Đánh giá chủ đề:
  • 1 Votes - 5 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Mong Minh Ký Sự
09-07-2012, 12:34 AM
Bài viết: #21
RE: Mong Minh Ký Sự
Phần 15 : Bờ Y và Atapue :105km

[Hình: attachment.php?aid=2245][Hình: attachment.php?aid=2246][Hình: attachment.php?aid=2247][Hình: attachment.php?aid=2248][Hình: attachment.php?aid=2249][Hình: attachment.php?aid=2250][Hình: attachment.php?aid=2251][Hình: attachment.php?aid=2252][Hình: attachment.php?aid=2253][Hình: attachment.php?aid=2254]

Các bạn thân mến,

Bài ca con cá nhiều khi cũng hiệu nghiệm,thậm chí giửa 2 kẻ bất đồng ngôn ngử.Tui nhìn từ xa cái cảnh bà xã “nói tiếng Lào” với anh cán bộ hải quan nước bạn mà trong lòng lo lắng.Hôm qua tui viết “anh ta nói tiếng Việt…”là theo lời bà xã kể lại chứ vào thời điểm đó tui chỉ đoán chừng thôi ,anh Lào biết tiếng Việt.Rồi bổng thấy bà xã hối hả trở lại,miệng cười, nói trở về dưới xin tấm giấy xanh,lẹ lên ,sắp Tết Lào,họ nghĩ thì mình cũng …nghĩ đi.Vậy là tui phải vội vã quay đầu xe,chở bà xã trở lại phía Việt Nam,xin tấm giấy xanh.

Giấy xanh là giấy tạm xuất con Deahan qua Lào,lệ phí là 150.000đ,ngay khi đó bà xã cũng tranh thủ đổi 500.000 Kip với giá gần 2.7 (chợ đen 3.0).Có giấy xanh,phía Lào cấp cho giấy đỏ (tạm nhập 20 ngày),thấy bên cạnh bộ phận hải quan Lào còn có 1 phòng bán bảo hiểm,để khỏi rắc rối khi lưu thông trên đất triệu voi,tui nói bà xã mua một cái bảo hiểm cho chắc ăn,80.000 Kip(nhờ các giấy này nên không bị rắc rối khi một lần bị công an giao thông Lào “hỏi thăm”).Trên đường trở lại phía Lào chúng tôi vội tấp vào cột mốc biên giới chụp ảnh.

Đúng 09h53’ mọi thủ tục hoàn tất,tui tranh thủ chộp 1 ảnh kỷ niệm với các “cán bộ” này,1 anh vội nghiêm nghị thoái thác,anh còn lại thì có vẻ miễn cưỡng,nhưng vẫn cho chụp.

Bây giờ,mọi việc trở nên nhẹ nhàng;nhưng cái con Deahan thì lại nặng nề len lỏi qua khoảng hở của hàng trăm xe tải,xe gỗ đang chờ thủ tục nhập Việt Nam.Bà xã phải lội bộ còn tôi điều khiển xe mà hai chân lúc nào cũng sẳn sàn trên mặt đất để chòi chòi qua các khoảng hẹp mặt đường,bên dưới những súc gỗ to đùng được ràng rịt bằng những sợi xích sắt bự chảng.Nhìn thấy chúng bà xã không dấu sự lo ngại về một trường hợp đứt xích bất ngờ,tai nạn đã từng xãy ra tại Tp HCM năm nào.Cuối cùng chúng tôi cũng thoát ra khỏi cái đoàn xe “dồn cục” xếp hàng chờ qua cửa khẩu,mà hiện giờ đang có dấu hiệu “hạ trại ngủ đêm”,khi chiều nay là bắt đầu Tết Lào!Thiệt là may cho chúng tôi.

Từ đây đến Attapeu còn đúng 105km,chúng tôi hoàn toàn không biết gì về con đường này.Trước khi đi đã hỏi thăm ông bạn già 2 Ường (Cần thơ) và Ông 3 Chuông (Phú Kiết ,Tiền giang) về đường đi nước bước bên “Lèo”.Ông Ường thì đã từng “xuyên Đông Dương” bằng xe đò hồi đầu năm 2012.Ông Chuông thì nhiều năm công tác ở Pakse.Cả 2 đều nói đường đi tốt, chẳng có gì phải lo.Tôi tin 2 Ông bạn già.Nhưng cái thông tin “nghèo nàn” đó chẳng làm tôi yên tâm,nhất là khi nó xuất phát từ mấy ông,vốn chỉ đi Lào bằng xế “bự”,đông người.

Bây giờ,lúc 10h16’,vừa qua khỏi biên giới khoảng 1km,tui “xin phép” bà xã dừng xe để bước vào “thăm”buội rậm ven”rừng” vài phút,rồi nổ máy tiếp tục đi sâu vào đất Lào.

Trước đây,tui cứ nghĩ rằng từ Bờ Y trở đi con đường sẽ rất vắng,thỉnh thoảng lắm mới có xóm làng.Nhưng bây giờ,sau khi vượt qua vài khúc cua đầu tôi mới thấy mình đang đi qua một khu rừng già bạt ngàn,vắng hơn cả cái “rất vắng” mà mình tưởng.Khoảng mươi cây số đầu,còn gặp vài xe gỗ ỳ ạch lên dốc về hướng Bờ Y,sau đó thì chẳng còn thấy nửa.Có 2 xe gắn máy chở đôi,chạy cặp nhau ,vượt qua mặt chúng tôi rồi mất hút sau vài khúc cua.Mấy chiếc xế xịn gặp ở cửa khẩu thì chắc đã chạy trước rồi,còn một chiếc xe khách 12 chỗ là chưa thấy qua mặt.

Tui mãi miết chạy và ngày càng thấy vắng.Không một bóng nhà lẽ loi nào huống gì bản làng hay xóm nhỏ.Cái vắng của rừng già nơi đất lạ nó làm mình hơi bị “lạnh”,nhưng tiếng máy nổ ngọt ngào của con Deahan kèm cái ấm áp của “người bạn đường” phía sau lại khiến cái “lạnh” đó trở nên “cảm giác” vô cùng.Cái “cảm giác”mà chỉ có chúng tôi,giờ phút này ,trên cái xứ sở hoàn toàn xa lạ,giửa cánh rừng già dày đặc,có lúc như đổ ập từ trên triền cao, xuống con đưởng nhỏ uốn lượn quanh co,đang thật sự cảm nhận như là một trãi nghiệm hiếm hoi trong đời.Thậm chí tôi còn muốn la lên “quá đã bà xã ơi,quá đã…

Không có những đèo cao như ở Trường Sơn bên nhà,nhưng nhiều con dốc đổ xuống từ một triền núi nào đó (có lẽ đấy là những đèo chưa kịp đặt tên,hoặc cũng không cần đặt tên!), rất dài.Vì đường không có xe nào khác,nên ít nhất là 2 lần,tui tắt máy,đạp lút cần số cho ở vị trí tách bộ ly hợp,rồi thả dốc,khi thì dùng thắng,khi thì “buông” nhả cần số nhẹ nhàng, cứ thế tôi cho con Deahan “tuôn” xuống,uốn, lượn, qua ,lại theo con đường,nhìn đồng hồ thì thấy xe đã vượt gần 5km mà không cần nổ máy!Thiệt là đã!

Thật ra trên đường,chúng tôi luôn bắt gặp những ngôi nhà nhỏ ven đường,tại mỗi đầu cầu hay tại những khoảng cách gần 10 cây số,cất rất vững chắc bằng gỗ tốt(xứ của rừng mà!),chắc chắn đây là những nhà dành cho người lở đường trú nắng,đụt mưa.Và tui cũng dám chắc chắn rằng,những ngôi nhà này không có ai sử dụng.Một lần tui đã nói vui với bà xã,lở xe có bị hư,mình có thể vào ngủ trong các ngôi nhà này rồi chờ…người tới cứu!

Tới đây tui bổng nhớ hồi sáng,trước khi tới Bờ Y,giửa núi đồi bao la,tui ngồi “chơi” dưới một rảnh đất nhỏ và cười ha…ha…ha…Thú thật đó là một quyết định kịp thời,nếu không,giửa khung cảnh rừng núi bao la này,nếu có “nhu cầu” đột xuất tui cũng phải rán “nín”chứ không dám tìm chỗ mà ngồi “chơi” như thế đâu.Bởi vì khu rừng Hạ Lào này,cùng với rừng Bắc Campuchia và Sa Thầy bên Kontum chỉ là một khu rừng liên tục.Tầm hoạt động của cọp,của gấu,báo lửa…trong phạm vi vài trăm cây số là chuyện bình thường.Hôm qua,khi nhắc đến cọp Sa Thầy là nói chơi,vì cọp nào dám vượt qua một khoảng trông mênh mông để xuống quốc lộ khi có xe cộ qua lại,dù vắng.Còn ở đây thì khác,rừng già nhiều chỗ như “chồm” ra đường,nhiều giờ liền không xe qua lại.Cướp đường có loại “cướp cơ hội” thì mãnh thú cũng có loại “cơ hội” khi thình lình “lạc lỏng” xuống chốn dân cư,huống hồ đây là giửa rừng già.Thú thật,ảnh rừng rậm chộp được trên đoạn đường này đều là “tác phẩm” của “người bạn đồng hành” ngồi phía sau.Chỉ có bả mới “quởn” mà chộp bằng chế độ sport.Tui thực sự không muốn dừng lại để chụp cảnh đẹp như hồi ở bên nhà.Sau này “sếp” chê tui nhác.Hi hi,thà nhác còn hơn …đái trong quần.Nếu gặp dã thú,chắc cũng giống như cái cảnh con thỏ “sống”được cho vào chuồng cọp,hay cái cảnh một nhóm vịt con đang run rẫy ép sát vào nhau,rất tội nghiệp, trong chuồng Trăn, ở Thảo Cầm Viên thành phố HCM dạo nào,nhằm duy trì cái gọi là “bản năng” bắt mồi của “mãnh thú”.Ôi cái sự “dã man” dù là mang “nhản hiệu”nào thì cũng không thể che đậy đựợc cái bản chất “ác độc” của nó!Tệ hơn nửa,cái “ác độc” đó được “lên chương trình’ biễu diễn tại chốn công cộng mà đối tượng phần lớn là trẻ em!

Các bạn thân mến,

Những gì tui vừa kể hoàn toàn không cường điệu và các bạn không thể ngờ rằng cái đoạn đường này,cái đoạn đường không nhà cửa,không bản làng,thậm chí không bóng người , chạy xuyên qua rừng già bạt ngàn Hạ Lào nó dài đến 52km!Thiệt sự,52 cây số ngồi trên xe đò đông người,yên tâm ngắm nhìn rừng núi chập chùng xung quanh thì chỉ có cảm giác thú vị.Còn 52 cây số mà “chỉ có 2 người” nhong nhong trên con đường xa lạ,quả thật thú vị hơn gấp nhiều lần,vì nó pha trộn giửa cái cảm giác ngạc nhiên về sự phong phú tài nguyên,cái đẹp hoang dã của núi hoang rừng vắng và cái “lạnh” mình vì chẳng thấy bóng ai.

Các ban thân mến,

Mọi diễn tả lúc này cũng chỉ có giá trị “lý thuyết”,biết nói sao khi tôi chỉ có thể …thế thôi.Mai này,khi con đường trở nên tấp nập,thì cái cực khổ,cái vất vả,cái “lạnh mình”hôm nay,của chúng tôi,sẽ chỉ là quá khứ,không lập lại.Chừng đó,cái trãi nghiệm này,với chúng tôi,mới thật sự không dễ gì tìm lại.

12h25’.

Chúng tôi tới ngôi nhà đầu tiên có thể tạm nghĩ chân,vì bà xã than trưa nắng quá,đang bị nhức đầu,đó là trạm cân.Mượn đở 2 cái ghế ngồi tạm,cho đở nắng chứ không đở nóng.Bây giờ chúng tôi mới thấy cái nóng của Lào thật sự ấn tượng.Trạm đang có 2 nhân viên,chẳng biết tiếng Việt lẫn tiếng Anh nên chỉ nói bằng tiếng Tay.Chúng tôi cứ vào nghĩ đại,chứ đi tiếp biết có nhà cửa gì không.Tuy vậy,vẫn phải đi sau khoảng 20 phút nghĩ.Và cũng may mắn là cách đó không xa chúng tôi thấy có một quán tạp hóa,càng may hơn khi gặp chủ là một thanh niên Việt Nam,đây là cây số 52,nửa đường đi Attapeu.Chúng tôi chọn 2 lon Coca,giá 12.000đ tiền Việt/lon.Bà xã lấy ra 2 ổ bánh mì mua ở Plei-Kần,ăn với xút xít,cũng xong bửa trưa đầu tiên trên đất Lào.Lúc này thì chiếc xe khách duy nhất,loại 12 chỗ,mà chúng tôi gặp ở cửa khẩu,chất đầy nhóc người,dừng lại,thả xuống 2 thanh niên Việt,mặt mày bặm trợn,vác xuống một máy bơm nước,nghe nói họ đi vào rừng …

13h15.

Chúng tôi tiếp tục đi,từ bây giờ đường sá đã có nhà cửa,dù thưa thớt,thỉnh thoảng có chợ nhỏ,vài tiệm, quán có chữ Việt.Đặc biệt khi gần tới Attapeu thì 2 bên đường là những “đồn điền” cao su bạt ngàn của Tập đoàn HAGL,những cây cao su non đã đến thế chỗ cho các quần thể cây gỗ đã tồn tại từ bao đời trước đây!Một cơ ngơi mới của “lâm tặc” đang hình thành trên đất Lào.

14h45’,12-4-2012.

Chúng tôi tới Attapeu,chấm dứt cuộc hành trình trong ngày đầu tiên trên đất nước triệu voi đầy thú vị!


File đính kèm Thumbnail(s)
                                       


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 2 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (09-07-2012 01:54 PM), dieuquang (11-10-2012 05:52 AM)
09-07-2012, 04:01 PM
Bài viết: #22
RE: Mong Minh Ký Sự
Đọc CUỘC HÀNH TRÌNH qua Lào, cô Oanh và Cô Yến nhà ta cũng đã qua đến nước bạn Lào vào 12 tháng 12 năm 2011, một năm qua nhanh nhưng ấn tượng về nước Lào vẫn còn mãi trong tâm hồn của hai Cô con gái ông chín Liệp Long Hậu.
Không được đi xe moto để có cảm hứng đặc biết như BAO THAI, hai Cô đi cùng với đòan cựu chuyên gia Lào thăm lại chiến trường xưa.
5g sáng cả Đòan đến Tân Hồng qua Cửa khẩu Dinh Bà để qua tỉnh Prâyveng Campuchia chạy mãi đến trưa dừng lại ăn cơm xong đi đến Tỉnh Stung Treng cho đến 18g mới làm thủ tục qua Cửa khẩu tỉnh Champasask của Lào trời tối dần, may nhờ Tỉnh bạn sang giúp làm thủ tục nhanh, tranh thủ 2Cô chụp 1 pô để kỉ niệm và chụp cái thùng rác bằng võ xe của nước Campuchia để ven đường. Rất tiếc ko biết up lên cho quí vị xem đâu.
Đến KS đã 21g nên tranh thủ tắm rửa và ăn uống để nghỉ ngơi sau 1 ngày đường ngồi xe lắc lư như con tàu vì đường VN làm mà.
Sáng sau khi ăn xong, đòan tham quan chiến trường xưa, giờ đã được xây dựng đổi khác nhiều, lời nhận xét của các Bác chuyên gia.
Tỉnh tiếp theo là KHÂM MUỘN, Đòan được đón tiếp nồng hậu hơn tỉnh CHAMPASASK được tặng hoa tỉnh trưởng đón đòan tại Hội trường, phiên dịch giới thiệu đòan cả 2 bên và ghi nhận tình cảm của nhân dân đối với các chuyên gia giúp Lào bảo vệ và xây dựng đất nước và quà MẬT ONG, chiêu đãi những đặc sản rất lạ miệng.
Hôm sau đến thủ đô Viêng Chăn giao lưu hữu nghị với Trung ương hội hữu nghị Lào - Việt, tìm hiểu thị trường ở Thủ đô Viêng Chăn và thăm Đại sứ quán Việt Nam Tại Lào, đường xa cảnh lạ được đón tiếp trọng thị nên 2 Cô tha hồ mà ngắm cảnh, ăn uống giao lưu nhiệt tình. ghé thăm khu tưởng niệm chủ tịch HCM, tượng đài chủ tịch CAYXOMPHONVIHAN... và qua cửa khẩu Lào -Thái tham quan chỉ qua Cầu là đến biên giới Thái làm thủ tục nhập cảnh vô Thái. Các cô cũng tranh thủ mua sắm vài món làm kỉ niệm nơi đất Thái và Lào
Tối hôm trước khi về Đòan dự buổi tiệc chiêu đãi ở nhà hàng TRIỆU VOI, 2 cô đã thay phiên chụp ảnh bên những con voi gỗ trước sảnh và tham gia múa champa với đòan nước bạn, cũng nhờ vậy mà Cô Oanh mới biết điệu múa chămpa, hoa chămpa là hoa sứ cùi bên mình, họ rành tiếng Việt lắm nói pha những câu ta ko ngờ họ thông thạo ngôn từ Việt đến vậy. Ở Viêng Chăn người Việt sang buôn bán rất nhiều nên thỏai mái nói tiếng Việt, Cô Oanh gặp được vợ chồng anh bạn làm thương nghiệp cũ qua Lào mở nhà hàng rất đông khách, đã ân cần đón tiếp Đòan đưa tham quan chợ lớn ở Viêng Chăn và tặng hủ mắm nêm nổi tiếng ở Viêng Chăn về ăn để nhớ đời.
Đòan cũng được được nước bạn đưa đi thăm thủy điện do Thụy Điển tài trợ, phong cảnh hữu tình đáng nhớ. Các Cô thiếu nữ Lào xinh tươi trong chiếc váy dệt rất khéo, múa hát hay, giao thiệp giỏi... đã mua tặng các cô khăn chòang kỉ niệm, cho cho mỗi người một màu, chỉ cách chòang đúng điệu. Cô Oanh thì khỏi nói vì điệu mà nên rất thích khi chòang lên mình chiếc khăn màu bordeux.
Qua những 7 ngày ở Lào hai cô như được mở tầm nhìn với bạc ngàn cây xanh, những cây cao to đùn luôn, ngước nhìn mỏi cả cổ, không trống hoắc như bên mình, nhà cửa thì hình như một kiểu khá thóang, cũng giống miền quê dân dã như bên mình, riêng ở ngọai ô chợ búa nhà cửa khang trang sung túc, đường xá ở đây tốt hơn. Xe chạy ko cần bóp còi inh ỏi như Việt Nam ta đâu, thấy xe ngọai quốc là họ nhường đường ngay, ban tối xe cộ để ngòai trời ko lo bị mất.
Vì CÁNH ĐỒNG CHUM xa, nên ko có thời gian ghé qua có Cô Báu là chuyên gia nơi ấy ko được trở về chiến trường xưa dù rất muốn, cô Oanh chỉ nghe diễn tả qua lời kể của Cô và các bác, đành xem qua hình ảnh trên internet vậy
Khi về VN Đòan được tiễn đến Tỉnh Khâm Muộn là chia tay, tự do ghé những quán ăn bên đường đa số là Người Việt qua buôn bán, tha hồ ăn thịt rừng, do đông khách mà đòan muốn ăn thịt rừng nên Cô Oanh đã lăn vào bếp giúp họ làm thức ăn cho nhanh và có dịp học cách nấu thịt rừng của họ. Ngon lắm nha khi nhấp nháp cùng rượu Lào rau cải thiên nhiên, ấn tượng nhất là trên bàn ăn luôn có món đậu đủa sống đã ướp lạnh giòn giòn chấm mấm nêm rất ngon. thích nhất là món Xôi nóng ăn với gà nướng thơm lừng, họ đựng xôi trong chỏ đan bằng mây rất đẹp nó giữ ấm xôi, 2 chị em ăn xong xin về làm kỉ niệm, thấy vậy ai cũng bắt chước xin về cho bà xã biết.
Đến cữa khẩu Campuchia thì đòan được Tỉnh Trưởng PRêyveng tiếp vì Đồng Tháp và Prêyveng là hai tỉnh kết nghĩa, lại được đón tiếp trọng hậu, sau khi trả phòng là được anh Yến, trước đây là phiên dịch cho Đòan chuyên gia VN, (trong đó có anh Chánh ông xã cô Oanh) sang giúp CAMPUCHIA tái thiết đất nước giờ là chính ủy khu 2 phụ trách khu vực giáp các tỉnh miền trung chiêu đãi tại nhà riêng bằng con bê thui được quay vòng vòng trên bếp than dỏ rực, được tùng xẻo làm 4 món và ăn cá sông Stung Treng nướng rất thơm ngon, còn gọi là cá shihanuc giống cá ngon như cá anh vũ tặng bác Hồ vậy, chỉ có trên sông Stung Treng thôi, khô trâu ăn với cơm nóng ngon ơi là ngon, vì các cô ko uống rượu mà nên tha hồ thưởng thức.
Nhìn dòng Stung Treng khi đi trên cây cầu dài ơi là dài, (Cô Oanh già nên quên mất rồi, ai biết xin nói dùm) mùa này nước ko lớn nên nhìn thấy giữa sông xa xa có lùm cây mọc lên rất lạ, dòng sông rất rộng nên cầu dài là vậy, chắc do lắng đọng phù sa...
Chuyến đi vài ngày tuy có cực là ngồi xe suốt (chỉ những khi xả nước cứu thân, mới đi xuống đường ngắm cảnh xem hoa nhưng ko bắt bướm) hoặc ghé mua bắp, mía..ăn lót dạ, các bác chú ca hát kể chuyện xưa, nhưng rất ấn tượng nhất vẫn là những người bạn nơi đất Lào: Việt Lào hai nước anh em, rất trân quý người Việt
Thật là một chuyến đi thú vị khó quên.

TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN
THANK YOU
[-] Hoang Oanh được 2 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (10-07-2012 12:05 AM), dieuquang (11-10-2012 05:53 AM)
10-07-2012, 12:11 AM
Bài viết: #23
RE: Mong Minh Ký Sự
Con xin cám ơn Cô Oanh đã chia sẻ chuyến xuất ngoại của mình qua lân bang. Thật là một chuyến đi thú vị. Nhưng Cô ơi, con cũng chưa được trải nghiệm ngồi xe moto đi xuyên quốc gia. Cuộc hành trình ấy là của Cậu Mợ con. Cậu Mơ 3 Minh (con Bà Ba, ngoại con thứ 2), anh em cô cậu với lại Cậu 3 Xuân (con Ông Sáu). Con đã sống ở Campuchia một thời gian, năm 1985, nhưng Lào thì con chưa đến bao giờ. Bankok của Thái lan thì con cũng đã có đi qua, 7 ngày ở đây. Hiện tại con đang sống ở Mỹ nhưng hy vọng một ngày nào đó sẽ về quê làm một chuyến xuyên Đông Dương cho biết.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
10-07-2012, 01:18 AM (Được chỉnh sửa: 10-07-2012 01:23 AM bởi baothai.)
Bài viết: #24
RE: Mong Minh Ký Sự
Phần 16 : Attapeu .

[Hình: attachment.php?aid=2273][Hình: attachment.php?aid=2274][Hình: attachment.php?aid=2275][Hình: attachment.php?aid=2276][Hình: attachment.php?aid=2277][Hình: attachment.php?aid=2278][Hình: attachment.php?aid=2279][Hình: attachment.php?aid=2281][Hình: attachment.php?aid=2282][Hình: attachment.php?aid=2283]

Bắt nguồn từ A Lưới (Thừa Thiên Huế) sông A Sáp chảy qua đất nước Lào và mang tên Sekong (se có nghĩa là sông,theo tiếng Lào).Sông Sekong ,là một chi lưu của Sông Mekong,lần lượt chảy qua các tỉnh Saravane,Sekong rồi Attapeu.Quốc lộ 11 (Lào) từ Bờ Y,sau 105km,cắt ngang sông Sekong ngay tại cửa ngỏ vào thị xã,cây cầu lớn bắc ngang dòng sông này cũng tên là cầu Sekong.Vừa vào dốc cầu,tôi đã thấy “bóng dáng” Tết Lào qua trang phục mới,nhiều màu sắc của bọn trẻ.

Các bạn thân mến,

Chúng tôi có ý định thăm Lào từ 3 năm trước;nhưng muốn thăm đúng vào Tết Lào là mới đây.Trước ngày đi,tôi có hỏi bạn Đỗ văn Chuông về ngày Tết ở Lào và được trả lời là khoảng 15 tháng 4 dương lịch.Qua đây mới biết,cũng như dân Việt,dân Campuchia,…người Lào ăn Tết nhiều ngày liên tiếp và chiều hôm nay mới chính thức bắt đầu.Hèn gì,hồi sáng khi xin giấy xuất xe,tôi đã được nhắc phải làm nhanh ,trước khi mấy ông hải quan Lào nghĩ để ăn Tết.Còn cái dãy xe tải “dồn cục” bên này Bờ Y khi sáng hình như cũng an phận “hạ trại” nghĩ Tết theo Lào!Bây giờ,tới đây mới thấy,tôi có cảm giác như cái thị xã nhỏ bé,hiền hòa này đang như “chuẩn bị” chờ …Tết té nước!

Thôi, bây giờ chúng tôi phải lo tìm chỗ nghĩ.Nhà trọ Mỹ Hạnh được bà xã chọn.Thật ra chắc cũng chẳng có mấy nhà trọ hay khách sạn để ta lựa chọn trong cái thị xã nhỏ bé này!

17h.

Chúng tôi đi ăn cơm (80.000đ VN),quán ăn chỉ cách 1 căn nhà.Cũng như nhà nghĩ Mỹ Hạnh,quán ăn có chủ là người Việt,xài tiền Việt.Tôi hơi “kén ăn” nên chẳng thấy ngon lành gì và giá cả thì ,từ bây giờ,phải tính theo “kiểu” Lào,nghĩa là gần gấp 3 lần Việt Nam ,”bét” nhất cũng gấp 2 lần,như bửa ăn “đạm bạc”này.

Sau bửa ăn,chúng tôi đèo nhau đi “dạo” Attapeu.Từ giờ,có thể “quên” đi nón bảo hiểm,bởi vì luật Lào không buộc đội ,còn công an thì từ sáng đến giờ chưa thấy.Thú thật, đội nón bảo hiểm là cần thiết,để bảo vệ “cái đầu” ,nhưng cái sự bỏ bớt nó, khi đi dạo vòng vòng trong cái “tỉnh lỵ” nhỏ xíu này làm tui chợt nhớ tới cái cảm giác thoải mái “quen thuộc”dạo nào.

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy dù nằm sát sông Sekong,nhưng thị xã chẳng”bám” lấy bờ sông như ở nước ta,dù chỉ là để làm cho cảnh quan thêm đẹp.Tôi thật sự không biết gọi đây là thị trấn,thị xã,hay là tỉnh lỵ bởi vì nó …kì cục lắm.Có cái chợ thật nhỏ,nhỏ xíu,nhỏ hơn cả cái chợ phường hay chợ xã vùng sâu ở nước ta,nơi đó tập trung chừng mươi cửa hàng điện máy,đồ nhựa,đồ gia dụng,còn lại là các tiệm bán tạp phẩm,trái cây…không thấy nhà lồng chợ.Vì tới vào buổi chiều nên tôi không biết được sự nhộn nhịp buổi sáng ra sao.Vả lại,dường như mọi người cũng đang dọn dẹp sớm để lo “ăn Tết”.Bà xã mua 1 nãi chuối xiêm,không ngon lắm,giá 18.000đ Việt ,rồi rời chợ.Đi tìm chỗ đổ xăng , nhớ đã thấy có cây xăng trước khi qua cầu Sekong,tôi trở lại đó,đổ đầy bình cho chuyến đi ngày mai,mất 30.000 kip.

Trở về con “phố” chính,nằm trên quốc lộ 11 ngay sát dốc cầu, tôi rẻ qua nhiều con đường khác rộng rãi,khang trang nhưng thưa vắng nhà cửa.Thỉnh thoảng 1 chiếc ô tô (thường là loại bán tải “xịn”) chạy qua,đầy người phía sau,vẫy tay chào như thể…chúc mừng năm mới!Bà xã biểu tìm chỗ mua 1 sim Lào để gọi điện thoại cho con.Gặp 1 cửa tiệm tạp hóa khang trang,có bán sim đ/t,mua mất 30.000 kip và gọi được cho mấy đứa con (chắc đang nóng ruột chờ tin tức cha mẹ),không dám cà kê nhiều vì mau hết tiền lắm!Tại đây,còn bán những giỏ quà Tết,bao giấy màu vui mắt giống như bên nhà.

Nhìn đường sá vắng vẻ,nhà cửa sạch sẽ,thoáng đảng,tui có cảm giác hôm nay giống như chiều 30 Tết bên nhà vậy.Tết Lào còn gọi là Tết “té nước” vì việc tạt nước vào người khác là nhằm mong ước đem may mắn cho họ.Chiều nay chỉ mới bắt đầu,chưa có gì đặc biệt,thỉnh thoảng thấy vài chú bé “vũ trang” súng nước đứng rình rập bên đường!Chạy chậm chậm qua một ngôi chùa lớn,cách kiến trúc giống như Thái Lan,Campuchia và mấy chùa Miên của Việt Nam,bà xã muốn vào cúng,tui nói còn thời gian ở Lào mà,nay mai tha hồ cúng,bây giờ sắp tối,đi vòng vòng chơi!Chúng tôi bổng gặp một khách sạn đồ sộ.Ô hay,cái thị trấn nhỏ như “lòng bàn tay” này chẳng có “tiềm năng” gì về kinh tế(nhìn bên ngoài),về du lịch…dân thì thưa thớt,có cái chợ duy nhất nhỏ như cái chợ ở xóm bên Việt Nam,thì khách vãng lai nào tới đây mà cất chi “bự” vậy?Nhìn lại tên khách sạn trên cao “vòi vọi” thì tui chẳng còn thắc mắc: Hoang Anh Attapeu Hotel.Bà Cúc còn “cả gan” bước vào trong hỏi giá.Bả nói hỏi cho biết,ai bắt mình mà sợ…hi.. hi..

Attapeu cách cái HAGL Head Quarter’s Office chỉ 200km ,bởi 1 khoảng “rừng” già bạt ngàn ,việc đầu tư của tập đoàn Hoàng Anh vào tỉnh này đã được chính phủ 2 bên chấp thuận, “lợi,hại” ra sao thì “người lớn” đã “tính” hết rồi….mà thôi vụ này nó đã vượt quá cái “ biên giới” suy tư trong đầu tui,hãy quên mà lo đi chơi!

Tui chạy vòng qua con đường khác thì gặp một quầy bán trái cây lưu động bày hàng trên xe tải nhỏ bên vệ đường,giống như ở Thái Lan,thầm nghĩ bán trái cây kiểu này thì “sang “hơn Việt Nam nhiều!Rồi lại gặp một đám hội chợ kiểu “lô tô” bên mình với nhiều gian hàng bán “đủ thứ”,xanh đỏ,tím,vàng….Tui ngừng xe dựng chung với một dãy xe 2 bánh khác,rủ bà xã bước vào “hòa nhập” cái không khí vui chơi “bình dân nông nghiệp” đó .Bà Cúc nói hổng ai coi chừng xe sao,tui nói xứ Lào chứ hổng phải như “mình” đâu,chắc hổng sao,cả chục chiếc xe đang bỏ “đại”mà có ai thèm trông giữ!He he, “xứ” thái bình cửa thường bỏ ngỏ,đêm năm canh an giấc ngáy o…o..!

Chúng tôi thử đi một vòng,chẳng khác mấy với kiểu “hội chợ lô tô” bên mình,nhưng không có lô tô.Mặt hàng nổi bậc trong các quầy đồ chơi là đủ thứ “súng nước” màu sắc sặc sở,có cả “kẹo bông gòn”xanh, đỏ “dụ khị” con nít!

Rời khu “hội chợ”,tui tà tà trở về cái “Motel” Mỹ Hạnh,trong đầu chợt nghĩ về một hạnh phúc an phận,hiền hòa đang tràn đầy trong cái thị xã nhỏ bé .Cái hạnh phúc của những người dân có vẻ không cần “giành giật miếng sống” của nhau để phải làm điều bất chính.Cái hạnh phúc không cần “tô vẻ” bằng khẩu hiệu treo,dựng khắp đường khiến chỉ làm “bẩn” thêm quan cảnh chung quanh!

Đêm Attapeu êm đềm buông xuống trong cái nóng Hạ Lào chợt mới vừa quen;nhưng mõi mệt sau một ngày vất vã,khiến chúng tôi chẳng khó để ngủ quên!


File đính kèm Thumbnail(s)
                                       


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (11-10-2012 05:54 AM)
10-07-2012, 01:35 AM
Bài viết: #25
RE: Mong Minh Ký Sự
Phần 17:Attapeu -> Pakse : 209km.

[Hình: attachment.php?aid=2284][Hình: attachment.php?aid=2285][Hình: attachment.php?aid=2286][Hình: attachment.php?aid=2287][Hình: attachment.php?aid=2288][Hình: attachment.php?aid=2289][Hình: attachment.php?aid=2290][Hình: attachment.php?aid=2291][Hình: attachment.php?aid=2292][Hình: attachment.php?aid=2293]

a/Attapeu -> Sekong :76 km



Chiều hôm qua,sau khi nạp cái sim Lào,tôi đã gọi cho ông bạn Đỗ văn Chuông để hỏi thăm đường đi và nhờ liên lạc trước với Anh Sơn,TGĐ SPC Lào,là nơi Chuông đã từng công tác,để khi cần chúng tôi có thể nhờ cậy giúp đở.

“Ông cứ theo đường cái mà chạy…đường nhựa tốt.Từ đây đã vào sâu trong nội địa Lào rồi,không còn phải lo nửa…”rồi anh hướng dẫn cách tìm văn phòng Công ty ở Pakse,…và đề nghị nghĩ đêm ở Paksong,có khí hậu giống Đà Lạt,thay vì đi luôn Pakse vì quá xa….



Như thường lệ,mỗi sáng trước khi khởi hành tui lo ràng buộc hành lý cẩn thận.Lần này,cô chủ khách sạn lại hù dọa: “bửa nay thế nào cũng bị tạt nước,ông bà nên bao mấy túi xách lại,mặc áo mưa vào,không thôi bị ướt hết”.Dĩ nhiên chúng tôi nghe theo cô,phải tháo mấy túi hành lý ra cho vào bao nylon rồi mới ràng,buộc lại.

Tôi cho xe vòng ra quốc lộ,vừa may thấy một đoàn Sư đi khất thực trên đường về Chùa .Bà xã tui, sau một hồi quan sát học cách cúng dường, vội vàng lấy nãi chuối cùng với bánh kẹo mang theo hổm rày,đứng sẳn như dân địa phương chờ mấy Sư đi ngang cũng chắp tay xá rồi “dâng” thức ăn cho quý vị ấy.

Vậy là mới sáng sớm “đầu năm” đã có điềm lành,cuộc rong chơi chắc sẽ bình yên!

Chúng tôi rời Attapeu mà không biết có còn trở lại.Thị xã nhỏ bé của xứ sở hiền hòa này bổng làm tôi lưu luyến,bởi vì ,dù chỉ một buổi chiều lặng lẽ thoáng qua,nó cũng êm đềm đi vào tâm thức bằng những hình ảnh e ấp khó quên!

Con đường trước mặt,tuy bắt đầu vắng vẻ,nhưng không còn cảnh hoang vu,đe dọa như sáng hôm qua.Cũng những dãy núi chạy dọc bên trái,những cánh rừng cây thấp trong xa,nhưng trên đường đã có xe cộ qua lại.Thỉnh thoảng cũng có được một xóm nhà.Nhà Lào,cũng như Campuchia, hầu hết đều là nhà sàn cao cẳng,chỉ khác nhau ở phần mái lợp bên trên.

Bây giờ tôi có thể ngừng lại thoải mái để chụp ảnh.Tuy là lên cao nguyên Boloven có độ cao trung bình khoảng 1400m,nhưng chẳng phải vượt qua núi đồi hiểm trở nào nên không có đèo dốc như lên cao nguyên của nước ta.Cảnh quan do vậy chẳng có gì hấp dẫn lắm.

08h00,chúng tôi tới một ngã 3,mà theo bản đồ thì con đường rẻ trái sẽ dẫn qua Pakse,rất gần,so với con đường đi thẳng.Tuy nhiên,phải hỏi cho kỷ trước khi quyết định.Hỏi ai?Nhìn thấy bên tay phải có một nhóm người đủ cả lớn,bé,nam,nử…đang ngồi nói cười vui vẻ trước nhà,chúng tôi bước qua hỏi thăm,dĩ nhiên bằng tiếng Việt : Pakse…rồi chỉ ngã rẻ trái bên kia đường.Dĩ nhiên họ chả hiểu tui nói gì,cứ ngớ ra rồi nói tiếng…Lèo.Tui bèn tự giới thiệu bằng cách vổ vổ vào ngực nói… Việt Nam,Việt Nam.Lập tức cái ông anh đứng tuổi vừa nói a…Việt Nam..vừa gục gặc đầu rồi nói với người đàn bà có lẽ là vợ mấy tiếng thì bà này cũng gục gặc đầu rồi chạy tuốt vô nhà.Tức thì dẫn ra một chị ,có lẽ là em,chị này nói liền bằng tiếng Việt giọng Lèo,tôi là Nang Ma Ny Soy…

Bà xã tui mừng rở như vừa được …lì xì(đang Tết…Lèo mà!) :a…a…chị nói được Tiếng Việt,may quá…

Và dĩ nhiên chuyện đường sá được giải quyết nhanh chóng.Chị Ma Ny Soy nói mình đã từng là học sinh trường dân tộc nội trú ở Kontum….Tiếp theo là chộp ảnh và mời chị ký tên vào quyển bản đồ atlas để kỷ niệm,riêng tui được mời 1 ly bia Lào “vui Tết té nước” thật ngon!

Con đường tiếp tục dẫn chúng tôi qua những khoảng rừng thưa vắng,ngày càng cao trên cao nguyên Boloven mênh mông.Hiếm hoi lắm mới có 1 xóm nhà,vẫn là nhà cao cẳng;nhưng từ lúc này,thỉnh thoảng ta còn thấy dưới sàn đậu một chiếc ô tô bán tải thật đẹp,loại xe vừa sang trọng vừa tiện dụng.Cũng như Campuchia,Lào miển thuế nhập khẩu ô tô nên người Lào cũng rất thích sắm xe riêng.Nhưng có lẽ khác với Campuchia là người Lào thường chuộng loại xe bán tải để vừa sử dụng như xe du lịch , vừa tải hàng hóa,đồng thời cũng rất thường hay chở “đầy nhóc” người phía sau!



Đường lên cao nguyên Boloven ngày càng mát,cho nên việc lở mặc áo “chống đạn nước” không cần phải cởi ra mặc dù cho tới giờ lời cảnh báo của cô chủ nhà nghĩ Mỹ Hạnh chưa thành hiện thực.Đã có vài vụ “phục kích bắn tỉa” dọc đường,nhưng hoặc là tui né được,hoặc là bọn trẻ thấy mình khoát tay thì biết 2 “khứa lão”này chẳng phải phe ta nên ….tha mạng!!!Thật là 1 cuộc chiến lạ lùng trên đất nước hiền hòa dễ mến!

Dòng sông Sekong dường như vẫn lặng lẽ theo sát quốc lộ 11 này đâu đó bên tay phải, sau rặng cây xanh,lúc dày lúc thưa.

08h30, chúng tôi quyết định rẻ vào 1 xóm nhỏ nằm sát bờ sông,vừa xem sông,vừa quan sát sinh hoạt của 1 cộng đồng nhỏ,người Lào.

Như phần lớn các sông khác chảy trên cao nguyên,sông Sekong không rộng,mùa này khô, cạn gần sát đáy,phơi một bãi cát vàng trên mỗi bờ,có 1 bầy trâu đang nhởn nhơ phía hạ nguồn.Xem ra,vận tải thủy hoàn toàn không thể thực hiện trên con sông này,thậm chí cả ở Attapeu phía dưới, như tôi thấy hôm qua.

Đúng là chúng tôi chỉ quan sát thôi,chẳng thể nào giao tiếp được vì ngôn ngữ bất đồng.Nơi đây,tập trung khoảng hơn 20 nhà sàn cao cẳng,phía gần bờ sông có lẽ quá nghèo nên thật sác xơ!Một bà mẹ trông còn rất trẻ,đang địu con trước bụng ,thẫn thờ nhìn khách lạ tới thăm!Một cụ già gùi cũi trên lưng,cong người chịu đựng,nhưng ánh mắt lại có vẻ vui khi thấy chúng tôi đưa máy lên ngắm chụp ,không phản đối,cứ bước dần theo hướng đi trước mặt.Chợt nhớ lại các cụ người thiểu số của ta bây giờ không phải dễ gì cho chụp ảnh,bởi họ cũng biết …cái giá của mình.Và điều đó bổng nhiên làm tôi…khó nghĩ!

Rời xóm nhỏ khoảng 20 phút chúng tôi ghé vào 1 xe bánh mì,chủ là một chị phụ nữ người Việt,mua 2 ổ có chả và 2 ổ bánh mì không.Đây là 1 xóm có nhiều người Việt,nằm ở rìa tỉnh lỵ Sekong,họ sang đây mới vài năm trước,làm ăn được,lần lượt rủ nhau qua,phần lớn gốc Thừa thiên,Quảng Trị…,buôn bán nhỏ,hớt tóc,may mặc…,chưa thấy biểu hiện của sự giàu tiền,nhưng hình như vài người đã “sắm” được xe hơi!Chúc mừng cho những cuộc sống tha hương!

09h05’.

Chúng tôi chạy ngang tỉnh lỵ Sekong,vì đường còn rất xa,nên không vào thăm khu vực nội ô,đây là một thiếu sót mà bây giờ thấy tiếc.Có thể chỉ mất khoảng 45 phút,nhưng chúng tôi sẽ “nhìn thấy” được ít nhiều về một nơi chốn xa lạ mà trong tương lai biết có còn gặp lại?


File đính kèm Thumbnail(s)
                                       


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (11-10-2012 05:55 AM)
10-07-2012, 08:08 AM
Bài viết: #26
RE: Mong Minh Ký Sự
Cô Oanh tự hổm rày ko biết BAO THAI là ai, sau khi xem bài viết về chuyến đi Lèo thú vị của con, sáng nay Cô mới vào trang nhật ký xem, thì ra BAO THAI 44T, lại được biết con đang ở Mỹ, nghe xưng con nên cô Oanh mới dám gọi như vậy với người viết văn tự thuật y như nhà văn SƠN NAM. Ngưỡng mộ.
Chuyến đi Lèo của Cô hết10 ngày qua 3 nước ĐÔNG DƯƠNG, ở Lào 7 ngày nhưng nếu kết hợp diễn đạt của Con với Cô lại chúng ta sẽ hòan chỉnh bài CHUYẾN ĐI LÀO THÚ VỊ, Cô thấy con nhớ từng chi tiết hay lắm, Cô thì ko được như vậy chỉ nhớ những điểm chính thôi.
Con đã cho Cô hiểu biết thêm về nước Lào anh em.
Ban tuyên giáo có cuộc thi trắc nghiệm và bài viết về Lào, con rảnh tham gia chắc đạt giả đó, Cô chỉ tham gia phần thi trắc nghiệm thôi.
Chúc Con có những chuyến đi ấn tượng như thế. Có những điều ta nên thực hiện lúc này đừng nên để NGÀY MAI khi đó sẽ ko có sức khoẻ để đi như thế đâu BAO THAI ơi

TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN
THANK YOU
[-] Hoang Oanh được 2 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (11-07-2012 12:20 AM), dieuquang (11-10-2012 05:55 AM)
11-07-2012, 12:26 AM
Bài viết: #27
RE: Mong Minh Ký Sự
Vâng, Cám ơn Cô Oanh rất nhiều. Theo vai vế thì con gọi Cô bằng cô vì con là anh em họ với mấy em cháu nội ngoại của ÔB Sáu Phò. Con cũng chưa từng gặp Cô bao giờ. Nhờ trang GQ nầy mà Cô cháu mình được làm quen với nhau. Theo gia đình ÔB Sáu thì con bà con bên Ông, Mẹ con gọi ÔB Sáu bằng Cậu Mợ, còn Cô bà con bên Bà, vì vậy cũng bà con gần với nhau đó Cô.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (13-07-2012 07:51 AM)
13-07-2012, 08:44 AM
Bài viết: #28
RE: Mong Minh Ký Sự
Cô Oanh rật vui vì có thêm cháu, tuy ở xa tận nước Mỹ nhưng chúng ta mỗi ngày đều gặp nhau trên gocque, Ấn tượng ban đầu của Cô về BAO THAI là câu CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA . Con viết ko, tấm lòng hiếu thảo của con người biểu hiện ở câu thành ngữ này: CÔNG ĐỨC SINH THÀNH LÀM CON PHẢI HIẾU.... Chúng ta hãy duy trì truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc Việt Nam để truyền dạy thế hệ sau nhé.
Con có những trang viết về sức khỏe đời sống hay mẹo vặt úp lên cho mọi người biết nhé.
Chúc gia đình con luôn mạnh khỏe, an lành và hạnh phúc trong cuộc sống.

TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN
THANK YOU
[-] Hoang Oanh được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (13-07-2012 11:27 AM)
15-07-2012, 12:04 AM (Được chỉnh sửa: 15-07-2012 12:13 AM bởi baothai.)
Bài viết: #29
RE: Mong Minh Ký Sự
Phần 17 : Ngày 13-4-2012

[Hình: attachment.php?aid=2322][Hình: attachment.php?aid=2323][Hình: attachment.php?aid=2324][Hình: attachment.php?aid=2325][Hình: attachment.php?aid=2326][Hình: attachment.php?aid=2327][Hình: attachment.php?aid=2328][Hình: attachment.php?aid=2329][Hình: attachment.php?aid=2330][Hình: attachment.php?aid=2331]

Attapeu - Pakse (Tiếp theo)



b/Sekong - Paksong :83 km.



09h20’.

Chúng tôi rời Sekong,tiếp tục cuộc hành trình đi sâu vào nội địa Lào.Đường 16 đưa chúng tôi ngày càng cao lên miền đất đỏ phì nhiêu. Dân số Lào chỉ khoảng 7 triệu người,sống trên một diện tích 236.000km2, bằng 2/3 nước ta,nên mật độ rất thấp.Vì vậy chúng tôi cứ chạy mãi và con đường cứ băng qua những vùng thưa vắng người.

09h45’ ,chúng tôi dừng lại 1 quán nhỏ ven đường,vừa nghĩ ngơi,vừa ăn ổ bánh mì mới mua được.Quán nhỏ nhưng có vẻ ngăn nắp,sạch sẽ và lạ một điều là họ có 1 bàn “Ông thiên” gắn trên cây ở bên cạnh quán,nơi lối đi vào,giống như người Việt bên nhà.

Thấy khách vào,chủ quán vội bước đến dàn máy nhạc tăng âm lượng bất kể khách có hiểu mô tê gì âm nhạc Lào.Mục đích vào đây để uống cà phê,nghĩ mệt,nhưng không thấy có cà phê trên bảng menu,chúng tôi chỉ chai Pepsi rồi ra dấu 2 ngón tay.Hai chai nước ngọt ướp lạnh trong tủ được mang ra.Hình như gia đình họ đang “ăn Tết” với cái món gì là lạ trên bàn,ăn bóc,có một ‘sọt’ cơm nếp bên cạnh và vài chai bia Lào.

Chúng tôi lặng lẽ quan sát họ và họ cũng len lén nhìn sang chúng tôi.Chủ quán chợt cười hỏi :”người Việt?” a,vậy anh nói được tiếng Việt? “Vâng,tôi học bên Hà Nội 5 năm...Đại học thủy lợi”…à,vậy ra anh là kỷ sư thủy lợi?-“Vâng.Bây giờ nghĩ rồi,về đây trồng ngô và cây ăn quả...”

Rồi không bỏ lở cơ hội,tôi lấy cuốn Atlas nhờ anh viết ít chữ và ký tên lên bản đồ để thay thế dấu bưu điện.Từ hôm qua đến giờ chưa gặp một bưu điện Lào nào,nên tôi phải thay thế bằng cách nhờ người Lào ký tên vào atlas.Anh tên là Sy Li Phôn,đã nghĩ làm việc nhà nước,về đây trồng trọt và mở quán.Bây giờ nhìn kỹ,quán của anh không mang kiểu nóc nhà đặc trưng của Lào,nó có vẻ Việt Nam hơn,nhất là có cả cái bàn thờ “Ông Thiên” đóng gá trên cây.Nghe nói anh đang trồng ngô,tôi chợt nhớ một câu chuyện mà tác giả nói là có thật:

“Một kỷ sư canh nông ,trong chuyến công tác sang Lào hồi 15 năm trước,gặp 1 anh nông dân đang trồng 2 mẫu bắp,hỏi mỗi mẫu thu được bao nhiêu,anh nông dân Lào nói 1 tấn,anh kỷ sư bèn bảo nếu tôi hướng dẫn cho anh cách để tăng lên thành 2tấn/mẫu thì anh chịu không?Anh Lào vui vẻ trả lời rằng chịu lắm,…rồi nói tiếp …lúc đó tui chỉ trồng 1 mẫu thôi!”





10h25’.

Từ giả anh Kỷ sư thủy lợi,chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.Trên đường tôi thấy có 2 xe gắn máy thồ đầy hàng bán dạo,lúc đến gần nghe tiếng họ nói chuyện,tôi mới biết đó là người Việt .Chịu khó hơn người Lào,biết tính toán và nắm bắt cơ hội nên uyển chuyển trong kinh doanh,những người Việt Nam này sẽ trở nên giàu có trong tương lai không xa!Nhất là khi đất đai nơi đây rộng lớn,tài nguyên dồi dào mà dân số thì ít ỏi.Sống và làm giàu được trên đất khách khiến làn sóng người nhập cư đến từ bên kia Đông Trường Sơn sẽ dần trở thành một lực lượng làm kinh tế mới,năng động và thực dụng!Là người Việt,nhưng tôi bổng thấy lo cho người Lào nếu một mai họ mất đi cái bản chất nhân hậu dễ thương vốn có từ ngàn đời bởi sự giao tiếp đương nhiên do hoàn cảnh xã hội đưa đến.

11h01’.

Chúng tôi gặp một ngã 3,rẽ phải thì đi các tỉnh Salavan và Xavanakhet,rẽ trái thì đi Pakse.Ngay ngã 3 này, bên kia đường là một chợ với những dãy nhà thiếc thấp tè.Còn khoảng sân mênh mông ven vệ đường thì là chỗ bày hàng nông sản,củ quả,gia cầm…đồng thời cũng là chỗ đậu các loại xe cộ,giống như một bến xe tạm.

Xem lại bản đồ tôi mới biết đây là huyện Thateng,vẫn còn thuộc tỉnh Sekong.Sau khi chụp vài tấm ảnh chúng tôi vội lên đường,vì từ đây về Pakse cũng còn xa lắm,lúc đó là 11h10’.

Càng rời xa núi rừng Trường Sơn phía Đông để chạy về hướng Tây,dường như dân cư càng đông đúc hơn.Và vì vậy,bây giờ chúng tôi mới thấy cuộc chiến tranh “súng nước”bắt đầu nổ ra lai rai.Thậm chí có cả chú tiểu trên đường trở về Chùa đã tham gia vài trận đánh với “quân địa phương”, mặt mày thật hớn hở! Thanh niên,thiếu nữ và trẻ em Lào,là những thành phần tích cực nhất trong các tụ điểm té nước.Xa xa một nhóm,với sô,thùng và vài cây súng nước xanh , đỏ,họ chực chờ bất cứ ai đi ngang là tạt,là xối, là xịt …và tất cả,kể luôn người bị xịt đều cười vang hớn hở.Dĩ nhiên ,điều này chỉ diễn ra ở những khu xóm dân cư,nằm rải rác trên đường từ Thateng đi Paksong.Đôi khi một chiếc xe bán tải chạy ngang,một xe máy cày có rờ mọt chở người phía sau,với sô thùng đầy nước,sẳn sàng trút xuống bất cứ ai họ bắt gặp trên đường.Như đã nói,chúng tôi cũng được té nước,có khi né được,có khi được tha;nhưng cũng có khi lảnh đủ;trong “chiến tranh”,làm sao tránh khỏi thương vong!

12h18’.

Chúng tôi tới Paksong.Điều đầu tiên là chúng tôi muốn nhìn thấy cái “giống như Đà Lạt” tại nơi này.Tuy nhiên tôi hơi thất vọng bởi vì cái dễ nhận nhất là nhiệt độ,chẳng thấy nó rõ rệt như Đà Lạt,từ cái cảm giác(có lẽ do bây giờ là giửa trưa) đến những biểu hiện trên trang phục,không thấy người ta mặc áo ấm như từ Di Linh trở lên.Một số cây thông nằm dọc trên quốc lộ không đủ tạo nên nét đặc trưng,không có những biệt thự ẩn hiện trong những đồi cỏ đầy hoa dại.Thật ra,Paksong chỉ là một chợ huyện,có vẻ như đang trong thời mới xây dựng,không thể nào sánh với cái “tuỏi đời” hàng thế kỷ của Đà Lạt ngàn thông.

Đã có dự định nghĩ lại đây,nhưng bây giờ mới hơn 12h mà Pakse thì chỉ còn đúng 50km,nên có lẽ chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình.Tuy nhiên,trước mắt phải tìm một quán ăn để lót dạ và tránh cơn mưa đang kéo đến đen trời.Quán thì không thấy đâu mà mưa thì đã tới.Buộc lòng chúng tôi phải tấp vào một quán nước bỏ hoang,mang lương khô là mấy ổ bánh mì, vài thỏi fromage đầu bò,2 cây xút xít và chai nước nấu sẳn ,mang theo từ Attapeu.

Mưa quá lớn,bây giờ tôi mới thấy lạnh.Cái cảm giác lạnh còn pha thêm nỗi buồn “tha hương”chợt đến ,khi nhìn ra cơn mưa gió mịt mù đang nhuốm mờ cảnh vật.Nhìn bong bóng đang trôi theo dòng nước chảy tràn vào chiếc quán lạnh bỏ hoang,nó cũng chẳng khác nào những chiếc bong bóng nước linh binh trước thềm khi mưa rơi ào ào nơi “quê mình” xa lắc và tôi ,bỗng thật sự thấy “nhớ nhà”.15 ngày qua,đã để lại sau lưng gần 1500 cây số,bây giờ chợt thấy thật xa xăm!



Ôi,quê hương,dù có nhiều điều “đáng ghét” nhưng cũng không dễ gì “mất hẳn’trong lòng của những kẻ tha hương!Nỗi buồn này tôi nghĩ,đối với nhiều người Việt Nam đang đâu đó trên cõi đời tạm bợ, nó vẫn mãi ngọt-ngào-một-cách-đáng-thương!

Năm 1979,khi quyết định “vượt biên”,tôi đã nói với Ba tôi:không có chọn lựa nào không đau lòng,việc “ra đi” cũng thế,nhiều người chẳng phải vì ham cuộc sống phù hoa,đó chỉ do hoàn cảnh,kẻ ra đi chắc chắn mất mát nhiều hơn người ở lại đó là cha, là mẹ, là bạn bè,người thân…và nhất là cái “tình tự không nói được nên lời” nó hình thành suốt từ thời tấm bé,nó len lỏi đâu đó trong cái “ngỏ ngách”cuộc đời,để rồi bỗng dậy lên trong những lần “tơ vương” bất chợt!

Đốt một điếu thuốc,dõi theo làn khói mỏng bay,trong mù mưa trước mặt,tôi chợt thấm thía 2 câu thơ của nhà thơ “hoang đàng” Phạm Hữu Quang:



“Giang hồ,ta chỉ giang hồ vặt,

Nghe tiếng sôi cơm cũng nhớ nhà”!


File đính kèm Thumbnail(s)
                                       


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (11-10-2012 05:56 AM)
22-07-2012, 02:08 AM (Được chỉnh sửa: 22-07-2012 02:13 AM bởi baothai.)
Bài viết: #30
RE: Mong Minh Ký Sự
Phần 17 : Ngày 13-4-2012

[Hình: attachment.php?aid=2367][Hình: attachment.php?aid=2368][Hình: attachment.php?aid=2369][Hình: attachment.php?aid=2370][Hình: attachment.php?aid=2371][Hình: attachment.php?aid=2372][Hình: attachment.php?aid=2373]

Attapeu - Pakse (Tiếp theo)



c/Paksong - Pakse :50 km.



Cơn mưa vẫn nặng nề dội xuống,nước tràn cả vào cái nền đất của quán bỏ hoang,xem chừng sẽ còn lâu mới tạnh.Biết đâu,phía dưới Paksong trời trong sáng,chờ đợi chỉ mất thêm thời gian vô ích,nhất là khi tôi thấy có mấy vị Tây ba lô vừa phóng mô tô ngang qua và bà xã hỏi đi tiếp hay sao,anh?Chúng tôi đội mưa lên đường.



Quả nhiên,rời khỏi huyện lỵ Paksong chừng 3km thì trời khô ráo như chưa hề có mưa,cuộc “rong chơi” bắt đầu đổ dốc.

Paksong là thủ phủ cà phê của Lào,nhưng Paksong còn là vùng đất của du lịch đầy tiềm năng.Nằm hoàn toàn trên “bình nguyên” Boloven mênh mông,có cao độ trung bình 1.400m,Paksong tuy ở sâu trong nội địa Lào,nhưng lại có khí hậu mát mẻ,rất thích hợp cho dưỡng sức,nghĩ ngơi.

Ngoài ra,chung quanh Paksong còn có một hệ thống thác nước rất đẹp,nằm trong khung cảnh núi rừng còn hoang dã,rất dễ dàng đến thăm:

-Cách Pakse 38km là 3 thác Tat Fane,Tat Cham Pee,Tat Yuang.

-Thác Tat Katamtok,cao đến 160m,lớn nhất trên cao nguyên Boloven.(Thác này nằm giửa Paksong và Attapeu,hơi khó đi)

….

14h00’.

Chúng tôi ghé thăm thác E-TU,nằm phía tay phải,cách quốc lộ chỉ 800mét.

Thuộc Bản E-TU,cách huyện lỵ Paksong 15km,E-TU là 1 khu du lịch có tổ chức, với hệ thống nhà hàng,khách sạn là những bungalow bố trí rải rác trong khu rừng xanh mát,yên vắng, bên cạnh 1 thác nước vẫn còn nét hoang sơ.

E-TU giống hệt thác Đambri của Bảo Lộc,nhưng nhỏ hơn và không cao bằng.Cũng với cầu vòng ngủ sắc hiện qua màn sương bụi nước khi nhìn từ trên cao,cũng hàng trăm bặc thang dẫn xuống chân thác theo y cái hướng như Đambri,nhưng ở đây không cần một thang máy “vô duyên”kiếm tiền những du khách “lười leo bộ”bằng cái cách “phá vở” hoang vu cần thiết của rừng già!Không được tiếng hiện đại,nhưng người Lào cũng biết làm du lịch theo cái hướng bền vững môi trường.

Sau 2 cuốc leo bộ lên xuống hàng trăm bậc thang và 45 phút “ghé chơi cho biết” ,chúng tôi rời E-TU lúc 16h50’ để “nuốt” phần còn lại của con đường 16 dài 209km,dẫn tới Pakse,thủ phủ của Nam Lào.

Từ đây,chỉ còn cách Pakse 35km,dân cư đông đúc,Tết té nước có nhiều “diễn biến” phức tạp hơn.Bây giờ,các “phe nhóm”,không còn gồm những nông dân tỉnh lẽ,mà 1 phần là các “thị dân” của phố phường ,nên một số đã “đồng phục hóa”bằng các áo màu xanh,đỏ,vàng…hực hở,có toán thì cơ động trên xe hơi,có toán thì “chốt chặn” trước nhà.Ngoài ra,bây giờ nước còn đựng trong các bọc ny long,có pha màu xanh ,đỏ…Tôi thấy nhiều chiếc xe hơi màu trắng đắc tiền ,sau nhiều giờ xung trận đã lem luốc sắc màu!Tuy nhiên,người Lào rất ý thức,họ chỉ sử dụng loại màu có thể dễ dàng rửa sạch bằng nước.Cuộc chơi của họ,không một chút ác ý,rất hiền hòa dễ thương!

Cũng như mọi thành phố lớn khác,vùng ngoại ô là 1 khu vực kéo dài,có khi hàng chục cây số,nên con đường 16 bây giờ đã lọt vào khu dân cư nội thị Pakse lúc nào mà tui không hay.Vừa chạy vừa theo dõi các trận chiến té nước,vừa để tránh “đạn lạc,bom rơi” vừa như muốn “hội nhập” cái náo nhiệt ngày càng tăng độ.Từ khi rời khỏi thác E-TU,cái nóng Lào cũng bắt đầu có “hiệu lực”,nhưng khi vào gần đến Pakse thì sự hiệu lực càng tăng bởi cái sôi động của Tết Lào.Bây giờ,ngoài những thao nước,sô nước,súng nước,…còn có cả vòi nước nối trực tiếp với hệ thống nước sinh hoạt trong nhà.Bên cạnh đó là những dàn âm thanh mở hết công suất,cả 2 bên đường ,cộng với trên xe hơi,tạo thành một không khí lễ hội vui nhộn mà tui chưa từng thấy.Các thanh niên cùng các cô gái Lào xinh đẹp,nhảy múa,uốn éo theo tiếng nhạc sôi động.Những sô nước,túi nước liên tục tạt,ném vào các xe chạy qua và ngược lại các xe này cũng chuẩn bị sẳn để “chơi”lại.Xe nào cũng 2 , 3 thùng nước bự.Tất cả mọi người đều ướt nhẹp.Quả thật người Lào rất hiền hòa,lịch sự,khi nhìn thấy chúng tôi “lạ” và khoát tay thì họ dừng ngay việc tạt nước,chỉ thỉnh thoảng bị “dính chấu” là do họ lở tay,thắng không kịp.Dĩ nhiên trong dịp vui này không thể thiếu bia ,nhưng tôi không thấy họ quá chén đến “bét nhè” ra lộ.Tất cả đều trong tầm kiểm soát của chính họ,không thấy bóng dáng công an,cũng không có một vụ phóng nhanh,lạng lách nào dù cũng có nhiều cái đầu nhuộm xanh,nhuộm đỏ.

Mãi cuốn vào cái không khí Lễ Hội tưng bừng,tôi quên mất việc hỏi tìm bến xe số 8 ,để từ đó xác định vị trí trụ sở SPC Lào.Tôi tạt vào 1 xưởng sửa ô-tô,trên bảng hiệu có chữ Việt,hỏi thăm .Và sau đó tìm được bến xe,nhưng là bến số 2.Ngay trong bến xe cũng có 1 “guest house” giá,80.000kip/đêm.

Hôm nay,trên đường đi,tôi và bà xã có bàn nhau và quyết định :vì Pakse - Vientiane xa đến gần 700km,chúng tôi sẽ mất ít nhất là 4 ngày mới tới được nếu đi bằng xe 2 bánh ,như thế sẽ không kịp ăn Tết tại Thủ đô Lào như dự định và cũng tốn nhiều tiền cho khách sạn trong 4 ngày rong ruổi đó.Chúng tôi chọn phương án đi xe khách nếu nó chịu chở con Deahan.Với quyết định này chúng tôi thấy không cần phải phiền đến anh bạn Sơn của SPC Lào nửa,nhưng cũng rất cảm ơn bạn Chuông.

Bến số 2 không có xe nào chịu chở Deahan,nên chúng tôi hỏi đường trở lại bến số 8(là bến xe nằm ở cây số8,tính từ trung tâm thành phố).Kể ra bà xã tui cũng hay,chẳng biết tiếng Lèo mà hỏi riết cũng tìm ra,tui thì “oãi”quá do chạy mấy trăm cây số từ sáng đến giờ, nên phó mặc cho “đời đẩy đưa”tới đâu hay tới đó!Chúng tôi chạy vào cỗng sau,thấy có một xe đang đợi khách,vài người biết tiếng Việt nói xe chuẩn bị khởi hành đi Vientiane, nhận chở cả người lẫn xe mô-tô,giá mỗi ghế là 110.000kip,tiền chở xe là 150.000kip,tổng cộng là 370.000kip.

Chúng tôi đồng ý,tui leo lên xe lựa chỗ,bật ghế hết mức rồi ngã lưng ,bây giờ tui mới thấy…sướng!Bà xã thì đi mua chai nước và 2 ổ bánh mì để ăn dọc đường.Đồng hồ trên tay chỉ đúng 17 giờ ,còn 30’ nửa xe mới khởi hành,chạy suốt đêm.

Trên xe cũng có một số thanh niên Việt Nam,tay đen đỏ hình xâm ,miệng chửi thề liên tục,nhìn thấy cũng hơi “ớn”.

17h30’.

Xe rời bến số 8,chạy qua bến số 2,rước thêm khách cho đầy xe rồi rời thành phố khi vừa lên đèn.Dưới đường “cuộc chiến” súng nước vẫn đang tiếp diễn.

Chúng tôi ngủ chập chờn trong cuộc hành trình xuyên Lào từ Nam ra Bắc.

Xe có dừng tại trạm nghĩ Thakek lúc nửa đêm.Suốt 685 km của đoạn đường này,chúng tôi chỉ “biết” được mấy quầy hàng khi xe dừng khoảng 30 phút tại đây.


File đính kèm Thumbnail(s)
                           


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS