Đánh giá chủ đề:
  • 1 Votes - 5 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Mong Minh Ký Sự
22-07-2012, 02:28 AM
Bài viết: #31
RE: Mong Minh Ký Sự
Phần 18 : Vientiane.



a/Ngày : 14-4-2012

Tết “té nước” tại Thủ Đô Lào.



06h sáng ngày 14-4,xe vào bến Vientiane.Việc đầu tiên sau khi rời bến xe là kiếm cái gì bỏ bụng.Ra khỏi cổng sau,rẻ trái khoảng 20m thì thấy 1quán-phở-gia-truyền-Nam-Định tên Trần Cường.Đối với chúng tôi bây giờ ăn là nhằm bổ sung năng lượng,duy trì sức khỏe để …trở về nguyên quán.Hôm nay là ngày thứ 16 kể từ lúc rời thành phố Long Xuyên,cuộc hành trình đã trải qua hơn 2.000 km,có lẽ cũng tạm đủ cho “cặp đôi …O60” này rồi.Chúng tôi dự định lưu lại thủ đô Vạn Tượng của cái xứ Lạn Xạng(tên nước Lào cổ) này 2 ngày để ăn Tết,rồi xuôi lại phương Nam.

Trước tiên là hỏi đường vào trung tâm thành phố,rồi tìm 1 khách sạn để tắm và…ngủ bù!Tiêu chuẩn tối cần thiết đối với chúng tôi là phòng nghĩ phải có máy lạnh.Ăn không ngon thì có thể chấp nhận,nhưng thiếu nước và thiếu ngủ thì không thể được.Nước thì nhờ cái ấm đun siêu tốc,nên không phải tốn tiền mua dọc đường.Riêng hôm qua,phải lang thang suốt trên đường nên không nấu được,buộc phải tốn hơn 10.000kip cho tiền nước uống,không kể mấy lon Pepsi.Bên Lào mua cái gì cũng phải nhớ nhân 3 lần để ..liệu mà xài.Hồi nãy,bà xã tui uống cái cà phê sửa tại quán phở mất 14.000kip,tính ra khoảng 40.000đ,không thua gì cà phê ở khu vực Brodard Sài Gòn.Đi vệ sinh ở bến xe cũng 3.000 kip,gần 10.000đ VN (he he!).

Người bán phở dặn tôi chạy tới đại lộ Kaysone Phomvihane,rẻ phải rồi theo đường này chạy thẳng thì về trung tâm thành phố .Tìm nhanh một khách sạn,để ngủ lấy sức sau một ngày vất vả và một đêm mệt mõi.Chúng tôi chọn ks Somnue,giá 120.000kip/đêm,có máy lạnh,trả bằng đô la Mỹ để nhận tiền kip thối lại,cách này có lợi hơn là đổi tiền Việt lấy kip Lào.



Theo dự kiến,chúng tôi sẽ thăm vài nơi nổi tiếng tại Vientiane như Khải hoàn môn tại Công viên Patuxay,chợ Morning,vài ngôi chùa như Pha That Luang….và chắc chắn phải đến bờ sông Mekong để nhìn nơi xa nhất mà chúng tôi tới được trên con sông mà mình đã gắn bó từ khi mới chào đời.

Và bây giờ ,trước tiên hãy tham gia vui Tết cùng với những người dân hiền hòa,mến khách trên xứ sở Triệu Voi.

Lào là một đất nước của lễ hội,hầu như mỗi tháng đều có.Họ có 4 cái Tết:Tết Dương Lịch,Tết Nguyên đán,Tết Lào(tháng 4) và Tết H’mong(tháng 12).Ngoài ra còn có các lễ hội như:Bun Phavet(Phật hóa thân),Bun Visakha Puya(Phật Đản),Bun Bang Phay (pháo thăng thiên),Bun Khao Phansa,Bun Khao Padapdin,…rải đều suốt cả năm.

Trong 4 cái Tết kể trên,có lẽ Tết Lào Bun Pi May là vui nhộn và đặc sắc hơn cả,nó dựa theo Phật lịch và mang đậm dấu ấn của Phật giáo Tiểu thừa.Nó diễn ra vào trung tuần tháng 4 dương lịch hàng năm trên các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong từ Myanmar,Thái Lan,Lào,Camphuchia và 1 phần thuộc các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Người Myanmar gọi là Tết Thingyan,người Thái gọi là Tết Songkran,còn người Campuchia (kể cả người Khmer Nam bộ) gọi là Tết Chol Chnam Thmay.Tại các nơi này,Phật giáo(Tiểu thừa) được coi là quốc giáo,làm phước là một trong những giáo lý căn bản nên đây là dịp để mọi người đi chùa tắm Phật,cúng Sư,bố thí để được phước.Té nước vào nhau chính là chúc cho nhau điều may mắn và hình như không ai né tránh điều may mắn mà người khác “tặng” cho mình.

14h chiều 14-4-2012,chúng tôi rời khách sạn để bắt đầu cuộc rong chơi trên đường phố thủ đô Vạn Tượng.Dọc theo đại lộ Kaysone Phomvihane là một không khí sôi động không khác gì hôm qua ở Pakse.

Vẫn những tụ điểm cố định rải rác trên đường.Có chỗ dựng hẳn mái che như “rạp” đám cưới bên ta,chất nhiều “kết” bia Lào màu vàng,một dàn âm thanh công suất lớn và thùng,thao,sô,vòi nước….cùng với người dân Lào đủ mọi lứa tuổi,thường mặc áo cùng màu sắc, thi nhau nhảy múa,hò hát và tạt nước ướt đẫm cả con đường.

Vẫn những phương tiện giao thông,chủ yếu là các xe bán tải,chất đầy người,với đồng phục xanh,đỏ,vàng,đen….chạy dọc theo phố để cùng nhau té nước.

Bia và nhạc,nhảy múa và tạt nước kèm những nụ cười hết cở,những tiếng reo hò tràn ngập niềm vui,đã làm nên những “Khôn Lao mặc muồn”(người Lào thích vui)!Khiến du khách nước ngoài cũng khoái chí tham gia.

Chúng tôi chạy đến cuối đại lộ Kay sone Phomvihane thì gặp Công viên Patuxay , bên phải là Văn phòng chính phủ, bên trái là Bộ Nông-Lâm ,còn ngay trên công viên là sừng sửng một tượng đài: Khải hoàn môn Patuxay.

Khải hoàn môn Patuxay xây dựng từ năm 1962 đến 1968.Khởi thủy đây là tượng đài Anousavary,để vinh danh những người chiến đấu chống Pháp,là một công trình kiến trúc đẹp,bề thế,nổi bậc trên nền trời xanh,hao hao giống Arc de Triomphe,nên được xem như là Champs E,nhưng vẫn giữ nét đặc trưng văn hóa dân tộc Lào bởi những hình tượng trang trí Kinari,nửa người nửa chim.Tượng đài được xây dựng nhờ kinh phí viện trợ làm sân bay của Mỹ,nên còn gọi là “đường lysée của phương Đông,băng thẳng đứng”.Và do thiếu kinh phí cũng như vài lý do khác,công trình vẫn chưa thật sự hoàn thiên.Người Lào đã quyết định không tiếp tục xây dựng,để nguyên khối tượng đài với màu xi măng nguyên thủy,là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử nghèo khó của đất nước,nhằm nhắc nhở mọi người phải phấn đấu để giúp cho tổ quốc tốt hơn!Nên tượng đài cũng còn có tên là “con quái vật bằng xi măng”!Giửa công viên là 1 hồ nước hình tròn lớn,hôm nay nó trở thành tụ điểm té nước lý tưởng của nhiều người .Một bãi xe gắn máy nằm phía ngoài công viên nhưng không có người trông coi.Xe cứ bỏ đấy,kể cả hành lý,rồi đi chơi thoải mái,thậm chí có xe còn tòn teng chìa khóa mà chủ xe thì không biết đang ở nơi đâu,người ta nói chẳng mất bao giờ!



Nhìn cái cách vui chơi của người Lào trong lễ hội tôi luôn thấy rõ cái hồn nhiên,chân chất nhưng không kém phần cuồng nhiệt,sôi động.Họ tham gia bằng hầu như tất cả phương tiện hiện đại tốt nhất mà họ có,trong một chừng mực có ý thức,không làm tổn hại cho bản thân và người khác.Có nhiều thanh thiếu niên Lào tóc nhuộm xanh,vàng…nhưng chẳng hề thấy “quậy quọ”,cũng khá nhiều xe gắn máy,chạy xuôi,chạy ngược,tạt nước lẫn nhau;nhưng tuyệt nhiên không có một trường hợp nào rú ga,nẹt “pô”,”bứt phá” tốc độ .Vì thế tôi chưa thấy một vụ vi phạm hay tai nạn giao thông nào “ghi dấu” trên đường kể từ lúc đặt chân trên đất Lào.Rời Patuxay Park chúng tôi xuôi theo dòng người xe đang chầm chậm chuyển động trên con đường tiếp theo,đại lộ Lane Xang (Lạn xạng,tên nước Lào cổ).Rất đông người vì đường chạy ngang qua trước một ngôi chùa mà nhiều người đang vào ra tắm Phật,người và xe chen chút nhau,vậy mà chẳng hề kẹt xe vì không có sự chen lấn giành đường.Ô hay,văn hóa đâu phải là cái gì cao siêu trên đất nước hiền hòa này,nó cùng với thiện tâm của con người,đang hiện diện khắp nơi như một thuộc tính tự nhiên.Cái “văn hóa”này có lẽ chẳng cần hô hào,kêu gọi,chẳng cần động viên,phát động phong trào và cũng không cần tìm kiếm điển hình “người tốt việc tốt”,như các “xã hội văn minh,tiên tiến”!

Đại lộ Lạn Xạng dẫn chúng tôi ra tận dòng Mekong,ranh giới thiên nhiên giữa Lào và Thái.Mùa này khô cạn,dòng sông chỉ còn luồng nước hẹp ,lượn chảy giửa đôi bờ cát vàng rực nắng.Chúng tôi thấy phía bên kia bờ,người Thái cũng đang vui Tết Songkran đến tận mé nước của dòng sông.Có lẽ họ cũng nhảy múa,ăn nhậu và “tắm nước” Mekong để mong cầu may mắn!

Tôi tiếc không thể ra tới mép nước để tiếp cận với dòng sông mà mình đã từng tắm mát lúc còn thơ,vì quá xa.Tuy nhiên,cái cảm giác đang đứng trên bờ của dòng Cửu Long nơi thượng nguồn, cách xa quê nhà đến 2000km,cũng làm tôi ngây ngất.Và trong cái ngây ngất đó còn dậy lên nỗi thích thú khi nhìn con Deahane,đang “hiên ngang” hiện diện!

Chúng tôi quay trở lại đường Lạn Xạng rồi rẻ phải,theo dòng người và xe cộ đang đi té nước lẫn nhau,cùng vui cái Tết của họ.Gặp một ngôi chùa,đó là chùa Si Muang,bà xã biểu dừng để vào cúng,lúc trở ra trên tay đã thấy buộc một sợi chỉ màu.Thì ra bà ấy mới vừa được một vị sư trong chùa làm lễ “buộc chỉ cổ tay”,một tập tục không thể thiếu trong ngày lễ Tết Lào.

Chúng tôi tiếp tục rẻ qua đường Chantha Khoumane để đến That Dam,là một ngọn tháp nhỏ,không biết niên đại,nằm trên vòng xoay mà vây quanh là các biệt thự cổ kiểu Pháp,trong đó có nhà hàng Chateau du Laos nổi tiếng.Tương truyền,rắn thần Nara 7 đầu ,là linh vật bảo vệ Vientiane,đã từng sống tại đây.

Chúng tôi tiếp tục lang thang ăn Tết Lào qua các nẻo đường Vạn Tượng.Được mời ăn gỏi cá và uống bia Lào.Được tạt nước cầu may và xối nước chúc phúc vào người .Ngôn ngử khác nhau nhưng nụ cười thì không biên giới,nên chúng tôi đang hưởng một cái Tết lạ lùng trong buổi chiều đầu tiên đến với Vientiane.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 2 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (23-07-2012 03:08 PM), dieuquang (11-10-2012 05:57 AM)
22-07-2012, 02:29 AM
Bài viết: #32
RE: Mong Minh Ký Sự
Có một lỗi nhỏ,xin sửa lại:




..".hao hao giống Arc de Triomphe,nên được xem như là Champs Elysée của phương Đông,nhưng vẫn giữ nét đặc trưng văn hóa dân tộc Lào bởi những hình tượng trang trí Kinari,nửa người nửa chim.Tượng đài được xây dựng nhờ kinh phí viện trợ làm sân bay của Mỹ,nên còn gọi là “đường ,băng thẳng đứng”."
:


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (11-10-2012 05:57 AM)
22-07-2012, 02:32 AM (Được chỉnh sửa: 22-07-2012 02:38 AM bởi baothai.)
Bài viết: #33
RE: Mong Minh Ký Sự
Phần 18 (Tiếp theo):

[Hình: attachment.php?aid=2374][Hình: attachment.php?aid=2375][Hình: attachment.php?aid=2376][Hình: attachment.php?aid=2377][Hình: attachment.php?aid=2378][Hình: attachment.php?aid=2379][Hình: attachment.php?aid=2380][Hình: attachment.php?aid=2381][Hình: attachment.php?aid=2382]

Vientiane ngày thứ 2.



That Luang và buổi chiều…

… “khứa lão” quậy!







Từ nhiều thế kỷ qua,Đạo Phật là quốc giáo của Lào.Dân số chỉ khoảng 7 triệu,mà Lào có đến trên 1.400 ngôi chùa .Thanh niên Lào,phần lớn trải qua một thời gian tu học ở chùa trước khi vào đời.Do vậy,tinh thần Phật giáo chắc chắn đã ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của dân Lào:hiền hòa,chân thật!Điều đó đã thể hiện rất rõ trong những ngày tôi đến đất nước này,nhất là khi tham dự Tết Bun Pi May hôm qua.





Từ khách sạn Somnuek,nơi chúng tôi đang ở,không cần biết tiếng Lào,chỉ cần hỏi “thạt luồng”,người ta sẽ chỉ đường đến ngôi chùa nổi tiếng đó.Có nhiều con đường đến Pha That Luang,riêng chúng tôi thì đến ngôi đền bằng con đường xuất phát từ hướng Đông. Có lẽ chúng tôi là những người may mắn, nên đi đúng con đường duy nhất,theo cái hướng “hoàng đạo”,mà trên đó ngôi đền xuất hiện thật uy nghi phía cuối đường về hướng Tây.Bởi chỉ có từ hướng này,tầm nhìn của ta không bị che khuất,sẽ lướt theo con đường nhỏ im vắng,xinh đẹp,giửa 2 hàng đèn trang trí,đâm thẳng vào ngôi đền rực rỡ, tráng lệ phía xa.

Đền nằm trong một khuôn viên rộng lớn có tường bao quanh với nhiều cổng ra vào.Xe 2 bánh thoải mái chạy vô trong,luồn lách khắp mọi nơi,hoặc nếu không sợ mỏi chân (đi hết các khu vực trong khu That Luang này phải mất nhiều cây số!) thì cứ bỏ đại đâu đó rồi cuốc bộ!

Vừa vào khỏi cổng thì chúng tôi thấy ngay một tượng “Phật nằm” khổng lồ,bày 2 bàn chân có chạm hình bánh xe pháp rất ấn tượng.Đây là “ngoại cảnh” chính mà có lẽ mọi du khách đến Lào đều cố gắng đến để chụp ảnh kỷ niệm.Trước ngày qua đây,tui đã đọc 1 thông tin về đoàn làm phim của ngôi sao điện ảnh Việt Trinh,mà ảnh minh họa là cảnh cô đứng bên tượng Phật nằm này.

Chung quanh ngôi đền That Luang,ngày trước có 4 ngôi chùa nằm trên 4 hướng Đông,Tây,Nam,Bắc,nay chỉ còn 2: Wat That Luang Neau (Bắc) và Wat That Luang Tai (Nam).(Wat,nghĩa là chùa trong tiếng Lào và Campuchia).

Vào những ngày Tết Bun Pi May này,các tượng Phật được mang ra phía ngoài chùa,đặt rải rác trong khuôn viên để dân chúng đến lễ bái và tắm Phật.Có một dãy các bà ngồi cạnh những thau nước thơm đầy bông hoa,phần lớn là hoa vạn thọ,để cung cấp cho khách vào tắm Phật.Tại đây cũng có thực hiện buộc chỉ cổ tay xin phước.

“Bá tánh thập phương”muốn có nước thơm hoặc được “buộc chỉ cổ tay” thì phải cúng tiền,tiền này được thu cho ngân sách nhà chùa,chúng ta không phải lo về sự thất thoát.Thêm một bàn các nhà Sư bên phia trái Chùa,tại đây,khách đến cúng chùa sẽ được Sư ban phước và công bố danh tính.Tui đã buộc chỉ cổ tay,còn bà xã thì được các Sư ban phước,qua loa phóng thanh, tui nghe trong cái đám “xà nhẹo”tiếng Lèo có 2 từ “Việt nam” lẫn lộn. Chắc ông xướng ngôn(là dân thường) nói “có một Phật tử Việt Nam đến cúng…” Chúng tôi lần lượt đi qua các tượng Phật đặt rải rác khắp nơi,nhìn xem người Lào thực hiện tục “tắm Phật” bằng cách tưới nước hương hoa lên các tượng này.

Đi vòng vo một hồi,nhìn thấy người Lào bán bánh gì ngồ ngộ,giống hệt bánh khọt,2 cái ốp lại,nóng hổi,ăn cũng khá ngon.Lại gặp loại bánh khác,gồm toàn nếp ép dẹp,gắn vào một que như cây kem,nướng trên lửa than,ăn không bằng bánh chuối nướng của mình.

Rời Chùa That Luang Tai,chúng tôi chạy qua ngôi tháp chính :Pha That Luang.

Đây là ngôi đền Phật giáo nổi tiếng ở Vientiane và là biểu tượng của nước Lào,được in trên đồng kip và quốc huy.Pha That Luang được dựng lên từ năm 1566,trên nền của một phế tích Ấn Độ xây hổi thế kỷ XIII,dưới triều vua Sethathirath.Tương truyền nơi đây đã lưu trử một sợi tóc của Đức Phật.

Tháp chính có hình 1 nậm rượu,cao 45m với chân đế là một đài sen cách điệu vuông cạnh 90m x 90m.Toàn bộ đài sen và tháp nằm trên thảm cỏ xanh rộng lớn được bao quanh bởi một hành lang có mái che,vừa là lối đi cho khách tham quan vừa là bảo tàng trưng bày các tượng đá,phù điêu cổ…

Vào thế kỹ XIX,người Thái đã phá hủy ngôi đền khi xâm lược nước Lào,cướp đi một số tượng quý và châu báu,sau đó ngôi đền đã được khôi phục theo nguyên trạng,để ngày nay trở thành báu vật của quốc gia Lào.

Chúng tôi rời Pha That Luồng,ra ghé khu chợ bán hàng lưu niệm bên ngoài,uống mỗi người một trái dừa,tính theo tiền Việt thì khoảng 30.000đ/trái.Cái nóng Lào thiệt sự đã ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc rong chơi,nhất là về việc ăn.Nó đã khiến cho chúng tôi chỉ muốn uống nước,uống thấy ngon và …uống tới phát no!



Sau đó chúng tôi theo đường Nongbone chạy mãi về hướng bờ Mekong,cuối cùng thì đến Chợ Sáng (Morning Market),theo tiếng Lào là chợ Talat Sao,một mặt của chợ này quay ra đường Lạn Xạng,nối liền công viên Patuxay mà chiều hôm qua chúng tôi đã ghé thăm.Trên đường đi tôi cũng phải tránh vài trận chiến súng nước.Thật ra,hoạt động té nước dường như chỉ sôi động từ lúc trưa đến chiều tối.Và hôm nay,lần đầu tiên cũng là lần duy nhất trên đất Lào,con Deahan được gửi vào bãi giữ xe,có người trông, giá 2.000kip.

Chợ cũng chia nhiều khu vực:Điện máy,gia dụng,may mặc,điện tử,….nếu không nghe tiếng nói,nhiều khi tôi tưởng mình đang đi chợ Việt Nam.Nhìn chung chẳng có gì hấp dẫn,nhất là chúng tôi không có ý định “shopping”,chỉ muốn tìm chỗ bán dầu gió để mua giùm người bạn.Nhưng không tìm gặp.Cuối cùng chúng tôi ghé quán cà phê Sinouk,nằm ở góc chợ,nhỏ nhưng sang trọng,đã có vài khách người Âu ,uống nước,ăn kem,nghĩ mệt.Luôn tiện chúng tôi cũng đổi thêm 100USD tại một quầy đổi tiền trước khi rời chợ sáng đi ăn cơm trưa.

Thế là xong một buổi sáng lang thang,tui bảo bà xã: “mình về nghĩ trưa cho khỏe,chiều nay tui chơi quần “xà lỏn”,bà mặc đồ gọn gọn,cất máy bự,chỉ mang theo con compact,tụi mình sẽ chơi tới bến với mấy thằng Lào!”

Cũng như hôm qua,buổi chiều là lúc hoạt động té nước diễn ra sôi động hơn.Các tụ điểm chắc là không thay đổi,chỉ tạm nghĩ qua đêm rồi tiếp tục cuộc chơi.Chúng tôi,bây giờ đã gọn ghẻ và sẳn sàng cho cuộc chiến té nước không cần tránh né.Chỉ cần bị ướt một lần là sẽ đón nhận những “ướt nhẹp” tiếp theo,dù tui đang mặc chiếc áo thun “Bảo Tàng Quang Trung” trước ngực.

Cũng như Campuchia,giao thông Lào rất thoáng trong việc sử dụng ô tô.Xe nào chạy được thì cứ chạy “vô tư”,không cần biết cũ mới ra sao,muốn chế,muốn thay đổi kiểu dáng thế nào cũng chẳng thấy cấm,miễn thấy không thiệt hại cho mình là được.Trong dịp Tết Bun Pi May này tui chứng kiến nhiều xe rất “quái”,như buổi chiều nay,một con Volkswagen đời 66,màu tím sen,gắn 1 đầu trâu phía trước,nắp “mũi” gở bỏ để 2 “trự” thanh niên ngồi vào,phía sau có một “trự” khác ôm đít con xe chạy diễu phố phường,rất ư là ấn tượng!Chúng tôi cùng nhập bọn với đoàn chiến binh đầu trâu ấy,qua các phố quen thuộc,ào ạt té nước lẫn nhau.Rồi tấp vào lề,nhảy múa cùng 2 ông bà chủ tiệm vui tính,ăn cơm nếp,gỏi lạp và uống chút bia Lào.Cuộc vui cứ tiếp tục cho đến gần chạng vạng .Người Lào còn chơi đến tối, 2 “khứa già” chỉ chịu nổi tới chừng này.Cái nóng Lào bây giờ đã hạ nhiệt, không đủ làm bớt lạnh 2 kẻ ham vui đang ướt nhẹp ,chúng tôi phải ráng giữ mình để tiếp tục cuộc rong chơi.Đường về nhà còn xa dịu vợi,những hoang vu,vắng vẻ vẫn chắc chắn đợi chờ.Nắng mưa,sương gió dọc đường suốt ngàn dặm đi qua vẫn chưa gây khó gì cho sức “lão”,chẳng lẽ nào vì một phút lơ đểnh ham vui mà phải ngã quỵ …đất Lèo!

Cuối cùng,đói bụng,chúng tôi vào một quán ăn tương đối lịch sự,để uống Bia Lào và ăn …nem nướng Nha Trang!Chấm dứt một ngày thực sự cùng người Lào ăn Tết.


File đính kèm Thumbnail(s)
                                   


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (11-10-2012 05:58 AM)
23-07-2012, 02:11 AM
Bài viết: #34
RE: Mong Minh Ký Sự
Phần 19 : Chuyến xe bão táp.

Về lại Pakse.



Sau khi ăn tô phở gia truyền Nam Định tại hiệu Trần Cường,chúng tôi vào bến ,thì không có xe 07h đi Pakse,chuyến 06 giờ đã khởi hành,xe gần nhất sẽ xuất bến lúc 09h,giá cả vẫn như lượt trước,370.000 kip.Lần này,con Deahan được cho lên mui cùng với đầy nhóc hàng hóa khác.Cũng giống như Campuchia,xe Lào chở khách và người thoải mái,miễn sao còn chỗ chở và khách còn chịu đi.Một xe đò vừa vào bến, chở cả bầy dê trên nóc,chẳng biết có buộc ràng gì không ?

Cuối cùng,cũng tới giờ khởi hành,chúng tôi bắt đầu chuyến xe đò trở về Pakse dài 685km đầy nhọc nhằn,khổ ải.



Thời gian chờ đợi đã trôi qua thật nặng nề.Bây giờ nhớ lại thấy mình không sáng suốt.Bởi chúng tôi đã mất đến 3 giờ chờ đợi,nếu cứ “cởi” con Deahan ngay từ lúc sáng sớm, thì đến chiều chúng tôi có thể “nuốt” 250-300km trong trạng thái thoải mái,đồng thời còn có thể thăm thú nhiều hơn.Ngồi chờ đợi để rồi phải theo một chuyến xe Lào bão táp,tệ hơn nhiều so với cởi Deahan!

Quốc lộ 13,chạy cặp theo dòng Mekong suốt từ Thủ Đô Vạn Tượng,về Hạ Lào.Đi xe đò,chúng tôi chỉ thấp thoáng thấy Cửu Long ở những đoạn đường chạy gần sát sông,mà điều này thì rất hiếm!Quốc lộ Lào tương đối tốt,có lẽ vì mới xây dựng,lại không nhiều xe lưu thông,hoàn toàn không thấy Cảnh sát “đứng đường”.Vừa rời khỏi thành phố,xe dừng lại nhiều lần để rước khách,dù khi rời bến đã không còn ghế trống nào,cho nên,trên hành lang chính giửa người ngồi lóc nhóc .Mãi đến khi thêm khách đứng cả trên những bậc lên xuống,xe mới thôi dừng.Không ngờ sau mấy chục năm,tôi lại đi 1 chuyến xe đò y chang thời Việt Nam thập niên 70-80 thế kỷ trước! Đây là xe chạy trên đất Lào,chưa có nguy cơ cháy nổ vì xăng dõm,nếu không sẽ nguy hiểm khôn lường!

Mặt trời ngày càng lên cao,cái nóng Lào theo đó,càng trở nên “ác liệt”,xe lại đầy nhóc người,khiến chẳng thể ngủ và cũng không còn hứng thú ngắm nhìn quan cảnh trên đường,mà lượt đi,trong đêm,không thấy được.Vì là con đường Bắc-Nam,đi qua nhiều tỉnh thành,tuy cũng nhiều rừng núi,nhưng không vắng lắm.Đất nước Lào dù cũng có rất nhiều cái để viếng thăm,nhưng trên các con đường quốc lộ,nhìn chung không thể sánh bằng nước ta,một đất nước đẹp tuyệt vời,từ rừng đến biển!

12h.Xe dừng tạm một điểm dân cư có vài hàng quán,người Lào đã quen lệ nên họ dễ dàng tìm món ăn trưa.Nhìn chung món ăn Lào dọc đường,không hấp dẫn được tôi.Hay tại vì tôi khó tính trong ăn uống?Nhất là cái e ngại về an toàn thực phẩm,lở chột bụng dọc đường thì rối trăm bề.Có một món ăn an toàn là cơm nếp,khi bã xã đến hỏi thì không còn.Thật ra là không còn thấy trên quầy,dù là cái nồi trống không.Tội nghiệp bà xã tui cứ vừa hỏi “cơm nếp!...cơm nếp!..”vừa ra dấu “tay cầm đủa và cơm”Chị bán hàng cứ lắc đầu tỏ ra không hiểu.Tui nói”bà ơi,ở đây mà bà cứ…cơm nếp…cơm nếp hoài thì …không có …cơm mà ăn!Bà xã tui bèn “lẫy…kiều” : ông giỏi thì đi mà hỏi.Chết chưa,bây giờ mới thật là rối trăm bề đây.Mình chỉ có ý là : ở trên đất Lào mà nói “cơm nếp” thì làm sao họ hiểu,còn dân Lào ăn bóc thì làm sao biết tới “và” cơm!May sao tui chợt nhớ mấy bà mẹ mình chơi với con lúc còn bé xíu cái trò “nắm xôi con…nắm xôi…con”,vừa nói vừa nắm,mở bàn tay.Tui bèn đưa tay trước mặt cô chủ ra dấu bóp bóp “nắm xôi”.Và thật không ngờ,hiệu quả tức thì,không phải là với cô này,vì đã hết cơm,mà với cô chủ hàng bên cạnh, nhìn sang thấy,vừa kêu ơi ới vừa ngoắc,tui bước qua,cô bước vào trong bê ra một chỏ xôi nghi ngút khói!Bà xã tui cười muốn bể bụng và chắc là ..tâm phục khẩu phục cái tài nói tiếng …Tay của tui.Nếu không có gói cơm nếp này,chắc chúng tôi đói thê thảm.

Xe tiếp tục lên đường trong cái nắng Lào cháy đường cháy sá.Mặt trời lúc này đã nghiêng về hướng Tây,lọt qua cửa sổ vào hàng ghế tôi ngồi.Nắng và nóng cùng với số khách dư,đứng ngồi lố nhố,che khuất tầm nhìn,hơi người hầm hập,khiến tôi không còn thiết tha tới nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường.Du lịch mà như kiểu này suốt thì còn gì là thú vị.Bây giờ tôi thật sự thấy hối tiếc cho việc chọn xe đò cho chuyến trở về Pakse.

15h30,xe tới trạm dừng chân Thakek,có vài khách xuống xe,nhưng cũng có vài khách mới lên,trong số đó có một cặp thanh niên da trắng (sau này hỏi ra là người Thụy Sĩ ) mang ba lô to bộn!Tui thật sự ngán ngại cho họ khi phải chịu đựng cái nóng và cái chật chội không chỗ ngồi trên xe;nhưng có vẻ họ chẳng hề quan tâm!

Xe tiếp tục lên đường trong cái nóng hầm hập của buổi chiều tà.Bây giờ tôi mới thật sự thấy thấm cái cực nhọc của ngồi xe đò không máy lạnh,chật chội và dài lê thê này.Chạy xe gắn máy,trời tuy nóng nhưng nhờ cái gió thổi vào người dù không làm mát nhưng cũng làm ta dễ chịu.Chạy xe gắn máy,tuy phải lo điều khiển xe,không thảnh thơi tay chân,không được ngã lưng nghĩ suốt nhiều giờ,nhưng thoải mái,muốn ngừng đâu thì ngừng,muốn xuống xe đi đứng,nằm ngồi xã hơi đâu đó thì cứ tự mình quyết định.Chỉ việc tự do ngắm nhìn cảnh vật cũng đủ làm mình thích thú mà quên đi mệt nhọc.Nếu đi bằng xe 2 bánh,chắc tui đã ghé lại 1 guesthouse dễ thương nào đó bên đường và sẽ có dịp đi vòng vòng xung quanh để biết thêm điều gì hay ho nơi xứ lạ.

17h20’,xe lại dừng tại một trạm nghĩ mà tôi không biết tên vì không đọc được chữ Lào.Một số khách xuống xe,nên lại chờ rước thêm khách mới.Tại đây có bán gà nướng và hột gà luộc “xỏ que tre”.Tui không thể ăn được thứ nào.Trời tối dần,tôi đoán tới Pakse sẽ không trước 12h đêm.

Chúng tôi vật vờ trên xe cho đến 01h10’ sáng ngày 18-4-2012,thì xe ngừng cho vài khách xuống.Trời quá tối,tôi vẫn chưa biết tới hay chưa,chỉ nghe người Lào nói chuyện vơi nhau thì làm sao hiểu được.Cứ nghĩ chừng nào tới bến,xe ngừng, mọi người xuống thì mình xuống theo.Nhưng bà xã nói hình như xe chạy tuốt Attapeu lận.Rồi khi thấy cặp đôi Thụy Sĩ xuống xe cùng một thanh niên trẻ(có lẽ là tour guider),thì tui quyết định xuống theo.Cũng may là tui vừa thoáng thấy Champa Hotel trước khi xe dừng bánh,nên chỉ chạy trở lại 1 đoạn ngắn là gặp.Lúc đó đã 01h30’ sáng,khách sạn không kể là ngày mới,nên chúng tôi đành phải trả 120.000kip cho mấy giờ bị lở đường.

Tắm xong thì đã 02h sáng,chúng tôi ngủ một lèo tới 07 giờ mới thức,kết thúc chuyến xe “bão táp”,dù sao cũng hú hồn vì không phải trở lại Attapeu!


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
23-07-2012, 02:13 AM
Bài viết: #35
RE: Mong Minh Ký Sự
Phần 20 :

Ngày 17-4-2012



Pakse à Si Phon Don :145km.



Một giấc ngủ ngon ơ 5 giờ tuy không đủ giấc nhưng cũng phần nào giúp chúng tôi có thể tiếp tục cuộc hành trình xuôi về vùng 4000 đảo Nam Lào.Tuy nhiên,trước mắt phải dành chút thời gian còn lại ở Pakse để đi chợ Đào Hương.

Một điều thú vị là những người giàu nhất nước Lào hiện nay đều là người Việt,càng thú vị hơn khi nhiều người trong số họ là nữ,vốn xuất thân là những cô gái mua gánh bán bưng từ những thập niên cuối của thế kỷ trước.Gia sản của họ ngày nay có thể lên đến hàng trăm triệu USD.

Ta có thể kể một vài người điển hình như :

Bà Nguyễn thị Hon,quê Ninh Bình,sống ở Vientiane,là chủ một hệ thống bến xe,xe khách cùng nhiều xưởng đóng xe hoạt động trên khắp nước Lào.

Bà Đặng thị Lý,gốc Quảng Bình,là chủ của 20 nhà xưởng qui mô,trên 50 khách sạn cùng một hệ thống cửa hàng vật liệu xây dựng cung cấp cho Pakse và các tỉnh Nam Lào.

Đặc biệt là Bà Lê thị Lượng,được người Lào ở Paksong gọi là“Mẹ” để tỏ lòng tôn kính vì đã hết lòng giúp ích cho họ. Bà là người gốc Huế,lập nghiệp ở Pakse, chủ tập đoàn Dao Heuang,chuyên doanh cà phê,xuất sang nhiều nước trên thế giới,đặc biệt thương hiệu cà phê “Dao” rất có uy tín trên thị trường Mỹ,EU và Nhật bản.Bà còn là chủ chợ Đào Hương lớn nhất các tỉnh Nam Lào.

Chúng tôi hỏi đường ra chợ Đào Hương.Đó là ngôi chợ lớn được bao bọc chung quanh bởi các dãy phố bán buôn đủ loại hàng hóa,ở giửa là một nhà lồng chợ lớn cở chợ Bình Tây,là nơi bán sĩ và lẽ các mặt hàng giống như các chợ đầu mối ở Việt Nam.Bà xã đi chợ để tìm mua mấy lố dầu gió mà trên Vientiane chưa mua đủ.

Bà Lê thị Lượng đã đầu tư hơn 5 triệu USD xây dựng chợ Đào Hương là để cho người Việt tha hương có nơi chốn nương tựa buôn bán.Cho nên hơn phân nửa các sạp hàng nơi đây có chủ là người Việt.Ít người biết rằng bà đã chịu lỗ khá nhiều trong việc đầu tư chợ vì tiền thu không đủ bù chi.Chẳng qua cũng chỉ là nâng đở lẫn nhau.Đó là theo lời Bà tâm sự.

Bà xã đã mua được ít dầu,giá rẻ hơn trên Vientiane .Ngoài ra bả còn mua 2 miếng gà nướng nóng hổi “để chiều uống bia”.

11h10’,chúng tôi rời chợ.

Trên đường trở về khách sạn,bổng “được” 2 CSGT Lào chận đường kiểm tra.Bà xã tui hoảng hồn,tui nói bình tĩnh,có gì đâu mà sợ.Ôi tội nghiệp,cái nỗi sợ hãi trước nhân viên công quyền ăn sâu trong đầu óc nhiều người từ lúc nào không biết, khiến nó trở thành như một nghịch-lý-có-thật,hể bị xét hỏi thì lại giật mình giật mẩy,dù biết chắc mình chẳng vi phạm điều gì.Bây giờ,trên xứ lạ,cũng thế,dù tự tin mình hợp lệ nhưng vẫn cứ lo âu.Bà xã xuất trình giấy tờ:hộ chiếu,giấy phép tạm nhập xe,bảo hiểm,bằng lái,…sau một hồi xem xét 2 vị trả lại giấy tờ,mặt vẫn lạnh như tiền.Tui tranh thủ xin “chộp” ảnh kỷ niệm nhưng 2 vị khoát tay bỏ đi,bà xã chỉ kịp chộp tui và 2 cái lưng áo vàng.

12h33’,tôi trả phòng rồi rời khách sạn.

Thế là chúng tôi lại bắt đầu cuộc đi quen thuộc,cởi Deanhan trên những đoạn đường xa,chắc chắn vắng người.Ngoại trừ 2 chuyến đi xe đò,trước mỗi cung đường mới,nơi xứ người,tôi đều cảm thấy ít nhiều lo âu.Trước tiên,phải hỏi thăm đường sá đi về biên giới Campuchia cho chắc ăn. “Từ khách sạn Champa,trở ra đường cái,con đường mà hồi tối xe dừng cho khách xuống,rẻ trái,đi mãi,đi mãi sẽ tới biên giới”.Đó là lời tư vấn đầu tiên.Tôi còn hỏi thêm một lần nửa tại một xưởng sửa xe người Việt.Đây chính là quốc lộ 13,con đường chạy xuyên suốt từ biên giới Trung Quốc phía Bắc , qua cố đô Luang Prabang,Vientiane,Pakse,rồi sau cùng về biên giới Campuchia phía Nam.Tôi lại điện thoại cho Ông bạn Đỗ văn Chuông,hỏi thăm về an ninh trên đường về Campuchia.Bạn tôi trả lời rất tốt và đề nghị nên ghé thăm Wat Phou,di sản văn hóa thế giới.Cách Pakse khoảng 45km.

Và thế là cuộc phiêu lưu lại tiếp tục,sau khi nạp thêm nhiên liệu.Đường Hạ Lào lại bắt đầu vắng,như những nơi tôi đã đi qua.Tuy nhiên,vì đây là trục đường chính,qua nhiều tỉnh thành quan trọng,lại nằm sâu trong nội địa và nhất là chạy cặp theo dòng Mekong vĩ đại,nơi tập trung tương đối đông số dân cư ít ỏi của Lào.Thỉnh thoảng có xe khách mang biển số Việt Nam vụt lướt qua,chắc là xe chạy xuyên Đông Dương.Cái nóng hạ Lào vẫn luôn đeo đuổi chúng tôi,2 chai nước của khách sạn chẳng mấy chốc đã không còn.

13h30,chúng tôi đến cột cây số 30,nơi đây có tấm biển lớn giới thiệu di sản Wat Phou cách 17km.Rẻ phải,theo con lộ 140 chúng tôi chạy khoảng 6km thì tới một bến đò và đây là điều ngoài dự kiến: “qua đò đi thêm khoảng hơn 10km nửa mới tới đền Wat Phou”,đó là lời hướng dẫn của 1 Tây ba lô đang ngồi tránh nắng,đợi xe dưới một mái hiên nhà.Tôi chạy thẳng xuống bến sông,dòng Mekong cạn nước nên 2 bờ cũng chẳng mấy xa nhau .Ngoài chiếc phà vận chuyển ô tô,nếu muốn qua sông tôi phải trả 30.000 kip cho một loại phương tiện độc đáo,gồm 2 hoặc 3 chiếc thuyền con ghép lại,bên trên lót nhiều tấm ván đóng liền nhau làm thành một chiếc “bè” có mái che,đủ để chở một lần khoảng 3 xe gắn máy cùng vài khách bộ hành.Tình hình này quả thật chẳng tiện để đến Wat Phou,vì điểm đến trong ngày là khu vực Siphandon còn cách xa đây hàng trăm cây số.Tôi đành quay đầu xe và thầm hẹn một ngày nào đó sẽ trở lại bến sông này .

Trở ra đường 13,chúng tôi tiếp tục xuôi về phương Nam trong cái nắng Lào hừng hực.Ghé quán bên đường,mua vội 2 bọc nước mía,thêm 1 bịt nước đá để dành tiếp hơi,rửa mặt khi cái nắng đang đổ lửa trên đầu.

Con đường tiếp tục chạy qua những quãng vắng người,bên trái là khu dự trử sinh học quốc gia Xe Pian nối liền khu dự trử Dong Hua Sao từ Pakse chạy suốt xuống Hạ Lào, bên phải vẫn là rừng khô mùa nắng,thỉnh thoảng một bầy trâu đầm mình trong vũng cạn phía xa.Những bản Lào ở khu vực này,nếu có,chắc đều tập trung trên bờ Mekong chảy dọc bên kia cánh rừng,nên cái “điệp khúc vắng người” lại tiếp tục suốt hàng trăm cây số.

16h30’,chúng tôi đến bản Hatsay Khoun,bên trái con đường có ngôi chùa mà trên đỉnh cao sừng sửng một tượng Phật vàng chói.Bên phải là một ngôi chùa khác mà cỗng vào có rắn thần Nara,uốn lượn dọc 2 bên đường dẫn với hàng trăm bậc thang,lên chùa ở tít trên cao.Chộp vài tấm ảnh kỷ niệm xong,chúng tôi cặp theo con đường bên cạnh rẻ xuống bờ sông cách đường 13 một cây số.

Nhìn dòng sông Mekong trước mặt,đang yên ả trong cái nắng gắt xế chiều,tuy vẫn còn oi bức,nhưng những đảo nhỏ lô nhô giửa mênh mông hoang dã đã nhắc chúng tôi đến lúc phải dừng chân.Khung cảnh tuyệt vời này,thảo nào đã hớp hồn nhiều khách Tây “đi bụi”,khiến Siphandon bao năm qua đã trở thành “Thiên đường của dân phượt ba lô”,lở đến một lần lại muốn trở lại lần sau.

Giống như bến đò ở Wat Phou,tại đây phí qua sông cũng 30.000 kíp cho 2 người và con “xế nổ”,bằng loại phương tiện mà tôi đã mô tả.Vì tấm ván lót trên thuyền có bề ngang không rộng hơn chiều dài của con Deahan lắm,nên lúc siết ga lên “phà”cũng phải thủ sẳn thắng tay,bóp kịp lúc,nếu không rất dễ phóng tuốt sang bên kia và tắm mát với Mekong. Một “cò” hướng dẫn hứa tìm khách sạn tốt khoảng 80.000 kip/đêm.Anh ta nói tiếng Anh bồi rất tốt nhưng mình dở ngoại ngữ nên thật mệt mõi để …hiểu anh ta.

Dòng Mekong giờ này thật yên tĩnh,có một thuyền con đang lưới cá trên sông.Nhiều đảo nhỏ rải rác,chen lẫn những đảo lớn khiến tầm nhìn chỉ giới hạn trong một đoạn ngắn,nên đôi khi ta có cảm giác như đang lướt trên một hồ sóng lặng.Chuyến vượt sông thật êm trong buổi chiều nhạt nắng.Khoảng 20 phút thì “phà”cập bờ đảo Don Khong.Mùa này nước cạn nên từ mép nước lên đến đường là một khoảng dốc rất căng,tui vô số 1 kèm sự trợ giúp của 2 “số chưn”,siết ga,con Deahan loạng choạng suýt ngã;nhưng rồi vẫn vượt dốc an toàn,chỉ để rơi một bị đồ do bị đứt dây thun!

Khách sạn Kang Khong nằm ngay trên bến,có phòng 80.000kip nhưng không máy lạnh;chúng tôi đành phải chọn phòng 110.000kip có máy điều hòa để dễ ngủ qua đêm.Khách sạn được cất theo kiểu nhà sàn truyền thống Lào,hoàn toàn bằng gỗ, với trang trí nội thất cũng bằng gỗ và mây,nằm trong 1 khuôn viên nhiều cây xanh trông thật mát mắt.Giày dép được để lại tại chân cầu thang,nhưng tui quen “thói quê nhà”,xách lên đến sàn để “cho chắc ăn”,chợt nhớ đây là xứ Lào nên cũng hơi “mắc cở”!Bèn mang xuống trở lại.

Nhận phòng xong chúng tôi vội đi rong khi trời còn nắng,chộp vài tấm hình trên đảo lúc hoàng hôn.Một số khách Tây đang lang thang đây đó, cùng vài trẻ con đùa giỡn trên đường.Một dãy nhà sàn nằm chồm ra phía bờ sông,thoáng đảng,dễ thương dùng làm quán ăn hoặc bán cà phê,từ đó khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh mặt sông Mekong rải rác những hòn đảo nhỏ và một thuyền con đang lưới cá trong cái yên bình kỳ lạ:thật êm đềm,chậm rãi,thật lặng lẽ,hoang sơ.Mọi tranh chấp đời thường,mọi bon chen sát phạt…cùng cái nhịp sống vồn vã đầy tính”cơ khí”,dường như không len lên được chiếc thuyền con lót ván đơn sơ,nên đã ở lại bờ bên kia với thế giới hổn độn,ồn ào. Có lẽ đó là lý do để nhiều khách phương Tây tìm đến Don Khong với 4.000 hòn đảo.

Nắng đã tắt hoàn toàn,chúng tôi trở về khách sạn,tắm rửa rồi ăn cơm nếp,gà nướng và cùng nhậu bia Lào.

Ăn xong chúng tôi xuống đường,thả bộ lang thang,để tận hưởng cái không khí yên bình vừa bỏ dở.Tình cờ tôi gặp lại anh chàng người Thụy sĩ đi chung chuyến xe hôm qua,đang cùng một một nhóm ba lô khác uống bia trong một quán dưới bến sông.

Chúng tôi quay trở lại nhà định ngủ sớm để mai tiếp tục hành trình đến Thác Khon,thì gặp anh bạn “cò”Lào đứng đón,mời chào một chuyến đi thuyền thăm các đảo và xem cá heo,với giá “hửu nghị” 250.000 kip,tôi từ chối vì không đủ thời gian.

Ngày thứ 19 của cuộc rong chơi kết thúc như thế.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
23-07-2012, 02:19 AM
Bài viết: #36
RE: Mong Minh Ký Sự
[Hình: attachment.php?aid=2385][Hình: attachment.php?aid=2386][Hình: attachment.php?aid=2387]


File đính kèm Thumbnail(s)
           


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
23-07-2012, 02:21 AM
Bài viết: #37
RE: Mong Minh Ký Sự
Phần 21.



Ngày 18-4-2012



Don Khong à Biên giới Lào-Camp.



1/Qua phà bản Huay-bản Hat.



Dù trên hòn đảo yên bình,trong một đất nước mà mọi sinh hoạt hàng ngày đều “ngái ngủ”vô tư,chúng tôi vẫn quen lệ,thức hơi sớm hơn,đun nước,pha cà phê,thử nhâm nhi theo cái kiểu Lào,ngồi chờ bình minh tới.

Hôm nay,lộ trình để đến điểm dừng kế tiếp(Stung Treng,Campuchia),chưa đầy 100km,nên không có gì phải vội.Theo gợi ý của 2 Ông bạn già Ba Chuông và Hai Ường thì phải ghé thăm Wat Phou và Thác Khone.Hôm qua không thăm được Wat Phou,chúng tôi rất tiếc!Vì vậy nhất định phải vào tận Thác Khone,cái thác nổi tiếng trong bài học địa lý từ những năm trung học,nó đã làm cho việc giao thông thủy ngược dòng Mekong bị chận lại ở biên giới Campuchia-Lào.

Bây giờ,chúng tôi bắt đầu một buổi sáng tà tà chạy rong trên đảo.Trước tiên hãy đến bờ sông xem có cảnh bình minh ngoạn mục nào chăng.Chẳng có gì,vẫn chỉ 1 chiếc thuyền con lưới cá,các đảo nhỏ lô nhô và hình như có một chiếc thuyền chở khách du lịch vừa nổ máy.

Rời bờ sông,chúng tôi trở lên con đường chính,ghé một quán tạp hóa có …hủ tíu.Campuchia có món hủ tíu Nam Vang nổi tiếng tới Sài Gòn;nhưng món hủ tíu Lào ở Đảo Don Khong thì chỉ để dành nạp thêm năng lượng chứ chẳng ngon chút xíu nào!

Tại quán còn có dịch vụ sửa xe Honda,nên tôi nhờ xem lại sợi sên,nó cứ kêu lột sột từ đoạn đường Paksong qua Pakse,tui biết do sên nhưng căng chỉnh hoài không hết,dù chạy vẫn an toàn.Tui biểu anh thợ Lào ngồi lên xe, tui chở để anh lắng nghe.Sau 1 vòng ngắn,anh ta tỏ vẻ “đây là chuyện nhỏ”,rồi cũng căng cũng chỉnh… giống tui,đến chừng tui chạy thì vẫn y…chang!Thôi kệ,tới đâu hay tới đó.

Ăn sáng và sửa xong xe,chúng tôi còn chạy lòng vòng quanh khu vực huyện lỵ nhỏ bé một lần nửa rồi trở về khách sạn.

Đây là đảo lớn nhất trong số 4000 đảo trên dòng Mekong Hạ Lào,thuộc huyện Muang Khong,có diện tích khoảng 5 cây số vuông.Khu vực này là huyện lỵ,có vài nhà nghĩ tốt và khách sạn sang trọng.Tuy nhiên có một số Tây ba lô đến đây,lăng lóc bụi đời cả tháng,ăn ở theo cái giá “tiết kiệm không tưởng” : 1USD/đêm(nhiều người chia nhau 1 phòng không máy lạnh).Hoặc có khi họ lang thang khắp nơi,chiều tối tụ tập nhau uống bia tại các bungalow cạnh bờ sông,rồi ngủ luôn ở đó,khỏi tốn tiền!Đã từng có một anh chàng Ireland,sống tại đây một hai tháng trời,đến độ nói được tiếng Lào,bằng cái “chi phí tiết kiệm” kiểu đó.Hết tiền,anh về nước,cày bừa một thời gian rồi lại trở qua!

09h05’,chúng tôi giã từ ông chủ khách sạn Kang Khong hiền hòa.

09h20, chúng tôi rời khách sạn,theo đường chính chạy về hướng bến phà,thuộc bản Huay,phía gần cuối đảo.Con đường chạy qua vài cánh đồng nhỏ phía tay phải và các vườn cây xanh ẩn hiện những ngôi nhà sàn Lào yên ả bên tay trái,dọc bờ Mekong.Chẳng mấy chốc chúng tôi đến bến phà,rất đơn sơ,gồm một đường dẫn xuống mé sông,phà chỉ cần cập vào,hạ mũi bàn đò gát lên bờ nơi cuối đường dẫn,cột chặt cáp,để các loại xe chạy xuống.Tại đây đã có 1 xe tải đậu chờ,chiếc phà thì đang vận chuyển mấy xe con qua bờ bên kia.Còn lại là các đò nhỏ,kiểu mà nhờ nó chúng tôi đã qua đảo,nhưng tại bến này chỉ tốn 10.000kip cho 1 lần vượt sông,nếu hôm qua chịu khó chạy thêm 4 km như bảng chỉ dẫn ngoài quốc lộ 13 thì chúng tôi tiết kiệm được 20.000 kip.Tuy nhiên,số tiền mắc hơn này, theo tôi,chẳng uổng chút nào,xem như đó là chi phí xứng đáng để trả cho chuyến vượt qua khúc sông đẹp trong một chiều nhạt nắng Hạ Lào.

Tôi không chờ phà mà cẩn thận bò lên chiếc đò nhỏ như ngày hôm qua.Lần này có nhiều khách và xe thay vì chỉ có 2 chúng tôi.

Sau khoảng 20 phút đò cập bến,bến này thuộc bản Hat,dốc và nhiều cát,vì chở nặng tôi buộc phải siết ga lớn và cũng cố gắng hết sức tôi mới không bị “lộn mèo”!




(Xin xem phần tiếp theo)


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 2 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (23-07-2012 03:11 PM), dieuquang (11-10-2012 05:59 AM)
23-07-2012, 02:23 AM (Được chỉnh sửa: 23-07-2012 02:24 AM bởi baothai.)
Bài viết: #38
RE: Mong Minh Ký Sự
Phần 21(tiếp theo).



Thác Khonephapheng.



Nơi xa nhất mà chúng tôi tiếp cận với Mekong là thủ đô Vientiane,ở đó nó cũng chỉ rộng khoảng hơn 1000 m.Dòng sông cứ thế xuôi về phương Nam,rồi đột nhiên bung rộng ra ở Hạ Lào,nơi sắp chảy qua biên giới Campuchia,với hàng ngàn đảo lớn nhỏ.Vào mùa nước nhiều đảo nhỏ bị chìm khuất khiến bề rộng của sông có nơi lên đến trên 10km.Vào mùa khô,các đảo lại chia cắt dòng sông thành nhiều con rạch nhỏ,len lõi qua hàng ngàn đảo,tạo nên một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú,lạ lùng nên Siphandon cũng có nghĩa là 4.000 hòn đảo.

Rời bến phà bản Hat,tôi chạy vòng vèo theo một xóm nhỏ trước khi tìm được đường dẫn ra quốc lộ 13,tiếp tục xuôi về phương Nam.

Khi chuẩn bị qua Lào,tôi nghe nhiều người nói:đi Champasak mà không thăm thác Khone và Siphandon 4.000 đảo thì coi như chưa tới Champasak.Mà nổi tiếng nhất trong số 4000 đảo là 3 đảo Don Khong,Don Det và Don Khon.Và hôm qua chúng tôi mới vừa trải qua một thời gian ngắn ngủi và thú vị trên Don Khong.

Chắc chắn chúng tôi không đủ thì giờ để lên 2 đảo còn lại,nhưng vẫn phải tìm đến bến sông xem qua cho biết sự tình.



11h20’,chúng tôi tới bản Nakasang,đây là bến đổ chính của dân phượt ba lô khi tìm về Siphandon 4.000 đảo.Thật là ngạc nhiên khi nơi đây không có một công trình “hoành tráng” nào,không có một loại hình kinh doanh hiện đại nào, vậy mà trước mắt tôi đã có hàng chục xe đủ loại đang đổ hàng trăm khách Tây,ai cũng mang trên lưng một ba lô đầy căng.Họ lũ lượt đi xuống bến nước,nơi mà mấy chục chiếc thuyền máy,giống loại tắc ráng của ta,nhưng với mũi nhọn đặc trưng của Lào,đang chờ đợi hoặc đang nhộn nhịp tới lui trên mặt sông có nhiều đảo nhỏ.Từ đây du khách sẽ được vận chuyển đi thăm các đảo nổi tiếng như Don Det,Don Khon,Don Tao,Don En,Don Phapheng…mà tâm điểm là 2 đảo Don Det và Don Khon.

Các đảo gần nhau ở khu vực này đôi khi được nối liền bởi những cây cầu.Có một cây cầu mà dân phượt ba lô rất thích đến chơi,đó là cầu nối 2 đảo Don Det và Don Khon,do người Pháp xây dựng từ năm 1910,bây giờ vẫn đẹp một cách cũ kỹ,khiến nó được xem như “cầu sông Seine” ở vùng Siphandon . Ngoài ra tại đây chúng ta cũng có thể đi xem đường ray và đầu máy xe lửa cổ,thác Liphi,thác Khone Phapheng,xem cá heo nước ngọt (irrawaddy dolphin)…với chi phí thấp hơn rất nhiều so với cái giá mời gọi của “chú cò Lào” (250.000 kip).Đặc biệt,cái vụ xem cá heo thì… hên xui,mà xui thì nhiều hơn,nghĩa là ngồi chờ hoài chẳng thấy con “heo cá”nào nổi cả,vì nghe nói mỗi tháng chỉ nổi 1 hay 2 lần.

Nhớ lại bài học địa lý ngày xưa: sông Cửu Long ở vùng Hạ Lào có nhiều gềnh thác,mà thác lớn nhất là thác Khône,khiến cho tàu bè không lưu thông được lên phía thượng nguồn.Người Pháp đã bỏ nhiều công sức để chinh phục,nhưng không thành công,đành phải xây dựng cầu và một đường sắt nối liền 2 đảo Don Det và Don Khon,như ta đã biết, để vận chuyển gỗ.

Bây giờ,người Lào không cần phải tìm cách vượt sông Mekong nửa,vùng Siphandon này tự nó đã trở nên là báu vật của đất nước triệu voi,bởi cái hồn hậu của dân tình,cái hiền hòa của sông nước,cái hoang dã của thiên nhiên và cả những cái mà du khách đến đây,tự trãi nghiệm và tận hưởng.Cho nên,đã có không ít Tây ba lô,năm nào cũng đến như một sự trở về,thậm chí họ ở luôn suốt nhiều năm,sống và sinh hoạt như người bản địa.

“Laos-simly beautiful”.

Vâng,đẹp một cách mộc mạc,giản dị như những gì mà đất nước và con người Lào đang có.

Vì vậy,khi vào năm 1990,một “Lào kiều”từ nước ngoài về đánh thức cái vùng đất Siphandon 4.000 đảo,thì cũng đã đánh thức cái vẻ đẹp “tiềm ẩn”vốn có đó của đất nước và con người nơi đây,cái vẻ đẹp quyến rủ bởi sự mộc mạc lẫn hoang dã.Kể từ đó,người ta nói vùng đất này chẳng thay đổi gì nhiều sau hàng chục năm làm du lịch.Người Lào không đầu tư xây dựng hoành tráng,không khai thác lợi thế thiên nhiên theo kiểu ăn sổi ở thì bằng những công trình hiện đại tốn kém nhằm “tiện nghi hóa cái công nghiệp du lịch”một cách thiếu hiểu biết.

Tới bây giờ,những con đường trên đảo vẫn cũ kỹ.Điện không thừa thải để biến những ngõ quê thành phố thị sáng choang!Nước,thì thật tuyệt vời vì giòng Mekong chưa hề bị ô nhiểm bởi những cách sản xuất “vô trách nhiệm”.Tất cả chỉ vừa đủ để khách du lịch “cảm nhận một cách thích thú”cái không gian “nhà quê”mà họ phải vượt hàng ngàn cây số để tìm đến.

Nhìn khách Tây đang lũ lượt xuống bến,nhìn giòng sông đang nhộn nhịp thuyền con,vượt sóng qua vùng ngàn đảo,chuyện chúng tôi phải bỏ đi thật chẳng dễ dàng.Một chút thú vị khi tôi bắt gặp anh chàng Tây đang vác bình nước lọc,tay có buộc “chỉ phước” y như người bản địa,phải chăng anh đã “mọc rễ” xứ này?

Rất tiếc vì nóng ruột về nhà (đúng là giang hồ vặt),chúng tôi đã bỏ qua những hòn đảo thú vị này để tiếp tục trở về quốc lộ 13 đi thăm một nơi được mệnh danh là “báu vật của Mekong” hay “Niagara châu Á : thác Khonephapheng.

Theo bảng chỉ dẫn bên đường,chúng tôi rẻ phải theo hướng sông Mekong,chạy khoảng 2km thì đến bờ sông,vì quẹo sai đường.Trước mặt lúc này thật ra chỉ là phía trên thác,tuy nhiên ngoài xa đang là dòng Mekong đang hồi vượt qua những chỗ đầy đá,nên đã có vẻ bắt đầu sôi sục.Tình cờ chúng tôi chứng kiến một lễ cúng lạ trong một căn trại nhỏ bên sông,chắc là cúng cầu phước.Chộp vài tấm ảnh làm tư liệu chúng tôi quay trở lên chạy tiếp một đoạn ngắn thì đến thác.

Thác cao khoảng 21m,còn có 1 thác phụ là Liphi hay Somphamit,cùng nhiều ghềnh thác nhỏ trải dài trên 10km.Đây là thác có lưu lượng lớn nhất châu Á:trung bình 11.000m3/giây,tối đa lên đến 49.000m3/giây vào mùa nước lớn!

Chúng tôi gửi xe, đi bộ vào bên trong.Cạnh thác là một khu liên hợp gồm nhà hàng,nhà ngắm thác,bán hàng lưu niệm cùng vài công trình khác nằm dưới tán rừng xanh mát rượi.Ngoài ra còn một dãy “chòi” đơn sơ do người dân lập nên để bán đồ ăn,thức uống.Chúng tôi len lỏi qua các lùm cây để tiếp cận con thác.Bây giờ là mùa khô,ít nước,nhưng những rạng đá lộ ra lởm chởm chung quanh các thác chính đang tuôn đổ ầm ầm,không che được cái vĩ đại của một trong những thác tầm cở khu vực.Tôi cẩn thận bước qua những gộp đá đang phơi mình sắc bén dưới nắng trưa cháy bỏng,hơi khó khăn nhưng cũng lần ra tới mép nước.Một thôi thúc làm tôi không kìm được,bỏ máy ảnh trên bờ,tôi để nguyên quần áo vội trầm mình xuống dòng nước trong veo đang cuồn loạn,sục sôi trước khi đổ qua một bậc cấp thấp hơn phía hạ nguồn.Cảm giác mát mẻ của nước Mekong thay thế cái nóng Hạ Lào khắc nghiệt có làm tôi sảng khoái,nhưng cũng không bằng cái rung động khi lần đầu ngâm mình xuống làn nước của “hòn ngọc Cửu Long”.Ôi cái cảm nhận mà trước đây tôi chưa hề nghĩ tới,thật thú vị vô chừng!Bổng tôi nghe tiếng la của “sếp” :anh lên ngay,bộ hổng thấy biển báo nguy hiểm sao?Lên,lên!

_Thấy chớ..mà nó ở dưới kia chớ bộ,tui đương ôm chặt cục đá này mà sợ gì.

_Hổng được lên ngay,lở vuột tay thì sao.

_Ừa…thì lên đây.

Chừng đó tôi mới hay mình quên cái túi tiền và giấy tờ đeo tòn teng trên cổ,vội vàng lấy ra…phơi.Rồi nhờ bà xã chộp cho mấy tấm hình …để đời giửa trời Khonephapheng hoang dã.

Tôi tiếp tục ngồi trên bờ,vốc nước lên tắm và phơi nắng ,ăn trưa(bánh mì,fromage,bánh khọt Lào,xút xít).Xong bửa ăn thì cũng …khô quần áo!Giấy tờ tiền bạc cũng khô.Chụp thêm vài tấm hình,nhất là cảnh các vị Sư Lào đang trèo cây bên mấy gộp đá.

Sau cùng chúng tôi trở lên khu nhà ngắm thác,ở đây có một vị trí mà người quan sát có thể nhìn bao quát cả thác Khone.Mọi người đều đến để nhờ người khác chụp cho mình một ảnh với thác đổ phía sau lưng.

13h40’,chúng tôi giã từ Khonephapheng đi về bản Veunkham,nơi biên giới Lào-Campuchia với niềm sung sướng vì vừa thăm được thác Khone,nhưng lại bắt đầu nỗi lo về thủ tục nhập Miên và con đường xa lạ tới Stungtreng,đích đến của ngày hôm nay.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 2 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (23-07-2012 03:10 PM), dieuquang (11-10-2012 05:59 AM)
23-07-2012, 03:35 PM
Bài viết: #39
RE: Mong Minh Ký Sự
Hay nha, xem qua MINH MONG KÝ SỰ về chuyến đi của vợ chồng con thật thú vị, Cô chắc ko có đựoc chuyến đi như con đâu. Nhờ tài diễn đạt của con mà Cô biết thêm về nước Lào đó nha.
15g ngày 27.7.2012 Cô được mời tham dự buổi HỌP MẶT giao lưu đón tiếp đòan cán bộ Lào qua thăm chắc cũng vui đây.
ĐI CHO BIẾT ĐÓ BIẾT ĐÂY, Ở NHÀ VỚI MẸ BIẾT NGÀY NÀO KHÔN, đó là phương chăm của Cô từ khi học lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ) qua bài học về địa lý thấy Việt Nam ta đâu cũng là tài nguyên RỪNG VÀNG BIỂN BẠC, ĐỒNG RUỘNG PHÌ NHIÊU... rồi lên lớp 10 - 12 biết thêm về địa lý văn hóa các nước trên thế giới Cô càng thích thú hơn, lúc đó Cô nghĩ mình cố gắng học thật giỏi để sau này làm việc có tiền đi đến những nơi đó cho biết và giờ Cô cũng đã thực hiện được đi du lịch trong nước, tuy chưa hết nhưng cũng tạm gọi là ĐƯỢC còn nước ngòai chỉ đi các nước Châu Á do Cty cho đi thôi, với các nước Châu âu, châu Mỹ hình như còn trong dự định: khi về hưu hai vợ chồng già sẽ cố gắng thực hiện chuyến đi hằng mơ ước năm xưa.

TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN
THANK YOU
25-07-2012, 03:35 AM
Bài viết: #40
RE: Mong Minh Ký Sự
Cô ơi đây là chuyến ngao du của Cậu Mợ con đó. Vợ chồng con chưa có dịp làm một chuyến như vậy đâu. Đã hơn 20 năm con chưa về lại thăm quê. Con xin chúc Cô có một ngày vui vẻ với phái đoàn của nước Lào.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS