Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Rong chơi Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu (2)
16-10-2012, 12:00 PM
Bài viết: #1
Rong chơi Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu (2)
“ Nước Việt Nam ta hình chử S,trải dài từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau”.Bài địa lý học từ lúc còn ở “ trường làng” đã dạy như thế và nó đã ăn sâu trong đầu của chúng ta từ những năm tháng xa xưa ấy.Thực sự điểm cao nhất trên bản đồ địa lý là Lủng Cú,thuộc tỉnh Hà Giang.Ải Nam Quan thì thuộc tỉnh Lạng Sơn,nằm ở một vĩ độ thấp hơn,đó chỉ là khởi đầu của con đường Xuyên Việt từ Bắc vào Nam ,là cửa ngỏ từ hàng ngàn năm trước của ta thông sang Tàu, là nơi Sứ bộ “hòa bình” 2 bên qua lại và cũng là nơi chính yếu mà quân xâm lược Tàu đã nhiều lần vượt qua để thôn tính nước ta.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại cho đời một tuyệt phẩm , đó là Trường ca “Con đường cái quan”.

Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường
Năm mươi người ngược núi rừng
Ðã dựng vòng biên ải
Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng
Tôi theo người vượt quan san
Ơi,ơi người ơi Ơi,ơi người ơi
Rẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn dường giặc Hán
Tôi chưa về Ải Chi Lăng
Ơi,ơi người ơi Ơi,ơi người ơi
Dưới chiến bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn...

Đáng lý tôi chỉ trích 2 câu đầu thôi,nhưng như thế thì rất thiếu sót, nên tôi xin chép lại toàn bộ “đoản khúc 2” của bản trường ca, để thấy rằng Con đường cái quan đã không những bắt đầu từ Ải Nam Quan với cột mốc địa dư cụ thể mà còn khởi phát từ thời Lạc Long Quân huyền thoại!
Trước năm 2009,tôi vẫn còn nghĩ Ải Nam Quan đang nằm đâu đó ở miền cực Bắc đất nước và mong rằng sẽ có ngày đến thăm.
Năm 2008,tôi và bà xã đã theo một tour du lịch xuyên Việt bình dân,có tới cửa khẩu Hửu Nghị,chụp vài tấm ảnh kỷ niệm trên đường ranh biên giới.Đâu ngờ rằng khi đó mình đang đứng cách Ải Nam quan không xa, phía Bắc đường ranh này! Như vậy,chúng tôi đã “xém” tới được “Ải Nam Quan” mà không hay.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89142&d=1350295443]


Còn mũi Cà Mau,nằm ở cực Nam tổ quốc,không ai có thể chiếm được,vậy mà không đến thăm,mai mốt lỡ theo Ông theo Bà thì chỉ biết tự trách mình thôi.Cho nên,dự định một chuyến đi bụi về đất Mũi nó cứ “lộn xộn” trong lòng!

[Hình: attachment.php?attachmentid=89131&d=1350294827]

Rời Tp Long Xuyên lúc 06h30' sáng ngày 17-02-2012.


Ngày 17 tháng 2 năm 2012,gia đình bên Ngoại của bà xã có tổ chức một buổi họp mặt gia tộc tại quê ở Cần thơ.Vậy là chúng tôi chuẩn bị con “chiến mã Daehan 2 bánh Hàn quốc” và lên đường lúc 6h30 sáng về dự .Rồi sau đó,sẽ đi tiếp Cà Mau!

[Hình: attachment.php?attachmentid=89141&d=1350295084]



Cái Răng , Ba Láng ,Vàm Xáng , Phong Điền
Anh thương em thì cho bạc cho tiền,….
Đừng cho lúa gạo,xóm riềng cười chê!

Đó chính là Ba Láng của ca dao mà nhiều người chúng ta đã biết.Nhà Ngoại của bà xã tui nằm “bên kia” con sông này.
Sông Ba Láng không lớn ,rộng chưa tới 200 mét,trước năm 1975 là vùng xôi đậu,bên này sông là “Quốc gia” bên kia sông là “lộn xộn”đi chơi bên đó lạng quạng có khi bị “hỏi thăm”,bởi cả 2 phía.Vì lở quen Bà xã nên tui cóc sợ,rất nhiều lần “qua sông”; may mắn chưa bị hỏi thăm lần nào.
Năm 1980, ‘sa cơ lỡ vận” ,chúng tôi dắt thằng con 5 tuổi về đây tá túc .Có lần đi buôn lậu vải từ Châu Đốc về Sài gòn,sau khi bán mấy cây vải tại chợ An Đông,lãi được ít tiền,ra Xa cảng Miền Tây,về Cần Thơ ,tới nơi thì đã quá nửa đêm, tui phải “quá giang” xe chở rác về tới cây số 9,rồi lội ra mé sông Ba Láng.Giờ đó đâu còn ghe xuồng gì ,tui cởi áo quần,vo lại một cục,dấu đôi dép dưới buội dừa nước rồi cầm quần áo,đưa lên khỏi đầu,lội qua sông .
Ba Láng,với tôi thật nhiều điều đáng nhớ.

[Hình: attachment.php?attachmentid=88571&d=1349267435]


Bây giờ Sông Ba Láng đã xây cầu, nằm trên tuyến đường Cần thơ – Hậu Giang,tôi không còn phải lội nửa!Xe gắn máy chạy thẳng về tới nhà Ngoại.
THANK YOU
[-] minhmong được 4 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (17-10-2012 02:31 PM), baothai (19-10-2012 01:28 AM), quangvu (23-10-2012 07:30 PM), MyHang (07-11-2012 11:17 AM)
18-10-2012, 05:20 PM
Bài viết: #2
RE: Rong chơi Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu (2)
1/Đường Nam Sông Hậu:

Cần thơ được xem như là thủ phủ của Đồng bằng sông Cửu Long,xét về cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen,bởi tầm vóc địa lý,kinh tế và cả học thuật.Cho nên thành phố này cũng còn được gọi là Tây Đô.Ngày nay do yêu cầu về quản lý,thành phố Cần thơ có ranh giới địa dư lên đến cầu Cái sắn,giáp ranh thành phố Long Xuyên,cho nên phần lớn thành phố là một vùng nông thôn rộng lớn nằm dọc theo hửu ngạn sông Hậu.Trong bài này,tôi xem Cần thơ là khu vực phố xá xưa nay,là Tây đô ngày nào,cho nên bài viết và hình ảnh minh họa về thành phố này cũng theo cái nghĩa hạn hẹp đó.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89231&d=1350450150]

[Hình: attachment.php?attachmentid=89233&d=1350450172]


13 giờ 30 chiều thì xong cuộc nhậu,tui nghĩ thêm 30 phút cho “bay” bớt lon bia,rồi cùng bà xã lên đường.
Rời cầu Ba Láng,chúng tôi chạy trở ra Cần Thơ,theo đường quốc lộ 1A cũ,qua Cái Răng,Đầu Sấu rồi Chợ Tham Tướng,cuối cùng chạy thêm một vòng ra bến Ninh Kiều,chợ Cũ rồi về khu vực sân vận động Cửu Long,qua cầu Quang Trung để ra cầu Cần Thơ.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89232&d=1350450162]

[Hình: attachment.php?attachmentid=89230&d=1350450128]


Từ đó tiếp tục đi theo đường Quang Trung xuống hướng cảng Cái Cui,tới đây là bắt đầu đường Nam Sông Hậu.Một khu đô thị mở ra với hàng dãy nhà nhiều tầng,chạy dọc theo con đường mới .Tôi thật sự ngạc nhiên khi nhớ lại nơi này nhiều năm trước còn là vùng đất của những con rạch nhỏ với ô rô,cóc kèn,dừa nước….Nhưng cũng tự hỏi đang có bao nhiêu người đến sống trong những khu dân cư cao cấp đó?Hay lại phải bỏ hoang,kéo theo sự sụp đổ của các đại gia?Mong sao cho “tai qua nạn khỏi” vì đại gia nghoẻo thì dân nghèo chắc cũng ngủm theo!
Đường Nam Sông Hậu không rộng,tương đối tốt và đặc biệt rất ít xe,nên lưu thông thấy thật thảnh thơi.Con đường chạy song song với dòng sông Hậu ,nhưng cách một khoảng vườn cây,nên rất mát mẻ.Dọc đường tôi thấy có nhiều trái cây như xoài và vú sửa đang chờ lái đến chở.
Con Daehan lần lượt qua Đại Ngãi,Long Phú bây giờ đã khác xưa.Năm 1978 ruộng lúa Miền Tây gặp dịch rầy nâu.Thầy trò Đại học Cần thơ tạm nghĩ để xuống đồng diệt rầy.Tôi cùng một số đồng nghiệp phụ trách khu vực Long Phú,Lịch Hội Thượng.

[Hình: attachment.php?attachmentid=88574&d=1349267481]

[Hình: attachment.php?attachmentid=88573&d=1349267457]


Từ Cần thơ muốn đi Đại Ngãi phải theo đường bộ xuống Sóc trăng,rẻ vào ngả 3 Trà Men rồi ra Đại Ngãi hoặc ngồi tàu đò cả buổi mới tới.Từ Đại Ngãi phải theo những đường đất nhỏ mới xuống tới Long Phú nếu không đi bằng tàu đò.Và tiếp tục đi nửa thì…từ Long phú xuống Lịch Hội Thượng chỉ có thể đi bằng tắc ráng hoặc….lội bộ xuống Ngang Rô,Bãi Giá rồi qua….Đi tắc ráng thì như “cởi ngựa xem hoa” nên tôi bèn lội bộ.Đây là thời kỳ “nhạy cảm” ở những vùng ven biển như nơi đây bởi đang trong giai đoạn nở rộ “vượt biên”.Tôi đi công tác diệt rầy nên chẳng rắc rối gì.Nhưng cũng không ít cặp mắt địa phương nhìn theo “cái thằng cha vác bị” lạ mặt đang lang thang trên đường mòn hoặc bì bõm lội qua rạch cạn.
Dĩ nhiên nhờ cái sự đi này mà tui thuộc đường đi nước bước nơi đây.Và chính cái sự thuộc đó nó đã hại tui trong cuộc vượt biên một năm sau.(Tuy nhiên,bây giờ tui lại nghĩ có thể nó đã giúp tui và gia đình thoát khỏi một thảm họa trên biển ?)
2/Chuyến đi “chơi”trên sông Hậu năm 1979.
“Ngày 9 tháng 4 năm 1979,hai vợ chồng tôi cùng thằng con trai 4 tuổi,ngồi vỏ tắc ráng từ Thôt Nốt xuống Bãi Giá (cửa Trần Đề),để đến điểm hẹn lên “cá lớn”.Trên vỏ còn có 6 người khác.
Sông Hậu rộng mênh mông làm cho chiếc tắc ráng thiệt mỏng manh.Tôi nhìn thằng con nhỏ ngơ ngác trong cái vô tư mà lòng ngổn ngang lo lắng.Bên phía bờ Bắc,chúng tôi nhìn thấy “cá lớn” đang song song xuôi về cửa biển.Càng về chiều càng gần Bãi Giá,dòng Sông càng rộng.Càng về chiều,càng gần biển , gió và sóng càng dữ dội hơn.Thằng con nhỏ thỉnh thoảng hỏi mình đi dâu vậy Ba ,tôi chỉ biết trả lời con là đi chơi .Thiệt sự,bây giờ tôi không còn nhớ gì về mặt mày của con tôi lúc đó,nhưng chắc là nó không thích thú gì cái –chuyến-đi-chơi-đầy-nắng-gió ,cả ngày chưa tới đâu.Và còn sợ nửa.Nhưng khi đó,tôi chỉ còn “nhắm mắt theo lao”!
Khoảng hơn 18 giờ thì tới Bãi Giá,theo kế hoạch,D. ,người lái tắc ráng,lũi mạnh vào rừng dừa nước nhập nhoạng tối.Tắt máy và chờ đợi.Bây giờ thì 2 vợ chồng tui lại lo quơ muỗi cho con.Trời tối rất nhanh,nhưng là ngày trăng tròn nên vẫn thấy được những gì đang nằm trên cửa biển. “Cá lớn” đang cách chúng tôi khoảng hơn 1000 thước,đen thù lù.Tôi không hiểu sao người tổ chức lại chọn “đi” vào cái ngày trời “sáng” như thế này;nhưng bây giờ đâu phải lúc để thắc mắc.
Khoảng 10 phút sau thì “Sếp”,Anh Lê C.Đ,lội xuống cùng vợ con và một người địa phương đã móc nối trước.Theo kế hoạch,dầu và nước cùng một số lớn lương khô sẽ tiếp nhận thêm tại đây và chiếc tắc ráng này cũng là phương tiện vận chuyển những thứ ấy từ rừng dừa nước ra “cá lớn”.Bấy giờ nước đang”ròng”,rút xuống rất xa,khoảng cách 1000 thước tới cá lớn,trong hoàn cảnh này thật dịu vợi,nhất là khi “vỏ lãi” lại khẵm hơn.Bốn thằng đàn ông hì hục đẩy chiếc tắc ráng trên đó có 5 chị đàn bà và 2 đứa con nít,cộng với số lương khô vừa bổ sung,nuốt dần khoảng đường sình 1000 thước ,thiệt chua!

Từ lúc đâm ào vô rừng dừa nước dấu mình, rồi bắt được liên lạc,tập kết lương khô,nhiên liệu đến lúc chuẩn bị chuyển ra cá lớn cũng hơn một giờ.Trăng đã lên khỏi ngọn dừa,mọi vật trên mặt cửa sông bây giờ thật sáng rõ,mình thấy cá lớn thì “họ” đui sao mà không thấy .Với con mắt chuyên môn của người miệt biển thì dù là trong đêm,chắc chắn “ họ” vẫn nhận ra chiếc nào là ghe biển,chiếc nào là ghe sông dưới ánh trăng rằm 14.Thôi thì…hên xui,tới đâu hay đó!
Vật vã đẩy kéo vỏ đi được mấy trăm thước thì bỗng một pháo sáng xịt lên không phía xa, bên kia cửa biển.Chết mẹ,bể rồi tụi bây ơi!Tôi ôm vội thằng con,dắt vợ “vọt lẹ” vô rừng dừa nước.”Phe ta” từ Thốt nốt xuống,ngoại trừ thằng D. Văn Khoa,thấy thủ lãnh vọt,cũng vội vã vọt theo. Phải công nhận rằng mình lẹ thiệt,nhoáng một cái đã phụp vô rừng dừa nước.Ấy cũng bởi nhờ nắm chút địa hình sau vụ diệt rầy năm ngoái.Mà cũng phải công nhận rằng mình nhát thiệt.Mới “tẹt” một trái pháo sáng,chưa biết thực hư ra sao mà đã đánh bài chuồn!Đó,cái hại của vụ biết đường là ở chỗ đó.
Tuy nhiên,tui không bao biện gì về cái sự nhát của mình,bởi trong nhất thời ,ngoài chuyện lo sợ bị tóm còn phải nghĩ đến mối hiểm nguy dưới “làn tên mũi đạn” ,dù là từ súng bắn chỉ thiên!Gì chớ súng đạn thì đừng nên giỡn mặt,bắn lên trời thì không trúng ai,nhưng rớt xuống thì thành đạn “mồ côi”,xui xẻo mình cũng lảnh thẹo!Ngoài ra,còn một điều nửa,đó là chắc chắn nếu rơi vào “trận địa” súng nổ tưng bừng thì sẽ ảnh hưởng đến thần kinh thằng con tui rất nhiều.Với con nít thì không nên gây nỗi sợ hãi cho chúng.Tui nghĩ mình đã quyết định đúng vào lúc đó.
Khoảng 30 phút sau,chúng tôi đã xa khỏi hiện trường hàng cây số,nghe súng nổ vang trời suốt nhiều chục phút,tôi chắc chắn chuyến đi đã thất bại.Phần mình,cuộc đào thoát trở về cũng không hề đơn giản.Tui cõng thằng con trên lưng,dẫn cả đoàn lội qua lùm ,buội…Có một đoạn chúng tôi đi trên một bờ đất mà bên cạnh là cái ao sâu thật lớn,đất cục lỗi xỗi,bổng thằng con thốt lên “Ba…té Ba!”.Rõ ràng nó đã sợ hãi,nỗi sợ mà nó đã “thấm” dần từ lúc còn trên dòng sông Hậu mênh mông sóng nước,đến lúc lầm lũi,thập thò trong đám dừa nước âm u.Không đợi con tôi nói thêm,tôi vội bỏ bờ đất bước xuống băng đi trên những buội lùm gai góc.Xin nhắc thêm lúc này tất cả đều đi chân không vì giày dép đã bỏ lại rừng dừa nước hết rồi.Tôi đã đạp nhiều gai,nhưng lúc này chẳng thấy đau đớn gì.

[Hình: attachment.php?attachmentid=88576&d=1349267502]

Sau hơn một giờ chúng tôi tới con đường đất dẫn về Ngang Rô (Xã Đại Ân) cách đó chắc khoảng chục cây số.Theo dự kiến của tôi,khi tới chợ Ngang Rô,sẽ mua một ít chuối để đoàn ăn đở đói rồi tới bến tàu đò đi về Long Phú và tiếp tục về Cần thơ.Đường đất bây giờ đã dễ đi,vậy mà chúng tôi phải lang thang,lếch thếch đến gần sáng mới tới chợ.Trà trộn vào đám đông chúng tôi tới bến đò .Tôi bảo mọi người chờ đây,tui đi mua chuối về ăn trong khi chờ đò chạy.Sau này nghĩ lại mình thiệt quá thơ ngây,dù bộ dạng lôi thôi sau một đêm mất ngủ,ăn mặc cũng chẳng như dân ở chợ,nhưng cái chất thị thành làm sao dấu được trước mắt người địa phương.Lại còn chân không giày dép rất…. “hổng giống ai”.
Tôi lần mò dọc theo cái chợ chồm hổm nhỏ xíu,mua được 2 nãi chuối xiêm ,2 bọc nước mía cho vợ con,rồi trở lại bến đò.Không còn thấy ai ở đó !Bổng nghe tiếng con tôi “Mẹ…Ba kìa mẹ…” , tôi nhìn nơi phát ra tiếng thằng bé thì thấy mọi người đều ngồi đầy đủ trong đó,đồn Công An Xã!Và thật “ngây thơ”,không một chút xíu đắn đo nào,tôi cầm 2 nãi chuối và 2 bọc nước mía đi thẳng vào đồn…nạp mạng!Bây giờ tôi mới biết,chỗ bến đò ngồi đợi là ngay trước Công An Xã,anh CA trực đêm,sau khi thức dậy,cầm bàn chải đánh răng bước xuống mé sông súc miệng,thấy ngay cái đám người “lạ mặt khả nghi”,bèn mời lên trụ sở,gọn hơ!
Nhiều người nói,mầy thiệt ngu,đàn bà con nít vượt biên bị bắt thì chỉ vài ngày là được thả,có khi chỗ giam đông quá vừa bị bắt là thả ngay. Đàn ông thì chắc chắn bị tù,lâu mau thì còn tùy …hên xui,tội gì mà tự đâm đầu vô rọ!
Thôi , ngu kệ tui.Vợ con tui đâu thì tui ở đó!
THANK YOU
[-] minhmong được 5 thành viên cám ơn cho post này:
langtrang (18-10-2012 06:19 PM), baothai (19-10-2012 01:30 AM), dieuquang (20-10-2012 03:43 PM), quangvu (23-10-2012 07:31 PM), MyHang (27-11-2012 11:08 AM)
19-10-2012, 01:32 AM
Bài viết: #3
RE: Rong chơi Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu (2)
Nhưng Ải Nam Quan ngày nay đã thuộc về Trung Cộng rồi. Cũng may là Cậu đã đến đó dù rằng chưa chạm tới nó.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
27-10-2012, 10:02 PM
Bài viết: #4
RE: Rong chơi Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu (2)
Sau khi lấy lời khai ,Công an đưa chúng tôi về Trại giam Long Phú,bằng tắc ráng ! Một công an viên nói anh chịu khó cho còng tay,vì đây là nguyên tắc.Thật sự cho tới lúc này những Công an mà tôi gặp đều rất dễ thương!
Trại giam Long Phú có biệt danh là ‘nhà thiếc” bởi gồm toàn những dãy nhà bằng tôle trán kẽm, nắng tháng Tư làm tăng thêm cái nóng nhà tù.Vừa nhập trại tôi bị nhốt ngay vào buồng tối kích thước 2m x 3m, chung với 2 tù khác,ăn,ngủ, ỉa ,đái trong bô,tại chổ.Ổn định chỗ “ở” xong,tôi mới nhớ hồi nãy tại C.A. Xã,lúc viết bản tự khai tôi mới biết hôm nay là ngày 10 tháng 4 năm 1979 , ngày sinh nhật của vợ tôi.Ôi một sinh nhật đáng nhớ dù chẳng ngọt ngào chút nào.Và trong lúc bịn rịn đi vào buồng tối,tôi cũng đã quên một lời “Chúc Mừng Sinh Nhật”!
Từ hôm qua tới nay,mãi đối phó với tình hình “cụ thể”dồn dập đến,tôi như không “tự chủ” được mình;từ suy nghĩ đến hành động ,dường như điều bột phát .Bây giờ,mọi chuyện đã an bài ,không còn sự lựa chọn của một người “tự do”,duy nhất chỉ có “suy tư” là vượt qua được mọi giới hạn của không gian và lại có thời gian,nên tôi bắt đầu nghĩ đến nhiều điều.
Trước tiên là không biết vợ và con tôi thế nào,ngoài kia?
Đường về trường cũ thì coi như đã bít lại.Trước khi đi một ngày tôi đã bồi hồi lòng dạ trong phòng thí nghiệm SLTV thân yêu,mà tôi đã gằn bó trong suốt những năm làm G.n.v tại đó.Tôi lặng lẽ lau sạch từng cái máy,cái cân.Công việc này hàng ngày do Chú H. lao công đảm trách.Nhờ viện trợ của Nhật,có lẽ đây là phòng thí nghiệm có nhiều máy hiện đại nhất tại miền Nam vào thời đó,Infrared Gas analyzer,Atomic Absorption Spectrophotometer,hô hấp kế Warburg….giờ đây,đã vĩnh viễn rời xa.
Nỗi cay đắng sâu xa nhất bây giờ mới được dịp dậy lên.Trước đây,có bao giờ mình nghĩ sẽ bị ở tù đâu.Ăn trộm,ăn cướp,giết người,tham nhũng,hối lộ,thục két…..bị bắt vô đây thì đúng thôi.Còn mình,hôm nay phải rơi vào hoàn cảnh này thật chẳng biết ra sao? Sau một ngày đêm “rong chơi” vất vả….thì vào đây…quá mệt mõi,tui ngủ quên lúc nào không hay!
Đúng như tên gọi,buồng tối ,vào ban ngày cũng chỉ có chút ánh sáng từ cái lổ đinh trên nóc thiếc và cũng nhờ nó tôi “thấy” được “trời xanh” qua bóng mây bay ngược trên nền xi măng.Ban đêm thì chỉ một bóng đèn tròn từ đầu trại hắt sáng vào.Thật ra,trong này cần gì ánh sáng, bởi 10 phòng giam sắp thành 2 dãy đối diện ,đủ gần để có thể thông tin thời sự,ca vọng cổ,tân nhạc,…thậm chí kể chuyện chưởng Kim Dung cho nhau nghe ,để quên sầu chờ ngày hết án.Mỗi tuần một lần,được ra ngoài ao nước sau trại,tắm rửa,vệ sinh và hưởng chút nắng mặt trời.Tôi may mắn được vào phòng số 1,đầu dãy nên có vẻ thoáng và sáng sủa hơn, ở chung với 2 người nửa.
Hàng ngày, vào lúc 10h30 sáng và 4h30 chiều ,cửa buồng được hé mở để nhà bếp phát cơm. Chắc cũng được tư vấn bởi ai đó,nên Bà xã gửi vô liền một ca mủ,một muỗng để ăn cơm và một bô mủ để ỉa!(Xin thứ lỗi cho tui về cái sự thô lổ này,chẳng qua chỉ là nhằm “tả chân” thôi!)
He he,cái sự ỉa này cũng lắm gian nan cho …các bạn cùng phòng.Mình địt ( xin hiểu theo phương ngử miền Nam) mình hửi có khi còn “tự thấy thơm”, còn hửi của người khác thì chẳng thú vị chút nào.Nhưng trong cái phòng nhỏ xíu này thì biết tránh đâu? “I…i..ít..”một cái thì nó thúi rùm cả hủ! “T..e..ẹ..t” một cái thì thúi hoắc cả phòng,có khi còn lang cang tới phòng bên chỉ cách nhau bằng tấm thiếc mỏng thủng lổ chổ.Cho nên tự hạn chế sự địt là nghĩa vụ của các thành viên cùng phòng.Lỡ có mót quá thì cũng …từ…từ…từ… từ….Đó chỉ mới là…địt thôi. Bây giờ,tới sự ỉa thì đúng là …lớn chuyện.Đầu tiên một ai đó tuyên bố “lão gia” hửu sự.Hai thành viên còn lại quơ lấy cây quạt ,bò hoặc bước tới cửa buồng,thò mũi ra khe nhỏ,quạt lấy quạt để vào mặt.Còn đương sự thì đầu tiên là tháo mấy sợi dây thun,dở tấm nylon đậy miệng bô.Và một cái mùi bốc lên.Cái mùi này thì thiệt …không bút mực nào tả nổi,bởi nó được đậy kín từ cái hôm ra ngoài vệ sinh mỗi tuần.Ngày đầu thì tàm tạm,càng về sau thì càng …đậm đà.Của mình thì mình chịu,hai ông bạn còn lại cũng phải ráng chịu theo thôi.Giải pháp quạt và thò mũi ra khe cửa chỉ để giải quyết tình thế một phần nhỏ,phải kết hợp thêm …nín ..rồi ..thở,thở …rồi..nín…và …quen dần. Dẫu sao cũng là những kỷ niệm …đáng “iu”!

Khoảng 5 ngày sau khi vào phòng tối thì ,theo lịch,trại tui được ra tắm và đi vệ sinh.Đây là dịp để tù buồng tối mang bô đi đổ,rửa và tắm cho đả.Và đây cũng là dịp để tui được nhìn thấy vợ và thằng con trai.Chắc đã được biết trước nên tôi thấy bà xã bồng con đứng chờ ở phía xa,thằng con đưa tay vẫy vẫy.Xin lưu ý là tội phạm bị giam buồng tối không được tiếp xúc trực tiếp với ai ngoại trừ cán bộ quản giáo.Tôi nhìn mẹ con nó qua màn nước mắt!Sau một giờ,chúng tôi trở lại phòng giam.
Hai ngày sau,bổng có lệnh gọi tôi lên văn phòng.Tại đây tôi được gặp vợ con và biết được tin vui là bả được tha ,sẽ về sau khi làm thủ tục xong trong chốc nửa.Đặc biệt trại giam cũng trả lại cả tư trang mà trong biên bản tạm giử gọi là “khâu kim loại màu vàng”…,đây là trường hợp đặc biệt hiếm thấy.Dẩu sao tôi cũng cảm ơn Ông Trưởng trại,Chú ba Cơ .Riêng tôi thì được ra khỏi buồng tối,chuyển qua làm tạp dịch ở nhà bếp.Tôi biết đây chính là sự chiếu cố của Chính quyền địa phương đối với vợ chồng tôi.

Hàng ngày chúng ta đều thấy trời xanh trên cao.Cũng có khi ta khen đẹp vì đúng là có lúc trời xanh rất đẹp;nhưng tôi dám chắc quý vị không thể nào thấy nó đẹp như tôi thấy hôm nay,một cái đẹp bất ngờ đến muốn rơi nước mắt!
Trong tù, làm tạp dịch nơi nhà bếp là một ân huệ vì thong thả và có “cơm cháy”ăn!Hi hi,cơm cháy mở hành thì đúng là “bá cháy bò chét”!Thật ra đó là nơi tự do nhất đối với một người tù.Mỗi tuần 2 lần,tui được đi gánh trấu ở nhà máy xay lúa gần chợ Huyện.Đây là dịp để chúng tôi “ra dân” ngủ trưa thoải mái.Mỗi bận đi khoảng 5 người,mỗi người 2 cần xé bự.Trấu nhẹ nên chẳng cực nhọc gì.Gánh nước mới cực hơn vì nặng và xa.Đây là công việc hàng ngày của tui, nước được lấy tại hảng nước đá ở chợ,cách trại giam khoảng 500 thước.Mỗi ngày tui phải hoàn thành 10 “đôi nước”,đây là loại nước sạch,trong vắt lấy ở hảng nước đá.Hôm nào không đi gánh trấu thì tui đi gánh nước sớm.Hôm có gánh trấu thì gánh nước trể hơn ,tới chạng vạng mới xong.Tui thực sự thích công việc này vì ngày nào cũng được đi chợ thoải mái,thỉnh thoảng “nhín” chút tiền vợ để lại uống một ly cà phê.Thời này tù nhân chưa có áo sọc vẽ số nên cũng đở mặc cảm,dù rằng ai cũng biết mình là tù.Và cũng ngộ,tui chẳng thấy xấu hổ chút nào cũng như chưa thấy người nào tỏ vẻ khinh khi ,bởi có lẽ họ cũng biết cái anh chàng “thư sinh” này là tù “vượt biên”.
Gánh nước và gánh trấu được 2 tuần thì bà xã xuống.Một bà già người Khmer sống trước cỗng trại giam cho vợ tui ở tạm để hàng ngày nhìn Ông chồng gánh nước đi qua.Nói chơi cho vui chứ lúc này ,nhờ có bà xã khẩu phần ăn của tui cũng có cải thiện. Và sự hiện diện của Bả,trong hoàn cảnh này còn hơn “thuốc bổ” thượng hạng!Dù cách nhau qua cánh cỗng trại giam và lớp rào kẽm gai,nhưng ấm áp vô cùng!

Đến khoảng giửa tuần thứ 4 thì bất ngờ tôi lại được gọi lên văn phòng,Phó Bí Thư Huyện ủy,Anh Hai V. (sau này là Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng) đang ngồi chờ gặp mặt.Sau khi thăm hỏi qua loa,anh đề nghị tôi về Huyện công tác,Anh nói: đây không phải là điều kiện để tôi tha Anh,vì lệnh tha tôi đã ký,anh có thể đồng ý hay không đồng ý cũng được.Chân tình như thế thì làm sao tôi từ chối được.
Hai ngày sau ,tức đúng tròn 30 ngày bị tù,tôi được phóng thích,thằng Hải em tôi cũng được thả.Tôi bàn giao lại hết đồ dùng cá nhân cho bạn tù.Mặc bộ đồ vợ vừa đem xuống.Đi một mạch,không được ngoái cổ lại trại giam,cho đến khi khuất mắt ở góc cua ….]
THANK YOU
[-] minhmong được 4 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (29-10-2012 11:08 AM), Tư Điền (29-10-2012 07:57 PM), baothai (31-10-2012 01:34 AM), MyHang (07-11-2012 11:20 AM)
29-10-2012, 10:18 PM
Bài viết: #5
RE: Rong chơi Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu (2)
4/Trần Đề-Cà Mau:

[Hình: attachment.php?attachmentid=88575&d=1349267489]


Từ chuyện kể về hành trình xuống đất Mũi qua đường Nam Sông Hậu bổng “lạc” vào 2 chuyến đi vào cuối thập niên 70,thế kỷ trước:một bằng đường bộ,trong đó có đi bộ thiệt trong những ngày công tác diệt rầy và một bằng đường sông trong chuyến vượt biên lịch sử đời tôi.Câu chuyện đó,với tôi nó vừa là nỗi buồn vừa là nỗi thất vọng vì sự đổ vở những ước mơ.

[Hình: attachment.php?attachmentid=88576&d=1349267502]


Sau đó,tôi đã từ chối vài chuyến vượt biên khác vào giờ chót vì nghĩ tới những tai họa ập đến trên biển cả do sự cuồng nộ của thiên nhiên hoặc do sự dã man của con người (là bọn cướp biển).Từ đó tôi tiếp tục cuộc sống giản đơn của một thường dân Nam bộ.Hàng năm,vào dịp hè dẫn vợ con đi “phượt”,đâm ra ghiền.

[Hình: attachment.php?attachmentid=88577&d=1349267514]


[Sau này tôi nhận ra rằng mình đã quyết định đúng,bởi có đến khoảng 1/3 số người Việt vượt biển ra đi đã không tới được miền mong ước vì những hiểm họa nêu trên.Một thảm cảnh đớn đau của dân tộc làm xót xa một giai đoạn lịch sử !]


[Hình: attachment.php?attachmentid=88623&d=1349325640]


Bây giờ xin trở lại tiếp tục cuộc hành trình đi về Đất Mũi qua đường Nam Sông Hậu.
Hồi trưa ,mấy người anh họ,có lưu ý chúng tôi là nên đi trong khi trời còn sớm,vì đường này rất vắng,có thể bị trấn lột bất tử vì bọn xì ke ma túy,nếu thấy không an toàn thì nên tạm nghĩ ở đâu đó.Nghe cũng hơi lo,nên đã chạy khá nhanh, bỏ qua mấy chợ lớn như Kế Sách,Đại Ngãi…và chỉ đi theo đường tránh,dọc đường chỉ nghĩ một lần tại quán võng có giàn mướp xanh quyến rủ.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89134&d=1350294902]


Hơn 16 giờ chiều tới Trần Đề,tức Bãi Giá.Rất bình yên,chẳng có ai trấn lột hoặc đe dọa.Thật ra,càng về gần phía biển,nghĩa là càng rời xa cái nhộn nhịp của Tây Đô,tính đôn hậu,hiền hòa của dân Nam bộ càng rõ nét.Thị Trấn Trần Đề cũng thế,ngoại trừ những nhà trọ nhằm khai thác khách cư ngụ vào mùa bắt nghêu,thì rất ít quán nhậu đèn màu hay cà phê xập xình nhạc trẻ.Không thấy thanh niên thiếu nữ đầu đỏ,đầu xanh.Không nghe tiếng xe hai bánh nẹt “pô”,rú máy ,lạng lách bất kể sự an nguy của bản thân lẫn khách đi đường.Chúng tôi “săn” một số ảnh tại xóm lưới rồi vòng vòng xem chợ,tìm chỗ nghĩ qua đêm.Chộp một ảnh toàn cảnh mà tôi nghĩ phần hậu cảnh phía xa chính là rừng dừa nước năm xưa.Chúng tôi chọn một nhà trọ rất thoáng,sạch sẽ,tiện nghi và giá thật dễ chịu:80.000đ/đêm.Tắm rửa nghĩ ngơi một chút rồi đi dạo lòng vòng trước khi tìm chỗ ăn cơm.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89270&d=1350557288]

33 năm ,bây giờ mới trở lại.Con đường Nam sông Hậu thông thoáng không làm phai những kỷ niệm đắng cay.Hơn 1/4 thế kỷ trôi qua,cảnh cũ giờ không chút mảy may còn ; nhưng lại bổng làm bồi hồi lòng “lữ khách”!Con đường nhựa đã vượt qua bao nhiêu luồng ,lạch mà ngày xưa tôi phải lội ngang hoặc “quá giang”xuồng nhỏ.Một phần của rừng dừa nước ngày nào giờ đã mọc lên một thị trấn,tuy chưa bộn bề tầm vóc,nhưng đã rộn ràng nhịp sống thị dân.Biển đã bao đời nuôi dân bản địa,con đường Nam sông Hậu lại đưa dân bản địa đến gần với “kẻ chợ”Cần thơ.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89272&d=1350557316]


Đồ ăn ở đây rẻ và tương đối ngon.Cư dân cố cựu là người Tiều lai Khmer như hầu hết dân Sóc Trăng,Bạc Liêu,nên thức ăn cũng phần nào vẫn còn “xưa” như nửa thế kỷ trước.Đi đường xa,lạ nước lạ cái,chúng tôi chọn ăn cháo Quảng cho “yên lòng”.Bà xã mua thêm 2 bánh bao bự chảng để về nhà trọ “thiếm xực”.
Ăn xong chúng tôi chạy dọc theo con rạch nhỏ chia 2 thị trấn,nơi tập trung nhiều nhà đúc đẹp đẻ,nhưng đường còn lồi lõm,lại thiếu diện,chẳng có gì hấp dẫn,nên đành trở về nhà trọ ngủ sớm,dành sức cho cuộc hành trình ngày mai.
THANK YOU
[-] minhmong được 2 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (31-10-2012 01:37 AM), dieuquang (02-11-2012 04:58 AM)
30-10-2012, 09:15 PM
Bài viết: #6
RE: Rong chơi Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu (2)
Ngày 18-02-2012.

Sáng nay chúng tôi trở lại chợ ăn sáng và dạo quanh lần cuối.
Trong khi ngồi ăn sáng,tôi kể cho Bà xã nghe một câu chuyện liên quan đến vùng này năm 1971.

[Hình: attachment.php?attachmentid=88625&d=1349325723]


Khi đó,sinh viên năm thứ 3 CĐNN CT có một tháng đi tập sự ở các tỉnh,nhóm chúng tôi gồm 10 người,khi tập sự ở Ba xuyên(tên cũ của tỉnh Sóc Trăng bây giờ),được mấy Thầy cùng đại diện Ty Nông nghiệp dẫn xuống Bãi Giá .Sau một buổi sáng đi thực tế nghề biển,chúng tôi được một gia đình ngư phủ khá giả đãi bửa cơm trưa gồm canh chua và thịt kho mặn.Món canh chua mới thật tuyệt vời,không biết là cá gì nhưng chúng tôi ăn rất ngon,phần vì lạ miệng phần vì …đói bụng.Nói ra thật xấu hổ,lúc đầu ai cũng lo ăn mấy miếng cá,không thèm gắp lấy mấy vi kỳ xương xẩu.Khi đã “cạn tào ráo máng” mới chiếu cố đến mấy cái “xương” kia,ôi trời ơi…nó ngon kỳ lạ,giòn tan trong miệng và béo nửa,…,chúng tôi bây giờ mới “chuyển tông” sang những cái xương cá này,nhoáng một cái,nồi canh sạch sẽ.Chủ nhà lại hào phóng múc thêm,kèm theo nụ cười và lời nói hôm nay đãi mấy chú một bửa canh chua vi cá ăn cho biết.Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng,tôi được ăn món “vi cá mập”nấu chua …ngon đến tận bây giờ!



07h50’,18-02-2012.
Chúng tôi giả từ thị trấn,từ đây con đường Nam sông Hậu quẹo phải, bắt đầu rời xa cửa biển Trần Đề,cũng có nghĩa là xa dần dòng sông Bassac .
Đường đi thật thoáng,chạy dọc theo biển Đông và cách bờ biển hàng cây số.Nhiều khu nuôi hải sản nằm dọc theo 2 bên đường,trong đó có không ít những ao nuôi mới đang hình thành.Chẳng mấy chốc tôi tới cầu Mỹ Thanh,ngày xưa khi diệt rầy,tôi có lội bộ ngang đây coi bắt cua biển,thuở đó dân gọi địa điểm này là Mỏ Ó.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89143&d=1350295524]



Con đường tiếp tục băng qua những công ty nuôi trồng hải sản,rồi dần dần bắt đầu xuất hiện các rẩy trồng hoa màu,chủ yếu là hành đỏ(còn gọi là hành tiều).Càng gần về hướng Vĩnh Châu thì các nương rẫy càng nhiều,cuối cùng thì chấm dứt hẳn việc nuôi hải sản,chỉ còn thuần túy sản xuất hoa màu,phần lớn là hành,xen lẫn là củ cải trắng và vài loại hoa màu phụ khác.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89271&d=1350557303]


Nơi đây đúng là xứ sở của hành đỏ.Rẫy mới rẫy cũ nối tiếp nhau hai bên đường.Thỉnh thoảng là các kho,vựa với hàng chục công nhân đang tuyển chọn để chuẩn bị giao cho lái đến chở đi phân phối các nơi.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89215&d=1350385284]


Sóc Trăng,Bạc Liêu,An Giang,Trà Vinh là 4 tỉnh có nhiều người Khmer sinh sống.Dọc đường từ Vĩnh Châu về Bạc Liêu là nơi tập trung nhiều người Khmer,cho nên chúng ta cũng gặp nhiều Chùa Miên với lối kiến trúc đặc trưng của họ,vừa rực rỡ vừa đồ sộ.Không có nhiều thì giờ nên chúng tôi chỉ tạt ngang chụp ảnh rồi đi.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89627&d=1351315944]

[Hình: attachment.php?attachmentid=88629&d=1349325888]


10h10’,chúng tôi tới Vĩnh Châu.tìm một quán cà phê nghĩ chân.Bà xã đi dạo chợ,luôn tiện tìm mua cái gì đó để ăn dọc đường.Vĩnh Châu cũng còn là nơi đông người Hoa sinh sống,phần lớn là người Tiều(có lẽ vì vậy mà hành đỏ còn gọi là hành Tiều),cho nên vịt quay,xá xiếu là những món truyền thống.Bà xã mua 2 hộp cơm nếp xá xiếu và một bọc vịt quay.

[Hình: attachment.php?attachmentid=88628&d=1349325788]


10h30,chúng tôi tiếp tục hành trình về hướng Bạc Liêu.Con đường Nam Sông Hậu vẫn băng qua các nương rẫy hành tím,những ngôi chùa Theravada rực rở sắc vàng chói chang đặc sắc của dân tộc Khmer.Như từ lúc khởi đầu nơi cầu Cần thơ,tới đây Nam Sông Hậu vẫn không rộng hơn nhưng rất vắng xe và mát mẻ,nên chúng tôi rất dễ chịu

12h05’, chúng tôi tới Bạc Liêu.Đích đến ngày hôm nay là Đất Mũi nên chúng tôi không muốn mất thì giờ dạo chợ mà tìm đường ra quốc lộ 1A,nghĩ trưa tại một quán võng,ăn mấy món vừa mua ở Vĩnh Châu,uống mỗi người một trái dừa.Chúng tôi chợp mắt thêm khoảng 30 phút rồi tiếp tục cuộc hành trình.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89269&d=1350557261]

[Hình: attachment.php?attachmentid=89628&d=1351316138]


14h15’,tôi dừng xe ở nhà thờ Cha Diệp (Hộ Phòng) để bà xã vào cúng.Nhìn sự phát triển của nhà thờ,cùng cảnh nhộn nhịp mua bán và lũ lượt khách hành hương,tôi chợt thấy rằng hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại “hòa đồng tôn giáo” như dân tộc Việt Nam.Khi đã có niềm tin thì dù khác đạo,niềm tin vẫn cứ “lòng thành” như nhau.Cha Diệp được đông đảo người dân tôn kính,tin tưởng,trong số đó người ngoại đạo chiếm một lượng chắc chắn không nhỏ.Có lẽ ở đồng bằng sông Cửu Long,số lượng khách hành hương về nhà thờ Cha Diệp chỉ kém hơn chút ít so với Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thôi.Dẫu sao,2 nơi nầy đã góp phần không nhỏ cho hoạt động kinh tế khu vực qua những dịch vụ “ăn theo”.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89585&d=1351157710]


Từ đây về Cà Mau không xa,nên mới 15h30’ chúng tôi đã tới thành phố.Ghé một tụ điểm xe ôm,tôi hỏi đường đi Đất Mũi.Mấy anh xe ôm nói xe gắn máy chỉ đi tới Năm Căn thôi,rồi ngồi tàu đi tiếp,mà giờ này ông bà đi không kịp đâu,tìm chỗ ngủ,dạo phố rồi mai đi tàu cao tốc xuống Mũi.
Một anh gợi ý “Anh chị nên chụp hình cột cây số làm kỷ niệm”.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89216&d=1350385346]


Thì ra “bến” xe ôm này nằm ngay cột cây số Cà Mau 0km,chúng tôi đúng là may,nếu hỏi chỗ khác thì chắc không có cơ hội chụp(vì không nghĩ tới).
Luôn tiện chúng tôi hỏi đường đến bến tàu để mai không phí thì giờ tìm kiếm.
_ “Anh chị chạy đến cầu Gành hào,không qua cầu,rẻ trái theo đường Phan Bội Châu,bến tàu ở gần đầu đường”.
Chúng tôi cảm ơn rồi giã từ.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89217&d=1350385379]
THANK YOU
[-] minhmong được 2 thành viên cám ơn cho post này:
Tư Điền (30-10-2012 11:29 PM), baothai (31-10-2012 01:37 AM)
31-10-2012, 01:38 AM
Bài viết: #7
RE: Rong chơi Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu (2)
Cảnh vật miền Tây lúc nào nhìn cũng dễ thương Cậu nhi.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
01-11-2012, 07:59 PM
Bài viết: #8
RE: Rong chơi Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu (2)
Thật không khó để tìm ra bến tàu,khi đến nơi thì được biết đang còn một chuyến chót chờ khách,16h50 khởi hành.Ngay trước cửa bến có nhiều nhà nhận giữ xe 2 bánh,5.000đ một ngày đêm,đúng là rẻ như …mũi Cà Mau!Chúng tôi vội vả gửi xe,nhận phiếu và bỏ lại vài món không cần dùng,quảy bị xuống bến,chờ tàu.

http://www.phuot.vn/attachment.php?attac...1350385395


Hồi sắp sửa tới Cà Mau,chúng tôi đã mắc một trận mưa khá lớn.Bây giờ ngồi đợi giờ khởi hành,trong cái không khí ảm đạm của những đám mây đen đang đè nặng trên thành phố,nghĩ tới đoạn đường sông dài 155km sắp tới,tôi bổng thấy một nỗi cô đơn xen chút lo âu của kẻ lở đường!
Trước đây thỉnh thoảng tôi vẫn nghe những tai nạn giao thông do tàu cao tốc Cà Mau gây ra,có vụ làm chết người,điều đó cũng khiến tôi ít nhiều lo lắng.Đây là đoạn đường hoàn toàn mới,chưa một lần thử qua,nhất là chắc chắn hơn nửa lộ trình sẽ đi trong đêm tối trước khi tới bến.Dẫu sao một chút lo âu cũng làm cuộc phiêu lưu thêm phần thú vị!

[Hình: attachment.php?attachmentid=89219&d=1350385412]


“Xin mời khách đi “Đất Mũi” xuống tàu Hửu Tín”.
Chúng tôi ,là những hành khách đầu tiên bước xuống,ấy cũng bởi do chờ đợi hơi lâu,lại muốn xuống để nhìn trước cái phương tiện mà mình sắp sửa giao “thân phận” cho nó nắm giữ trong vài tiếng đồng hồ tới.
Cũng như tất cả các tàu cao tốc khác,tàu Hửu Tín được làm bằng nhựa composit,chắc là theo mẫu của nước ngoài nên trông khá đẹp.Các loại tàu này đều trang bị máy xe hơi nên tốc độ có thể đạt đến 70km/giờ.Tôi nhìn quanh,xem chừng các cửa sổ,thầm đánh giá độ an toàn của con tàu.Rồi nhìn những người khách đồng hành,đánh giá “tình hình”qua những biểu lộ trên mặt.
Ô hô,chắc chỉ có con “thỏ đế tui” là lo chuyện “không đâu”!Mọi người ai nấy đều tỉnh bơ,chuyện trò rôm rã.Phần lớn họ đều là người quen biết,có lẽ thường xuyên gặp nhau trên những chuyến tàu cao tốc này .Một cô giáo,thấy chúng tôi lạ nên bắt chuyện:”Anh chị chắc ở xa tới…xuống Mũi chơi hả?Giờ này tới dưới trễ dử nghen…"

[Hình: attachment.php?attachmentid=89673&d=1351521711]


16h50.
Tàu rời bến,phóng nhanh trên dòng sông Gành Hào.Quả thật,tàu cao tốc có khác,chỉ một nhích nhẹ ga thì con tàu nhanh chóng vọt lên hay chậm lại !Khi tàu ra tới kinh xáng thì bắt đầu tăng tốc thật sự,lúc đó tốc độ chẳng hề thua kém xe hơi,có thể đạt trên 70km/giờ.Mặt sông lại rộng, lưu lượng ghe xuồng cũng chẳng nhiều như xe cộ trên đường,cho nên tai nạn có lẽ cũng chẳng quá nghiêm trọng như giao thông bộ.Bây giờ tôi lại thực sự thích thú với loại hình vận tải này.Theo tôi nó đang rất thích hợp cho vùng sông rạch chằng chịt nơi vùng đất cực Nam tổ quốc này.Đoạn đường 155 km sẽ được tàu vượt qua trong khoảng 3h,trong lúc xe Mai Linh đi từ Long Xuyên lên Sài Gòn mất khoảng 5 giờ cho đoạn đường 180km.Vé cho một người đi tới Đất Mũi là 120.000đ.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89140&d=1350295035]


18h05.
Tàu ngang qua bến phà Chà Là,lúc này đã nhập nhoạng tối,chút nửa sẽ ra sông 7 Hạp,rộng mênh mông.Trên đường thỉnh thoảng tàu còn phải dừng lại cho khách lên bờ,bởi vì không phải ai cũng đi đến bến cuối,là Rạch Tàu(Đất Mũi).

[Hình: attachment.php?attachmentid=89692&d=1351601431]


Tại một điểm dừng,là tiệm tạp hóa,nhiều người gọi chú phụ việc mua giùm bánh bao,chúng tôi cũng nhờ mua 2 cái.Lúc này trời bắt đầu tối và mưa cũng bắt đầu nặng hạt.Tàu phóng đi trong đêm tối hoàn toàn,người phụ việc phải đội mưa ngồi trước mũi soi đèn pha chiếu rọi đường đi giúp cho người tài công rất nhiều trong việc kiểm soát hành trình.
Sông 7 Hạp rộng mênh mông nên dù đêm tối,tàu vẫn không hề giảm tốc.Hai cái bánh bao vừa mua lúc nãy được mang ra ăn đở đói.Trời vẫn mưa nặng hạt,đêm Năm Căn tối đen,không còn trông thấy gì,nên giờ tôi chỉ ngồi lặng im nghe cái cảm giác phiêu lưu qua tiếng máy nổ phía sau và tiếng gió gào bên ngoài khung cửa sổ.
Thỉnh thoảng tàu dừng cho một khách nào đó lên bờ.Trong đêm tối,tôi chỉ thấy lờ mờ sau màn mưa là những mái nhà đơn lẻ sáng đèn(do nguồn điện bình hay điện lưới quốc gia?) giửa những rặng dừa nước đen hù.Tôi chợt nghĩ mình không thể nào sống được ở những vùng này vì…buồn quá!
Rồi tàu qua khỏi cầu Đầm Cùng,rẻ trái vào một trong những con rạch nhỏ nào đó,đang giăng mắc chằn chịt vùng này!Bấy giờ thì chỉ có sự thuộc đường như “thuộc lòng bàn tay”chú tài công mới điều khiển con tàu thật điệu nghệ,len lỏi qua những lạch nước nhỏ trôi giửa 2 hàng cây đước,vẹt,mắm,bần…dưới ánh sáng loang loáng của ngọn đèn pha mà người phụ việc đang ngồi trước mũi soi rọi.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89678&d=1351588197]

Khi tàu tới đây thì trời tối và mưa lớn,chúng tôi phải chạy vội lên quán Cà phê Tấn Vũ.


Cuối cùng tàu cũng tới cái nơi được gọi là xã Đất Mũi,sau khi thả thêm vài người khách lại đâu đó trong cái bóng tối đêm đen le lói ánh đèn neon hắt ra từ các xóm nhà nơi vùng đất tận cùng tổ quốc.
Tàu cập bến trong cơn mưa nặng hạt.Chúng tôi đã sẳn sàng trong bộ áo mưa có quần,vội vả vượt qua mũi tàu ,”phóng” nhanh lên quán cà phê còn sáng đèn trên bến.Tức thì có mấy cậu xe ôm đến hỏi Cô Chú đi đâu?Chúng tôi bảo nhờ cậu nào chỉ cho chỗ trọ qua đêm.Một cậu nói: rồi,chú theo tui,có nhà nghĩ N.Y,gần đây.Đúng là gần thiệt,nằm ngay phía sau nhà lồng chợ Đất Mũi.Đó là 2 căn phố liền kề,không có bản tên,cửa cũng đang đóng kín mít.Để tui đi gọi chủ,đang coi tiệm thuốc Tây ở chợ.Khoảng chưa đầy 10 phút thì chủ về mở cửa.Chúng tôi gửi tiền thù lao cho cậu xe ôm;nhưng anh ta không nhận,chỉ hỏi xem nếu mai có đi xuống Mũi thì gọi.Bà xã lưu số điện thoại của cậu ta rồi chào từ giã.Thật là một chàng trai quê dễ thương.

[Hình: attachment.php?attachmentid=89682&d=1351588267]

Đây là nhà nghĩ mà sáng hôm sau chúng tôi mới chộp được ảnh.

Nhà nghĩ có nhiều phòng nhưng đang chỉ có một cặp vợ chồng lưu trú,bây giờ thêm 2 người chúng tôi,giá 80.000đ/phòng/đêm.Bổng nhiên điện cúp,chúng tôi vội lấy chiếc đèn pin nhỏ xíu bật sáng tạm thời chờ cho chủ nhà đốt đèn …cầy lên xài đở!
Tôi vội trở lại chợ mua cái gì đó để ăn.May quá,vẫn còn một quán cơm đang còn sáng đèn,tôi gọi 2 hộp cơm trứng chiên,ăn thứ này cho lành!Khi trở về nhà nghĩ thì cũng là lúc có điện lại.Ăn xong,tắm rửa sạch sẽ,rồi ngủ,chấm dứt một ngày “ rong chơi” vất vả.Có một điều vượt ngoài dự kiến,đó là “vấn đề muỗi”,tôi chẳng thấy một con nào nên phòng trọ cũng chẳng cần có mùn.Thì ra cái xứ “muỗi bay như sáo thổi,đĩa lội như bánh canh”chắc chỉ có trong văn thơ của Ông Sơn Nam thời những năm đầu thế kỷ trước…Thấm mệt,tôi ngủ lúc nào không hay!
THANK YOU
[-] minhmong được 3 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (02-11-2012 01:33 AM), dieuquang (02-11-2012 05:00 AM), MyHang (07-11-2012 11:24 AM)
01-11-2012, 08:02 PM
Bài viết: #9
RE: Rong chơi Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu (2)
Xin ban quản trị xóa bớt giùm tui bài 6 hay 7 vì trùng lắp,tui xóa hoài hổng được,mà để thì khó chịu quá.
Xin cảm ơn.
THANK YOU
02-11-2012, 01:34 AM
Bài viết: #10
RE: Rong chơi Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu (2)
À há, cái nầy chỉ có Cậu mới xoá được thôi. Cậu vào tài khoản của mình, mở bài Cậu đã gởi ra và xoá bài nào Cậu muốn bằng cách bấm DELETE. Sau đó nó sẽ hỏi mình có muốn xoá hay không, và Cậu bấm xoá thì nó sẽ biến... Chúc Cậu thành công.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS