Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
NGỘ ĐỘC BOTULINUM
02-09-2020, 10:56 AM
Bài viết: #1
NGỘ ĐỘC BOTULINUM
Phát hiện và điều trị ngộ độc botulinum thế nào?

Ngộ độc botulinum thường được chẩn đoán qua phân tích mẫu phân và dịch nôn, điều trị bằng thuốc kháng độc tố, kháng sinh hoặc máy thở.

Botulinum là độc tố thần kinh cực mạnh, có thể khiến người nhiễm bị liệt cơ, rối loạn nhịp thở hoặc tử vong chỉ với 0,004 μg/kg. Nghi án botulinum gây chết người nổi tiếng nhất gần đây là sinh viên Mỹ Otto Warmbier, bị liệt khi đang ở Triều Tiên và sau đó qua đời tại quê nhà.

Các triệu chứng ban đầu bao gồm mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt rõ rệt. Sau đó, người bệnh thường có biểu hiện mờ mắt, khô miệng, khó nuốt, khó nói. Một vài trường hợp gặp tình trạng nôn mửa, tiêu chảy, táo bón và trướng bụng.

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành suy yếu cơ, cánh tay. Tiếp đến, các cơ quan hô hấp và vùng thân dưới bị ảnh hưởng. Người bị ngộ độc botulinum không gây sốt hay mất ý thức.

Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 12 đến 36 giờ (phạm vi tối thiểu và tối đa là từ 4 giờ đến 8 ngày) sau khi tiếp xúc thực phẩm nhiễm khuẩn. Tỷ lệ ngộ độc thấp, song nguy cơ tử vong sau khi mắc là khá cao nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp. Tỷ lệ tử vong sau khi nhiễm độc là 5-10%.

Để chẩn đoán ngộ độc botulinum, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu suy yếu hoặc liệt cơ như sụp mí mắt, nói thều thào. Bệnh nhân cũng được yêu cầu liệt kê các loại thực phẩm đã ăn trong khoảng một tuần.

Ở các ca ngộ độc trẻ sơ sinh, thường là do tiếp xúc với chất độc sau khi ăn mật ong, biểu hiện táo bón và chậm chạp.

Phân tích máu, phân hoặc dịch nôn cũng có thể giúp chẩn đoán ngộ độc botulinum. Song các xét nghiệm này thường mất nhiều ngày nên không được ưu tiên như khám lâm sàng.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân được chỉ định đo điện tâm đồ, chụp cộng hưởng từ để kiểm tra dấu hiệu đột quỵ, chọc dò tuỷ sống giúp phân biệt với hội chứng có biểu hiện tương tự là Guillain-Barre.

Đối với các ca ngộ độc botulinum, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách giải phóng hệ tiêu hoá, để bệnh nhân nôn hoặc tiểu tiện nhiều lần. Trong trường hợp ngộ độc từ vết thương hở, bác sĩ có thể phẫu thuật loại bỏ mô nhiễm trùng, tuỳ mức độ nghiêm trọng.

Một trong những cách chữa trị cơ bản đối với người được chẩn đoán sớm là tiêm kháng độc tố, làm giảm nguy cơ biến chứng. Thuốc sẽ liên kết với các chất độc vẫn đang lưu thông trong máu, giữ cho chúng không "chạy" vào hệ thần kinh.

Biện pháp này không thể khắc phục hoàn toàn tổn thương ban đầu mà botulinum đã gây ra. Song, các dây thần kinh có cơ chế tự tái tạo. Nhiều bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, có những người mất vài tháng để điều trị.

Tại Việt Nam, bệnh viên Bạch Mai đã đề nghị mua thuốc giải độc từ Thái Lan Thuốc có tên gọi Botulism Antitoxin Heptavalent, được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ để đưa về Việt Nam nhanh nhất, kịp thời điều trị.
Đối với trẻ sơ sinh, bác sĩ trên thế giới thường sử dụng loại kháng độc tố riêng, được gọi là globulin.

Thuốc có tên gọi Botulism Antitoxin Heptavalent, được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ để đưa về Việt Nam nhanh nhất, kịp thời điều trị.

Đối với trẻ sơ sinh, bác sĩ trên thế giới thường sử dụng loại kháng độc tố riêng, được gọi là globulin.
Trong một vài trường hợp, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên phương pháp này không được khuyến nghị cho tất cả các loại ngộ độc botulinum vì chúng có thể đẩy nhanh quá trình phát tán độc tố.

Nếu cảm thấy khó thở, người bệnh có thể phải sử dụng máy thở trong vài tuần cho đến khi tác động của chất độc giảm dần. Quá trình có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Trong số các bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay, 7 người phải thở máy. Một người liệt, phụ thuộc máy thở hoàn toàn.

Sau khi đã thải độc tố, một số bệnh nhân cần đến các liệu trình phục hồi chức năng để cải thiện khả năng nói, nuốt và các cơ quan các bị ảnh hưởng.

Để phòng ngừa nhiễm độc do botulinum, người dân cần thực hiện nguyên tắc "ăn chín, uống sôi". Một số sản phẩm thanh trùng bằng nhiệt trong dây chuyền công nghiệp, thương mại (kể cả các mặt hàng được đóng gói chân không hoặc hun khói) có thể không đủ đảm bảo vệ sinh, chưa tiêu diệt toàn bộ bào tử vi khuẩn.

WHO từng đề ra Năm chìa khoá đối với An toàn Thực phẩm là: giữ sạch, nấu kỹ, để riêng đồ sống và chín, trữ thực phẩm ở nhiệt độ chuẩn, sử dụng nước và nguyên liệu an toàn.

Theo WHO, các ca ngộ độc hàng loạt đối với botulinum rất hiếm, nhưng đều là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi nhận biết nhanh chóng nhằm xác định nguồn bệnh. Tiên lượng của bệnh nhân phụ thuộc đáng kể vào việc chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp.

Mặc dù ngộ độc botulinum có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài, hầu hết người mắc đều hồi phục hoàn toàn. Chữa trị từ giai đoạn đầu giúp làm giảm nguy cơ tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn.
( Theo WHO, Mayo Clinic, Harvard)

Quá trình hình thành độc tố botulinum ở thức ăn đóng hộp

Thức ăn đóng hộp là môi trường lý tưởng với vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum, nếu không nấu chín kỹ khi ăn sẽ dễ gây ngộ độc.

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khuyến cáo như trên, sau khi xuất hiện các trường hợp ngộ độc pate Minh Chay.

Theo ông Thịnh, để đánh giá tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cần phải xem lại quy trình sản xuất của công ty như thế nào dẫn đến nhiễm khuẩn gây ngộ độc hàng loạt.

Clostridium botulinum là vi khuẩn kỵ khí. "Môi trường càng đóng càng kín bao nhiêu thì nó càng sinh nhiều chất độc bấy nhiêu", ông Thịnh nói.

Ngoài ra, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, nhà xưởng, người lao động không đảm bảo vệ sinh; hoặc quy trình sản xuất diệt khuẩn không đủ, sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi, phát triển và sinh ra độc tố.

Thời hạn đủ để độc tố gây hại hiện chưa được xác định đầy đủ. Sản phẩm được đóng gói trong thời gian ngắn, lượng độc tố sinh ra không nhiều. Nếu sản phẩm được đóng gói đã lâu, thời gian bảo quản dài, vi khuẩn phát triển nhanh và nhiều, rất nguy hiểm.

Đặc biệt, vi khuẩn Clostridium botulinum có khả năng tự tạo ra nha bào, nằm lẫn trong đất cát. Khi có điều kiện thuận lợi, nhất là trong thức ăn đóng hộp, nha bào sẽ tái hoạt động, sinh sản, phát triển và tạo ra độc tố botulinum.

Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết vi khuẩn Clostridium botulinum không phải là sinh vật hiếm, mà tồn tại rất rộng rãi trong tự nhiên, đặc biệt là trong môi trường không có oxy. Do đó, môi trường thức ăn đóng hộp rất lý tưởng để vi khuẩn xuất hiện.

Vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển cực tốt ở nhiệt độ 25-37℃, đủ để tạo ra một lượng rất lớn độc tố. Môi trường pH thuận lợi từ 4,6 đến 9,0. Thông thường, vi khuẩn bị tiêu diệt ở 100 độ C trong 5 giờ và 120 độ C trong 5 phút, độc tố bất hoạt ở 80 độ C và phân hủy trong 15 phút ở 100 độ C.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết thêm Clostrium botulinum không thể phát triển và sinh độc tố trong môi trường nhiệt độ dưới 15℃ hoặc trên 55℃. Khi đó, nó biến thành nha bào có vỏ rất dày để chống đỡ các tác nhân bên ngoài.

Nếu không bị tiêu diệt, nha bào sẽ ẩn nấp trong thức ăn. Gặp điều kiện môi trường thích hợp, nha bào sẽ "bung ra" và trở thành vi khuẩn Clostridium botulinum hoạt động, sinh sôi mạnh mẽ. Ngoài ra, nha bào của Clostridium botulinum "cứng đầu" hơn nhiều so với nha bào của các vi khuẩn thông thường.

Các chuyên gia khuyến cáo cần xử lý và chế biến thực phẩm an toàn, cảnh giác với thực phẩm bảo quản trong môi trường axit yếu. Người tiêu dùng cần kiểm tra đồ hộp trước khi sử dụng, xử lý đồ hộp trước khi ăn hoặc ngâm thực phẩm trong nước máy khoảng 10 phút trước khi rửa.

Việt Nam hiện không có sẵn loại thuốc kháng độc tố botulinum, phải đặt mua từ nước ngoài. Các bác sĩ phải tiến hành nhiều biện pháp điều trị hỗ trợ bệnh nhân, bao gồm thở máy, tăng cường dinh dưỡng, thay huyết tương, lọc máu, tập vật lý trị liệu...
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (10-11-2020 12:14 AM)
04-09-2020, 04:13 AM
Bài viết: #2
RE: NGỘ ĐỘC BOTULINUM
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngày 18/8, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hai bệnh nhân là vợ chồng, ở tuổi gần 70, trong tình trạng liệt toàn thân.

Theo lời kể của người nhà, hồi tháng 7, ông bà mua món Pate Minh Chay. Khi ăn đến lọ thứ hai, họ thấy có mùi khác với lọ trước. Bữa cuối ông bà dùng là vào cuối tháng 7. Sau một đến hai ngày, cả hai bắt đầu đau họng, sụp mi, khó nói, khó nuốt, yếu tay, yếu chân và khó thở...

Để chẩn đoán chính xác tình trạng của hai bệnh nhân nặng, bác sĩ phải làm rất nhiều xét nghiệm và chụp chiếu hình ảnh.

"Tuy nhiên, các kết quả đều không giải thích được tình trạng suy yếu, liệt cơ. Chúng tôi đưa bệnh nhân nữ đi kiểm tra điện cơ tại chuyên khoa Thần kinh, bệnh nhân nam không đủ sức khỏe đáp ứng bài kiểm tra suốt hai tiếng", bác sĩ Nguyên kể lại.

Kết quả điện cơ chỉ ra bệnh nhân có những biểu hiện đặc trưng của ngộ độc botulinum, gồm giảm biên độ vận động dây thần kinh trụ hai bên, test kích thích lặp lại liên tiếp giảm trên 10%, tổn thương tế bào cơ và khớp nối thần kinh cơ nhưng không rối loạn cảm giác.

Mẫu pate chay trong lọ của hai bệnh nhân đã ăn được gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đều phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum. Nuôi cấy mẫu phân của bệnh nhân cũng phát hiện vi khuẩn này.

"Các yếu tố này tương tự với đặc trưng của ngộ độc botulinum xuất hiện trong y văn, cùng với kết quả xét nghiệm vi sinh thực phẩm, xét nghiệm độc chất, khẳng định bệnh nhân bị ngộ độc botulinum", bác sĩ Nguyên nói.

Do tính chất ngộ độc nặng nề, lại kéo dài, hai bệnh nhân lại có bệnh lý nền nên nguy cơ tử vong rất cao.

Ở Việt Nam hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Nhờ sự can thiệp, giúp đỡ của Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, Vụ Kế hoạch tài chính, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm chống độc Ramathiboditại Bangkok, Thái Lan và Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chiều ngày 29/8 hai lọ thuốc giải độc (Botulism Antitoxin Heptavalent) đã được khẩn cấp chuyển từ Thái Lan về, sử dụng giải độc cho hai bệnh nhân ngay sau đó.

Giá hai lọ thuốc giải độc khoảng 16.000 USD, hoàn toàn do WHO viện trợ, bệnh nhân không phải trả kinh phí. Với thuốc giải độc này, bệnh nhân nữ đã cải thiện rõ, tự ngồi dậy được, mở mắt, há miệng và giọng nói đã tốt hơn, bệnh nhân nam hy vọng sẽ giảm thời gian liệt nặng, giảm thời gian thở máy và hồi sức và qua đó giảm biến chứng và cũng như nguy cơ tử vong.

Ngoài hai bệnh nhân đang được điều trị nội trú, ba ngày qua, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân khác đến khám kiểm tra sau khi ăn pate Minh Chay. Họ đến với tình trạng nhẹ, chủ yếu bị yếu mỏi cơ, mệt, không vận động nặng được và đang được đánh giá tình trạng cụ thể để có hướng xử trí tiếp.

Bác sĩ Nguyên cho biết, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là loại ngộ độc kinh điển trong y văn nhưng trên thực tế xảy ra không thường xuyên, yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên việc chẩn đoán xác định rất khó khăn. Ở Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế trước đây chưa chính thức ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc loại này.

Loại ngộ độc này là xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (chai, lọ, lon, hộp, túi) không đảm bảo an toàn, khiến vi khuẩn xâm nhập, phát triển, gây ra độc tố.

Vi khuẩn thủ phạm có tên Clostridium botulinum, còn gọi là vi khuẩn độc thịt (vì ban đầu xảy ra chủ yếu với thịt hộp). Vi khuẩn tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và có thể lẫn trong nguyên liệu thực phẩm, lúc này vi khuẩn ở dạng có vỏ bọc chịu đựng tốt với đun nấu thông thường (gọi là nha bào). Vi khuẩn có đặc điểm kỵ khí, chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí, không phát triển được trong môi trường chua, mặn. Như vậy, các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn (do quy trình sản xuất không đảm bảo sạch), sau sản xuất thực phẩm được đóng gói kín mà không đủ độ chua, độ mặn sẽ tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum.

Độc tố botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, tuy nhiên nhanh chóng bị phá hủy ở 100 độ C, do đó ngộ độc không xảy ra khi ăn thực phẩm mới nấu chín. Sau khi người ăn phải, độc tố botulinum hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ. Biểu hiện của ngộ độc xuất hiện sau khi ăn thường khoảng 12-36 giờ, có thể tới một tuần. Bệnh nhân biểu hiện liệt theo trình tự từ vùng đầu mặt cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó tới hai chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm rãi ở họng, khó thở).

Đặc điểm đặc trưng của liệt là liệt mềm, liệt đối xứng hai bên, lan xuống bắt đầu từ vùng đầu xuống chân. Đặc biệt bệnh nhân không có rối loạn cảm giác và bệnh nhân vẫn tỉnh táo do độc tố không tác động lên não. Về tiêu hóa có thể gặp buồn nôn, nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân tử vong. Trường hợp liệt hoàn toàn, nhiều bệnh nhân có giãn đồng tử, nên giống như hôn mê sâu nhưng thực ra vẫn tỉnh và biết xung quanh. Trường hợp nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ giống như suy nhược, không thực hiện được các động tác gắng sức. Thời gian liệt kéo dài, trung bình thời gian thở máy ở các bệnh nhân là 2 tháng, có thể lâu hơn và cần nhiều tháng để hồi phục.

Đây là loại ngộ độc đặc biệt, xảy ra không thường xuyên. Biểu hiện ngộ độc lại giống với nhiều bệnh khác như ngộ độc tetrodotoxin (như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh), viêm đa rễ dây thần kinh, nhược cơ,... nên rất dễ nhầm. Một số bệnh nhân ngộ độc loại này cũng có thể bị bỏ sót khi liệt xuất hiện nhanh, không có người chứng kiến, khi phát hiện đã tử vong hoặc liệt nặng, không thể giao tiếp do đó không thể kể lại loại thức ăn nghi ngờ và biểu hiện bệnh đặc trưng ở trên.

Do số ca ngộ độc hiếm, rất ít công ty muốn sản xuất và cung cấp thuốc này, dẫn đến khó mua và giá rất cao. Khi tích trữ thuốc đến lúc hết hạn phải hủy bỏ, nhưng nếu bất ngờ xảy ra thảm họa do sự cố an toàn thực phẩm, lại dễ thiếu thuốc. Trên thế giới, thuốc được xếp vào nhóm thuốc hiếm, thuốc mồ côi (orphan drug), các quốc gia phải dự trữ thuốc này cùng các thuốc hiếm khác.

Hai lọ thuốc dùng cho bệnh nhân ở Bạch Mai được chuyển từ kho thuốc giải độc của Thái Lan, trên nhãn thuốc ghi rõ thuốc chỉ dùng cho mục đích của Kho Dự trữ chiến lược quốc gia (Strategic National Stockpile Use Only). Số lượng dự trữ thuốc này của nước bạn cũng không nhiều, bác sĩ cho biết.
( theo Vn express)
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (10-11-2020 12:14 AM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS