Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
NÚI ĐÔI
20-06-2012, 03:04 PM
Bài viết: #1
NÚI ĐÔI
Tình cờ gặp hình ảnh thực của NÚI ĐÔI xin gửi bà con xem qua: vì có có liên quan đến bài thơ nỗi tiếng trong văn học Việt,(bỏ qua những định kiến tư tưởng) phải thấy bao tình cảm da diết trong đó. Bài gửi này xin kèm theo nhiều phần nên từ tốn mà xem. Các bạn trẻ hình như có học qua thì phải.( Còn bài ĐỒI TÍM HOA SIM cũng không hề thua về ý nghĩa sẽ gửi sau).

1CĂNG TRÒN VẸ ĐẸP NÚI ĐÔI

Dẫu biết huyền thoại muôn đời vẫn là huyền thoại, nhưng khi chiêm ngắm Núi Đôi thì bất cứ ai, dù chưa được nghe câu chuyện về bầu sữa của nàng tiên cũng đều liên tưởng đến bộ ngực căng tròn và gợi cảm của người con gái đang độ xuân thì.
[Hình: attachment.php?aid=1977]

Với hình dáng kỳ dị, lại được gắn những câu chuyện mang đầy màu sắc huyền thoại, Núi Đôi Quản Bạ, mà dân địa phương thường gọi là núi Cô Tiên, đã trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong hành trình lên cao nguyên đá Đồng Văn của du khách, là đề tài hấp dẫn đối với những tay săn ảnh chuyên nghiệp.

Nằm phơi mình giữa một thung lũng nhỏ bé bên phố núi Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, bao quanh là những thửa ruộng cao thấp, được tô điểm thêm những nếp nhà đất nâu đậm sắc màu miền cao nguyên đá, Núi Đôi luôn hút hồn lữ khách.

Thời gian đẹp nhất để chiêm ngưỡng cảnh sắc kỳ thú của Núi Đôi là vào mùa Xuân và mùa Hạ, lúc mà những thảm cỏ, cây bụi trên “bầu vú” Cô Tiên xanh tươi mơn mởn, hay lúc mùa lúa chín vàng óng, rực rỡ trên các thửa ruộng bậc thang trên cánh đồng Tam Sơn.
[Hình: attachment.php?aid=1978]
Bao đời nay, Núi Đôi vẫn đẹp và hấp dẫn thế, vẫn được các dân tộc nơi đây tôn thờ, bảo vệ, và câu chuyện huyền thoại về núi Cô Tiên đã ăn sâu vào tiềm thức của họ.

Chuyện kể rằng, ở miền Quản Bạ sương núi giăng giăng này có một chàng trai người Hmông tuấn tú mà tiếng đàn môi của chàng réo rắt như tiếng suối, ríu rít, lảnh lót như tiếng chim rừng, lúc sâu lắng, trầm bổng, lúc da diết như tiếng gió giữa đêm khuya cứ bay xa, bay xa mãi, vang lên cả trời xanh, làm mê đắm, xiêu lòng bao thiếu nữ miền sơn cước.
Có một nàng tiên trên thượng giới tên Hoa Đào, xinh đẹp tuyệt trần tình cờ nghe được tiếng đàn, đã theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi lên những giai điệu tuyệt trần ấy, rồi phải lòng chàng nên tìm cách ở lại mà không về trời. Cuộc hôn nhân giữa người và tiên đã thành. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai.
[Hình: attachment.php?aid=1979]
Khi Ngọc Hoàng biết chuyện Hoa Đào bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm, đã vô cùng giận dữ, sai người đi bắt nàng về. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới cho con bú.
Đôi nhũ nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn. Hai quả núi đó được gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên.

Tương truyền, nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu mát mẻ, đào, mận, lê, hồng... (những sản vật của huyện Quản Bạ) có hương vị thơm ngon lạ thường, rau cỏ thì luôn xanh tươi, lúa ngô luôn nặng hạt. Nước mắt khóc thương chồng con của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt bao bọc lấy miền núi đá tai mèo.
Dẫu biết huyền thoại thì muôn đời vẫn là huyền thoại, nhưng khi đứng trên đỉnh đèo Tam Sơn để chiêm ngắm Núi Đôi thì bất cứ ai, dù chưa được nghe câu chuyện về bầu sữa của nàng tiên cũng đều liên tưởng ngay đến bộ ngực căng tròn và gợi cảm của người con gái đang độ xuân thì.

Vẻ đẹp quyến rũ và khó cưỡng của Núi Đôi cùng các giá trị địa chất và thiên nhiên kỳ thú là điều kiện để năm 2010, Núi Đôi được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Cùng với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Núi Đôi trở thành một biểu tượng, một điểm đến hấp dẫn và quan trọng của miền sơn cước độc đáo này.
[Hình: attachment.php?aid=1980]

BÀI THƠ NÚI ĐÔI

Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang

Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh: sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi!

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Ngơ chùa cháy đỏ những thân cau
Mới ngỏ lời thôi, đành lỗi hẹn
Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau.

Anh vào bộ đội, lên Đông Bắc
Chiến đấu quên mình năm lại năm
Mấy bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục, núi Đôi chăng ?

Anh nghĩ, quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vành đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.

Đồng đội có nhau thường nhắc nhở
Trung du làng nước vẫn chờ trông
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông ?

Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn, anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh ghé thăm nhà, thăm núi Đôi.

Mới tới đầu ao, tin sét đánh
Giặt giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thửa
Em sống trung thành, chết thủy chung!

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông bờ có con đường quen.
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!

Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo:
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong;
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng ?

Từ núi qua thôn, dường nghẽn lối
Xuân Dục, Đoài Đông cỏ ngút đầy
Sân biến thành ao, nhà đổ cháy
Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay

Cha mẹ đưa nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nứa gianh nửa mái lều che tạm
Sương nắng khuây dần chuyện xót đau.

Anh nghe có tiếng người qua chợ:
Ta gắng: mùa sau lúa sẽ nhiều
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!

Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ.
Oán thù còn đó, anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này!

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em:đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm. :
VŨ CAO

Vũ Cao Sinh ngày 18/02/1922 mất ngày 03/12/2007 một nhà thơ Việt Nam.

Tiểu sử
Vũ Cao tên thật là Vũ Hữu Chỉnh quê ở xã Liên Minh huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Ông sinh trong một gia đình nho học và hoạt động văn học khá sớm, những năm đầu Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (kháng chiến chống Pháp) ông làm báo Chiến sĩ ở Liên khu IV rồi làm phóng viên báo Vệ quốc quân, Báo Quân đội nhân dân. Từ năm 1957, ông làm việc tại tạp chí Văn nghệ quân đội và trở thành chủ nhiệm trong nhiều năm. Từ Sau năm 1975 ông giải ngũ, làm giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu ông sống ở Hà Nội. Ông là anh ruột của các nhà văn Vũ Tú Nam, Vũ Ngọc Bình. Tuy được biết đến như là một nhà thơ với bài thơ Núi Đôi nổi tiếng đã được đưa vào sách giáo khoa của Việt Nam nhưng Vũ Cao còn sáng tác văn xuôi. Ông mất năm 2007 tại Hà Nội.
Vũ Cao được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Tác phẩm chính
• Sớm nay (Thơ năm 1962 )
• Đèo trúc (Thơ năm 1973)
• Núi Đôi (Thơ năm 1990)
• Truyện một người bị bắt (Tập truyện ngắn năm 1958)
• Những người cùng làng (Tập truyện năm 1959)
• Em bé bên bờ sông Lai vu (Truyện năm 1960)
• Anh em anh chàng Lược (Truyện 1965)
• Từ một trận địa (Năm 1973)

VÀ KÈM THEO...

Vì sao người 17 tuổi đã là người trẻ nhất làng?
"Bảy năm về trước em mười bảy/ Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/ Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì em tới bữa anh sang. Lối ta đi giữa hai sườn núi/ Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi/ Em vẫn đùa anh sao khéo thế/ Núi chồng, núi vợ đứng song đôi". Nhiều người nhận xét, những vần thơ chân thật mà đẹp như mơ của nhà thơ quê đất thành Nam ấy đã từng làm nao lòng bao thế hệ thanh niên Việt Nam.
Một thời, những người yêu bài thơ Núi Đôi thường băn khoăn tự hỏi: hai câu đầu tiên trong bài thơ khiến người ta nghĩ mãi mà không biết đó là vùng quê nào mà không có một bóng trẻ con, chỉ mới 17 tuổi mà đã là người trẻ nhất làng? Nếu sự thực như vậy thì vì sao làng này lại không có trẻ em? Không tìm được câu trả lời, có người nói, thơ ca chỉ là chuyện hư cấu, không có thực nên chẳng có ngôi làng nào như thế.
Nhưng chính nhà thơ Vũ Cao từng nói, nếu không có chất liệu cuộc sống hàng ngày thì ông không viết được. Ông từng kể với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rằng bài thơ Núi Đôi được ông viết vào một ngày cuối năm 1956. Hồi đó ông về công tác ở sư đoàn 312, đóng quân ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cạnh đó có ngọn núi Đôi. Một hôm, theo mấy người dân đi chợ, ông nghe họ kể chuyện tình của một cô gái du kích trong làng yêu một anh trai làng, rồi anh đi bộ đội. Khi anh bộ đội trở về thì cô gái đã hy sinh.
Nghe vậy, Vũ Cao liền tìm đến thăm mộ người nữ đó ở xóm Chùa, thôn Xuân Đoài (còn gọi là Xuân Dục - Đoài Đông), thuộc xã Phù Linh (còn gọi là Lạc Long), huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đến tận nơi và nghe người dân kể lại câu chuyện tình giữa anh bộ đội và cô du kích, cảm hứng xuất hiện khiến ông đã chấp bút viết ra bài thơ Núi Đôi ra đời đúng như câu chuyện có thật. Cả tên làng, tên chợ, tên người và quang cảnh đều hoàn toàn có thật. Mộ cô gái hiện nay vẫn còn. Chỉ có anh bộ đội là người yêu của cô du kích thì lúc ấy Vũ Cao không gặp được, không rõ còn sống hay đã mất.
Về lý do tại sao ngay trong hai câu thơ đầu, ông lại cho rằng đôi nam nữ, trong đó cô gái 17 tuổi và chàng trai đôi mươi là "trẻ nhất làng"?. Vũ Cao sau này nói với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rằng, ngay chính ông cũng không hiểu vì sao ông lại viết như vậy. Ông kể: "Quả thật hồi đó trong làng còn có cả trẻ nhỏ và thanh thiếu niên cùng trang lứa với họ. Có lẽ tôi đã quá cảm động trước chuyện tình đẹp như mơ và cũng đầy tình tiết bi kịch của đôi lứa ấy mà "thậm xưng" lên như vậy. Tuy nhiên, nói trẻ nhất làng thì cũng có khía cạnh không ngoa, vì ở lứa tuổi 17 - đôi mươi ấy, đó là lứa tuổi nhiều sức sống nhất, yêu tha thiết nhất và vì thế, người ta tiếc cho cuộc tình không thành
Sự đồng cảm lạ kỳ giữa nhà thơ - hình mẫu TRẦN THỊ BẮC
Hai ngọn núi Đôi bây giờ vẫn còn, người dân ở khu vực xã Phù Linh đều biết câu chuyện trong bài thơ cùng tên ngọn núi, hỏi ai cũng đều có thể nhận được câu trả lời: "Cô ấy chính là người làng này".
Nhân vật nữ trong bài thơ chính là Trần Thị Bắc, con gái đầu trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Lớn lên trong thời kỳ Pháp xâm lược, năm 15 tuổi Bắc đã tham gia các hoạt động đoàn thể. 17 tuổi cô vào đội du kích với nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, tiếp tế cho đội du kích rồi được giao cả ba nhiệm vụ: quân báo, cứu thương và binh vận.
Ngày 21.3.1954, dẫn một đoàn cán bộ đi công tác, khi trở về núi Đôi thì Bắc gặp ổ phục kích. Cô giao liên dù bị bịt miệng nhưng vẫn kịp thời la lớn để cảnh báo những người trong đoàn cùng đi phía sau chạy thoát. Tức tối, Pháp xử bắn Bắc ngay tại chỗ. Khi đồng đội tìm đến nơi thì Bắc đã tắt thở. Đồng đội đắp mộ cho cô ở khu vực cầu Cốn, Vệ Sơn, xã Tân Minh.
Người ta cũng xác định được nhân vật "Anh đi bộ đội sao trên mũ" ấy cũng là một người có thật: ông Trịnh Khanh, người cùng xã Phù Linh. Theo lời ông Khanh kể lại, ông và chị Bắc quen nhau trong thời gian Bắc đang học y tá, và đơn vị của ông đóng quân gần đó. Là đồng hương nên có nhiều điều quý mến nhau, giữa đôi trai gái này đã hẹn ước với nhau trước khi chị Bắc học xong khóa y tá rồi quay về Phù Linh.
Đầu năm 1953, ông Khanh và chị Bắc gặp lại nhau và hai người quyết định tổ chức đám cưới ngay tại đơn vị của chú rể. Đám cưới tổ chức đơn sơ, đại diện họ nhà trai là đồng đội cùng đơn vị, đại diện họ nhà gái là mẹ của Bắc. Vợ chồng sống với nhau được hai ngày thì chia tay, ông Khanh theo đơn vị chuyển quân đến địa điểm mới, chị Bắc trở về quê nhà Phù Linh. "Tôi không ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn", ông Khanh nhớ lại.
Ba tháng sau ngày cưới, ông Khanh nhận được tin vợ mình đã hi sinh. Đau đớn nhưng không biết làm sao, ông tiếp tục theo đơn vị bước vào những trận đánh mới.
Khi Hiệp định Genève được ký kết, một buổi chiều cuối năm 1954, người ta nhìn thấy một anh bộ đội vai đeo ba lô bước về, nhưng không vào làng ngay mà ngồi thẫn thờ bên ngôi mộ chị Bắc ven gò Cầu Cốn. Ông Khanh nghẹn ngào như câu thơ Vũ Cao đã viết "Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng cây, bờ cỏ, con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em". "Không hiểu vì sao nhà thơ Vũ Cao lại có thể đồng cảm, hiểu tâm trạng của người trong cuộc đến như thế", ông Khanh nói.
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông Khanh đã tới tìm gặp nhà thơ Vũ Cao, nhà thơ lúc đó mới bàng hoàng: "Thế Bắc có chồng rồi à?"
Bài thơ Núi Đôi “sém” thành… truyện ngắn
Theo nhà thơ Vũ Cao, khi mới bắt gặp câu chuyện, ông đã dự định sẽ viết một truyện ngắn về đề tài này chứ không phải là một bài thơ. "Không hiểu vì sao, sau khi đi thực tế, tứ thơ dâng lên và bài thơ ra đời", nhà thơ Vũ Cao kể lại.
Hàng chục năm sau khi bài thơ ra đời, nhiều bạn đọc còn nhầm tưởng bối cảnh và tình huống trong bài thơ là của chính tác giả. Trong một lần nói chuyện với sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội, thậm chí còn có một cô sinh viên nước mắt lưng tròng thầm thì với nhà thơ "Cháu thương bác quá".
Love Struck


File đính kèm Thumbnail(s)
               
THANK YOU
[-] dieuquang được 5 thành viên cám ơn cho post này:
quangvu (20-06-2012 07:34 PM), MinHo (20-06-2012 09:43 PM), ANH THƯ (21-06-2012 12:15 AM), Hoang Oanh (21-06-2012 08:14 AM), langtrang (21-06-2012 09:37 AM)
20-06-2012, 09:44 PM
Bài viết: #2
RE: NÚI ĐÔI
Bài viết chất lượng quá Dượng Hai ơi!!! Hú hú hú hú!!!

Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da.
THANK YOU
[-] MinHo được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (21-06-2012 04:51 AM)
21-06-2012, 08:19 AM
Bài viết: #3
RE: NÚI ĐÔI
Được xem ảnh và bài thơ NÚI ĐÔI thật hay, ngày trước đọc qua Em chưa cảm nhận được như bây giờ. Cảm ơn anh hai nhiều.
Chúc anh chị và các cháu mạnh khỏe, hanh phúc, an lành trong cuộc sống

TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN
THANK YOU
[-] Hoang Oanh được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (21-06-2012 12:34 PM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS