Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
MỘT CÂU CHUYỆN
06-12-2012, 05:47 AM
Bài viết: #1
MỘT CÂU CHUYỆN
MỘT CÂU CHUYỆN
Anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen. Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt, ông lại bán xe rồi hay sao mà lại đi tàu lên đây.

Anh cúi đầu trả lời lý nhí trong sự hổ thẹn, ừ, bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm. Chị sầm mặt xuống, ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không thể ngóc đầu lên được, hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy?

Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều anh muốn nhờ cậy. Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối anh, nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e rằng sẽ chẳng còn được bình yên.

Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối, con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được, anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi, chỉ nửa năm hay vài ba tháng cũng được, em là phụ nữ, em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian, để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh lại đón nó về.

Chị thở dài, ông lúc nào cũng mang xui xẻo đến cho tôi, thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã, có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau. Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.

Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Đông Đức. Chị theo học Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây xin tị nạn. Chị tốt nghiệp Đại học và về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình. Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau.

Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Đức.

Vừa sang Đức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt. Đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán. Chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta. Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu, để có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được. Nên không dám mạo hiểm ra làm ăn

"Đồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng...", đó là câu nói của miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương.

Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nữa năm mới được về nhà.
Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó. Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn, thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.

Bé Hương được 3 tuổi, chị muốn ly dị với anh. Chị nói, ông buông tha cho tôi, sống với ông đời tôi coi như tàn. Anh đồng ý, vì anh biết chị nói đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ rằng buộc sẽ làm khổ chị.

Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quít bố hơn mẹ.

Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn.

Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá. Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới.

Thành phố Bremen là thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống.

Chị không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng con cho anh. Trong những dịp năm mới hay noel, chị cũng có quà riêng cho con bé, nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho con bé trước ngày lễ giáng sinh nữa.

Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không biết cụ thể thế nào. Nhưng chị biết dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu, nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà.

Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm. Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.

Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được.

Đi học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Đứa em trai cùng mẹ của nó, mẹ nó, và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.

Em trai nó học thêm Piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn Piano rất đẹp để ở phòng khách. Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lỏm bỏm,.. đàn..đàn...klavia....con muốn... Anh thở dài và hát cho nó nghe.

Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần. Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó dở chứng.

Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn Piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi Piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn Piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm

Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì.

Chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: "...Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo...sống với cha êm như làn mây trắng...nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con....với tháng năm nhanh tựa gió..ôi cha già đi cha biết không...".

Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lòng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó hỏi, con sao vậy hả con yêu của mẹ. Nó ngước nhìn mẹ nó rất trìu mến rồi chìa cho mẹ nó một tờ giấy giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát.

Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa. Nó chìa 4 ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi, 4 tháng rồi hả. Nó gật đầu.

Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài.

Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Đại ý là nó diễn đạt rằng: -" Bố lên ở trên Thiên Đường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con.."

Chị cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói, con gái ngoan của mẹ, ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg....

Tôi nghe người ta kể chuyện lại chuyện đó, khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị.

Khi thấy em gái đệm đàn piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát "Người Cha Yêu Dấu" bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn đồng ca tiếng Đức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy.
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (06-12-2012 03:03 PM)
06-12-2012, 05:51 AM
Bài viết: #2
RE: MỘT CÂU CHUYỆN
CÂU CHUYỆN THỨ HAI

JENNIFER
Hôm đi phỏng vấn công việc, nếu không nhờ Jennifer, có lẽ tôi đã không có được cái job này, bởi vì thật ra tôi vốn không đủ kinh nghiệm. May mắn cô leader của nhóm Engineering group này bỗng dưng kết tôi và quyết định mướn. Jennifer Phạm. Tụi Mỹ trong hãng gọi tắt là JP.
Lúc được mướn vô đây, tôi chỉ là một chuyên viên điện tử technician hạng xoàng. Ban ngày tôi đi làm, tối lại cắp sách đến trường.Và mặc dù công việc của tôi là đặc cách làm việc với Engineering group, nhưng chị không phải là xếp trực tiếp. Nhờ vậy mà chúng tôi đã trở thành bạn bè thân thiết, chứ nếu giữa xếp và nhân viên thân nhau cũng hơi kỳ.
Jennifer không nói tuổi, nhưng một lần thổ lộ rằng chị ấy đi du học năm 74, vậy thì so ra phải hơn tôi khoảng 5, hay 6 tuổi gì đó. Có lẽ vì biết vậy nên JP tự nhiên coi tôi như em, tận tình chỉ bảo và nâng đỡ. Cô ấy ở trong hãng này đã lâu, chức lớn, trong khi tôi chân ướt nhân ráo tập tễnh vào nghề vừa học vừa làm. Nhưng dù cảm tình giữa chúng tôi thuần túy chỉ là bạn hữu, mối quan hệ giữa hai người khác phái dù có đàng hoàng cách mấy cũng không khỏi bị vài đồng nghiệp và đồng hương trong đây bàn tán. Họ nói tôi đang sưu tầm đồ cổ. Ngay cả Jennifer cũng biết mấy đồng hương trong hãng đang xầm xì, nhưng cô ấy coi như pha, thì tôi có ngại gì?
Tôi đang còn ở nhà với gia đình. Mỗi ngày mẹ tôi vẫn làm cơm cho tôi bới vô hãng ăn trưa. Hôm nào có món đặc biệt tôi lại mời Jennifer cùng ăn vì tôi biết cô độc thân ở một mình và hầu như không nấu nướng gì cả, quanh năm suốt tháng chỉ biết mấy cái tiệm Tầu, hay hamburger của Mỹ. Những món ăn thuần túy Việt Nam như cá kho, canh rau đay, hay thịt ram mặn của mẹ tôi làm, đối với tôi thì bình thường, nhưng với Jennifer là sơn hào hải vị. Ăn cơm của tôi hoài dĩ nhiên cô cũng phải kiếm cách trả lại, mời tôi đi ăn tiệm. Và như vậy lại càng thêm cơ hội cho quý vị đồng nghiệp bàn ra tán vào thêm, nhưng mặc kệ họ nói gì thì nói, tình thân giữa Jennifer và tôi ngày càng đậm đà.
Một hôm thấy tôi ngồi ăn mà mặt dàu dàu, Jennifer hỏi nguyên do. Tôi trả lời sắp sửa tới ngày đám cưới .. con bồ cũ. Cô cười nói bồ cũ đám cưới mà buồn vậy chắc là còn yêu tha thiết? Tôi lầu bầu hết yêu rồi, chỉ tự ái thôi. Cô thắc mắc sao tự ái? Tôi nói kẹt ở chỗ đó. Vì vẫn còn là bạn, nàng ấy mời thì tôi phải dự, nhưng cảm thấy tủi thân vì người ta thì đã có tình khác để xây đắp tương lai trong khi tôi vẫn còn xách xe không chạy rông, một mình tới dự đám cưới của nàng thì quê mặt. Vậy tại sao hồi đó lại nhận lời dự làm chi? Tôi nói có một cô bạn, là em nuôi kết nghĩa , hứa sẽ đi đám cưới với tôi cho đỡ tủi. Vậy sao không đi? Cô hỏi tiếp. Tôi ngao ngán kể, thiệp tôi nhận hai tháng trước, cô ta đã hứa đi cùng. Mới hôm kia em nuôi phone nói là mới cặp thằng bồ mới ghen lắm không cho đi đám cưới với anh Hoàng nữa, nên tôi bị kẹt.
Jennifer nói vậy thì đừng đi. Nhưng tôi đã trả lời sẽ đi, hơn nữa, tôi thật tò mò muốn biết chồng của .. bồ mình là ai. Và nhất là tôi cũng muốn cho cô ta biết cô có tình thì tôi cũng có tình, không phải là tôi thua cô đâu nhá.
Jennifer cười như nắc nẻ. Trời ơi là trời ! Youre so funny. Chưa thấy ai có con sâu tự ái bự bằng you.
Sau khi ngưng cười, cô nghiêm mặt hỏi vậy có muốn cô ấy đi thế cho cô em nuôi đó không? Tôi mừng húm, dĩ nhiên là muốn. Cô hỏi tiếp không sợ đi chung với "đồ cổ" hả. Tôi giật mình, té ra mấy tên trong hãng gọi lén sau lưng cô đều biết hết. "Ai là đồ cổ?" tôi cố chống chế, và tán thêm một câu rất .. cải lương. "Đồ cổ mà như chị khối thằng sắp hàng nộp đơn".
.. .. ..
Có lẽ vậy. Không chừng tôi lại là thằng sắp hàng thứ nhứt.
Thực tình mà nói, từ khi vô làm và quen biết Jennifer, và cho dù chỉ là bạn hữu, là đàn ông thì tôi làm sao tránh được những lúc lén ngắm nghía cô ấy từ mọi góc cạnh, và cũng biết cô ấy đẹp lắm. Tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Jennifer, và cảm thấy hãnh diện, sung sướng như mình đang có một .. cái xe đẹp đang được thiên hạ dòm ngó, ganh tỵ. Lý do nào người vừa đẹp vừa giỏi, vừa hiền lành như vậy mà hiện nay vẫn còn cô đơn thì tôi không biết và không cần biết. Mặc dù bao nhiêu chuyện tình cảm lăng nhăng của tôi, tôi đều kể cho Jennifer, nhưng chuyện của cô ấy thì tuyệt không bao giờ được nghe kể.
Với Jennifer, tôi có đầy mặc cảm. Tôi cảm thấy mình thua sút. Bỏ qua sự cách biệt tuổi tác, với tôi không hề là vấn đề, nhưng nhìn lại thì cái gì cô ấy cũng hơn tôi trên mọi phương diện, từ bằng cấp, chức phận, sự chững chạc .. Tôi cảm thấy mình đã may mắn được sự thân tình của người bạn quý thì ráng giữ lấy sự trong sáng này là hay hơn cả. Cho nên tôi đã xác định tư tưởng từ đầu là đừng dại dột phiêu lưu để phải .. ôm hận.
Nhưng hôm cùng Jennifer thủ màn kịch làm đôi tình nhân hờ đi dự đám cưới, tôi bỗng nghe như tim mình bắt đầu rung động. Tôi biết là Jennifer đẹp, nhưng hoàn toàn không ngờ cô ấy đẹp lộng lẫy đến như vậy, đẹp như một minh tinh! Và nếu đó là lý do con tim tôi rung động thì cũng đành nhận mình là con người hiếu sắc. Tôi sung sướng và hãnh diện biết chắc người đàn bà bên cạnh tôi hôm nay sẽ là một bông hoa rực rỡ nhứt của dạ tiệc.
Khi đi vào nhà hàng, biết tôi không dám tự tiện nên Jennifer tự động nắm tay tôi và đi thật sát như một cặp tình nhân thân thiết làm cô- dâu- bồ- cũ tôi ngạc nhiên. Tôi khoái chí vô cùng. Tuy chia tay, nhưng mọi tin tức về tôi cô nàng đều biết rõ. Vậy mà hôm nay bỗng dưng ở đâu xuất hiện một giai nhân bên cạnh và tình tứ với tôi đến thế này? Nhất là sau khi cắt bánh, đến phần khiêu vũ. Khi ra nhảy bản slow mùi, cô dâu đang nhảy đầm với chồng mà vẫn chưa hết nỗi nghi ngờ và đang dõi mắt dò xét. Tôi không biết, nhưng Jennifer tinh ý thấy nên quàng hai tay qua cổ ôm sát tôi thật tình tứ và thỏ thẻ vào tai "Its OK".
Jennifer thơm ngát.
***
Ra về.
Xe dừng lại đầu ngõ. Từ đây vào apartment của Jennifer phải đi bộ qua một đoạn khá xa. Lúc cầm tay đỡ nàng xuống xe, tôi thản nhiên giữ luôn không buông. Jennifer nhắc
- Nầy, kịch đã hạ màn rồi mà?
Tôi trâng tráo
-À, đây là .. behind the scene.
Nàng lườm tôi, nhưng vẫn để nguyên.
Hai chúng tôi cùng im lặng đi. Trời đã khuya. Không, thực ra là đã sáng sớm của ngày hôm sau. Không khí ban đêm lành lạnh, nhất là Jennifer chỉ mặc đồ dạ hội mong manh. Tôi đưa cái áo vét. Nàng nhận áo tự khoác lên người, xong rồi đưa trả lại bàn tay. Tôi cảm động đến ngây ngất.
Ô hay,tôi nào phải là một thằng con trai mới lớn lần đầu nắm tay một người khác phái đâu. Nhưng đây thực sự lại là lần đầu tôi cảm thấy xao xuyến . Sương khuya lạnh nhưng bàn tay của Jennifer lại ấm đến nồng nàn. Tôi bỗng cảm thấy những phân tử đàn bà từ cơ thể bên kia đang cuồn cuộn xâm chiếm cơ thể tôi, và những phân tử đàn ông trong tôi cũng đang bùng cháy dữ dội để hưởng ứng.
Lúc nãy tôi mong cho quãng đường tới cửa apartment kéo dài để tôi có thể nắm tay nàng thật lâu, nhưng bây giờ tôi lại muốn thật mau tới cửa để tôi có thể theo vào bên trong.
Rồi thì chúng tôi cũng tới nơi, tôi đành buông tay ra để nàng còn mở khóa.
Cửa vừa hé, Jennifer lách vào bên trong, và như đã biết tôi sẽ làm gì, nàng đưa tay cản lại lắc đầu nói nhỏ
- Hoàng đừng lộn xộn. Về ngủ đi.
Tôi ngạc nhiên.
Tôi đang nghĩ, và hy vọng, Jennifer sẽ mời tôi vào nhà uống ly nước trước khi ra về. Nhưng cánh cửa cương quyết khép lại làm tôi như bị ai dội một gáo nước lạnh. Tôi không cam lòng ra về nên cứ đứng tần ngần tại chỗ.
Mấy lần giơ tay định gõ cửa, rồi lại bỏ xuống vì quả thực tôi không tìm được lý do gì . Jennifer đã giúp tôi hơn cả những gì tôi mong muốn. Kịch đã hạ màn. Diễn viên ai về nhà nấy. Nhưng cái cảm giác tê mê lúc nãy, khi hai chúng tôi tay trong tay vẫn còn làm tôi"thấy khó chịu". Đứng ngẩn ngơ một hồi, tôi buồn tình châm điếu thuốc. Khi ánh diêm bùng lên trong bóng đêm, tôi thấy qua một khung kiếng nhỏ, bóng Jennifer dội trên tường. Té ra nãy giờ nàng vẫn đứng đó, ngay sau cánh cửa. Và dĩ nhiên nàng biết là tôi vẫn còn ngoài này. Tôi lại hy vọng và kiên nhẫn chờ Jennifer sẽ đổi ý.
Nhưng đó chỉ là niềm hy vọng hão huyền. Tới khi tôi không thấy bóng Jennifer sau cánh cửa nữa. Đèn phòng ngủ bên trong bật sáng. Vậy là nàng cương quyết. Tôi đành lặng lẽ ra về.
***
Email từ một người bạn đang đi du lịch ở VN gởi về cho tôi khá dài
"Chú Hoàng thân mến,
Hôm nọ anh định mang món tiền vợ chồng em gởi tới giúp mấy trại trẻ em mồ côi như thường lệ. Nhưng lần này, theo anh biết những trại mồ côi bây giờ tương đối cũng được các hội thiện nguyện trong cũng như ngoài nước chiếu cố nhiều nên tình hình đời sống cũng đã được cải tiến rất nhiều. Vì vậy anh chị quyết định dùng món tiền em gởi giúp một nơi khác, cần thiết được giúp đõ hơn. Đó là viện dưỡng lão Hoa Nghiêm ở đây.
Viện dưỡng lão Hoa Nghiêm này là nơi nuôi dưỡng những người già cả không thân nhân, hoặc có thân nhân nhưng nghèo quá không nuôi nổi thì xin vào đây. Tất cả đều miễn phí.
Do một người quen giới thiệu, anh tới thăm chùa và có dịp tiếp xúc với sư cô Từ Tâm. Biết được anh từ Cali về đây, sư cô cho biết hai mươi mấy năm trước sư cô vốn cũng ở Cali. Cô là một trong một số ít việt kiều đã trở về định cư ở VN.
Câu chuyện của sư cô thật là ly kỳ. Càng nghe anh phải tin rằng trên đời này mọi chuyện xảy ra đều do một chữ Duyên mà thôi chú Hoàng ạ. Và những phép nhiệm mầu không phải là không có.
Sư cô nói rằng cuối năm 74, sư cô là một trong những người sinh viên cuối cùng của chế độ VNCH rời Việt Nam sang Mỹ du học theo chương trình học bổng của trường đại học UC Berkeley.. Sau khi ra trường, sư cô đi làm kỹ sư cho vài hãng điện ở Cali một thời gian khá lâu. Tính danh của sư cô là Tâm, Phạm thị Băng Tâm .
Cô kỹ sư Băng Tâm đi làm một thời gian thì bị uterus cancer. Cô kịp thời chạy chữa và tưởng là qua khỏi. Nhưng một thời gian sau mầm ung thư còn trong người cô lại tái phát, bác sĩ cho biết chữa trị bằng chemo cũng chỉ kéo dài mạng sống của cô 6 tháng đến một năm mà thôi.
Là một Phật tử có tâm nguyện giúp đời,cô không muốn tốn thêm thời gian đau khổ với những buồi xạ trị để cuối cùng cũng đi vào lòng đất. Nên cô quyết định gom hết tiền bạc dành dụm bấy lâu về VN dựng một tịnh thất nhỏ ở ngoại ô. Cô thỉnh một sư bà đức độ về làm trụ trì. Cô là đệ tử tục gia. Tuy cũng ăn chay niệm Phật, nhưng cô sống như môt cư sĩ chứ không xuống tóc thành ni cô. Cô đang mang một tâm nguyện lớn và thiết thực: Dựng một viện dưỡng lão nuôi người già lão nghèo khó mà cô một lần về VN và đã chứng kiến sự khốn khổ nhọc nhằn của lớp người đang bị xã hội bỏ quên này. Vốn đây là một dự án lớn mà cô định sẽ cùng vài bạn đồng tâm thực hiện sau này. Nhưng bây giờ thời gian không còn nhiều nên cô một mình bắt tay vào việc, mua luôn miếng đất bên cạnh tịnh thất để xây viện dưỡng lão . Nhờ món tiền khá lớn dành dụm từ những năm đi làm ở Mỹ ,viện dưỡng lão này thành công mau chóng hơn dự định rất nhiều.
Thời gian cứ trôi. Cư sĩ Băng Tâm dùng hết tinh lực của cuộc đời còn lại của mình lo xây dựng, phát triển, điều hành viện dưỡng lão và đồng thời tu tâm học đạo với sư bà đã được gần hai năm. Hai năm qua cô hoàn toàn không có khái niệm về thời gian, không quan tâm đến cơn bệnh ngặt nghèo và lời chẩn đoán của bác sĩ. Cô toàn tâm toàn lực hết lòng với công việc vì sợ rằng những việc không làm hôm nay, ngày mai sẽ không còn cơ hội nữa .. Một hôm nhớ laị sự chẩn đoán năm xưa, cô đi khám lại thì lạ thay, những tế bào ung thư đã không còn. Cô hoàn toàn không bị cái chết đe dọa nữa.
Nhưng khi cô vừa thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo này thì sư bà lại đổ bệnh, và điều lạ lùng là sư bà lại mang chính căn bệnh cũ của cô đệ tử Băng Tâm. Sư bà viên tịch chỉ hai tuần sau khi được chẩn đoán bị ung thư giai đoạn cuối.
Sau khi sư bà mất, cư sĩ Băng Tâm chính thức xuống tóc thành sư cô Từ Tâm, trông coi cả tịnh thất Hoa Nghiêm và viện dưỡng lão cho đến ngày hôm nay. Sư cô Từ Tâm cho biết sau khi thấy sư bà bị chính căn bệnh ung thư của mình, sư cô cho rằng mình vốn phải chết từ lâu rồi, nhưng có lẽ nhờ tấm lòng thành của sư bà đã xin nguyện gánh vác tất cả những nghiệp chướng của cô, để cô còn sống ngõ hầu có thể tiếp tục công việc từ thiện .Tấm thân này đã không còn là của cô nữa. Cô là người được đặc cách để vượt qua bệnh tật và số mệnh. Cô có một trọng trách được giao phó và nguyện hiến dâng suốt quảng đời".
Kèm theo email là tấm ảnh anh bạn chụp chung với sư cô Từ Tâm
Jennifer !!!
Nếu không đọc được email trước, có lẽ tôi không thể nhận ra, nhưng bây giờ thì tôi có thể tìm thấy vài đường nét quen thuộc của người tu sĩ trên bức ảnh.
Jennifer Pham, JP!!!
Té ra có những nỗi niềm sâu kín như vậy mà cô không cho tôi biết, để hai mươi năm nay mỗi khi thỉnh thoảng nhớ lại những ân tình năm xưa mà lòng tôi cứ thắc mắc ..
.. .. ..
Hôm đó, sau khi phải ra về, tôi đâm giận Jennifer ngang hông. Thứ Hai gặp lại trong hãng tôi dỗi hờn, nhất định không nói chuyện. Jennifer gợi chuyện mấy lần thấy tôi vẫn cứ lầm lì không nói. Vài hôm sau, khi vô làm thấy cái note để trên bàn vỏn vẹn có mấy chữ "Hoàng phải ráng học cho xong. Còn duyên mình sẽ gặp lại. JP". Tôi thảng thốt không hiểu chuyện gì xảy ra. Chạy lên office của Jennifer thì mới biết cô ấy đã đưa giấy nghỉ việc được một tuần và hôm qua là ngày cuối cùng.
Chiều đi làm về tôi chạy ngay đến apartment của nàng thì manager ở đó cho biết Jennifer đã dọn đi từ hôm qua. Hắn tử tế mở cửa cho tôi vào bên trong. Phòng ốc trống trơn, nhưng mùi phấn, mùi nước hoa quen thuộc của Jennifer vẫn còn phảng phất quanh đây. Bỗng tôi thấy một thỏi son cũ của Jennifer nằm đơn độc trong góc phòng nên thẩn thờ nhặt lên bỏ vào túi.
Và đó là kỷ vật duy nhất mà tôi còn giữ lại được của Jennifer.
"Còn duyên mình sẽ gặp"
Cái note cuối cùng của Jennifer để lại đã linh nghiệm sau đúng 20 năm.
Hai mươi năm nay, đôi khi cuộc đời trải qua những cơn giông tố, tôi vẫn thường một mình đáp chuyến xe về miền quá khứ. Và mỗi lần như vậy, tôi đều thấy một bóng hình, Jennifer. Cô đi đâu? Chuyện gì đã xảy ra? Có hờn trách gì tôi không? Bao nhiêu năm qua cũng nhờ có thỏi son mà tôi còn tin rằng, ngày xưa, thuở đó, thực sự có một người tên là Jennifer, đã cho tôi những phút giây xao xuyến dao động của một đêm tình hờ. Nếu không có thỏi son này, không chừng tôi đã nghĩ rằng cô ấy chỉ là một người đã đến với tôi trong một giấc mơ nào đó, để sáng ra hoàn toàn biến mất, không để lại một dấu vết nào.
Ngày mai tôi sẽ lái xe ra biển và ném thỏi son này thật xa để nó theo giòng nước trôi ra đại dương. Không còn lý do gì để giữ kỷ niệm này nữa.
Tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhàng vừa tháo gỡ được một gút mắc của cuộc đời.
Vĩnh biệt Jennifer.
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (06-12-2012 03:28 PM)
06-12-2012, 05:54 AM
Bài viết: #3
RE: MỘT CÂU CHUYỆN
CÂU CHUYỆN THỨ BA

Hành trình đi về phía cuối chân trời còn xa diệu vợi. Có những điều con người chưa biết rồi sẽ ra sao. Thật là thú vị khi ta chợt nghĩ đến tương lai, vào một ngày mai tươi sáng. Chắc hẳn trong cuộc đời bạn không ít lần chuẩn bị hành lý cho một cuộc đi xa, hay chỉ chuẩn bị vài thứ cho một cuộc hẹn, một lần đi ra phố hội ngộ bạn bè,... Cảm giác của chúng ta lúc đó thế nào nhỉ? Mỗi người sẽ suy nghĩ một cách, nhưng chắc chắn sẽ có một mẫu số chung cho tất cả: hồi hộp, lo lắng, vui tươi, hạnh phúc,... Ta trông chờ lắm và hứa hẹn biết bao điều.
Ta đi rồi vẫn còn khối công việc ở lại. Ta hẹn, ta hứa, sau chuyến đi này ta sẽ làm. Hoặc sau khi đi công việc về, đi phố về ta sẽ làm hết. Ta đã hẹn như thế không biết bao nhiêu lần, có lẽ đã hẹn từ lúc sanh ra cho đến bây giờ...

Thế nhưng, ai trong chúng ta ngờ được rằng sau những cuộc ra đi không có ngày trở lại.
Có những lời hứa, những cuộc hẹn mãi mãi chẳng bao giờ thực hiện được.
Còn nhớ, cha của bạn tôi đã từng hứa cho nó một cây vàng làm vốn nếu nó hoàn thành tấm bằng đại học. Thế rồi ông đã đột ngột ra đi trong một tai nạn giao thông không hề biết trước. Ông cũng đã bỏ lại những cuộc hẹn, những dự tính công việc và đặc biệt ông vẫn còn nợ đứa con ông một lời hứa. Đưa xác cha từ bệnh viện trở về nó khóc nức nở, nó khóc không phải vì không được cây vàng kia mà nó khóc vì thói đời trơ trẽn. Hành trình trên giao lộ cuộc đời ta cũng thế. Ta đã hứa thật nhiều, nhưng rồi thất hứa cũng không ít.
Ta nợ đời, nợ người và nợ chính bản thân ta. Cứ lập trình sẵn sau khi đi công việc về ta sẽ vắt cho mẹ một ly cam, ủi áo quần cho chị, gửi cho người yêu thương một tin nhắn hỏi thăm, hay sẽ dọn dẹp không gian riêng đang bề bộn,... Nhưng rồi trong ngàn lẻ một lần ra đi ấy, biết đâu có một lần ta sẽ phải sang ngang. Sẽ đớn đau, nuối tiếc biết bao nhiêu khi mọi thứ vẫn còn dang dở. Ta hối hận sao mình không hoàn thành mọi thứ, không giải quyết mọi việc êm xuôi khi ta còn có thể? Tại sao ta phải hẹn, phải đợi, phải chờ? Ta nuối tiếc một tài sản kếch xù chưa xài đến. Ta đau khổ vì phải đột ngột chia ly người yêu duy nhất của ta. Chính những điều đó làm tim ta đau đớn, xót xa,...

Vẫn biết đời vô thường lắm, nhưng mấy ai ý thức được điều đó để áp dụng cho chính bản thân mình? Cứ áp đặt sẵn những điều bất ngờ không mong đợi ấy sẽ đến với ai kia, nó hoàn toàn không phải đến với mình, nó không thật sự dành cho mình.
Vì ta chủ quan, vì ta không chuẩn bị tâm lý, nó sẽ đến với ta, nên cứ nhởn nhơ sống trong thờ ơ, lạnh nhạt, ghen tuông, thù hận, ganh đua,... cho đến một ngày ta vấp ngã rồi không kịp trở tay, không kịp nói với người thân những điều ta muốn nói, không kịp làm nốt những việc còn dang dở, không kịp nói lời xin lỗi đến ai, không kịp nói rằng ta đã thật lòng yêu thương ai đó... Hãy chuẩn bị đi các bạn! Hành trình đi về phía cuối con đường. Nơi ấy không phải chỉ dành cho những cụ già tóc trắng, da nhăn, không phải chỉ dành cho những người mang các căn bệnh ngặt nghèo, nguy hiểm, mà nơi ấy còn dành cho tất cả chúng ta... tất cả đều không hẹn trước.
“Hãy sống như ngày mai ta sẽ không còn”.
Nếu phút chốc nữa đây, hay đêm nay, ngày mai, rồi ngày mai nữa chúng ta sẽ ra đi, vĩnh biệt cõi đời. Biết trước như vậy ta sẽ chuẩn bị kỹ hơn cho hành trình đi về phía trước. Lúc nào tâm cũng ở trong trạng thái sẵn sàng cho một cuộc ra đi. Mọi thứ đều chuẩn bị sẵn hành trang lên đường, không lo lắng, ưu tư, sợ hãi, tiếc nuối,... Vì ta biết chắc, ai rồi cũng phải một lần ra đi. Chánh niệm tỉnh giác từ trong hơi thở, ngay đây và bây giờ.

Quá khứ đã qua không thể tìm lại,
tương lai xa vời không thể với tới,
chỉ có giây phút hiện tại sẽ quyết định cho cuộc sống của ta, hạnh phúc hay đau khổ.
Nếu làm được gì ngay hôm nay, hãy tranh thủ hoàn tất sớm, đừng hẹn, đừng đợi và đừng chờ. Vậy thì còn chần chờ gì nữa.
Nào chúng ta hãy tỉnh mộng đi thôi, quay lại với thực tại để thấy giây phút này là giây phút đẹp nhất, tuyệt vời nhất.
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (06-12-2012 03:31 PM)
06-12-2012, 05:56 AM
Bài viết: #4
RE: MỘT CÂU CHUYỆN
CÂU CHUYỆN THỨ TƯ

CHÚNG TA ĐỀU LÀ KHÁCH TRỌ

Có một người lỡ đường trong đêm tối tìm đến gõ cửa một nhà nọ để xin ngủ nhờ qua đêm. Người chủ nhà không chấp thuận cho người khách lạ tá túc. Hết sức nhẫn nại, người khách cố gắng thuyết phục chủ nhà:

- Ông có thể trả lời tôi ba câu hỏi không? Tôi tin chắc là sau khi trả lời ba câu hỏi này, ông sẽ vui lòng giúp tôi.
Người chủ nhà tỏ ra tò mò và có hứng thú trước thái độ của người khách lạ:
- Ông muốn hỏi điều gì?
Người khách nói:
- Xin ông cho hỏi, trước đây ai ở căn nhà này?
Chủ nhà đáp:
- Bố mẹ của tôi.
Người khách hỏi tiếp:
- Xin cho hỏi, trước bố mẹ ông thì ai ở?
- Ông bà của tôi.
Người khách lại hỏi:
- Vậy sau ông thì ai sẽ ở đây?
Chủ nhà tỏ ra bực bội:
- Sau tôi là con cháu của tôi ở chứ ai!
Lúc bấy giờ vị khách mới nói:
- Thưa ông, vậy thì ông cũng là người ở nhờ như mọi người, nhưng ông là người ở nhờ lâu hơn tôi vậy thôi. Sao ông nỡ lòng nào không giúp tôi ở nhờ một đêm chứ?
Sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ, người chủ nhà như chợt nhận ra điều gì, ông tỏ ra cởi mở, niềm nở mời người khách vào nhà. Suốt đêm hai người còn vui vẻ trò chuyện với nhau rất tâm đắc. Người khách lỡ đường trong câu chuyện trên rất chí lý khi thấy rằng không có ngôi nhà nào là tài sản vĩnh viễn của một người, mà trải qua nhiều thời kỳ nó thuộc sở hữu của nhiều người. Như vậy không ai là ông chủ thật sự cả, tất cả chỉ là những khách trọ mà thôi. Người thì trọ trong thời gian ngắn, người thì trọ trong thời gian dài.

Không có ta không có cái của ta nhưng ai cũng thấy có ta, có cái của ta nên mới chịu nhiều đau khổ. Nếu thấy được vạn vật đều là duyên sinh vô ngã, không cố chấp bám víu, thuận theo lẽ vô thường, biết chấp nhận sự đổi thay, thịnh suy, được mất thì lòng thanh thản, không khổ não lo buồn. Muốn được tâm bình thản như thế thật không dễ, nhưng nếu nỗ lực tu tập thì sẽ thành tựu. Thực tập thiền quán về vô thường, vô ngã để có thể buông bỏ xả ly, thì dẫu phải đối mặt với nhiều biến động trong đời lòng cũng bớt giận dỗi, muộn phiền và tâm không chao đảo. Sống với từ bi, vô ngã, vị tha thì tấm lòng rộng mở, tự tại thong dong và lợi đạo ích đời.
THANK YOU
[-] dieuquang được 1 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (06-12-2012 03:32 PM)
06-12-2012, 06:03 AM
Bài viết: #5
RE: MỘT CÂU CHUYỆN
CÂU CHUYỆN THỨ NĂM

ĂN CHỊU THỬ MỘT LẦN

Trời rét như cắt, rét căm căm. Có lẽ chưa năm nào Huế rét tợn như năm nay. Tâm run cầm cập, thu hai tay vào túi áo cho đỡ rét, nhưng vô ích. Nó để ý điều này: cứ phải rướn người lên, lấy gân, thở thật mạnh thì mới nghe bớt lạnh, nhưng cứ hễ quên đi một phút, thở bình thường, không rướn người lên, không lấy gân tức thì cơn giá rét tăng khủng khiếp.
Thuở bé, Tâm nghe bà kể chuyện rằng các xứ bên Tây phương vào mùa đông còn rét hơn xứ mình nhiều: mặt nước sông đông lại cứng như nước đá, người ta có thể chạy băng qua sông khỏi cần thuyền, đò chi cả. Tâm cho là thật thích thú khi được băng ngang qua như thế. Nhưng giờ đây, chỉ nghĩ đến nó đã rùng mình, vì nó đã nếm, không phải qua loa, sơ sịa mà là nếm kỹ mùi lạnh của những ngày đông.
Nói như thế, không có nghĩa là nay Tâm đã lớn lao chi cho lắm. Nó mới bảy tuổi đầu. Nó không ngu đần quá mức, song quả thật nó kém lanh lợi so với các trẻ cùng lứa tuổi. Tâm bị cả nhà ghét bỏ (nói cho đúng ra thì cả Đại Gia Đình đều ghét bỏ, trừ có mỗi bà ngoại, bà mất rồi) chỉ vì một tội không do nó làm ra: nó không được xinh đẹp đã đành, nó lại còn đen cậy, đen kịt, tóc quăn mắt lồi, môi thì dày, mũi lại tẹt. Nom nó, người ta nghĩ rằng Tạo Hóa chơi khăm, ở hình thù đứa trẻ cái gì cũng già tay. Chắc lúc sáng tạo giống dòng nhà nó - người da đen đầu tiên trên quả đất - Tạo Hóa cố ý làm nổi bật cái xấu lên, cũng như Ngài làm nổi bật cái đẹp của giống dân da vàng, da trắng, nhất là da trắng vậy !
Người ta cứ nghĩ bên Tây bên Mỹ mới có nạn kỳ thị da mầu. Không ! Người ta lầm to, ở đây cũng có, có điều ít người biết đó thôi: bằng cớ là Tâm bị đối xử tàn tệ độc ác chỉ vì màu da của nó.
Tâm không biết mặt mũi cha nó ra sao, còn mẹ nó, nó chỉ nhớ mang máng thôi, vì từ khi lên bốn nó đã mất mẹ, mất biệt, không tin tức.
Cũng không ai nói rõ nguồn gốc nó. Nó chỉ mang máng hiểu rằng nó ra đời trong một Đại Gia Đình xứ Huế, mẹ nó là con gái Út của Đại Gia này. Các cậu, các dì nó đều mang những chức tước to lớn và chừng như để xứng đáng mang những chức tước đó, người nào cũng khệnh khà, khệnh khạng, hết sức quan liêu kiểu cách trong giao tiếp với bên ngoài cũng như lúc đối xử với nhau trong gia đình.
Trước năm lên bốn, Tâm không hề nếm mùi bị hắt hủi, bạc đãi vì bên cạnh nó có bà ngoại. Bà ngoại hiện thân của một bà tiên nhu hậu lúc nào cũng hết lòng bên vực đứa cháu bất hạnh của mình.
Lúc đó Tâm còn bé lắm, song nó đã biết tránh những tia nhìn sắc, bỏng của các cậu các dì mỗi lần chạm mặt. Tâm vẫn thường nghe mà nó không hề để ý - mấy người này đề nghị bà nên đem nó vào viện mồ côi cho khỏi nhục nhã vướng bận khó coi, cho khỏi mang tiếng, khỏi bị người ta dị nghị nọ kia. Song trước sau bà ngoại vẫn kiên quyết không nghe theo. Bà nói.
- Đừng xui bậy tao, vô ích. Tao già rồi, tao không ngu hơn tụi bây đâu. Nó có tội lỗi gì, sao lại tính chuyện đầy đoạ nó? Nhà mình nghèo túng gì mà không cưu mang nổi một đứa bé bằng hạt mít thế này? Nó đã không cha, còn mất mạ, tụi bay còn lòng dạ nào ...
Và bà ngừng lại thình lình, tấm tức khóc, dai dẳng không thôi. Tâm thấy bà khóc, nó thương bà lắm, nó ôm chặt bà, như cố an ủi, dỗ dành để bà nguôi. Một lát, bà nghẹn ngào nói với Tâm:
- Bà thương cháu lắm, nhưng bà đã già rồi, nay mai bà chết, không biết cháu sẽ ra sao ...
- Cháu chết theo bà!
Tâm hăng hái nói.
Ngoài bà ngoại, còn có vú già là biết thương Tâm. Nhưng vú già bận việc, không có thì giờ đâu mà săn sóc nó.
Ngày bà ngoại lo đã đến: bà lâm bệnh. Và cơn bệnh tăng lên mỗi ngày, sức khoẻ bà hao mòn theo. Cho đến một hôm, bà tắt thở.
Tâm còn bé quá, chưa biết đau buồn là gì, nó chỉ ngạc nhiên thấy cả nhà tụm lại quanh bà, mà bà thì không cử động nói năng, cứ y như bà ngủ. Họ lăng xăng may sắm quần áo mới cho bà, khiêng bà ra khỏi giường tắm táp như là săn sóc một em bé và sau cùng họ đặt bà vào trong một cái rương to, bên ngoài sơn đỏ chói.
Tận lúc đó, con bé mới đâm hoảng xông lại gần áo quan bà, hét dựng, phản đối:
- Không, mấy người không được bỏ bà vô đó, bà của Tâm! Để bà ngủ trên giường kia!
Tức thì, nó bị ngay một tát tai đánh bốp vào giữa mặt làm nó tối tăm mặt mũi, oà ra khóc. Cậu Phủ - tức là cậu Cả, là quan Phủ - nghiêm giọng truyền:
- Bay đâu, đem con khốn xuống nhà ngay! Dì Cử, chị kế mẹ Tâm, có chồng là Cử Nhân, quắc mắt, thêm:
- Câm miệng! Mi mà còn làm ồn lên thì biết.
- Hu hu, con muốn được thấy bà, xin dì cho con được thấy bà, con không khóc nữa!
Dì Cử vẫn không nao núng, giọng dì lạnh băng:
- Câm! Tao biểu mi câm!
Trong lúc Tâm còn ngơ ngác chưa hiểu mô tê gì thì một giọng khác, đanh ác hơn, gằn từng tiếng.
- Thấy bà hả? Đừng hòng: từ rày không khi mô mi thấy bà nữa con Mọi Đen tê. Bà chết rồi, con ngốc!
Tâm lặng người đi. Bà chết rồi. Nghĩa là bà sẽ mất biệt như mẹ nó? Trời ơi! Rồi đây ai bênh vực nó? Ai săn sóc nó? Tâm sợ hãi cho đến nỗi ráo cả nước mắt, riu ríu đi theo người đàn ông mà cậu Phủ du nó lại lúc vừa rồi. Tâm không biết đó là người nào, nó chưa hề thấy mặt người này, trông bộ dạng thật hung tợn, làm nó càng hãi. Hắn lôi Tâm đi xềnh xệch. Xuống đến nhà ngang hắn giao Tâm cho vú già, dặn:
- Giữ kỹ hắn đó nghe? Đừng cho hắn sổng ra, quan quở chừ, nghe!
Ngày tháng trôi qua. Tâm hứng chịu nhiều khổ sở, đau đớn. Vú già không có uy quyền như bà ngoại nên không thể bênh vực nó hiệu quả. Vú chỉ biết khóc mỗi khi thấy nó khóc, và pha nước muối xoa cho nó mỗi khi nó bị đòn sưng mặt, bầm da.
Tâm nhớ bà tha thiết, nó thầm ao ước giá bà trở về cùng nó thì nó có bị đòn, bị mắng cũng cam lòng. Nhưng điều ao ước viển vông đó không bao giờ trở thành sự thật.
Cậu Phủ của nó đã hết làm quan. Cậu về hưu non, về nhà - cái nhà năm gian rộng thênh thang trước nay chỉ có mình Tâm, bà và vú già ở mà thôi - cùng với vợ con.
Cậu bảo rằng cậu chán hết mọi sự đời, chỉ muốn yên thân vui thú điền viên. Cậu chăm chút kỹ lưỡng từng cành hoa, cái lá. Sáng sớm, cậu sai Tâm ra bắt sâu, bón phân, trong lúc cậu mợ và các tiểu thư, công tử còn vùi mình trong chăn ấm, hoặc đang ngồi nhấm nháp từng ngụm trà thơm bốc khói!
Tâm xuýt xoa vì rét, co ro, cóng róng như con gà mắc mưa, trông thật thảm hại. Nó thu một tay vào túi áo, còn tay kia thì vạch lá bắt sâu. Thỉnh thoáng nó ngừng tay, thở mạnh, há miệng to cho hơi ấm bay ra, giơ tay đón bắt làn hơi ấy và xát mạnh hai tay vào nhau cho đỡ cóng.
Nó vẫn không chừa thói ao ước vớ vẩn. Có lần nó ước biến thành cái cây để hứng sương, chịu mưa mà không rét, lại được bàn tay người chăm sóc. (Bây giờ nó hết ao ước được thấy mặt bà rồi).
Tâm vừa làm việc vừa lắng tai nghe những mẩu chuyện rời rạc trong nhà vọng ra. Nó làm việc lơ đãng thật. Nhưng làm sao nó chăm chú nổi? Trong nhà có trà nóng, có lò sưởi và tiếng cười đùa của bọn trẻ lớn hơn và bằng cỡ nó cứ như chọc vào màng tai nó kia thôi!
Tâm nghe giọng mợ lanh lảnh:
- Năm ni răng mà lạnh ghê! Chưa đến tiết Đại Hàn mà lạnh thế ni ...
Giọng cậu khàn khàn, đùng đục:
- Minh, coi mược thêm áo ấm vô con nờ! Đừng có khinh thường, bị cảm hàn chừ!
- Ăn thua chi mô, ba! Con Tâm nó đứng ngoài sân kìa, có răng mô! Con ...
Tức thì cậu ngắt lời con trai, giọng ông giận dữ khác thường:
- Quân ngu! Mi mà lại đi so bì với con Mọi Đen nớ, hử?
Tiếng mợ bênh con:
Thôi! Có chi đáng đâu mà ông nổi nóng lên mắng con dữ rứa cho hắn tủi?
Và mợ đổ tất cả lên đầu Tâm:
- Thiệt tôi khổ quá! Cái nhà này sinh chuyện luôn vì chứa con Mọi Đen trong nhà. Làm ăn lụn bại, con cái bị la rầy ... Tống đầu hắn đi mô thì tống cho rảnh mắt. Chịu hết nổi... chịu hết nổi rồi!
Mấy lời mợ như ngọn đuốc châm vào đống rơm khô: cơn giận của cậu bùng lên, cậu hét toáng:
- Việc chi đến bà mà nay đòi tống mai đòi đuổi? Nuôi hắn tốn kém lắm răng? Hắn ăn hột cơm thừa cơm cặn, hắn không ăn thì đến đổ cho chó chớ chi đó mà tiếc mà kể lể?
Tâm nghe những lời cậu bênh vực mình vừa xót xa vừa cảm động. Thì ra, trong cuộc đời bất hạnh của nó cũng còn có một người đoái tưởng, thương xót. Tâm cảm thấy sung sướng cho đến nỗi một phút nó quên cả lạnh! Thì ra lâu nay nó lầm, nó cứ tưởng cậu cũng như mọi người...
Đột nhiên, tiếng mợ nó the thé chì chiết:
- Không tốn kém bao nhiêu! Tôi ăn từ đường hương hoả nhà ngang dãy dọc chi mô? Nhiều lắm răng? Ông nói mà không biết rờ sau ót. Cơm cao gạo kém, mỗi thứ mỗi tiền, ông giao cho tôi mỗi tháng bạc muôn bạc ức chắc? Nì, tôi nói cho ông biết ...
Giọng mợ nhỏ dần, rít qua hai hàm răng đen bóng và khít rịt, Tâm không nghe rõ nữa. Nó thở dài, bâng khuâng nhớ đến bà. Dù sao, Tâm nghĩ rằng mình cũng được cậu bênh vực cho ít tiếng, thế cũng quý rồi, Tâm không dám mơ ước chi hơn.
Nỗi sung sướng vì được bênh vực làm con bé khốn khổ bước chệnh choạng, nó cảm thấy nó nhẹ tênh. Tiếng cậu cất lên:
- Thôi! Đừng nói lắm rát tai. Ta không bênh vực chi hắn mô, đừng nhiều chuyện. Bà ưng tống hắn đi mô thì cứ việc, có giỏi cứ tống đi, coi! Miễn thuê cho tôi một đứa siêng năng giỏi giắn như rứa đặng thay vô là được, một đứa cho lanh chân lẹ miệng, chớ không phải con Bếp chằng tinh, nấu canh bỏ sâu trong nồi. Đừng dài lời. Con nhỏ suốt ngày quay như cái vụ: bửa củi, tưới cây, vo gạo, xách nước, mua cao lâu cho mẹ, mua bánh bò, bánh ướt cho con. Một buổi sáng mà chạy mua năm bảy món ăn, người ni, món ni, người khác, món khác. Đời chừ chớ phải thuở trước mô ... bạc ngàn chưa chắc thuê được như rứa. Đứa mô mà ở nhà ni e rằng phải có ba đầu sáu tay mới bưa nổi với mẹ con bà.
Mợ hét:
- Nuôi mà không cho sai à? Rứa nuôi để chi? Để thờ à? Có phải chỉ để bắt sâu và tưới cây cho ông không thì cho biết thử coi?
Cuộc đấu khẩu giữa hai người chưa chấm dứt ngang đó song Tâm nản, hết tò mò, hết muốn nghe. Nó muốn biết rõ là ban nãy nó lầm: nó như từ tầng cao rơi tuột xuống vực thẳm sau khi nghe những lời phân bua rành rẽ của cậu nó. Nó muốn khóc, song nước mắt nó như khô cạn từ lâu. Nó bật thành tiếng:
- Mẹ ơi! Bà ơi! Không ai thương con hết!
Tâm không bao giờ kêu cha.
Đến tuổi nó, đáng lẽ phải được cắp sách đến trường. Nhưng không ai nghĩ đến việc khai tâm mở trí cho một con Mọi Đen như nó cả. Tâm cũng không lấy làm lạ, nó chỉ hơi tiêng tiếc mỗi khi nó vớ được cuốn sách - bất kể sách gì, sách của ai - đâu đó, đang mải mê lật xem thì bị ngay một anh hay một chị, con của cậu nó xông lại giằng ra khỏi tay nó, nói mỉa:
- Thôi! Mọi Đen mà cũng bày đặt đọc sách!
Tâm còn ngơ ngác, ngỡ là nó bị trừng phạt về cái lỗi dám phạm thượng mó đôi bàn tay đen đủi bẩn thỉu vào sách của họ, thì ngạc nhiên làm sao: họ vứt ra xa, chứ không phải giằng lại để cất. Tâm không tiếc nữa, nó tủi thân thấm thía.
Tâm lờ mờ hiểu rằng hạng như nó thì chỉ được ăn cơm thừa, canh cặn, thứ chỉ để dành cho chó. Song sự thực còn tệ hơn, nó còn thua con chó nhà cậu: vì mỗi lần có khách lạ đến nhà, cậu vẫn mang chó khoe, chứ nó tuyệt nhiên không. Nó là cái gai, là con vật bẩn thỉu xấu xí ... bằng cớ là nó không được pha nước trà cho khách, không được chường mặt lên nhà trên bao giờ.
Mỗi năm, mỗi tuổi, nỗi khổ nhục chồng chất, tăng trưởng theo năm tháng. Vú già không chịu nổi thói cư xử tệ ác của cậu mợ nó, xin thôi. Tâm ước gì mình cũng dễ dàng xin thôi như một kẻ tôi tớ vậy!
Vú già trước khi đi, kêu nó ra chuồng heo, giúi vào tay nó hai tờ giấy 10 đồng mới toanh đỏ chói, nghẹn ngào mà nói với Tâm:
- Này Tâm! Con ráng mà siêng năng kẻo bị đòn khổ thân, nghe chưa ? Vú về quê ...
- Rồi chừng nào Vú ra ?
Tâm hốt hoảng hỏi. Vú buồn rầu:
- Chắc không ...
Nhưng thấy con bé rơm rớm nước mắt Vú chữa lại:
- Chắc lâu lắm ...
- Vậy mà Vú nói Vú thương con ... Ai cũng bỏ con, đi hết ...
- Vú thương con lắm chớ, phải chi cậu mợ cho phép, Vú đem con về quê liền. Con ưng ở với Vú không? Nhà Vú nghèo khổ, mà ... mà điều Vú thương con, dầu bữa cơm bữa khoai ...
- Con không sợ nghèo khổ. Con ưng ở với Vú hơn, sao Vú không xin ...
Vú già lấy tay bưng miệng đứa trẻ lại, giọng lo ngại:
- Chết! Con đừng nói dại, ai nghe được thì khổ thân. Ráng chịu khổ ít lâu ... Mai sau con lớn Trời Phật thương, con sẽ được sung sướng ...
- Trời Phật không thương con đâu, con biết! Giọng hờn dỗi Tâm ngắt lời Vú già. Vú gắt:
- Nói bậy, ai nói với con là Trời Phật không thương con? Mang tội chết!
- Ai nói, con biết mà! Con đen nên Trời Phật cũng ghét con ...
- Đừng nghĩ bậy, Tâm! Trời Phật công minh lắm ... con phải ...
Từ nhà trên có tiếng mợ quát the thé:
- Con Mọi Đen lủi đi mô rồi?
- Nó ra ngoài chuồng heo nói chuyện với Vú già đó, mạ nờ!
- Chuyện chi lâu lắc rứa? Tâm tỉ chuyện chi rứa? Nói trộm nói xấu chi tau?
- Thôi! để Vú đi! Đừng có bịn rịn Vú thêm buồn! Cất hai chục ni để dành mua chè đậu ván ăn nghe?
- Con không thèm ăn chè, con ưng đi theo Vú ...
Tâm giữ chặt áo Vú, song Vú già nhẹ nhàng gỡ tay Tâm ra, nước mắt ròng ròng lăn dài trên đôi má nhăn nheo, Vú đi thẳng, không quay lại. Tâm nức lên, oà khóc, quên cả bị mợ rầy.
Nhờ hai chục bạc Vú già cho, Tâm được hưởng cái ngọt ngào, bùi ngậy và thơm qua những chén chè đậu ván của dì Bình.
Nó tiện tặn, không dám ăn mỗi ngày, cứ năm ba ngày mới cất lẻn ra ngõ, đón dì ấy đi ngang, mua một chén.
Tâm rất yên lòng thưởng thức món quà quý giá, vì vào giờ ấy cậu mợ đã yên giấc nghỉ trưa. Chị bếp cũng nằm khoèo trên bộ ván giữa nhà ngang đánh một giấc.
Nhưng hai chục to lớn đó vẫn không là cái kho vô tận, cho đến một hôm kia, Tâm ăn đến đồng bạc cuối cùng. Nó nhai thật kỹ hay nói đúng, nó không nhai, nó ngậm trong miệng chờ cho nước bọt thấm qua hạt đậu ván bùi ngậy và hạt đậu tan ra, lẫn trong những hạt nếp nhừ bấn, bây giờ nó mới nuốt đi. Chờ một lúc dì Bình mải cuối xuống thò cái vá đồng sáng loáng bám những hạt đậu bám quanh xoong chè, Tâm thè lưỡi liếm quanh lòng chén, thật kỹ, thật sạch. Và nó chắc lưỡi thèm thuồng. Tâm nghĩ thầm một cách hối tiếc:
- Phải chi hôm kia đừng ăn, để bữa ni ăn một bữa cho đã thèm rồi nhịn cũng sướng!
Dì Bình tuy không thấy Tâm liếm chén chè, nhưng đến khi nhận cái chén, dì định nhúng vào chậu nước mang theo rửa qua loa bỗng dì ngừng lại kêu to:
- Tâm, bộ mi liếm răng sao mà cái chén sạch dữ ri?
Tâm bẽn lẽn không nhận mà cũng không chối, cắm đầu chạy thẳng vô nhà.
Tâm vốn ghét những khi nhà có việc. Nó đã bận luôn tay, mà mỗi khi nhà có việc nó lại càng khổ thân hơn: dậy từ khi gà gáy đầu vài lần, vài mãi tới khuya lắc, khuya lơ mới được phép đặt lưng xuống ngủ.
Nhưng hơn nửa tháng nay nó cứ ngong ngóng trông có việc (nghĩa là có chuyện cúng kính) đặng mình được dịp vét nồi ... chè. Thường sau khi múc cúng xong, chị Bếp ưu tiên vét nồi, song dù vét kỹ đến mấy cũng sót chút đỉnh. Bằng giọng hách dịch của bọn đầy tớ nhà sang, chị kênh kiệu bảo Tâm:
- Con tê! Vô vét nồi đi tề! Mau lên rồi lấy xơ mướp mà chùi sạch cho tau đặng chiều nay tau nấu cơm. Sứơng không? Tau để phần cho mi đó, con yêu nợ!
Tâm cười toét miệng, bày cả mấy cái răng sún, đón nồi chè không như đón của quí!
Vậy mà nửa tháng nay nó trông đợi hoài công. Chưa tới kỳ giỗ chạp không có vía vang gì hết, nên việ cúng kiếng không đến. Tâm thèm chè ghê gớm.
Để đỡ thèm, mỗi bận mợ hay các anh chị sai ra phố mua sắm gì, nó nấn ná chờ đến khi dì Bình gánh chè đi ngang mới đi mua, nếu liệu việc không gấp. Đi ngang gánh chè dì Bình, Tâm trùng trình đứng lại, gặp lúc dì đang mở xoong chè múc cho khách hàng thì nó len lén phồng mũi hít lia lịa, dáng bộ trông thật đáng thương.
Có khi, bỗng dưng mợt ý nghĩ khùng khùng đến với nó; nó ước trở thành cái xoong đặng đựng chè cho sướng!
Một bữa, Tâm tần ngần đứng nhìn thực khách bỗng nó để ý thấy con Lìn,(con bà tàu bán cao lâu) ngồi ăn chè một cách ngon lành, ăn xong nó đứng lên không xỉa tiền ra trả cho dì Bình như thói quen trước nay và như mọi khách hàng khác mà dõng dạc nói:
- Ăn chịu một bữa, dì Bình!
Tâm ngạc nhiên hơn, khi nó thấy dì Bình cười toe toét:
- Được! Muốn ăn mấy thì ăn, không can chi!
Ăn mấy thì ăn không can chi? Ăn mấy thì ăn không can chi? Suốt ngày, suốt đêm lúc làm việc, lúc ăn cơm cho chí tận lúc ngủ câu đó cứ vang vang trong đầu nó! Láy đi, láy lại như một điệp khúc không ngừng!
Chà! Cái dì Bình bán chè coi vậy mà tử tế biết chừng nào! Nếu dì đã tử tế, dễ dãi với con Lìn đến mức đó thì chắc dì cũng không hẹp bụng chi đối với Tâm ...
Tâm cứ vương vấn ý nghĩ: ăn chịu chè dì Bình một bữa. Hừ! Mình mà ăn chịu thì mình ăn hai ba chén cho đã thèm, ăn chi một chén mất công ...
Song Tâm chỉ hăng hái, quyết liệt trong đêm tối, trong lúc nằm ngủ hay trong khi quơ củi vo gạo. Mỗi lần gặp dì Bình gánh chè ngang tầm mắt, quyết định tiêu tán mất. Nó sợ quá: ngộ dì ấy trở mặt giở chứng níu áo đòi tiền thì có mà chết gấp! Tâm không dám. Chớ sao! Ai cấm dì tử tế với con Lìn mà không tử tế với Tâm! Tâm, một con bé mồ côi, nghèo khổ đen thui, đen thủi thế này ...
Ngày ngày chậm chạp trôi qua. Sự thèm khát càng nung nấu, thôi thúc trong lòng nó. Nó vẫn không tiến tới quyết định được, nó do dự, chần chờ. Nó đâm giận mình, có gì khó khăn đâu: Chỉ việc ngồi xuống, điềm nhiên biểu dì Bình múc chè cho ăn, ăn xong, đứng dậy dõng dạc nói:
- Ăn chịu một bữa, dì Bình!
Thế là chu! Có gì là khó đâu. Mà nó sợ kia chứ? mà nó không dám thực hành chứ?
Một đêm Tâm nằm mơ, nó thấy nó làm được điều nó muốn, không vấp chút trở ngại nào cả. Mọi chuyện êm xuôi hết. Và nó còn nhớ khi nó đứng lên, lấy lai áo lau miệng nói mấy tiếng "ăn chịu một bữa dì Bình" thì dì ấy không chỉ cười toe toét và chỉ nói: "Được, muốn ăn mấy thì ăn, không can chi" mà còn khuyến khích nó ăn thêm bằng giọng ngọt ngào:
- Ăn nữa đi, Tâm! Tau thương mi lắm, Tâm ơi!
Rồi kỳ diệu làm sao: sau câu ấy, tức thì dì biến thành bà ngoại. Tâm nghĩ: phải rồi, không phải dì Bình bán chè, mà bà ngoại, nên bà ngoại mới thương mình cho ăn thả cửa. Nó kêu lên: "Ngoại ơi" rồi sà tới ôm chặt ngoại - nhưng ngoại xô nó ra, gánh gánh chè lên. Tâm khóc ngất ...
Tỉnh giấc, Tâm ngơ ngẩn hồi lâu. Suốt ngày hôm đó, Tâm như người bị ma đốt hồn - lời mợ nó - Song nó không để ý chi đến điều bị mắng mỏ, nặng nhẹ. Nó lẩm bẩm:
- Mình phải ăn chè. Mình cứ ăn chịu là xong! Con Lìn ăn được, mình ăn được!
Xế trưa hôm ấy, Tâm chờ mợ vào phòng là phóng tuốt ra ngõ đón gánh chè dì Bình. Gớm! Con bé mới sốt ruột làm sao chứ! Ngóng hoài không thấy. Để đỡ sốt ruột, Tâm tự hỏi mình: "lạ kỳ, sao người lớn không ăn chịu kìa?" và nó tự trả lời một cách thoả đáng "Chắc người lớn ăn chịu không được, dì Bình không bán, chỉ có con nít mới được phép ăn chịu" Nó thêm: "Người lớn con nít gì cũng ăn chịu thì dì Bình làm sao có tiền?" Tâm cười toét một mình bằng lòng sự thông minh của nó lắm. Vậy mà cậu mợ và mấy anh chị nó cứ chê nó là ngu, là đồ Mọi Đen!
Từ đằng xa, dì Bình gánh chè thong thả đi tới phía nó. Trống ngực Tâm đánh thình thình. Nó hốt hoảng, cảm thấy can đảm hầu tiêu tán hết. Nó quay đầu lại tính rút lui nếu ngay lúc đó mà con Lìn và hai người đàn bà nữa không vẫy gánh chè của dì Bình về phía họ. Nhờ mấy người đó, Tâm thấy can đảm bỗng được phục hồi. Nó đĩnh đạc tới gần gánh chè, chờ đợi.
Bọn khách hàng cười nói ba hoa song Tâm không nghe chi cả, trong đầu nó kế hoạch gần như đảo lộn. Nó thấy ghét mình, giận mình quá đỗi. May sao dì Bình hất hàm về phía nó, mời:
- Ăn chè không? Ăn đi Tâm!
Tâm sà ngay xuống, gật đầu, giọng chắc nịch không khác gì những lúc hai chục bạc mới hao hụt vài đồng:
- Múc cho em một đồng đi!
Dì Bình lẳng lặng múc chè trao cho nó. Tâm đón lấy, nhìn quanh trước khi múc muỗng thứ nhất cho vào miệng. Chao ơi là ngọt, là bùi! Tâm ăn rất dè xẻn, nhon nhón từng hạt đậu, chỉ nơm nớp sợ hết. Chờ cho mấy người kia đứng dậy quay lưng nó mới đưa trả chén không, bụng còn thèm nhưng tự nhủ: để lần khác, ăn nhiều sợ lần khác dì Bình không bán.
Tâm sắp sửa nói "ăn chịu một ..." nhưng nó chưa kịp mở miệng thì dì Bình đã chìa tay giục:
- Trả tìên đây, Tâm! Mau tao còn đi bán kẻo chiều, trời mưa ...
Hoảng hốt, Tâm lắp bắp:
- Dạ, em không ... có tiền ... em ... em ...
Dì Bình cau mặt, trừng mắt, gằn giọng nạt dồn:
- Không có tiền hử! Không có tiền sao dám ăn? Tính quịt phải không?
- Dạ em ăn chịu ... một bữa ...
- Ăn chịu? Nói ngon không? Nì tau nói thiệt, không có tiền thì đừng có liều, ăn ẩu. Muốn xin phải nói trước, con Mọi Đen! Mi tưởng tau quên hử? Có hai ba mạng chớ phải hai ba chục người ăn mà quên? Trả tiền mau! Không tau đòi mợ mi ra chừ đây!
Tâm run như cái giẻ phơi trước gió:
- Em lạy dì, em không có tiền, dì đừng đòi mợ em ...
- Không có tiền thì cởi áo thế vô! Quân điêu! Tau không giỡn với mi! Cởi áo ra ...
- Em có một cái áo đây thôi, cởi ra lạnh chết, tội nghiệp em. Em lạy dì! Ví lại, em cởi thế cho dì, mợ em thấy ở trần, mợ em ...
- Mược kệ mi! Tau không cần biết ... đồ gian giảo, điêu ngoa! Mi có trả không thì nói?
Bỗng dưng, dì Bình thấy con bé sao mà dễ ghét quá chừng đi: môi thì dày, đúng là môi miệng quân tham ăn tham uống; mắt thì lồi thấy mà gớm ghiếc, da mặt thì đen kậy, đen kịt như quỷ sứ hiện hình - dù là dì chưa từng thấy quỷ sứ bao giờ - Mà ghét nhất là hắn đã lập tâm, tính ăn quịt ... hèn chi khi hồi hắn không ăn liền, chờ cho mấy người tê ăn xong ... quân gớm thiệt! Quân ni không tha được, phải trị ... trị ...
Tiếng dì Bình càng phút càng to dấm dẳn, ráo riết. Tâm lạy lục, van xin vô ích. Những tiếng đó vang tận nhà trong. Lũ trẻ con ùa ra, đứng xem như xem xiếc. Một đứa thót vào mách mẹ liền. Mợ Tâm vừa quấn vội mái tóc dài, vừa hỏi chõ ra:
- Chi rứa bây? Con Tâm tê?
Trong lúc hai chân bà không ngừng bước ra ngõ. Tâm đứng chết sững, nước mắt nhòe nhoẹt. Dì Bình được thể, cất giọng ơn nghĩa:
- Dạ, bẩm bà, bà nghĩ ai chịu nổi chưa: thà hắn xin tui một chén tui không tiếc chi, đằng ni hắn phỉnh tui ... cha sanh mẹ đẻ tới chừ tui chưa từng thấy con ai chừng nớ mà điêu rứa ...
Không cần hỏi ất giáp chi, mợ Tâm sấn lại, túm áo con bé lôi tuồn tuột vào nhà ...
Con Mọi Đen bị một trận đòn mê tơi, đáng đích, nhiều hơn, dữ hơn bất cứ trận đòn nào từ trước đến nay. Con Mọi Đen ban đầu còn kêu ca, van lạy, toan phân trần nhưng không ai nghe nó cả: cả các anh, các chị, cả cậu và cả chị Bếp. Đứng ngoài, chị ta còn phụ hoạ thêm.
- Con ni tệ thiệt! Lần mô nhà cúng con cũng cho hắn vét nồi chớ con có rớ tới mô!
Sau, nó im lìm chịu trận. Không phải nó mặt sứa gan lim như mợ vẫn bảo mà vì nó cạn hơi, mòn sức đi rồi.
- Thôi! quân nớ có đập bị bông, hắn có biết đau đớn chi mô mà đập cho mỏi tay. Đập rứa bưa rồi! Đi lên, kẻo tối lại mất công xức dầu khuynh diệp, mất công sắp nhỏ bóp tay!
Cậu nói vọng xuống. Mợ buông tay du con Mọi Đen vô một xó, rửa tay, đi lên.
Anh Hoài hỏi chị Cúc:
- Tau đố mi tại sao con Tâm hắn làm chuyện động trời rứa?
- Tại cơ thể hắn cần chất đường
- Bông! Tại răng cần chất đường?
- Tại vì hắn hay dậy sớm ra sân bắt sâu cây cảnh cho ba, chất đường thêm nhiệt lượng cho cơ thể, chống lại cái lạnh, ví lại ...
- Tầm bậy rồi! Mi nói rứa mà vô thi là zê rô cho coi! Chất béo tức là chất lipit mới gây ...
- Thôi! Ồn ào quá, buổi trưa cho cha bây nghỉ một chút. Hết chuyện nọ đến chuyện tê rần rần cả ngày.
Người cha gắt hai con. Bà mẹ sừng sộ, gây liền:
- Ông nói ai rần rần? Lại binh con Mọi Đen phải không? Muốn đóng trang thờ hắn phải không?
- Ai nhủ bà đóng trang thờ hắn? Ăn nói chi mà hàm hồ hàm chứa ...
Tức thì bà lồng lên, nhiếc nhóng chồng đủ thứ. Hết chuyện con Mọi Đen mợ xoay qua chuyện khác. Giọng đay nghiến mợ nói:
- Chỉ biết ăn với lại ăn thôi: hết bánh sen tán đến bánh đậu xanh khô, bánh kẹp chưa hết đã đòi bánh ga-tô, bánh thuẫn. Khi mô cái thẩu bánh hơi vơi vơi là kiếm chuyện. Ăn như tằm ăn lên ...
- Nói rứa mà không sợ người khuất mặt khuất mày hai bên vai vác ghi chép à? Cả một lũ con bà cũng ăn chớ một mình tôi ăn mô? Hễ bưng cái thẩu ra là đứa ni một cái, đứa tê hai cái, có trưa mô tôi uống nước trà, ăn bánh ngọt mà khỏi con bà dự vô? Tôi ăn chi nhiều nhặn của bà mà kể lể? Rứa chớ hồi tôi tại chức, tiền vô như nước, một bước xe, hai bước xe, kẻ hầu người hạ răng bà không kêu ca giùm chút? Ai vô hưởng? Cậu mạ tôi có đội mồ lên hưởng mô, mô nà? ... Tôi ...
Tuy cậu từng hét ra lửa, quát ra bạc nhưng trong phạm vi gia đình cậu không bao giờ qua mặt nội tướng nổi. Mợ trả đũa:
- À! Rứa là tự miệng ông nói ra đó nghe? Bây giờ tôi hiểu lòng dạ ông rồi đó! Ông không muốn cho con ăn, ưng để chúng ăn lường ăn quịt, hay hơn phải không ?
Mợ vô tình nhắc lại tội lỗi cháu cậu, tưởng cậu sẽ ngán mợ, ai ngờ quá giận vì bị vợ cho là mình tham ăn với con, cậu phát khùng lên, cậu kể phăng ra:
- Tại ai? Tại răng đến nỗi hắn phải ăn lường, ăn quịt? Ngày mô mà con bà không ăn của ngọt? Mà có khi mô bà thí cho hắn một rẻo bánh không? Nì, bà trả lời cho xuôi coi?
- Trời ơi! Ông binh con Mọi Đen dữ, hỉ? Tôi giao nhà cửa lại cho cậu cháu ông, mẹ con tôi đi chừ đây! Tôi không ham đâu ...
Cậu ngắt lời mợ, đanh thép:
- Đừng có ồn, thiên hạ người ta cười cho thúi óc, tui hỏi bà từ con Bếp, Vú già cho chí bọn tôi tớ trước ni, có đứa mô dễ sai, dễ khiến, làm luôn tay luôn chân như hắn chưa? Bà thí cho hắn mấy trự bạc công? Có tấm áo mô lành không? Vừa vừa chớ! Còn lưu lại cái đức cho con chớ! Ăn ở chi mà cạn tàu ráo máng, trời mô mà dung hử? Đừng có nói tôi binh. Không ai thương yêu gì thứ đó, cái chi cũng phải phải, phân phân chớ ...
Mợ nghẹn họng. Mợ lảm nhảm vài câu chiếu lệ rồi thôi. Hai bên hưu chiến.
Không ai rỗi hơi tìm hiểu nguyên do nào khiến một con bé nhút nhát lại cả gan như vậy. Tội nghiệp: Tâm không hiểu rằng ăn chịu nghĩa là ,ăn mà không trả tiền ngay, nhưng vẫn phải trả vào ngày khác. Hoặc muốn văn chương và kinh tế học hơn thì nói thế này: "Đó là một hình thức vay mượn, tuy không bằng hiện kim". Nó ngỡ rằng khi một đứa trẻ không có tiền mà muốn ăn quà thì cứ ăn, miễn ăn xong, nhớ nói "ăn chịu" và phải nhớ nói trước chớ để sau như nó thì người bán hàng sẽ đòi tiền và lúc đó vô phương cứu vãn!
Nó ngu ư? Không đâu: rõ ràng nó nghe con Lìn nói:
- Ăn chịu một bữa, dì Bình!
Chớ con Lìn có thêm "mai mốt trả tiền" đâu mà biết? Nếu con Lìn có nói thêm mấy tiếng sau thì có cho nó vàng khối, nó cũng không dám liều lĩnh vậy. Thật đáng thương cho cái đầu óc tối tăm như màu da của con bé!
Tận đến lúc bị trận đòn nhừ tử Tâm vẫn còn băn khoăn về tội trạng mình. Nó tự hỏi: hay là bởi nó đen đủi xấu xí dì Bình không bằng lòng cho nó được ăn chịu. Thế thôi!
[Hình: attachment.php?aid=3654]


File đính kèm Thumbnail(s)
   
THANK YOU
[-] dieuquang được 2 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (06-12-2012 04:00 PM), baothai (07-12-2012 03:31 AM)
06-12-2012, 10:44 AM
Bài viết: #6
RE: MỘT CÂU CHUYỆN
CÂU CHUYỆN THỨ SÁU

PHÁP THUẬT CAO CƯỜNG.

Ngày xưa có vị thiền sư cùng các đệ tử đi qua một khu rừng ,đến một mé sông ....thấy có một đạo sĩ du già ngồi ở cội cây .
Thiền sư hỏi :
-Ông ở đây bao lâu và tu chứng được gì?
Đạo sĩ nói:
-Tôi tu đã bốn mươi năm và đã có được phép khinh thân ,đi qua con sông mà không cần gì đến ghe xuồng gì cả!
Nói xong ,đạo sĩ niệm chú ,nhún mình bay là là trên mặt nước và vượt qua sông nhẹ như chiếc lá ...
Trước những cặp mắt vô cùng thán phục của các đệ tử .
-Thiền sư mĩm cười ,nói với đạo sĩ :
-Tưỡng gì lạ lùng ,chứ để đi qua con sông mà phải tốn công phu luyện đến bốn mươi năm thì thật phí công uỗng sức vô ích quá !Chỉ với đồng tiền nhỏ bé này ,người đưa đò sẽ đưa chúng ta qua sông một cách rất dễ dàng , sao ông không học những gì hửu ích hơn?
THANK YOU
[-] dieuquang được 2 thành viên cám ơn cho post này:
Hoang Oanh (06-12-2012 04:01 PM), baothai (07-12-2012 03:29 AM)
06-12-2012, 04:11 PM
Bài viết: #7
RE: MỘT CÂU CHUYỆN
Đọc 6 câu chuyện của anh hai Diệu, Cô Oanh nhà ta biết bao xúc cảm, vẫn biết đời là vô thường ...

TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN
THANK YOU
[-] Hoang Oanh được 1 thành viên cám ơn cho post này:
baothai (07-12-2012 03:29 AM)
07-12-2012, 03:29 AM
Bài viết: #8
RE: MỘT CÂU CHUYỆN
Vâng, đời là thế đấy.


CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN, NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA

.........LOVE YOU ALL..............
THANK YOU
[-] baothai được 2 thành viên cám ơn cho post này:
dieuquang (07-12-2012 04:17 AM), Hoang Oanh (20-03-2013 04:18 PM)
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS