Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Chữ
01-09-2011, 10:55 AM (Được chỉnh sửa: 01-09-2011 10:56 AM bởi quangvu.)
Bài viết: #1
Star Chữ
Bài viết hay, nguồn: http://www.gio-o.com/VoDinhChu.html

Chữ

Võ Đình

Ngày xuân, chúng ta thường nói chuyện hoa mai, hoa đào. Hoa đào lại thường gợi nhớ đến một người: Ông đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên. "Bao nhiêu người thuê viết" tấm tắc ngợi khen chữ ông đồ đẹp như "phượng múa rồng bay".

Xin nói ngay: Chữ đây không phải là thứ chữ ông đồ viết. Chỉ có những a, b, c,... dấu sắc, dấu huyền, dấu hỏi, dấu ngã mà thôi. Thứ chữ các cụ ngày xưa chê là ngoằn ngoèo như con trùn (thưa bạn đọc Bắc Nam: con giun, con trùng đấy ạ). Cũng xin nói rõ: Chữ đây là chữ viết, không phải "chữ nghĩa". Không có chuyện văn chương ở đây.

Chưa đầy sáu mươi năm về trước cuốn Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân ra đời. Thuở đó nhà văn Việt Nam chỉ sử dụng toàn thứ chữ "con trùn" này. Viết thì viết thứ chữ "con trùn" đó nhưng trong "Chữ Người Tử Tù" ông Nguyễn lại có cái giọng bi tráng tiếc thương nét chữ đẹp đã mai một. Nguyễn Tuân không nói ra nhưng người đọc thừa biết cái chữ đẹp đó không phải là chữ quốc ngữ như ta biết ngày nay mà là chữ Hán, chữ Nôm với những nét sổ, nét mác, nét câu, nét nại, v.v. Chẳng những người tử tù Huấn Cao cho chữ, ông còn có lời dặn dò viên quan coi ngục: "Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn, rõ ràng như thế. Thoi mực, kiếm được ở đâu tốt và thơm lắm. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?"

Đọc mê lắm. Tuy nhiên, cái mê thời nhỏ tuổi khác với cái mê lúc về già. Đọc lại Nguyễn Tuân, tôi hụt hẫng: Làm sao ở bực thầy về một cách viết văn, sự hiểu biết về cái đẹp của chữ Hán lại có thể lơ mơ như thế! Nét chữ "vuông vắn, rõ ràng" thì đẹp nỗi gì mà viên ngục quan phải cung phụng "người tử tù" đến mức ấy? "Vuông vắn, rõ ràng" đâu có làm nên thư pháp đẹp. Rồi lại thoi mực và chậu mực. Phải mấy thoi mới mài cho đầy một "chậu"?

Nhưng thôi, Nguyễn Tuân là Nguyễn Tuân, nhăn nhó với ông về ba cái lẻ tẻ này mà làm chi! Thời các ông Nguyễn Tuân, Huấn Cao đã qua rồi. Thời chúng ta, bây giờ đây này, thời những "con trùn" đã thực thụ trở thành con chữ, duy nhất, độc tôn, thứ chữ chúng ta dùng để làm thơ cũng như để thảo văn kiện, để viết thư tình cũng như để gắn "mét xa" lên tủ lạnh, thời nay chúng ta có ông Võ Phiến. Người tạo nên những nhân vật Bốn Thôi, Bốn Tản, Ba Thê Đồng Thời sanh ra thì chữ quốc ngữ đã bám rễ thật sâu, thật chắc rồi. Cho nên ông gần gũi với chữ "con trùn" hết sức. Ông viết về người nọ ngồi một mình xem sách: "Ở góc bên trái phía dưới trang sách, một chữ O nhoẻn cười, vui ra phết. [...] Cái chữ O này láu lỉnh lắm nhá". Thấy được một chữ O cười, đã là tinh. Thấy được "Giữa trang, một chữ N ngúc nga, ngúc ngắc[...]", đấy mới tài tình, chẳng phải ai cũng thấy được.

Trước ông Võ Phiến, trước cả ông Nguyễn Tuân, ở cái xứ từng đem quân qua xâm lược nước ta, cái xứ cũng dùng thứ chữ "con trùn" nói trên, có ông Arthur Rimbaud ["Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine/ Hai chàng thi sĩ choáng hơi men"... – Xuân Diệu] lại thấy cả màu sắc nơi các con chữ nữa kia: "A noir, E blanc, I rouge"... (A đen, E trắng, I đỏ...).

Các nhà văn, nhà thơ, họ mẫn cảm lắm. Ông Nguyễn Tuân tiếc thương thứ chữ sổ dọc đá ngang của tiền nhân. Ông Võ Phiến thấy những con chữ đứa thì "cười" đứa thì "ngúc nga ngúc ngắc". Ông Rimbaud bên trời Tây xa xôi lại thấy những nguyên âm (bài thơ có tên là Voyelles)...có màu có sắc! Cả ba ông, ông Tây của thế kỷ 19, hai ông Việt của thế kỷ 20, cả ba ông đều cầm bút sắt viết chữ "con trùn" cả, thứ chữ các cụ ta ngày xưa vừa ghét vừa khinh (và, có lẽ, vừa sợ).

Tôi không chia sẻ cái nhìn đầy thành kiến của các cụ.

Tôi lớn lên, chữ Hán, chữ Nôm đã mất hết địa vị ở nước ta từ lâu. Thuở nhỏ, tôi cũng có được học mót dăm ba chữ của "thánh hiền". Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám, thuộc như cháo đôi ba đoạn. Rồi đến tuổi mươi, mười lăm, tuổi ngấp nghé dòm ngó các nàng "văn học nghệ thuật", thú thật cũng đã có lúc trang trọng... ngoái ngược kiểu "vang bóng", ra cái điều cốt cách: nghí ngoáy viết chữ quốc ngữ theo lối viết chữ Hán, có đá, có móc, đủ ngón. Không viết ngang, từ trái sang phải mà viết dọc từ trên xuống dưới. Cổ kính lắm! Những năm chưa được một ông bạn người Hoa khắc cho cái triện son, cũng có khi ký tên xong còn lẩn thẩn vẽ thêm cái hình vuông vuông rồi ngọ ngoạy chêm vào dăm ba đường nét kỳ khu: Khi thì cái tên, khi thì cái năm. Ông Huấn Cao mà thấy được cái lối đóng triện son này e rằng ông cũng phải khóc thét lên!

Sao lại có chuyện rắc rối như vậy?

Chung qui chỉ vì cái nọc độc hại của một mớ thành kiến: Cái ghét, cái khinh của các cụ đối với chữ "con trùn" đã ăn sâu vào mình hồi nào không hay. Chữ "con trùn" là chữ của quân xâm lược, của ngoại nhân, của những giống "bạch quỉ". Chữ "con trùn" không được viết bằng bút lông mực Tàu cho nên những tiêu chuẩn truyền thống vốn để đánh giá cái nét đẹp, cái nét xấu, chỉ còn là một lũ ngơ ngáo không dùng vào đâu được. Chữ "con trùn" mà dùng để ghi chép lời hay ý đẹp của "thánh hiền", của "tao nhân mặc khách" à? Không được, không được! Vang Bóng Một Thời ra đời năm 1943: Tôi lên 10. Đâu ngờ hàng trăm năm sau ngày chữ "con trùn" xâm nhập vào đất nước của ông cha ta mà cái nọc độc của thành kiến vẫn còn sức công phá như thế.

*

Ông đồ già của thi sĩ Vũ Đình Liên, người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân, họ phải chịu phần nào trách nhiệm về cái sức công phá ấy. Trong mấy chục năm, thanh thiếu niên Việt nam gồng mình cõng trên lưng khi thì ông đồ này khi thì người tù kia. Ông Vũ và ông Nguyễn không thể nào ngờ được rằng một ngày, đâu có xa xôi gì, thứ chữ "con trùn" ấy, khi đã hoàn toàn trở nên "quốc ngữ", tuyệt đối được chấp nhận và phổ biến, lại có nguy cơ bị hủy diệt. Xin thêm hai cái dấu kép: "hủy diệt". Bởi chăng cái tiếng (Việt) thì vẫn còn, cái lời (văn) thì vẫn sống nhưng cái chữ (viết) lại đang trên đà tiêu tùng.

Cuối thế kỷ 20, sáu thập niên sau "Chữ Người Tử Tù", kẻ phá hoại không phải là thái độ bảo thủ của các cụ ngày trước mà là khoa học kỹ thuật Tây phương. Cũng chính một phương Tây ấy, khi thì đem qua cho ta chữ "con trùn", khi thì, với áp lực hay cưỡng bách kinh tế, "vô tình" loại bỏ cái chữ viết của ta nay đã đến giai đoạn thay thế được những nét bút lông mê hoặc thuở nào.

A! đồ "bạch quỉ"! Đầu têu là cái máy đánh chữ (machine à écrire; typewriter).

Thuở nhỏ, tôi coi cái máy đánh chữ là một phát minh tuyệt vời. Được người lớn cho phép gõ lóc cóc vài chữ, sướng vô kể. Trong mấy thập niên nó được sử dụng để những gì viết (tay) ra nom gọn gàng, tươm tất, dễ đọc hơn, chính xác và "chính thức" hơn. Cho đến mươi năm trước đây cái máy đánh chữ còn được dùng đều đặn. Đồng thời người ta cũng vẫn còn cầm bút mà viết. Nếu cần, viết xong "cho đánh máy" lại. Viết thư, viết bài (học), viết báo, viết văn... Ngoại trừ một số trường hợp ở Âu Mỹ (viết thẳng với máy đánh chữ) cái máy vẫn chưa thay thế cây bút. Chẳng những thế, trong giới thượng lưu có học Âu Mỹ, người ta còn coi một lá thư viết tay như một dấu hiệu lịch sự của cung cách người viết. Ngày nay vẫn còn có những nữ chủ nhân cặm cụi viết tay những tấm thiệp mời đến dự một họp mặt tao nhã... Nhưng rồi cái còm-piu-tơ cá nhân được sản xuất hàng loạt, tung ra thị trường, ngày càng tân tiến, càng hoàn bị. Lúc đó, trong giới tiêu thụ nói chung, trong giới viết lách nói riêng, cây bút mới biết thân, biết phận, vội vàng rút lui.

Người ta không cầm cây bút mà viết nữa. Người ta gõ lóc cóc lên mặt chữ. Những con chữ chui ra từ máy điện não, gọn ghẽ, sắc sảo, và... trần trụi. Chữ không còn là "trùn" nữa.

Gõ lên mặt chữ cho cái máy nó in ra, nhanh hơn, khỏe hơn, hợp thời hơn. Dĩ nhiên. Dĩ nhiên, xe hơi nhanh hơn xe đạp. Xe đạp nhanh hơn đi bộ. Cái hay, cái tiện rành rành. Kỹ thuật tuyệt vời. Cho nên viết không được hiểu như trước. Viết được định nghĩa lại. Viết không nhất thiết phải là cầm cây bút mà viết những chữ "con trùn" ngoằn ngoèo lên giấy. Hoặc người ta không cầm cây bút mà viết nữa, hoặc bất đắc dĩ lắm phải cầm thì... Lẽ tự nhiên, cái gì mà không làm thường xuyên, để ngày càng nhuần nhuyễn, càng thuần thục, đến khi cần phải làm, tránh sao khỏi lọng cọng, vấp váp. Trong một bài viết cũ, tôi có kể lại kinh nghiệm bản thân: Thật lâu về trước, trong mấy năm trời, tôi không có dịp nói tiếng Việt. Một hôm, đột nhiên, có cơ hội nói mới kinh hoàng thấy rằng mình nói tiếng Việt... ngọng! Phải chăng những ngón tay ngày ngày gõ lóc cóc lên mặt chữ của một cái máy, đến lúc cần phải cầm cây bút, chúng nó tránh sao khỏi có lúc ngượng ngập, cứng cỏi. Hậu quả: Chữ viết bằng bút "xuống cấp" thê thảm.

Võ Đình

Sáu thập niên về trước, nhà văn Nguyễn Tuân tiếc thương cái chữ đẹp mặc dù đó là thứ chữ của những kẻ đã bao lần đày đọa ông cha ta. Ngày nay, chẳng biết sẽ có một ông Nguyễn Tuân nào khác "dư nước mắt" khóc cho cái chữ "con trùn" trên đà mất dạng. Bởi vì những "con trùn" hạ tiện ấy cũng có cái đẹp của chúng.

*

Chữ "con trùn" mà đẹp à?!

Đẹp chứ. Xin lạy các cụ ngày xưa mấy lạy. Chúng con chỉ biết có thứ chữ "con trùn" này mà thôi. Tuy phần đông chúng con không đủ khả năng thưởng thức thứ chữ của "thánh hiền" đến từ phương Bắc, chúng con vẫn trân trọng lòng kính yêu quí Cụ đã dành cho nó. Sự trân trọng đó, xin quí Cụ thông cảm cho, vẫn cho phép một số chúng con để mắt đến... cái đẹp của thứ chữ ngày trước quí Cụ đã vừa ghét vừa khinh. Bởi vì chữ "con trùn" không đẹp bằng chữ Hán viết với bút lông mực Tàu nhưng nó cũng đẹp. Cái đẹp riêng của chính nó.

Ngày trước, khi ở Âu Mỹ người ta còn dùng ngòi bút lông ngỗng (tiếng Pháp, plume là lông vũ mà cũng có nghĩa là ngòi bút) viết chữ "con trùn" thật đẹp được đưa lên hàng một nghệ thuật: Calligraphy, một từ ngày nay còn được dùng để gọi cả thư pháp Trung Hoa, Chinese Calligraphy. Bạn đọc ở Mỹ cứ vào thư viện mà xem hình chụp bản Tuyên ngôn Độc lập. Hơn hai trăm năm về trước, người ta viết chữ "con trùn" bay bướm thế đấy, phóng túng thế đấy.

Hiềm nỗi, các "cha già dân tộc" Hiệp chủng quốc còn dựa dẫm quá nhiều vào cái đẹp ước lệ, dễ dãi: những đường cong lả lướt, vi vút, những râu ria xoắn tít xoắn mù, những "đuôi", những "vòi" chờn vờn, loanh quanh, điểm điểm tô tô, thừa thãi và vô bổ. Công bằng mà xét, cái đẹp của chữ viết như thế chưa bước đến gót chân của nét bút Vương Hi Chi, Tống Huy Tông, Tô Đông Pha và những đại thư pháp gia khác của Trung Hoa xưa. Tuy nhiên, cũng vì lẽ công bằng mà không thể đem so những "con trùn" với chữ viết của "thánh hiền". Cần phải có một cách nhìn khác.

Cách nhìn đó phải gạt bỏ ra ngoài vòng chơi những thứ trang sức hoa hòe hay điểm tô thừa thãi. Vì chữ "con trùn" được viết với bút sắt nên không thể bàn chuyện đẹp xấu của "thịt", "xương", "gân" như khi thưởng ngoạn thư pháp Trung Hoa. Vì chữ "con trùn" được viết ngay hàng thẳng lối, theo một thứ tự đều đặn và liên tục của những mẫu tự nối chân nhau nên cũng không thể có chuyện con chữ "vuông vắn, rõ ràng" như "chữ người tử tù" của ông Nguyễn Tuân. Ấy thế mà nếu được một bàn tay viết đẹp thì chữ "con trùn" cũng có thể đẹp lạ lùng.

Nhìn từ một góc độ khác, ở một thời điểm khác, trong một hoàn cảnh khác, đối tượng của cái nhìn đem lại cho ta một cái thấy mới mẻ đầy thú vị, những khám phá không ngờ. Bạn đọc hãy làm một thí nghiệm đơn giản sau đây.

Trên một mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay, bạn lấy bút mực đậm (hay magic marker đen) viết tên bạn. Dưới tên, ghi năm sinh, nơi sinh... Chỉ cần để ý một điều: Hãy viết thật nhanh, tự nhiên, đừng nắn nót, gò bó. Đoạn bạn lật ngược giấy lại, soi lên ánh đèn. Những chữ (ngược), những con số (ngược) đó ngộ nghĩnh hẳn ra. Thoạt đầu, bạn có thể bỡ ngỡ không đọc được tên mình vốn là những chữ quen thuộc nhất. Nhìn kỹ hơn, những nét bút lạ sẽ đem lại cho bạn một niềm thích thú mới. Bây giờ bạn hãy xoay mảnh giấy dựng đứng lên. Tên bạn, v.v... bây giờ nằm dọc chứ không nằm ngang nữa. Cái thứ chữ "con trùn" này, đâu ngờ nó cũng có móc, có câu, có sổ, có đá đấy chứ không đâu! Bây giờ bạn thấy rằng, hiển nhiên, cái đẹp cũng có thể tìm ra được ở cái chữ "con trùn". Bây giờ, bạn hãy xoay mảnh giấy lại mặt phải của nó, và nhìn những chữ bạn đã viết với một đôi mắt mới tinh.

*

Nhất Linh là một nhà văn mà tôi hết lòng kính yêu từ thuở chưa được phép... mặc quần tây dài! Yêu cả khuôn mặt dạn dày và bộ ria dáng dấp phóng đãng của ông. Ấy vậy mà khi có dịp được thấy thủ bút của ông (được in lại), tôi tiu nghỉu. Chữ nhỏ li ti, đều đặn, liền lạc với nhau như những hạt mè đen nằm nối đuôi. Làm sao một người như Nhất Linh, nghệ sĩ, chính khách, một người có cuộc sống xuôi ngược, hào hùng như thế mà lại có chữ viết dè xẻn, cần cù như vậy? Tôi cũng từng được thấy chữ ký của Khái Hưng. Vì ông ký một cách như viết nên thấy được "nét" chữ của ông: Dõng dạc, phóng khoáng, đẹp.

Vốn thường lưu tâm đến chữ viết tay, tôi có cái thú... "bới lông tìm vết"! Phân tích chữ viết như một phương pháp khoa học tâm lý, tôi không màng. Tôi chỉ tò mò lấy làm lạ là có người viết (văn) hay mà viết (chữ) tồi. Có người bụng dạ thật tốt mà chữ viết... thật xấu. Có người tính khí mạnh mẽ mà chữ viết tầm tầm. Có người dè dặt, hiền lành mà chữ viết ngang nhiên, gân guốc. Vì thế tôi không dại gì đặt nhiều lòng tin vào nghệ thuật xem chữ đoán người. Sái một ly đi một dặm, là cái chắc.

Nhân nói chuyện về CHỮ không thể không nghĩ đến một vài người quen biết gần xa, những người tôi vẫn coi là viết chữ tốt. Dĩ nhiên, cái nhìn của tôi đâu có thể không chủ quan!

Ở Việt nam, Trịnh Công Sơn viết chữ thật tốt mặc dù có khi đều đặn quá, hay có khi lại bay bướm quá. Chữ Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể không "tốt" bằng chữ Trịnh Công Sơn, nhưng cứng cỏi hơn, rạch ròi hơn. Trương Thìn có chữ viết phóng khoáng, mạnh mẽ, nhiều tính nghệ sĩ. Hơn nửa thế kỷ, chữ viết cụ Vân Trì không thay đổi: Nét nào ra nét ấy, không thiếu, không thừa một ly. Chữ như vậy là tốt, nhưng đẹp?

Ở Pháp, thầy Nhất Hạnh cũng có lối chữ tương tự. Viết như thở: "Hít vào thì biết rằng hít vào"; "Thở ra thì biết rằng thở ra". Cho nên chữ viết dung dị, nghiêm túc, đều đặn. Và vắng bóng những nét bung phá ngoạn mục. Chữ Đặng Tiến có cá tính mạnh: Trúc trắc, gập ghềnh một cách nghênh ngang. Thi Vũ: Chữ viết chăm chút, nhưng rộng rãi, vững vàng.

Miền Đông Gia-Nã-Đại có một số chữ thật tốt: Nguyễn Quý Bổng ở Ottawa, Trân Sa ở Toronto, Hoàng Xuân Sơn và Hồ Đình Nghiêm ở Montréal.

Miền Tây Gia-Nã-Đại, ngươi Hạnh Cơ viết chữ quốc ngữ thật tốt mà viết chữ Hán với bút lông cũng nhuyễn lắm.

California, ha!

Ở Nam Cali, Bùi Vĩnh Phúc viết văn khúc chiết, sáng sủa, nhưng chữ viết của họ Bùi, thật tốt, lại có lúc bay bướm quá. Hoàng Quốc Bảo cũng vậy: Chữ thật tốt nhưng đôi khi quá hoa hòe. (Nguyễn) Khánh Trường không tránh né cái bay bướm, cái hoa hòe ấy được bao nhiêu cho nên lắm lúc bị chúng tóm được! Phóng bút là một cái "sướng" mà cũng là một cái "tật". "Tật" ấy, tìm thấy tận bên trời Úc châu xa xôi: Nguyễn Hưng Quốc, văn đã hay mà chữ lại tốt. Chỉ tiếc đôi khi chữ người trượt chân xuống chỗ hoa hòe – như ba ông, Bùi, Hoàng, và Nguyễn ở Nam Cali. Cũng ở tận bên trời Úc châu xa xôi có Hoàng Ngọc-Tuấn viết chữ thật tốt. Tốt và đẹp. Gần miền Đông Hoa kỳ hơn, bên Đức quốc, có Đỗ Quang Nghĩa – chồng của Lê Minh Hà – chữ viết cũng vào hạng cừ khôi.

Cũng ở Nam Cali, nhưng không như ông Bùi (Vĩnh Phúc) viết chữ bay bướm, có bà Bùi (Bích Hà) viết chữ thẳng thớm, đều đặn, rất tốt, tuy không có cái nét bóng bẩy lắm khi tìm thấy trong văn. Chữ viết của nhà thơ Viên Linh, thuộc vào bực thượng thừa. Cẩn trọng, đài các như người, là chữ viết của nhà thơ Thanh Nhung (Công huyền Tôn nữ Nha Trang).

Bắc Cali có Nguyễn Bá Trạc: Bây giờ không biết thế nào chứ nhiều năm về trước, gặp nhau, thấy người thì năng nổ, "bất cần đời" mà chữ viết lại ung dung, cẩn túc. Lạ. Đó cũng là trường hợp Nguyễn thị Hoàng Bắc ở Virginia: Chữ viết tốt, nghiêm trang, thon thả, không sắc nhọn, nghịch ngợm như người. Virginia lại có nhà thơ Vi Khuê, chữ viết trang trọng, nghiêm chỉnh. Có điều, chữ bà tốt nhưng vì chăm chút quá, nắn nót quá, thành ra gò bó. Cũng ở Virginia, có ngươi Đinh Cường viết chữ tốt. Tốt nhưng, không như danh tính, hơi nhu.

Trở về California, thủ đô tị nạn: Nhiều người, lắm tài. Có một anh, hay bệnh, gầy nhom, nhưng chữ viết lại ngang tàng, gân guốc. Nhịp chữ phóng khoáng, tự do mà trang trọng, chu đáo. Nét chữ sắc sảo mà vẫn có dáng uyển chuyển, hào hoa. Đó là người viết Hà Thúc Sinh.

*

Có một số chữ tốt khác, trong nước cũng như ở hải ngoại. Nhưng "tốt" chưa đủ; chữ tốt lại cần phải có "nét" nữa kia.

"Nét" là gì? "Nét" quyến rũ cái nhìn của ta. Một khuôn mặt đầy đặn và đều đặn, mắt, mũi, miệng, cân đối có thể được coi là một khuôn mặt tốt. Nhưng phải có một hay đôi ba "nét" nào đó thêm vào mới làm nên một khuôn mặt đẹp. "Nét" đó không nhất thiết phải là một cái gì hoàn chỉnh, hoàn hão. Chiếc răng cời, cái má lúm, con mắt mại có thể làm cho một khuôn mặt tốt trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng thôi, chuyện đẹp xấu, nói không cùng. Người Mỹ có câu nói, đại khái chuyện xấu đẹp tùy nơi con mắt người nhìn. Thế này đã là chủ quan lắm lắm.

Tôi ước mong bạn đọc, bạn viết xa gần, gõ còm-piu-tơ thì cứ nhưng mỗi ngày hãy cầm lấy cây bút, tí toáy với nó một lúc đến khi nào ấm tay thì thôi, đừng để nó nằm vất vưởng một mình, tội nghiệp. Nhất là những vị may mắn được "trời cho" cái chữ tốt. Đừng để tác giả "Chữ Người Tử Tù", nơi minh mông, ông ấy tủi thân. Hỡi những ông (bà) đồ của thời nay!

2000
Võ Đình

Happiness is a journey, not a destination.
THANK YOU
 


Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS