Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Cái Nhìn
26-07-2012, 04:13 PM
Bài viết: #1
Smile Cái Nhìn
Cái Nhìn

A.- PHẦN DẪN NHẬP.
A.1.- Sự phong phú về Giáo điển của Đạo Phật
Đạo Phật là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, và số lượng Kinh điển của Đạo Phật là nhiều nhứt so với các tôn giáo khác. Bên cạnh hệ thống Kinh điển, còn có hệ thống Luật tạng và Luận tạng, được gọi chung là Tam Tạng Giáo Điển (Tripitaka). Trong Tam tạng giáo điển lại được chia thành hai loại : Giáo điển Phật giáo Nguyên Thủy và Giáo điển Phật giáo Phát Triển. Rồi trong các Giáo điển lại chia thành các thừa (trình độ đối tượng cao thấp) khác nhau. Nhứt là khi Phật giáo được truyền sang các nước viễn đông Trung Hoa, ở đây, rất nhiều các Tông phái của đạo Phật đã được xuất hiện, đặc biệt là từ thời Nam Bắc triều. Và mỗi Tông phái đều có sự phân Thừa rất khác nhau thông qua các hệ thống Phán giáo.
Do Giáo điển của Đạo Phật quá phong phú, nên nếu không có những kiến thức cơ bản và bao quát, người học, đọc dễ rơi vào những nhận thức và đánh giá sai lầm, phiến diện về Phật giáo. Vì thế, muốn phán xét về giá trị thiết thực cũng như tầm quan trọng của Giáo lý đạo Phật, thì cũng khá nên trân trọng và cân nhắc thấu đáo.
Con người với mạng sống ngắn ngủi vô thường đang lặn hụp trong biển khổ trần gian đầy bất an chướng nạn nầy. Trong cuộc sống đời thường với bao bon chen vội vả hằng ngày, với bao tất bật cùng công việc kiếm tiền, kiếm danh lợi quyền thế….. con người mệt mỏi và tìm sự bù đắp bằng những hưởng thụ trăm thứ dục lạc của trần thế. Ngày qua ngày cứ theo chu kỳ nầy mà lập đi lập lại, để rồi đến một ngày nào đó nằm xuống, vĩnh viễn ra đi với hai bàn tay trắng, bao nhiêu buồn vui, vinh nhục, bao nhiêu ân tình oán thù đều chấm dứt cho một kiếp người. Thế thì, con người sinh ra đời để làm gì ? chỉ để chết hay sao ? Sinh ra để chết thì thật là oan uổng cho một kiếp người! Nếu không thì con người sinh ra đời với mục đích gì ??? Có bao giờ ta đặt câu hỏi nầy cho chính mình chăng ? và câu trả lời là gì ? Thật chẳng phải là câu trả lời dễ, phải có “Cái nhìn” thấu đạt thông suốt sự lý mới mong có một đáp án thuyết phục. Đạo Phật ra đời cũng nhằm để giải quyết những thắc mắc khó khăn như thế nầy.

A.2.- Cái gì làm cho con người buồn vui sướng khổ ?
Khách quan mà quán xét cho kỷ những hiện tượng vạn hữu từ hữu hình vô hình trên thế gian nầy, tất cả mọi hiện tượng đều chẳng có cái nào tự có cả. Một cái đang có là kết hợp từ nhiều cái lại mà thành. Sự thật là thế, từ vật chất đến tinh thần đều không ngoại lệ. Điều nầy chúng ta ai cũng hiểu cả.
Vần đề được đặt ra là cùng một sự việc như nhau, mà có người khổ, có người không khổ; có người giận, có người không giận….. Cái gì làm cho người nầy khổ, giận ? cái gì giúp cho người kia không khổ, giận ?. Mục đích cuộc sống của con người là dứt trừ khổ đau sầu hận, và mong cầu được an vui hạnh phúc. Ước muốn nầy làm sao thực hiện được ?
Một người buồn khổ, cái buồn khổ trong lòng, có phải chăng là do sự nhận định đánh giá vào sự việc, “Cái nhìn đối với sự việc, rồi gắn cho nó một giá trị”. Chính cái giá trị mà mình gắn cho nó đó, nó tác động ngược lại tạo ra cảm giác cho tâm. Tâm trạng vui buồn, mừng giận….. cũng từ nguyên lý nầy mà phát sanh ra cả. Chính cái quan niệm, cái đánh giá, cái nhận định, cái tri kiến hay gọi chung là “Cái nhìn” của ta làm cho ta khổ hay không khổ mà thôi, chứ chẳng có gì làm ta phải khổ cả, dù ta đang trong cảnh ngặc nghèo. Vấn đề là “Cái nhìn” của ta ra sao và cường độ vững chắc thế nào mà thôi. Với lý do nầy, người viết xin trình bày theo quan kiến hạn chế của mình qua đề tài “ Cái Nhìn, khởi đầu và đích đến với Trí Tuệ”.
Bài thu hoạch nầy được học hiểu từ Giáo Thọ Giảng Sư, tư liệu của lớp và các tư liệu khác. Tuy nhiên, giáo pháp mênh mong bao la sâu thẩm, mà khả năng người viết thì nông cạn hạn chế, chẳng thể mô tả bao quát được, chỉ xin trình bày về khía cạnh “Cái nhìn” (cái nhìn thực tại đang là, còn được gọi là “Hiện quán”), vì sao Cái nhìn là khởi đầu và đích đến của Trí Tuệ


B. PHẦN NỘI DUNG.
B.1.- Cái nhìn sáng suốt đúng thật là Chánh Kiến.
Cái nhìn đang là, tức là “hiện quán”. Hiện là hiện tại và Quán là quan sát, trầm tư, theo dõi môt đối tượng nào đó. Các danh từ dùng để gọi phương pháp Hiện quán thường được Kinh điển đề cập đến như Thiền định (samadhi); sổ tức quán (ànàpànasati) hay là quán hơi thở; Chỉ quán (samatha); Trực quán (vipásyanà) hay còn gọi là Minh sát tuệ (vipassanà); Quán tưởng (bhàvana); Niệm pháp (dharmànussati)...v...v...
Về mặt nhân sinh quan thì Cái nhìn là quan điểm sống của một con người; và với người tu hành thì Cái nhìn là lộ trình tu tập thiền quán, là quán sát giác chiếu vào mọi hiện tượng để nhìn thấy cái thật tướng của chính nó. Thấy được sự thật của các pháp tức gọi là Chánh Tri Kiến, hay gọi tắc là Chánh Kiến, Chánh Kiến là chi phần đầu tiên quan trọng trong Đạo Đế (Bát Chánh Đạo), trong Tứ Thánh Đế.
Đây là con đường duy nhứt có thể đưa con người đi đến thoát ly sanh tử. Chánh Kiến nói đủ là Chánh tri kiền, tức cái nhìn đúng đắn, chính xác, chân thật về con người và cuộc sống của chính mình. Do có được cái nhìn như vậy mà con người có đủ sức mạnh để đi ra khỏi mọi giấc mộng u huyền sương lạc trong tâm thức. Chánh kiến, ở điểm nhìn ban đầu thì là Thiền quán, và ở điểm kết thúc cao nhứt thì là Giác ngộ. Do đó, cái nhìn ở đây mang nguồn mạch của Thánh đạo.
Sự thật cho thấy rằng, một sự thể bao giờ nó cũng xuất hiện một cách tùy thuộc vào đôi mắt của con người. Trên cùng một sự thể, nó sẽ là trần thế trong ánh mắt sai lạc mông lung của người còn tự ngã; nhưng, qua đôi mắt của người đã thoát hiện tự ngã, sự thể ấy lại là Chân như. Do đó, Cái nhìn sẽ trở nên một vấn đề quan trọng bậc nhứt đối với con người. Và tất nhiên, đời sống an lạc hay khổ đau là tùy thuộc vào Cái nhìn mang ánh sáng của Chánh kiến hay Tà kiến. Nếu một cái nhìn không được soi sáng bởi Chánh kiên hay Tuệ giác thì “bao giờ cái nhìn của ta cũng bị giới hạn bởi cái ta đang là”. Để đưa Cái nhìn đến với Tuệ giác, thì bước đầu là phải giải phóng tri kiến vượt thoát khuôn khổ giả định trong cuộc sống phàm thường.

B.1.1.- Cái nhìn với hiện tượng Tâm lý.
Một sự thể, nếu không được tri nhận một cách chính xác thì sẽ không nắm bắt nó được, cũng không hiểu biết đúng về nó được, đó là nói về thế giới sự vật hiện tượng. Nhưng khi tri nhận về một sinh thể như con người, thì tri kiến về nó không đơn giản như một vật thể, mà nó còn đòi hỏi một sự năng động và sáng suốt của chủ thể, nhằm nắm bắt và soi sáng những đối tượng không hình thể, như ý niệm. Vì rằng, với con người, giáo lý “Chánh kiến” không những được Phật dạy để nắm bắt đúng đắn về những đối tượng mang hình hài cụ thể, như con chim, hòn đá, khe suối ..... mà còn giúp con người soi sáng chính cái thế giới ý niệm của nó. Nghĩa là tri nhận chính xác về dòng chảy của các hiện tượng tâm lý, ý thức, cảm thọ ngay nơi xác thân nầy. Và đây chính là nội dung của Tứ Niệm Xứ quán, tức quán sát về thân, về cảm thọ, về tâm lý và về hiện hữu (pháp) của chính mỗi con người.
Trong Kinh Phật đã xác định sự quan trọng của cái nhìn trong đôi mắt của người đã giác ngộ. Và cái nhìn, từ trong bản chất, nó là tác năng diệu dụng của tâm thức. Cho nên, nói đến Chánh kiến thì phải nói đến tâm thức. Chánh kiến chính là sự hiển lộ, trưng bày của tâm. Với tâm thức thanh tịnh, thì cái nhìn của tâm thức ấy là thanh tịnh. Do đó, một đối tượng khi được nhìn bằng tâm thanh tịnh, thì đối tượng đó được hiển thị trong tính cách của Chân như.. Ở đây nó hoàn toàn không bị chi phối bởi ý niệm phân biệt của chủ thể; tức tâm thanh tịnh hay vô phân biệt. Một cái nhìn như thế được thiết lập trên chiều tuyệt đối. Nhưng cần tri nhận rằng, hiện hữu của một đối tượng được nhận thức dù trên chiều tuyệt đối hay tương đối, cả hai đều tùy thuộc vào trạng thái tâm tịnh hay bất tịnh, đây là then chốt của vấn đề. Từ đó, cho ta thấy rằng dầu tâm Phật hay tâm chúng sanh, thực chất cội nguồn của nó cũng là Tâm.
Thực chất của đời sống nầy là dòng trôi chảy chuyễn biến liên tục, nghĩa là nó vô thường, nhưng cái nhìn của đôi mắt trần thì nó là thường. Con người vốn vô ngã, nhưng cái nhìn qua đôi mắt khuôn định bởi cái khí chất (tập khí, hành nghiệp)


bẩm sinh thì cho nó là hữu ngã. Một cái nhìn bất toàn, phiến diện, trên một sự thể cũng bất toàn, phiến diện, tất yếu sẽ đứa đến một hệ quả khổ đau. Đây là sự nguy hiểm của tà kiến.

B.1.2.- Khổ đau hay hạnh phúc là do Cái nhìn.
Sự khổ đau hay hạnh phúc, Niết bàn hay trần thế, tất cả đều tùy thuộc vào điểm nhìn của con người mà thôi; tất nhiên, bản thân của mỗi Cái nhìn đều không thể đồng đẳng. Ví dụ, một người đứng trên đỉnh núi nhìn ra biển khơi thì khác với người đứng dưới chân núi để nhìn. Điều nầy tùy thuộc vào trạng thái tâm thức hay địa vị thăng chứng của mỗi con người. Đẳng cấp của nó là ở chỗ tâm cấu nhiễm hay không cấu nhiễm. Tuy nhiên, trên bình diện thường thức, sự khổ đau của con người được qui chiếu vào những mâu thuẫn nội tại trong cái nhìn của chính nó, đồng thời là sự vẩn đục của tâm. Do đó, một hiện hữu khi được chiếu soi bởi cái nhìn như thế, ắt hẳn là bị méo mó, không đúng như thật. Và khi sự hữu bị thiên lệch, thì sự thiên lệch đó sẽ phản ảnh trở lại trong tâm thức của con người, và tạo ra những mâu thuẫn nội tại. Bất an trong lòng.
Sự thật của hạnh phúc hay khổ đau, chân lý hay mộng mị của con người, bao giờ cũng xuất hiện ngay nơi tri gác, hiện hữu. Chính cái tri giác hiện hữu mà con người cảm thọ đó (nó là khổ đau hay hạnh phúc), nó là nhựa sống trong đời. Bởi vì, nếu không là như thế, thì con người mất đi chất sống, thì mọi giá trị cuộc sồng đều trở nên khô héo, vô nghĩa như một xác chết; trong khi thế giới vạn hữu thì luôn sinh động trôi chảy không ngừng, luôn biến chuyễn theo sự vận hành của Vô thường, của Duyên khởi trong không gian vô cùng vô tận.
Đành rằng đời sống trong xã hội về giàu sang quyền thế hay nghèo hèn cơ khổ.... đều do Nhân quả mà hình thành nên, nhưng trong cái hiện tượng vật chất nầy có được cái giá trì như thế nào, đều do Cái nhìn gắn cho nó; chính cái nhìn, cái quan niệm sống nầy khi đối cảnh sẽ phát sanh cảm thọ, và cảm thọ nầy là quả của cái nhìn, là quả của cái tri kiến mà ta gắn cho sự thể, vậy thì chính ta là tác nhân của ta vậy.

B.1.3.- Sự hoạt động của Ý Thức .
Sự sinh hoạt hàng ngày của con người đều do Ý Thức chủ đạo, dù ở lãnh vực nào cũng không thể vắng mặt Ý Thức. Vậy bản chất và sự vận hành của Ý thức ra sao ? Ta biết rằng, tác dụng của Ý thức là tri nhận, tri nhận những ấn tượng của quá khứ, hiện tại và vị lai. Những ấn tượng nầy khi không còn ý thức lưu trú nữa, chúng sẽ rơi vào Tiềm thức, và chúng sẽ tích tập lại để tạo thành kinh nghiệm. Như thế, các ấn tượng mới cứ được tri giác tiếp nhận thêm mãi, tiếp nhận rồi tích chứa và lại tiếp nhận rồi tích chứa, cứ chồng chất để rồi tạo thành nên bản chất của Ý thức. Ý thức hiện hữu với tác dụng như một chủ thể, nó hiện hữu tương quan với các ấn tượng, tức các ấn tượng. Trong lúc Ý thức chủ thể tương tác với ấn tượng khách thể thì cả hai đều hiện hữu. Những ấn tượng đã lưu trữ trong tiềm thức dù thuộc quá khứ, nhưng khi được ý thức hoài niệm tới, chúng sẽ bật hồi sinh để kịp thời có mặt ngay hiện tại.
Những ấn tượng quá khứ được tích tập, chúng tạo cho Ý thức một thái độ nhận thức đối với những ấn tượng tri giác mới. Do sự tương tợ của các ấn tượng, nên không có một tri giác nào hoàn toàn mới mẽ đối với Ý thức. Các ấn tượng tri giác mới không đơn thuần là của chính nó; mà nó được tiếp nhận bằng các ấn tượng cũ qua thái độ nhìn của Ý thức. Bản chất của Ý thức là từ những ấn tượng cũ hình thành, ấn tượng từ vạn pháp mà có ra, vạn pháp thì không thật có. Thế thì, cái Ý thức mà ta đang sở hữu đây cũng huyễn mộng như vạn pháp mà thôi. Vạn pháp là vô ngã, Ý thức cũng là vô ngã, chúng do duyên sanh mà hiện hữu, và cũng do hết duyên mà tan mất. Từ cái nhìn nầy, dù vạn pháp đang hiện hữu cũng chỉ là huyễn hữu mà thôi, bởi thật chất của chúng là không, không có gì cả.

B.1.4.- Tri nhận thực tại.
Kiếp nhân sinh, khổ đau là một thực tại như thật đối với con người. Khổ, hay hình thái của sự bất an là một kết quả của hàng loạt nhân duyên được tạo tác từ tâm thức. Như vậy, tri


nhận thực tại là một cách trực tiếp đi vào soi sáng mọi hình thái khổ đau của con người. Về mặt tiệm tiến thuần lý của tư duy, cảm giác; thì sự tri nhận thực tại là một suy thức năng động đi thẳng vào bản chất của hiện hữu, dù rằng đó là hiện hữu của ý niệm. Đây là xung lực của tri kiến như thật, một năng lực đánh thức con người đi ra khỏi giấc mộng u huyền, và trực tiếp đối diện với những thăng trầm khổ não ngay nơi tâm thức của chính mình; tại đây, qua lăng kính của “như thị - tri kiến”, sự thật được nhìn nhận như là chính nó mà không hề có vô luận một bóng mờ nào của sự duy lý. Tuy nhiên, để thấu triệt cái căn nguyên của khổ đau, con người không thể dừng lại ở sự thật của khổ đau, hay quay lưng chạy trốn, mà phải đi vào soi sáng cái bản chất nội tại của nó.

B.1.5.- Cái nhìn, Hiện quán dẫn đến Chân Trí.
“Sống” bao giờ cũng là cảnh hiện tại, và cái nhìn thực tại hay hiện quán là cách giúp soi sáng như thật về bản chất của hiện hữu. Thông thường, đối với khổ đau, người ta thường có xu hướng đi tìm một sự bình an bên ngoài khổ đau, hay trốn tránh khổ đau bằng một hình thức vui chơi nào đó; trong khi căn nguyên của khổ đau thì cứ bám chặt trong tiềm thức. Thay vì trốn chạy, sao ta không can đảm đối diện để tư duy quán xét cái nguyên nhân của nó ? Cái mấu chốt của khổ đau là do mọi hành vi hay cơ cấu tâm lý của con người, được xây dựng trên nền tảng của tự ngã; rồi từ nơi tự ngã tham lam, sân hận và si mê trổi dậy tạo thành vòng luân hồi trầm luân. Muốn đi ra khỏi vòng luân hồi đó, tất nhiên phải loại trừ mọi hình thái của tự ngã, như “Cái tôi”, “cái của tôi”, “cái tự ngã của tôi”, vấn đề là cần phải đối diện để soi sáng cái bản chất nội tại của chính mình
Đây là cái nhìn trí tuệ và thực nghiệm của tự thân mỗi con người. Bao lâu con người chưa thật sự đối diện với sự hiện hữu của chính mình, và chưa thông đạt thấu suốt về cơ cấu nội tại của nó, thì khi ấy, cảnh giới thực tại vẫn là cõi lý tưởng nghìn năm mà con người tìm kiếm. Cho đến khi nào mọi cơ cấu của tự ngã đã vỡ tung, mọi ý niệm phân biệt đều buông xả, mọi trạng thái căn nguyên nội tại được phơi bày chân tướng, thì đó là lúc cánh cửa của thế giới thực tại không bản ngã mở ra, hiển lộ Chân trí vô lậu của Niết bàn.

C.- KẾT LUẬN.
Trong Phật giáo những thành ngữ như “bất lập văn tự”, “ly ngôn thuyết tướng”, “bất khả thuyết” …v..v.. có lẽ đã nói lên sự bất lực của ngôn ngữ đối với Chân Trí Vô Lậu của Niết Bàn. Bởi ngôn ngữ, tự nó đã bị áp đặt lên một giới hạn như chính mệnh đề mà nó phát biểu, đặc tính của ngôn ngữ chỉ là mô tả, trình bày bằng khái niệm, ngôn ngữ mang tính chất công ước của Tục đế; nên ngôn ngữ không thể diễn đạt được thực tại luôn lưu chuyễn, hay cảnh giới tuyệt đối của Biết bàn.
Với cái nhìn Trí tuệ của Phật giáo, thấy rằng, tất cả các pháp đều do nhân duyên hội hợp mà sanh. Duyên hội mà sanh thì khi chưa sanh không có, duyên lìa thì diệt; nếu mà thiệt có, có thì chẳng diệt. Theo đây mà suy ra thì biết, dù nay đang hiện ra có, cái có ấy là tánh thường tự không, vì tánh thường tự không, nên gọi là Tánh Không; bởi là Tánh Không nên gọi là Pháp Tánh; Pháp Tánh chân thật như thế nên gọi là Thật Tướng; Thật Tướng vốn không có tự thể, chẳng phải do suy lường mà cho đó là Không, nên gọi là Bổn Vô (gốc là không). Cái Bổn Vô nầy chẳng phải từ hữu mà biến thành vô, Cái Vô vượt ngoài cái có cái không tương đối của nhị nguyên. Nó là “Đương hữu tức Không” vậy.
Ôi, biển Giáo mênh mong vô lượng, rừng Lý thâm thẳm khôn cùng, Phật pháp quá cao siêu tuyệt vời, ân Đức Phật khai ngộ, ân chư Tổ dắt dìu….. không thể nào dùng ngôn ngữ mà nói được. Nhờ học Phật pháp nên chúng ta hiểu rằng: Cuộc đới là vô thường, thế gian như mộng huyễn, thân người là giả tạm, mạng sống tợ sương mai, buồn vui như gió thoảng, vinh nhục tựa mây trôi, vạn pháp đều không thật có. Ngày nay quần quật tranh dành, để rồi ngày nào đó ra đi vĩnh viễn chỉ với hai bàn tay trắng. Tuy kết thúc phủ phàn, nhưng đây vẫn là sự thật muôn đời của chân trời Tục đế. Và con người giống như những cái bong bóng nước, nổi lên trôi lều bều rồi vụt tắt trên dòng chảy thời gian vô tận. Sự giàu nghèo sướng khổ của con người trong thế gian, vẫn luôn bị tác động, chi phối bởi Nhân quả trùng phức của Nghiệp báo ba dời mãi chẳng thôi.

Đối với người tu hành, thì đạt đến Chân Trí Vô Lậu của Niết Bàn là mục tiêu tối hậu; sở dĩ ta chưa đạt được tiêu chí đó là bởi trong tâm thức còn quá nhiều vô minh, phiền não. Cái học hiểu chỉ tạo cho ta một mớ bòng bong khái niệm, chưa đủ công năng để vượt thoát vô minh, chưa đủ sức để giải trừ phiền não. Nhằm để đạt đến Chân Trí Vô Lậu, ta phải kinh nghiệm trực tiếp bằng con đường thiền định, bằng công phu tu tập thực tế theo pháp Phật dạy mà nên, như “Bảy Pháp thanh tịnh” trong kinh Thanh Tịnh Đạo; “Bảy Trạm Xe” trong Kinh Trường Bộ; hay “37 phẩm trợ đạo” trong Tứ Thánh Đế….. Nghĩa là chỉ học không chưa đủ, mà phải hiện thực hóa cái học qua công phu hành trì thực tế thì mới có kết quả viên mãn. Tất cả người tu chúng ta đều phải học để hiểu, và phải hành trì để hình thành cái học cho có kết quả sở cầu như nguyện ./.

Ngộ Hương
THANK YOU
[-] ngohuong được 3 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (27-07-2012 02:14 AM), dieuquang (27-07-2012 10:03 AM), langtrang (27-07-2012 01:09 PM)
26-07-2012, 04:15 PM
Bài viết: #2
RE: Cái Nhìn
Kính nhờ Chư thiện tri thức khai ngộ
THANK YOU
[-] ngohuong được 3 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (27-07-2012 02:14 AM), dieuquang (27-07-2012 10:04 AM), langtrang (27-07-2012 01:09 PM)
27-07-2012, 10:06 AM
Bài viết: #3
RE: Cái Nhìn
Bài hay quá thầy Ba, dq sẽ xem đi lại nhiều lần để suy tìm nghĩa nhiệm mầu trong bài giảng, cám ơn thầy nhiều .
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
langtrang (27-07-2012 01:31 PM)
27-07-2012, 09:23 PM
Bài viết: #4
RE: Cái Nhìn
Sleepyút Lăng chịu thua , đọc mãi mà ko hiểu được bao nhiêu ,có lẽ căn duyên chưa tới , cần có thiện tri thức chỉ điểm mới khai thông dược Sleepy

Batting EyelashesHãy sống là chính mình, bình thường nhưng không tầm thường.Batting Eyelashes
THANK YOU
[-] langtrang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (28-07-2012 12:45 AM)
28-07-2012, 12:47 AM
Bài viết: #5
RE: Cái Nhìn
Cái nầy thì Bảo đồng ý với Cậu Lăng.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
03-08-2012, 01:17 PM
Bài viết: #6
RE: Cái Nhìn
Cùng Út và BaoThai , những bài ý đạo hoàn toàn theo dq phải đọc chậm và nhiều lần , có khi chỉ đọc 1 đoạn nhỏ rồi suy nghĩ : tìm được ý hay khoảng 1/3 là quá tốt rồi.thanks.
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (04-08-2012 02:01 AM)
04-08-2012, 02:02 AM
Bài viết: #7
RE: Cái Nhìn
Dạ đúng vậy. Phải đọc đi đọc lại nhiều lần rồi suy ngẫm mới thấm được ý nghĩa của nó.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS