Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(2).
08-10-2012, 06:33 PM (Được chỉnh sửa: 09-10-2012 09:18 AM bởi minhmong.)
Bài viết: #1
Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(2).
Ngày 24 tháng 4 năm 2010 cầu Cần thơ chính thức thông xe,chấm dứt 92 năm ròng rã qua lại của không biết bao nhiêu chuyến đò tại bến Bắc Cần thơ.Rồi đây,5 năm,10 năm hay rất lâu hơn nửa, chúng ta và con cháu sẽ chỉ còn nghe buồn não nuột câu hát điệu dân ca…..


….về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu.Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba,em đi mau kẻo trể chuyến phà đêm qua bến Bắc Cần thơ….
Viết đến đây tự nhiên tôi thấy cay cay trong mắt.Tại vì giọng ca mượt mà của Hương Lan buông theo cái giai điệu trầm buồn mà Trần thiện Thanh đã gieo vào bài hát một cách tuyệt vời , hay tại vì bỗng nhiên chợt nhớ đến những kỹ niệm xa cũ trên các chuyến đò qua lại ngày xưa , có lẽ vì cả hai.Và có lẽ nhiều người trong chúng ta,những ai đã từng một lần gắn bó với Cần thơ,đã từng biết bao nhiêu lần qua lại Bắc Bình Minh,cũng đều thấy ngậm ngùi mỗi lần nhớ lại bến cũ!

[Hình: attachment.php?attachmentid=88800&d=1349665094]

Cầu Cần thơ,thông xe từ 2010.

Nghe đâu thành phố Cần Thơ đang dự định xin phục hồi lại bến phà cũ để giải quyết vận chuyển cho một số cư dân địa phương qua lại chợ Cần thơ và Bình minh, không phải vượt cầu theo một cung đường quá xa.Điều này thật cần thiết, nhất là cho những người là công nhân viên chức đang làm việc tại khu công nghiệp Trà Nóc hay Cần Thơ ,trong đó còn phải kể đến nhiều sinh viên ,học sinh đến từ bờ Bắc sông Hậu.Nếu bến phà được tái lập nó cũng có thể sử dụng để phục vụ cho những du khách muốn tìm cảm giác qua sông bằng phà,nhìn ngắm cái mênh mông của sông Hậu, mà họ sẽ không có dịp thưởng thức nếu chỉ ngồi trên xe chạy theo đường quốc lộ.
Như vậy,3 cây cầu lớn đã lần lược hoàn thành,thay thế cho các bến phà xưa.Bây giờ ,chỉ còn lại bến Vàm Cống.


[Hình: attachment.php?attachmentid=88672&d=1349505876]

Bến "bắc" Vàm Cống phía bờ Lấp Vò,với chiếc phà "cá nóc" một đầu,thập niên 1940-1950.


Tôi sinh năm 1948,tại nhà thương Chú Hỏa,đường Arras Sài gòn,nay là bệnh viện phụ sản Từ Dủ,đường Cống Quỳnh.Được 2 tuổi thì Má đưa chị Hai và tôi về quê Ngoại sống tại chợ Vàm Cống thuộc làng Bình Thành Tây,quận Lấp Vò,tỉnh Long Xuyên(sau này mới thuộc Sa Đéc,rồi Đồng Tháp hiện nay).Phà Vàm Cống hoạt động từ năm 1925,trước khi tôi sinh ra 23 năm,nhưng có lẽ sẽ chấm dứt hoạt động khi tôi còn tại thế!Nói như vậy để thấy rằng cuộc đời tôi đã và sẽ gắn liền với bến phà này rất nhiều năm.Sau này người ta gọi là phà chứ hồi nhỏ chúng tôi gọi là bắc (le bac,tiếng Pháp),Bắc Vàm Cống.

Như ta biết,ở những vùng cao dân tộc ít người,địa danh thường do dân bản địa đặt,hiếm khi trùng lắp,ví dụ Mã Pí Lèng,Kong Rẫy…còn vùng đồng bằng tên bằng tiếng kinh,đôi khi nhiều địa phương ở xa nhau lại có tên giống nhau,ví dụ địa danh “An hòa” trong Nam ngoài Trung đều có,hoặc như An Giang có Huyện Chợ Mới,ngoài Bắc cũng có một huyện Chợ Mới,ở tỉnh Bắc Kạn , riêng tên Vàm Cống , tôi dám chắc không tìm thấy một nơi chốn thứ 2 có cùng tên.Hai từ “vàm” và “cống” nghe nó mộc mạc quê mùa sao ấy.Về nghĩa từng chữ thì cũng thật đơn giản,vàm là nơi ngã 3 sông đổ ra biển,rạch đổ ra sông hay sông nhỏ ra sông lớn (Vàm Cái Sắn,Vàm Láng,Vàm Sác….,cống là đường ống chôn dưới đất để dẫn hay thoát nước.Tôi cũng không hiểu sao có cái sự kết hợp của hai từ này,vàm thì hiểu được vì đúng nơi bến phà là điểm khởi đầu của một trong những con sông nhỏ (gọi kinh thì đúng hơn),là sông Lấp Vò nối liền 2 nhánh Hậu giang(phía Long Xuyên) và Tiền giang(phía Sa Đéc),còn cống thì đúng là chợ tôi cũng có một cái cống nhỏ,hiện nay không còn,đúc bằng xi măng,đường kính chắc chừng 1,5 mét,dẫn và thoát nước cho một cánh đồng khoảng 10 ha,cống nhỏ và chẳng nằm trên trục giao thông chính,chẳng gây cái sự gì phải khiến khách đường xa chú ý mà có tên;lẽ nào Vàm Cống chính là sự kết hợp của 2 từ đó?

[Hình: attachment.php?attachmentid=88673&d=1349505892]

Ông Ngoại tác giả đang đứng trên phà "cá nóc",1952.


Khoảng tháng 9 năm 1987,bạn của em tôi,tên V.,công tác tại Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Đồng Tháp dẫn một Ông già hom hem,đi dép nhựa,quảy cái bị Robin màu xanh dương sờn rách về chơi.Chúng tôi bày một cuộc nhậu rượu đế vui vẻ,thích thú nghe ông ta nói chuyện.Ông ấy nói tao đi ngang cái phà Vàm Cống này nhiều lần rồi,trong lúc chờ đò tao ưa kể chuyện tiếu lâm làm mấy con mẹ bán bánh bò,bánh tiêu,bán hột vịt lộn…cười lộn ruột,mấy con mẻ khoái tao lắm!Hôm nay tao ghé đây để tìm hiểu về cái địa danh Vàm Cống,tụi bây có đứa nào biết hông?hay chỉ cho tao người nào biết để tao hỏi.Đó là nhà văn Sơn Nam ,ông già Nam Bộ nổi tiếng.Ông ngủ lại nhà em tôi,Thầy giáo Lê P.X. một đêm,sáng hôm sau,tôi mời ông một ăn cháo lòng và một tách cà phê sửa .Bà xã tôi xin ông cho ít chữ vào sổ tay,làm kỷ niệm.Ông ghi:Ghé chợ Vàm Cống giữa tháng 9-1987 , chuyến đi công tác.Vui.Sơn Nam.Rồi Ông già quảy bị ra đi.Từ đó tôi không có dịp gặp lại,chẳng biết ông có tìm ra được xuất xứ của địa danh Vàm Cống hay không,trước khi Ông qua đời?

[Hình: attachment.php?attachmentid=88674&d=1349505900]

Di bút của nhà văn Sơn Nam,1987.

Trước năm 1950 thì tôi không rõ,nhưng từ lúc tôi biết cho đến nay,bến phà phía bờ Long Xuyên cũng được gọi là bến phà Vàm Cống,hồi trước có một sân bay cũng mang tên sân bay Vàm Cống,bây giờ trạm kiểm dịch động vật của Chi Cục Thú Y An Giang cũng tên Trạm Kiểm Dịch Vàm Cống,hiện tại có một chợ Vàm Cống thứ hai nằm trên địa phận thành phố Long xuyên,nằm trên phía tay phải đường dẫn xuống phà….và nếu từ Long xuyên đi xuống khu vực này người ta cũng nói đi xuống Vàm Cống , mặc dù nó thuộc địa phận Tỉnh An Giang,cách nơi mang tên Vàm Cống đến hơn 1.500 mét bề rộng của dòng sông Hậu!

[Hình: attachment.php?attachmentid=88677&d=1349505937]


Như trên đã nói,cả nước Việt Nam chắc không có nơi thứ hai tên Vàm Cống,phải chăng danh xưng này chẳng đẹp đẻ gì nên không địa phương nào muốn đặt?Về con người tôi chưa thấy có thằng cha con mẹ nào tên là Trần văn Vàm Cống hay Nguyễn thị Vàm Cống,.Tôi nói thằng cha,con mẹ là nhằm để chỉ những người “tương đối” lớn tuổi như tôi,khi mới đẻ ông bà,cha mẹ họ còn quê mùa,đặt tên con không cần đẹp,vậy mà chẳng có ai đặt tên cho con là Vàm Cống,chí ít cũng để kỉ niệm nơi sinh ra con,trong khi họ dễ dàng đặt tên là thằng Đực,con Lủng….;thiệt sự dù nghèo rớt mồng tơi,tiền bạc không có chứ từ đẹp thì ai cũng sẳn,không cần vay mượn vẫn có thể dễ dàng đặt tên cho con,coi như món quà nhỏ mọn tặng đứa bé lúc chào đời,Vàm Cống chắc chắn “đẹp” hơn Đực,Lủng…vậy mà sao không thấy ai dùng để đặt tên con!

[Hình: attachment.php?attachmentid=88676&d=1349505920]

[Hình: attachment.php?attachmentid=88675&d=1349505911]

Tôi dài dòng như thế để muốn nói lên một điều nếu không có bến phà thì chắc ít ai biết tới Vàm Cống.Chiếc phà đã chở cái tên Vàm Cống từ bên này sông Hậu về bờ bên kia,Long Xuyên.Bến phà đã làm cho tên Vàm Cống được ghi lên bản đồ vì là một nút giao thông quan trọng trên quốc lộ xuôi về biên giới phía Tây Nam.Vàm Cống ít nhất cũng thành một cái tên khó quên cho những ai đã từng một lần tạm nghĩ chân để chờ vượt qua dòng Bassac.
Cái việc chờ phà này thực sự cũng có nhiều chuyện để nói,thoảng qua như việc nhà văn hóa Sơn Nam từng ăn hột vịt lộn kể chuyện tiếu lâm mà tôi đã kể,riêng tôi thì phà Vàm Cống đã quen thuộc từ thuở nhỏ đến bây giờ,nên có rất nhiều kỷ niệm không quên.
Giòng sông Hậu vào mùa nước lũ có vẻ rộng hơn và chảy rất xiết về phía hạ lưu.Có lẽ vì vậy mà người Pháp đã làm bến phà không ngoài bờ sông Cái như Cần Thơ hay Mỹ Thuận,mà thụt vô phía trong vàm của sông Lấp Vò khoảng 500 mét,để phà dễ cập bến những khi gió to sóng lớn,nhờ cồn Cái Cùng che chắn phía thượng lưu,nhất là vào mùa mưa bão.Con đường quốc lộ từ Sài Gòn về(đoạn từ Mỹ Thuận về đến phà Vàm Cống lúc này là đường liên tỉnh 8) chạy thẳng từ phía Lấp Vò ra không đến sát bờ sông Hậu mà ngoặc về tay phải,cặp theo đoạn đầu sông Lấp Vò,thêm 200 mét thì đến bến,có một cầu dẫn nối bờ sông và một phao nổi(pontong),dân quê tôi quen gọi là “cầu bắc”.Nhắc tới Lấp Vò,có một bài thơ khuyết danh đọc thấy thú vị,tôi xin trích lại như sau:

“Chợ Lấp Vò,chợ Lấp Vò,
Cảnh tình nhà đủ lại người no.
Dọc ngang phố cất ngay từng vạt,
Qua lại buồm giương thẳng cánh cò.
Gió thổi đằng đồng hơi rỉ rả,
Nước lừa khúc vịnh chảy quanh co.
Cho hay mỗi thứ đều theo thú,
Thanh lịch sao bằng thú vị nho!”
THANK YOU
[-] minhmong được 4 thành viên cám ơn cho post này:
behai (08-10-2012 10:39 PM), baothai (09-10-2012 04:17 AM), langtrang (09-10-2012 05:00 PM), dieuquang (11-10-2012 05:38 AM)
09-10-2012, 10:40 AM (Được chỉnh sửa: 09-10-2012 10:47 AM bởi baothai.)
Bài viết: #2
RE: Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(2).
Hôm nay con lại báo cho Cậu một chuyện vui nữa là: Nhân viết bài về đề tài "Bất Chợt Một Cảm Xúc" của bảo Trẻ tại Mỹ, con đã viết bài "Bến Phà" nhân kỷ niệm ngày bến phà Cần thơ đi vào lịch sử. Đang định gởi bài đi thì con nhận được email của Cậu trong đó có hình của Ông. Con chộp ngay và cho đăng vào báo và chú thích là Ông Ngoại của Mẹ tác giả. Lần đó Ba Mẹ con đọc tờ báo ấy, giật mình vì thấy hình Ông và hỏi con ở đâu có, con nói là do Cậu gởi.

Còn hồi còn đi học, bọn con trai tụi con thường nghêu ngao câu:

"Vàm cống là chổ náo nương
Hướng về Lấp vò tình thương đậm đà"

để tán mấy cô con gái Lấp vò đó Cậu, hay ngược lại khi mà mấy chàng trai Lấp vò tán mấy cô gái Vàm cống


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 1 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (11-10-2012 05:39 AM)
09-10-2012, 01:31 PM
Bài viết: #3
RE: Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(2).
Vui hén,
Xứ mình có nhiều cái hay ho lắm,trong đó có những cái cũ xì;nhưng hổng dễ gì kiếm được!
THANK YOU
[-] minhmong được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (10-10-2012 09:50 PM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS