Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
ĐINH DẬU 2017
10-01-2017, 10:07 PM
Bài viết: #2
RE: ĐINH DẬU 2017
NĂM GÀ CÓ CHÚT CHUYỆN LIÊN QUAN GÀ ( đọc vui nên copy) MỜI BÀ CON RELAX.

[Hình: attachment.php?aid=13135]
Đinh Dậu từ 28-01-2017 đến 15-02-2018

Sau khi năm Bính Thân chấm dứt, thì đến năm Đinh Dậu được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ sáu, 27-01-2017 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 15-02-2018. Năm Đinh Dậu này thuộc hành Hỏa và mạng Sơn Hạ Hỏa giống năm Bính Thân, nhưng năm Đinh Dậu thuộc Âm, cho nên năm này có can Đinh thuộc Hỏa và có chi Dậu thuộc Kim. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành, thì "mạng Hỏa khắc mạng Kim " tức năm này "Can khắc Chi " hay nói khác đi Trời khắc Đất. Bởi vì, mạng Hỏa được khắc xuất, mạng Kim bị khắc nhập. Do vậy, năm này xem như là năm xấu nhứt tổng quát, không thể thực hiện gì kết quả như ý. Trường hợp này, giống như những người có : mạng Hỏa gặp năm mạng Thủy - mạng Thủy gặp năm mạng Thổ - mạng Thổ gặp năm mạng Mộc và mạng Mộc gặp năm mạng Kim.
Năm Dậu tức Gà cũng là Kê, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở luôn trong sinh hoạt xả hội hằng ngày, từ đó mới có những từ ngữ liên quan, xin trích dẫn như sau :
Dậu là con Gà đứng hạng thứ 10 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi. Gà là loài gia súc thường được nuôi trong nhà như : Gà, Vịt, Heo, Chó, Mèo.v.v. Nhưng Gà có cái đặc biệt là có 2 chân cùng với Vịt, trong khi các gia súc khác là Heo, Chó, Mèo .v.v thì có 4 chân.
Gà là loài lông vũ giống như loài Công, đẻ trứng, nhưng Gà và Công có vị trí cách biệt nhau hèn sang, bởi vậy, trong thành ngữ chúng ta có câu : "Gà muốn áo Công"

Gà Nhà tức Gia Kê : là loại thường nuôi gần nhà, sáng thả ra nuôi trong vườn, chiều tối chúng nó trở về ngủ trong chuồng, ngày chỉ cho ăn hai lần. Các loại gà nhà thường thấy là : Gà trống, gà mái, gà tơ tức gà giò, gà tre, gà ác, gà tàu, gà nòi (chọi) tức Gà để đá nhau, gà lôi tức Gà Tây.v.v. nhờ nuôi như thế, nên thịt chúng nó rất thơm ngon hơn các Gà nuôi nhốt trong chuồng để bán thịt hay trứng. Đó là, Gà kỷ nghệ.
Gà rừng tức Sơn Kê : là loại sống trong rừng, nhỏ con, bay giỏi và rất hung dữ lại hiếu chiến.
Gà nước : là loại sống ngoài đồng ruộng, hình dáng giống Gà, nhưng bay rất giỏi như loài chim.
Gà gô tức loài chim Đa đa thường sống đồi núi có cây thưa.
Gà cồ hay Gà trống tức Hùng Kê có thân hình lớn con, có mồng đỏ chót rất oai vệ.
Gà mái không có mồng đỏ và không oai vệ như gà trống, cho nên người nào có gương mặt tái mét, thì thường bị thiên hạ nói có bộ mặt như gà mái.
Gà giò tức Gà tơ thường để ăn thịt.
Gà ác thường có bộ lông màu trắng, thịt màu đen, chân đen xì, nhỏ con, rất hiền không hung dữ như Gà nòi (chọi) thường đá nhau. Loại gà này, là loại Gà nhà, trong dân gian rất thích thịt nó để hầm với thuốc Bắc như : Sâm, Nhãn Nhục, Thục Địa .v.v. ăn rất bồi bổ cho cơ thể. Đó là, ích lợi con Gà ác, nhưng không biết tại sao nó mang tên Gà ác?
Gà so là Gà mới đẻ trứng lứa đầu. Các trứng đẻ đầu được gọi là trứng Gà so.
Gà Tre là loại Gà nhỏ con, còn Gà trống tre thì có màu sắc sặc sỡ, lại thích đá nhau, không khác Gà trống nòi, nó cũng có cựa nữa.
Gà tàu có bộ lông hơi nâu, da vàng, thịt ăn rất ngon lại mềm và dai nếu nuôi thả trong vườn.

Khi nói đến Gà nòi để đá nhau, thường thấy có các bộ lông như sau :
Gà Điều có bộ lông màu đỏ.
Gà nhạn có bộ lông như loài Nhạn.
Gà Bướm có bộ lông có lốm đốm như loài Bướm.
Gà Chuối có bộ lông nhiều màu như: trắng, đỏ, vàng, nâu, xám lốm đốm như thân cây chuối.
Gà Xám có bộ lông màu xám.
Gà Ô có bộ lông đen tuyền.

Gà Ó có lông hay mắt giống như chim Ó...
Ngoài ra, trong Ca dao, Tục Ngữ, Thành Ngữ cũng như truyền khẩu trong dân gian cũng có rất nhiều, nói về Gà, xin trích dẫn như sau :
Gà lạc bầy Gà kêu chiu chít,
Phụng lìa Loan, Phụng lại biếng bay
Xa em từ mấy bửa rày,
Cơm ăn không đặng áo gài hở bâu.

Gà nào hay bằng Gà Cao Lảnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.

Con Gà cục tác lá chanh,
Con Lợn ụt ịt mua hành cho tôi.
Con Chó khóc đứng khóc ngồi,
Mẹ ơi! đi chợ mua tôi đồng riềng.

Gà tơ xào với mướp già,
Vợ hai mươi mốt, chồng đã sáu mươi.
Ra đường chị giễu em cười,
Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng;
Đêm nằm tưởng cái gối bông,
Giật mình gối phải râu chồng nằm bên.

Tuổi Thân con Khỉ ơ lùm,
Chuyền qua chuyền lại, té ùm xuống sông.
Tuổi Dậu con Gà vàng bông,
Có mỏ có mồng, sang gáy ó o ...

Nuôi Gà phải chọn giống Gà,
Gà ri giống bé nhưng mà đẻ sai.

Máu Gà lại tẩm xương Gà,
Máu người đem tẩm xương ta bao giờ.

Chị kia bới tóc đuôi Gà,
Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu ...?

Mẹ Gà con Vịt chít chiu,
Mấy đời dì ghẻ mà thươngcon chồng.v.v.(ca dao)

Về Tục Ngữ xin trích dẫn như sau :

Chớp đông nhay nháy, Gà gáy thì mưa.
Trẻ trộm Gà, già trộm Bà.
Gà cựa dài thì rắn, cựa ngắn thì mềm.
Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau.
Gà đen, chân trắng mẹ mắng cũng mua.
Gà trắng, chân chì mua chi giống ấy.
Gà béo thì bán bên ngô, Gà khô bán láng giềng.
Gà chê thóc chẳng bới thì người mới chê tiền.
Gà người gáy, Gà nhà ta sáng.
Gà què ăn quẩn cối xay.
Con Gà tức nhau tiếng gáy .v.v. (tục ngữ).

Còn thành ngữ thì :

Quẹt mỏ như Gà.
Sợ nỗi da Gà.
Thóc đâu no Gà, cơm đâu no Chó.
Mặt tái như Gà cắt tiết.
Tóc đuôi Gà, mày lá liễu.
Tội Gà vạ Vịt.
Trấu trong nhà để Gà ai bới.
Trông Gà hoá Quốc.
Vắng chủ nhà, Gà mọc đuôi tôm.
Rối như Gà mắc đẻ.
Rũ như Gà cắt tiết.
Gà trống nuôi con.
Gà què bị Chó đuổi.
Gà muốn áo Công.
Gà nhà lại bới bếp nhà.
Một tiền Gà, ba tiền thóc.
Gà mái đá Gà cồ.
Nửa đêm Gà gáy.
Gà đẻ Gà cục tác.
Gà mái gáy gở .v.v.

"Gà mái gáy gở". Đó là, một việc làm hay một điềm bất thường, bởi vì thói đời thường con Gà trống mới gáy, con Gà mái thường không gáy, chỉ khi nào nó đẻ xong thì cục tác mà thôi, cho nên việc con Gà mái gáy là việc bất thường và trong xóm làng nào nghe được tiếng Gà mái gáy, thì cho là điềm gở tức bất thường, không khác cô hay bà nào đó trong xóm làng có hành động bất thường hay quá quắc hoặc đôi khi làm ô-nhục gia phong...

Không những trong các : Ca Dao, Tục Ngữ và Thành Ngữ nói đến Gà, mà trong các câu hò cũng nói đến Gà, ví như sau :
Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh Gà thọ Xương.

Khi nói về các giai thoại và nguồn gốc về Gà cũng như phương pháp đá Gà hay dùng Gà để nấu các thức ăn thì rất nhiều.

Những cây cỏ mang tên Gà như sau :

Cây mồng (mào) Gà trắng (*).
Cây mồng (mào) Gà đỏ (*).

(*) hai cây này cũng có tên là Dã Kê Quan.

Cây Ruột Gà.
Cây seo (theo) Gà tức là Phượng vĩ Thảo
Cây keo Dậu tức là cây Bồ Kết.
Cây Kê huyết Đằng.
Cây Kê Niệu Thảo tức là câyThường Sơn.
Cỏ trói Gà tức là cỏ tỹ Gà.
Cỏ tiết Gà....
Đó là những cây cỏ có thể biến chế để trị bịnh thông thường, xem như dược thảo.

GÀ TRONG NHÂN GIAN

1/ Chuyện có tay phú hộ tuổi đã trên sáu mươi mà vẫn chưa chừa bỏ cái máu mê mây mưa khoái lạc, trăng hoa mèo mỡ. Nhân sắp được bước đến tuổi "thất thập cổ lai hy", lão phú hộ tổ chức tiệc mừng thọ, mời đông đủ chức sắc trong làng và hàng xóm láng giềng đến dự thật hào nhoáng linh đình. Bạn bè thân hữu gần xa làm thơ gửi về ca tụng, trong đó có một bài thơ hai câu làm cho mọi người bình luận xôn xao khi được nghe lão phú hộ đem ra đọc to lên mấy lần với ý khoe khoang. Thơ rằng:
Già trên sáu chục không đeo kính
Thức suốt năm canh chỉ sợ gà!
Khách đến dự tiệc bình phẩm bài thơ, không khí thật sôi nổi, cuối cùng ai cũng công nhận rằng đó là một thi phẩm tuyệt tác dã ca ngợi lão phú hộ là bậc cao sĩ "khinh thế ngoại vật… nên không cần đeo kính để khỏi nhìn thấy cảnh đời ô trọc nhiễu nhương và vì là người nặng lòng "ưu thời mẫn thế" nên suốt bao đêm phú hộ đã không ngủ được, chỉ 10 tiếng gà gáy báo sáng cất lên khiến cho tâm tư quay về với cảnh thực buồn chán- Ai cũng tấm tắc khen thơ hay quá, trừ một ông đồ nho không nói không rằng mà cứ cười tủm tỉm, khiến cho nhiều người lấy làm lạ xúm lại hỏi nguyên cớ. Ông đồ nho để cho mọi người năn nỉ thật lâu mới nói:
Đây là bài thơ của tay cao thủ nào đó có ý ngầm xỏ xiên chuyện ông phú hộ đã già rồi mà còn ham vui cái chuyện tình dục mèo mỡ lăng nhăng. "Không đeo kính" là "không kinh đ…", còn "chỉ sợ gà" là "chỉ gạ sờ", chứ có "làm ăn" gì được đâu ?

2/ Có ông Thủ Thiệm nổi tiếng ở đất Tam Kỳ - Quảng Nam vào khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, là một bậc nghĩa khí trung trực, tuy giữ một chân Thủ Sắc trong làng nhưng cực kỳ căm ghét bọn mua quan bán tước, cũng như quân mọt nước sâu dân. Lần nọ, chứng kiến cảnh lũ người bất tài võ tướng tranh giành nhau mua chút phẩm hàm từ hạng bét cửu phẩm đến hạng sang nhất phẩm, ông Thủ Thiệm liền nghĩ ra một kế dạy cho chúng một bài học nhớ đời. Ông mua một bầy gà lông trắng toát, rồi dùng màu xanh đỏ tím vàng chấm lên lông chúng từ một chấm đến chín chấm, sau đó mượn cớ có việc làng cần bàn, ông mời bọn lý dịch lại nhà mình. Đợi cho chúng đến đông đủ, ông mang thóc ra gọi gà về cho ăn, những kẻ "quan mua" thấy bầy gà có lông chấm màu đều ngạc nhiên, vừa khen đẹp, vừa gặng hỏi ông về đàn gà lạ lẫm. ông Thủ Thiệm bình thản rằng: "Chẳng qua do gà nhà tôi đông quá, nên tôi đánh dấu cho khỏi lẫn lộn gà hàng xóm, qua đó tôi cũng biết được con nào khỏe, con nào tốt, con nào đẻ mắn, con nào đẻ cách nhật, con nào đẻ trứng so, con nào đẻ lần thứ hai. Muốn phân biệt chúng, tôi căn cừ vào số chấm mà gọi nhất phẩm, nhị phẩm, tam phẩm cho đến bát phẩm, cửu phẩm. Ôi dào . . nhưng đánh dấu gọi tên cẩn thận rõ ràng như vậy mà lũ gà này ngu lại thậm ngu. Ngày nào tôi cũng cho ăn thóc, ăn ngô, vậy mà chúng cứ suốt ngày rúc đầu vô mấy đống rác hay đống phân dơ nhớp mà mổ mà bới. Chấm phẩm cho chúng chỉ được cái mã bên ngoài, chứ thực chất chúng đều là những thứ dốt nát hủ bại và ở dơ thượng hạng!. Bọn lý dịch "quan mua" nghe vậy tái mặt xấu hổ, bụng giận run lên, tức cành hông mà không tên nào dám hó hé miệng môi, vì chúng thừa biết kẻ đang ở trước mắt chơi khăm chúng chính là đại cao thủ Thủ Thiệm.

3/ Gia đình nọ có truyền thống sính văn chương thi phú, làm việc gì đều luôn nhớ thêm chút gia vị thơ phú vào cho vui vẻ. Nhân ngày Tết, lúc hạ cỗ có một con gà luộc, ông gia chủ ra điều kiện: "Đem con gà luộc này chặt khúc ra thành nhiều phần, hễ ai nhả ngọc phun châu bằng thơ Nôm mà có chữ trúng về phần nào của gà, thì được hưởng phần đó!"- Cả nhà reo vui đồng ý, đề nghị gia chủ xuất chiêu trước. Ông gia chủ ngâm ngay:
- Trai thời trung hiếu làm “đầu”!
Dứt lời, ông thản nhiên gắp ngay cái đầu gà- Bà vợ không chịu lép vế, hô lên:
Gái thời "tiết hạnh”, "phao câu", "cánh” ,”đùi”
Chỉ một câu mà bà ta đã gắp gần nửa con gà với phao câu, đùi, cánh và đã tiết luộc ngon lành. Cô con gái lớn cầm sẵn đôi đũa trên tay, ngâm nga:
- Phần con một "dạ" một "lòng".
Rồi cô tay quơ đũa gắp hết bộ lòng với đầy đủ tim gan mề ruột. Cậu con trai út nhìn lại thấy con gà trên khay chỉ còn cái mình, vậy bắt buộc phải đọc câu thơ có chữ "mình", nếu không thì chẳng có cái gì để ăn, nên vội vàng xổ ngay:
- Công cha nghĩa mẹ hết "mình" vì con!
Vậy là cậu út bê nguyên phần của con gà giữa tiếng cười vui của gia đình.


File đính kèm Thumbnail(s)
   
THANK YOU
 


Các bài viết trong chủ đề này
ĐINH DẬU 2017 - dieuquang - 09-01-2017, 09:33 PM
RE: ĐINH DẬU 2017 - dieuquang - 10-01-2017 10:07 PM
RE: ĐINH DẬU 2017 - dieuquang - 10-01-2017, 10:15 PM
RE: ĐINH DẬU 2017 - dieuquang - 10-01-2017, 10:23 PM

Chuyển nhanh:


Đang xem chủ đề này: 1 Khách

Liên hệ | Gốc Quê | Lên trên | Nội dung | Bản rút gọn | Tin RSS