dụng công nghệ vào quản lý, quản trị toàn bộ hoạt động của đơn vị hay ứng dụng AI vào công việc biên tập sách. Sắp tới, các NXB Việt Nam sẽ hướng tới giai đoạn 3 là chuyển sang NXB số như NXB Britannica đã làm.

“Khó khăn là dĩ nhiên nhưng chúng ta cũng có rất nhiều thuận lợi. Trong 145 triệu thuê bao (tính đến năm 2020) có hơn 70 triệu thuê bao sử dụng dữ liệu trên mạng. Chúng ta có 70% dân số sử dụng Internet khi trung bình thế giới chỉ 50%, thậm chí các nước đang phát triển chỉ hơn 44%. Vấn đề là làm sao để người dùng mạng không chỉ dành thời gian lướt Facebook, mua hàng trực tuyến mà quan tâm nhiều hơn văn hóa đọc, sử dụng mạng để tiếp cận tri thức, làm đẹp tâm hồn”, ông nói.
heo ông, năng lực của NXB Việt Nam không yếu, chẳng hạn năng lực xuất bản ở Pháp chỉ khoảng 4 bản sách/đầu người nhưng người Pháp vào thư viện lại đọc đến 8 bản/đầu người, với người Nhật là 5 bản/đầu người.

Ông cũng cho rằng bảo vệ bản quyền là thách thức chung của ngành xuất bản toàn thế giới chứ không riêng gì chuyển đổi số. Mới đây, các ông trùm xuất bản Mỹ đã liên kết lại với nhau để chống xâm phạm bản quyền.

Ông Nguyên nhấn mạnh từ kinh nghiệm nước ngoài, sự chuyển đổi số không đồng nghĩa với "giết chết" sách in, trái lại tạo ra sự tương tác, cộng hưởng cùng nhau phát triển.

4 vấn đề về văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số

Anh Hoàng Thạch – đồng sáng lập Voiz FM và ông Đình Bảo - nhà sáng lập JoiKid đều giống nhau ở điểm tạo ra ứng dụng từ nhu cầu thực tiễn hết sức cá nhân. Từ việc đi tàu xe khó đọc sách in, anh Hoàng Thạch nghĩ đến một ứng dụng giúp con người nghe sách; còn ông Bảo quan tâm đến nhu cầu đọc, học, nghe, xem của 2 cậu con trai mình.

Anh Thạch và đội ngũ Voiz FM đã ứng dụng AI vào sách nói. Giọng đọc AI này được thu từ giọng thật nên trong thử nghiệm 800 khách hàng, hơn 70% người nghe không phân biệt được người hay máy đọc. “Ứng dụng AI vào sách nói giúp các diễn viên đọc sách giảm tải số lượng công việc lại tăng thu nhập. Giống như máy may không làm các công nhân dệt may thất nghiệp, trái lại tạo ra cơ hội cho các nghệ nhân may thêu”, anh cho biết.

Vị đại diện WeWe đề xuất thiếp lập cổng đăng ký điện tử xin cấp phép sách điện tử thay vì giấy tờ giống xin cấp phép sách in như hiện nay. Anh nói thêm, giải sách hay hằng năm có thể thêm hạng mục cho sách nói nếu được vì các diễn viên đọc sách đã dốc rất nhiều kỹ năng, cảm xúc và tâm huyết vào cuốn sách nói của mình.

Với tư cách ông bố, nhà sáng lập JoiKid đề xuất tăng cường hoạt động đọc sách cho trẻ em. Ông dẫn chứng học sinh nước ngoài đã được giao nhiệm vụ đọc sách và viết thu hoạch những gì đã đọc ngay từ cấp tiểu học. "Nếu chúng ta hình thành thói quen đọc từ bé thì lớn sẽ không ngại đọc", ông nói.

Bà Diễm Phương đại diện NXB Tổng hợp TP.HCM cho rằng chuyển đổi số không phải việc của một cá nhân hay đơn vị nào mà của tất cả bên liên quan. 3 thử thách mà bà và NXB Tổng hợp TP.HCM phải đối diện khi chuyển đổi số gồm: vi phạm bản quyền; sự phổ cập công nghệ; và bài toán nguồn vốn đầu tư công nghệ.

Để trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh

Cuốn sách 'Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh' của tác giả người Nhật Yoshihiko Morotomi giúp bậc phụ huynh kéo con mình ra khỏi cơn nghiện điện thoại thông minh.

Điện thoại thông minh có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển và cuộc sống của trẻ ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai. Các bậc phụ huynh nên học hỏi và áp dụng những giải pháp hiệu quả để nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh. Đây cũng chính là thông điệp của cuốn sách Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh của tác giả người Nhật Yoshihiko Morotomi.

Trong cuốn sách Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh, tác giả Yoshihiko Morotomi đã đưa ra nhiều hướng dẫn giúp các bậc phụ huynh có thể nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh.

Đầu tiên, cần tuyệt đối không cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh cho đến khi trẻ tròn 6 tuổi. Theo tác giả, người trưởng thành có thể quên đi một số điều mình đã ghi nhớ, nhưng đối với trẻ từ 0-3 tuổi, những tác động trong thời kỳ này là không thể sửa đổi. Thực tế đến nay rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng của điện thoại di động với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ; đồng thời cũng không dám chắc chắn về những ảnh hưởng tiêu cực khác với trẻ trong độ tuổi này.

Vì vậy theo tác giả, tốt nhất là các bậc phụ huynh nên hạn chế tuyệt đối điện thoại thông minh ở giai đoạn này của trẻ; thay vào đó hãy tăng cường thời gian tương tác, nuôi dạy trẻ trong những năm tháng đầu đời cực kỳ quan trọng này.

Việc cho sử dụng điện thoại thông minh càng muộn càng tốt với học sinh tiểu học cũng như học sinh trung học cơ sở, tránh tình trạng trẻ bị sao nhãng hoặc hình thành thói quen lười suy nghĩ, vì cái gì cũng tra được ở trên mạng.

Hướng dẫn thứ hai là lập ra quy tắc sử dụng trước khi cho con dùng điện thoại thông minh. Trong đó cha mẹ cần đặc biệt lưu ý về thời gian sử dụng, việc tham gia vào mạng xã hội, cài đặt bộ lọc để hạn chế nội dung độc hại cho trẻ. 18 quy tắc về sử dụng điện thoại thông minh của một phụ huynh tại Boston (Mỹ) là một tham khảo vô cùng hữu ích dành cho tất cả các bậc phụ huynh.

Thứ ba là bồi dưỡng sự tự tin, tự chủ, tính tự quyết cho con. Khi có được những đức tính này, và biết được các tác hại nếu lệ thuộc vào điện thoại thông minh, trẻ sẽ tự ý thức và quyết định được việc sẽ sử dụng điện thoại như thế nào, trong bao lâu; trở thành một người sử dụng điện thoại thông minh, chứ không phải để điện thoại thông minh điều khiển,...

Tác giả Yoshihiko Morotomi là một tiến sĩ, nhà nghiên cứu giáo dục. Ông tốt nghiệp Khoa nhân chủng học và hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại ĐH Tsukuba. Ông từng là nghiên cứu sinh của Trung tâm nghiên cứu Tâm lý học Transpersonal tại Mỹ và ĐH East Anglia tại Anh. Hiện nay ông đang là giảng viên tại ĐH Meiji, Nhật Bản. Tác giả Yoshihiko Morotomi đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn sách Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh được độc giả đánh giá cao.

(Tình Lê )
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS